Phạm Đình Lân
Năm Con Thỏ và năm Con Mèo
Chúng tôi viết bài nầy sau khi đọc một bài viết của BBC tựa đề
Việt Nam Đón Mèo Còn Á Châu Chào Thỏ của Nguyễn Hùng ngày 03-02-2011.
Tựa đề của bài viết làm cho tôi giật mình khi thấy Châu Á mừng Tết Con Thỏ.
Á Châu rộng 48,5 triệu km2 bao gồm 43 quốc gia kể cả Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Từ lục địa nầy xuất phát các tôn giáo lớn trên thế giới như Bà La Môn, Do Thái Giáo, Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo, Thần Đạo, Hồi Giáo. Các quốc gia theo Ấn Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo Tiểu Thừa không dùng Âm Lịch và không ăn Tết Âm Lịch của Trung Hoa. Ngay cả Nhật Bản cũng không ăn Tết theo Âm Lịch Trung Hoa sau cuộc canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tenno).
Ở Đông Nam Á Tết Âm Lịch Trung Hoa được cử hành trong các cộng đồng người Hoa mà thôi. Phi Luật Tân theo đạo Thiên Chúa (90%) và Hồi Giáo (10% – Mindanao). Indonesia, Brunei và Mã Lai theo đạo Hồi. Kampuchea, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka theo Phật Giáo Tiểu Thừa. Trên quần đảo Nhật, Yokohama là thành phố Nhật có nhiều người Hoa sinh sống. Họ cử hành Tết trong cộng đồng của họ chớ không phải dân chúng Nhật cử hành Tết theo Âm Lịch Trung Hoa.
Theo bài viết của Nguyễn Hùng, Việt Nam dùng năm Con Mèo (Mão Niên), trong khi đó người Trung Hoa dùng năm Con Thỏ (Thố Niên). Không thể chối cãi được rằng 12 con giáp (Tí, Sửu, Dần , Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) xuất phát từ Trung Hoa. Người Việt Nam sửa đổi Thố Niên thành Mão Niên. Trong bài viết tác giả ghi rằng ông Philippe Papin của Ecole Pratique des Hautes Etudes ở Paris cho rằng sự thay đổi nầy do dịch chữ Mao (chỉ con thỏ - căn cứ theo bài viết) giống chữ Mèo nên gọi là Mão. Mẹo, Mèo, Mão, Miêu đều có nghĩa chung là Mèo. Nhưng người Trung Hoa đâu có gọi con thỏ là MAO bao giờ đâu mà dịch nhầm thành MÃO hay MÈO? Người Trung Hoa gọi thỏ là tho hay tu, nghĩa là khởi đầu bằng chữ T chớ không phải chữ M của MÃO. Tên gọi Hán-Việt của Thỏ là THỐ.
Như vậy người Việt Nam đã thay đổi Thố niên thành Mão niên chớ không phải dịch nhầm như giả thuyết của ông Philippe Papin.
Ông Benoit de Treglode cho rằng người Việt Nam thay đổi Thố thành Mão vì danh dự quốc gia nghĩa là tự cho mình cũng có sắc thái riêng. Điều nầy khả dĩ chấp nhận được. Giáo sư Nguyễn Thừa Hỷ tán đồng với giả thuyết nầy nhưng nhấn mạnh rằng TÂN trong năm Tân Mão là mới. Điều nầy chúng tôi thấy cần xét lại. TÂN ở đây có nghĩa là Tân Khổ, Cay Đắng chớ không phải là Mới. Năm 2010 là năm Canh Dần (Canh: Canh cô quạnh quả) và năm 2011 là Tân Mão (Tân: Tân khổ, cay đắng).
Sự sửa đổi một chi tiết nhỏ như vậy không phải là một sự sáng tạo khả dĩ giật sập 12 con giáp, thuyết Âm-Dương Ngũ Hành và môn Tử Vi Học. Nhưng nó mang ý nghĩa khác. Con Mèo uy dũng, hoạt động, chiến đấu và hữu dụng hơn con thỏ hiền hòa, thụ động và là nạn nhân của nhiều loại thú khác. Ở miền Bắc trong thời kỳ đất nước qua phân, học sinh dùng bàn toán của Trung Hoa, nhưng là bàn toán 4 nút theo sự sáng tạo Việt Nam thay vì 5 nút. Sự sửa đổi nầy không mang lại kết quả tốt nên cuối cùng bàn toán 4 nút tự động biến mất.
Năm 1967 phe thân Liên Sô ở miền Bắc mạnh nên người ta luôn luôn nói đến sự trong sáng của tiếng Việt (nghĩa là không dùng Hán-Việt như phi cơ, trực thăng, thủy quân lục chiến, hồng thập tự... mà dùng máy bay, máy bay lên thẳng, lính thủy đánh bộ, chữ thập đỏ v.v...) và đổi hẳn Âm Lịch Trung Hoa thành Âm Lịch Việt Nam. Đôi khi hai loại âm lịch nầy sai biệt nhau hàng tháng vì năm nhuần trong âm lịch là năm có tháng thứ 13.
Ai là người khả dĩ sửa đổi Thố Niên ra Mão Niên? Vì sao?
Dưới chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam số người mù chữ rất cao. Trong Lục Bộ không có Bộ Giáo Dục mà chỉ có bộ Lễ trong coi về tôn giáo, văn hóa, giáo dục và ngoại giao. Trong nước không có trường công lập như ngày nay. Các thầy dạy là những quan lại hưu trí, những người rũ áo từ quan hay không may mắn trong các kỳ thi tam trường. Họ mở lớp học tư dạy tại nhà. Người đi học đều xuất thân từ những gia đình khá giả hương thôn, có dư tiền thuê người lo việc đồng áng hay có đất cho tá điền thuê để thâu lúa mỗi năm. Tỷ lệ người được học Chữ Hán rất nhỏ. Tỷ lệ người đỗ đạt các kỳ thi hương hay thi hội bằng chữ Hán lại càng hiếm hoi. Do đó người hiểu biết về tinh tú, thiên văn, thời tiết, Tử Vi học... chẳng được bao nhiêu. Riêng môn Tử Vi và Châm Cứu bị các vua chúa Trung Hoa cấm đoán nên không phổ biến ngoài dân gian. Thảo dân biết Tử Vi chắc chắn sẽ có tham vọng có quyền chức cao nên nuôi dưỡng mưu đồ chánh trị. Châm cứu trị liệu chỉ dành cho bậc vua chúa và các quan trong triều được hưởng mà thôi.
Ở nước ta có hai ông nghè (người có tiến sĩ) được ban tước Công am tường dịch lý là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) và Lê Quí Đôn (1726-1784).
Nguyễn Bỉnh Khiêm tức Trạng Trình, người đỗ đầu đình thí (Trạng Nguyên) và được ban tước Công (Trình Quốc Công), chỉ để lại các bài thơ trong Bạch Vân Thi Tập và Sấm Ký được biết dưới dạng Sấm Trạng Trình.
Lê Quí Đôn là Bảng Nhãn (người đỗ hạng nhì trong khoa thi đình) và là một nhà bách khoa với kiến văn rộng rãi. Ông là sử gia, nhà địa lý, nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà khảo cứu Kinh Dịch. Ngoài Đại Việt Thông Sử, Phù Biên Tạp Lục (6 quyển), Hoàng Việt Văn Hải, Kiến Văn Tiểu Lục (12 quyển), Bắc Sử Thông Lục (4 quyển), Danh Thần Lục (2 quyển), Quế Đường Thi Tập, Liên Châu Thi Tập (4 quyển), Quế Đường Vân Tập (4 quyển), Âm Chất Văn Chủ (2 quyển), Thư Kinh Diễn Nghĩa (3 quyển), Thánh Mô Hiền Phạm Lục (12 quyển), Vân Đài Luận Ngữ (4 quyển), Toàn Việt Thi Lục (15 quyển),... ông còn lưu lại bộ Dịch Kinh Phu Thuyết gồm tất cả 6 quyển. Bộ Dịch Kinh Phu Thuyết (Lời Bàn Nông Nổi Về Kinh Dịch) cho phép chúng ta tin rằng Lê Quí Đôn là người đủ kiến thức tổng quát để sửa đổi từ con Thỏ sang con Mèo trong 12 con giáp.
Về phương diện động vật học mèo và thỏ đều là động vật có vú, có xương sống và máu đỏ. Mèo và thỏ đều sợ nước. Phân dê, mèo và thỏ không có công dụng rõ rệt trong việc trồng trọt và bón phân thảo mộc. Người ta phân biệt mèo nhà và mèo rừng, thỏ nhà (rabbit - lapin) và thỏ rừng (hare - lièvre).
Mèo sống trên cây. Thỏ sống dưới hang. Mèo gần gũi với loài người và được loài người nuôi để bắt chuột. Ở khía cạnh nầy mèo gần gũi và hữu ích cho loài người hơn thỏ.
Thỏ rừng và thỏ nhà không phân biệt qua hình dáng mà qua màu lông, nhất là qua thố tử mới sinh. Thỏ rừng mới sinh có lông, mở mắt và tập nhảy vài phút sau khi sinh. Thỏ nhà mới sinh trần trụi, nhắm mắt và nằm bất động.
Mèo là động vật ăn thịt sống. Thỏ là động vật ăn hột và lá cây ráo nước. Thỏ giống loài gậm nhấm về cấu trúc của hàm răng và sự sinh sản nhanh. Trung bình mỗi năm một con thỏ cái sinh từ 30 - 35 thố tử. Thố tử được 6 hay 9 tháng tuổi bắt đầu bắt cặp để sinh sản truyền tử lưu tôn. Thời kỳ mang thai của thỏ chỉ 30 ngày mà thôi.
Thỏ và mèo đều có vóc dáng và trọng lượng như nhau. Thỏ là loài động vật có vú, có tai rất dài, thuộc gia đình Leporidae. Tuổi thọ của thỏ lối 9 tuổi. Thỏ là loài thú có thị giác, thính giác và khứu giác rất bén nhạy để vụt chạy trước sự đe dọa tánh mạng của chồn cáo, cọp, beo, chó sói, chim ưng, v.v... Mèo tự tin bao nhiêu thì thỏ nhút nhát bấy nhiêu. Người Việt Nam thường nói nhát như thỏ đế (vì thỏ thường ẩn núp dưới cỏ đế, một loài cỏ cao đến 2m). Khi nghe tiếng động thì thỏ phóng chạy mất dạng. Tốc độ chạy của thỏ vượt trên 70km/giờ.
Thỏ rừng Âu Châu Lepus europaeus có lông màu hung đỏ. Thỏ rừng Ấn Độ mang tên khoa học Lepus nigricollis có lông gáy đen và thỏ rừng Trung Hoa là Lepus sinensis có lông vàng nhạt và đen-xám.
Thỏ nhà Âu Châu mang tên khoa học Oryctolagus cuniculus có lông trắng. Thỏ Amami Pentalagus furnessicon được gọi là thỏ quẩn đảo Ryu Kyu. Đó là giống thỏ có lông đen.
Các nhà nghiên cứu võ thuật học cách rình và bắt chuột của mèo, thế đấu của mèo với chó và rắn, cách nhảy, phóng ngang và cách nhào lộn của miêu tộc. Người ta cũng học cách chạy và phóng xa nhanh của thố tộc.
Thỏ không có nhiều thịt. Người Pháp thích ăn thịt thỏ nấu với rượu chát. Đó là món lièvre en civet nổi tiếng của Pháp. Ở Việt Nam những nhà nuôi thỏ phần lớn là những người theo đạo Thiên Chúa. Những nhà nuôi thỏ bán thỏ cho các nhà hàng để nấu rượu chát, làm gỏi thịt thỏ hay bán cho Viện Pasteur. Da thỏ được dùng để bao yên xe đạp hay may cổ áo ấm.
Con mèo là dì con cọp nên có tướng mẹo uy dũng và có thân thuộc được loài người nể trọng như sư tử, cọp, beo, mèo rừng thuộc đại gia đình Felidae. Trái lại con thỏ hiền hòa, nhút nhát, nạn nhân của các loại ăn thịt sống và của chó săn tận tụy phục vụ cho loài người. Người có mặt thỏ, mỏ dơi bị xem là người xấu tướng. Phụ nữ mang thai không dám nhìn thỏ vì sợ sinh con sứt môi (harelip).
Người Tây Phương xem thỏ là con thú hiền lành, hồn nhiên, dễ thương. Người Anh dành cho thỏ những từ hare, rabbit, buck (thỏ đực), doe (thỏ cái), bunny (thỏ con). Hình ảnh của thỏ được tìm thấy trên kẹo, bánh, đồ chơi trẻ em, bìa sách nhi đồng và vào dịp lễ Phục Sinh.
Trong thi ca ngọc thố (thỏ ngọc) ám chỉ mặt trăng.
Trải bao thỏ lặn ác tà
.
Bạch thố (thỏ trắng) chỉ mặt trăng sáng.
Cáo thố (chồn, thỏ) chỉ những kẻ du côn, trộm cắp thiếu gan dạ, chỉ cậy vào đám đông để hà hiếp kẻ yếu và cô thế.
Đàn hồ lũ thỏ một ngày quét thanh.
Thố tử hồ bi (thỏ chết chồn buồn), sự thương yêu của đồng loại trước cảnh âm dương cách biệt.
Giảo thố tử tẩu cẩu phanh (thỏ chết rồi thì chó săn cũng bị giết) ám chỉ các quân vương giết công thần sau khi thành công vì sợ công thần cạnh tranh uy tín và ảnh hưởng của mình như trường hợp Hán Cao Tổ đối với Hàn Tín ở Trung Hoa và vua Lê Thái Tổ đối với Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo và Nguyễn Trãi ở Việt Nam. Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi bị đại họa vì có liên hệ huyết thống với họ Trần. Vì thấy được ác tâm của Lữ Hậu mà Trương Lương về sống ẩn dật với triết lý đáng suy nghĩ cho người cống hiến đời mình cho quốc gia đại sự. Triết lý đó được gói ghém trong 4 chữ: Công Thành Thân Thoái.
Ca dao Việt Nam nói về thố tộc có câu:
Diều đậu vườn thị,
Thỏ lụy vườn trâm
Thương em tiếng nói trăm năm cũng còn.
Cách đây 2000 năm nhà kể chuyện người Hy Lạp tên là Aesop viết một bài ngụ ngôn về cuộc chạy đua giữa con thỏ và con rùa. Kết quả con rùa thắng con thỏ vì thỏ quá cậy tài và khinh địch. Nhà ngụ ngôn Pháp La Fontaine dựa vào ý của Aesop để viết ra bài Le Lièvre et la Tortue. Chậm như rùa lại thắng thỏ nổi tiếng chạy nhanh. Rùa thắng cuộc nhờ kiên tâm trì chí. Thỏ thua vì ỷ tài nên chểnh mảng và khinh địch.
Nói về thố tộc người Anh có câu:
First catch your hare then cook him.
như ngầm khuyên nên thận trọng, đừng nói chắc chắn những gì mà mình chưa có trong tay.
Người Anh cũng có những cụm chữ như:
Mad as a March hare (phát điên lên).
Run with the hares and run with the hounds (bắt cá hai tay).
Bọ chét thỏ gây ra bịnh Tularemia, tức sốt thỏ. Bịnh nầy xảy ra trước tiên trong hạt Tulare, California, nên có tên bịnh Tularemia, do vi trùng Pasteurella tularensis gây ra.
Trong đề 40 con, Thỏ mang số 8 sau con Heo (số 7) và trước con Trâu (số 9).
Trong thực vật học có dây thố ty giống như dây tơ hồng. Tên khoa học của dây thố ty là Cucusta chinensis thuộc gia đình Convolvulaceae. Trong Đông Y người ta dùng thố ty tử (tử: trái) mà người Trung Hoa gọi là tu si zi làm thuốc trị bất lực sinh lý, di mộng tinh, bịnh về gan, thận. Thố ty tử là Viagra thiên nhiên trong Đông Y ngày xưa.
Người Anh gọi thanh chung hoa Tô Cách Lan (Scotland) Campanula rotundifolia thuộc gia đình Campanulaceae là Harebell. Ngày xưa người Da Đỏ ở Bắc Mỹ dùng loại thảo mộc có hoa xanh hình chuông nầy để trị bịnh phổi và tim.
Người Anh gọi cỏ lứt tức sài hồ Bupleurum chinense thuộc gia đình Apiaceae là Hare' s ear root (thố nhĩ căn). Cỏ lứt (sài hồ) dùng để làm thuốc trị sa tử cung, sốt, làm giảm cholesterol, trị tiểu đường, bịnh về gan, thận, lá lách, cổ trướng. Cổ trướng là một trong tứ chứng nan y: Phong, Lao, Cổ, Lại.
Rabbit root (thố căn) là tên gọi thông thường của người Anh dành cho một loại xá xị hoang họ nhân sâm Aralia nudicaulis thuộc gia đình Araliaceae. Người Da Đỏ dùng củ của loại xá xị hoang nầy để trị giang mai.
Có một loại dương xỉ được gọi là Hare's foot fern (dương xỉ thố cước), mang tên khoa học Polypodium aureum thuộc gia đình Polydiaceae. Ngày xưa người Da Đỏ ở Bắc Mỹ xem loại dương xỉ nầy là thuốc bá chứng. Ngày nay người ta đặc biệt lưu ý đến khả năng trị chứng Alzheimer của loại thảo mộc nầy.
Cây thích (maple) Acer pseudoplatamus, gia đình Sap indaceae được gọi là harewood (thố mộc). Gỗ được dùng để đóng bàn ghế. Cây maple Acer saccharum có nhựa được dùng làm si-rô.
Rabbit eye blueberry là tên gọi của một loại cây bụi nhỏ vùng ôn đới mang tên khoa học Vaccinium ashei hay Vaccinium virgatum thuộc gia đình Ericaceae. Trái cây nầy màu xanh dương thật đậm. Trái tròn ăn được. Lá có proanthocyanidin kháng oxy hóa và kháng viêm rất mạnh. Lá có thể được dùng để trị viêm gan C.
Rabbit foot clover là tên gọi của người Anh dành cho một loại hoa có nhiều tia mịn giống như lông chân thỏ mang tên khoa học Trifolium arvense, gia đình Fabaceae. Dê trừu thích ăn loại thảo mộc nầy. Nó giúp cho đất có nhiều nitrogen.
Ý kiến trình bày trong bài viết nầy còn nhiều sai sót. Xin đọc giả vui lòng bổ túc và sửa chữa để giảm thiểu tối đa những sai sót còn tồn đọng.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.