Phạm Đình Lân


Cùng cảnh ngộ nhưng không cùng cấp hạng

 

I- VIỆT NAM và NHẬT BẢN

Việt Nam là một quốc gia ở Đông Nam Á. Nhật là quần đảo nằm trong vùng Đông Bắc Á. Diện tích Việt Nam ước chừng 360.000 cây số vuông và diện tích Nhật Bản trên 400.000 cây số vuông. Dân số Nhật lúc nào cũng đông hơn dân số Việt Nam.

Việt Nam bị người Trung Hoa đô hộ trên 1.000 năm từ năm 111 trước Tây lịch đến năm 938. Sau khi thu hồi độc lập thì đất nước rơi vào hoàn cảnh loạn lạc, nội chiến triền miên. Thập nhị sứ quân tương tranh, sự thoán đoạt vương quyền, cuộc tranh giành quyền hành liên tục diễn ra giữa họ Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn, Nguyễn Tây Sơn từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19. Từ năm 938 đến 1945, Việt Nam thay đổi triều đại 13 lần: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, vua Lê chúa Trịnh, chúa Nguyễn ở phương nam, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn.

Từ năm 1945 đến năm 1975, Việt Nam có các nhà lãnh đạo sau đây: Hồ Chí Minh (1945 - 1946), (1954 -1969), Bảo Đại (1949 - 1955), Ngô Đình Diệm (1954 - 1963), Dương văn Minh (11/1963 - 1/1964), Nguyễn Khánh (1964), Phan Khắc Sửu (1964 - 1965), Nguyễn văn Thiệu (1965 -1975), Tôn Đức Thắng (1969 ở miền Bắc), Trần văn Hương (1 tuần - 4/1975), Dương văn Minh (2 ngày, 28 - 30/4/1975).

Chính quyền Cộng Sản ổn định hơn. Chính quyền quốc gia luôn luôn biến đổi qua những cuộc đảo chính. Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại bằng một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1955. Dương văn Minh lật đổ Ngô Đình Diệm bằng cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963. Nguyễn Khánh lật đổ Dương văn Minh bằng cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964. Ông rời Sài Gòn sau cuộc đảo chính ngày 19-2-1965 của Phạm Ngọc Thảo.

Nước Nhật chào đời năm 600 trước Tây Lịch. Thiên Hoàng đầu tiên là Zimmu Tenno (Tenno: Thiên Hoàng). Từ ngày lập quốc đến nay chỉ có một giòng vua mà thôi. Khác với Việt Nam, Nhật Bản không bị quốc gia nào đô hộ cả. Nhật hoàng không xem các hoàng đế Trung Hoa là hoàng đế Thiên triều mà tự xem ngang hàng với các vị lãnh đạo của quốc gia to lớn và đông dân này. Thiên Hoàng Nhật tự xem mình là con cháu của Thái Dương Thần Nữ (Amaterasu) và là người lãnh đạo ‘xứ mặt trời mọc' và hoàng đế Trung Hoa là người lãnh đạo ‘xứ mặt trời lặn'. Vào thế kỷ 13, đế quốc Mông cổ dùng đường thủy xâm lăng Nhật Bản nhưng bị bão đánh chìm tàu nên phải bỏ mộng xâm chiếm xứ mặt trời mọc này. Từ đó người Nhật cảm tạ Thần Phong (kami kaze) đã giúp cho nước họ thoát họa xâm lăng của người Mông Cổ, lúc bấy giờ thôn tính phần lớn lục địa Á và Âu. Cũng thời gian này, Mông Cổ xâm lăng Đại Việt ba lần và cả ba lần đều bị đánh bại.

Vào thời Trung Cổ nước Nhật cũng có nhiều loạn lạc, chế độ tướng quân sớm ra đời. Quyền trị quốc thực sự nằm trong tay các tướng quân (shoguns).Tuy vậy không một tướng quân nào nghĩ đến việc lật đổ Thiên Hoàng để lên ngôi. Từ năm 1600 đến 1867, quyền trị quốc nằm trong tay các tướng quân giòng Tokugawa. Thiên Hoàng vẫn còn đó nhưng vô quyền. Thời kỳ này giống như thời vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (1592-1786). Khác với các tướng quân giòng Tokugawa, các chúa Trịnh chà đạp vua Lê. Họ phế lập hay giết vua tùy thích đến nỗi một hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Mật phải nổi dậy chống họ Trịnh. Thất bại ông trở thành người phiến loạn. Trịnh Kiểm hay Trịnh Sâm không che dấu được tham vọng chiếm đoạt ngai vàng của mình. Trịnh Kiểm không dám thực hiện mộng ước của mình vì lời nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm: ‘Giữ chùa thì được ăn oản'. Trịnh Sâm không lên ngôi vì sứ giả Vũ Trần Thiệu đốt thư và tự sát ở Động Đình Hồ trên đường đi Bắc Kinh xin Thanh triều phong vương cho họ Trịnh. Thiên Hoàng của Nhật vô quyền nhưng lúc nào cũng được tôn kính và được xem là con cháu của Thái Dương Thần Nữ Amaterasu.

Vào thế kỷ 19 Việt Nam lẫn Nhật Bản đều bị các đế quốc Tây Phương dòm ngó. Việt Nam trung thành với chánh sách bế quan tỏa cảng do nhà Thanh thi hành ở Trung Hoa. Nhật Bản ý thức được sức mạnh của vũ khí Tây Phương trước những tiếng súng đại bác thị uy bắn từ tàu chiến Hoa Kỳ do Perry chỉ huy. Tướng quân Yoshinobu biết rằng đã đến lúc phải trao thực quyền cho Thiên Hoàng để canh tân đất nước hầu tránh được họa xâm lăng của người bạch chủng. Việc làm của tướng quân Yoshinobu nói ra có vẻ ngắn gọn và dễ dàng. Thực tế nó là một sự hy sinh cao cả gói ghém lòng yêu nước vô biên của ông vì từ bỏ quyền hành đã có gần 300 năm không thể là một việc làm dễ dàng như chúng ta nghĩ và tóm lược không quá ba giòng chữ.

Yoshinobu trao thực quyền cho Nhật Hoàng Mitsu Hito tức Meiji Tenno (Minh Trị Thiên Hoàng) năm 1867. Lúc ấy Nhật Hoàng mới 15 tuổi. Ngài thiên đô từ Kyoto (Tây Kinh) về Edo và đổi lại thành Tokyo (Đông Kinh) để đánh dấu sự mở đầu kỷ nguyên canh tân nước Nhật.

Vào năm 1867 Việt Nam mất 3 tỉnh miền tây Nam Kỳ sau khi đã mất ba tỉnh miền đông từ năm 1862. Đến năm 1867 Nam Kỳ không còn là phần lãnh thổ dưới sự ngự trị của vua Tự Đức nữa.

Cuộc canh tân nước Nhật là cuộc Âu hóa triệt để mặc dù Nhật không quên được bản sắc riêng của mình. Thiên Hoàng cắt tóc ngắn, để râu như các vua Âu Châu vào thế kỷ 19, mặc Âu phục, mang giày da, đi khiêu vũ như người Tây Phương với ý nghĩ rõ ràng: cái gì người Tây Phương làm được thì người Nhật cũng làm được.

Một mặt Nhật gởi sinh viên đi du học ở nước ngoài. Họ học tinh hoa của từng nước Âu Mỹ như Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ý, Thụy Điển. Họ quan tâm đến hàng hải, kỹ nghệ đóng tàu, kỹ nghệ sắt thép của Anh, Hoa Kỳ; kỹ nghệ diêm quẹt cũa Thụy Điển; luật pháp của Pháp; tổ chức quân đội của Đức; nghệ thuật của Ý v.v... Mặt khác họ mời giáo sư và các chuyên gia ngoại quốc đến giảng dạy tại Nhật và được trả lương bổng hậu. Không bao lâu nước Nhật trở thành quốc gia kỹ nghệ đầu tiên ở Á Châu. Nhật thi hành chế độ giáo dục cưỡng bách, chế độ nghĩa vụ quân sự cưỡng bách, có kỹ nghệ đóng tàu, ngân hàng, hỏa xa, bưu điện, luật pháp, hiến pháp mang màu sắc Tây Phương (không do quốc hội lập hiến soạn như ở các nước dân chù Tây Phương mà do ông Ito sang Đức nghiên cứu và soạn ra) v.v... Hai mươi bảy năm sau ngày canh tân Nhật đánh bại Trung Hoa trên chiến trường Triều Tiên và buộc quốc gia này phải ký hiệp ước Shimonoseki năm 1895. Năm 1904 rồi 1905 Nhật đánh bại quân Nga trên chiến trường Mãn Châu và phá tan hạm đội Nga trên eo biển Tsushima không đầy một tiếng đồng hồ giao tranh.

Nhật thắng Trung Hoa năm 1894 và Nga năm 1905 bằng tàu chiến và vũ khí do chính họ làm ra. Hai mươi bảy năm sau cuộc canh tân của Meiji Tenno Nhật đánh bại một quốc gia rộng 11 triệu cây số vuông với dân số đông nhất thế giới. Ba mươi bảy năm sau ngày canh tân họ đánh bại một đế quốc bạch chùng có diện tích đất đai rộng lớn nhất thế giới trải dài trên hai lục địa Á - Âu.

Chiến thắng của Nhật trước Trung Hoa năm 1894 thúc đẩy hoàng đế Quang Tự (Kuang Hsu) cải cách đất nước qua sự cố vấn của Khang Hữu Vi (Kang Yu-wei) và Lương Khải Siêu (Leang Ki-chao). Cuộc cải cách này bị bà Từ Hi thái hậu (Tzu His) phá vỡ (1898). Hoàng đế Quang Tự bị giam cầm. Thầy trò Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu bỏ chạy để tránh ngục hình.

Chiến thắng của Nhật trước Nga chứng minh thành quả của cuộc canh tân và kỹ nghệ hóa của Nhật. Nó là chiến thắng của một quốc gia Á Châu hoàng chủng trước một đế quốc bạch chủng. Nó làm cho các đế quốc Âu Mỹ phải giật mình với hai tiếng ‘hoàng họa' (yellow danger) khô khan nhưng đầy kinh dị. Nó có một tiếng vang lớn ở Việt Nam khi Phan Chu Trinh rủ các nhà nho cách mạng đi Cam Ranh xem những chiếc tàu chiến vĩ đại của Nga thoát chạy từ Tsushima về xin ẩn trú ở Cam Ranh vì lúc bấy giờ Pháp và Nga là đồng minh (1). Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo ra đời do ảnh hưởng của chiến thắng của Nhật trước Nga năm 1905.

Ở Nga dân chúng biểu tình chống Nga hoàng Nicholas II vì sự bại trận của Nga ở Đông Á. Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu. Nhưng nó làm suy yếu chế độ Nga hoàng của giòng Romanov.

Trước khi băng hà vào năm 1883 vua Tự Đức chứng kiến sự đô hộ của Pháp ở Nam Kỳ; việc đánh Bắc Kỳ năm 1873 rồi 1882; loạn lạc trong nước; cướp bóc của giặc khách nhất là giặc Cờ Đen.

Năm 1883 Pháp tấn công cửa Thuận An, áp lực triều đình Huế phải ký kết hiệp ước công nhận sự bảo hộ của họ ở Bắc và Trung Kỳ. Giữa lúc Pháp tìm cách chinh phục toàn thể lãnh thổ Việt Nam thì ở Huế Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường hạ ngục vua Dục Đức và bỏ đói đến chết, ép vua Hiệp Hòa uống thuốc độc (1883). Nguyên nhân cái chết của vua Kiến Phúc năm 1884 cũng không được minh bạch.

Từ 1884 đến 1945 các vua Việt Nam thực tế chỉ còn chút quyền tượng trưng ở Bắc và Trung Kỳ mà thôi. Tất cả vua trong giai doạn này đều trẻ và chỉ lên ngôi khi có sự chấp thuận của người Pháp.

Vua
Năm lên ngôi
Tuổi khi lên ngôi
Hàm Nghi
1884
12
Đồng Khánh
1885
21
Thành Thái
1889
11
Duy Tân
1907
8
Khải Định
1916
32
Bảo Đại
1925
12

Bảo Đại thực sự làm vua sau khi du học ở Pháp về năm 1932.

Vào thế kỷ 19 Nhật và Việt Nam đều là hai quốc gia nông nghiệp. Đến cuối thế kỷ 19 Nhật đã kỹ nghệ hóa và trở thành một đế quốc cùng với các đế quốc bạch chủng đe dọa Trung Hoa và tạo ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên.

Ở Việt Nam những cuộc võ trang kháng chiến chống Pháp lần lượt bị đánh bại. Việt Nam như dãy dụa trong việc tranh giành độc lập và chủ quyền lãnh thổ giữa lúc Nhật bành trướng lãnh thổ về lục địa Á Châu như bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu và Trung Hoa. Nhật dự phần với phe đồng minh chống Đức trong đệ nhất thế chiến với hy vọng được chiếm giữ bán đảo Sơn Đông (Shan-tung) và các hải đảo của Đức ngoài khơi Thái Bình Dương. Nhật biến Viên Thế Khải (Yuan Shih-kai) thành con cờ chính trị của mình. Phong trào chống Nhật bùng nổ ở Trung Hoa từ thời Viên Thế Khải đến phong trào Ngũ Tứ (4 tháng 5 năm 1919). Nhật thiết lập nền bảo hộ ở Triều Tiên (1910), khai sanh ra Mãn Châu Quốc (1932) và đưa vị hoàng đế cuối cùng của nhà Mãn Thanh là Phổ Nghi (Pu Yi) về làm vua. Hàng hóa Nhật tràn ngập trên thị trường thế giới với giá rẻ mạt. Cố nhiên phẩm chất các mặt hàng không được tốt lắm. Thậm chí đồng hồ được bán theo kí-lô chớ không bán từng chiếc!

Sự phát triển kỹ nghệ của Nhật làm cho nước này nuôi mộng đế quốc. Họ cần thị trường. Họ cần nguyên liệu trong khi quần đảo Nhật nhỏ hẹp và có nhiều núi non. Diện tích canh tác chỉ chiếm 16% tổng số diện tích nước này. Nhật thiếu gạo cung cấp cho nhu cầu dân số ngày càng gia tăng. Họ thiếu nguyên liệu giữa lúc công cuộc kỹ nghệ hóa tiến triển quá nhanh. Các quốc gia Âu Mỹ có kỹ nghệ sớm đã chiếm thuộc địa khắp ngũ châu. Họ bắt đầu muốn kìm hãm tham vọng đế quốc của Nhật. Đó là lý do khiến Nhật phải đặt chân trên lục địa Á Châu trên bước đường bành trướng của họ. Năm 1937 chiến tranh Hoa Nhật nổ bùng mở đầu cho sự bành trướng lãnh thổ của Nhật ở Đông Á và Đông Nam Á. Ngày 07-12-1941 Nhật tấn công Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Bị tấn công đột ngột Hoa Kỳ bị thiệt hại nặng nề. Những biến cố này làm cho dư luận Hoa Kỳ nhất trí hơn bao giờ. Hoa Kỳ tham gia vào đệ nhị thế chiến và làm cho cán cân quân sự nghiêng về phía Đồng Minh, gây thất lợi cho phe trục Đức Ý Nhật.

Năm 1940 quân đội Nhật hiện diện ở Bắc Bộ. Đến năm 1941 họ có mặt khắp nơi trong nước Việt Nam. Những người ủng hộ Cường Để và vài đoàn thể tôn giáo, chính trị trong nước có lập trường thân Nhật hưởng ứng khẩu hiệu ‘Đại Đông Á thịnh vượng chung' của Nhật.

Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, một đảng viên Cộng Sản Pháp được Quốc Tế Cộng Sản Liên Sô huấn luyện vào năm 1924 và 1934, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và Nhật ngoài biên giới Việt Hoa. Trên thực tế lực lượng Việt Minh lúc bấy giờ không đông và không có vũ khí đầy đủ nhưng họ có mặt đều khắp cả nước. Họ không mạnh về quân sự nhưng mạnh về tuyên truyền. Họ thấu triệt cuộc diện quốc tế khi đứng về phe đồng minh chống phát xít. Nạn đói ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ làm cho uy tín của Việt Minh lên cao khi cướp kho gạo của Pháp hay của những người Việt Nam giàu có và có thế lực để phát cho người đói. Nhờ đó mà Việt Minh cướp chính quyền dễ dàng vào ngày 19-08-1945 ở Hà Nội từ trong tay chính phủ thân nhật do Trần Trọng Kim đứng đầu. Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập với lời mở đầu dựa vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ và bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp thời cách mạng, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Rồi từ đó đến năm 1975, Việt Nam trải qua những biến cố đẫm máu bi thương: chiến tranh Việt Pháp, sự chia cắt đất nước, chiến tranh ở miền Nam với sự tham gia tích cực của quân đội Hoa Kỳ.

Ngày 6 rồi 9 tháng 8 năm 1945 Hoa Kỳ thả hai trái bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Nhật đầu hàng phe đồng minh đứng đầu là Hoa Kỳ. Nhiều biện pháp cứng rắn được áp dụng nhằm ngăn chận Nhật gây chiến (Nhật không được quyền có quân đội, không được sản xuất vũ khí v.v...). Tướng Mac Arthur chỉ huy quân Hoa Kỳ ở Nhật. Với tư cách người chỉ huy đội quân chiến thắng, ông có nhiều quyền hành hơn cả Thiên Hoàng. Với tinh thần võ sĩ đạo người Nhật chấp nhận mọi sự nhục nhã đến với họ một cách kiên nhẫn giữa lúc nước Nhật kiệt quệ vì đã nới rộng lãnh thổ cách xa quê hương họ đến 6.000 cây số. Nhiều thành phố đổ nát vì những cuộc oanh tạc của phi cơ đồng minh.

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã giúp cho Nhật phục hồi kinh tế. Mười lăm năm sau ngày bại trận kỹ nghệ đóng tàu của Nhật vượt qua ngành đóng tàu cúa Anh. Kỹ nghệ xe hơi của Nhật phát triển và tung ra thị trường. Không bao lâu Nhật nổi tiếng về việc sản xuất xe hơi, xe vận tải, xe gắn máy và các vật dụng điện tử. Vào giữa thập niên 1960 hàng hóa Nhật tràn ngập trên thế giới. Miền Nam Việt Nam bắt đầu dùng xe gắn máy, xe hơi, tủ lạnh, ra-dô, truyền hình... Nhật. Về lúa gạo Nhật không còn nhập cảng lúa gạo như đã thấy giữa hai thế chiến, chẳng những thế họ còn xuất cảng gạo nữa. Nông nghiệp được cơ giới hóa nhưng nông dân Nhật vẫn cực lực canh tác. Trong khuôn khổ bồi thường chiến tranh, Nhật xây đập Đa Nhim để cung cấp điện cho các thành phố ở miền Nam. Nhật dùng hòa bình để phát triển kinh tế mặc cho Hoa Kỳ, Liên Sô và Trung Hoa tranh chấp và hiềm thù nhau. Riêng Hoa Kỳ phải mất nhiều thời giờ, tiền bạc và cả xương máu trong chiến tranh Việt Nam. Đến thập niên 1970 kỹ nghệ điện tử của Nhật cạnh tranh ráo riết với kỹ nghệ điện tử của Hoa Kỳ. Trong thời kỳ khủng hoảng nhiên liệu, giá xăng dầu tăng vọt, xe hơi Hoa Kỳ không bán chạy bằng xe hơi Nhật. Sự phú túc kinh tế do kỹ nghệ và thương mại đem lại phục hồi vai trò quan trọng của Nhật trên thế giới. Điều này được kiểm nhận trong đám tang của Thiên Hoàng Hirohito năm 1989 cũng như sự góp mặt của Nhật vào những tổ chức quồc tế của Liên Hiệp Quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ làm tê liệt đế quốc Pháp. Nó chấm dứt cuộc chiến đẫm máu giữa Việt Nam và Pháp nhưng nó không mang vinh quang độc lập trọn vẹn cho Việt Nam. Trái lại nó đánh dấu bằng sự qua phân đất nước và sự ly tán của hàng triệu gia đình Việt Nam ở hai miền Nam-Bắc.

Năm 1975 chính quyền miền Nam hoàn toàn sụp đổ. Nước Việt Nam được thống nhất dưới chế độ cộng Sản. Trên 200.000 ‘ngụy quân, ngụy quyền' (sĩ quan và viên chức của chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam) bị đưa vào trại cải tạo để lao động khổ sai và tẩy não. Nhiều người chết vì lao động nhiều, lại thiếu ăn và thiếu thuốc khi bị bệnh. Nhiều người mất nhà cửa, mất sạch tài sản và mất cả vợ con nữa. Trên 2 triệu người phải bỏ nước ra đi bằng đường biển hay đường bộ trong việc tìm kiếm tự do và lẽ sống, bất chấp mọi hiểm nguy do bão tố, hải tặc, bãi mìn, bệnh tật và đói khát gây ra trong cuộc tìm kiếm tự do và lẽ sống ngoài khơi Thái Bình Dương, trong Vịnh Thái Lan và trong rừng núi thâm u ở Cambodia. Người chiến bại và dân miền Nam Việt Nam chịu sự trừng phạt khắc nghiệt từ người đồng chủng chiến thắng. Ngụy quân, ngụy quyền và ngụy dân bị trừng trị tập thể. Cơm không đủ no, áo không đủ mặc, quyền làm người, quyền sống và mọi thứ tự do căn bản khác đều bị tước đoạt. Tương lai của các gia đình có thân nhân học tập cải tạo và cả tương lai của đại đa số dân miền Nam Việt Nam đắm chìm trong sự tăm tối vô định. Dân thiếu cơm, heo thiếu cám, bò thiếu cỏ, cây thiếu phân tro, xe thiếu xăng nhớt. Ngay cả tên những thành phố cũng bị thù ghét và trừng phạt bằng cách cải danh hay xóa bỏ trên bản đồ. Đó là hình ảnh quen thuộc của quê hương sau ngày thống nhất dưới chế độ Cộng Sản. Bức tranh xã hội, chính trị đẫm máu, đẫm mồ hôi và đẫm nước mắt trên không giúp ích gì cho sự phát triển và phồn vinh của đất nước. Kết quả Việt Nam là một trong những quốc gia nông nghiệp lạc hậu và nghèo nàn nhất trên thế giới.

II- VIỆT NAM và TRIỀU TIÊN:

Bán đảo Triều Tiên hay Cao Ly hay Hàn Quốc (vì khí hậu băng giá) nằm ở Đông Bắc Á Châu. Diện tích bán đảo Triều Tiên khoảng 241.750 cây số vuông so với 360.000 cây số vuông của Việt Nam. Nhưng bán đảo Triều Tiên có mật độ dân số rất cao.

Giữa Việt Nam và Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng:

1.- Bán đảo Triều Tiên hình chữ S như nước Việt Nam.

2.- Cả hai nước đều bị Trung Hoa đô hộ và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa lâu đời.

3.- Việt Nam chỉ bị cường lân duy nhất đe dọa: Trung Hoa. Triều Tiên thường xuyên bị đe dọa bởi ba cường lân to lớn và cùng tham vọng thôn tính nước này hay ít ra đặt nó vào quỹ đạo của họ: Trung Hoa, Nga và Nhật Bản.

4.- Việt Nam bị Trung Hoa và Pháp đô hộ. Triều Tiên bị Trung Hoa và Nhật Bản đô hộ.

5.- Năm 1945 hội nghị Potsdam quyết định sự phân chia bán đảo Triều Tiên ra làm hai vùng ảnh hưởng khác nhau: miền Bắc theo chế độ Cộng Sản và chịu ảnh hưởng của Liên Sô. Miền Nam từ vĩ tuyến 38 trở xuống chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Năm 1954, sau 8 năm vũ trang kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Việt Nam bị chia đôi sau khi Pháp bị thất trận ở Điện Biên Phủ. Miền Bắc theo chế độ Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Miền Nam do Ngô Đình Diệm lãnh đạo với sự viện trợ tích cực của Hoa Kỳ.

6.- Hồ chí Minh và Kim Il Sung tức Kim Nhật Thành (1912-1994) đều là hai nhà lãnh đạo Cộng Sản. Cả hai đều có thành tích kháng Nhật. Kim Nhật Thành là một quân nhân có nhiều thành tích quân sự từng gây nhiều thiệt hại cho quân đội Nhật. Dưới mắt người Triều Tiên chống Nhật tức là giành độc lập và chủ quyền, là một biểu tượng của lòng yêu nước vì Nhật áp dụng chính sách hà khắc khi thống trị quốc gia này từ 1910 đến 1945. Năm 1948 Kim Nhật Thành là lãnh tụ Bắc Hàn khi mới 36 tuổi. Đó là lãnh tụ Cộng Sản trẻ tuổi nhất trên thế giới thời bấy giờ. Năm 1950 Bắc Hàn vượt qua vĩ tuyến 38 tấn công Nam Hàn (Đại Hàn). Nếu quân Liên Hiệp Quốc dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ không can thiệp kịp thời thì Nam Hàn đã bị đặt dưới sự thống trị của Cộng Sản Bắc Hàn. Đó là ý đồ thống nhất đất nước bằng võ lực mà bất cứ lãnh tụ cộng sản nào như Hồ Chí Minh hay Mao Trạch Đông cũng ưa thích. Bạo lực đấu tranh, cướp chính quyền bằng sắt thép và bằng sự tước đoạt nhân phẩm, nhân quyền và nhân sinh là phương thức đặc thù của mọi lãnh tụ Cộng Sản. Chiến tranh Triều Tiên đẫm máu và thảm khốc. Nó được quốc tế hóa dưới sự chiến đãu của quân sĩ Liên Hiệp Quốc, chủ yếu là Hoa Kỳ bên phía Nam Hàn (Đại Hàn) và chí nguyện quân Cộng Sản Trung Hoa bên phía Bắc Hàn. Vai trò của Bắc Hàn và Nam Hàn trở nên thứ yếu giống như vai trò của Trần Văn Đỗ, đại diện chính phủ quốc gia và Phạm Văn Đồng, đại diện chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại hội nghị Genève năm 1954. Năm 1957 những cán bộ Việt Minh nằm vùng ở miền Nam bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại. Năm 1960 được xem là năm chiến tranh Việt Nam bắt đầu với sự ra đời của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam và sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ và đồng minh bên cạnh quân đội của chính phủ Sài Gòn.

Có nhiều điểm tương đồng giữa tổng thống Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) và tổng thống Ngô Đình Diệm, giữa Hồ Chí Minh và Kim Nhật Thành. Các diễn biến chính trị ở Nam Hàn và Nam Việt Nam đều cùng chung một công thức: biểu tình, đảo chánh liên tục (3). Quân nhân nắm chính quyền với Park Chung Hee ở Nam Hàn (1963) và Nguyễn Văn Thiệu ở miền Nam Việt Nam (1965). Bắc Hàn và miền Bắc Việt Nam phải đi dây giữa Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản.

Triều Tiên có nhiều cống hiến cho văn minh nhân loại, nói đến Triều Tiên chúng ta không thể không nhắc đến:

a- Sâm Triều Tiên (Cao Ly sâm: Panax Ginseng).

b- Món kim chi cay và nồng

c- Võ Tae Kwan Do.

d- Quân sự chiến lược Trương Lương (Chang Leang), người có nhiều đóng góp lớn trong việc lật đổ nhà Tần và là người sáng suốt khi bỏ vào núi an thân với khẩu hiệu chính trị như một chân lý bất di bất dịch và lời răn dạy muôn đời: Công Thành Thân Thoái (4).

Người Triều Tiên có chữ viết. Chính các sư tăng Triều Tiên có công truyền giảng Phật Giáo vào nước Nhật vào thế kỷ thứ 6. Vào thế kỷ 14 văn hóa và học thuật Triều Tiên có những thành tựu rực rỡ dưới triều đại Yi. Triều Tiên sớm làm ra hệ thống in chữ.

NgườI Triều Tiên cần cù, kiên nhẫn và có cái nhìn rất thực tế về tương lai. Họ không thích ngườI Nhật vì đã đô hộ họ với những chính sách vô cùng khắc nghiệt. Nhưng họ lại học những nét ưu việt cũa dân tộc đô hộ mình. Triều Tiên là quốc gia Á Châu duy nhất có tỷ lệ tín đồ Tin Lành cao nhất: 49% Tin Lành so với 47% Phật Giáo. Mục sư Moon gốc ở Bắc Hàn có nhiều tín đồ thuộc nhiều quốc gia khác nhau kết hôn trong những đám cưới tập thể trước khi đến Hoa Kỳ. Họ sống trong cộng đồng riêng biệt, làm việc trong các cơ sở của giáo phái và cho con cái học trường do tín đồ giáo phái này giảng dạy.

Như Nhật Bản, Đại Hàn (Nam Hàn) muốn thay đổi sắc diện của quê hương họ theo các nước Âu Mỹ. Họ đánh golf, chơi khúc côn cầu và các môn thể thao khác của người Tây Phương rất hay. Họ có ngân hàng, có cơ sở thương mại, kỹ nghệ và những công ty kinh doanh to lớn như các nước Âu Mỹ. Mười năm sau ngày ký hiệp ước Bàn Môn Điếm (Pan Mun-jum), Đại Hàn lợi dụng hòa bình để chấn hưng kinh tế và phát triển kỹ nghệ. Đến hậu bán thập niên 1960 người ta thấy những chiếc xe buýt do Đại Hàn sản xuất chạy trên đường phố Sài Gòn.

Park Chung Hee (1917-1979) là một nhà lãnh đạo quân nhân cứng rắn. Nhiều cuộc biểu tình chống đối ông diễn ra ở Seoul và các thành phố lớn ờ Đại Hàn. Nhóm thiên tả sợ ông thành công. Những người đối lập ông cũng có cảm giác tương tự. Họ lên án ông độc tài vì có khuynh hướng làm tổng thống đời đời. Sự thành công của ông trong việc thay đổi sắc diện của một nước Đại Hàn chậm tiến và bị chiến tranh tàn phá thành một nước Đại Hàn thực sự mở mang khiến cho những người chống ông thất bại.

Đó là điều mà Nguyễn Văn Thiệu, một quân nhân lãnh đạo miền Nam Việt Nam suốt 10 năm dài không làm được. Hậu quả là ông không giữ được miền Nam Vìệt Nam. Vì chiến tranh dai dẳng dân chúng miền Nam Việt Nam phải ăn gạo nhập cảng. Việc sản xuất cao su hầu như tê liệt. Các loại kỹ nghệ hầu như vắng bóng ngoại trừ kỹ nghệ pha lê, kỹ nghệ đường và kỹ nghệ dệt. Việc khai thác mỏ ở Nông Sơn, kỹ nghệ xi măng Hà Tiên... bị tê liệt vì thiếu an ninh. Dân miền Nam vào giữa thập niên 1960 sống sung túc giữa lúc chiến tranh gia tăng ác liệt là nhờ viện trợ kinh tế Hoa Kỳ cũng như sự hiện diện của trên 500.000 quân Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam.

Đại Hàn và Đài Loan dựa vào viện trợ Hoa Kỳ để phát triển kinh tế. Chính quyền miền Nam Việt Nam sử dụng viện trợ này để biến miền Nam thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa ngoại nhập đắt tiền và mới lạ trong khi trong nước không có sản xuất gì cả. Tình trạng tham nhũng làm cho mọi sinh hoạt đều vô hiệu.

Bắc Hàn có nhiều quặng mỏ và có nguồn thủy điện lực dồi dào. Một số cơ sở kỹ nghệ do Nhật để lại được chính quyền Cộng Sản Bắc Hàn tiếp nối với kết quả tượng trưng hơn là mỹ mãn. Từ năm 1953 Bắc Hàn chú trọng đến việc khuếch trương kỹ nghệ cùng tạo dựng một lực lượng quân sự đông đảo và hùng hậu.

Ở miền Bắc Việt Nam chính quyền Cộng sản tiếp nối vài ngành hoạt động kỹ nghệ do Pháp để lại nhưng cả về phẩm lẫn lượng đều kém xa so với thời Pháp thuộc. Miền Bắc phải nhập cảng gạo của Miến Điện để cung cấp cho nhu cầu dân chúng. Chỉ có cán bộ và công nhân mới mua được gạo và ăn cơm. Nông dân sản xuất lúa gạo thường phải ăn cơm độn khoai, độn bắp hay ăn thuần khoai luộc.

Nhờ viện trợ kinh tế Hoa Kỳ, nhờ quyết tâm phục hưng xứ sở, nhờ vận dụng và cụ thể hóa những điều học hỏi nơi người Âu Mỹ, Đại Hàn đã kỹ nghệ hóa với kỹ nghệ đóng tàu, kỹ nghệ điện tử, kỹ nghệ xe hơi v.v... Với 45 triệu dân và một diện tích 108.175 cây số vuông vớI 22% diện tích đất đai canh tác tốt, Đại Hàn có một nền kinh tế phồn thịnh hơn cả Trung Hoa lục địa. Họ đóng được hàng không mẫu hạm trong khi Trung Hoa lục địa phải đi mua hàng không mẫu hạm cũ của Pháp hay Nga. Xe hơi Đại Hàn như Hyundai, KIA, Dae Woo tràn ngập thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ. Sau xe hơi Nhật, xe Đại Hàn được liệt vào các hiệu xe hơi được ưa thích vì đẹp, bền, ít hao xăng và nhất là giá cả hợp với khả năng tài chính của giới trung lưu Âu Mỹ. Ngành điện ảnh Đại Hàn trưởng thành vượt bực với những bộ phim chiến tranh và lịch sử độc đáo. Hiện nay Đại Hàn đầu tư ở nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc. Ở Việt Nam có nhiều cơ sở sản xuất do người Đại Hàn làm chủ. Nhiều công nhân Việt Nam than phiền về sự đối xử mạnh tay, mạnh chân của người Đại Hàn trong các cơ xưởng do họ làm chủ.

Bắc Hàn miệt mài chế bom nguyên tử, đóng tàu chiến, sản xuất hỏa tiễn và tiềm thủy đĩnh nhằm kích thích tự hào dân tộc giữa lúc dân chúng bị nạn đói đe dọa thường xuyên. Chúng tôi không dám kết luận rằng những thứ ấy tốt hay xấu, hay hay dở mà chỉ muốn nhấn mạnh đến những thành tựu khoa học kỹ thuật mà Bắc Hàn và Nam Hàn đạt được mà thôi.

Những ai từng sống ở Việt Nam dưới chế độ cộng Sản đều biết rằng Việt Nam là nước trung kiên với chủ nghĩa Marx va Lenin. Những bộ sách quan trọng in bằng giấy tốt nhất là những tuyển tập của Lenin. Hồ Chí Minh hay nói về nhà độc tài khét tiếng Stalin. Tượng to nhất ở Hà Nội là tượng của Lenin. Mả to lớn nhất nằm ở trung tâm thành phố là mả của bác Hồ. Nó trở thành kỳ quan của đất nước và thánh địa của người cộng Sản Việt Nam, nơi người sống nghe theo người chết và kỳ quan là một nấm mồ đồ sộ. Thành phố quan trọng nhất về kinh tế và nhân văn ở Việt Nam là thành phố mang tên Bác. Màu đỏ và vàng là hai màu được ưa thích ở các nước Cộng Sản nông nghiệp như Trung Hoa, Bắc Hàn và Việt Nam, nơi toàn thờ chủ nghĩa duy vật nhưng không tìm hạnh phúc trong sự no ấm do sự dồi dào cơm áo mang lại mà tìm hạnh phúc trong biểu tượng của màu sắc và trong lời ca ngợi người xa lạ chưa hề biết đến quê hương mình như Marx, Engel, Lenin, Stalin v.v... Người Cộng Sản vô thần đã tôn giáo hóa chủ nghĩa cộng Sản và thần thánh hóa ‘giáo chủ' Karl Marx, ‘giáo hoàng' Lenin và các lãnh tụ của họ. Đâu đâu người ta cũng thấy hình tượng Marx. Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành... và nghe những tiếng hát suy tôn lãnh tụ như những tiếng kinh cầu. Ngày nay ở những nơi có thắng cảnh và di tích hấp dẫn du lịch người ta lại thấy thuần chữ Hán. NgườI Việt Nam không đọc và cũng không hiểu nhiều về giòng chữ Hán ấy. Còn du khách ngoại quốc lại tưởng rằng họ đang thăm viếng nước Trung Hoa!

* * *

Sự thua kém của Việt Nam trước Nhật trở thành sự kiện hiển nhiên. Sự thua kém của Việt Nam trước nửa bán đảo Triều Tiên cũng là một thực tế không thể chối cãi được. So với Bắc Hàn, Việt Nam cũng còn thua kém hơn về khoa học kỹ thuật và một số lãnh vực khác. Ngay cả một nước Cộng Sản nhỏ bé như Cuba cũng đào tạo nhiều bác sĩ có khả năng hơn Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam từ thế kỷ 19 đến nay nghĩ sao về sự thoái bộ của quê hương trước trào lưu tiến hóa nhảy vọt của loài người? Chắc chắn ủng hộ viên của các vị ấy đưa ra hàng loạt ‘TẠI' và ‘BỊ' để biện minh cho sự lãnh đạo ‘sáng suốt' của nhân vật mà mình tôn thờ.

Bằng tất cả tâm não và nước mắt tôi viết ra những giòng chữ này. Tôi xin mọi ngườI Việt Nam có một thoáng suy nghĩ đến tương lai đất nước và dân tộc dành một ít thời giờ để nghiền ngẫm về sự thoái bộ của quê hương (5) dựa trên các yếu tố sau đây:

1.- Lãnh đạo.
2.- Dân tâm, dân tính, dân trí và dân ý.
3.- Vai trò trí thức.
4.- Hiệu năng giáo dục.

đế đi tìm một hướng đi đúng và kiến hiệu hầu đưa quê hương và dân tộc đến cảnh thái bình, phồn vinh, độc lập tự do và hạnh phúc thật sự.

Không thể có độc lập nếu không có một nền kinh tế vững mạnh.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

________________________

Chú thích:

(1) Bị tàu chiến Nhật đe dọa Pháp yêu cầu tàu chiến Nga rời khỏi Cam Ranh. Một vài lính hải quân Nga bị bệnh chết được chôn ở Đất Thánh Tây (Nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi). Vào thập niên 1980 các mộ trong nghĩa địa này bị bốc dỡ. Hài cốt của các lính hải quân Nga này được cải táng ở ấp Đông Ba, xã Tân Thới, quận Lái Thiêu với một tấm bia to lớn viết bằng tiếng Nga nên không người Việt Nam nào biết là bia nói gì và ai nằm trong các nấm mộ cải táng sau tấm bia vĩ đại này.

(2) Vua Kiến Phúc, Đồng Khánh và Hàm Nghi là ba anh em theo thứ tự trên. Nhưng sau khi Kiến Phúc mất, Đồng Khánh không được lên ngôi mà là người em vì tuổi còn nhỏ, trên lý thuyết, dễ điều khiển hơn dưới nhãn quan của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cũng như của người Pháp sau này. Thời bấy giờ ở Huế có câu:

Một nhà lại có ba vua
Vua còn vua mất một vua đi đày.

Vua còn là Đồng Khánh, vua mất là Kiến Phúc và vua bị đày sang Algérie năm 1889 là Hàm Nghi, người bỏ kinh đô Huế năm 1885 để ra Quảng Bình, Quảng Trị lãnh đạo Phong Trào Cần Vương.

Vua Đồng Khánh là phụ vương của vua Khải Định. Năm 1889 vua mất nhưng Khải Định không được lên ngôi. Mãi đến khi vua Duy Tân, con vua Thành Thái bị đày (1916), Khải Định mới lên ngôi nên tuổi lên ngôi của vua Khải Định là 32, tuổi cao nhất trong các vua mà chúng tôi kể ra, Vua Thành Thái và vua Duy Tân là hai cha con đều bị đày sang đảo Réunion.

(3) Năm 1960 sinh viên biểu tình bạo động ở Seoul lật đổ tổng thống Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn). Ông chạy sang Honolulu tỵ nạn. Cũng năm này có cuộc đảo chánh do Nguyễn Chánh Thi cầm đầu nổ bùng ở Sài Gòn. Cuộc đảo chánh thất bại, nhiều chính trị gia bị bắt. Cuộc đảo chính năm 1961 của Phác Chính Hy (Park Chung Hee) giống như cuộc chỉnh lý 30-01-1964 của Nguyễn Khánh. Chỉ khác là Park Chung Hee nắm chính quyền bền vững hơn Nguyễn Khánh. Mãi đến năm 1965 người ta so sánh Park Chung Hee với Nguyễn Văn Thiệu vì tướng Thiệu nắm chính quyền được 10 năm. Nguyễn Văn Thiệu rời Việt Nam trước khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ. Park Chung Hee bị người bạn đặc trách ngành tình báo bắn chết.

(4) Việt Nam có Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cả ba rũ áo từ quan vì những nguyên nhân khác chớ không phải vì ‘công thành thân thoái'. Chu Văn An rũ áo từ quan sau khi dâng sớ đòi xử chém 7 gian thần không thành. Nguyễn Trãi rũ áo từ quan sau khi thấy nhà Hậu Lê không muốn thấy sự hiện hữu của con cháu nhà Trần vì mẹ ông là con gái của Trần Nguyên Đán, dòng dõi nhà Trần. Nguyễn Bỉnh Khiêm rũ áo từ quan vì thấy họ Mạc sớm muộn gì cũng bị lật đổ. Họ Mạc không được lòng dân trong khi phe phù Lê ngày càng đông đảo.

Ông Lê Đức Thọ là người Việt Nam đầu tiên được lãnh giải thưởng Nobel hòa bình với Henry Kissinger nhưng ông không lãnh vì biết rằng hiệp định Paris không mang lại hòa bình lâu dài. Quả nhiên năm 1975 chính ông mang mật lịnh cho Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng khai triển chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm chiếm trọn miền Nam Việt Nam. Giải Nobel hòa bình không đảm bảo được việc thi hành hiệp định Paris cũng không ngăn chận được tham vọng ‘giải phóng' miền Nam của đảng Lao Động Việt Nam ở miền Bắc. Hiệp định Paris chỉ có lợi cho việc tái đắc cử của tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon khi Kissinger nói ‘hòa bình trong tầm tay'. Nó hoàn toàn có lợi cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc Việt Nam) và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam và dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam Việt Nam) sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi miền Nam.

Việc ông Phạm Tuân ngồi phi thuyền Nga không có ý nghĩa gì quan trọng hơn là tác dụng tuyên truyền. Sự kiện này không khác gì việc các nhà triệu phú Hoa Kỳ trả 20 triệu Mỹ Kim cho Nga để được ngồi trên phi thuyền lên không gian vài ngày.

(5) Yêu cầu vất bỏ nguyên nhân ‘CHIẾN TRANH' sang một bên vì chiến tranh đã chấm dứt trên 30 năm nay.

 


Cái Đình - 2008 .