Phạm Ðình Lân


Năm Dần nói chuyện cọp

 

Thân thế hổ tộc

Năm 2010 là năm Canh Dần tức năm Con Cọp Cô Đơn.

Người Việt Nam gọi Cọp là Hùm hay Hổ. Đó là một động vật có vú, có xương sống, có máu đỏ và ăn thịt sống thuộc gia đình Miêu tộc Felidea và được biết dưới tên khoa học Felis tigris. Chữ tigris có nguồn gốc Hy Lạp và Ba Tư (Persian) của nó, có nghĩa là "mũi tên" vì tốc độ chạy nhanh như tên bay của hổ tộc. Ở Iraq có sông Tigris. Thủ đô Baghdad nằm trên sông này.

Cọp màu vàng với những sọc màu đen nhưng lông ở cuống họng, bụng và chân màu trắng. Cọp màu trắng (Bạch Hổ) rất hiếm. Năm 1951 người ta thấy một con ở Ấn Độ. Đặc điểm của Bạch Hổ là có mắt màu xanh. Bạch hổ rất hiếm trong trạng thái hoang dã. Tại sớ thú Singapore có một cặp bạch hổ nhưng đó là bạch hổ chủng giống hơn là bắt được trong trạng thái hoang dã.

Cọp dài trung bình từ 150 - 180 cm tính từ đầu đến đuôi. Đuôi dài từ 60 - 90cm. Trọng lượng trung bình của cọp xê dịch từ 120 - 230 kí-lô. Tuổi thọ của hổ tộc lối 25 tuổi khi sống trong sở thú và lối 20 tuổi nếu sống trong trạng thái hoang dã. Cọp cái từ 3 - 4 tuổi bắt đầu chịu đực. Thời kỳ mang thai kéo dài từ 109 đến 113 ngày, nghĩa là không quá 4 tháng. Cọp sinh con mỗi 2 hay 3 năm một lần. Mổi lứa từ 3 đến 6 hổ tử. Số cọp trên thế giới hiện nay sụt giảm rất nhiều vì:

– Thợ săn giết cọp để bán da, xương, răng và móng vuốt. Xương cọp dùng để nấu cao hổ cốt. Ở Việt Nam trẻ nít thường mang móng cọp hay răng cọp để tránh sự quấy nhiễu của tà ma.

– Loài người phá rừng làm rẫy hay lấy đất xây cất nhà cửa khiến nơi cư trú của hổ tộc càng ngày càng bị thu hẹp.

– Cọp sinh sản ít. Cọp con cũng bị các dã thú như chó sói, linh cẩu đe dọa. Nhiều con cọp chết vì thiếu ăn và bị bịnh trong trạng thái hoang dã.

Năm 1920 cả thế giới có lối 100.000 con cọp. Ngày nay chỉ còn lối 500 con sống hoang dã trong rừng. Cách đây hai thế kỷ Khánh Hòa, Bà Rịa (Phước Tuy), Bà Rá (Phước Long)... nổi tiếng về cọp. Do đó có câu:

Cọp Khánh Hòa
Ma Bình Thuận.

Vào thế kỷ XVIII, vùng Bến Nghé còn hoang sơ. Dưới sông có sấu. Trên bờ có cọp nên có chuyện ông Tăng Ân đánh cọp ở vùng Chợ Quán bây giờ.

Địa bàn chánh yếu của hổ tộc là rừng nhiệt đới Á Châu, vùng Bengal vòng qua các nước Đông Nam Á. Người ta tìm thấy cọp ở vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia), châu thổ giữa hai sông Tigris và Euphrates, và cả vùng lạnh như Mãn Châu và Tây Bá Lợi Á. Ấn Độ là nơi nổi tiếng có nhiều cọp. Số người bị cọp vồ chết ở Ấn Độ rất cao. Nhưng hiện nay Ấn Độ và Nepal ban hành luật bảo vệ cọp.

Thân thuộc gần với con cọp là con mèo. Người Việt Nam vẫn nói:

Con mèo là dì con cọp.

Các thân tộc khác của cọp là beo, mèo rừng, sư tử. Tất cả đều thuộc gia đình Felidae, vóc dáng như loài mèo, chỉ khác về lông và màu sắc mà thôi. Tất cả đều là loài ăn thịt sống, nhanh nhẹn khi bắt mồi với khả năng chạy nhảy nhanh và có hàm răng và móng vuốt sắc bén làm cho con mồi to lớn như tượng tộc cũng phải ngã quị.

Cọp ăn nai, bò, heo rừng và các loài thú vật khác như ngựa rằn, dê, trừu v.v. Trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp người ta nói nhiều về Cọp Ba Chân ngoài rìa Chiến Khu D quen ăn thịt người, mỗi khi nghe tiếng súng nổ thì nó đến vì biết có xác người chết.

Thông thường cọp tìm cách tránh né loài người. Thị giác, thính giác và khứu giác của cọp rất tốt. Ngoài sức mạnh khả dĩ vật ngã một con trâu rừng hay bò rừng, cọp còn bơi lội rất giỏi. Cọp giết mồi bằng hàm răng và móng vuốt. Nó cắn cổ họng hay cắn vào đùi các con thú lớn như voi để làm mất máu, đau đớn và ngã quị. Nó bẻ cổ các loài thú nhỏ bé. Cọp có thể kéo một con mồi bị chúng giết chết nặng 250 kí-lô đi xa cả cây số. Nó dành nhiều ngày để ăn con mồi to lớn như trâu, bò hay voi. Một con cọp có thể ăn 23 kí-lô thịt trong một đêm. Thông thường mỗi ngày một con cọp ăn 7 kí-lô thịt. Nếu không có mồi ngon như nai, bò, cọp phải ăn khỉ hay cả ếch, nhái nữa.

Người ta cho rằng cọp đực hay ghen và cọp cái rất dữ. Do đó có câu:

Ghen như cọp đực
Dữ như cọp cái.

Cọp đực không thân thiện với những con cọp đực khác. Cọp đánh dấu lãnh thổ bằng mùi hương toát từ thân của chúng hay từ nước tiểu của chúng.

 

Hổ tộc và loài người

Loài người xem cọp là chúa sơn lâm tức là vua của các loài dã thú trong rừng xanh. Họ có những phản ứng khác nhau trước hổ tộc: sợ sệt, kính nể và khinh miệt.

Cọp biểu tượng cho sự dũng mãnh, uy quyền, phách lối và tàn bạo. Những người quyền thế và giàu có ở Đông Á thường treo hình cọp trong nhà. Các tướng lãnh thường dùng gậy chỉ huy có hình cọp như biểu tượng của quyền uy và sự dũng mãnh của mình. Ở các đình miếu ở Việt Nam và Trung Hoa thường có hình về Cọp và Rồng (Long Hổ Hội) tượng trưng cho sức mạnh trong rừng xanh và trên mặt đất (Hổ) và sức mạnh trên không và dưới nước (Long). Nói theo thời đại ngày nay đó là sức mạnh của Lục Quân (cọp), Không Quân và Hải Quân (Rồng). Trước các đình làng ở Việt Nam thường có tượng ông Hổ (cọp).

Người Việt Nam gọi cọp bằng "ông" một cách cung kính: Ông Cọp, Ông Hổ, Ông Ba Mươi. Gọi là Ông Ba Mươi vì ngày xưa ai giết được cọp dược thưởng 30 quan tiền.

Ở Âu Mỹ người ta dùng cọp trong các gánh xiệc. Gánh xiệc Tạ Duy Hiển của Việt Nam duới thời Pháp thuộc đã dùng cọp để biểu diễn. Người ta đồn rằng ông Tạ Duy Hiển dạy cọp được bằng cách bỏ đói để bắt chúng phải vâng lời và làm theo mệnh lệnh của ông. Ôi! Chúa sơn lâm cũng phải cúi đầu vì miếng ăn!

Các thầy thuốc Đông Y Trung Hoa và Việt Nam dùng xương cọp để nấu cao hổ cốt mà họ cho là một loại thuốc trị bá bịnh từ đau tim, phong thấp đến yếu sinh lý. Người ta tin rằng trẻ em mang móng cọp thì không bị ma quỉ quấy phá. Mỡ cọp dùng để làm dầu thoa ngoài da. Singapore nổi tiếng với hiệu dầu cù là có hình con cọp. Da cọp được bán với giá cao ngoài thị trường. Các xạ thủ săn cọp treo da cọp trong nhà, ngoài giá trị trang trí còn có ý muốn nói đến tài thiện xạ của chủ nhà.

Trong võ thuật người ta học nhiều thế võ nơi hổ tộc. Hổ bộ là cách bước nhẹ nhàng như cọp trong một thế võ. Hổ quyền là quyền cước học được từ hổ tộc.

Trong truyện Thủy Hử có Võ Tòng đánh chết cọp như Hercules giết sư tử trong huyền thoại Hy Lạp và Samson đánh chết sư tử trong Thánh Kinh Do Thái. Vào thế kỷ XIX người ta truyền tụng chuyện Lê Văn Khôi, con nuôi của tổng trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt, đánh chết một con cọp to lớn trước sự chứng kiến của sứ giả Xiêm La (Thái Lan bây giờ) Tổng trấn Lê Văn Duyệt tức giận ra lịnh cho Khôi chuộc tội bằng cách hạ cọp và trói lại chớ không được đánh chết cọp. Lê Văn Khôi phải làm đúng theo lịnh của tổng trấn Lê Văn Duyệt.

Vào thập niên 1920 ông Khai, giám thị trường Pétrus Ký, gốc người Tân Ba, Biên Hòa, nổi tiếng giỏi võ nghệ. Một hôm đi săn bắn ở Lộc Ninh ông bị cọp vồ. Ông đánh con cọp đang tấn công ông văng ra ngoài rồi dùng súng bắn chết con mãnh thú.

Cọp bạo tợn và dũng mãnh nhưng không phải là không đánh ngã được. Câu chuyện người nông dân cầm cây đập vào đầu cọp và nói: "Trí khôn của tao đây nè!" cho thấy điều đó. Sự hợp quần của kẻ yếu cũng tạo thành sức mạnh đánh ngã sự dũng mãnh của kẻ mạnh kiêu căng và ỷ lại. Người Việt Nam vẫn nói:

Cọp lẻ không cự nổi cáo bầy.

Trong ngôn ngữ Việt Nam có nhiều hình ảnh tốt, xấu tương phản của hổ tộc. Trong tiếng lóng Việt Nam chữ "cọp" dùng để chỉ những người du côn xem hát mà không mua vé hay đi xe mà không trả tiền như xem hát "cọp", đi xe "cọp". Người hung tợn được ví với hùm beo (hổ báo). Đàn bà hung dữ được ví với cọp cái. Nhưng dữ như cọp vẫn biết thương con của chúng nên có câu:

Cọp dữ không nỡ ăn con.

Người ta dạy nhau rằng:

Sợ cọp chứ ai sợ cứt cọp.

Cọp quí ở da, loài người quí ở danh tiếng thơm. Nên có câu:

Hùm chết để da
Người ta chết để tiếng

Hổ tử hùng tâm tại.

Trời sinh hùm chẳng có vây
Hùm mà có cánh, hùm bay lên trới.

Hổ huyệt là hang cọp, ý nói đến nơi nguy hiểm (Long đàm, hổ huyệt).

Hổ khẩu là miệng cọp. Trong khoa châm cứu học hổ khẩu là huyệt Hiệp Cốc nằm ở kẹt

ngón tay cái và ngón tay trỏ.

Hổ lang là cọp và chó sói, ám chỉ những kẻ hung tợn:

Đương cơn cha mắc tai nàn
Dương Hương ra sức hổ lang chạy dài (Ca Dao)

Hổ phụ sinh hổ tử nói lên di truyền dòng giống tài giỏi.

Hổ phụ sinh khuyển tử chỉ cha tài giỏi như hổ nhưng con tầm thường (khuyển: chó).

Hổ ngạ phùng nhân thực.
Nhân cùng khởi đạo tâm.

Nghĩa là cọp đói nên gặp người mới ăn thịt. Người túng cũng dễ sinh trộm đạo. Trong cảnh bế tắc người ta tìm lối thoát bằng mọi phương tiện dù tàn độc hay đi ngược lại với đạo đức, lương tri và luật pháp. Đó là định luật sinh tồn tự nhiên vậy.

Hổ lui lang tới: Cọp đi thì sói đến. Cả hai loài dã thú đều mang đến sự hiểm nguy như nhau. Nhận xét này trở thành một nhận xét vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của một quốc gia mất độc lập phải cậy nhờ nước khác hay người khác như cảnh vua Lê nhờ họ Trịnh để đánh họ Mạc để trở thành bù nhìn trước các chúa Trịnh sau khi đánh đuổi họ Mạc chạy lên Cao Bằng v.v.

Dưỡng hổ di họa là nuôi cọp để chuốc họa vào thân.

Hổ lạc Bình Dương bị khuyển khi: Cọp mất địa bàn (rừng xanh núi thẩm) lạc vô đồng bằng bị đàn chó khinh khi).

Hùm thêm vi (vây) tức là cọp mọc cánh nên có thêm phương tiện để bay cao.

Hùm thiêng mắc bẫy Mọi: Anh hùng sa cơ vì kẻ tầm thường như trường hợp Quan Công và Lữ Mông thời Tam Quốc (220 - 265) vậy.

Hùm thiêng là cọp sống lâu năm. Đó là mãnh thú có nhiều linh tính. Nhưng:

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.

Bạo hổ băng hà: Tay không bắt cọp qua sông. Đó là một chuyện làm chủ quan, thiếu cân nhắc hậu quả như chuyện Mạnh Thường Quân dự định sang Tần du thuyết.

Hổ trục quần dương là thế đất phong thủy tốt như cảnh hổ đang đuổi bầy dê.

Hoàng Hoa Thám được gọi là Hùm Thiêng Yên Thế với tất cả sự nể trọng.

Cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm được gọi là Hùm Xám Cai Lậy với tất cả sự sợ sệt và oán ghét.

Phan Văn Hùm được gọi là Cọp Đồng Nai. Hùm là Cọp. Đồng Nai ám chỉ Nam Bộ. Đồng Nai cũng là tên tờ báo mà Phan Văn Hùm chủ trương trong thập niên 1930.

Nhà thơ Thế Lữ được biết đến nhiều với bài Hổ Nhớ Rừng.

Nhà văn TCHYA (Đái Đức Tuấn) được biết với chuyện Thần Hổ rùng rợn.

Trong Tử Vi học có sao Bạch Hổ. Bạch Hổ hội với Phi Liêm ví như hổ mọc cánh. Bạch Hổ hội Long Trì, Phượng Các, Hoa Cải là Tứ Linh hội về. Tất cả đều liên hệ đến công danh hoạnh đạt. Nhưng Bạch Hổ ngộ Tang Môn thì không tốt.

Trong kinh dịch có câu:

Vân tùng long, phong tùng hổ.
(Rồng gặp mây, cọp gặp gió).

Trong lịch sử Việt Nam, Đinh Tiên Hoàng nuôi cọp để trừng trị những người phạm hình tội hầu tái lập an ninh và trật tự xã hội sau những năm dài chinh chiến giữa các sứ quân.

Trong đệ nhị thế chiến tướng Claire Lee Chennault (1890 - 1958) tổ chức đội Phi Hổ cho Trung Hoa Dân Quốc. Vị tướng nầy được gọp là tướng Cọp Bay (Phi Hổ: Flying Tiger). Lực lượng Phi Hổ vẫn được Không Quân Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) duy trì.

Trong ngôn ngữ Việt Nam những chữ Cọp hay Hổ đôi khi được dùng như hình dung từ để chỉ hình dáng dữ dằn hay tính độc hại của một loài động vật khác như cá cọp (vì có thân rằn ri như con cọp), trùn hổ Eisenia foetida màu đỏ và toát mùi hôi khó chịu, rắn hổ lửa Bungarus fasciatus, rắn hổ mang Agkistrodon contortrix (rắn độc gây tử vong nếu bị cắn) v.v.

Người Anh cũng có những suy nghĩ tương tự. Trong tiếng Anh tiger là con cọp. Nó cũng dùng để chỉ người gan dạ và dũng mãnh như người nước ta thường nói: Mãnh hổ nan địch quần hồ.

Đôi khi chữ tiger đặt trước một danh từ khác để gợi lên hình ảnh vằn vện hay sự độc hại của loài cọp.

Tiger fish là một loài cá có hàm răng trông ghê rợn như răng cọp thuộc dòng Hydrocynus được tìm thấy nhiều ở Phi Châu như Hydrocynus goliah, Hydrocynus vittatus.

Tiger snake là tên gọi của hai loại rắn độc ở Úc Đại Lợi được biết dưới tên khoa học Notechis scutatusNotechis ater.

Tiger shark là loại cá mập to lớn và hung tợn lẩn quất trong vùng biển ấm. Tên khoa học của nó là Galeocerdo cuvieri.

Tiger mosquito là một loại muỗi miền nhiệt đới Á Châu được biết dưới tên khoa học Aedes albopictus gây ra các loại bệnh miền nhiệt đói như sốt xuất huyết chẳng hạn.

Tiger lily là một loại hoa huệ màu vàng có đốm đen được biết dưới tên khoa học Lilium tigrinum. Loại huệ này được dùng trị bệnh sa tử cung, bịnh buồng trứng, nôn mửa khi có thai. Dùng nhiều có thể bị hoại thận. (nephrotoxicosis).

Tiger day lily là rau huyên tức hoa hiên hay hoàng hoa phơi khô làm kim châm mang tên khoa học Hemerocallis fulva có hoa to, 5 cánh màu vàng cam có đốm đen. Hoa nở ban ngày, chiều khép lại nhưng không phải đã tàn như hoa phù dung.

Trong thực vật học có nhiều loại thảo mộc mang tên Cọp, Hùm, Hổ.

Cây lưỡi cọp tức cam xủng Sauropus rostratus thuộc gia đình Euphorbiaceae dùng trị bịnh về hô hấp và dị ứng.

Cây vuốt hùm Caesalpinia minax thuộc gia đình Fabaceae dùng trị mất ngủ, mất cảm giác.

Hổ nhĩ thảo Saxifraga stolonifera thuộc gia đình Saxifragaceae kháng viêm, kháng khuẩn. Người Anh gọi hổ nhĩ thảo (cỏ tai cọp) là strawberry geranium.

Hổ trượng (trượng: cây gậy) tức điền thất hay cốt khí Polygonum cuspidatum thuộc gia đình Polygonaceae dùng như thuốc nhuận trường tự nhiên, chữa chấn thương, điều kinh.

Hổ vĩ Sanseviera frifasciata thuộc gia đình hoa huệ Liliaceae. Ta gọi là đuôi cọp (hổ vĩ)

nhưng người Tây Ban Nha lại gọi là lưỡi cọp hay văn vẻ hơn là hổ thiệt (lengua de tigre). Người Anh gọi là mother-in-law' s tongue (nhạc mẫu thiệt). Khi không thích ai, người ta thường gởi tặng cây hổ vĩ nầy cho người đó vì nói được hiểu theo nghĩa xấu: Lưỡi của bà mẹ vợ. Hổ vĩ được dùng để trị mụn bọc, giời ở Nam Mỹ. Ở Việt Nam nó được dùng để trị chứng đau cuống họng.

Trong Đề 40 con, Cọp mang số 6 sau con Rồng Đất (Địa Long) (số 5) và trước con Heo (số 7). Trong 12 con giáp Cọp (Dần) đứng hạng thứ ba sau Chuột (Tí) và Trâu (Sửu).

Tuổi Dần:

Hợp Không hợp
Ngọ, Tuất   Tỵ, Thân, Hợi

Người ta cho rằng người tuổi Dần thường có trên một người phối ngẫu. Một điều đáng lưu ý là người tuổi Dần dù là nam hay nữ đều có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người khác phái. Người có tướng Hổ uy vệ thường có quyền uy nhất là trong binh nghiệp và thành công trong công, thương nghiệp.

Năm Dần là năm Dương (+). Ta có:

Năm Hành Màu sắc
Giáp Dần Thủy Đen
Bính Dần Hỏa Đỏ
Mậu Dần Thổ Vàng
Canh Dần Mộc Xanh
Nhâm Dần Kim Trắng

Giáp Dần: 1914, 1974, 2034
Bính Dần: 1926, 1986, 2046
Mậu Dần: 1938, 1998, 2058
Canh Dần: 1950, 2010, 2070
Nhâm Dần: 1952, 2022, 2082.

 

Những biến cố quan trọng vào năm Dần trong thế kỷ XX.

1914: Đệ nhất thế chiến; tổng thống Wilson của Hoa Kỳ tuyên bố trung lập; kinh Panama chánh thức mở cửa cho tàu chạy nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

1926: Đám tang Phan Châu Trinh ở Sài Gòn; phi đạn đầu tiên được tiến sĩ Goddard chứng minh ở Auburn, Massachusett; Kamenev và Zinoviev bị Stalin loại ra khỏi Bộ Chính Trị.

1938: Thỏa ước Munich ký giữa Hitler (Đức) - Chamberlain (Anh) - Daladier (Pháp); luật phát triển Hải Quân Hoa Kỳ.

1950: Chiến tranh Triều Tiên; kế hoạch Schuman; biểu tình chống Hoa Kỳ ở Sài Gòn; 35 cố vấn Hoa Kỳ đến Sài Gòn; Trung Quốc và Liên Sô công nhận chánh phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo; Việt Minh mở chiến dịch biên giới.

1962: John Glenn, người Hoa Kỳ đầu tiên vào quĩ đạo; hỏa tiển Liên Sô ở Cuba; chiến tranh Hoa-Ấn; dinh độc lập bị oanh tạc.

1974: Tổng thống Nixon từ chức; tổng thống Pháp Pompidou mất; Giscard d' Estaing được bầu làm tổng thống năm 48 tuổi.

1986: Phi thuyền con thoi Challenger nổ; Lê Duẩn chết; thảo luận vể việc kiểm soát vũ khí nguyên tử ở Reykjavik, Iceland; phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc Tripoli, Libya.

1998: Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Kenya bị khủng bố đặt bom.

 

Nhân vật quan trọng trên thế giới sinh năm Dần

Những nhân vật quan trọng trên thế với vào thế kỷ XX sinh vào năm Dần là: Sun Yat-sen (1986-1925), Michael Collins (1890-1922) (Ái Nhĩ Lan), Charles de Gaulle (1890-1970), Dwight Eisenhower (1890-1969), Hồ Chí Minh (1890-1969), Yuri Vladimirovich Andropov (1914-1984), Elizabeth II (1926- ), Giscard d' Estaing (1926- ), Fidel Castro (1926- ), Jiang Zemin (1926- ) v.v.

Sun Yat-sen (Tôn Dật Tiên) là linh hồn của cách mạng Tân Hợi (1911) và là người khai sáng ra nền Cộng Hòa Trung Hoa. Nhà Mãn Thanh sụp đổ nhưng Trung Hoa rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cho đến khi mất vào năm 1925 Sun Yat-sen chưa thấy nước Trung Hoa thống nhất.

Michael Collins là một trong những nhà lãnh đạo cách mạng Ái Nhĩ Lan trong cuộc nổi dậy năm 1916 (EASTER RISING). Năm 1922 ông bị bắn chết trong cuộc nội chiến ở Ái Nhĩ Lan.

Charles de Gaulle là thiếu tướng khi quân Đức tràn vào miền bắc nước Pháp. Ông sang Anh và lập chánh phủ lưu vong. Năm 1944 Pháp được giải phóng. De Gaulle được xem là người giải phóng nước Pháp (Libérateur). Ông cứu nước Pháp trong đệ nhị thế chiến và phục hồi địa vị cường quốc của Pháp trên thế giới khi trở lại nắm chánh quyền năm 1958 và khai sinh ra nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp. Ông mất năm 1970 và được chôn trong một làng nhỏ trong một đám tang đơn giản như ước muốn của ông khi còn sống.

Dwight Eisenhower là đại tướng chỉ huy quân Đồng Minh thắng Đức Quốc Xã năm 1945. Ông đắc cử tổng thống Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ liên tiếp vào năm 1952 và 1956 với tư cách ứng cử viên của đảng Cộng Hòa.

Fidel Castro là người cầm đầu cuộc nổi dậy chống Batista khi mới 27 tuổi. Sáu năm sau ông thành công lật đổ chánh quyền Batista và lãnh đạo Cuba khi ông mới 33 tuổi. Ông lãnh đạo Cuba từ năm 1959 đến 2008 (49 năm). Hiện nay em của ông nắm quyền lãnh đạo Cuba thay ông. Nhưng ông vẫn là người điều khiển đảng Cộng Sản Cuba. Dưới sự lãnh đạo của ông Cuba là quốc gia Cộng Sản đầu tiên ở Tây Bán Cầu. Hiện nay tổng thống Hugo Chavez của Vezezuela xem Fidel Castro là bậc sư phụ.

Giscard d'Estaing là nhà tài chánh lỗi lạc tốt nghiệp ENA (Ecole Nationale d' Administration). Ông là vị tổng thống trẻ tuổi nhất của Pháp.

Tính đến năm 2009 nữ hoàng Elizabeth II ngự trị được 56 năm. Vua Thái Lan ngự trị được 63 năm.

Chúng tôi không dám quả quyết năm sinh của ông Hồ Chí Minh có phải là năm 1890 hay không. Các nhà lý số cho rằng ông sinh năm 1891 (Tân Mão). Trong một bức thơ gởi cho tổng thống Pháp năm 1911 ông ghi ở cuối thơ: Nguyễn Tất Thành né à Vinh en 1892 (Nguyễn Tất Thành sinh ở Vinh năm 1892). Chúng tôi ghi ông vào những nhân vật tuổi Dần căn cứ vào tài liệu chánh thức của nhà cầm quyền Hà Nội.

Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) được hậu thuẫn của Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) sau biến cố Tienanmen (Thiên An Môn) năm 1989. Ông nắm toàn quyền ở Trung Quốc từ năm 1993 đến 2003. Trong 10 năm nầy kinh tế của Trung Quốc phát triển rõ rệt. Trung Quốc thi hành đường lối hòa hoãn với các nước Tây Phương để hoàn thành viên mãn Bốn Hiện Đại Hóa (hiện đại hóa Nông Nghiệp, Kỹ Nghệ, Quốc Phòng và Khoa Học Kỹ Thuật) của Deng Xiaoping. Trung Quốc thu hồi Hong Kong năm 1997 và Macao năm 1999.

Trong các nhân vật chánh trị ghi trên chúng ta thấy có:

– 5 vị sinh vào năm Bính Dần. Đó là Sun Yat-sen (1866), nữ hoàng Elizabeth II (1926), Fidel Castro (1926), Giscard d'Estaing (1926), Jang Zemin (1926).
– 3 vị sinh vào năm Canh Dần: Michael Collins (1890), Dwight Eisenhower (1890), Charles de Gaulle (1890).

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2010