Phạm đình Lân
Khuyển tộc và năm Tuất
Khuyển tộc trong xã hội loài người Tên gọi văn vẻ của chó là Cẩu hay Khuyển. Chó là loài động vật có vú, có xương sống, có máu đỏ và ăn thịt sống như loài mèo. Loài động vật nầy được loài người sớm thuần hóa và nuôi trong nhà. Chó thuộc gia đình Canidae. Tên khoa học của loài động vật này là Canis familiaris. Khuyển tộc được tìm thấy khắp nơi trên thế giới. Chó nhà là dòng dõi của loài chó rừng được loài người thuần hóa. Chó có khứu giác, thị giác và thính giác rất đặc biệt. Khứu giác của chó rừng bén nhạy hơn chó nhà. |
Có lối 400 giống chó khác nhau trên thế giới. Chiều cao, chiều dài và trọng lượng hoàn toàn khác nhau tùy theo loại chó.
Có những con chó chỉ dài 36 cm. Có những con chó dài 1,50m. Ðuôi chó dài từ 13 – 51 cm. Chó Chihuahua là loại chó nhỏ nhất, chỉ cân nặng 2,7 kí-lô. Trái lại chó Mastiff và St. Bernards có thể cân nặng đến 90 kí-lô. Chó Irishhound và Great Dane có thể cao đến 1 m, tính từ vai đến chân.
Chó rừng ăn chuột, thỏ, chim, gà, vịt rừng và các loài bò sát. Chó nhà ăn bắp, lúa, thịt và thức ăn thừa của chủ nhà. Tuổi thọ của chó nhà có thể lên đến 20 tuổi.
Người Việt Nam phân biệt chó qua hình vóc và màu sắc.
Chó ta hay chó cò là giống chó thường được nuôi ở Việt Nam.
Chó Tây hay chó bẹt-giê (berger) là giống chó to lớn gốc ở Âu châu. Cảnh sát và quân đội thường dùng chúng để săn bắt kẻ gian hay kẻ địch.
Chó mực là chó có lông đen. Người ta quí chó đen tuyền và hoàn toàn không có màu gì khác trên thân mình của chó. Màu đen thuộc hành Thủy tương ứng với thận nên bất cứ con vật màu đen nào cũng được gán cho nhiều đặc tính khác thường.
Chó phèn là chó lông vàng.
Chó cò là chó lông trắng.
Chó vện là chó có lông vằn vện trông dơ bẩn.
Chó xi là loại chó Tây nhưng nhỏ con không giống như chó bẹt-giê.
Chó mắm trê là chó xấu xí, dơ bẩn vì trọc lông.
Chó mốc có lông trắng mốc.
Chó săn là loại chó dùng để đi săn bắn. Chúng chạy nhảy rất nhanh nhẹn và gọn gàng.
Chó vá có bộ lông với những vá màu sắc khác nhau như những tấm vải vá lại vậy.
Lông chó có màu trắng, đen, vàng và nâu. Chó ở miền ôn đới và hàn đới có lông rất dầy. Nhờ vậy chúng mới chịu nổi mùa đông giá buốt. Ở Úc Ðại Lợi có chó Dingo, một giống chó rừng được dùng như những cái mền sống.
Ở Việt Nam chó bắt cặp vào tháng bảy âm lịch. Do đó có câu:
Chó tháng bảy,
Mèo tháng ba.
Thời kỳ mang thai kéo dài 2 đến 3 tháng tùy theo loại chó. Mỗi con chó cái sinh từ 5 đến 12 con.
Các nhà động vật học cho rằng vài giống chó nhà là dòng dõi chó sói (Canis lupus) ở miền Nam Á). Cách đây 3000 năm các vua Ai Cập đã dùng chó Pharaoh Hound (Pharaoh: vua của nước cổ Ai Cập) để săn linh dương. Ở Úc Ðại Lợi người ta huấn luyện chó Dingo để biến chúng thành chó săn.
Người ta nuôi chó để giữ nhà, chăn dê, trừu, bò, đi săn, bắt kẻ gian, tìm kiếm địch quân, chạy đua, dẫn dắt người mù, biểu diễn trong các gánh xiệc, v.v.. Ở vài tiểu bang ở miền nam Hoa Kỳ người ta tổ chức đua chó để cá độ. Ở những vùng có nhiều tuyết như Canada, Alaska, Siberia người ta dùng chó Samoyed, Alaskan Malamutes và Siberian Huskies để kéo xe trượt tuyết. Cảnh sát dùng chó để tìm ma túy, bắt kẻ gian phi, tìm quân sĩ bị thương, cứu người bị bão tuyết chôn lấp. Quân đội dùng chó để tìm kiếm địch ẩn nấp dưới hầm. Chó biểu diễn trong các gánh hát xiệc, trên sân khấu, truyền hình, phim ảnh. Chó Terrier được nuôi để bắt các loài gậm nhấm dưới hang. Chó St. Bernards và Newfoundland dùng để cứu nạn nhân bị bão tuyết chôn lấp ở những vùng băng giá. Chó Collies gốc ở Scotland và chó German Shepherd mà ta gọi là chó berger (1) giống như chó sói được dùng để chăn bò, dê, trừu và bảo vệ đàn thú chống lại chó sói. Người Pháp dùng chó và heo để tìm nấm truffles ở miền Perigord phía tây nam nước Pháp. Loại nấm nầy thuộc giống Tuber. Chúng mọc dưới đất nên không trông thấy được nên phải nhờ chó và heo đánh hơi. Biết được nơi nấm mọc, heo dùng mỏ để ủi. Những nhà chinh phục Tây Ban Nha (conquistadors) huấn luyện chó để tấn công người Da Ðỏ tức dân bản địa sống trên lục địa Mỹ Châu. Trong các phòng thí nghiệm người ta dùng chó để thí nghiệm thuốc hay quan sát phản ứng cơ thể như nhà sinh vật lý học Nga Ivan Petrovitch Pavlov (1849-1936) đã làm (2).
Người ta săn chó rừng, chồn, chó sói để lấy lông. Chó Afghanistan có lông dầy và mịn. Chó Samoyed cung cấp lông để làm chỉ may mặc.
Người Âu Mỹ thương yêu chó nên không ăn thịt chó. Người Hoa Kỳ có món hot dog nhưng không phải làm bằng thịt chó. Ở Hoa Kỳ có bịnh viện và nghĩa địa dành cho khuyển tộc. Công ty xe buýt chuyên chở hành khách nổi tiếng của Hoa Kỳ lấy tên là Grey Hound. Tuy nhiên chữ dog và hound trong tiếng Anh không phải lúc nào cũng có nghĩa tốt.
Trên thế giới có nhiều dân tộc ăn cẩu nhục và xem đó là một loại thịt bổ dương. Ngày xưa người ta cho rằng chỉ có người nghèo mới ăn cẩu nhục. Chó là loài thú vật trung thành và tận tụy với chủ. Thường thường người nuôi chó là người khá giả. Nếu thấy chó bị thuốc chết người ta đoán biết ngay kẻ trộm sắp viếng nhà. Những Phật tử thuần thành không ăn cẩu nhục và thủy ngưu nhục (3).
Cẩu nhục quá bổ dương nên dễ phát triển nhục dục…
Trong một xứ nông nghiệp người ta rất quí con trâu. Trâu là tài sản. Trâu là máy cày, máy kéo và xe vận tải theo quan niệm ngày nay. Người Việt Nam ăn thịt bò mà không ăn thịt trâu vì trâu làm lụng khoẻ hơn bò trong việc cày bừa dưới ruộng lầy. Người học bùa không ăn cẩu nhục và thủy ngưu nhục, rau om, khế, chuối chát vì sợ bùa hết linh. Những người thờ Ông (Quan Công) không ăn cẩu nhục và thủy ngưu nhục vì sợ bị Ông hành gây nhức đầu và ói mửa.
Người ăn cẩu nhục không ăn óc của loài thú nầy vì sợ bị bịnh dại. Người ta không ăn bộ đồ lòng chó vì sợ sinh lòng trâu dạ chó. Ðiều này hoàn toàn không đúng trên thực tế vì có câu:
Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
Lại có những câu thơ diễn tả tam thời ngũ cẩu sắc như sau:
Mùa nắng ăn chó trắng,
Mùa mưa ăn chó vàng,
Nắng mưa làng chàng thì khoan, vàng, đốm, vện.
Trong truyện khôi hài của những người ăn cẩu nhục có chuyện con chó kiện người giết và ăn thịt nó trước phán quan âm phủ. Không biết kết quả vụ kiện ấy ra sao khi vị phán quan cõi âm quát nạt con chó:
“Mầy im miệng lại đi! Ðừng nói lải nhải làm tao phát thèm!”
Trong Ðông Y người ta khuyên những người suy dinh dưỡng tẩm bổ bằng cẩu nhục hầm với thuốc Bắc. Cách ăn nầy có vẻ ghê rợn vì người ta phải làm thịt cả bầy khuyển tử vừa mới lọt lòng!
Cẩu nhục hàn nên người ta phải ăn cẩu nhục với riềng (Alpinia officinarum) và lá mơ. Tên Hán-Việt của riềng là lương khương, một thân thuộc gần với gừng. Ở miền Nam người ta ăn cẩu nhục với rau om (Limmophila gratissima) và lá mơ tam thể (Paederia tomentosa), khế (Averrhoa carambola) và chuối chát (Musa paradisiaca). Nước chấm ở miền Bắc là mắm tôm hòa ớt và chanh. Nước chấm ở miền Nam làm bằng tương hột bầm nhuyễn xào với hành, tỏi, củ hành, đường, mỡ và đậu phọng.
Rau om mọc dưới nước hay ở những vùng đất ẩm nhưng không phải là hàn thảo vì thế nó thích hợp với cẩu nhục (hàn). Rau om có mùi thơm dễ chịu.
Lá mơ có hai loại với hai tên khoa học khác nhau:
1.- Lá mơ xanh (Paederia foetida): lá có nhiều gân thường mọc trên vùng đất cát khô khan.
2.- Lá mơ có lông mịn với hai màu khác nhau trên lá. Mặt trên màu xanh và mặt dưới màu tím. Tên khoa học của loại lá mơ nầy là Paederia tomentosa.
Cả hai loại lá mơ trên đều có mùi và đặc tính như nhau. Lá và rễ cây mơ được dùng làm thuốc trị thấp khớp và kiết lỵ. Người ta tin rằng lá mơ tam thể cường dương. Mơ tam thể được tìm thấy ở California, Florida, Louisiana.
Hiện nay ở Hàn Quốc cẩu nhục đắt tiền hơn thịt bò vì tính bổ dưỡng của nó. Ở Việt Nam khuyển tộc bị giết rất nhiều sau hai cuộc chiến sau năm 1945. Ở các thành phố lớn trên thế giới những con chó hoang không chủ hay chủ nhà quá nghèo nên chúng phải đi lang thang ngoài đường phố kiếm ăn để rồi bị bắt đưa vào sở thú cho cọp ăn.
Ngày xưa người Việt Nam tin:
Chó liền da,
Gà liền xương.
Do đó, người ta cho chó liếm ghẻ để chóng lành. Phương pháp chữa trị nầy rất nguy hiểm vì nước miếng chó có thể có vi trùng. Chó bị nhiễm trùng cắn người làm cho nạn nhân bị bịnh chó dại. Chó dại do siêu vi khuẩn Lyssavirus thuộc gia đình Rhabdoviridae gây ra. Ðây là bịnh gây tử vong rất nhanh. Cách ngừa bịnh sau khi bị chó cắn ở nước ta ngày xưa là uống nước lò rèn đun sôi và lọc sạch; dùng dao hơ nóng đặt trên vết thương do chó cắn hay dùng củ kiệu ngâm dấm giã nát và đắp vào vết thương. Từ khi Pasteur tìm ra được thuốc trị bịnh chó dại số người chết về bịnh nầy trên thế giới giảm sút rất nhiều. Mèo, chồn, chó, chó sói, raccoon, cáo cầy... dễ bị nhiễm vi khuẩn ầy. Khi chúng cắn người siêu vi khuẩn Lyssavirus được truyền từ nước miếng của chúng vào máu của nạn nhân bị chúng cắn. Người bịnh bị chứng ngộp nước, điên loạn, bại liệt và chết.
Người Việt Nam không thích nuôi chó trắng và mõm đỏ vì cho rằng đó là chó thành tinh. Người ta chọn chó có đuôi ngã về phía tay phải, chó có đốm trên hai mắt hay cho có deo dưới gót chân vì đó là chó khôn ngoan, nhanh nhẹn và vượng cho chủ. Người ta tin rằng ma sợ huyết chó mực và chó sinh vào mùa hoa vông (4) nở dễ bị bịnh dại vì đó là mùa nóng bức. Chó đẻ một con là điềm bất lành cho chủ nhà.
Chó được xem là loài thú vật trung thành. Chó biết vẫy đuôi mừng chủ hay khách đến nhà. Chó cắn chủ là điềm vô cùng bất lành. Chó bỏ nhà đi, báo hiệu sự khánh tận của chủ nhà. Vì vậy có câu:
Mèo tới nhà thì khó.
Chó tới nhà thì sang.
Người Việt Nam nhận xét rằng chó sủa là chó không cắn. Trái lại chó hay cắn trộm là chó không sủa.
Chó là loài thú vật thông minh và dễ huấn luyện. Ở Âu Mỹ người ta huấn luyện chó để dẫn người mù đi đường tìm bắt kẻ gian và hàng quốc cấm. Ðể làm lệch khứu giác của chó người ta dùng bột tiêu làm cho chó nhảy mũi liên tục.
Chó cảm nhận được sự giàu có và quyền hành của chủ nó. Xem chó biết chủ. Chủ hống hách và uy quyền thì chó cũng hách dịch và sủa vang liên hồi. Chủ tiểu nhân, nham hiểm thì chó hay cắn trộm. Chó cậy vào số đông và địa vị của chủ nó để hiếp đáp những con chó cô đơn, yếu thế và ốm gầy vì thiết ăn. Vì vậy ta có những cụm từ:
Làm phách chó.
Ðồ chó hùa!
Chó luôn luôn đứng về phía người mạnh và giàu. Gặp người giàu thì chó vẫy đuôi mừng. Gặp người rách rưới thì chó sủa vang lên vì đinh ninh đó là kẻ trộm. Từ đó có cụm từ ‛chó sủa nhà nghèo'.
Chó đâu có sủa lỗ không,
Chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày.
Hai chữ ‛ chó săn ' có nghĩa không mấy tốt đẹp.
Chó cậy nhà
Gà cậy chuồng.
ám chỉ những kẻ lộng hành ở địa phương ỷ thế hiếp đáp kẻ yếu.
Ðược chim bẻ ná
Ðược cá quên nơm.
Ðược thỏ giết chó.
là ba nhận xét về sự vong ân của con người. Trong lịch sử loài người những điều nầy rất thông thường. Chính vì vậy mà Trương Lương đã sớm đưa ra triết lý Công Thành Thân Thoái.
Những từ ‛ đồ chó đẻ ', ‛ chó má ' trong tiếng Việt tương đương với tĩnh từ doggy hay doggedness hay son of the bitch trong tiếng Anh.
Người ta so sánh đời sống khổ cực với ‛ kiếp trâu chó ' và cái chết trong nghèo khổ với cái chết của loài khuyển tộc.
Khuyển mã chi trung nói lên sự tận tụy, trung thành và nhớ ơn chủ.
Khuyển ưng (chó và chim ưng) chỉ những người tôi tớ dựa vào thế lực của chủ để hà hiếp kẻ yếu.
Khuyển ưng lại lựa một bầy côn quang
(Nguyễn Du)
Trong Hán-Việt cẩu là loài chó.
Cẩu đạo là người ăn trộm.
Cẩu đồ là người làm thịt chó.
Cẩu hùng là con gấu chó. Cũng có loại gấu giống heo được gọi là gấu heo.
Cẩu mã là phường chó ngựa.
Cẩu ngôn là lời nói càn bậy.
Ðả cẩu khán chủ diện: đánh chó phải kiêng chủ nhà. Ðây là phép giao tế và thuật xử thế căn bản thông thường trong đời người. Muốn lấy lòng một người phải được lòng vợ con và cả con chó của người đó nữa.
Lang tâm cẩu hạnh: tâm như lang sói, hạnh kiểm như loài chó. Ðó là những lời phê phán và mắng nhiếc rất nặng.
Chó ăn đá gà ăn muối là những chữ dùng để nói lên cảnh hẻo lánh xa mọi tiện nghi.
Chó béo đẹp mặt chủ: kẻ dưới ăn mặc tươm tất thì người chủ được đẹp mặt nở mày với người ngoài.
Chó ăn vụng bột gợi lên sự sợ sệt, rụt rè hay mất tự nhiên vì trong lòng hổ thẹn với việc làm không mấy tốt đẹp của mình.
Chó cùng dứt giậu nói lên cảnh cùng đường thì việc gì cũng dám làm như chó phá hàng rào để chui chạy vậy. Ðưa người khác vào đường cùng là đưa họ vào thế phải tử chiến mới mong tìm sự sống còn.
Chó dại có mùa, người dại quanh năm: chó thường bị dại vào mùa nắng. Còn người dại thì suốt đời cũng dại.
Chó dữ mất láng giềng: vì chó dữ nên không ai dám đến nhà. Chó dữ cũng là nguyên nhân mất tình láng giềng. Những dòng chữ Beware of the Dog, Coi Chừng Chó Dữ hay Chien Méchant tự nó tạo cho người bàng quang có những ấn tượng không tốt đẹp cho chủ nhà mang những dòng chữ ấy.
Chó ngáp phải ruồi chỉ sự may mắn và thành công bất ngờ ngoài khả năng và sự dự liệu.
Chó già, gà non: chó già thì rụng răng nên không gặm xương được. Gà còn nhỏ thì chưa có cựa nên chưa đá độ được. Trong trường hợp thứ nhất, vì già yếu người ta không làm gì được. Trong trường hợp thứ hai vì còn non, thiếu kinh nghiệm nên cũng không làm gì có kết quả như ý muốn. Hai thái cực (Già-Non) đều không tốt. Trung bình của hai thái cực Già-Non là thăng bằng cần phải có để chan hòa sự vô lực của kẻ già kinh nghiệm nhưng phải bó tay vì già yếu và kẻ quá non về thể xác lẫn trí tuệ để có thể đạt được kết quả mong muốn.
Chó đen giữ mực: tánh nào tật nấy. Tánh tình và tật của con người không sao sửa được như con chó mực không thể hóa trắng hay vàng được. Bịnh có thể chữa bằng thuốc nhưng tật thì không sao chữa được. Có thể dùng thuốc để chữa người đau mắt (bịnh). Nhưng không có thuốc gì làm cho người mù bẩm sinh thấy được (tật). Bác sĩ có thể chữa người đau miệng lưỡi hay cuống họng (bịnh). Nhưng họ không thể chữa người câm tiên thiên nói được (tật).
Chó khôn chớ có cắn càn: người khôn không nên gây sự lung tung để gây ra lắm hậu quả không sao lường được.
Cãi nhau như chó với mèo: chó và mèo là hai loài thú vật nuôi trong nhà nhưng cả hai đều hay tranh chấp với nhau. Câu nầy gợi lên sự tranh chấp lặt vặt và thường xuyên giữa những người trong nhà.
Chó treo, mèo đậy là phương pháp phòng ngừa chó và mèo ăn thức ăn. Ðể phòng ngừa chó người ta phải treo thức ăn lên cao. Ðối với mèo phải dùng nắp đậy kín và chặt.
Người Ðông Phương và Tây Phương gặp nhau khi gọi chiếc răng nhọn là răng chó (canine).
Trong thực vật học có một loại cỏ gọi là cỏ chó đẻ (Phyllanthus niruri) và cây chó đẻ răng cưa (Phyllanthus urinaria).
Cỏ chó đẻ thuộc gia đình Euphorbiaceae. Loại cỏ nầy mang tên ngộ nghĩnh như vậy vì chó tìm cỏ nầy để ăn sau khi đẻ. Trong y học dân gian người ta dùng cỏ chó đẻ làm thuốc nhuận tiểu, trị cước khí, nhiễm trùng đường tiểu, nước tiểu có sạn, hoàng đản. Nó làm giảm lượng đường trong máu. Cỏ chó đẻ được xem như có chất kháng sinh tự nhiên với nhiều dược tính đáng được nghiên cứu trong việc điều trị bịnh đường và ung thư. Thí nghiệm trên chuột và thỏ có kết quả khích lệ nhưng chưa thể tiên liệu kết quả nếu áp dụng cho người. Bản thân cỏ chó đẻ có potassium (kalium), phyllantin, hypophyllantin.
Cỏ chó đẻ răng cưa cũng có công dụng tương tự như cỏ chó đẻ mà chúng ta vừa nói qua.
Cây bọ chó được biết dưới tên khoa học là Buddleja asiatica. Tên Hán-Việt là túy ngư thảo (cỏ làm cho cá say). Cây bọ chó dùng làm thuốc trị bịnh ngoài da. Ðàn bà có thai không được dùng cây bọ chó rất nguy hiểm cho bào thai.
Cẩu tích (5) là loài dương xỉ, u hình lá dài cả thước. Thân rễ có lông vàng. Vì vậy cẩu tích còn được gọi là kim mao (lông vàng). Tên khoa học của cây cẩu tích là Cibotium borometz thuộc gia đình Ceratopteridaceae. Nó được dùng làm thuốc trị đau xương sống, phong thấp, đau xương cụt, yếu thận v.v...
Người Á Rập có câu:
Chó sủa mặc chó, đoàn lạc đà cứ đi.
(Le chien aboie; la caravane passe)
Trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp ba có bài “ Người Ði Ðường và Con Chó ”. Bài nầy cho thấy người cỡi ngựa bực mình vì bị một con chó rượt theo và sủa ầm ĩ. Ðể mượn bàn tay người khác giết chó anh ta la to: “ Chó dại! Chó dại! ”. Mọi người đều cầm gậy và rượt theo con chó mà đập nó cho đến chết. Chó chết vì lời nói dóc của con người. Con chó dại không độc bằng lời nói “ Chó dại! ”.
Trong thiên văn học có chòm sao Canis Major (Ðại Cẩu Tinh) và Canis Minor (Tiểu Cẩu Tinh). Trong chòm sao Ðại Cẩu Tinh có sao Sirius (Cẩu Tinh) là sao sáng nhất. Chòm sao Canis Major nằm giữa sao Puppis và Orion và phía nam sao Gemini. Ngôi sao sáng trong chòm sao Canis Minor là sao Procyon (Tiểu Cẩu Tinh). Loài raccoon thuộc gia đình Procyoidae. Theo chuyện thần thoại Hy Lạp Orion là người thợ săn và Sirius là con chó của Orion.
Thân thuộc gần của khuyển tộc là lang tộc tức chó sói được biết dưới tên khoa học Canis lupus. Ðây là loài chó sống hoang dã trong rừng. Chúng sống theo đàn, có tổ chức và chỉ huy chặt chẽ. Chó sói rất hung tợn. Với sức mạnh của số đông và với sự tổ chức và chỉ huy có hệ thống, chó sói dám tấn công cọp con, sư tử con và cả voi con để ăn thịt. Trong tiếng La Tinh chó sói được gọi là lupus. Câu:
L'homo lupus l'homini.
(Con người là con chó sói đối với con người)
là một nhận xét nhằm nói lên sự hung dữ giữa loài người với nhau.
La Fontaine viết bài ngụ ngôn Le Loup et l'Agneau (chó sói và Cừu Non) với câu mở đầu trở thành một châm ngôn:
La raison du plus fort est toujours la meilleure.
(Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng)
(câu dịch của Nguyễn Văn Vĩnh)
Alfred de Vigny viết bài thơ La Mort du Loup với ý thơ mạnh bạo và hùng tráng đầy uy lực chí mà nhà triết học Nietzche (1844-1900) hằng cổ xúy:
Gémir, pleurer, prier est également lâche.
(Run sợ, khóc than, van xin đều hèn nhát như nhau)
Trong thiên văn học có sao Lupus ở phía nam giữa sao Centaurus và Norma.
Trong y học có bịnh lupus là một bịnh lao da. Hai chứng bịnh lupus quan trọng là lupus erythematosus (thương tổn da; nổi mụt như trứng cá rất đau và nhức. Ðó là loại bịnh nguy hiểm đến nỗi người Việt Nam không dám nói đến tên chứng bịnh (tên Việt Nam trong y khoa gọi bệnh này là lang sang hồng ban – chú thích của ban biên tập) và lupus vulgaris (lao da quanh mặt, mũi và tai). Chứng lupus nephritis dẫn đến huyết niệu (tiểu ra máu) và hoại thận.
*
Trong số đề, khuyển tộc mang số 11 sau con rồng nằm (số 10) và trước con ngựa (số 12).
Chó là một con vật trong 12 con giáp. Năm con chó được gọi là năm Tuất. Năm 2006 là năm Bính Tuất. Năm Tuất là năm Dương (+). Trong chu kỳ 60 năm có 5 năm Tuất. đó là: Giáp Tuất (1934, 1994, 2054…), Bính Tuất (1946, 2006…), Mậu Tuất (1958, 2018…), Canh Tuất (1910, 1970, 2030…) và Nhâm Tuất (1922, 1982, 2042…). Cứ 60 năm có năm cùng can và chi. Thí dụ: 1934 là năm Giáp Tuất. 1934 + 60 = 1994: Giáp Tuất v.v…
Năm Giáp Tuất thuộc hành Hỏa; Bính Tuất: Thổ; Mậu Tuất: Mộc; Canh Tuất: Kim và Nhâm Tuất: Thủy. Người sinh năm Tuất khéo tay và giỏi về kỹ thuật. Dù giàu có và có quyền hành, người sinh năm Tuất luôn bận rộn tâm trí và thể xác.
Những nhân vật quan trọng tuổi Tuất
Những nhân vật quan trọng trên thế giới vào thế kỷ 20 sinh vào năm Tuất là: Winston Churchill (1874-1965), Benla Kun (1886-1937), Lưu Thiếu Kỳ (1898-1969), Golda Meir (1898-1978), Norodom Sihanouk (1922-) Chu Ðức (1886-1976), Chu Ân Lai (1898-1976), Bill Clinton (1946-), Ngô Ðình Nhu (1910-1963) v.v…
Winston Churchill được xem như là một nhân vật nổi bật vào thế kỷ 20. Ông là một nhà chánh trị sống động trên chánh trường Anh từng góp phần vào chiến thắng của Anh trong đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Tuổi thọ của ông rất cao mặc dù ông hút thuốc rất nhiều.
Golda Meir là vị nữ thủ tướng đầu tiên của Do Thái từng góp phần vào việc lập quốc của nước nầy vào năm 1948. Giữa trận mưa đạn vào ngày lập quốc (14-05-1948), bà giả dạng một thiếu nữ Ả Rập để sang Jordan tìm hiểu thái độ của vua Hussein, một người từng học ở Anh và có tinh thần cởi mở.
Chu Ðức (Zhu De) học ở Ðức và là người có công sáng lập và chỉ huy hồng quân Trung Quốc. Ông không gặp khó khăn gì trong Cách Mạng Văn Hóa (1966-76).
Chu Ân Lai (Zhou Enlei) là một thủ tướng lâu bền và một nhà ngoại giao khéo léo của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ông từng học ở Nhật và Pháp.
Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) thay thế Mao Trạch Ðông (Mao Zedong) trong chức vụ Chủ Tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc năm 1959. Mao từ đó chỉ còn là chủ tịch đảng mà thôi. Lưu Thiếu Kỳ bị Vệ Binh Ðỏ hành tội trong Cách Mạng Văn Hóa và chết một cách thê thảm năm 1969. Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Ðông đều là người tỉnh Hồ Nam (Hunan). Lưu Thiếu Kỳ được huấn luyện ở Moscow năm 1920 trước khi đảng Cộng Sản Trung Quốc được thành lập ở Thượng Hải (Shanghai) năm 1921.
Bill Clinton đắc cử thống đốc Arkansas khi mới lên 32 tuổi. Ông là một trong những vị tổng thống trẻ tuổi của Hoa Kỳ vào thế kỷ 20. Ông là tổng thống 2 nhiệm kỳ duy nhất của đảng Dân Chủ sau đệ nhị thế chiến và là người đầu tiên sinh sau đệ nhị thế chiến đắc cử tổng thống.
Ngô Ðình Nhu là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Ecole Nationale des Chartres năm 1938.
Sihanouk làm vua từ năm 1941 nhưng luôn luôn tự xem mình là thái tử. Năm 1970 ông bị Lon Nol lật đổ. Mãi đến năm 1993 ông mới trở lại ngai vàng nhưng chỉ ngự mà không trị như nữ hoàng Anh. Năm 2004 ông thoái vị để nhường ngôi cho người con thứ. Vua Sihanouk từng học ở trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn.
Những biến cố quan trọng vào năm Tuất trong thế kỷ 20
1910: Thành lập đoàn hướng đạo Hoa Kỳ, bảo hộ Nhật trên bán đảo Triều Tiên.
1922: Mussolini nắm chánh quyền ở Ý: sự ra đời của GPU hay OGPU (công an chánh trị của Liên Sô)
1934: IMF (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế); độc lập Phi Luật Tân; toàn quốc kháng chiến (Việt Nam)
1958: Chế độ quân chủ Iraq sụp đổ; bước tiến nhảy vọt ở Trung Quốc; vệ tinh Explorer I được phóng lên từ Cape Canavaral ; thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được gởi đến Lebanon.
1970: Earth Day đầu tiên; Sihanouk bị lật đổ; quân đội VNCH vượt biên giới Cambodia; hai nữ tướng lãnh đầu tiên của Hoa Kỳ được tổng thống Nixon bổ nhiệm; 4 sinh viên trường đại học Kent, Ohio bị bắn chết.
1982: Chiến tranh Do Thái – Ả Rập ở Lebanon ; phi thuyền con thoi Columbia hoàn thành chuyến bay đầu tiên (phi thuyền này cháy vào năm 2003); Breznev chết.
1994: Ðộng đất ở Los Angeles ; bãi bỏ lịnh cấm vận với Việt Nam ; Việt Nam gia nhập Hiệp Hội Các Nước đông Nam Á (ASEAN)
Phạm đình Lân, F.A.B.I.
_______
Chú thích:
(1) Trong tiếng Pháp ‘berger' là người chăn thú.
(2) Năm 1904 ông Pavlov được giải thưởng Nobel về y học.
(3) Ngưu: bò. Thủy ngưu mới thực sự là con trâu. Người Anh cũng gọi ‘buffalo' là bò vì trâu là ‘water buffalo' (thủy ngưu).
(4) Cây vông tức cây ngô đồng (Phượng hoàng đậu nhánh ngô đồng). Gỗ vông nhẹ và được dùng làm một loại guốc khá đắt tiền. Lá vông dùng để gói nem. Người ta ăn lá vông cho dễ ngủ. Tên khoa học của cây ngô đồng là Erythrina variegata. Hoa vông màu đỏ thẫm rất đẹp.
(5) Cẩu: chó; tích: xương sống.
Cái Đình - 2005