Nguyễn Chinh Tường
Một điều gần như thành truyền thống cuả giải Nobel về văn chương là sự kiện thiên hạ năm nào cũng có lý do để chỉ trích hội đồng chấm giải của Viện Hàn Lâm Thụy Ðiển. Bất cứ văn nghệ sĩ nào nhận lãnh được vinh dự này cuả văn học, đều bị phê bình. Có lúc rất ồn ào, sôi nổi như năm 1953, khi giải Nobel được trao tặng cho Winston Churchill vì “khả năng biện luận phi thường của ông trong quá trình bảo vệ những giá trị căn bản của con người” hay như gần đây, năm 1997, khi giải thưởng được trao cho nhà soạn kịch người Ý, Dario Fo, vì “sự liên đới cuả ông với giai cấp bị áp bức phát sinh từ nỗi bất hoà vỉnh viễn với quyền lực”.
Ðôi lúc lời chỉ trích nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như việc trao giải thưởng năm 1993 cho nhà văn nữ da đen Tom Morrison, được phê bình như là một hành động chỉ để tỏ đúng lập trường chính trị (political correct) mà thôi. Trong khi bốn năm trước đó, hội đồng chấm giải lại bị “tô màu” là phát xít khi trao giải thưởng năm 1989 cho nhà văn Tây Ban Nha Camilo José Cela, vốn là người ủng hộ Franco.
Và như vậy, gần suốt thế kỷ, vào mỗi muà thu, khi hội đồng quyết định trao giải Nobel về văn chương cho nhân vật nào mà dư luận có chút lý do cỏn con để chỉ trích là lập tức thiên hạ lại ầm ỉ lên những bất đồng.
Nhưng năm nay, giải thưởng Nobel về văn chương được trao cho J.M. Coetzee đã làm lặng im tất cả những bất đồng gần như đã trở thành truyền thống đó. Người chiếm giải văn chương lần thứ 100 nầy đã thật sự vượt hẳn lên trên những lời chỉ trích phê bình kia, trong cương vị của một nhà văn cũng như trong cương vị của một con người.
John Michael Coetzee năm nay 63 tuổi, không quá già cũng như không quá trẻ cho giải Nobel. Thật ra, tuổi trung bình của các người nhận giải là đúng 63!. Ông là người Nam Phi. Toàn cõi lục địa cằn cỗi này cũng chỉ chiếm có 3 giải Nobel về văn chương cho đến năm 2003 với: Nagieb Mahfoez (Ai cập, 1988), Wole Soyinka (Niageria, 1996) và Nadine Gordimer (Nam Phi, 1991). |
Nhưng toàn bộ những tác phẩm của người con đất Phi Châu này lại bàng bạc âm hưởng Âu Châu, là đìều mà hội đồng chấm giải rất lưu tâm. Chẳng thế mà gần 70 phần trăm các người nhận giải đều ở châu Âu.
Coetzee chịu ảnh hưởng nhiều cuả Franz Kafka và George Orwell. Và ông viết khảo luận văn sử dựa trên những tư tưởng triết lý của Daniel Defoe (Foe, 1986) và Fjodor M. Dovtojevski (The Master of Petersburg, 1994).
Sau đó, hầu như tác phẩm nào của Coetzee cũng đều chứa đựng một pha trộn giữa văn chương và những đề tài thời sự rất đương đại. Xuyên suốt 8 tiểu thuyết và những khảo luận văn chương của ông, Coetzee đã phơi bày lên được thảm trạng của con người khi vô tình trở thành nạn nhân của thời cuộc. Ông chú tâm đến hậu quả mà lịch sử đã gây ra cho họ, khiến tâm hồn họ trở thành cứng rắn đến mức độ tàn nhẩn và rồi chính những nạn nhân này cũng đi đến chổ vong thân, đến chổ chỉ biết mình là một thứ công cụ cho lịch sử!
Tập truyện đầu tay của ông Dusklands (1974) mô tả và phân tích những tương đồng giữa các quân nhân Mỹ tại Việt Nam và những thực dân Hoà Lan đầu tiên đến “đô hộ” Nam Phi. Người lính trong chuyện cầu nguyện về “…cái giường cuả tôi, cái cửa sổ cuả tôi, cái cửa phòng của tôi, nhừng bức tường cuả tôi, căn phòng cuả tôi” để có chút niềm tin vào thực tại mà anh ta có thể bấu viú vào đó trước khi ra trận giết người bằng những phương tiện tối tân nhất!
Kể từ truyện dài cuả ông In the Heart of the Country (1997), Coetzee dùng đất nước tan tác vì nạn kỳ thị chủng tộc của mình làm bối cảnh cho những dằn vặt lương tâm được ghi nhận lại bằng nhật ký của một thiếu phụ sống trong một vùng quê ở Nam Phi. Age of Iron (1990) thuật lại chuyện một người đàn bà da trắng về già mới ý thức được trách nhiệm gián tiếp của mình về những khốn khổ cuả tầng lớp da đen sống trong Kaapstad.
Giống như Gabriel García Márquez va Günter Grass, Coetzee không những là đối tượng được ưa thích bởi các nhà phê bình văn học, mà còn là một tác giả rất được ưa chuộng, phần lớn là nhờ vào văn phong giản dị và tiết kiệm từ của ông.
Ông bắt đầu được thế giới chú ý đến với Waitings for the Barbarians (1980) đoạt giải Central News Agency cuả Nam Phi. Chuyện kể về một công chức đã hết tin tưởng vào sự công minh cuả nguồn máy chính quyền.
Coetzee đoạt giải Booker lần thứ nhất với quyểnThe Life and Times of Michael
K. (1983). Trong đó nhân vật chính Michael K. tìm cách thoát ra những nanh vuốt
cuả một chính quyền toàn trị. Mười sáu năm sau, giải Booker năm 1999 lại về
tay ông với tác phẩm Disgrace (1999), kể về một giảng sư đại học, bị lưu đầy
sau khi quan hệ tình dục một nữ sinh viên của mình, để rồi từ từ lún dần xuống
địa ngục của xã hội Nam Phi thời hậu apartheid.
Sau hai giải Booker, người đọc lại càng yêu thích ông qua Boyhood (1997) vàYouth
(2002), là hai tác phẩm mà qua đó ông tự thuật lại niên thiếu của mình. Một
tự thuật chân thật đến mức gây đau đớn!.
Truyện dài mới nhất, Elizabeth Costello (2003), kể về một nhà văn đã khéo léo
tận dụng những buổi diễn thuyết của mình để nêu ra những câu hỏi trĩu nặng lương
tri về sự liên hệ giữa văn chương và thực tế cuả đời sống.
Tuy nổi danh nhưng Coetzee lại rất kín đáo, đặc biệt là về đời tư của mình.
Tư liệu về ông rất ít. Ông ít khi trả lời phỏng vấn cũng như tiếp xúc báo chí.
Và mặc dù là nhà văn đầu tiên đã hai lần đoạt giải Booker, song ông đều không
có mặt ở Luân Ðôn để nhận giải thưởng. Ông cũng từ chối việc giản lược những
tiểu thuyết lôi cuốn của mình thành script cho những hảng phim.
Sự trầm lặng cuả Coetzee và nhất là tính nhất quán cuả ông trong việc tuyệt
đối không sử dụng những từ ngữ dao to buá lớn trong văn chương cũng như trong
đối thoại càng làm nổi bật thêm căn cốt trí thức trong ông.
Giống như lời phẩm bình của Viện Hàn Lâm Thụy Ðiển về Coetzee: “… Sự trung thực
trí thức cuả ông phá nát những tín điều của thói tôn thờ thần tượng và cũng
tách ông ra khỏi trò hề rẻ tiền cuả lòng hối hận và sự xác tín!”
Có ai dám đánh cá rằng ngày 10 tháng 12 tới đây, John Michael Coetzee sẽ có
mặt ở Stockholm?
Nguyễn Chinh Tường (theo NRC Handelsblad)
Chú thích:
Giải Booker năm 1999 được trao cho ông bởi truyện dài Ðiếm Nhục (Disgrace).
Nguyễn Chinh Tường trân trọng giới thiệu với độc giả cuả Cái Ðình một chương
cuả tác phẩm nầy.
Xem "Ðiếm Nhục (Disgrace)"
Cái Đình - 2003