Phạm Đình Lân
Địa danh thảo mộc
Địa danh cũng như tên người. Tên các thôn ấp, thành phố được đặt dựa theo:
1- Ước vọng của cư dân trú ngụ. Ước vọng đó có thể là ước vọng luân lý, đạo đức theo tinh thần Tam Giáo, ước muốn phồn vinh, thái bình để được an cư lạc nghiệp. Địa danh mang chữ HÒA, AN, BÌNH, PHÚ, THÁI (THỚI), PHƯỚC, LỘC, THỌ rất phổ biến ở Việt Nam. Sau cuộc nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn trong tỉnh Gia Định, hay nói rộng hơn ở Nam Kỳ, có nhiều địa danh mang chữ TÂN.
2- Cách đặt tên địa danh của Trung Hoa hay do Trung Hoa để lại sau hàng ngàn năm Bắc Thuộc trên đồng bằng sông Hồng và sông Mã, sông Cả và sông Chu, tức Bắc Bộ và các tỉnh miền bắc Trung Bộ bây giờ. Ở Trung Hoa có Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Trường An, Tây Hồ. Trên đồng bằng sông Hồng cũng có những địa danh tương tự.
3- Đặc điểm của địa điểm như cái vịnh, cái vũng, cái bến, mủi đất de ra ngoài biển, núi non, sông ngòi, thung lủng, đèo, bình nguyên, đầm lầy, rừng, trảng, thảo mộc đặc thù tại địa phương v.v... Địa danh mang tên thảo mộc được tìm thấy rất nhiều trong nước, nhất là ở miền Nam với Rạch Bắp, Rạch Giá, Đám Lá Tối Trời, Bến Cỏ, Bến Củi, Gò Vấp, Hóc Môn, Quán Tre, Xóm Thơm, Xóm Cây Xợp v.v… Những địa danh mang tên thảo mộc là những địa điểm nhỏ lấy thảo mộc đặc trưng ở địa phương làm chuẩn để chỉ đường cho dễ tìm. Dần dần số người cư trú tăng lên khiến cho địa điểm nhỏ trở thành một thành phố lớn đông dân cư như trường hợp Sài Gòn (Sài: củi, Gòn: cây gòn), Gò Vấp, Hốc Môn là một điển hình.
Sau nhiều bài viết về địa danh và thảo mộc, bài viết nầy là bài sau cùng về chủ đề nầy với các địa danh Cù Lao Ré, Gò Gàng, Quế Sơn, Trà Mi, Hương Trà, Bìm Sơn, Hoàng Liên sơn.
Cù Lao Ré và Cây Hột Ré (Thảo Đậu Khấu)
Hoa cây Hột Ré và Hột Thảo Ðậu Khấu
Cù Lao Ré tức đảo Lý Sơn nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Ngải cách bờ biển lối 38km. Đó là một nhóm đảo gốc núi lửa với 13 đảo, trong đó chỉ có 9 đảo còn ngầm dưới biển và 4 đảo nổi trên mặt biển và có người cư trú. Cù Lao Ré hay đảo Lý Sơn trở thành quận Lý Sơn theo tổ chức hành chánh hiện hành. Bốn đảo gốc núi lửa của Cù Lao Ré rộng lối 10km2 trên tọa độ 15 độ bắc vĩ tuyến và 109 độ 12' đông kinh tuyến. Huyện Lý Sơn có 3 xã: An Vĩnh, An Hải, An Bình. Sinh hoạt kinh tế của cư dân sống trên Cù Lao Ré là ngư nghiệp và nông nghiệp. Đất núi lửa trên cù lao rất màu mỡ. Cư dân trên đảo trồng tỏi rất tốt. Trong những năm gần đây ngư dân trên đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) luôn luôn bị tàu Trung Quốc chận bắt, tịch thâu cá, tàu và bắt phải trả tiền phạt khi đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam Cộng Hòa đã mất vào tay Trung Quốc đầu năm 1974.
Cây hột ré là thảo đậu khấu Alpinia katsumadai thuộc gia đình Zingiberaceae của gừng, nghệ, riềng. Cây cao từ 60 - 80cm, lá dài xanh mướt, hoa hình sô màu vàng hay đỏ-trắng kết thành chuổi dài rất đẹp. Các nhà thực vật cho rằng hoa của gia đình họ Gừng là hoàng hậu của các hoa. Lá, thân, củ, hột ré đều có hương thơm. Hột ré có cineole, farnesol, alipinetin, cardamonin. Thảo đậu khấu dùng làm thuốc trị ói mửa, rối loạn tiêu hóa, bịnh dạ dày, yếu tỳ, giải rượu v.v... Thảo đậu khấu được tìm thấy nhiều ở Nhật, Taiwan (Đài Loan), Guangdong (Quảng Đông) v.v... Đó là một vị thuốc Bắc nhập cảng đối với nước ta. Có thể trước kia có nhiều cây hột ré trên Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn). Ngày xưa vùng nầy thuộc vương quốc Chiêm Thành, chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ rồi Hồi Giáo. Cây hột ré (thảo đậu khấu) là một hương liệu như hồi hương, đinh hương, hồ tiêu, gừng, đậu khấu... rất có giá ở Âu Châu. Người Âu Châu mua hương liệu qua trung gian các thương nhân Á Rập. Về sau nhờ sự phát triển hàng hải, họ mở Đường Hương Liệu (Spices Road) để trực tiếp mua hương liệu không qua trung gian các thương nhân Á Rập. Giá hương liệu giảm dần trên thị trường Âu Châu. Ngày nay cư dân trên Cù Lao Ré sản xuất nhiều tỏi Allium sativum, gia đình Alliaceae. Có lẽ trồng tỏi mang lợi nhuận trực tiếp, thường xuyên và nhiều hơn lợi nhuận do việc trồng cây hột ré (thảo đậu khấu) để bán làm thuốc.
Gò Gàng và Cây Gàng Gai
Gò Gàng là một xóm nhỏ trong xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Gò Gàng lại nổi tiếng về nghề làm nón lá và truyền thống nhóm chợ bán nón từ giữa đêm đến sáng thì tan chợ. Nón lá Gò Gàng được xem là nón lá nghệ thuật tinh xảo dành cho người khá giả dùng mà thôi. Nghề nầy đòi hỏi sự khéo léo và có giá trị nghệ thuật hơn là lợi nhuận kinh tế. Vì người giỏi tay nghề không sản xuất đến 10 cái nón lá trong ngày!
Địa danh Gò Gàng gắn liền với cây gàng, một loại cây có gai lởm chởm. có hai loại cây gàng:
– Gàng trắng Randia tomentosa thuộc gia đình Rubiaceae có lá xanh xậm, hoa trắng, trái có nhiều cơm. Gỗ cứng được dùng làm lược chải tóc. Trái được dùng để gội đầu như shampoo.
– Gàng trâu hay gàng tu hú Randia spinosa (spinosa: gai), lá dày hình bầu dục, thân có gai dài và nhọn, hoa màu trắng hay vàng có mùi thơm. Trái chín màu vàng.
Gàng trâu có iridoid glycoside, randinoside.
Trái dùng để trị nôn mửa nên người Anh gọi trái gàng trâu là emetic nut. Ngoài ra nó còn trị kiết lỵ, tiêu chảy và gây trụy thai.
Vỏ có nhiều tannins cầm máu và trị tiêu chảy, kiết lỵ.
Rễ dùng để sát trùng.
Địa Danh Liên Hệ Đến Cây Trà: Hương Trà, Trà Mi
Hương Trà là một huyện của tỉnh Thừa Thiên. Huyện nằm về phía bắc thành phố Huế. Huyện Hương Trà rộng 521km2 (28,6km x 28, 6km). Hầu hết các xã trong huyện đều có chữ HƯƠNG như Hương Phong, Hương Vĩnh, Hương Toàn, Hương Chữ, Hương Xuân, Hương Vân, Hương An, Hương Thọ, Hương Hộ, Hương Bình. Sông chảy qua huyện là sông Hương. Trong những năm gần đây bờ biển xã Hải Dương trong huyện Hương Trà bị xâm thực nặng nề. Nạn đất chùi vì mưa lũ xảy ra trong xã Hương Hộ.
Trong tỉnh Quảng Nam có địa danh Trà Mi. Trà mi hay đồ mi là hoa trà. Theo tổ chức hành chánh hiện hành có hai huyện Trà Mi: Bắc Trà Mi rộng 823km2 (28,60km x 28,60km) và Nam Trà Mi rộng 787km2 (28,5km x 28,5km). Hai huyện nầy không nổi tiếng về trà mà nổi tiếng về quế (sẽ nói ở phần kế tiếp).
Địa danh Hương Trà hay Trà Mi liên hệ đến cây trà:
– Camellia sinensis [Camellia do tên của giáo sĩ Tiệp Khắc dòng Jesuit Georg Kamel (1661 - 1706) nghiên cứu cây trà khi giảng đạo ở Phi Luật Tân] thuộc gia đình Theaceae. Cây trà nầy cao từ 5m - 10m; lá dày, có răng cưa ngoài rìa. Lá láng màu xanh đậm. Hoa trắng, nhụy vàng có hương thơm. Người Âu Châu thích cây trà Camellia japonica của Nhật không phải vì trà ngon mà vì cây trà nầy có hoa rất đẹp.
Trà có glucosides, tannins, quercetol, myricetol, catechol, sinh tố A, B, C, caffeine, theophylline, ác xít panthothenic. Trà nhuận tiểu, tiêu hóa, trị tiêu chảy, kiết lỵ, hưng phấn thần kinh, phát hạn v.v...
Trà và cà phê là thức uống được quảng bá khắp thế giới. Người Trung Hoa thích uống trà và có nhiều kinh nghiệm trong thuật ướp trà. Người Nhật biến thuật uống trà thành Trà Đạo (Chanoyu). Trà Đạo phát triển song song với sự phát triển Thiền (Zen) ở Nhật. Chưởng môn Trà Đạo Sn-No-Rikyu đưa ra 4 nguyên tắc Trà Đạo:
a- Hỏa (Wa).
b- Kinh (Kei).
c- Thanh (Sei).
d- Tịnh (Taku).
Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu thơ nói về hoa trà:
Cái đêm hôm ấy đêm gì?
Bóng dương lồng bóng trà mi chập chùng.
Ca dao Việt Nam nói về trà:
Chẳng chè, chẳng chén sao say?
Chẳng thương, chẳng nhớ sao hay đi tìm?
Vườn trà Bắc Ninh ngày xưa là nơi sản sinh ra Ỷ Lan Thái Phi đời nhà Lý và Bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ thời chúa Trịnh Sâm. Đó là hai đệ nhất phu nhân đầy quyền uy thời quân chủ phong kiến.
Năm 1773 Anh ban hành đạo luật Trà (Tea Act) gây phẩn uất cho người Mỹ khiến họ thành lập Boston Tea Party (Trà Đảng Boston) tổ chức liệng trà của người Anh xuống biển ở Boston năm 1773, mở đầu cho cuộc Chiến Tranh Cách Mạng giành độc lập và khai sinh ra Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Trong văn chương Pháp có Alexandre Dumas Fils [Alexandre Dumas Con (1824 - 1895) để phân biệt với Alexandre Dumas Cha] viết tác phẩm La Dame aux Camélias (Trà Hoa Nữ) rất nổi tiếng.
Ở vùng Thừ Thiên có một loại hoa hải đường, nhưng không thuộc dòng Sorbus và gia đình Rosaceae như hải đường Sorbus domestica thường thấy, mà thuộc dòng Camellia và gia đình Theaceae của trà. Tên khoa học của loại hoa hải đường dòng Trà nầy là Camellia amplexicaulis hay Thea amplexicaulis, gia đình Theaceae. Hoa to màu trắng hay hồng rất đẹp nhưng không có hương.
Quế Sơn và Cây Quế
Quế Sơn là một huyện của tỉnh Quảng Nam. Theo tài liệu hiện nay huyện nầy rộng 707km2 (26,5km x 26,5km). Sông Thu Bồn chảy ngang qua huyện. Đó là nơi thường xảy ra những trận đụng độ đẫm máu trong cuộc chiến tranh Việt Nam II. Trước khi tách ra làm hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn (nơi có quặn than đá), quận Quế Sơn cũ rất rộng và trong quận có nhiều xã mang chữ QUỀ như Quế Lộc, Quế Trang, Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lâm. Tên các địa danh kể trên liên hệ đến cây Quế, một cây hương liệu và cây thuốc rất quí được tìm thấy nhiều trong tỉnh Quảng Nam. Những địa danh Quế Sơn, Quế Lâm cho thấy đó là những cây Quế mọc thiên nhiên trên núi và trong rừng. Điều đáng lưu ý là Quế Sơn lại không nổi tiếng về quế như huyện Trà Mi (Bắc Trà Mi và Nam Trà Mi).
Tên khoa học của cây quế gốc ở Tích Lan là Cinnamomum zeylanicum thuộc gia đình Lauraceae. Năm 1536 Bồ Đào Nha chiếm đảo Ceylon, bây giờ là Sri Lanka, và trở thành quốc gia độc quyền bán quế ở Âu Châu. Vào thế kỷ XVII và XIX Hòa Lan trồng quế ở Indonesia quần đảo để trở thành quốc gia buôn bán quế quan trọng trên thế giới. Tên khoa học của quế Việt Nam là cinnamomum louieirii mà người Pháp gọi là quế Sài Gòn mặc dù Sài Gòn không hề có cây quế! Tên khoa học của cây quế rừng, tức quế mọc hoang trong rừng, núi là Cinnamomum malabathrum hay Cinnamomum iners. Quế Tàu Cinnamomum aromaticum hay C. cassia có công dụng đa dạng trong thức ăn và vị thuốc vì hầu hết việc sản xuất bánh kẹo hay điều hành tiệm thuốc Bắc ở Việt Nam đều do người Trung Hoa nắm giữ.
Cây quế cao từ 10m - 15m, lá hình bầu dục màu xanh đậm. Hoa màu xanh nhạt. Trái tròn màu đen láng khi chín. Vỏ, lá, rễ cây đều có mùi thơm cay nồng. Quế là một loại hương liệu dùng trong nấu nướng (cho vào bánh ngọt, kẹo, nước lèo phở v.v...) và làm thuốc trị bịnh. Dầu quế có ethyl cinnamate, eugenol, cinnamaldehyde, betacaryophyllene C15 H24, linalool, methyl chavicol. Quế được dùng để trị cảm, nghẹt mũi, rối loạn tiêu hóa, tiểu đường II, hạ huyết áp, phong thấp. Phụ nữ có thai không được dùng.
Ở Việt Nam các tiệm thuốc Bắc thường dùng quế để đổi lấy trần bì (vỏ quít). Cây quế được người Việt Nam đề cập đến nhiều với những từ quế cung, thềm quế, đan quế, quế hòe, củi quế gạo châu, v.v... Vào thế kỷ XIV, khi Huyền Trân Công Chúa gả cho vua Chiêm Thành là Chế Mân thì trong dân gian có câu:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng M..., thằng M... nó leo.
Triều đình nhà Trần giải thích đường lối của mình qua hai câu:
Hai châu Ô, Rí xa ngàn dậm,
Một gái Huyền Trân phỏng mấy mươi.
Khi Trần Khắc Chung giải cứu công chúa Huyền Trân khỏi bị hỏa thiêu theo chồng thì dân gian lại có câu:
Tiếc thay hột gạo trắng ngần,
Đã vo nước đực lại vần lửa rơm!
Ca dao Việt Nam nói về quế đại để có những câu:
Ở như cây quế giữa rừng,
Cay không ai biết, ngọt đừng ai hay.
*
Xin đừng thấy quế phụ hường,
Quế già, quế rụi hương còn thơm xa.
Bìm Sơn và Dây Bìm Bìm
Bìm Sơn là một trong các thị xã lớn trong tỉnh Thanh Hóa. Thành phố nằm trên tọa độ 20 độ 18' bắc vĩ tuyến và 105 độ 55' đông kinh tuyến. Bìm Sơn nằm cách tỉnh Thanh Hóa 34km về phía bắc gần Lam Sơn, nơi Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh năm 1418. Thành phố có núi, đèo bao quanh và nhiều suối.
Địa danh Bìm Sơn gắn liền với một loại thảo mộc: dây bìm bìm tức khiên ngưu (dây dắt trâu), hắc sửu, bạch sửu. Đó là một loại dây giống như rau muống, hoa màu tím-xanh giống như hoa rau muống. Khi gần tàn, hoa chuyển sang màu đỏ bầm. Tên khoa học của dây bìm bìm là Ipomoe hederacea thuộc gia đình Convolvulaceae. Người Anh gọi là Ivyleaf morning-glory, Indian jalap.
Đối với người Hoa Kỳ đó là một loại dây lấn đất. Đối với Trung Hoa và Ấn Độ khiên ngưu là một dược thảo. Hột có dầu, chất nhờn albumin, tannins, pharbitistin. Hoa có peonin chloride. Toàn dây có độc chất vì có nhiều loại ác xít.
Dây bìm bìm (khiên ngưu, hắc sửu, bạch sửu) lợi tiểu, nhuận trường, trị sình bụng, trục lãi, hạ sốt, trị ghẻ, trị bịnh về da, bịnh gan, lá lách (tỳ), điều kinh, trị cước khí, lọc máu, điều tiết túi mật.
Dãy Núi Hoàng Liên Sơn và Cây Hoàng Liên
Dãy Hoàng Liên Sơn là dãy núi trẻ được xem là phần nối dài ở phía đông của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Dãy núi Hoàng Liên Sơn nằm trong huyện Sa Pa (Chapa) trong tỉnh Lào Cai. Đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam nằm trong dãy núi nầy. Đó là đỉnh Fansipan cao 3.142m. Người ta cũng gọi đỉnh Fansipan là Hoàng Liên Sơn.
Hoàng Liên Sơn là núi có nhiều cây hoàng liên. Cây hoàng liên cao lối 50cm. Cọng mềm, màu xanh. Lá chẻ, dài và láng. Hoa nhỏ màu vàng-trắng, nhụy dài như sợi chỉ màu vàng, trái ăn được. Rễ đắng, màu vàng. Tên khoa học của hoàng liên là Coptis teeta thuộc gia đình Ranunculaceae của mao lương hoa vàng. Thường thương thảo mộc thuộc gia đình Ranunculaceae có độc chất. Nhưng cây hoàng liên không độc. Người Anh gọi cây hoàng liên là yellow root (hoàng căn - vì rễ màu vàng), gold thread root, canker root (rễ dùng làm thuốc trị loét miệng). Người Trung Hoa gọi là yunnan huang lian (Hoàng Liên Vân Nam), yun lian (vân liên), huang lian (hoàng liên). Người Ấn Độ gọi là marmeera nên nhiều nơi người Anh cũng dùng chữ marmira hay tita để chỉ cây hoàng liên.
Hoàng liên là một dược thảo quan trọng mọc thiên nhiên ở Ấn Độ, dãy Hy Mã Lạp Sơn, miền núi Yunnan (Vân Nam), miền Bắc Việt Nam v.v.
Về thành phần hóa học cây hoàng liên có berberine C20 H18 NO4, akaloid coptine, albumen, lignin, dầu, đường, v.v...
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ có tính kháng viêm, kháng trùng, trị táo bón, lợi cho thị giác, trị hoàng đản, sốt rét, suy nhược, lâm lậu, v.v... Y học cổ truyền Ấn Độ và Trung Hoa trân quí dược tính trị liệu của cây hoàng liên.
Hoàng liên Nhật mang tên khoa học coptis japonica. Người Anh cũng gọi Hoàng liên Nhật là gold thread root (ám chỉ nhụy vàng dài và nhuyển như chỉ). Người Nhật gọi là Ouren. Hoàng liên Nhật có thân màu đỏ bầm. Lá chẻ ba. Hoa trắng, cánh hoa nhỏ và dài; nhụy vàng dài và nhuyển. Hoàng liên Nhật có berberine, coptisine, jatrorrizhine, chlorophyll, magnoflorine. Củ dùng làm thuốc kháng viêm, hạ sốt, kích thích máu lưu thông điều hòa, trị kiết lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, bịnh về mắt, loét miệng, lưỡi, v.v... Đại cương công dụng trị liệu cũng giống như cây hoàng liên Coptis teeta.
Ở miền hàn đới như Alaska, đảo Greenland băng giá quanh năm có cây hoàng liên hàn đới Coptis trifolia hay Coptis groenlandica. Người Anh gọi loại hoàng liên hàn đới nầy là Alaska gold thread. Về thành phần hóa học và công dụng trị liệu cũng tương tự như hoàng liên Coptis teeta. Hoàng liên hàn đới được gọi là tam diệp hoàng liên vì cây có ba lá chụm lại ở một cuống (trifolia). Hoàng liên hàn đới được dùng làm thuốc bổ cho người bị bịnh kinh niên.
Các loại hoàng liên gai (jaundice berry) mang tên khoa học Berberis vulgaris, hoàng liên gai Ấn Độ hay hoàng mộc Berberis asiatica và hoàng liên ô rô Berberis bealei thuộc gia đình Berberidaceae tuy không cùng dòng Coptis và gia đình Ranunculaceae của cây hoàng liên mà chúng ta đề cập ở phần trên nhưng vẫn được mang tên hoàng liên vì có nhiều berberine và công dụng trị liệu như hoàng liên dòng Coptis.
Người Trung Hoa gọi Coptis teeta là hoàng liên với tất cả sự trân quí vì hoàng liên có nghĩa là SEN VÀNG, không phải vì vẻ đẹp và hương thơm của hoa sen mà vì có dược tính đặc biệt của loại thảo mộc có nhiều berberine C20 H18 NO4 và coptine C19 H4 NO4 nầy.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.