Phạm Ðình Lân
Hoa Kỳ và Trung Hoa
Hoa Kỳ và Trung Hoa là hình ảnh tương phản của hai quốc gia: một trẻ trung và một già nua. Quốc gia trẻ nầy sớm có nhiều đặc điểm mà nhiều quốc gia khác trên thế giới thèm thuồng.
1- Những người Âu Châu sống ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ ngày nay là những người vùng lên chống người Anh để thoát khỏi sự cai trị của Anh và thành lập ra tân quốc gia ở 13 tiểu bang nguyên thủy. Đó là những người đầu tiên trong đế quốc Anh đã giành độc lập và tự do ngay từ thế kỷ XVIII khi quốc gia chưa hình thành.
2- Hoa Kỳ là một trong những quốc gia Cộng Hòa đầu tiên trên thế giới.
3- Hoa Kỳ là thành trì của chế độ dân chủ trên thế giới với bản Hiến Pháp thành văn ngay từ thời lập quốc và được tôn trọng cho đến bây giờ. Cuộc chiến tranh Cách Mạng Hoa Kỳ tạo cảm hứng cho cuộc Cách Mạng 1789 ở Pháp. Nước Pháp chẳng những không có tự do, dân chủ mà lại có chế độ độc tài khủng bố Robespierre, chế độ quân nhân Bonaparte, đế chế thời Napoléon I, sự trở lại của chế độ quân chủ do dòng Bourbons đại diện, đế chế của Napoléon III. Từ Cách Mạng 1789 cho đến năm 1958 Pháp có 5 bản Hiến Pháp khác nhau. Các nhà trí thức khách quan Pháp công nhận Hoa Kỳ thực sự là thành trì của chế độ tự do dân chủ trên thế giới. Nhiều người Pháp đóng góp tiền bạc làm bức tượng Nũ Thần Tự Do vĩ đại tặng cho Hoa Kỳ nhân lễ kỷ niệm thứ 100 ngày bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ ra đời.
4- Hoa Kỳ là quốc gia hợp chủng và là một Liên Bang thành công và bền vững trên thế giới. Liên Bang gồm nhiều tiểu bang. Mỗi tiểu bang là một quốc gia nhỏ có hiến pháp, quốc hội, tổ chức hành chánh riêng. Tiểu bang chỉ tuân theo Liên Bang về chánh sách kinh tế, tiền tệ, quốc phòng và ngoại giao. Hiến pháp tiểu bang không thể có điều khoản trái ngược lại với hiến pháp Liên Bang. Đến cuối thế kỷ XIX lãnh thổ Hoa Kỳ chạy dài từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Ảnh hưởng chánh trị của Hoa Kỳ trên lục địa Mỹ Châu rất lớn từ khi chủ nghĩa Monroe ra đời với khẩu hiệu nổi tiếng: Châu Mỹ của người Mỹ Châu. Ảnh hưởng chánh trị của các nước Âu Châu trên lục địa Mỹ Châu, nhất là người Tây Ban Nha, suy giảm rõ rệt. Hoa Kỳ nới rộng lãnh thổ đến quần đảo Hawaii và bảo hộ quần đảo Phi Luật Tân sau khi đánh bại Tây Ban Nha năm 1898.
5- Hoa Kỳ sớm trưởng thành trên mọi lãnh vực hoạt động để vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự quan trọng trên thế giới. Sức mạnh kinh tế và quân sự đã trao cho Hoa Kỳ một vai trò chánh trị trên thế giới khi làm trung gian cho Nga và Nhật thương thuyết năm 1905, tham gia đệ nhất và đệ nhị thế chiến để đem chiến thắng về cho phe Đồng Minh, sáng kiến thành lập Hội quốc Liên (1919) và tổ chức Liên Hiệp Quốc (1945), lãnh đạo khối chống Cộng Sản trong chiến Tranh Lạnh chống Liên Sô cầm đầu khối Cộng Sản trên thế giới, viện trợ kinh tế cho các quốc gia chiến bại trong đệ nhị thế chiến và các quốc gia có quá khứ thuộc địa vừa thu hồi độc lập, tham dự chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam v.v…
6- Hoa Kỳ giải phóng nô lệ Da Đen sau khi chấm dứt cuộc chiến tranh phân ly năm 1864. Người Da Đen rời bỏ các đồn điền hay nông trại ra sống ở thành phố và các tiểu bang kỹ nghệ. Phần lớn họ thành công lớn trên lãnh vực thể thao, âm nhạc, hoạt động báo chí, truyền thanh, truyền hình. Người Da Đen chiếm 14% tổng số dân Hoa Kỳ nhưng đa số các cảnh sát trưởng ở các thành phố lớn ở Hoa Kỳ đều do người Da Đen nắm giữ. Người Da Đen có luật sư, bác sĩ, nghệ sĩ, tỷ phú, khoa học gia, khôi nguyên giải Nobel, tướng lãnh, dân biểu, thị trưởng, hội đồng thành phố. Năm 2008 Hoa Kỳ có tổng thống Da Đen đầu tiên: Barak Hussein Obama. Hoa Kỳ chỉ trích chánh phủ Nam Phi kỳ thị người Nam Phi Da Đen và cầm tù ông Mandela 27 năm.
Hoa Kỳ là quốc gia trẻ nhưng Hoa Kỳ chưa học bất cứ cái gì của Trung Hoa. Kim Dung có cái nhìn chính xác khi mô tả Dương Quá (tiêu biểu cho Hoa Kỳ) không học võ công của Quách Tĩnh (tiêu biểu cho Trung Hoa) mà học một vài thế võ của Âu Dương Tây Độc đi bằng cái đầu (tiêu biểu cho người Âu Châu sống bằng lý trí, lý luận khoa học) và Thần Điêu (dấu hiệu sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ).
Trung Hoa không khác gì nhân vật Châu Bá Thông, già nhưng trẻ như một nhi đồng! Nước Trung Hoa oằn oại trong nội chiến, loạn lạc, những cuộc nổi dậy của nông dân; bị Mông Cổ, Mãn Châu đô hộ; bị người Tây Phương (Nga, Anh, Pháp, Đức), kể cả Nhật đánh bại hai lần (1894, 1937). Vào thế kỷ XIX Hoa Kỳ không ngừng kêu gọi các nước Âu Châu và Nhật tôn trọng sự vẹn toàn lãnh thổ của Trung Hoa. Tuy vậy năm 1901 Hoa Kỳ cũng tham gia với các nước trong liên quân tám nước (Bát Quốc Liên Quân) tấn công Beijing (Bắc Kinh).
Linh hồn của Cách Mạng Tân Hợi (1911) là Tôn Dật Tiên (Sun Yatsen) là người chịu ảnh hưởng của chánh trị Hoa Kỳ rất sâu đậm. Ông sống ở Hawaii thời thanh xuân và theo đạo Tin Lành. Chủ nghĩa Tam Dân của ông chịu ảnh hưởng của Karl Marx và Henry George. Tam Dân chủ nghĩa bao gồm:
như gợi lại ít nhiều khẩu hiệu Vì Dân, Do Dân và Bởi Dân của tổng thống Abraham Lincoln.
Ông Hồ Chí Minh âm thầm dùng Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc của Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I) làm khẩu hiệu cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và bây giờ là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Gia đình họ Tống (Song) bên vợ của Sun Yatsen và Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) là gia đình giàu có nổi tiếng ở Trung Hoa vào đầu thế kỷ XX theo đạo Tin Lành và chịu ảnh hưởng giáo dục Hoa Kỳ sâu đậm. Hu Shi (Hồ Thích), người có công lớn trong Phong Trào Ngũ Tứ, Phong Trào Tân Văn Hóa và cải cách ngôn ngữ Trung Hoa, học ở đại học Corneil và Columbia, Hoa Kỳ. Từ cách mạng Tân Hợi đến khi Nhật thành lập Mãn Châu Quốc (Manchukuo) năm 1932, Hoa Kỳ không can dự trực tiếp vào vấn đề Trung Hoa. Trong đệ nhị thế chiến Hoa Kỳ giúp đỡ cho chánh phủ Quốc Dân Đảng lẫn du kích Cộng Sản Trung Hoa kháng chiến chống Nhật. Trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng lần thứ hai, sau đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ không thể giúp cho Chiang Kaishek hữu hiệu nữa. Kinh tế Trung Hoa suy sụp sau tám năm chiến tranh chống Nhật và cuộc nội chiến tiếp tục, nạn tham nhũng bành trướng khắp cả nước. Uy thế của Chiang Kaishek suy yếu trước sự vươn lên của Cộng Sản Mao Zedong. Trong cuộc nội chiến nầy quân Cộng Sản có nhiều kinh nghiệm quân sự sau tám năm đánh nhau với Nhật. Số đảng viên và cảm tình viên Cộng Sản gia tăng kể cả một số người bên phía Quốc Dân Đảng ngả theo Cộng Sản như tướng Lư Hán, Tiêu Văn chẳng hạn. Quân Cộng Sản có đầy đủ khí giới bao gồm khí giới cũ sẵn có, khí giới cướp của quân Nhật, của quân Quốc Dân Đảng và khí giới do Liên Sô cung cấp sau khi đánh bại lực lượng Guandong (Quan Đông) của Nhật ở Mãn Châu. Hoa Kỳ ước lượng sự thất bại khó tránh khỏi của quân Quốc Dân Đảng nên có viện trợ bao nhiêu cũng vô ích. Nhưng họ sẵn sàng can thiệp không cho quân Mao Zedong đánh chiếm đảo Taiwan (Đài Loan) và viện trợ cho Chiang Kaishek để bảo vệ và phát triển một giang sơn nhỏ bé (36.000 km2).
Năm 1950 Hoa Kỳ và quân Cộng Sản Trung Hoa đụng nhau trên chiến trường Triều Tiên. Mao Zedong càng oán ghét Hoa Kỳ nhiều hơn không phải vì ông là Cộng Sản và Hoa Kỳ là “đế quốc đứng đầu phe tư bản” mà vì:
Giữa Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) không có quan hệ ngoại giao. Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) của Chiang Kaishek vẫn còn là đại diện của Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc với tư cách một trong Ngũ Cường. Trên thực tế THDQ không có uy thế lớn trên thế giới. Trái lại, dù không được ưa thích, CHNDTQ cũng được mời tham dự các hội nghị quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề trọng đại trên thế giới như hội nghị Berlin (1953), hội nghị Geneva (1954), hội nghị Bandung (1955). Tại Geneva ngoại trưởng Hoa Kỳ Foster Dulles không bao giờ bắt tay với Zhou Enlai (Châu Ân Lai).
Hoa Kỳ miễn cưỡng nhưng tích cực giúp Pháp trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Miễn cưỡng vì họ chủ trương chấm dứt chủ nghĩa thuộc địa. Nhưng tích cực giúp Pháp (80% tổng chi phí chiến tranh Đông Dương do Hoa Kỳ giúp đỡ) vì sự thất bại của Pháp là sự thất bại của đế quốc Tây Phương Bạch Chủng và là sự thành công của Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, tức là sự thành công của Cộng Sản hay nói rõ hơn Cộng Sản Trung Hoa vì CHNDTH tích cực giúp cho Hồ chí Minh bằng cách viện trợ võ khí, lương thực, thuốc men, huấn luyện quân sự cho Việt Minh và cố vấn chánh trị lẫn quân sự cho chánh phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh. Beijing (Bắc Kinh) giúp cho Việt Minh thắng Pháp ở Điện Biên Phủ và cũng chính Beijing hạn chế hào quang chiến thắng của Việt Minh bằng cách gây sức ép cho Hồ Chí Minh chấp nhận chia đôi Việt Nam để CHNDTQ tránh sự đụng độ có thể xảy ra với Hoa Kỳ. Không một ngoại trường nào đại diện Anh (Eden), Pháp (George Bidault rồi Mendès France), Nga (Molotov), Hoa Kỳ (Foster Dulles), Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (Zhou Enlai), Việt Minh (Phạm Văn Đồng), Quốc Gia Việt Nam (Nguyễn Quốc Định rồi Trần Văn Đỗ) ký tên trong một văn bản nào ở Geneva năm 1954. Chỉ có đại tá Delteil (Pháp) và Tạ Quang Bửu (Việt Minh) ký hiệp định ngưng bắn mà thôi. Foster Dulles không tham dự hội nghị mà để cho Bidell Smith ngồi trong bàn hội nghị.
Sự ra đời của Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO: Southeast Asia Treaty Organization), thuyết Domino, sự ủng hộ ông Ngô Đình Diệm nắm chánh quyền ở miền Nam Việt Nam, việc đưa quân Hoa Kỳ vào Nam Việt Nam năm 1965 đều nhằm mục đích ngăn chận sự bành trướng của CHNDTQ ở Đông Nam Á. Nếu ở Âu Châu NATO (North Atlantic Treaty Organization) là một tổ chức hùng hậu và có hiệu quả bao nhiêu thì ở Đông Nam Á SEATO lỏng lẻo bấy nhiêu. Kiều dân Trung Hoa ở Đông Nam Á rất đông. Họ nắm quyền lợi kinh tế và chi phối chánh trị trong vùng. Cộng Sản ở Ðông Nam Á theo chủ nghĩa Mao. Năm 1955 Zhou Enlai năng nổ trong hội nghị Bandung ở Indonesia như ông từng đóng vai trò cốt yếu trong vấn đề Ðông Dương tại hội nghị Geneva năm 1954. Tổng thống Sukarno ở Indonesia có chánh sách thân thiện với Beijing và Hà Nội. Nhưng năm 1965 ông suýt bị Cộng Sản Indonesia lật đổ. Lợi dụng cơ hội nầy, tướng Suharto cho Sukarno rời khỏi sân khấu chánh trị để thi hành chánh sách đàn áp các đảng viên Cộng Sản Indonesia, quốc gia có số đảng viên Cộng Sản thứ nhì ở Á Châu sau CHNDTQ mà thôi. Sự thành công của tướng Suharto phá vỡ sự liên kết giữa CHNDTQ và Indonesia, quốc gia Hồi Giáo rộng lớn, giàu tài nguyên thiên nhiên và đông dân cư nhất ở Ðông Nam Á.
Hoa Kỳ ngưng viện trợ cho Trung Hoa Dân Quốc khi đảo quốc nầy có nền kinh tế vững chắc để tự lực và tự tồn. Năm 1971 CHNDTQ thay thế THDQ tại Liên Hiệp Quốc. Bang giao giữa Hoa Kỳ và CHNDTQ cải thiện dưới thời tổng thống Nixon (đảng Cộng Hòa) do công lao của Henry Kissinger lợi dụng cuộc chiến tranh giữa Trung Hoa Cộng Sản và Liên Sô trên đảo Damansky năm 1969 và tin đồn Liên Sô đe dọa dùng bom nguyên tử tấn công CHNDTQ. Lục địa Trung Hoa lúc ấy rối bời. Cách Mạng Văn Hóa do Mao và Jiangqing (Giang Thanh) khởi động gây rối loạn xã hội. Nhiều đảng viên cao cấp của đảng Cộng Sản bị Hồng Vệ Binh bắt, đánh đập, hạ nhục và bỏ đói đến chết. Nhiều người khác bị đưa về nông thôn lao động. Nhiều người tự tử chết. Ngoài biên giới Liên Sô đe dọa sẽ dùng sức mạnh quân sự đe dọa đè bẹp CHNDTQ.
Hoa Kỳ thân thiện với CHNDTQ đúng lúc vì cả hai đều cần nhau. Hoa Kỳ cần CHNDTQ để chế ngự Liên Sô. CHNDTQ cần Hoa Kỳ để không sợ bị Liên Sô đe dọa. Nixon trở thành ân nhân của Mao Zedong.
Deng Xiaoping (Ðặng Tiểu Bình), nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa, trở lại chánh quyền sau khi Mao Zedong mất. Ông tiếp nối đường lối bang giao tốt với Hoa Kỳ. Quốc gia già nua với văn hóa ngàn năm phải học hỏi quốc gia trẻ đa văn hóa và đa chủng tộc để thực hiện Bốn Hiện Ðại Hóa.
Cộng Sản Việt Nam chiếm được miền Nam Việt Nam bằng võ lực (1975). Họ tự hào đánh thắng hai đế quốc Tây Phương: Pháp và Hoa Kỳ. Họ không ngớt lập đi lập lại khẩu hiệu Ai thắng ai? với tin tưởng rằng họ sẽ đánh bại bất cứ kẻ thù nào dù to lớn đến đâu và xuất phát từ đâu. Thái độ ngạo nghễ của Cộng Sản Việt Nam như chế nhạo Mao không thống nhất nổi đảo Taiwan, Bắc Hàn thất bại trong việc thống nhất Triều Tiên bằng võ lực, Ðông Ðức không đủ sức đánh bại Tây Ðức để thống nhất nước Ðức trong khi Cộng Sản Việt Nam thống nhất Việt Nam bằng bạo lực và đánh bại cả Hoa Kỳ.
Lê Duẫn ngả hẳn theo Liên Sô và tự nguyện làm nghĩa vụ quốc tế ở Ðông Nam Á, trước mắt là Cambodia, một quốc gia Cộng Sản mới theo chủ nghĩa Mao. Deng Xiaoping báo cho tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter biết Cộng Sản Trung Hoa sẽ tấn công Cộng Sản Việt Nam thân Sô Viết. Deng Xiaoping lấy lòng Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây Phương bằng chủ thuyết mèo trắng, mèo đen. Cuộc chiến tranh biên giới giữa CHXHCNVN và CHNDTQ không có kết quả tốt cho cả hai bên. Trung Hoa Cộng Sản chủ động tấn công nhưng không chiếm được địa điểm nào trên lãnh thổ Việt Nam, trái lại bị thiệt hại nhân mạng đáng kể. Cộng Sản Việt Nam bị thiệt hại vật chất trầm trọng. Ngay cả hang Pắc Bó lịch sử của thời đệ nhị thế chiến cũng bị quân Cộng Sản Trung Hoa phá sạch. Sự thiệt hại vật chất ấy có ý nghĩa đặc biệt đối với một quốc gia bị chiến tranh tàn phá vì những cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ trong thời gian 1964 – 1972. Sự hạ nhục liên tục của Cộng Sản Trung Hoa đối với Cộng Sản Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ sự căng thăảng giữa hai nước vào cuối thập niên 1970.
Các tổng thống đảng Dân Chủ của Hoa Kỳ đều mạnh dạn đưa quân tham chiến vào đệ nhất thế chiến ở Âu Châu năm 1917 (Wilson), đệ nhị thế chiến ở Âu Châu, Bắc Phi và Thái Bình Dương năm 1942 (Roosevelt), chiến tranh Triều Tiên năm 1950 (Truman), Việt Nam (gia tăng cố vấn và viện trợ quân sự thời Kennedy và tham chiến thời Johnson). Trong chiến tranh Việt Nam nhiều chánh trị gia đảng Dân Chủ như Edward Kennedy, Fulbright, Robert Kennedy, Mansfield, Mc Govern,… trở thành những người phản chiến. Cộng Sản Trung Hoa không xua quân xuống giúp Cộng Sản Bắc Việt khi bị Hoa Kỳ oanh tạc hay tiếp sức cho du kích quân Mặt Trận như đã can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên. Họ dùng Cộng Sản Bắc Việt và du kích Mặt Trận ở miền Nam để cầm chân và gây rĩ máu lâu dài cho người Hoa Kỳ hơn là muốn kết thúc chiến tranh bằng sự thắng lợi của Cộng Sản Việt Nam. Họ cũng vui mừng khi thấy Hoa Kỳ đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá.
Sau chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ gần như không quan tâm nhiều đến Ðông Nam Á. SEATO không còn nữa. Nó được thay thế bằng ASEAN. Hoa Kỳ chỉ còn căn cứ ở Subic Bay ở Phi Luật Tân. Liên Sô thay thế Hoa Kỳ ở Cam Ranh. Chiến tranh giữa ba nước Cộng Sản bùng nổ: CHXHCNVN-Cambodia, CHXHCNVN-CHNDTQ. Năm 1992 Hoa Kỳ trả căn cứ Subic Bay cho Phi Luật Tân và thuê một ụ sửa tàu ở Singapore, nơi hiện diện duy nhất của Hoa Kỳ ở Ðông Nam Á.
Liên Sô sụp đổ. CHXHCNVN phải qui phục Beijing trở lại. CHNDTQ trở thành cường quốc kinh tế và quân sự mạnh nhất trong vùng. Các nước kỹ nghệ Âu Mỹ cần thị trường và nhân công rẻ của lục địa Trung Hoa. Họ đầu tư vào nước nầy. CHNDTQ sớm trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới và trở thành chủ nợ của Hoa Kỳ. CHNDTQ gia tăng ngân sách quốc phòng, mua phi cơ, hàng không mẫu hạm và võ khí mới. Mặt khác họ sản xuất phi cơ chiến đấu phỏng theo các phi cơ mua của Nga. CHNDTQ quan tâm đến sự phát triển hải quân với ý thức muốn bành trướng lãnh thổ, chinh phục thuộc địa phải có lực lượng Hải Quân mạnh. Ngoài quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa mà họ đánh chiếm của VNCH năm 1974 và của CHXHCNVN năm 1988, họ tự nhận chủ quyền của 3 triệu km2 ở Biển Ðông và tất cả các đảo san hô, đảo đá, bãi cạn nằm trong Lưỡi Bò 3 triệu km2 ở Biển Ðông. Tất cả đều “thuộc chủ quyền” của Bắc Kinh với những bằng chứng lịch sử vu vơ. Nhưng các nước Ðông Nam Á đều câm lặng trước sức mạnh quân sự của họ. Từ năm 1980 đến 2008 các tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa (Reagan; Bush I và Bush II, 2001 – 2009) và Dân Chủ (Clinton, 1993 – 2001) đều không quan tâm nhiều đến Ðông Nam Á và các quốc gia Liên Âu đều vuốt ve, mơn trớn CHNDTQ khiến cho nước nầy hành sử như một Thiên triều. Các nước bang giao với CHNDTQ phải chấp nhận một số điều kiện như:
Riêng Việt Nam phải tôn trọng Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng do Beijing đề ra. Không biết Cộng Sản Việt Nam đã ký mật ước gì với họ ở Chengdu (Thành Ðô) năm 1990 mà chỉ thấy Việt Nam có nhiều dấu hiệu Hán hóa đáng lo ngại đến nỗi ở Việt Nam nếu ai nói đến những chữ Hoàng Sa, Trường Sa thì bị công an bắt giam và tra tấn. Chống lại Trung Hoa Cộng Sản là một trọng tội. Nào là ông tổ nhà Lý, nhà Trần đều gốc Trung Hoa. Nào là Hồ Chí Minh là người Hà Cá (Hakka) tên là Hồ Tập Chương. Tỉnh Bình Dương có Ðông Ðô Ðại Phố của người Hoa. Quốc kỳ CHNDTQ có 5 sao chầu một ngôi sao lớn thỉnh thoảng xuất hiện ở Việt Nam và được đính chánh là sơ suất kỹ thuật v.v…
Ở Ðông Bắc Á CHNDTQ cho rằng quần đảo Senkaku, những đảo đá không người ở, thuộc chủ quyền của họ. Thủ tướng Abe thẳng thắn nói rằng quần đảo Senkaku thuộc về Nhật nên không tranh cãi hay thương thuyết gì cả. Nhật cũng cho rằng họ giành quyền đánh phủ đầu nếu Cộng Sản Trung Hoa có dấu hiệu gây chiến. Cuộc thăm dò phản ứng của Nhật cho thấy CHNDTQ chưa đủ sức dùng võ lực để nuốt chửng Nhật mặc dù từ năm 1945 đến nay Nhật chỉ lo phát triển kinh tế chớ không để ý nhiều đến việc quốc phòng. Nhật có nhiều ràng buộc sau khi bại trận trong đệ nhị thế chiến. Họ cần giao thương và kinh doanh với Trung Hoa lục địa. Bù lại Trung Hoa lục địa cũng cần đến đầu tư của họ. Ngân sách quốc phòng của Nhật rất nhỏ nhưng tinh thần và kỹ thuật của người Nhật không nhỏ nên họ tỏ ra không nao núng trước sự dương oai diệu võ của Trung Hoa Cộng Sản.
Hướng về Ấn Ðộ, Trung Hoa Cộng Sản thấy có nhiều khích lệ. Họ đã đánh bại Ấn Ðộ năm 1962 và chiếm trên 60.000 km2 trong vòng một tuần lễ giao tranh. Tháng 3-2013 vừa rồi họ xâm nhập sâu vào lãnh thổ Ấn Ðộ 19km mà không nhận một phát súng cảnh cáo nào từ phía Ấn Ðộ. Vừa dọa xong, thủ tướng CHNDTQ là Li Keqiang (Lý Khắc Cường) thăm viếng Ấn Ðộ để phá vỡ sự liên kết có thể có giữa Ấn Ðộ, một quốc gia có 1,2 tỷ dân, với các quốc gia có tranh chấp biển, đảo với Trung Hoa Cộng Sản ở Tây Thái Bình Dương như Nhật, Việt Nam, Phi Luật Tân chẳng hạn. Năm 2010 bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Hoa Kỳ đều cho biết Hoa Kỳ có quyền lợi trên Biển Ðông. Gần đây bộ trưởng quốc phòng Hagel trong chánh quyền Obama nhiệm kỳ hai cho biết chánh sách của Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến Á Châu Thái Bình Dương. Hoa Kỳ sẽ điều 60% Hải Quân và 60% Không Lực Hoa Kỳ về Châu Á Thái Bình Dương từ đây cho đến năm 2020. Ngày 31-05-2013 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được mời đọc diễn văn trước diễn đàn Shangri-La ở Singapore. Nội dung bài diễn văn không có gì mới lạ ngoài những nhận xét chung chung về tình hình Biển Ðông và lời kêu gọi ASEAN đoàn kết tuy không nói rõ mục đích của sự đoàn kết để làm gì? Và đương đầu với ai? Về chuyện gì? Khi thấy ông Dũng lúng túng trước những câu hỏi, người ta có cảm tưởng ông Dũng không biết rõ mình đã nói cái gì trong bài diễn văn với những sáo ngữ và mỹ từ mơ hồ. Hai ngày sau khi bài diễn văn được đọc có 20 người bị bắt ở Hà Nội vì biểu tình phản đối sự lộng hành của Cộng Sản Trung Hoa trên Biển Ðông.
Hoa Kỳ chứng tỏ quyết tâm của mình để trấn an các nước Ðông Nam Á trông cậy vào tàng dù an ninh của Hoa Kỳ giữa lúc họ sắp rời Afghanistan, kinh tế chưa tăng trưởng như mong đợi, nợ quốc gia chồng chất. Hư thực như thế nào tùy sự phán đoán của các quốc gia ASEAN và của Cộng Sản Trung Hoa để có hành động thích nghi. Hoa Kỳ luôn luôn đứng ngoài các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa CHNDTQ với các quốc gia trong vùng, nhất là Việt Nam và Phi Luật Tân. Hoa Kỳ cũng cho biết sẽ điều Không Lực và Hải Quân về Châu Á Thái Bình Dương nhưng luôn luôn đính chánh không nhằm vào CHNDTQ mà chỉ để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng. Trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku giữa CHNDTQ và Nhật, Hoa Kỳ không nói rằng Senkaku thuộc chủ quyền Nhật nhưng nó đặt dưới sự quản trị hành chánh của Nhật! Ðối với Nhật và Phi Luật Tân, Hoa Kỳ có ký hiệp ước an ninh.
Trung Hoa Cộng Sản mất dư luận quốc tế về vấn đề Tây Tạng, Tân Cương; nhân quyền trong nước; giam cầm những người bất đồng chánh kiến; hăng say xử bắn tử tội để bán gan, thận; ra lịnh phá thai thô bạo để thi hành chánh sách một con; thái độ kém ngoại giao đối với Na Uy về việc lựa chọn một người tù lương tâm của Trung Hoa Cộng Sản lãnh giải Nobel và việc ngăn cấm vị này đi lãnh giải thưởng; việc bán hàng phá giá; việc “tặc kỹ thuật”; không tôn trọng bản quyền; sự gây hấn và đe dọa các nước láng giềng về biên giới và biển đảo ở Tây Thái Bình Dương cùng Ðông Bắc Á v.v... Những điều nói trên cho thấy CHNDTQ xem thường nhân phẩm con người và không tôn trọng lẽ phải cùng luật pháp quốc tế. Ðó là một trong Ngũ Cường có quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc. Ðó là một quốc gia luôn luôn tự hào với văn hóa ngàn năm của mình.
Trong các chuyện của Kim Dung, một cựu Uỷ Viên Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Hoa từng sống lưu vong ở Hong Kong, tác giả có vẻ chưa hài lòng về vai trò vĩ đại của Trung Hoa trên võ đài quốc tế. Bây giờ có lẽ ông hài lòng vì CHNDTQ là một cường quốc đang cạnh tranh quyền lãnh đạo với Hoa Kỳ. Cuộc chạy đua có tính cách toàn diện dưới dạng kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, chánh trị... Cạnh tranh quân sự là giải pháp sau cùng mà cả đôi bên đều cố tình né tránh nhưng cuối cùng sẽ không tránh khỏi.
Người Hoa Kỳ là người trẻ có đời sống cao. Họ có tinh thần thể thao. Về ăn uống họ thích món ngọt và mềm. Giải pháp quân sự là món ăn CỨNG. Tự Do, Dân Chủ, Nhân Sinh, Nhân Quyền là món ăn MỀM. Họ sẽ dùng những món ăn mềm nầy để đánh hạ đối thủ của họ ngay trên sân nhà của đối thủ bằng sự tự nổi dậy của dân chúng trong nước. Người được dinh dưỡng đầy đủ, xương cốt cứng cáp lại tự tạo sức mạnh và sự dẻo dai bằng thể thao hằng ngày nên có hàm răng vững chắc để ăn món ăn CỨNG khi cần. Xe chạy chậm êm ái thì chạy nhanh cũng dễ dàng.
Tổ tiên của người Hoa Kỳ là những người dám liều mạng sống của mình vượt đại dương đi tìm tự do và lẽ sống nên họ không chấp nhận cảnh người áp bức người hay người bóc lột người ở các cựu lục địa Á, Âu. Họ cũng sẵn sàng lật đổ những người do chính họ ủng hộ nắm chánh quyền nhưng manh nha độc tài và vĩnh cửu quyền uy như Sygnman Rhee (Lý Thừa Vãn) ở Nam Hàn, Ngô Ðình Diệm ở Nam Việt Nam, Park Chung Hee (Phát Chánh Hy) ở Nam Hàn, Marcos ở Phi Luật Tân, Sukarno ở Indonesia, Mubarak ở Ai Cập, v.v... Chắc chắn họ không thiếu óc mạo hiểm, kể cả những tính toán lẫn lộn màu sắc thiện và ác. Họ là những người trẻ, những tinh hoa của thế giới hội tụ về nên bạn bè năm châu của họ rất nhiều. Trí khôn của họ là trí khôn tổng hợp của các chủng tộc và quốc gia gốc của họ cộng với những phát kiến mới, thành quả rực rỡ do chế độ tự do, dân chủ mang lại. Hãy nhìn số người Hoa Kỳ đoạt giải Nobel và các giải thể thao Olympic thì thấy ngay điều đó. Ðó là chưa tính đến bất cứ người giàu và có tài năng nào trên thế giới đều có khả năng trở thành người Hoa Kỳ.
Người Hoa Kỳ tôn trọng tự do tôn giáo nhưng họ không bị ràng buộc bởi tôn giáo, bởi quá khứ hay chủ nghĩa nào cả. Họ là những người thực tế và thực dụng rất “người” nhưng không quá duy vật vì lúc nào cũng tin tưởng In God We Trust và luôn luôn chúc May God Bless You.
Sự già nua của nước Trung Hoa biến dân tộc nước nầy trở nên tự hào, câu nệ, cố chấp, hoài vọng quá khứ vàng son đầy huyền thoại để trở thành “Ông Già Tự Cao, Tự Ðại và Khó Ưa” dưới mắt người bàng quan. Họ lên án Hoa Kỳ kỳ thị chủng tộc nhưng họ gọi các giống người ở phía Bắc nước họ là RỢ (Man Rợ, Man Di Mọi Rợ) và các dân tộc ở phía Nam nước họ là NAM DI. Người có mưu cơ nhất của nước họ là Khổng Minh (Kong Ming) gọi mì hoành thánh là CANH MAN ÐẦU (canh nấu bằng đầu của bọn man di mọi rợ)! Với tánh khó ưa như vậy họ cũng không được cảm tình của những người khó ưa khác trên thế giới. Thế là họ bị cô lập, phù hợp với đường lối bế quan tỏa cảng mà họ đã áp dụng và thái độ ngang ngược đã quen với các nước chư hầu. Cách mạng Tân Hợi èo uột ngay từ phút đầu. Yuan Shikai (Viên Thế Khải) cướp lấy thành quả cách mạng để thiết lập chế độ độc tài quân nhân từ 1912 đến 1928. Chiang Kaishek đánh bại các đốc quân miền Bắc để thống nhất Trung Hoa dưới lá cờ thanh thiên bạch nhật của chánh quyền Quốc Dân Ðảng. Từ năm 1928 đến 1949 (21 năm) chánh phủ Quốc Dân Ðảng của Chiang Kaishek có mang lại tự do và hạnh phúc cho người Trung Hoa không? Sự thất bại của Chiang là câu trả lời. Từ năm 1949 đến nay nghèo đói, ngục tù, bất công, tham nhũng, áp bức đẫm máu và hỗn loạn miên trường trong xã hội là nét nổi bật của chế độ độc tài Cộng Sản. Người ta say sưa xử tử người để bán gan, thận hay cướp đất cư trú của lương dân để bán cho các công ty ngoại quốc xây dựng xí nghiệp.
Ông già Tự Cao, Tự Ðại và Khó Ưa luôn luôn khoe khoang và phô trương vì ông vốn làm nghề nông lâu đời. Năm nào người ta cũng thấy ông phơi tài sản ngoài nắng. Năm nào trúng mùa thì nhà ông đầy ấp tủ, bàn ghế láng bóng. Ông có nhiều căn bịnh không chết nhưng không chữa nổi.
Ông ưa nói nhân nghĩa nhưng luôn luôn nuôi ý nghĩ tước đoạt của người khác. Ông cải thiện cuộc đời bằng những hành động mạo hiểm, ích kỷ và vô nhân đạo.
Ông đề cao quân tử tính trong khi ông phát triển tiểu nhân tính.
Ông nói chuyện nhân đạo trong khi làm việc vô nhân đạo, nuôi dưỡng hận thù, “nhổ cỏ trừ căn”, “thù nhà phải trả”, “quân tử trả thù mười năm không muộn”, “muốn sống cũng không được mà muốn chết cũng không được”.
Ông nói A nhưng người nghe phải hiểu B mới thực sự đúng.
Ông tự hào với văn hóa và kỹ thuật ngàn năm của mình nhưng ông phải học người láng giềng nhỏ hơn ông gấp bội đã từng đánh bại ông hai lần. Và bây giờ ông phải đi học với người trẻ Hoa Kỳ. Tệ hơn, ông ăn cắp của người và nhận là của mình.
“Ông già tự cao, tự đại và khó ưa” không ngớt nói đến Trời nhưng nói để ngạo nghễ hơn là tôn kính đến nỗi trong phim thỉnh thoảng có câu: “Ông Trời không có mắt”. Trong truyện có Tôn Hành Giả đại náo Thiên Cung.
Ông ra vẻ tiên phong đạo cốt, mặc áo lãnh tụ và tự cho mình nhãn hiệu vô sản chân chính và yêu nước chân truyền nhưng ông sớm hưởng thụ cuộc đời “đại gia”, vương giả, từ bỏ bộ áo lãnh tụ để mặc vết-tông, mang cà vạt ngũ sắc, tiền gởi cho đối thủ trẻ Hoa Kỳ cất giữ! Ông, vợ và các con ông đều thả hồn về hướng đó. Vậy về phần MỀM lẫn phần CỨNG, ai thắng trong cuộc đọ sức TRẺ-GIÀ này?
Hồng Thất Công mỏi mệt vì Vi Tiểu Bảo, một người không có quá khứ nhưng rất thành công và có lắm mưu mô tốt lẫn xấu để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến xã hội loài người. Là một người lăn lóc ngoài đời khi còn trẻ, anh ta biết rõ tâm lý và ước vọng của con người: mưu cầu tự do và no cơm, ấm áo. Anh ta biết luân lưu đồng tiền để nó trở nên hữu ích, tạo sức mạnh và quyền uy cho anh ta, làm cho mọi người sung sướng và hài lòng. Kinh nghiệm sống dày đặc của Hồng Thất Công lại không thành công như Vi Tiểu Bảo vì ông ta quá tự hào, cao ngạo về nguồn gốc, tuổi tác và vị thế của mình.
Phạm Ðình Lân, F.A.B.I.