Phạm Đình Lân
Năm Thìn và Những Chuyện Về Rồng
Năm 2012 là năm Nhâm Thìn tức năm con Rồng. Trong khuôn khổ bài viết ngắn ngủi nầy chúng tôi sẽ đề cập đến những mẩu chuyện liên quan đến Rồng trên mọi lãnh vực sinh hoạt của loài người và những biến cố lịch sử trọng đại ở Việt Nam và trên thế giới vào năm Thìn.
Rồng là con thú thật hay tưởng tượng?
Rồng là một con thú thật hay tưởng tượng? Nếu là con thú tưởng tượng tại sao nó lại được nhiều dân tộc trên thế giới đề cập đến trong sách vở, truyện kể và hình vẽ? Có phải chăng đó là loài thú vật thật nhưng giống ấy đã tuyệt chủng nên bây giờ không ai tìm thấy trên Trái Đất?
Theo các hình vẽ ở phương Tây, Rồng có vi, có vây, có cánh, có chân với móng vuốt dài và nhọn, miệng phun lửa.
Các hình vẽ ở Đông Phương không có vẽ cánh trên mình Rồng nhưng mô tả Rồng là con vật to lớn, mình có vi, vảy; chân có móng vuốt nhọn; đầu có sừng. Rồng sống dưới nước, trên mặt đất và có thể bay bổng trên mây xanh.
Rồng được người Anh và Pháp gọi là dragon. Tiếng La Tinh là draconem, xuất phát từ tiếng Hy Lạp draco có nghĩa là con rắn khổng lồ. Người Việt Nam gọi là Long (Hán-Việt) hay nôm na là Rồng. Người Triều Tiên gọi là Ryon tựa như chữ Rồng Của ta. Người Nhật gọi là Tatsu. Người Trung Hoa gọi là Long hay Lung như Hei Long jiang (Hắc Long Giang) chẳng hạn. Người Ấn Độ gọi Rồng là Vritra hay ahi có nghĩa là con rắn ba đầu. Người Do Thái dùng chữ Rahab để chỉ con quái vật khủng khiếp ngoài biển và là biểu tượng của Ai Cập cổ. Người Nhật xem Rồng là Hải Thần (Thần Biển), nhưng Rồng ở Nhật chỉ có ba móng mà thôi.
Căn cứ vào hình vẽ và cách gọi tên, ta thấy Rồng giống rắn vì mình dài, có vảy nhưng khác rắn vì có chân, có móng vuốt và có thể bay.
Căn cứ theo hình vẽ ở Đông Phương thì Rồng giống loài cắc kè, kỳ đà vì đầu có bờm gai, mình có vi, có vảy và chân có móng vuốt bén nhọn. Như vậy Rồng có thể xem là một loại bò sát có sức mạnh khủng khiếp sống trên cạn, dưới nước và có thể bay. Về các điểm nầy hiện trên Trái Đất chỉ còn loài sấu, một loài bò sát mình có vảy, sống lưng có gai, đầu có u, chân có móng vuốt cứng và bén. Môi trường sống nửa đất nửa nước. Sức khỏe của loài sấu nằm ở đuôi và hàm răng khi táp mồi. Sấu chỉ vẫy vùng dưới nước chớ không biết bay. Năm 2011 người ta bắt được một con sấu được xem là to nhất thế giới dài 6,40m, cân nặng 1.075 kg ở làng Bunawan thuộc tỉnh Agusan del Sur, Phi Luật Tân. Con sấu nầy đã từng ăn một con trâu dễ dàng. Năm 1840 người ta bắn một con sấu dài 10 m trong vịnh Bengal, Ấn Độ.
Theo sự mô tả của đại học sĩ Claudius Aellanus (175 - 235) trong On the Nature of Animals ở Ethiopia có một giống Rồng dài gần 56m (180 feet). Giống Rồng nầy săn voi để ăn thịt. Aellanus là người La Mã thông thạo Hy Lạp ngữ. Phần lớn các tác phẩm của ông đều viết bằng tiếng Hy Lạp.
Rồng có phải là sấu nước mặn Crocodylus porosus thuộc gia đình Crocodylinae?
Dân tộc Việt Nam tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên, tức chọn loài vật có sức mạnh khủng khiếp làm vật tổ. Quốc hiệu đầu tiên của nước ta là Văn Lang. Lang là loài chó sói bạo tợn, có tổ chức, có chỉ huy và sống tập thể để tự vệ chống lại mọi sự tấn công của các loài dã thú khác. Tên của 18 vi vua đầu tiên ở nước ta dều có chữ HÙNG, nghĩa là con gấu. Địa danh Giao Chỉ có nghĩa là xứ của giao long và cá sấu.
Ngày nay trên các đảo Komodo, Rinca, Flores, Gili Motang trong quần đảo Indonesia vẫn còn một giống kỳ đà mà người Tây Phương gọi là Rồng Komodo (Komodo dragon). Loài bò sát được gọi là Rồng Komodo nầy dài từ 3 đến 4m và cân nặng từ 70 đến 80kg. Tên khoa học của nó là Varanus komodensis thuộc gia đình Varanidae. Rồng Komodo có nọc độc. Nó có thể ăn thịt người. Người bị nó cắn có thể bị nọc độc mà chết. Rồng Komodo có thị giác rất mạnh. Nó thấy rõ một vật cách xa 300m. Rồng Komodo đẻ trứng và phải mất lối 8 tháng trứng mới nở. Khái niệm Rồng phun lửa của người Tây Phương xuất phát từ việc phun nọc độc của loài bò sát như rắn hổ mang (spitting cobra) hay Rồng Komodo?
Cũng có người có khuynh hướng đồng hóa Rồng với loài dinosaur đã tuyệt chủng. Theo từ nguyên Hy Lạp deinos có nghĩa là khủng khiếp, mãnh lực và sauros có nghĩa là loài bò sát như cắc ké, kỳ nhông. Các nhà nghiên cứu chuyên về dinosaur cho rằng loài dinosaur dòng Ornithischia có cánh và có xương chậu như chim. Sự khủng khiếp và sức mạnh của loài thú tuyệt chủng nầy là hàm răng nhọn lởm chởm và móng vuốt của nó giống như sự khủng khiếp của hàm răng và móng vuốt của sấu mà đuôi là sức mạnh. Loài dinosaur xuất hiện vào thời kỳ hậu Triassic (170 triệu năm trước) đến cuối thời kỳ Cretaceous (75 triệu năm trước).
Rồng trong xã hội loài người
Long là tiếng Hán-Việt dùng để chỉ con Rồng. Rồng là biểu tượng của quân quyền ở Đông Nam Á ngày xưa. Chỉ có vua mới được mặc long bào vàng thêu hình Rồng với đầy đủ 5 móng. Rồng ở các đình miếu chỉ có 4 móng. Rồng vẽ trên chén dĩa cho thứ dân dùng chỉ có 3 móng mà thôi. Mặt của vua được gọi là long nhan (mặt rồng), giường vua nằm được gọi là long sàng, thân thể của vua là long thể, xa giá của vua là long giá, long châu là thuyền Rồng, long huyệt là huyệt phát vương, long án là bàn viết của vua, long cổn là áo lễ có thêu hình Rồng của vua v.v…
Từ ngàn xưa tổ tiên người Việt Nam sớm có cuộc sống định cư và phát triển nông-ngư nghiệp. Chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con nói lên sự ly dị giữa nếp sống định cư của những người theo cha tức theo chế độ phụ hệ và nếp sống du canh của những người theo mẹ tức theo chế độ mẫu hệ. Người làm nghề nông nhất là trồng lúa rất cần nước. Ngày xưa người ta tin Rồng mang lại nước cho nông dân cày cấy. Ngư phủ đánh cá trên sông hay ven biển phải xâm mình mình để loài thủy quái nhận cùng giống mà không hãm hại. Thuyền bè vẽ mắt cho thủy quái sợ không dám quấy phá. Họ ước ao được như Rồng để vùng vẩy ngoài biển cả nơi có nhiều cá.
Tương truyền rằng khi vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La, nhà vua thấy Rồng bay trên thành. Từ đó có địa danh Thăng Long tức Hà Nội bây giờ. Người Đông Phương tin vào long mạch nên có tục cải táng khi chôn hài cốt tổ tiên vào "hàm rồng" do các thầy địa lý (geomancian) phát hiện với hy vọng con cháu sau nầy đều được vinh hiển và phát đạt hơn. Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Trịnh Kiểm đều là những người mồ côi nghèo khó lúc ấu thời. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ là nông dân tầm thường trong một thôn hẻo lánh trong tỉnh Qui Nhơn. Tất cả đều có vương nghiệp vẻ vang. Trịnh Kiểm được xem như ông tổ của các chúa Trịnh đầy quyền lực ở Bắc Hà từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Người ta tin rằng mồ mả của tổ tiên các vị ấy chôn trúng long mạch nên con cháu mới được nghiệp đế vương. Vì khái niệm long mạch mà Nghĩa Hòa Đoàn, một phong trào bài ngoại ở Trung Hoa vào cuối thế kỷ XIX đã phá hủy nhiều thiết lộ do người Tây Phương xây dựng.
Ở Việt Nam có rất nhiều địa danh mang chữ LONG như Vịnh Hạ Long, Thăng Long, Bái Tử Long, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Vĩnh Long, Long Biên, Long Thành, Long Thới, Phú Long, Cửu Long, Bình Long, Phước Long v.v…
Ở Mãn Châu có sông Hắc Long Giang (Hei Long Jiang). Ở Nhật vào thập niên 1930 có đảng Kokuryu-kai tức đảng Hắc Long, một đảng yêu nước cực đoan đòi nới rộng biên cương Nhật Bản đến tận bờ Hắc Long Giang.
Đào Duy Từ cố vấn chúa Sãi xây Lũy Trường Dực ở huyện Phong Lộc, Quảng Bình và Lũy Thầy trên sông Nhật Lệ, huyện Đồng Hới, là tác giả của Ngoạ Long Cương, trong đó ông tự ví mình như Gia Cát Lượng (Chia Ko Leang) bên Trung Hoa.
Ca dao và các cụm từ thông dụng trong ngôn ngữ Việt Nam nói về Rồng như sau:
Con Rồng thì đẻ ra Rồng,
Liu diu thì đẻ ra loài liu diu.
*
Bao giờ cá lý hóa long,
Đền ơn cha mẹ ẫm bồng ngày xưa.
*
Áo đen năm nút con Rồng,
Ở xa giống phượng, lại gần giống qui.
Rồng bay phụng múa là những cụm từ dùng để khen tặng những nét chữ Hán đẹp đặc biệt.
Vân tùng long, phong tùng hổ (Rồng gặp mây, cọp gặp gió) nói lên cảnh người gặp thời cơ tốt để làm nên sự nghiệp lớn.
Rồng vàng trao vuốt là điển tích về Chử Đồng Tử gốc ở Hưng Yên, sau khi thành Tiên đã hiện ra và cho Triệu Quang Phục một móng vuốt. Nhờ đó mà Triệu Quang Phục đánh đâu thắng đó. Chuyện nầy gợi lại cho chúng ta chuyện Thần Kim Qui cho vua An Dương Vương một cái móng để làm lẫy nỏ.
Rồng đến nhà tôm nói lên cảnh người quyền quí cao sang đến nhà người nghèo khó bần hèn.
Con Rồng cái là cụm từ ám chỉ những người đàn bà đầy uy quyền gây tác hại cho nhiều người.
Xâm nửa con Rồng là cụm từ chỉ những tay du côn nhát gan ở Nam Kỳ vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Những tay "anh chị"' là những người xâm mình trên cánh tay hay trên lưng, ngực. Đại ca là người xâm toàn thể con rồng với đầy đủ vi, vảy. móng vuốt. Xâm mình rất đau. Người chỉ xâm nửa con Rồng là người nhát gan vì chịu đau không nổi.
Dấu hiệu của Công Ty Hàng Không Việt Nam trước 1975 là con Rồng Xanh (Thanh Long). Rồng là huy hiệu của tổng thống VNCH đệ nhị.
Người Tây Phương cũng nói nhiều đến Rồng nhưng xem đó là một loài vật gây tác họa khủng khiếp. Chữ dragon (con Rồng) còn có nghĩa là quỉ Satan hay người hung bạo vô tình. Khi Mao Zedong (Mao Trạch Đông) nắm chánh quyền trên lục địa Trung Hoa, báo chí Tây Phương gọi Trung Hoa lục địa là Red Dragon (Xích Long). Trong Cựu Ước Kinh (Isaiah 27:1, 51: 9; Job: 26:13; Psalm 88: 10) có đề cập đến loài thủy quái khổng lồ dưới biển hay con quỉ biển gọi là Rahab. Đó là khái niệm về Rồng của người Do Thái cổ biểu tượng cho sức mạnh, sự xáo trộn và những điều xấu đầy tác hại.
Trong hội họa, các nghệ nhân Phương Đông thường vẽ tranh Long Hổ Hội, Rồng Ẩn Mây Xanh, Long-Lân-Qui-Phượng (Tứ Linh).
Trong khoa Tử Vi học của Trung Hoa có sao Thanh Long và sao Long Đức tượng trưng cho Rồng. Thanh Long ngộ Lưu Hà như Rồng gặp nước. Đó là cơ hội để vùng vẫy. Thanh Long ngộ Hóa Kỵ như Rồng ẩn mây xanh, rất tốt đẹp và sáng sủa khi cầu công danh. Thanh Long ngộ Quan Đới là người hiên ngang làng miếu.
Sao Thanh Long ở cung Thìn là đắc cách nhất.
Trong quẻ dịch có quẻ Long Phi Tại Thiên (Rồng bay trên trời).
Trong Bát Trân, tức tám món ăn ngon, cầu kỳ trên trần gian, gan Rồng là món ăn đứng đầu theo thứ tự như sau: 1- gan rồng, 2- tủy phượng, 3- chả cú, 4- bào thai heo, 5- đuôi cá gáy tức cá lý ngư, 6- tay gấu, 7- môi đười ươi, 8- nhượng heo con.
Trong Đông Y có phục long can là phần trong của lò đất đem rửa sạch, nung đỏ và nấu nước cho phụ nữ có thai uống để chữa chứng ói mửa khi mang thai.
Con trùng đất dài lối 20cm, không vi, không vây, không chân và không móng vuốt được gọi là địa long. Địa long được dùng làm thuốc chữa sốt rét và bán thân bất toại. Địa long còn có tác dụng làm cho đất xốp và mầu mỡ.
Long diên hương (nước miếng rồng) thực sự là chất nhờn có mùi khó chịu tiết ra từ ruột con cá nhà táng. Long diên hương được dùng trong kỹ nghệ dầu thơm.
Trong thiên văn học có sao Draco hay Draconis nằm giữa Ursa Major (Đại Hùng Tinh) và sao Cepheus hay Kepheus.
Trong thực vật học có rất nhiều loại thảo mộc mang tên Rồng, Long, hay Dragon như: long thảo đảm (cỏ mật rồng) Gentiana macrophylia; long thủ (nha đam, lô hội) Aloe vera; long não (óc rồng) Cinnamomum camphora; long nhãn (mắt rồng) Nephelium longana; long nha thảo (cỏ răng rồng) Agrimonia pilosa; móng lưng rồng (thạch bá chi, cây chân vịt) Selaginella tamariscina; long cốc (cây sấu) Dracontomelon duperreanum; xương rồng Euphorbia antiquorum; thanh long Hylocereus undatus có hoa rất đẹp nở về đêm như quỳnh hoa; đậu rồng Psophocarpus tetragonolobus (psophocarpus: trái khô khua ầm ĩ - tiếng Hy Lạp) là thực vật có từ 30 - 39% protein; thạch long nhục Ranunculus sceleratus; thủy long du long thái, rau dừa nước) Jussiaea repens; Snapdragon (hoa mõm rồng) Antirrhinum majus; dragon root (long căn) Arisaema dracontium; dragon head (long thủ bạc hà) Dracocephalum parviflorum; dragon blood (dây mây) Daemonorops draco; dragon tree (long huyết mộc) Dracaena draco co draconin A-C và icogenin có khả năng ngăn chận chứng bạch cầu tức ung thư tủy (leukemia) v.v.
Trong 40 số đề có ba số dành cho Rồng: số 5 (Địa Long), số 10 (Ngọa Long) và số 26 (Phi Long).
Trong 12 con giáp, năm con Rồng gọi là năm Thìn. Năm Thìn là năm dương (+). Năm 2012 là năm Nhâm Thìn. Sáu mươi năm trước (1952) là Nhâm Thìn và sáu mươi năm sau (2072) sẽ là năm Nhâm Thìn. Trong chu kỳ 60 năm có 5 năm Thìn:
Năm |
Tên Gọi |
Hành |
1904, 1964, 2024 |
Giáp Thìn |
Hỏa |
1916, 1976, 2036 |
Bính Thìn |
Thổ |
1928, 1988, 2048 |
Mậu Thìn |
Mộc |
1940, 2000, 2060 |
Canh Thìn |
Kim |
1952, 2012, 2072 |
Nhâm Thìn |
Thủy |
Người Việt Nam thường nhận xét Năm Thìn bão lụt vì nạn lụt thường xảy ra vào năm con Rồng. Năm 2012 là năm Nhâm Thìn hành Thủy càng gia tăng lượng nước nên nạn lụt càng ghê gớm hơn những năm Thìn khác. Năm Nhâm Thìn 1952 Biên Hòa và Phan Thiết bị nạn lụt tàn phá nặng nề. Người Việt Nam thường bị ám ảnh bời chiến tranh qua câu:
Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh
Can qua xứ xứ khởi đao binh,
Mã đề dương cước anh hùng tận,
Thân, dậu niên lai kiến thái bình.
Những câu thơ trên có vẻ thích ứng với đệ nhị thế chiến (1939 - 1945).
Chiến tranh bùng nổ lớn ở Âu Châu và Thái Bình Dương vào những năm Thìn (1940), Tỵ (1941), Ngọ (1942) và chấm dứt vào năm Dậu (1945).
Tháng Thìn là tháng 3 âm lịch
Giờ Thìn kéo dài từ 7 - 9 gìò sáng.
Tuổi Thìn hợp với: Tí, Thân, Dậu.
Tuổi Thìn không hợp: Tuất, Sửu, Mùi.
Biến cố lịch sử trong năm Thìn vào thế kỷ XX
1904: Chiến tranh Nga-Nhật ở Mãn Châu; sự thành lập Việt Nam Duy Tân Hội.
1916: Hải chiến Jutland; trận đánh Verdun; vua Duy Tân bị bắt sau cuộc khởi nghĩa bất thành ở Huế; cuộc nổi dậy mùa Phục Sinh ở Ái Nhĩ Lan (Easter Rising); Hoa Kỳ mua đảo Virgin Islands của Đan Mạch; Hoa Kỳ lập chánh phủ quân sự ở Cộng Hòa Dominican.
1928: Nữ phi công Hoa Kỳ Amelia Earhart lái phi cơ vượt Đại Tây Dương; kế hoạch Ngũ Niên đầu tiên ở Liên Sô.
1940: Đức chiếm miền Bắc nước Pháp ở phía Tây và tấn công Liên Sô ở phía Đông; quân Liên Sô chiếm các tiểu quốc vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania);Nhật tấn công Pháp ở Lạng Sơn.
1952: Hoa Kỳ thí nghiệm thành công trái bom khinh khí đầu tiên trên đảo san hô Eniwetok Atoll ngoài khơi Thái Bình Dương; trận lụt lớn ở Biên Hòa và Phan Thiết; tướng Jean de Lattre de Tassigny chết ở Paris, tướng Salan thay ông chỉ huy quân Viễn Chinh Pháp trên chiến trường Đông dương.
1964: Hoa Kỳ đưa phi cơ quân sự vào Lào; Panama đình chỉ quan hệ với Hoa Kỳ sau những cuộc biểu tình; quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về Vịnh Bắc Việt cho phép tổng thống hành động ở Việt Nam; trận đánh Bình Giả; Hiến Chương Vũng Tàu.
1976: Hoa Kỳ kỷ niệm 200 năm lập quốc; Sài Gòn cải danh thành Thành Phố Hồ Chí Minh; sự ra đời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
1988: Hải quân Cộng Sản Trung Hoa đánh chiếm Trường Sa; hỏa tiễn Hoa Kỳ lạc hướng trúng vào một tàu chiến của Iran trong Vịnh Ba Tư (Persian Gulf); Trường Chinh Đặng Xuân Khu chết.
2000: Vladimir Putin đắc cử tổng thống Nga; Bush II thắng ứng cử viên của đảng Dân Chủ Al Gore bằng một số phiếu sít sao ở Florida sau một cuộc kiểm phiếu nhập nhằng; hiệp ước Việt-Hoa về vấn đề lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo; báo động bịnh bò điên ở Âu Châu.
Nhân vật lịch sử sinh vào năm Thìn
Dưới đây là những nhà lãnh đạo hay nhân vật quan trọng trên thế giới sinh vào năm Thìn: Ben Bella (Algeria), Zulfikar Ali Bhutto (Pakistan), Peter Willem Botha (Nam Phi), Deng Xiaoping (CHNDTQ), Francisco Franco (Tây Ban Nha), Ernesto Che Guevara (Nam Mỹ gốc Argentina), François Mitterant (Pháp), Nikolayevich Kosygin (Liên Sô), Pol Pot (Kampuchea), Harold Wilson (Anh), v.v.
Ahmed Ben Bella sinh năm 1916 là một nhà lãnh đạo cách mạng ở Algeria. Trong đệ nhị thế chiến ông phục vụ trong quân đội Pháp. Ông bí mật hoạt động trong phong trào giải phóng Algeria và bị cầm tù từ năm 1950 đến 1952. Ra tù ông thành lập Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia (FLN: Front de Libération Nationale). Năm 1956 ông bị Pháp bắt và chỉ được tự do năm 1962 sau khi thỏa ước Evian ký kết công nhận sự độc lập của Algeria. Ben Bella được bầu làm tổng thống năm 1963. Năm 1965 ông bị đại tá Boumenienne lật đổ. Ông được tự do năm 1980 nhưng phải sống lưu vong ở Thụy Sĩ. Đến năm 1990 ông trở về Algeria.
Ben Bella là người thân Cộng Sản và được Liên Sô ban huy chương Anh Hùng Liên Sô năm 1964! Cũng có tài liệu cho rằng ông sinh vào năm 1918 thay vì năm Thìn 1916.
Zulfikar Ali Bhutto (1928 - 1979) là nhà chánh trị Pakistan, thân sinh của nữ thủ tướng Benazir Bhutto (1555 - 2007). Ông sáng lập ra đảng Nhân Dân Pakistan. Năm 1971 ông là tổng thống. Đó là năm Đông Hồi nổi dậy chống Tây Hồi để thành lập xứ Bangladesh. Năm 1972 ông ký hiệp ước Simia với Ấn Độ. Đến năm 1973 Bhutto là thủ tướng. Năm 1974 ông nhìn nhận xứ Bangladesh tức Đông Hồi trước kia. Ông vun bồi quan hệ với Trung Hoa Cộng Sản. Năm 1977 ông bị lật đổ và bị treo cổ.
Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình, 1904 - 1997) học ở Pháp đồng thời với Zhou Enlai (Châu Ân Lai) và được huấn luyện ở Liên Sô vào thập niên 1920. Năm 1956 ông là tổng bí thơ đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ông đánh giá Bước Tiến Nhảy Vọt (Great Leap Forward) là một sự thất bại lớn của Mao Zedong.
Ông lận đận trong Cách Mạng Văn Hóa do Mao Zedong và vợ là Jiangqing (Giang Thanh) phát động từ năm 1966 đến 1976. Ông vươn lên sau khi Mao qua đời. Ông là cha đẻ của kế hoạch Bốn Hiện Đại Hóa. Sự thành công của kế hoạch nầy đã đưa Trung Hoa lên địa lên hàng cường quốc số hai trên thế giới.
François Mitterand (1916 - 1996) là một nhà chánh trị thuộc đảng Xã Hội của Pháp. Trong đệ nhị thế chiến ông từng bị Đức giam cầm và đã vượt ngục. Ông gặp tướng De Gaulle sau khi rời khỏi Pháp. Ngay từ lúc ấy cả hai đều không có mẩu số chung chánh trị. Dưới thời Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp Mitterand từng giữ những chức vụ quan trọng trong quốc hội lẩn trong nội các Pháp. Dưới thời Đệ Ngũ Cộng Hòa ông luôn luôn thất cử trước De Gaulle. Năm 1974 ông bị Giscard d'Estaign, một nhà tài chánh thân tín của tổng thống De Gaulle, đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ khít khao 50,81% - 49,19%. Nhưng đến năm 1981 Mitterand đánh bại tổng thống Giscard d'Estaign tái tranh cử. Ông nắm giữ chức vụ tổng thống trong hai nhiệm kỳ (14 năm). Tổng thống Mitterand rất quan tâm đến chánh sách đối ngoại. Ông lập quan hệ tốt với Đức và các quốc gia Cộng Sản Đông Âu với tư cách lãnh tụ của đảng Xã Hội Pháp. Pháp có vai trò tích cực trong việc thành lập Liên Hiệp Âu Châu. Vào cuối cuộc đời ông bị tai tiếng vì có con ngoại hôn.
Francisco Franco (1892 - 1975) là một tướng lãnh và nhà độc tài quân phiệt ở Tây Ban Nha. Sau cuộc nội chiến đẫm máu ở Tây Ban Nha, quân đội đè bẹp phe Cộng Hòa có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và được Liên Sô ủng hộ. Franco được phát xít Đức và Ý ủng hộ. Trong đệ nhị thế chiến Franco đứng trung lập. Nhờ vậy, sau khi phe Trục bị bại trận, Tây Ban Nha không bị phe Đồng Minh trừng phạt. Vì có lập trường chống Cộng Sản, Franco được cảm tình của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh lạnh chống Cộng Sản do Liên Sô đứng đầu. Đến năm 1969 Franco giảm bớt chánh sách độc tài. Ông chọn hoàng tử Juan Carlos (1938 - ), cháu nội của Alfonso XIII làm người kế vị để phục hồi chế độ quân chủ Tây Ban Nha. Sau khi Franco mất, Tây Ban Nha trở thành một quốc gia dân chủ theo chế độ quân chủ lập hiến.
Che Guevara (1928 - 1967) là bác sĩ y khoa và một nhà hoạt động Cộng Sản ở Châu Mỹ La Tinh. Che không phải tên mà có nghĩa là đồng chí. Che Guevara là người Argentina chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Marxism và Leninism sâu đậm. Ông say mê đọc các tác phẩm của Karl Marx, Lenin, Mao Zedong (Mao Trạch Đông), Jean Paul Sartre, Albert Camus. Mộng của ông là thống nhất các quốc gia Châu Mỹ La Tinh chống lại Hoa Kỳ và theo chủ nghĩa Marx-Lenin.
Fidel Castro biết Che Guevara qua người em của ông là Raul Castro khi sống lưu vong ở Mễ Tây Cơ. Fidel Castro theo chế độ Cộng Sản do ảnh hưởng của Che Guevara. Sau khi quân nổi dậy chiếm đảo Cuba, chính Che Guevara tự tay hành quyết những người trung kiên với chế độ Batista. Che Guevara là người quá khích điên cuồng. Fidel Castro bắt đầu e dè ông nên cho ông làm công tác vận động quốc tế cho chế độ của ông mặc dù Che Guevara là ủy viên đặc trách kỹ nghệ và ngân hàng trong tân chánh phủ Cuba.
Che Guevara và Fidel Castro đều là hai người có học vị tiến sĩ. Cả hai đều quá khích. Che Guevara thuộc loại quá khích điên cuồng. Che thiên về Maoist và không thích Liên Sô sau vụ tháo gỡ hỏa tiễn ở Cuba trước phản ứng quyết liệt của tổng thống Kennedy và thái độ lạnh nhạt của Liên Sô đối với các quốc gia không liên kết trong hội nghị Algiers. Fidel Castro nghiêng theo Khrushchev. Che Guevara rời khỏi Cuba năm 1965. Ông bị bắt ở Bolivia năm 1967 và bị hành quyết theo lịnh của tổng thống Rene Barrientos. Không ai biết mồ mả của ông ở đâu. Năm 2008 một bức tượng đồng của Che Guevara cao 3,50m được dựng lên ở Rosario, sinh quán của ông ở Argentina.
Pol Pot (1928 <1925?> - 1998) là lãnh tụ Khmer Đỏ thuộc khuynh hướng Maoist. Ông là người Khmer gốc Hoa có học ở Pháp nhưng không thành đạt. Ông được chấp nhận vào đảng Cộng Sản Pháp nhờ điểm thấp trong học bạ nên được xem như thành phần thấp kém bị khinh rẻ, áp bức. Pol Pot nổi tiếng vì chánh sách tàn bạo của ông. Trong 3 năm cầm quyền ở Cambodia từ năm 1975 đến 1978, Khmer Đỏ giết 30% dân số nuớc nầy: 2 triệu người. Pol Pot có đường lối kình báng với Cộng Sản Việt Nam chịu ảnh hưởng của Liên Sô. Cuối năm 1978 quân Cộng Sản Việt Nam đánh bại Khmer Đỏ và chiếm đóng Cambodia để hỗ trợ tân chánh phủ Cộng Sản Cambodia thân Việt Nam. Pol Pot chết trong rừng sâu ngoài biên giới Thái-Cambodia vào năm 1998.
Kính chúc quí đọc giả: TÂN NIÊN VẠN PHÚC.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.