Phạm Đình Lân
Con gà và năm Dậu
Con gà trong xã hội loài người
Gả là một loại chim. Khác với chim, gà không biết bay. Đó là loài thú được loài người nuôi để lấy thịt, trứng, lông và phân. Thịt gà và trứng gà là một nguồn lương thực to lớn của loài người.
Gà thuộc gia đình Phasianidae. Tên khoa học của nó là Gallus domesticus.
Gà được nuôi trong thung lũng sông Indus ở Ấn Độ từ năm 2000 trước Tây lịch. Chúng cũng được thuần hóa ở Trung Hoa từ lâu. Gà có thể được nuôi ở Ai Cập và thế kỷ 15 trước Tây lịch. Người ta thấy hình vẽ con gà trên mộ của Pharaoh (vua) Tutukhamen (1350 trước Tây lịch). Hình ảnh của gà được tìm thấy trên các đồng tiền ở miền Tây Bắc Ấn Độ, trên ấn dấu của người Assyrians tức người Iraq từ hàng chục thế kỷ trước Tây lịch. Gà được thuần hóa ở Hy Lạp vào thế kỷ 4 hay 5 trước Tây lịch. Vào thế kỷ 3 và 2 trước Tây lịch, Cato (234–149 trước Tây lịch) và Marius Varro (116–27 trước Tây lịch) đã đề cập đến những trại chăn nuôi gà.
Ngày xưa trong đám cưới người Do Thái luôn luôn có người ôm một cặp gà gồm một trống (chú rể) và một mái (cô dâu).
Thị giác và thính giác của gà rất bén nhạy. Nhưng khi mặt trời lặn, thị giác của gà sút giảm rất nhiều. Do đó có một lọai bịnh về mắt được gọi là quáng gà (nyctalopia).
Có trên 200 loại gà khác nhau trên thế giới. Người Việt Nam phân biệt gà ác, gà cồ, gà cỏ, gà chuối, gà điều, gà lôi, gà nước, gà ri (gà ác), gà sao, gà rừng, gà tre, gà xước. Trọng lượng và màu sắc của gà khác nhau. Thường thường gà trống có sắc lông đẹp hơn gà mái. Lông gà có đủ màu: trắng, đen, xanh, đỏ, vàng. Gà trống hay mái đều có móng chân. Gà trống có cựa. Gà dùng mỏ, móng chân và cựa làm vũ khí chống lại kẻ thù hay để bươi đất kiếm côn trùng và các loại hột để ăn.
Thức ăn của gà là thóc lúa, lúa mì, lúa mạch, bắp, cám, côn trùng v.v… Bao
tử của gà rất mạnhh nên có thể tiêu hóa được các thức ăn cứng dễ dàng.
Chỉ có gà trống gáy mà thôi. Ngày xưa tiếng gà gáy được xem như cái đồng hồ
sống. Gà mái gáy là một điềm bất lành. Đó là điềm báo trước trộm cướp, hỏa tai
hay sự xáo trộn thuần phong tại địa phương. Để ngăn chận điềm nầy người ta chặt
đầu gà mái gáy rồi đem chôn.
Nuôi gà để lấy thịt và trứng là một kỹ nghệ quan trọng phát triển vào đầu thế kỷ 20. Dân tộc nào trên thế giới cũng ăn thịt gà và trứng gà. Người Pháp có món gà rô-ti. Người Mỹ có hiệu Kentucky Fried Chicken bán món gà chiên lăn bột ăn rất hấp dẫn. Vào thập niên 1960 và 1970 ở Thủ Đức có quán Con Gà Quay nổi tiếng về món gà rô-ti. Người Việt Nam thích ăn gà xé phay, gỏi gà trộn với bắp chuối, rau răm hoặc rau quế. Người Việt Nam ở miền Bắc chặt thịt gà luộc ăn với nước mắm hay muối tiêu chớ không xé như người ở miền Nam. Ở miền Bắc món miến gà rất được ưa thích. Người Trung Hoa có món gà quay, gà xối mỡ, gà hấp muối, gà hấp cải bẹ xanh. Chân gà được biến thành món phùng chảo (bàn tay phượng) nổi tiếng trong các buổi ăn điểm tâm ở các nhà hàng Trung Hoa. Trong các đám cưới, giỗ chạp của người Việt Nam người ta thường thết đãi món gà rút xương đút lò. Thịt gà còn dùng để nấu cà-ri, ra-gu, chiên chả giò, kho với gừng, xào lăn với bột nghệ, hành tây, gừng và đậu phọng v.v… Lòng gà dùng làm ra món chả đùm. Ở các xã nông thôn trong tỉnh Bình Dương người ta thích ăn canh chua thịt gà nấu với lá vang (1). Người Trung Hoa khá giả ăn gà ác hầm với thuốc Bắc để tẩm bổ. Gà ác là một loại gà nhỏ con, lông trắng toát, thịt đen sậm. Người ta cho rằng gà ác xua đuổi được tà ma. Theo lý Âm-Dương Ngũ Hành màu trắng và màu đen tương sinh. Màu trắng là kim tương ứng với phổi trong cơ thể con người. Màu đen là thủy tương ứng với thận trong cơ thể con người.
Người Pháp ăn hột gà omelette hay œuf sur plat. Hai món nầy cũng được các dân tộc khác trên thế giới hưởng ứng. Người Việt Nam ăn trứng luộc chấm với muối tiêu hay dầm với nước mắm ớt để ăn với rau luộc. Người ta cũng đánh trứng, nêm nước mắm và cho một ít hành lá vào trước khi chiên. Món nầy dùng để ăn cơm. Trứng gà còn dùng để làm bánh, làm chả hấp, chả đùm hay chiên với khổ qua thái mỏng hay nấm mối. Nhiều dân tộc trên thế giới nhất là ở Á Châu ăn hột vịt lộn (2) hay hột gà lộn. Hột vịt lộn là món ăn tương đối rẻ tiền lại có giá trị dinh dưỡng cao. Người Việt Nam biết ăn hột vịt lộn từ lâu. Hột gà lộn mới xuất hiện vào đầu thập niên 1960 mà thôi. Người ta ăn hột gà lộn 10 ngày vì hột gà ấp 21 ngày thì nở ra gà con. Nhiều người Việt Nam tin rằng ăn gan gà để được sáng mắt. Đó là quan niệm y học đơn giản dựa vào ý niệm ăn gì bổ nấy. Người Trung Hoa cho rằng ăn chân gà, chân ngỗng để được bổ gân như món phùng chảo nói ở phần trên. Đối với người Việt Nam món ngon nhất của gà là:
Nhất phao câu
Nhì đầu chéo cánh.
vì đó là hai vùng tích lũy nhiều chất béo. Ở nước ta người ta đề cao gà mái dầu. Trái lại ở Hoa Kỳ người ta ngại ăn mỡ gà vì có nhiều cholesterol. Các nhà hàng Trung Hoa ở Việt Nam có món cánh gà chiên bơ được giới nhậu ưa thích.
Lông gà dùng để làm chổi, quạt hay vật trang sức trên nón.
Nông dân Việt Nam bón ớt bằng phân gà. Người ta cho rằng người bị bịnh trái rạ đạp phân gà thì bịnh trở nên trầm trọng hơn. Người Anh và Mỹ gọi trái rạ là Chickenpox (Varicella) vì trái rạ giống những mụt trái của gà. Vào ngày mồng 3 Tết người ta tết nhà bằng một con gà luộc. Cặp chân con gà nầy được dùng để bói vận may rủi trong năm. Thường thường người ta treo cặp chân gà nầy trước nhà.
Ở Á Châu, Châu Mỹ La Tinh, Tây Ban Nha và nhiều nơi khác trên thế giới đá gà được xem là món giải trí được dân chúng ưa thích. Mãi đến thế kỷ 17 món giải trí đầy tính chiến đấu nầy mới xuất hiện ở Anh.
Việc nuôi và huấn luyện gà đá (gà chọi) trở thành một ngành kinh doanh quan
trọng như nghề nuôi ngựa đua vậy. Ở Việt Nam có hai loại gà đá:
1.- Gà nòi to lớn, cổ đỏ và dài
2.- Gà tre nhỏ con như gà ác nhưng có bộ lông rất đẹp.
Tất cả các loại gà chọi đều gan dạ và lì lợm. Vì vậy, sau một trận đá gà lúc nào cũng có gà chết. Thời tiền chiến ở Lái Thiêu có trường gà. Người đá gà bất luận ăn hay thua đều phải trả cho chủ trường gà một số tiền qui định nào đó. Ở Bà Điểm, Tân Khánh, Cao Lãnh (Kiến Phong), Thủ Thừa (Long An) là những vùng nổi tiếng về việc sản xuất gà đá. Ở Hoa Kỳ và Canada việc đá gà bị cấm chỉ nghiêm nhặt.
Việc nuôi gà đá rất công phu vì phải chú trọng đến thức ăn, nước uống và sự thay đổi thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe của gà. Gà đá không được đi rong với các gà mái như các gà trống khác mà bị nhốt riêng. Chỗ ở của gà là nơi kín gió vì loài gà dễ bị chết toi vào mùa đông khi có gió lạnh. Theo kinh nghiệm của những người đá gà, con gà đá hay là con gà bay nhảy cao và đá mạnh. Thế hiểm độc của gà đá hay là đá xệ cánh đối phương. Bị xệ cánh, gà không thể đánh trả lại được vì trước khi đá gà phải vỗ cánh mới bay lên cao nhằm khủng bố tinh thần đối phương.
Loài người ăn nhiều thịt và trứng gà. Họ nuôi gà để bán thịt và trứng. Trong thập niên 1960 và 1970 ở Phú Long, Tân Thới, Bình Nhâm, Bình Hòa, Hưng Định trong tỉnh Bình Dương nổi tiếng về việc chăn nuôi gà 8 tuần. Thế nhưng ngôn từ của loài người trên thế giới đều không nói tốt cho loài động vật nầy. Người Anh dùng chữ chicken để chỉ loài có lông vũ nầy; chữ cock hay rooster để chỉ con gà trống, chữ hen để chỉ con gà mái và chữ chick để chỉ con gà con.
Chữ chicken còn có nghĩa là một người đàn bà; một người đàn ông đồng tính luyến ái (homosexual); một người hèn nhát. Tĩnh từ chicken-hearted hay chicken-livered đều có nghĩa là nhát gan, hèn nhát. Tục ngữ Anh có câu:
To count one’s chickens before they are hatched.
Chữ cock có nghĩa là người thủ lãnh; là bộ phận sinh dục của đàn ông. Hình dung từ cocky có nghĩa là tự phụ, vênh váo. Tục ngữ Anh có câu:
As proud as a cock on its own dunghill.
Chữ hen còn ám chỉ người đàn bà như chữ gà mái tơ hay gà mái ghẹ của ta. Hình dung từ henpecked dùng để chỉ người đàn bà điều khiển chồng hay nói cách khác người đàn ông sợ vợ.
Chữ chick còn có nghĩa là đứa bé. Tục ngữ Anh có câu:
A chick keeps a hen busy.
Người Trung Hoa thường treo bức tranh cặp gà ác với 5 con gà con tượng trưng cho sự sum họp của một gia đình đầm ấm. Con gà ác trống tượng trưng cho người chồng và cha (Dương +). Con gà ác mái tượng trưng cho người vợ và mẹ (Âm –). Năm con gà con tượng trưng cho sự hòa hợp của ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Bức tranh cặp gà ác và 5 gà con nói lên sự hài hòa giữa Âm (–) và Dương (+) và Ngũ Hành.
Nghệ nhân thường vẽ hình con gà trống với mặt trời vì gà gáy báo hiệu bình minh
Ác là loài quạ
Ác bóng là mặt trời
Ác tà là mặt trời vào lúc hoàng hôn
Trải bao thỏ lặn ác tà
Ác vàng là mặt trời vào buổi chiều
Ác vàng đã khuất non đoài
Tiếng gà trống gáy biểu lộ sức sống và sự kiêu hùng đầy gây hấn nên người ta dùng cụm từ gà ghét nhau vì tiếng gáy để cảnh tỉnh những tiếng gáy trong xã hội loài người.
Mặt trời sưởi ấm vạn vật và mang lại sự sống cho người, vật và thảo mộc. Nông dân không thể trồng trọt nếu không có ánh sáng mặt trời. Ngày xưa tiếng gà gáy sáng báo hiệu sinh hoạt thường nhật của nông dân. Người Thụy Sĩ và Đức làm ra đồng hồ cuckoo dựa vào ý niệm con gà là cái đồng hồ sống trước khi loài người phát minh ra đồng hồ. Đó là lợi ích của con gà trống. Trái lại nông dân rất ghét sự bươi móc của loài thú nầy.
Theo Hán Việt kê là gà. Trên bản đồ Việt Nam có mũi Kê Gà nằm trong tỉnh Khánh Hòa. Đó là mũi Padaran. Thực sự đó là mũi Khe Gà. Trong tiếng Pháp chữ H bị câm nên Khe đọc thành Kê.
Kê bì hạc phát (da gà tóc bạc) ám chỉ sự già nua với da nhăn tóc
bạc
Kê bào áp tử (xem: mẹ gà con vịt) nói lên cảnh uổng công nuôi nấng
Kê cân là gân gà
Kê dầu nhục là núm vú của phụ nữ.
Kê khẩu ngưu hậu (miệng gà đít trâu) tương đương với câu: Thà làm
đầu chuột hơn làm đuôi trâu.
Kê khuyển bất ninh nói lên cảnh loạn lạc khi chó không tru, gà không
dám gáy.
Kê lặc công danh cho thấy công danh như xương sườn gà, ăn không ngon
nhưng bỏ không đành.
Kê manh là bịnh quáng gà (mắt mờ không thấy rõ khi mặt trời lặn). Kê
minh khuyển phệ nói lên cảnh thanh bình ở nông thôn nơi có tiếng gà gáy và tiếng
chó sủa.
Kê quần hạc lập (con cò <người cao khiết> giữa đàn gà <kẻ
tầm thường>) tương đương với nhận xét của tiền nhân chúng ta khi nói
Phượng hoàng thất thế cũng như đàn gà.
Kê nhãn (mắt gà) là mục chai dưới chân (corn, callosity)
Kê thiệt hương là cây đinh hương (Eugenia caryophyllata Thunb.).
Lá cây nầy dùng làm hương liệu và làm thuốc.
Kê quan hoa là bông mồng gà (kê quan: mồng gà) (Celosia cristata
Moq.) Hoa dùng để trị bịnh tiêu chảy và kinh nguyệt quá đa.
Cụm từ mèo mả gà đồng có nghĩa xấu áp dụng cho những người hiếu dâm
làm tình ở bất cứ nơi nào như loài mèo ngoài nghĩa địa và loài gà ngoài đồng
vậy. Loài ếch bắt cặp ngoài đồng khi trời mưa được ví với gà đồng.
Lăng xăng như gà mắc đẻ là cụm từ dùng để chỉ những người bận rộn,
đầu óc thiếu tập trung khi đương đầu với những chuyện đột xuất cần phải giải
quyết ngay.
Người Đông Phương chịu ảnh hưởng Khổng Giáo rất e ngại những xáo trộn trật
tự trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Do đó người ta sợ cảnh gà mái đá
gà cồ.
Gà cồ là một loại gà chọi to lớn. Khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng (968–979)
đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Quốc hệu nầy kết hợp chữ Hán (Đại) và chữ Nôm
(Cồ). Đại hay Cồ đều nói tới sự to lớn, khổng lồ. Đại nói lên sự vĩ đại tinh
thần. Cồ nói lên sự to lớn về vật chất.
Gà mái gáy là điềm xấu cho vùng nơi gà được nuôi. Đàn ông có mặt
gà mái là người hẹp hòi và nham hiểm. Người có mũi giống mỏ gà là người gay
gắt khó chịu.
Người ta ví những người đàn ông góa vợ nhưng không tục huyền cới cảnh gà
trống nuôi con.
Thỉnh thoảng người ta thấy gà mái chăm sóc một đàn vịt con. Đó là cảnh mẹ gà con vịt. Ngoại trừ vịt Xiêm, loài vịt lười ấp trứng. Người ta phải nhờ gà ấp trứng thay cho vịt. Thời gian ấp trứng giữa gà và vịt khác nhau. Trứng vịt ấp 30 ngày mới nở trong khi trứng gà ấp 21 ngày thì nở ra con. Gà mẹ tận tụy với đàn con bất đồng loại và bất đồng huyết thống. Nếp sống của gà và vịt càng ngày càng khác biệt nhau. Vịt thích lội dưới nước. Trái lại gà thích phơi nắng và tắm cát. Huyết vịt hàn. Huyết gà nhiệt nên gà thích chiến đấu hơn vịt.
Đề cập đến gà, ca dao Việt Nam có câu:
Máu gà thì tẩm xương gà
Máu gà đem tẩm xương ta sao đành
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh (3) gà Thọ Xương.
Hình dung từ chỉ màu sắc của thú vật rất dồi dào trong ngôn ngữ Việt Nam
Ngựa kim, gà chuối, chó cò (4)
Mèo mun, chó mực gà ô (5)
Gà có lông đỏ được gọi là gà điều (gà đào) hay gà kiến vì lông giống như màu cánh kiến (6). Gà có lông vàng được gọi là gà phèn. Gà có đốm đen, trắng trên lông được gọi là gà nổ.
Người Việt Nam ở Cambodia hay ở Rạch Giá (Kiên Giang), Hà Tiên, Châu Đốc, Trà Vinh (Vĩnh Bình), Sóc Trăng (Ba Xuyên) gọi người Khmer lai Trung Hoa bằng cụm từ đầu gà đít vịt. Những người lai nầy đẹp và thông minh hơn người thuần chủng.
Người chậm chạp, trí tuệ kém linh hoạt được gọi là gà mờ. Đó là gà
trong mắt có sâu nên không thấy đường và vì vậy mà trở nên chậm chạp và vụng
về.
Người ngớ ngẩn, khờ khạo được ví với gà mở cửa mả. Gà mở cửa mà phải
là gà mái giò. Sau khi uống rượu, bắt phải leo thang làm bằng tàu chuối rồi
bị quăng ra ngoài mả nên gà mệt lử. Người Việt Nam tin rằng gà mở cửa mả đẻ
nhiều trứng hơn gà mái thường.
Gà nhà bôi mặt đá nhau là cảnh huynh đệ tương tàn do sự xui giục của người khác.
Các đạo sĩ Lão Giáo đặt tưọng con gà trống bằng sành trên nóc nhà để trấn yểm tà ma vào nhà.
Bịnh quáng gà (nyctalopia) là bịnh mờ mắt vào lúc hoàng hôn. Vì thế người Pháp gọi là cécité crépusculaire.
Người Việt Nam không cho con cái ăn mề gà vị sợ bị ngu đần nhưng lại cho ăn gan gà để được sáng mắt. Kinh nghiệm chữa trị bịnh của dân gian cho thấy:
Chó liền da.
Gà liền xương
Khi gãy tay người ta giã nhuyễn một con gà con và băng vào nơi bị gãy vài ngày thì bịnh sẽ lành.
Đàn ông được ví như gà trống thiến là người mất dương tính sau khi bị hoạn. Người ta thiến heo đực hay gà trống để cho heo và gà chóng mập và cho nhiều thịt. Heo thiến hay gà trống thiến không còn làm công tác truyền giống được nữa.
Ngày xưa các quan phục vụ trong cấm cung đều bị hoạn. Các hoạn quan nầy được vua chúa tin dùng nên thường lạm quyền và gây ra nhiều bất công trong nước. Thời vua Lê chúa Trịnh có nhiều hoạn quan được phong tước Công tức tước cao nhất trong các tước quí tộc (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Các hoạn quan nầy làm điều xằng bậy khiến dân chúng oán ghét chế độ chánh trị do vua Lê và chúa Trịnh đại diện.
Cống Quỳnh rất ghét các hoạn quan. Ông biết họ thích đá gà và thường nói chuyện
với nhau về những con gà bất bại của mình. Cống Quỳnh cho biết ông có một con
gà chọi rất hay và có ý muốn cho nó thử sức với gà chọi của các hoạn quan.
Khi Cống Quỳnh mang gà đến thì các hoạn quan cười ầm lên vì gà của Cống Quỳnh
là một con gà thiến thì làm sao đường đầu với gà chọi tuyển chọn của các hoạn
quan. Cống Quỳnh làm ra vẻ tự tin. Ông cho gà thiến của ông đá với gà của một
hoạn quan có thế lực nhất. Trong chớp mắt gà thiến của Cống Quỳnh bị gà chọi
của hoạn quan đá chết tại chỗ. Các hoạn quan cười ầm lên. Cống Quỳnh chạy lại
ôm con gà thiến chết vừa khóc vừa nói: “Mầy là gà thiến. Sao không biết
thân phận của mầy mà còn đấu đá với gà chọi chuyên nghiệp?”
Các hoạn quan ngưng cười. Họ không ngờ Cống Quỳnh dùng cuộc đá gà nầy để chửi
họ.
Trong Lục Súc Tranh Công, một tác phẩm vô danh dưới thời vua Lê chúa Trịnh, các con trâu, gà, ngựa, chó, dê, heo tranh công nhau. Tác giả (vô danh) ám chỉ sự tranh công của Lục Bộ trong đó con trâu tượng trưng cho bộ Công (Công Chánh); ngựa cho bộ Binh (Quốc Phòng); gà cho bộ Lại (Nội Vụ); chó cho bộ Hộ (Tài Chánh); dê cho bộ Lễ (Tôn Giáo, Ngoại Giao, Giáo Dục); heo cho bộ Hình (Tư Pháp). Ông Huỳnh Sanh Thông dịch Lục Súc Tranh Công ra Anh ngữ. Phần chú thích ghi trên phỏng theo sự giải thích của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy.
Trong văn chương người ta phổ biến chuyện con gà đẻ trứng vàng khắp nơi trên thế giới. Người chủ gà mái đẻ trứng vàng tham lam khi mổ bụng gà ra với hy vọng sẽ có nhiều trứng vàng. Trứng vàng không thấy. Gà đẻ trứng vàng bị giết chết. Người chủ gà vì nóng lòng làm giàu đã hủy diệt kho vàng của chính mình!
*
Trong 40 số đề con gà mang số 28 sau con rùa (27) và con lươn (29).
Con gà là một trong 12 con giáp. Năm con Gà được gọi là năm Dậu. Năm Dậu là
năm Âm (–). Có 5 năm Dậu trong chu kỳ 60 năm. Đó là:
Ất Dậu: 1885, 1945, 2005, 2065
Đinh Dậu: 1897, 1957, 2017, 2077
Kỷ Dậu: 1909, 1969, 2029, 2089
Tân Dậu: 1921, 1981, 2041
Quí Dậu: 1933, 1993, 2053
Người sinh vào năm Dậu tinh can cường và đôi khi còn tỏ ra gây hấn nữa. Dù
giàu có, có địa vị hay không, người tuổi Dậu sinh trước giờ Dậu luôn luôn bận
rộn.
Tuổi Dậu hợp với tuổi Tỵ, Sửu, Thìn và không hợp với tuổi Tý, Ngọ Mão và Tuất.
Về ngũ hành:
Tuổi |
Hành |
Hợp |
Không hợp |
Ất Dậu |
Thủy |
Mộc, Kim |
Hỏa, Thổ |
Đinh Dậu |
Hỏa |
Mộc, Thổ |
Thủy, Kim |
Kỷ Dậu |
Thổ |
Hỏa, Kim |
Thủy, Mộc |
Tân Dậu |
Mộc |
Thủy, Hỏa |
Kim, Thổ |
Quí Dậu |
Kim |
Thổ, Thủy |
Mộc, Hỏa |
Về màu sắc:
Tuổi |
Màu (Hợp) |
Màu (Không hợp) |
Ất Dậu |
Xanh, Trắng |
Đỏ, Vàng |
Đinh Dậu |
Xanh, Vàng |
Đen, Trắng |
Kỷ Dậu |
Đỏ, Trắng |
Đen, Xanh |
Tân Dậu |
Đen, Đỏ |
Trắng, Vàng |
Quí Dậu |
Vàng, Đen |
Xanh, Đỏ |
Ở Việt Nam người ta gán câu ‘sấm ký’ “Thân Dậu niên lai kiến thái bình” cho Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Câu nầy có thể ra đời khi đệ nhị thế chiến gần chấm dứt nên có vẻ đúng với cuộc chiến tranh thế giới giữa Đồng Minh và Phát Xít. Khi chiến tranh Việt Nam lên cao điểm người ta đem câu ‘sấm ký’ nầy để an ủi rằng đến năm Dậu sẽ có thái bình. Năm Kỷ Dậu 1969 Việt Nam Cộng Hòa và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đều được mời tham dự hội nghị Paris. Hồ Chí Minh mất. Richard Nixon chuẩn bị chương trình Việt Nam hóa. Mãi đến năm 1973 hiệp định Paris mới được ký kết. Hoa Kỳ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Hai năm sau chiến tranh tái diễn và chánh quyền Sài Gòn sụp đổ hoàn toàn. Câu “Thân Dậu niên lai kiến thái bình” chỉ đúng vào năm Ất Dậu 1945 mà không đúng vào năm 1957, 1969 và 1981!
Những nhân vật quan trọng trên thế giới sinh năm Dậu
Những nhân vật quan trọng trên thế giới vào thế kỷ 20 sinh vào năm Dậu là: Bevan (Anh – 1897), Faisal (Iraq – 1885), Trường Chinh (Việt Nam – 1909), Eden (Anh – 1897), Nkrumah (Ghana – 1909), Rusk (Hoa Kỳ – 1909), Schushnigg (Áo – 1897), Suharto (Indonesia – 1921), U Thant (Miến Điện – 1909), Dubcek (Tiệp Khắc – 1921) v.v…
Trường Chinh (1909 – 1988) tức Đặng Xuân Khu là tổng bí thư đảng Lao Động Việt Nam (1951 – 1956). Ông bị mất chức nầy năm 1956 sau cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu ở miền Bắc. Nhưng ông vẫn là một trong ba nhân vật quan trọng trong bộ chánh trị. Ông là chủ tịch quốc hội. Sau khi Tôn Đức Thắng mất (1980) ông là chủ tịch Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ông là tác giả của Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi.
Trường Chinh được xem là người cộng sản cực đoan theo chủ nghĩa Mao. Bí danh của ông xuất phát từ sự thán phục của ông đối với cuộc Vạn Lý Trường Chinh ở Trung Hoa vào năm 1934- 1935. Ông mất năm 1988.
Anthony Eden (1897- 1977) là đồng chủ tịch hội nghị Geneva năm 1954. Năm 1955 ông là thủ tướng. Ông thất bại vì chủ trương đưa quân chiếm kinh đào Suez khi Ai Cập quyết định quốc hữu hóa kinh nầy (1956). Ông mất chức năm 1957. Eden mất năm 1977.
Dean Rusk là bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 1961 đến 1969. Ông được trọng dụng dưới thời tổng thống Johnson. Ông dạy công pháp quốc tế tại đại học Georgia.
Suharto là tổng thống Indonesia năm 1968. Ông là một tướng lãnh chống chế độ tham nhũng do Sukarno đứng đầu và chống cộng sản mãnh liệt. Ông có nhiều quyền hành và theo vết xe cũ của Sukarno về vấn đề tham nhũng nhưng ông đã biến xứ Indonesia thành một nước có một nền kinh tế hưng thịnh. Sau khi bị lật đổ ông có 42 tỷ Mỹ Kim. Sáu người con của ông đều là tỷ phú ở Indonesia.
U Thant (1909 – 1974) là người Miến Điện đảm nhận chức tổng thư ký LHQ từ năm 1962 dến năm 1971.
Biến cố lịch sử quan trọng vào năm Dậu trong thế kỷ 20
1909: Đô đốc Peary đến Bắc Cực với một người da đen và 4 người Eskimo.
1921: Độc lập Ái Nhĩ Lan; hội nghị Washington ấn định mức sản xuất tàu bè (Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Bỉ, Nhật, Bồ Đào Nha, Trung Hoa, Hòa Lan, Ý Đại Lợi).
1933: Hitler cầm quyền; tổ chức mật vụ Gestapo (Geheime Staatspolizei); Francis Perkins là nữ bộ trưởng đầu tiên ở Hoa Kỳ; chương Trình TVA (Tenessee Valley Authority); Ngô Đình Diệm từ chức thượmg thơ bộ Lại (Nội Vụ); báo chí Hongkong loan tin Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh sau nầy) chết vì bịnh lao trong ngục thất Hongkong.
1945: Hội nghị Yalta; tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt mất; Hiroshima và Nagasaki bị dội bom nguyên tử; hội nghị Postdam; đệ nhị thế chiến chấm dứt, nạn đói ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ; Việt Minh cướp chánh quyền; Bảo Đại thoái vị; sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
1957: Hiệp ước Rome về việc thành lập Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu (European Economic Community); Ngô Đình Diệm bị ám sát ở Ban Mê Thuột; cải cách điền dịa ở Việt Nam Cộng Hòa; tác phẩm On the Road của Jack Kerouac.
1969: Xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Liên Sô trong cuộc tranh chấp biên giới trên đảo Chân Bảo (Damansky); Neil Amstrong đặt chân lên cung trăng; biểu tình phản chiến ở Hoa Kỳ; Hồ Chí Minh mất; hội nghị Midway về chương trình ‘Việt Nam Hóa’; chánh phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt Trận Giải Phóng) ra đời.
1981: Tổng thống Hoa Kỳ Reagan bị bắn vào ngực; bà Sandra Day O’Connor là phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên được bổ nhiệm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện; François Mitterand thuộc đảng Xã Hội Pháp đắc cử tổng thống.
1993: Bom nổ ở bãi đậu xe của World Trade Center; lục ở miền Trung Tây Hoa Kỳ.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I. (7)
______________
(1) Lá vang là một loại dây có mủ trắng, lá rất chua. Hột
của bông lá vang được các thầy thuốc Đông Y gọi là Đồng Kỳ Tử. Lá vang mọc hoang
trên những vùng đất khô cằn. Nông dân Việt Nam dùng lá vang để nấu canh chua
với cá trảo. Thịt gà nấu với lá vang là một loại canh chua ngon và đắt giá đối
với dân nông thôn trong tỉnh Bình Dương.
(2) Người Phi Luật Tân rất thích ăn hột vịt lộn mà họ gọi là Baloot. Từ khi tiếp xúc với người tỵ nạn Việt Nam họ mới biết thưởng thức món hột vịt lộn ăn với rau răm.
(3) Canh là một phần năm của một đêm. Mỗi canh kéo dài 2 giờ 24 phút. “Đêm năm canh thổn thức.”
(4) Ngựa kim là ngựa màu trắng. Gà chuối là gà có lông trắng. Chó cò là chó mầu trắng.
(5) Mèo mun là mèo đen. Chó mực là chó đen. Gà ô hay gà quạ là gà có lông đen.
(6) Cánh kiến màu đỏ nhạt dùng để đánh bóng gỗ. Pháp gọi là ‘gomme laque’. Tiếng Anh là ‘lake’.
(7) F.A.B.I.: Fellow of the American Biographical Institute