Phạm Đình Lân
Cây Cỏ và Niềm Tin Của Loài Người
Từ ngày hiện hữu trên Địa Cầu, loài người đã biết được tầm quan trọng của cây cỏ trong đời sống của mình. Cây cỏ là nguồn thức ăn; nguồn nguyên liệu cho các ngành kỹ nghệ dệt, nhuộm, ép dầu, làm đường, sô-cô-la, cà phê, thuốc lá, chất dẻo, vẹt-ni,...; kho thuốc vô tận; nguồn than củi to lớn; nguồn gỗ để làm nhà và các vật dụng khác; cho bóng mát và vẻ mỹ quan; bảo vệ lớp đất mặt chống sự sa thạch hóa vì nhiệt mặt trời và tình trạng sa mạc hóa ở những vùng khí hậu khô hạn và bán sa mạc; ngăn ngừa lũ lụt; ngăn chận sự xâm thực do gió và mưa gây ra; thanh lọc không khí v.v.
Ngày xưa người ta tin rằng các cây to lớn là nơi cư ngụ của Thần, Thánh hay Ma, Quỉ. Vì vậy đốn cây cổ thụ thường không mang lại sự may mắn cho người đốn. Cây cỏ có sự sống và có hồn của nó. Ngọn cây là đầu. Lá là lông và tóc. Cành là tay. Thân cây là lưng. Rễ là chân đi tìm nguồn sống. Nhựa là máu và nước mắt. Thân thẳng, rễ sâu thì cây đứng vững trước phong ba bão tố. Hoa là vẻ đẹp của cây cỏ trưởng thành và sắp làm nhiệm vụ sinh sản: kết quả (ra trái) để vĩnh cửu dòng thảo mộc của mình. Trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng có chuyện Anh Em Họ Điền đòi đốn cây trước nhà để chia gia tài. Khi họ ra đốn cây thì thấy cây đã chết. Cây thông biết reo. Cây cao su biết khóc. Cây dương liễu biết buồn. Hoa hướng dương biết cười trước Thái Dương. Tất cả các loài thảo mộc đều cần đất, nước và ánh sáng để sống.
Người Việt Nam tin rằng vật dụng làm bằng gỗ cây chết không mang lại sự hanh thông may mắn cho chủ. Người ta cho rằng bàn ghế đóng từ những u của thân cây tức những nơi cây bị bịnh, một loại ung thư mộc, cũng gây xui xẻo cho sở hữu chủ của chúng. Có những giường ngủ hay bộ ván có ma mộc. Người ta giải thích rằng các loài động vật ăn thịt sống ăn mồi trên cây, máu của con mồi bị ăn thịt chảy ra ngấm vào thân cây. Cây được xẻ gỗ và được đóng thành giường hay ván, nơi oan hồn các con mồi bị xé xác ăn thịt còn lẩn quất để quấy phá người nằm ngủ trên giường về đêm.
Người Việt Nam không trồng chuối, hoa phù dung, hoa hướng dương (vì tên gọi hoa Quì), cây mã đậu trước nhà vì sợ cuộc đời bị chúi nhủi, ngắn ngủi chóng tàn hay thành "bả đậu" như cách gọi thông thường của người Việt Nam dành cho cây mã đậu. Về việc không trồng mã đậu trước nhà còn có những nguồn gốc khác vì cây mã đậu có nhiều gai nhọn lại dễ gãy khi gặp gió lớn. Hột mã đậu béo nên được trẻ em ưa thích. Hột mã đậu tẩy xổ rất mạnh nên ăn hột mã đậu có thể bị tẩy xổ đến thẳng ruột mà chết. Người ta không trồng dây tiêu, cây gòn trước nhà vì sợ bị tiêu tan và con cái bi ốm đau vì cây gòn nói lái thành con gầy.
Vào thập niên 1950 ở miền Nam thường xảy ra việc bỏ bùa để bắt cóc trẻ nít. Nhiều phụ huynh cho con mang tỏi trong người để hóa giải bùa mê nầy. Những người học gồng, học bùa ở Việt Nam không ăn thịt trâu, thịt chó, rau om, khế, chuối chát, hành, tỏi, riềng vì cho rằng ăn các thứ ấy thì bùa hết hiệu nghiệm.
Người trồng mít ở nước ta thường treo quần áo rách, võng rách trên cây để xua đuổi ma đừng phá mít!
Cây cối quanh nhà xanh tươi và sai trái là điềm hưng vượng cho chủ nhà. Trái lại nếu cây cối cằn cỗi, khô héo và không ra trái hay ra trái bị ủng là điềm suy vi của chủ nhà. Mía trổ cờ thì mất mật. Tre ra bông thì chết. Đó là hiện tượng rất hiếm xảy ra. Thường thường cây tre từ 20 đến 25 tuổi mới ra bông. Sau khi trổ bông, cây tre chết.
Thiết mộc lan hay cây phát tài, cây tương, cây bàng là một loại cây rất cứng, tăng trưởng rất chậm, gốc ở Phi Châu (Sudan, Ivory Coast, Mozambique v.v.). Cây trồng làm cảnh trong chậu cao từ 1m đến 2m. Ngoài đất cây có thể cao đến 15 m. Lá cây dài, láng màu xanh sậm. Tên khoa học là Dracaena fragrans thuộc gia đình Ruscaceae. Người Anh gọi là Chinese money tree hay corn plant vì giống lá bắp. Thiết mộc lan ít khi ra hoa. Câu:
Chừng nào thiết mộc trổ hoa
cho thấy thiết mộc lan trổ hoa là điều hiếm hoi. Hoa nhỏ, thơm, màu trắng mọc thành chuỗi dài cả thước.
Ngày xưa người ta dùng gỗ thiết mộc lan để làm binh khí. Ngày nay người ta trồng thiết mộc lan trong chậu và đặt trong nhà để cầu tài theo lời khuyên của các thầy phong thủy Trung Hoa nên cây nầy được mệnh danh là cây phát tài. Người ta có hai cách giải thích trái ngược nhau về việc thiết mộc lan trổ hoa:
a- Thiết mộc lan trổ hoa là điềm may mắn vì hiếm khi nó ra hoa.
b- Thiết mộc lan trổ hoa là điềm xui xẻo cũng vì sự hiếm hoi ra hoa của nó. Cách giải thích nầy dựa vào sự so sánh với hiện tượng cây tre trổ bông.
Quỳnh hoa là một loại hoa giống như hoa xương rồng nhưng rất hiếm. Tên khoa học là Selenicereus grandiflora thuộc gia đình Cactaceae của xương rồng. Theo tiếng Hy Lạp Sélène là mặt trăng vì loại hoa nầy chỉ nở về đêm và tàn trong đêm trước khi trời sáng. Điều lạ khác là quỳnh hoa nở từ một cuống dài từ lá mọc ra. Quỳnh hoa là hoa to (grandiflora) màu trắng có nhiều cánh nhỏ và dài, nhụy vàng. Hoa nở to như mặt trời về đêm, tỏa hương thơm và tàn vài tiếng đồng hồ sau đó. Vì vậy mới có câu:
Quỳnh hoa nhất hiện.
Nhiều người cho rằng quỳnh hoa nở là điềm may mắn. Quan niệm nầy cũng dựa vào sự hiếm hoi mà ra. Một loài hoa nở về đêm từ nách lá và tàn chỉ sau vài giờ lại là biểu tượng của sự may mắn? Nếu chấp nhận sự hiếm hoi và bất bình thường đó là sự may mắn thì sự may mắn đó không bền. Tiếp theo đó là tai họa hiếm hoi bù đắp lại sự may mắn hiếm hoi, ngắn ngủi và bất bình thường. Đó là suy nghĩ riêng của người viết. Quỳnh hoa không khác gì hoa xương rồng hay hoa của dây thanh long Hylocereus undatus. Hoa thanh long cũng to, thơm, trắng, đẹp và nở ban đêm từ thân dây. Người Trung Hoa há không gọi hoa thanh long là Bá Vương Hoa?
Quỳnh hoa có cactine và các alkaloids được dùng làm thuốc bổ tim. Tuy vậy nó cũng có độc chất betacyanins và flavonol glycosides.
Người Việt Nam rất sợ khi nghe nói đến Ngải vì nghĩ đến bùa ngải và cảnh ngậm ngải tìm trầm. Các loại thảo mộc có tên gọi có chữ NGẢI thuộc nhiều gia đình thảo mộc khác nhau với những công dụng xây dựng chớ không độc hại như bùa ngải, đại để như:
1-Cây ngải Cucurma aromatica thuộc gia đình Zingiberaceae của gừng, nghệ. Đây là loại nghệ hoang dùng để cất tinh dầu hay làm thuốc trặc, lọc máu, tiêu viêm, chống bướu. Dầu có mùi long não được dùng trong kỹ nghệ dược phẩm, mỹ phẩm và nước hoa. Ngải Tím hay nghệ đen Cucurma zedoaria, gia đình Zingiberaceae được người Âu châu dùng như hương liệu. Dầu được dùng trong kỹ nghệ nước hoa, rượu mùi v.v.
2- Ngải cứu (nguyệt bạch) Artemisia moxa; ngải cứu (thuốc cứu) Artemisia vulgaris; Ngải Cứu Áp-Xanh Artemisia absinthium, gia đình Asteraceae của hoa cúc. Những loại ngải nầy đều là dược thảo lấy tên Nữ Thần Săn Bắn trong huyền thoại Hy Lạp: Artemis. Ngải cứu áp-xanh là hương liệu cho vào rượu, bia, rượu mật. Ngải cứu áp-xanh có Thujone C10 H16 O gây ảo giác cho người uống rượu áp-xanh. Ngải Tình Nhân (lover's plant) Artemisia abrotanum có mùi long não và chanh nên được gọi là lemon plant. Loại ngải nầy được dùng để cho vào bánh và thức ăn cho có hương vị chanh và được dùng làm thuốc kháng trùng và thuốc trị bịnh gan, mật.
3- Ngải Rét tức nam bạch truật hay tam thất giá cùng gia đình Asteraceae với ngải cứu nhưng không cùng dòng. Tên khoa học của nó là Gynura pseudochina. Người Anh gọi là God leaves (Thần diệp). Là có tannins, akaloids, polyphenols, flavonoids dùng làm thuốc hạ sốt, cầm máu sản phụ mới sinh con, hạ máu đường, hạ cholesterol. Củ dùng để giải độc, làm giảm đau nhức.
4- Ngải Hoa tức hoa huệ tây Canna indica thuộc gia đình Cannaceae có hoa đỏ hay vàng rất đẹp; củ ăn được; lá dùng để gói bánh (lá dong). Khói lá ngải hoa nầy làm cho côn trùng phải tránh xa.
5- Ngải Đắng Salvia officinalis (salvia:cứu, giúp); Ngải Nói Salvia divinorum thuộc gia đình Lamiaceae như rau bạc hà. Ngải đắng được đề cập trong Cựu Ước Kinh phần Exodus. Vào thời Trung cổ hoàng đế Charlemagne ra lịnh trồng ngải đắng quanh các tu viện để có nguồn thuốc. Ngải đắng có cineol, borneol, thujone, flavonoids, glycosides. Thujone tạo ảo giác. Người ta cho rằng ngải đắng có thể chữa được chứng Alzheimer. Ngải Nói hay cỏ Maria (yerba de Maria) có chất salvinorin A C23 H28 O8 tạo ảo giác và gây ghiền.
6- Ngải Tượng hay củ bình vôi Stephania rotunda thuộc gia đình Menispermaceae có nhiều Alkaloids độc nhưng trị sốt rét có kết quả tốt. ỞViệt Nam người ta dùng ngải tượng để trị cả bịnh lao nữa. Kết quả việc dùng ngải tượng để chữa bịnh lao không được kiểm chứng. Trái lại kinh nghiệm của người Khmer trong việc dùng ngải tượng chữa bịnh sốt rét do trùng Plasmodium falciparum gây ra được các nhà khoa học xác nhận. Sự dồi dào akaloids độc trong ngải tượng (củ bình vôi) làm cho các nhà nghiên cứu liên tưởng đến khả năng chữa trị các nan chứng. Người Anh gọi ngải tượng là saboo leard.
Trường Sinh Thảo Sember-vivum tectorum, gia đình Crassulaceae, là một loại thảo mộc sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Hoa giống như hoa xương rồng với cuống dài. Sự sinh sôi nẩy nở của thảo mộc Semper-vivum tectorum làm cho người ta nghĩ đến sự bất tử của cây sống đời (trường sinh) Kalanchoe pinnata cùng gia đình Crassulaceae. Thời đế quốc La Mã người ta trồng trường sinh thảo trên nóc nhà (Tectorum: trên nóc nhà; Semper vivum: trường sinh) như đặt dây thu lôi ngừa sấm sét. Người ta gắn liền trường sinh thảo với thần Thor và Zeus (Jupiter). Theo huyền thoại Hy Lạp Thần Thor là thần sấm sét. Thần Zeus là Vương Thần (Vua các Thần) thống lãnh vũ trụ. Trường sinh thảo mát, nhuận tiểu và cầm máu rất tốt. Dùng nhiều gây nôn và tẩy xổ mạnh.
Kích dục dị thảo Mandrake là một loại thảo mộc gốc ở Trung Đông và các quốc gia ven Địa Trung Hải. Nó có nhiều chuyện huyền hoặc và mang nhiều tên khoa học khác nhau trong danh mục thảo mộc như: Atropa mandragora, Mandragora autumnalis, Mandragora officinarum, gia đình Solanaceae của các loài cà tím, cà chua và cà độc dược. Người Anh gọi là love plant (cây tình yêu), Satan apple (táo quỉ Satan), mandrake. Người Do Thái gọi là Dudain có nghĩa là dược thảo tình yêu. Người Iran (Ba Tư) gọi là Merdomgia có nghĩa là cây có củ giống hình người như người Trung Hoa nghĩ về nhân sâm Panax Ginseng vậy.
Theo truyền khẩu Do Thái và Hy Lạp lưu lại thì củ mandrake ăn sâu dưới mặt đất cả thước và chẻ ra như hai chân người. Người đào củ mandrake nghe tiếng thét kinh hồn vọng lên từ hố đào đến nỗi kinh sợ mà chết. Vì vậy người ta chỉ đào quanh củ mandrake, lấy dây cột vào cổ con chó với củ mandrake rồi dùng roi quất mạnh vào con chó để nó lấy hết sức nhổ củ mandrake lên giữa tiếng la thết kinh hoàng từ hố đào. Nếu chết thì con chó chết thay cho người!
Củ Mandrake được xem là thuốc kích dục trị chứng vô tự, bất lực sinh lý ở Do Thái, Assyria, Ai Cập, Hy Lạp ngày xưa. Các bác sĩ Á Rập ngày xưa dùng mandrake làm thuốc mê để giải phẫu. Nhìn chung đặc điểm nổi bật của củ mandrake là tính kích dục của nó. Trong Cựu Ước Kinh phần Genesis có đề cập đến tính kích dục của củ mandrake với câu chuyện giữa Rachel và Leah, hai chị em cùng chung một chồng là Jacob. Jacob có vẻ thương yêu người em là Rachel hơn là Leah. Trớ trêu thay Rachel lại không có con. Trái lại Leah sinh con cho ông. Một buổi chiều Reuben, con của Jacob và Leah, từ ngoài đồng về, trong tay cầm củ mandrake. Rachel nài nỉ xin nhưng Reuben không cho mà chỉ cho mẹ mình mà thôi. Rachel xin Leah nhường củ mandrake cho mình bằng cách nhường cho chị là Leah ngủ một đêm với Jacob. Leah đồng ý. Rau đó Rachel sinh con. Có phải chăng đó là kết quả của tính năng trị chứng vô tự của củ mandrake?
Cây Căm Xe Mimosa xylocarpa hay Xyla dolabriformis thuộc gia đình Fabaceae là một loại cây cao từ 20-30 m; gỗ màu hồng rất cứng. Chữ căm xe mà người Việt Nam dùng không phải vì gỗ nầy được dùng làm căm xe bò như đã thấy trên thực tế mà do chữ cam xe hay so kram-sar của người Khmer mà ra. Người Ấn Độ gọi là irul, irumullu; Miến Điện: pyin; Thái và Lào: daeng. Người Anh gọi là Burma ironwood (thiết mộc Miến Điện vì họ biết cây căm xe ở Miến Điện nơi họ đô hộ). Gỗ căm xe là loại gỗ đắt tiền và đa dụng. Theo tiếng Hy Lạp Xylo: gỗ cứng; Xylocarpa: trái có lớp vỏ cứng bên ngoài. Vỏ cây căm xe được dùng làm thuốc trị khái huyết (ho ra máu – hemotysis), Người Chàm xem cây căm xe là thần mộc.
Một người con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1562-1635 – làm Chúa: 1613-1635), công chúa Ngọc Khoa (1) gả cho vua Chiêm Thành là Po Romé (1627-1651). Vua Chiêm Thành rất yêu quí công chúa Ngọc Khoa. Vì vậy các vương phi người Chàm oán ghét vị hoàng hậu ngoại chủng nầy. Ngọc Khoa giả bịnh. Không ngự y nào trong triều biết bà bịnh gì để chữa vì đó là bịnh giả. Vua Po Romé rất lo lắng. Ngọc Khoa nói với vua rằng bịnh của bà chỉ khỏi sau khi đốn cây căm xe trong sân điện. Vua Po Romé biết cây căm xe là thần mộc nhưng vì quá yêu vợ nên đành phải ra lịnh đốn. Sau khi cây căm xe bị đốn đi, nhà vua tử trận. Ngọc Khoa trở về với họ Nguyễn, lúc bấy giờ đã dời đô về Kim Long gần Huế bây giờ (2). Năm 1653 chúa Nguyễn Phúc Tần lập dinh Thái Khang và phủ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Xứ Chiêm Thành bị thu hẹp lại trong vùng Panduranga (Ninh Thuận - Bình Thuận) mà thôi.
Việc đốn thần mộc căm xe được dùng như một lợi khí chánh trị mà các chúa Nguyễn đã dùng song song với các cuộc hôn nhân dị chủng trong công cuộc Nam Tiến của dân tộc.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
(Bài viết tổng hợp nầy dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Tự Điển cho chính tác giả Phạm Đình Lân biên soạn).
___________________
Chú thích:
(1) Công chúa Ngọc Khoa là con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và bà Mạc Thị Giai. Công chúa Ngọc Vạn, một người con gái khác của chúa Sãi, gả cho vua Chân Lạp (Chenla) là Chey Chetta II năm 1620, mở đầu cho cuộc định cư của những người Việt đầu tiên trên đất Thủy Chân Lạp (Water Chenla).
(2) Mãi đến năm 1687 chúa Nguyễn Phúc Trăn mới dời đô từ Kim Long về Phú Xuân (Huế).