Phạm Ðình Lân


Hai danh tướng: Hai hoàng đế

 

Nguyễn Huệ và Napoléon Bonaparte là hai danh tướng của Việt Nam và Pháp. Nguyễn Huệ xuất thân từ ấp Tây Sơn hẻo lánh trong vùng núi của tỉnh Qui Nhơn. Napoléon Bonaparte xuất thân từ đảo Corsica xa xăm đối với người Pháp ở Paris và Versailles thời bấy giờ.  Cả hai đều là tướng trẻ với khả năng quân sự thiên phú. Cả hai đều xông pha ngoài mặt trận cùng với quân sĩ nên vận động tinh thần tác chiến của họ rất nhiều.

Đầu năm 1789 Nguyễn Huệ lên ngôi tức là hoàng đế Quang Trung. Năm 1804 Napoléon Bonaparte tự xưng là hoàng đế Napoléon I. Đó là vị hoàng đế thứ nhì của Pháp sau Charlemagne (742 – 814).

Khi đem quân ra đánh Bắc Hà năm 1786, Nguyễn Huệ cưới công chúa Ngọc Hân, con gái của vua Lê Hiển Tôn (1716 – 1786) theo đề nghị của Nguyễn Hữu Chỉnh. Đối với vua Lê Hiển Tôn, hôn nhân này được xem như là sự đền đáp công lao phù Lê diệt Trịnh của Nguyễn Huệ. Năm 1810 hoàng đế Napoléon I cưới công chúa nước Áo là Marie Louise sau khi ly dị hoàng hậu Joséphine vì không có con nối dòng và vì có cuộc sống lẳng lơ với một trung úy kỵ binh trong quân đội Pháp.

Nguyễn Huệ sinh năm 1752 trong tỉnh Qui Nhơn. Cha là Hồ Phi Phúc (1) và mẹ là Nguyễn Thị Đồng. Tổ tiên Nguyễn Huệ gốc ở Nghệ An bị quân họ Nguyễn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật bắt đưa về Qui Nhơn khi quân Đàng Trong vượt sông Gianh đánh ra Đàng Ngoài năm 1655.

Napoléon Bonaparte sinh năm 1769 tại Ajaccio, thủ đô của đảo Corsica mà người Genoa bán lại cho Pháp. Đảo nầy thuộc chủ quyền của Pháp năm 1768, một năm trước khi Napoléon Bonaparte ra đời. Cha của Napoléon Bonaparte là Carlo Buonaparto, một luật gia thuộc giới quí tộc Ý. Mẹ là Letizia Ramolino Buonaparto, người có ảnh hưởng lớn trong việc giáo dục Napoléon Bonaparte. Napoléon Bonaparte gốc Ý nhưng mang Pháp tịch khi đảo Corsica được người Genoa bán lại cho Pháp. Ông đổi họ Buonaparto ra Bonaparte cho có vẻ Pháp. Khi học ở trường Autum trong vùng Burgundi cũng như ở trường võ nị Le Château ông bị các bạn học chế nhạo về giọng nói tiếng Pháp của ông.

So với Nguyễn Huệ, Napoléon Bonaparte xuất thân từ gia đình có gốc quí tộc Ý. Ông là thị dân trong khi Nguyễn Huệ sinh và sống trong  sơn thôn hẻo lánh trong tỉnh Qui Nhơn. Napoléon Bonaparte được gởi sang Pháp học. Về kiến thức quân sự ông tốt nghiệp trường Võ Bị Brienne Le Château năm 1784 và được gởi đi học về pháo binh ở Trường Quân Sự Paris. Nguyễn Huệ chỉ biết một ít chữ Hán do một thầy đồ tại địa phương truyền dạy. Ông không học trường quân sự nào cả.

Trên ghế nhà trường Napoléon Bonaparte có năng khiếu về toán, lịch sử, địa lý và ước mơ trở thành sĩ quan Hải Quân.

Nguyễn Huệ được thầy dạy chữ Hán chú ý về sự thông minh và khí phách phi thường. Ông giỏi về võ nghệ và nổi tiếng là người can đảm. Napoléon Bonaparte là trung úy pháo binh năm 1785 lúc mới được 16 tuổi. Ông bí mật gia nhập vào nhóm Jacobins. Cách mạng 1789 cho ông nhiều cơ hội để tiến thân. Ông được em của nhà độc tài Robespierre nâng đỡ để làm chỉ huy trưởng pháo binh ở quân cảng Toulon.

Năm 1793 ông nổi tiếng khi dùng pháo binh đánh đuổi tàu Anh ra khỏi cảng Toulon. Ông bị thương nặng trong trận đánh quyết tử này. Ông được vinh thăng thiếu tướng nhờ chiến thắng Toulon này. Dân đảo Corsica đấu tranh đòi độc lập với Pháp. Họ nghi ngờ Napoléon Bonaparte. Gia đình ông phải rời đảo Corsica sang Marseille. Nơi đây Napoléon Bonaparte bắt đầu mối tình đầu với Désirée, con gái của gia đình khá giả trong thành phố đã giúp đỡ cho gia đình ông.

Nguyễn Huệ là một trong ba người quan trọng trong cuộc khởi nghĩa năm 1771. Ông chỉ huy toán quân Tây sơn ô hợp khi mới lên 19 tuổi và đã biến đạo quân ô hợp này thành đạo quân bách chiến bách thắng sau này.

Napoléon Bonaparte liên hệ đến nhóm Jacobins và nhà độc tài Robespierre. Năm 1794 Robespierre bị lật đổ, ông bị bắt giam một thời gian ngắn rồi được thả ra. Năm 1795 ông được cử đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của phe Thiên Chúa Giáo và bảo hoàng ở Vendée. Ông nổi tiếng khi dùng trọng pháo nã vào phe bảo hoàng biểu tình ở Paris năm 1795 gây tử vong hàng ngàn người ngoài đường phố. Năm 1796 ông bỏ người tình đầu Désirée để cưới Joséphine, góa phụ của tướng Beauharnais bị Robespierre xử tử vì bại trận. Joséphine là tình nhân của Barras, người có thanh thế lớn sau cuộc hành quyết Robespierre. Barras dùng cuộc hôn nhân nầy để củng cố quyền hành bằng những chiến công trên chiến trường Ý Đại Lợi do tướng Napoléon Bonaparte mang lại.Năm 1798 Napoléon Bonaparte đem quân sang Ai Cập chận đường liên lạc giữa Anh và Ấn Độ. Ông bỏ quân sĩ ở lại Ai Cập, dùng thuyền nhỏ về Pháp làm cuộc đảo chánh ngày 18 Brumaire tức 09-11-1799 để thành lập tổng tài chế trong đó ông là đệ nhất tổng tài. Năm 1802 ông tự xưng là tổng tài đời đời. Hai năm sau ông xưng là hoàng đế Napoléon I sau khi Pháp đạt nhiều ưu thế quân sự trên lục địa Âu Châu trước Anh, Áo và Phổ.

Năm 1776 Nguyễn Nhạc xưng vương sau khi Nguyễn Huệ đánh bại danh tướng của họ Nguyễn là Tống Phước Hiệp ở Phú Yên. Năm 1778 ông xưng đế sau khi Nguyễn Huệ đè bẹp quân họ Nguyễn ở Gia Định. Toàn thể gia đình chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần bị tàn sát ở Long Xuyên năm 1777. Hoàn cảnh của quân Tây Sơn bấp bênh như hoàn cảnh nước Pháp sau cách mạng 1789. Ớ Bắc Hà có quân của vua Lê chúa Trịnh. Quân họ Trịnh chiếm Phú Xuân từ năm 1775. Ớ phía nam Bình Thuận là địa bàn hoạt động của tàn quân chúa Nguyễn. Nếu không có thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ thì nhà Tây Sơn không sao đứng vững được. Nguyễn Huệ 4 lần đánh bại quân họ Nguyễn ở Nam Kỳ (1777, 1782, 1783, 1784), diệt quân Xiêm ở Rạch Gầm, đánh bại quân Trịnh ở Phú Xuân và diệt họ Trịnh ở Bắc Hà (1786). Sau khi diệt họ Trịnh, Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương. Nhưng từ đó nhà Tây Sơn bắt đầu rạn nứt và suýt xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn giữa Phú Xuân (Nguyễn Huệ) và Qui Nhơn (Nguyễn Nhạc). Đầu năm 1789 Nguyễn Huệ xưng đế tức là hoàng đế Quang Trung trước khi đem quân ra Bắc đánh đuổi quân nhà Mãn Thanh trong một cuộc chiến tranh 6 ngày.

Quận công Wellington, người đánh bại Napoléon I ở Waterloo năm 1815 khen ngợi thiên tài quân sự có một không hai của Napoléon.

Quang Trung Nguyễn Huệ và Napoléon I đều dùng chiến thuật thần tốc để thắng địch. Cả hai đều xông pha trận mạc dù là tướng lãnh hay hoàng đế. Napoléon I thành công nhiều trong lục chiến hơn là thủy chiến. Ngay trong các trận đánh lục chiến ông cũng từng bị đánh bại như trận Caldiero ở Ý trước viện quân Áo năm 1796, trận Acre ở Do Thái bấy giờ, trước đô đốc Anh Sydney Smith và tướng Thổ Nhĩ Kỳ Jezzar Pasha năm 1799, việc triệt thoái khỏi nước Nga năm 1812 trước sự phản công của Kutuzov, trận Leipzig, Đức, năm 1813, cuộc vây hãm Paris năm 1814 và cuối cùng trận Waterloo năm 1815. Hải quân Pháp chưa thắng Anh trận nào dưới thời Napoléon I (1804-1814). Trái lại toàn thể tàu chiến của Pháp bị đô đốc Nelson đánh chìm ở Aboukir năm 1798 khiến tướng Napoléon Bonaparte phải mở đường máu về phía Trung Đông nhưng thất bại ở Acre trước quân Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng ông bỏ quân sĩ ở lại Ai Cập với Kléber và dùng thuyền nhỏ vượt Địa Trung Hải về Pháp làm cuộc đảo chánh không đổ máu ngày 18 Brumaire. Năm 1805 hải quân Pháp bị đánh bại trong trận hải chiến Trafalgar. Anh đại thắng mặc dầu đô đốc Nelson bị tử thương.

Quang Trung Nguyễn Huệ chiến thắng trong các trận lục chiến lẫn thủy chiến. Trận đánh ở cửa Cần Giờ năm 1782 làm cho Manuel, một người Pháp do giám mục Pigneau de Béhaine mộ để giúp cho họ Nguyễn tổ chức hải quân phải tự sát. Trận đánh Rạch Gầm năm 1784 là một trận thủy chiến vẻ vang của quân Tây Sơn trước quân Xiêm. Quang Trung Nguyễn Huệ bất bại trong suốt cuộc đời binh nghiệp trong lục chiến lẫn thủy chiến. Đó là một sự hiếm hoi trong lịch sử nhân loại.

Napoléon dùng sức mạnh làm cho kẻ địch của ông sợ sệt và áp đảo họ bằng chiến thuật thần tốc.

Quang Trung Nguyễn Huệ làm cho kẻ địch kiêu ngạo, mệt mỏi và mất cảnh giác trước khi tấn công họ. Ông xoáy vào nhược điểm của địch. Ông khai thác óc mê tín dị đoan của Phạm Ngô Cầu trước khi tấn công quân Trịnh ở Thuận Hóa (Thừa Thiên bây giờ). Ông dùng Vũ Văn Nhậm trừ khử Nguyễn Hữu Chỉnh rồi chính ông là người trừ khử Vũ Văn Nhậm. Quân Tây Sơn di chuyển như mưa sa bão táp nhưng êm ả va bí mật khi dùng thượng đạo, một phần của đường mòn Hồ Chí Minh sau nầy.

Napoléon I và Quang Trung đều quan tâm đến văn hóa, giáo dục, luật pháp và nghệ thuật. Việc nghiên cứu văn minh Kim Tự Tháp với môn Ai Cập học được tiến hành khi quân Pháp mở cuộc viễn chinh sang Ai Cập. Khải Hoàn Môn được xây lên để kỷ niệm những chiến thắng dưới thời Napoléon I. Văn bằng tú tài (Baccalaureat), luật Napoléon, bảo quốc quân chương cao quí của Pháp được khai sinh dưới thời này. Đạo luật Napoléon là niềm tự hào của Napoléon I lúc thất thời, thất thế trên đảo Saint Helena vì nhiều quốc gia Âu Châu dùng đạo luật này.

Mặc dù họ Nguyễn rời khỏi Phú Xuân và lẩn trốn ở Nam Kỳ tiếp tục kháng chiến chống nhà Tây Sơn và dù họ Trịnh ở Bắc Hà đã bị diệt, Việt Nam vẫn chưa thống nhất, trái lại có 3 chánh quyền trên thực tế.

– Hoàng đế Quang Trung ngự trị từ biên giới Việt Hoa đến phía bắc Bến Ván với kinh đô Phú Xuân tức Huế bây giờ.

– Hoàng đế Thái Đức (Nguyễn Nhạc) ngự trị từ nam Bến Ván, Quảng Nam, đến Bình Thuận với kinh đô Qui Nhơn tức Hoàng Đế Thành.

– Họ Nguyễn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Phúc Ánh dùng châu thổ sông Đồng Nai và Cửu Long làm địa bàn kháng chiến.

Vì vậy chữ Nôm chỉ phát triển ở vùng ngự trị của hoàng đế Quang Trung mà thôi. Hoàng đế trọng dụng các nho sĩ như Trần Văn Kỷ, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp điều khiển Sùng Chính Viện.

Napoléon dùng chiến công quân sự để thành lập đế triều. Ông luôn luôn theo đuổi chiến tranh như là một phương tiện lập thành tích nhằm củng cố ngôi vị và thi hành chánh sách gia đình trị ở Âu Châu. Anh của ông, Joseph Bonaparte (1768 – 1844), là vua Naples rồi vua Tây Ban Nha. Em của ông, Louis Bonaparte (1778 – 1846), làm vua Hòa Lan (2). Một người em khác là Jérôme Bonaparte (1784 – 1860) có vợ Hoa Kỳ và được cử làm vua Westphalia. Em rể của ông là thống chế Joachim Murat (1767 – 1815), chồng của Caroline Bonaparte, là vua Lưỡng Siciles.

Quang Trung Nguyễn Huệ có đầu tư suy nghĩ đến đất nước và dân tộc. Ông không giống Napoléon I và cũng không giống Nguyễn Nhạc, anh của ông. Ông là nhà quân sự có chiến công hiển hách nhưng ông cần hòa bình. Ông tín nhiệm Ngô Thời Nhiệm trong việc ngoại giao nhằm tạo hòa bình lâu dài với cường lân phương bắc thay vì dùng chiến tranh như phương tiện củng cố ngai vị. Ngoài thiên tài quân sự ông còn có nhiệt tâm đối với xứ sở. Đó là lý do giải thích tại sao ông được sự kính trọng chẳng những của các tướng sĩ và quần thần của ông mà còn của kẻ thù của ông nữa.

Các tướng lãnh và nho sĩ phục vụ dưới triều hoàng đế Quang Trung đều ngưỡng mộ và trung thành với ông. Trần Quang Diệu là một danh tướng chỉ bại trận vào năm 1801 khi triều Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ. Họ Nguyễn yêu cầu ông hợp tác để tránh tử hình. Ông từ chối hợp tác với nhà Nguyễn mà chỉ xin về quê làm ruộng và đóng thuế cho triều đình. Thế là ông và vợ bị hành hình một cách ghê rợn. Ông bị xử lột da. Nữ tướng Bùi Thị Xuân bị voi giày.  Tất cả các nho sĩ Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhiệm. Phan Huy Ích, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đều trung thành với Quang Trung Nguyễn Huệ cho đến khi nhà Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ mặc cho những hình phạt đang chờ họ.

Quang Trung Nguyễn Huệ có tướng Trần Quang Diệu, cố vấn Trần Văn Kỷ, nhà ngoại giao Ngô Thời Nhiệm. Napoléon I có thống chế Ney và nhà ngoại giao Talleyrand. Cả hai vị này đều quay lưng với Napoléon khi ông thoái vị và bị đày ra đảo Elba, Ý, năm 1814. Năm 1815 Napoléon I từ đảo Elba trở về Pháp. Thống chế Ney cầm quân chận bắt ông. Giữa đêm tối Napoléon I tiến lên trước đoàn quân được lịnh sẵn sàng nổ súng và dõng dạc nói: “Ta là hoàng đế Napoléon. Kẻ nào muốn giết hoàng đế mình hãy nổ súng!” Thống chế Ney đành phải đầu hàng trước tình huống ngang trái này bằng cách theo Napoléon I về Paris. Vua Louis XVIII rời bỏ kinh thành mà chạy thoát thân.

Quang Trung Nguyễn Huệ được hưởng chiến thắng trọn vẹn và băng hà năm 1792 trong cương vị của một hoàng đế. Napoléon bị bại hai lần vào năm 1814 rồi 1815 vói trận Waterloo và bị Đệ Lục Liên Minh đày ra đảo Elba năm 1814 rồi đảo St. Helena năm 1815. Ông mất trên đảo này năm 1821.

Quang Trung Nguyễn Huệ chết sớm hơn Napoléon I mặc dầu sức khỏe dồi dào hơn. Napoléon I bị đau dạ dày kinh niên. Những hình vẽ của ông cho thấy lúc nào ông cũng choàng tay ôm bụng mình. Quang Trung Nguyễn Huệ cưới công chúa Ngọc Hân (1770 – 1803) qua trung gian của Nguyễn Hữu Chỉnh. Lúc ấy Ngọc Hân 16 tuổi và Nguyễn Huệ 34 tuổi. Napoléon I cuới công chúa Marie Louise (1791 – 1847) qua trung gian của tể tướng Áo, Metternich. Lúc ấy Marie Louise 19 tuổi và Napoléon 41 tuổi. Ngọc Hân có tình yêu thật sự với Quang Trung Nguyễn Huệ qua những bài thơ ai oán khóc Quang Trung. Marie Louise hoàn toàn không có tình với Napoléon I. Năm 1814 bà trở về Vienna với hoàng tử Napoléon François Joseph Charles Bonaparte (1811 – 1832) tức Napoléon II, vua La Mã. Bà không hề thăm viếng Napoléon I một lần nào lúc bị đày ra đảo Elba (1814) cũng như lúc bị đày ra đảo St, Helena (1815 – 1821).  Bà tái giá vớì bá tước Von Neipperg năm 1821. Năm 1834 bà chung sống với bá tước Charles René. Trong thời gian bị cô lập trên đảo St. Helena, nữ bá tước Ba Lan là Marie Walenski có đến thăm ông. Bà có một con với Napoléon. Đó là Alexandre Joseph Colonna Walenski. Vị nữ bá tước này xem Napoléon I như người cứu nước Ba Lan ra khỏi đế quốc Nga.

Nguyễn Hữu Chỉnh có tham vọng chánh trị cá nhân khi làm mai Nguyễn Huệ với công chúa Ngọc Hân. Tể tướng Metternich dùng hôn nhân giữa Napoléon và công chúa Áo, Marie Louise, để phá vỡ Liên Minh Pháp – Nga sau khi hiệp ước Tilsit được ký kết (1807). Nga hoàng Alexander I hay hoàng đế Francis II của Áo đều ghét Napoléon I. Nga liên minh với Pháp sau khi bị đánh bại trong trận Eylau. Liên minh với Pháp, Nga phải thi hành chánh sách phong tỏa lục địa Âu Châu của Napoléon I và công khai chống Anh. Đó là điều ngoài ý muốn của Alexander I. Nga bực tức về sự can thiệp của Pháp vào Ba Lan và đưa quân vào các nước lân cận của Nga. Họ lơ là với chánh sách phong tỏa kinh tế nhắm vào nước Anh vì chánh sách này làm cho lúa mì của Nga không xuất cảng được. Đời sống nông dân và thương nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Napoléon I chuẩn bị chiến tranh với Nga mặc dù đại sứ Pháp ở Moscow la Calaincourt cực lực phản đối cuộc viễn chinh táo bạo và đầy chủ quan này. Dự tính của Metternich trở thành sự thật.

Napoléon I quá chủ quan về sức mạnh quân sự mà quên rằng Pháp gặp khó khăn trước du kích Tây Ban Nha (1809). Gần nửa triệu quân Pháp mở cuộc viễn chinh cách quê hương gốc gần 5.000 km. Đế triều Napoléon I lung lay vì cuộc viễn chinh xa xôi nầy. Quân Pháp gặp phải:

– Tinh thần yêu nước của người Nga.

– Chiến thuật tiêu thổ (vườn không nhà trống).

– Khí hậu giá buốt ở Nga vào mùa đông.

– Lụt lội vào mùa xuân khi một phần băng tuyết tan (rapoutiza).

Quân Pháp tiến vào Moscow không khó khăn (1812). Moscow trở thành biển lửa. Vào mùa đông quân sĩ Pháp không có nơi trú ngụ, không có lương thực đến nỗi phải giết ngựa để ăn. Khi tuyết bắt đầu tan, nhiều nơi bị lụt lội. Đó là lúc Kutuzov ra lịnh phản công. Pháp thiệt hại 90% quân sĩ trong cuộc viễn chinh sang Nga. Một số chết trận. Một số lớn khác chết vì lạnh và thiếu lương thực. Trên đường vế quê hương quân Pháp bị chận đánh ở Leipzig (1813).

Quang Trung Nguyễn Huệ giới hạn sự chiến thắng của mình vì nhận thức được tương quan lực lượng giữa ta và địch. Napoléon I chủ quan nên đưa quân sang xâm lăng một quốc gia rộng lớn và đông dân nhất ở Âu Châu. Quốc gia nầy tự nhiên được bảo vệ bởi mùa đông băng giá. Một nước Tây Ban Nha láng giềng với khí hậu ấm áp cũng đủ sức gây khốn đốn cho Pháp bằng chiến thuật du kích phương chi nước Nga băng giá, rộng lớn, đông dân và cách xa nước Pháp hàng ngàn dậm.

Tướng Bonaparte tỏ ra bạo tợn khi chiếm Gaza, Jaffa và Haifa năm 1798 với những cuộc thảm sát ghê rợn. Nguyễn Huệ cũng không tránh được những cuộc thảm sát gia đình chúa Định Vương ở Long Xuyên năm 1777 và người Minh Hương ở Biên Hòa - Gia Định vì đã giúp đỡ tiền bạc cho họ Nguyễn vào năm 1782. Sau khi chiếm Thuận Hóa, Phạm Ngô Cầu ra đầu hàng. Nguyễn Huệ ra lịnh chém đầu vị tướng hèn nhát, mê tín dị đoan không chu toàn nhiệm vụ của người chỉ huy để làm guơng cho các cấp chỉ huy trong hàng ngũ quân Tây Sơn. Việc Nguyễn Huệ chém đầu một tôn thất nhà Lê vì cười giỡn trong tang lễ của vua Lê Hiển Tôn năm 1786 làm cho các hoàng thân khiếp sợ kỷ luật nghiêm khắc của vị tướng trẻ nầy. Nguyễn Huệ cởi áo đắp lên xác Trịnh Khải và ra lịnh cử hành đám tang của vị chúa cuối cùng của họ Trịnh một cách chu đáo như để bầy tỏ sự ngưỡng mộ khí phách của người lãnh đạo thất trận đã cắn lưỡi tự tử chết chớ không để rơi vào tay địch. Quang Trung Nguyễn Huệ không dùng võ lực hay lợi lộc để ép buộc hay hấp dẩn La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp hợp tác với nhà Tây Sơn Phú Xuân mà dùng sự kiên nhẫn và nhiệt tâm của mình đối với tương lai và xứ sở để thuyết phục nhà nho ẩn dật này. Ông cũng tò ra rất khoan dung khi tha chết cho tiến sĩ Phan Huy Ôn vì hợp tác với họ Trịnh theo lời khẩn khoản chân thành của tiến sĩ Phan Huy Ích.

***

Trưóc khi mất, Napoléon I ước muốn được chôn trên bờ sông Seine. Người Anh không chấp thuận. Họ chôn ông ở một địa điểm bí mật trên đảo St. Helena. Năm 1840, dưới triều vua Louis Philippe, họ cho phép đưa hài cốt Napoléon I về Pháp. Pháp làm lễ quốc tang cho cựu hoàng đế của họ và chôn hài cốt của ông ở Les Invalides, Paris.

Năm 1901 nhà Tây Sơn hoàn toàn sụp đổ. Mộ của hoàng đế Quang Trung bị đào xới. Từng là một thiên tài quân sự và một vị hoàng đế sống chiến thắng, chết vinh quang, nhưng cuối cùng Quang Trung Nguyễn Huệ không có một nấm mồ.

Anh hùng tử nhưng danh bất tử. Tên tuổi của người anh hùng như sống mãi trong tâm não của người Việt Nam. Nó trường tồn như sự trường tồn của sông núi quê hương.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

_____________

Chú thích:

(1) Ba anh em nhà Tây Sơn đổi sang họ Nguyễn là họ của mẹ và là họ cầm quyền có uy tín ở Nam Hà.
(2) Vợ của Joseph Bonaparte là Hortense de Beauharnais, con gái của Joséphine và tướng Beauharnais. Joséphine kết hôn với Napoléon Bonaparte năm 1796. Con của Joseph Bonaparte và Hortense de Beauharnais là Louis Bonaparte sau nầy là hoàng đế Napoléon III. 

 


Cái Đình - 2009