Nguyễn thanh Hùng


Hạnh phúc là một thói quen

 

Thầy Nhất Hạnh đang đi thiền hành với tăng chúng Hà Lan ở trung tâm Phật học Waldbröl Đức. © Chris Keulen.

Thiền sư Nhất Hạnh (85 tuổi) đã cống hiến phép tu chánh niệm – mindfulness – đến với phương Tây. Ở tu viện Làng Mai miền Nam nước Pháp, thầy chỉ cho mọi người nghiệm thấy hạnh phúc là điều ta có thể tạo ra được. ‘Tôi đang khai thông một kho tàng vốn đã có tự lâu đời´. Thích Nhất Hạnh. - © Chris Keulen

Bên hồ sen, thầy Nhất Hạnh ngồi thiền. Ngồi bên cạnh Thầy là các đứa ‘con’ tu sĩ, nam cũng như nữ, đầu đều cạo trọc và khoác y màu nâu. Nắng mặt trời bắt đầu chiếu trên Làng Mai, một tu viện phật giáo nằm ở một góc tỉnh Dordogne nam nước Pháp. Là thiền sư, một nhà tranh đấu cho hòa bình, một tu sĩ Việt Nam, ông ngồi yên như đã trở thành sự an lạc.

Thích Nhất Hạnh là người đã giới thiệu ý niệm chánh niệm đến với Tây phương. Chánh niệm vừa có nghĩa là ý thức, đồng thời cũng là sống tỉnh thức. Chỉ trong thời gian ngắn, ý niệm này đã mau chóng phổ biến: rất đông người chú ý đến, nhất là giới bác sĩ tâm lý. Ở Hà Lan hiện giờ đã có khoảng 50 tăng thân (sangha), các nhóm chánh niệm địa phương tu tập theo pháp môn của thầy Nhất Hạnh. Cho buổi thuyết pháp công cộng ở World Forum Den haag, số lượng 2100 vé vào cửa đã được bán hết trong một thời gian ngắn.

Nội dung của chánh niệm hiện rõ khi được nhìn thiền sư cử động, nói và nhìn chung quanh. Cung cách đưa tay uyển chuyển, từng bước chân thận trọng, từng câu nói ôn tồn: ông chính là hiện thân của chánh niệm.

Thầy đưa tay chỉ vào hồ sen; một đóa sen đầu mùa vừa mới hé nở. ‘Một đóa sen quý’, đối với phật tử là tượng trưng cho sự tinh khiết. ‘Hãy phỏng vấn đóa sen đi’ Thầy Nhất Hạnh nói, trong khi đứng dậy và bước đi. ‘Đóa hoa có rất nhiều điều để kể’.

Một nỗi lo lắng vụt đến, nhà sư có thể không nói đùa. Trước đó, một ký giả người Mỹ đến đây đã được ông mời đi thiền hành chung – trong sự im lặng hoàn toàn. Thông thường thầy Nhất Hạnh rất ít khi trả lời phỏng vấn, một trong những người hiếm hoi đã có được may mắn đó là Oprah Winfrey.

Để có thể tái lập hòa bình ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh, thầy đã hình thành một tổ chức lớn có tên phong trào thanh niên phụng sự xã hội. Việc này đã khiến thầy phải trả một giá khá đắt: bị lưu đầy khỏi quê hương hơn 40 năm. Martin Luther King, người đã đề nghị trao cho thầy giải Nobel hòa bình, đã gọi thiền sư là ‘’một sứ giả của hoà bình và bất bạo động’.

Từ khi xa Việt Nam, thầy sống ở Pháp, lập ra tu viện Làng Mai cách đây gần 30 năm. Ở đó không phải chỉ có nhiều nam và nữ tu sĩ, mà có cả những cư sĩ đến dự các khóa tu. Người từ Gia Nã Đại, Ba Tây, Nam Triều Tiên, khắp các nơi trên thế giới đều có người đến làng Mai tu học. Sự ngưỡng mộ thầy Nhất Hạnh đôi khi quá độ đến thành sự sùng bái. Do đó, thầy không sống chung trong tu viện – để không phải thường trực bị quấy nhiễu. Đấy không phải là một sự xa xỉ. Vì sao? Khi nghe tôi kể sẽ được gặp riêng thiền sư, một bà Mỹ đã nhờ tôi gửi riêng một lá thư cho ‘Thầy’, danh từ mà mọi người yêu quý gọi ông. Một bà từ Gia Nã Đại còn đi xa hơn thế: bà đòi tôi phải mang các tấm mề đai mà bà đã vẽ kiểu đưa cho thầy ký tên.  

May mắn cho tôi, đã không phải phỏng vấn đóa sen một mình trọn buổi. Thầy Nhất Hạnh đưa tay mời tôi về một căn phòng  nhỏ ở Làng Mai. Vào phòng, thầy ngồi xuống dưới đất, sát tường, trong tư thế xếp bằng quen thuộc.

–0–

 

Khi  nào thầy khám phá rằng mindfulness - chánh niệm mang lại cho mình hạnh phúc?

Thầy Nhất Hạnh nâng chén trà trong hai tay. Ông im lặng hồi lâu, trước khi bắt đầu nói, giọng nhẹ nhàng. ‘Cái thấy – tuệ giác –  đó đến từ từ, sau khi tôi đã học hỏi sâu sắc phật pháp một thời gian lâu dài. Tôi đã khám phá ra rằng, thực tập một cách đúng đắn chánh niệm, mang lại cho ta hạnh phúc. Kể cả trong thời gian chiến tranh và tàn phá. Tôi đã bị tràn ngập trong tuyệt vọng và lo lắng, nhưng chính nhờ sự thực tập mà tôi đã sống còn.’

Nhờ đó, tôi có thể giúp người. Đạo Phật dấn thân, như cách tôi gọi, đã được sinh ra trong thời gian chiến tranh. Chánh niệm cũng có nghĩa: ý thức điều gì đang xảy ra trên thế giới. Ý thức rằng nhiều người đang chết vì vũ lực hay đói khổ. Thực tập không chỉ giới hạn trong tu viện, mà cả ở ngoài đời. Sau khi bom đạn nổ, ta có thể đi băng bó cho người bị thương và trẻ mồ côi. Phật giáo có thể được thực tập khắp nơi trong xã hội. Ai cũng làm được, Từ chính trị gia, sinh viên đến giáo viên. Kể cả binh sĩ.’

Kể cả những người lính?

Đúng thế, kể cả những binh lính. Khi giúp đỡ người khác trong chánh niệm, mình có thể làm việc được lâu dài hơn. Chánh niệm gìn giữ ta không bị tuyệt vọng, giận dữ, chán nản, làm vơi nhẹ khổ đau. Nói đúng hơn, chấm dứt khổ đau. Nếu vẫn còn đau khổ, có lẽ là do mình thực tập chưa đúng.

Có bị đói thì khi ăn ta mới biết thấy ngon. Cũng thế, dựa trên nền khổ đau, ta mới nhận diện ra được hạnh phúc. Bởi vì tôi đã sống qua thời gian chiến tranh ở Việt Nam, tôi vô cùng trân quý các nỗ lực chấm dứt chiến tranh. Ta không nên sợ hãi đau khổ. Ta phải dám tiếp xúc với nó để có thể đánh giá đúng giá trị của hạnh phúc.

Vậy thì ai không biết đau khổ, thì sẽ không thực sự hạnh phúc sao?

Ở đâu trên thế giới cũng tràn ngập khổ đau bất hạnh cho ta nhận thức, xử dụng. Vì thế, mình không cần phải đi đến một quốc gia nghèo ở xa xăm để tìm gặp khổ đau. Từ bùn dơ có thể nở ra một đóa sen tuyệt vời. Hạnh phúc tùy thuộc vào ta.

Hạnh phúc có thể tạo ra được sao?

Đúng thế.

Người chưa hạnh phúc, thì phải biết tự trách mình?

Vấn đề là vì chúng ta có khuynh hướng xem hạnh phúc như một cái gì lớn lao. Nhưng thực sự đó lại là một điều rất nhỏ. Và có thể được tạo ra ngay tức khắc. Chỉ cần bước vài bước trong chánh niệm là thân ta có thể trải nghiệm hạnh phúc, bình an, tĩnh lặng. Hạnh phúc là một thói quen, cũng như thói quen đánh răng. Đánh răng chậm rãi, không vội vàng. Một người mẹ có thể dạy điều này cho con mình.

Thầy đã diễn đạt giáo lý Phật giáo bằng các phương pháp Tây phương. Điều này có cần thiết không?

Tôi không làm điều này chỉ đặc biệt cho người Tây phương, mà thực ra là cho giới trẻ, cho một thế hệ mới.  Nhiều người trong chúng ta đọc và hành trì những  kinh điển xưa cũ nhưng không thấu hiểu rốt ráo ý nghĩa sâu sắc của giáo pháp. Thực sự là tôi đã và đang cố gắng làm công việc khai thông một kho tàng vốn đã có tự lâu đời. Giáo lý vẫn chưa đơn giản đủ.´  

Tất cả mọi người đều có thể có chánh niệm được không?

Đúng thế, tất cả mọi người. Kể cả những  người  quen sống vô ý tứ, với một chút thực tập, cũng có thể có được dăm khoảng khắc chánh niệm. Như khi uống trà, hoặc lúc điểm tâm. Nếu cần, một người  bạn có thể nhắc nhở mình. Vì thế, có một tăng thân như ở Làng Mai rất ích lợi. Khi thấy có một người  đi ngang qua rất an lạc và đầy năng lượng thì mình như lại được nhắc nhở rằng mình cũng có thể đi như thế được.

Mindfulness - chánh niệm hiện giờ quá phổ biến, gần như một thứ kỹ nghệ. Thầy có sợ người  ta đang buôn bán những  tư tưởng của Thầy không?

Những ý niệm như dân chủ hay tự do cũng được cắt nghĩa bằng nhiều cách khác nhau. Chắc rằng cũng có nhiều hiểu lầm về chánh niệm. Lầm lạc lớn nhất là xem đó như là một định lý, một thứ lý thuyết. Nhưng chánh niệm là một thực tập. Nói về chánh niệm mà không thực tập thì chẳng đi tới đâu.  

Nhưng Thầy nghĩ sao khi người ta đang bán những cục xà bông ”chánh niệm’’ ở các siêu thị?

Thì cũng tốt thôi, còn tùy thuộc vào cách mình dùng. Nếu khi đọc hàng chữ ‘’chánh niệm’’ mà mình tắm có ý thức và sung sướng hơn thì hay chứ!

Cách đây vài năm, một bác sĩ tâm lý khuyên một bệnh nhân ngưng uống thuốc và khuyến khích bà ta đến Làng Mai. Bà đã bị một cú xốc dữ dội trong một khóa tu và đã phải cấp tốc vào nhà thương. Thầy nghĩ nên làm gì để tránh những  trường hợp như thế xảy ra tiếp tục?   

Một tăng thân tu học thường có hấp lực đối với những người  bị bệnh tâm thần. Vừa qua cũng đã xảy ra chuyện có người  leo lên nóc nhà. Những người khách đến thăm làng mà bị khúc mắc tâm lý, chúng tôi thường không được biết, vì họ cố tình dấu diếm. Làng Mai không phải là một nhà thương tâm thần. Người có bệnh đến đây tu học mà không khỏe hơn, điều đó không tùy thuộc vào chương trình tu học của làng.

Người  ta thường hay vội vã, muốn gì phải được ngay. Chẳng hạn như ngưng uống thuốc liền. Đâu thể được, phải từ từ, dần dần. Có thể vị bác sĩ tâm thần Hà Lan đã nói như thế này: ‘’Bà đừng chỉ trông mong vào thuốc không mà khỏi bệnh được’’. Thế là bệnh nhân tìm tới đây. Và bà đã không có may mắn gặp được một thầy hay sư cô giúp cách đắc lực. Nhưng điều đó không thể là nguyên nhân duy nhất khiến bà ta phải vào bệnh viện cấp tốc.

Chính Thầy cũng đã kể về một bà bị ung thư, các bác sĩ đã phải bó tay, chỉ còn có ba tháng để sống. Sau một thời gian tu học ở đây, theo lời Thầy nói, khối u ung thư đã biến mất và bà đó đã sống thêm được tới 19 năm nữa. ‘’ Chánh niệm có thể mang đến phép lạ’’ theo Thầy. Thầy có thực sự tin rằng bệnh nhân này đã hồi phục nhờ thực tập chánh niệm không?

Tôi không biết chính xác. Nhưng rõ ràng là bà ta đã chấp nhận hoàn cảnh, kể cả cái chết cận kề, cố gắng an hưởng từng giây phút còn lại của sự sống. Bà dành trọn chú tâm cho giây phút hiện tại: đó chính là chánh niệm. Khi mình buông thư thật sự, thì cơ thể có khả năng tự hồi phục rất mầu nhiệm.  

Thầy không thấy điều này nguy hiểm sao khi tạo ấn tượng người  ta có thể vượt thoát những cơn bệnh hiểm nghèo bằng cách đến làng tu học?

Đây là một chuyện có thực, nhưng không được kể ra với mục đích dụ dỗ bất cứ ai. Một phép lạ có thể xảy ra nếu mình  để cho cơ thể hoàn toàn buông thư. Không có nghĩa là chúng tôi khuyên người  khác đừng đi bác sĩ hay không cần uống thuốc nữa. Chúng tôi còn khuyên bệnh nhân đi nhà thương là đằng khác. Đây là một mầu nhiệm.

Năm nay Thầy đã 85 tuổi. Thầy còn muốn làm điều gì nữa chăng?

Như để trả lời, vị thiền sư đưa nắm tay thoi vào bắp đùi, nói to giọng. ”Như tôi thấy đây, thân này không phải là tôi’’. Thầy đưa tay chỉ các tăng sĩ nam nữ nãy giờ vẫn ngồi im lặng bên cạnh ông suốt buổi phỏng vấn. ”Tôi thấy hiện thân mình trong sư chú này, trong sư cô kia. Tôi sẽ còn hiện hữu rất lâu dài. Chúng tôi là một giòng sông, không chỉ là những giọt nước, là những cá nhân riêng rẽ. Điều chúng tôi muốn làm, chúng tôi vẫn làm hằng ngày. Chúng tôi không mong cầu bất cứ một điều gì khác. Nhiều người  trẻ vẫn tiếp tục tới đây xin xuất gia. Giòng sông trôi và lớn mạnh, thật là đẹp đẽ. Chúng tôi thấy nhiều vị khách đến đây tu học cùng cười với nhau, làm lành lại với nhau. Hạnh phúc của chúng tôi được làm bằng hạnh phúc của người  khác. Tất cả tăng chúng đều cảm thấy như thế. ‘’

Thầy Nhất Hạnh đứng dậy. ‘’Xin đừng quên đóa hoa sen nhé. Thật đấy, bông hoa có thể kể cho ta nghe rất nhiều điều’’.

 

Nguyên tác: Geluk is een gewoonte – Marije van Beek − Nhật báo Trouw ở Hòa Lan, số ra ngày 24/08/12. Xem nguyên bản tiếng Hòa Lan
Nguyễn thanh Hùng dịch – sư cô Chân Không nhuận sắc

 


Cái Đình - 2013