Nguyễn thị Quỳnh Anh
Giải Nobel Hòa Bình 2007
Giải Nobel hòa bình năm 2007 đã được trao cho tổ chức Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC: Ủy Ban Liên Chính Phủ về Thay Đổi Khí Hậu) của Liên Hiệp Quốc và ông Al Gore qua những hoạt động bảo vệ môi sinh, báo động cho thế giới biết những hậu quả nghiêm trọng do sự thay đổi khí hậu của quả địa cầu do ô nhiễm môi sinh. Chủ tịch Rajendra Pachauri của IPCC đã phát biểu: “Giải thưởng này cho chúng ta một trách nhiệm mới.” Sau khi ca ngợi các hoạt động của tổ chức IPCC, ông Al Gore đã nhận định: “Chúng ta đang gặp một hoàn cảnh khẩn cấp trên hành tinh này. Đó là một thử thách đạo đức và tâm linh cho cả loài người.”
Nhưng giới truyền thông đã dành nhiều giấy mực và thời giờ cho ông Al Gore hơn tổ chức IPCC. Trước khi dành những nỗ lực cho hoạt động môi sinh, ông được thế giới biết đến qua cương vị phó tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Clinton (1993 – 2000). Ông sanh năm 1948 taị Washington D.C., là con trai của một nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ của tiểu bang Tennessee. Tốt nghiệp đại học Harvard về ngành quản trị, sau đó tự nguyện nhập ngũ và phục vụ ở Việt Nam trong vai trò phóng viên chiến trường. Trước khi là ứng cử viên phó tổng thống, ông đã là thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ năm 1984. Là ứng viên tổng thống vào năm 2000, ông đã bị thất cử mặc dù nhận được nhiều phiếu hơn ông George W. Bush.
Sau cuộc bầu cử, ông rời chính trường và trở lại hoạt động ông từng ưa thích trong quá khứ: vận động chống ô nhiễm môi sinh. Trong lãnh vực này, với tất cả chất lửa nhiệt tình phối hợp cùng tính hài hước mà ông đã khiếm khuyết trong thời gian hoạt động chính trị, ông như kẻ tìm lại được con người đích thực và vị trí của mình. Do các vận động của ông, dân chúng Mỹ ý thức hơn về vấn đề phế thải chất CO2. Tổng thống Bush không thể né tránh và cũng phải đề cập đến vấn đề này. Năm 2006, ông thực hiện cuốn phim tài liệu An Unconvenient Truth (Một Sự Thật Khó Chịu) trình bày các hậu quả vô cùng nghiêm trọng của sự thay đồi khí hậu trên địa cầu nói chung và trên các quốc gia liên hệ nói riêng. Ông đã đi khắp nơi để diễn thuyết về sự quan trọng sinh tử của vấn đề chống ô nhiễm môi sinh. Cuốn phim tài liệu trên đã được trình chiếu trên khắp thế giới và đã đoạt được giải Oscar ở Mỹ.
Tuy nhiên phim tài liệu này đã bị phê bình là có những dữ kiện không khoa học và ông Al Gore đã quá cường điệu khi muốn cảnh báo thế giới về những hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi sinh. Thí dụ như trường hợp cho rằng mực nước biền sẽ dâng lên đến sáu thước, hoặc bờ biển Hòa Lan ‘trong thời gian ngắn' sẽ vào đến Amersfoort. Do chín điểm không đúng sự thật khoa học trong phim, tòa án Anh đã phán quyết, khi trình chiếu trong học đường, sinh viên học sinh phải được hướng dẫn và phim phải được thuyết minh bổ sung.
Nhưng hầu như mọi người đều công nhận rằng do tính cường điệu của Al Gore, vấn đề thay đổi khí hậu do ô nhiễm môi sinh mới được thế giới thật sự chú ý, trở thành đề tài thảo luận và giải quyết của các chính trị gia, các nhà kinh doanh và giới tiêu thụ. Cũng cần nói thêm, những vấn đề được ông trình bày trong phim thật ra đã từng nằm trong các bản báo cáo của tổ chức IPCC. Riêng tại Hòa Lan, sau các cuộc diễn thuyết của Al Gore cùng sự trình chiếu phim An Unconvenient Truth, vấn đề môi sinh trở thành đề tài bàn thảo tích cực hơn. Chính phủ Hòa Lan đã công bố sẽ cố gắng giảm các chất ô nhiễm trong năm 2020 xuống 30% so với năm 1990. Hàng năm, Hòa Lan sẽ phải tiết kiệm 2% năng lượng và vào năm 2020 phải thu nhập 1/5 nhu cầu năng lượng quốc gia từ những nguồn năng lượng sạch, như gió và năng lượng mặt trời.
Câu hỏi được đặt ra: có những liên hệ gắn bó nào giữa vấn đề môi sinh và hòa bình thế giới? Theo lời giải thích của hội đồng giải Nobel, sự thay đổi khí hậu do ô nhiễm môi sinh sẽ gây những khó khăn vô cùng to lớn cho các quốc gia liên hệ: vấn đề di dân ở cấp độ lớn cùng sự gia tăng rủi ro của các mâu thuẫn bạo lực và chiến tranh. Đó là lý do cho giải Nobel hòa bình năm 2007.
Ở quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu như Trung Quốc, vấn đề môi sinh cũng được đặt ra. Như nhiều người định cư ở các quốc gia tự do đã biết, giải quyết vấn đề môi sinh không đơn giản chỉ là chính sách của chính phủ đưa ra. Do có thể lệ thuộc vào ngân sách quốc gia hoặc một chính phủ của một đảng đang cầm quyền đặt quyền lợi kinh tế lên trên sự quan trọng của vấn đề ô nhiễm môi sinh, nên không có chính sách rõ ràng hay đề ra những biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề này (thí dụ như trường hợp đảng Cộng Hòa của chính phủ George W. Bush hiện nay). Do đó vấn đề môi sinh cần phải luôn được gieo ý thức và vận động, làm rõ nét tầm quan trọng của vấn đề qua phát biểu của các đảng phái đối lập trong quốc hội, các nhân sĩ và các tổ chức phi chính phủ. Đó là chưa kể đến các cơ quan kiểm soát, các viện nghiên cứu vấn đề môi sinh và sự giải quyết phải ở mức độ toàn cầu. Tóm lại cần thiết phải có một cơ cấu dân chủ pháp trị, một mô thức sinh hoạt xã hội nhân sự để có thể giải quyết vấn đề hữu hiệu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Kimoon, đã nói về Al Gore và các hoạt động của ông cho vấn đề môi sinh: “Một nỗ lực và minh chứng tuyệt vời như thí dụ điển hình cho vai trò quyết định mà các cá nhân và xã hội dân sự có thể đóng góp trong việc động viên các đáp ứng đa diện cho vấn đề của thế giới…”
Thay đổi khí hậu do sự ô nhiễm môi sinh cũng tạo ra những mâu thuẫn mới. Ngoài những hậu quả đã được báo động như nội dung phim tài liệu của ông Al Gore, các lớp băng ở bắc và nam cực tan ra sẽ tạo cơ hội dễ dàng hơn trong việc khai thác dầu hỏa và tìm kiếm các tài nguyên khác. Các cường quốc như Nga Mỹ, Nhật, Canada, Anh Pháp, Na Uy và một số các quốc gia khác đã tìm mọi cách để hợp pháp hóa sự chiếm hữu các vùng đất rộng lớn ở hai cực địa cầu này. Sự dẫm chân lên nhau không thể tránh khỏi: thí dụ vùng đất Anh nhận là thuộc chủ quyền của mình cũng là vùng đất của Á Căn Đình. Một chính sách thuộc địa mới đang được hình thành với những tranh chấp về quyền lợi kinh tế có thể thấy được trong tuơng lai của thế kỷ 21.
Trong chiều hướng đề cập trên, vấn đề môi sinh, hòa bình thế giới và tự do do dân chủ có những tương quan mật thiết không ngờ.
Nhưng vấn đề không chỉ ngừng ở mức độ chính trị. Vấn đề phải được nhận thức và giải quyết tích cực, nói theo Al Gore, ở mức độ sâu sắc hơn: mức độ đạo đức và tâm linh.
Nguyễn thị Quỳnh Anh