Phạm Văn Thuận


Hương vị quê nhà trên đất khách
Người Hà Lan và món chả giò (nem) Việt Nam

Tết Việt lại đến với những người con xa xứ. Tết Việt lại về trên quê hương yêu dấu của chúng ta, và với những người thân ruột thịt nơi quê nhà.

Nhớ lại những ngày xa xưa, khi mỗi độ xuân về, tôi thường mong ngày mong đêm cho mau đến Tết để được mặc áo quần mới, được lì xì và được đi thăm những người thân ruột thịt. Chỉ vào những ngày đó thì khi đến bất cứ gia đình người thân nào cũng được lì xì và ăn uống thỏa thích.

Trong mấy ngày Tết, ngoài những món truyền thống ngàn đời của dân tộc ta là dưa hấu, bánh chưng, dưa hành, thịt kho nước dừa, bánh tráng v.v…, rất nhiều gia đình còn có thêm món chả giò (nem) và nhiều món khác nữa kèm theo để tăng thêm phần trịnh trọng trong những ngày Tết.

Nhờ món chả giò (nem), một món ăn ngon rất nổi tiếng của Việt Nam, mà trải qua một thời gian dài cho đến ngày hôm nay, những người Việt ở Hà Lan đã giải quyết được công ăn việc làm, đã có nhiều gia đình trở thành triệu phú.

Đến hôm nay thì có thể nói là không còn một người Hà Lan nào mà không biết đến món chả giò (nem) của Việt Nam và người Việt Nam.

*

Khi nói đến những món ăn của người Nhật thì người Hà Lan liên tưởng đến món Sushi. Nói đến người Tàu thì vịt quay xá xíu, cơm chiên mì sợi… Người Thái Lan thì những món ăn ít nhiều đều cay đến tê lưỡi…

Cuối những năm của thập niên 70 thì đất nước của hoa Tulip đã đón nhận những người Việt Nam đến định cư. Lúc đó người bản xứ chỉ biết đến người Việt Nam, nước Việt Nam là nơi nổi tiếng vì chiến tranh.

Những ngày tháng trong trại, chính phủ Hà Lan đã tổ chức để cho mỗi gia đình người Việt được có một gia đình người Hà Lan giúp đỡ hoàn tất mọi thứ giấy tờ, cũng như giúp luyện tiếng Hà Lan để mau hội nhập vào đời sống xã hội. Những người Hà Lan này được gọi là “bạn gia đình”.

Những khi có lễ hội trong trại, những ngày lễ, Tết hoặc những bữa cơm mà người Việt đãi đằng“bạn gia đình” thì thường luôn luôn có món chả giò. Và vì thế, món chả giò Việt Nam trở nên nổi tiếng từ những ngày tháng đó.

Trong nhiều gia đình người Việt hiện đang định cư tại Hà Lan và sinh sống bằng nghề buôn bán món ăn nổi tiếng này, ít ai biết người đầu tiên bán món chả giò Việt Nam ngoài chợ là ai.

Theo tìm hiểu của tôi thì người khởi xướng bán món ăn này ra ngoài chợ là gia đình anh chị Nguyễn Văn Xứng ở Delft thuộc miền Nam nước Hà Lan. Anh cho biết: “Trong một lần nhân ngày lễ Nữ Hoàng (tức là ngày 30 tháng 4 hằng năm) người “bạn gia đình” của tôi đề nghị là nên làm và bán món này. Lúc đó tôi không biết phải làm nhân bằng những thứ gì và ăn ra làm sao. Mình quen ăn chả giò với rau và chấm với nước mắm. Bây giờ mang ra chợ bán mà phải làm y như khi ăn trong nhà thì không tiện chút nào. Vả lại không biết bán bao nhiêu một cái. Nghĩ rồi tôi nói với bà xã làm thử 500 cái và bán mỗi cái là 50 xu Gulden (thời giá năm 1983). Tôi lấy một cái xoong nhỏ để chiên. Không ngờ chỉ trong vòng có vài tiếng là bán sạch hết 500 cái. Những người đã mua được hôm đó thì khen nức nở. Những người không mua được thì cứ tiếc mãi. Sau bữa đó, tôi quyết định hành nghề với món này. Sau khi làm đầy đủ mọi thủ tục giấy tờ, tôi xin một chỗ bán ngoài chợ. Những người Hà Lan buôn bán ngoài chợ cũng như những người chủ chợ rất tận tình giúp đỡ gia đình tôi có một chỗ đứng bán. Tôi đã làm cuốn chả giò lớn hơn và bán giá 1 gulden một cái (khoảng 45 Euro cent). Thay vì món đó chấm với nước mắm, tôi đã chế ra một món chấm hợp với khẩu vị của người Hà Lan bằng cách pha sốt cà tô mát với đường và nấu lên. Sốt này sẽ cho một vị chua chua và ngọt ngọt”.

Ngay những ngày đầu tiên anh chị Nguyễn Văn Xứng đứng bán ngoài chợ, phóng viên một tờ báo lớn của Hà Lan đã đến phỏng vấn. Anh Xứng cho biết sự khác biệt giữa món ăn của Việt Nam với những món ăn của người Tàu và những dân tộc khác, là món ăn Việt không có nhiều mỡ. Đây là một lợi thế hoàn toàn của món Việt vì người bản xứ rất sợ những món ăn có nhiều chất béo.

Sau gia đình anh chị Xứng thì đến gia đình anh chị em của anh chị Xứng; và rồi tất cả những người Việt Nam ở khắp nước Hà Lan đã cùng xin giấy phép ra hành nghề. Dĩ nhiên là mỗi người đều làm theo một công thức riêng sao cho hợp với khẩu vị người bản xứ.

Từ những năm đầu tiên đó thì hình như người Hà Lan đều nghĩ rằng tất cả hàng chả giò ngoài chợ đều ngon giống nhau.

Có một việc đáng ghi nhớ là có gia đình anh Chánh và chị Tuyết ở Oegstgeest, thuộc miền Nam nước Hà Lan, đã bán món chả giò này thật ly kỳ bằng cách anh Chánh chiên chả giò ở nhà rồi sắp lên một cái mâm để cho chị Tuyết đứng trước cửa các siêu thị mời chào khách mua. Dĩ nhiên làm cách này thì không hợp lắm với người Hà Lan vì không hợp vệ sinh và không hấp dẫn bằng chiên ngay tại chỗ.

 

Chả giò và gỏi cuốn

Thăng trầm theo thời gian, đến nay thì món ăn này đã hoàn toàn nổi tiếng và chinh phục được mọi người dân của đất nước nổi tiếng về... nước và hoa.

Kể từ khi người Hà Lan du lịch đến nước Việt Nam thì họ mới hiểu là cuốn chả giò không lớn và dài như những người Việt đang bán ngoài các chợ ở Hà Lan. Khi ăn thì phải có các loại rau thơm kèm theo và phải chấm với nước mắm. Bây giờ thì người Hà Lan đã biết phân biệt hàng nào bán ngon và hàng nào dở. Có thật nhiều người Hà Lan khi đi du lịch ở Việt Nam về đã đến hàng chả giò của người Việt và “muốn có món chả giò ăn sống”. Người bán hàng sẽ hiểu ngay là người mua muốn mua món gì và hỏi lại :“Chả giò sống ăn với nước mắm hay tương?”. Nếu được trả lời là ăn với tương tức là họ muốn món gỏi cuốn. Nếu được trả lời là ăn với nước mắm là họ muốn bì cuốn.

Thực ra món chả giò đã có từ khi người Tàu và người Indonesia đến xứ này từ vài chục năm về trước. Nhưng hai dân tộc này không bao giờ nghĩ ra là có thể đem món đó ra bán ngoài chợ. Chỉ có người Việt Nam là một dân tộc chịu khổ chịu cực để mong lấy công làm lời và đã thành công. Sau này tôi đã được nghe những người thuộc hai dân tộc nói trên cho biết: “Người Việt Nam khôn thật khi đem món ăn đó ra bán ngoài chợ”.

Bây giờ thì khi đi đến bất cứ chợ nào ở toàn nước Hà Lan, không khó lắm để thấy gian hàng “Vietnamese Loempia” (chả giò Việt Nam) luôn luôn góp mặt trong bất cứ hoàn cảnh thời tiết nào để quảng bá đến người bản xứ một món ăn, mà khi gọi đến tên là mọi người biết nó là của một dân tộc có truyền thống đoàn kết, chịu đựng và anh hùng.

Phạm Văn Thuận (Hà Lan)


Cái Đình - 2005