Trangđài Glassey-Trầnguyễn


Đất người, quê thói

 

– Nếu hai Bác không đến nhà gặp Ba Mẹ để hỏi cưới con thì sao?
– Thì con xin phép chia tay với con trai của hai Bác.

Trong lần sơ ngộ khi Ba Mẹ chồng tôi từ Châu Âu sang California dự lễ ra trường của con trai, ông bà đã hỏi tôi như vậy. Việc nhà trai đến nhà tôi làm lễ dạm ngõ không chỉ quan trọng đối với tôi vì danh dự của gia đình, vì sự đền đáp của tôi đối với đấng sinh thành, vì phẩm giá của cá nhân tôi, mà còn vì đó là một phần hãnh diện của tôi đối với văn hóa gốc.

Hương quê khác họ

Tôi may mắn di dân ở tuổi trưởng thành, khi tôi đã có một ý thức rõ rệt về căn tính văn hóa của mình, và chọn giữ một nếp sống nhiều Việt tính. Điều chỉnh văn hóa không chỉ xảy ra khi một người định cư ở một quốc gia khác, mà ngay cả khi trong nước, vì những phong tục văn hóa cũng luôn thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ ở hải ngoại, khi văn hóa Việt được đưa vào một xã hội khác, thì những cọ xát văn hóa mới thực sự xảy ra một cách mạnh mẽ và thấu đáo, từ những việc rất nhỏ trong nếp sống đến những điều sâu xa hơn trong tư duy sắc tộc.

Căn cội sâu nhất của văn hóa không thuộc về những hình thức hay nghi lễ cố định, mà nằm trong ý nghĩa và tư duy đằng sau mỗi phong tục tập quán. Theo thời gian, con người có thể thay đổi cách thể hiện mỗi phong tục tùy theo nhu cầu và thị hiếu của xã hội, nhưng ý nghĩa sâu xa đằng sau mỗi phong tục không thay đổi, mà chỉ được phong phú và làm nổi bật hơn. Đơn cử trường hợp cưới hỏi. Từ những phong tục cổ chúng ta chỉ được biết qua ca dao như tục nộp cheo, cho đến những hình thức cưới hỏi của hôm nay để thích ứng với xã hội loài người ở thế kỷ 21, tất cả cũng chỉ quy về một điểm: ngày thề nguyền yêu thương của đôi tân hôn, ngày đại hỷ của hai họ.

Khi chuẩn bị lập gia đình, tôi dành thời gian tìm hiểu về phong tục cưới hỏi của người Việt, vừa ôn lại những gì mình biết, đào sâu những gì mình chưa biết, vừa hệ thống hóa tất cả những kiến thức đó. Có hai lý do khiến tôi chuyên tâm làm việc này. Thứ nhất, tôi luôn thích tìm hiểu và quý trọng văn hóa Việt Nam, nên thường tạo cơ hội để mình đào sâu và tích lũy vốn liếng quý giá này. Thứ hai, chồng tôi không phải là người Việt, nên tôi phải đóng vai trò ‘đại diện’ cho văn hóa gốc của tôi, để hướng dẫn anh và gia đình anh về những hạt ngọc mà tôi muốn gìn giữ trong di sản tinh thần của tôi.

Tôi xin cố vấn với những vị quan tâm và dấn thân cho văn hóa Việt mà tôi quen biết ở khắp nơi. Nghị Viên Vũ Khánh Thành, MBE, ở Luân Đôn đã chu đáo gửi sang cho tôi quyển cẩm nang về phong tục cưới hỏi của người Việt do Viện Nghiên Cứu Nho và Đông Nam Á tại Luân Đôn thực hiện. Những tài liệu như vậy cho tôi một nhịp cầu với những thế hệ đi trước, giúp tôi an tâm khi có trong tay một phần của bản đồ văn hóa Việt Nam. Nếu đời trước không truyền lại, đời sau lấy gì để học và sống văn hóa?

Vậy người Việt hải ngoại – trong những cọ xát văn hóa khi tủa đi tỵ nạn và di cư trên toàn thế giới – đã giữ lại những gì từ văn hóa gốc? Câu hỏi thật đơn giản, nhưng câu trả lời thì ngược lại. Mỗi quốc gia thứ hai có những hoàn cảnh riêng biệt, cho phép cũng như khiến cho người Việt ở nơi đó thích ứng theo điều kiện có thể. Ở Quận Cam, California, chẳng hạn, người Việt tụ họp đông đảo, mỗi dịp lễ hội từ Tết Nguyên Đán đến Rằm Trung Thu đều có những sinh hoạt cộng đồng sống động và đầy sức sống, kết hợp văn hóa Việt Nam và những nếp sống địa phương, như đi diễu hành ở Little Saigon, hay những trò chơi hiện đại tại Hội chợ Tết. Ở những vùng ít người Việt tại Châu Âu, chẳng hạn như thủ đô Stockholm của Thụy Điển, Tết Nguyên Đán được tổ chức lặng lẽ hơn, khánh tiết đơn giản hơn, nhưng lại gần hơn với cái Tết truyền thống, ít có những ‘biến tấu.’ Nhưng dù ‘tân thời’ như Tết của Bolsa, hay ‘cổ truyền’ như Tết của Stockholm, ý nghĩa của ngày Tết – và sự thiêng liêng, nỗi háo hức, tình gia đình trong những ngày trời đất giao mùa này – vẫn không thay đổi, dù chúng ta ở nơi nào trên quả địa cầu.

Ăn, nói, gói, mở

Chúng ta đi, mang theo quê hương. Nhiều người đã nói như thế về kinh nghiệm tỵ nạn. Và trong quê hương đó, có văn hóa. Văn hóa chính là linh hồn của quê hương, được thể hiện qua nhiều chiều kích, từ ngôn ngữ cho đến ẩm thực, từ sinh hoạt hằng ngày cho đến đời sống tinh thần. Để thực hiện một cuộc thống kê quanh thế giới xem người Việt hải ngoại ở khắp nơi giữ những phong tục nào, giữ làm sao, thay đổi chỗ nào, thì không ai làm nổi. Nhưng tôi cho rằng có một nguyên tắc cơ bản có thể tổng kết được một phần lớn những thích ứng và duy trì văn hóa này, đó là: ăn, nói, gói, mở.

Học ăn, học nói, học gói, học mở – câu tục ngữ này tóm tắt được những gì chúng ta đang làm trong thổ ngơi văn hóa gạch nối (hybrid) ở hải ngoại. Học ăn – có thực mới vực được đạo. Ẩm thực là con đường gần nhất để đưa người ta đến với một văn hóa khác. Ở những vùng thịnh văn hóa như Quận Cam, người ta có thể thưởng thức những món ăn tuyệt hảo của biết bao quốc gia trên thế giới, cho dù chưa biết nhiều (thậm chí không biết gì) về những nước này. Nhưng trong ẩm thực cũng hàm chứa biết bao ý nghĩa văn hóa tiềm ẩn. Thử lấy trường hợp ăn phở. Người Việt Nam rất chuộng tinh thần dân chủ, nhưng cũng hết sức đề cao tính cộng đồng. Mỗi người chọn cho mình thịt tái hay chín và các nạm gầu gân sách khác nhau, nhưng mọi người cùng chung nhau nồi nước phở, rổ bánh phở, và đĩa rau giá ớt, ai thích gì thì thêm nấy, ít nhiều tùy hỷ.

Học nói. Ngôn ngữ chất chứa văn hóa. Thích ứng ngôn ngữ cũng cần thiết là một con đường hai chiều, từ việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong gia đình, đến việc trân trọng và đề cao tiếng Việt trong các sinh hoạt truyền thông, văn chương, sáng tác, nghệ thuật phim ảnh, ca nhạc. Quan trọng nhất là chúng ta cần tham gia vào đời sống trí tuệ của dòng chính, đồng thời mang theo tư duy của văn hóa dân tộc theo mình. Đây là điều mà tôi đã vạch ra cho mình trong học thuật và nghiên cứu, và sau gần hai mươi năm thực hiện, thấy rất khả thi và hữu hiệu.

Gần bốn thập niên sau khi người Việt định cư tại hải ngoại, nhiều tác giả hay đạo diễn đã dùng tư duy Việt trong tác phẩm của mình, phản ảnh kinh nghiệm sống mà trong đó văn hóa Việt được thể hiện một cách cụ thể và vi tế. Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhắc đến cái ảnh hưởng và cách biểu đạt của văn hóa bản xứ trong những tác phẩm này. Một số tác giả thuộc dạng hybrid trong sáng tạo, họ lai hai văn hóa, cho dù dòng máu của họ thuần Việt. Cho nên cho dù chúng ta nhận ra trái tim Việt Nam trong sáng tác của họ, thì chắc chắn chúng ta cũng thấy nguồn ôxy là của xứ chủ lưu, và mạch máu đôi khi lại là mạch máu địa phương, vì những đạo diễn hay tác giả này sinh trưởng tại hải ngoại.

Hơn nữa, vì áp lực phát triển chuyên môn, rất nhiều các tác giả và đạo diễn gốc Việt thành danh đều dùng ngôn ngữ bản xứ, và như vậy, trái tim Việt Nam không còn thuần túy Việt Nam nữa – nó đã được chuyển hình và có một nhịp đập mới. Như đã nói, ngôn ngữ chất chứa văn hóa. Khi một nhà văn chọn một ngôn ngữ để sáng tác, thì chính ngôn ngữ đó đã vô hình chung đóng một dấu ấn trên tác phẩm và tâm thức của tác giả. Cho nên có thể những tác giả này vẫn dùng nước mắm để nêm nếm cho tác phẩm của họ, nhưng cách nấu thì không còn thuần túy Việt Nam, và sản phẩm sau cùng cũng sẽ mang một nhân diện riêng của nó. Sự phức hợp trong chọn lựa và thể hiện này nói lên việc chúng ta phải học gói, học mở trong môi trường sống ở hải ngoại: nên gói ghém như thể nào để đưa văn hóa gốc vào đời sống nhập cư, và nên mở ra những phương thức mới nào để hài hòa và thích ứng với xã hội chủ lưu.

Văn hóa là một thực thể sống, không cứng ngắc và đóng khung, hay bất biến. Ngay cả khi văn hóa không “di cư” ra khỏi Việt Nam, thì cũng đã có nhiều thay đổi cả thể. Nhưng những thay đổi trong một văn hóa không thể được ‘định lượng’ dễ dàng, vì khi nói đến văn hóa, thì không phải nói đến một đề toán có thể dùng cộng trừ nhân chia để đưa ra một con số rõ ràng, dứt khoát. Không mấy ai có thể gột tả hết những thay đổi tâm lý của một cô gái ở tuổi dậy thì. Văn hóa cũng ‘dậy thì’ khi trãi qua một sự thay đổi. Cái ‘dậy thì’ của văn hóa còn mênh mang và mạnh mẽ hơn cả cái dậy thì của bất cứ thiếu nữ nào.

Đất người, quê thói

Đang nằm ở phòng hồi sức trước khi được chuyển qua khu sản phụ, tôi nửa tỉnh nửa mê, vừa ôm con mới sinh vừa nói chuyện với chồng và con đầu lòng, thì cô y tá cười và nói với tôi:

– Xin chia buồn với chị. Cả hai cháu đều giống anh như đúc, không giống mẹ chỗ nào cả!

Cô y tá không phải là người Việt, nên tôi không ứng đáp với câu tục ngữ “Con giống cha, giàu ba họ.” Tôi chỉ nói:

– Thưa Cô, tôi mừng là như vậy. Vì xác thì giống Ba, nên hồn sẽ giống Mẹ.

Tôi vẫn đùa là các con tôi muốn tự chứng minh gia phả của mình, nên đứa nào cũng rinh nguyên bàn tay, cái mũi, tướng đi của Ba làm của riêng. Văn hóa Việt ở xứ người cũng là những đứa con của hai nền văn hóa, sản phẩm của một dạng ‘hôn nhân song tộc.’ Những nghi thức cử hành Tết Nguyên Đán, hay cưới hỏi, tuy có thay đổi để thích ứng với thị hiếu mới và hoàn cảnh ở địa phương mới, nhưng tâm tình vẫn là những gì đã được truyền lại từ bao đời trước qua nhiều cách khác nhau, từ gia đình cho đến cộng đồng. Và như vậy, hình thức dù có thay đổi, nhưng ý nghĩa và cốt lõi vẫn không đổi, cho dù đã có thêm những ý nghĩa mới. Diễn hành Tết ở Bolsa là một hình thức mới, nhưng nó vẫn quy về cái thiêng liêng và sự quan trọng của những ngày đầu năm. Nhờ vậy, nên dù ở ‘đất người,’ chúng ta vẫn duy trì di sản của ‘quê thói.’

Trong đời sống ở hải ngoại, người Việt thích ứng văn hóa như một chọn lựa có ý thức. Chúng ta quyết tâm hội nhập, nhưng vẫn muốn giữ lại bản năng văn hóa của mình. Sự hội nhập của lớp trẻ gốc Việt tại Mỹ, hay tại các nơi khác, đều chịu ảnh hưởng lớn của môi trường địa phương. Có một sự tình cờ rất thú vị khi tôi thực hiện hai cuộc phỏng vấn độc lập về nhân diện văn hóa với hai bạn trẻ sinh ở hải ngoại và chưa hề gặp nhau, một sống ở Bắc California, và một ở Lausanne, Thụy Sĩ. Cả hai đều nói mình 70% Mỹ hoặc Thụy Sĩ, và 30% Việt Nam. Điều này cho chúng ta thấy có một điểm tương đồng nào đó trong quá trình hội nhập của lớp trẻ Việt tại hải ngoại.

Chỉ trừ ngoại lệ của Little Saigon, Quận Cam, hay những cộng đồng lớn khác, ở các cộng đồng người Việt hải ngoại nhỏ hơn, văn hóa và ngôn ngữ chủ đạo vẫn là của dòng chính. Do đó, nhân diện văn hóa của các bạn trẻ ở những cộng đồng ít người Việt sẽ bị ảnh hưởng bởi dòng chính nhiều hơn, có nghĩa là họ sẽ hội nhập một chiều nhiều hơn vì không có môi trường văn hóa sắc tộc để nuôi dưỡng họ. Trong trường hợp này, ‘quê thói’ đã bị mai một rất nhiều.

Khi nói đến sự giao thoa giữa hai văn hóa, thì ‘dung hòa’ có vẻ thụ động và hơi êm tai. Hội nhập là chọn lựa có ý thức những gì mình muốn giữ từ văn hóa gốc, và học những gì mình thấy hay từ văn hóa thứ hai. Dung hòa nghe rất êm ả, nhưng hội nhập văn hóa là những giằng co và chọn lựa khốc liệt. Trong quá trình hội nhập, hai nền văn hóa sẽ cọ xát với nhau trong cuộc sống của một cá nhân, và khiến cho cá nhân đó đôi khi phải rất nhức đầu để chọn lựa, mà đôi khi lại là sự tiến thoái lưỡng nan. Cho nên, hội nhập văn hóa là những chọn lựa hằng ngày trong đời sống. Một ví dụ đơn giản nhưng phổ biến: Lập gia đình rồi, nên ra riêng, hay ở chung với Ba Mẹ, nhất là khi mình là con một? Ba Mẹ gắn bó với mình quá, thì cũng quyến luyến, khó đi. Mà không đi, thì lại có những lấn cấn khác.

Lúc chị gái tôi lấy chồng và dọn ra riêng, tuy mừng cho hạnh phúc của chị, nhưng tôi buồn và nhớ chị, tôi hỏi Ba, “Ba ơi, sao chị dại quá, đổi sáu người trong nhà để lấy một người dưng?” Nếu được, chắc tôi đã dụ dỗ cả hai vợ chồng chị về ở chung rồi. Nhưng có lẽ vì đó là lần đầu tiên một người trong anh chị em rời gia đình để có đời sống riêng, nên tôi bị chấn động như vậy. Khi tới phiên mình lấy chồng, thì… tôi cũng ra riêng, nhưng lúc đó, không ai hỏi Ba tôi câu nào hết, vì đã có nhiều chị em lập gia đình dọn ra riêng trước tôi rồi, không có gì phải thắc mắc!

Có nhiều chọn lựa đòi hỏi một ý thức sâu sát hơn về giá trị của văn hóa gốc. Xã hội chủ lưu ở bất cứ quốc gia nào cũng có những định kiến về người thiểu số, và đôi khi biến những giá trị văn hóa của một sắc dân thành một điều sáo mòn. Hình ảnh cây tre của Việt Nam rất đẹp, nhưng khi bị công thức hóa trong cách suy nghĩ của xã hội Mỹ, thì nó mất cái đẹp và giá trị văn hóa của nó đi, khiến những người Mỹ gốc Á tránh dùng hình ảnh cây tre vì không muốn bị giới hạn bởi hình ảnh ấy. Tôi không đồng ý với sự tránh né đó, và dùng hình ảnh cây tre trong sáng tác của mình một cách có ý thức và có ý nghĩa. Đây là một trường hợp mà chúng ta không thể ‘dung hòa’ hai văn hóa, mà phải quyết liệt để bảo tồn một nét đẹp của văn hóa dân tộc. Ở đây, chúng ta dù ở ‘đất người,’ nhưng vẫn quyết liệt để giữ gìn một ‘quê thói’ của mình.

Ở thời đại đa văn hóa toàn cầu, giữ gìn văn hóa gốc là một cuộc chiến không có điểm dừng. Nếu chúng ta tiếp tục học ăn, nói, gói, mở, và dạy cho cháu con phương cách để làm những điều đó, chúng ta sẽ giữ được văn hóa Việt không bị trộn lẫn và biến mất trong dòng cuồng lưu đa văn hóa của ngôi làng thế giới. Sau gần bốn thập niên, cuộc đấu tranh cho dân chủ, tự do, và công bằng trên quê hương khởi đi từ những ngày đầu tỵ nạn, vẫn còn đó. Nhưng ở giai đoạn này, khi mà cộng đồng Việt hải ngoại đã có được đến thế hệ thứ tư, thứ năm, thì cuộc chiến văn hóa đã trở nên khốc liệt hơn hết. Văn hóa là chất men để làm cho những thế hệ tương lai có thể ‘dậy bột,’ tìm về với dân tộc, gắn bó với cội nguồn, và tiếp tục cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

 


Cái Đình - 2013