Phạm Đình Lân


Canh bạc chánh trị quốc tế

Chánh trị được ví với nhiều đối tượng khác nhau trong đời sống của loài người. Nhưng đối tượng thích hợp nhất là canh bạc. Nói đến bài bạc thì phải nghĩ đến sự ưu ái tiền bạc, những phương cách làm sao để thắng hầu có nhiều tiền mà không cần phải lao lực cực khổ. Người Việt Nam cho rằng muốn thắng một canh bạc thì phải có hai yếu tố chánh yếu. Đó là:

Nhất gian lận
Nhì trường vốn

Sự thành công chánh trị cũng không ngoài hai nhân tố sau đây: mưu chước chánh trị và sự phồn vinh kinh tế. Đã gọi là mưu chước tất không thể hoàn toàn theo đạo đức được. Tào Tháo và Trần Thủ Độ bị xem là người xảo quyệt gian hùng. Nếu không làm như vậy thì hai ông không thành công để lưu danh với những cụm từ đa nghi như Tào Tháo, gian hùng như Tào Tháo hay thâm độc và vô luân như Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ thành công hơn Tào Tháo vì ông lo cho nhà Trần chớ không lo quyền chức cho riêng mình. Ông tạo ra vua nhưng không phải là vua. Khổng Minh gạt và thắng được Tào Tháo tất phải dùng mưu chước xảo quyệt hơn mưu chước của Tào Tháo. Người ta khen Khổng Minh, lại chê Tào Tháo vì mưu chước của Khổng Minh, dĩ nhiên độc hại, có lợi cho nhiều người. Trái lại mưu chước của Tào Tháo chỉ có lợi cho ông mà có hại cho nhiều người. Hai loại mưu chước độc hại nầy ví như cholesterol xấu và cholesterol tốt vậy.

Nếu chánh trị là canh bạc thì người chơi trong canh bạc cũng muốn mình là người thắng chớ không ước vọng con bạc khác thắng dù đó là bạn chí thân. Người đánh bạc giỏi là người có óc phiêu lưu, tính toán nhanh và chính xác. Đôi khi họ phiêu lưu trong cảnh:

Ăn thì vua
Thua thì giựt.

Hay làm ‘cái’ không vốn để sẵn sàng đối phó với hai hoàn cảnh trái nghịch nhau:

Ba tây, chín nút thì cào.
Cái bù, ít nút thì đào cho nhanh.

Người cờ bạc gian lận siêu đẳng là người nắm vững canh bạc để chỉ thắng một cửa và thua ba hay bốn cửa nhưng vẫn còn lời! Có thế sự gian lận mới không bị lật tẩy!

Đối với các quốc gia dân chủ và tư bản, chánh trị gắn liền với thương trường. Người giàu có và thành công trên thương trường sẽ có nhiều điều kiện thành công trên chánh trường. Muốn thắng cử, ngoài sự ủng hộ của đảng, ứng cử viên cần phải có nhiều tiền và biết sử dụng và đặt nó đúng vào tụ lớn của ‘canh bạc’ để đạt kết quả tối đa. THƯƠNG là nghề hạng tư trong 4 nghề theo thang xã hội Khổng Giáo. Quan niệm nầy cho thấy sự khác biệt sâu sắc giữa xã hội Khổng Giáo và xã hội dân chủ Tây Phương về sự phát triển kinh tế, kỹ nghệ, thương mại và hiệu năng chánh trị thương trường đối với chánh trị đạo đức của người quân tử Đông Phương.

Không ai dám công khai phủ nhận đạo đức hay tự nhận mình ‘ bá đạo’ nhưng người làm chánh trị dựa vào đạo đức luôn luôn bị loại khỏi đấu trường chánh trị. Lời nói chánh trị lúc nào cũng vương đạo. Nhưng phương tiện chánh trị thành công hiếm khi vương đạo. Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Đó không phải là phương châm độc quyền của chánh trị Cộng Sản. Nó đã được thực thi từ khi con người có lịch sử ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam Trần Thủ Độ là người dùng phương châm nầy nhuần nhuyễn từ thế kỷ XIII.

Ông Makarios III (1913-1977) là hồng y của Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp từng được bầu làm tổng thống Cyprus từ năm 1960 đến 1974 (bị đảo chánh) rồi được phục hồi chức vụ tổng thống từ 1975 cho đến khi mất năm 1977. Dưới thời cai trị của ông tệ trạng tham nhũng không giảm trên đảo Cyprus. Đảo quốc có thêm nhiều khám đường và nhiều vụ lạm quyền bắt bớ, tra khảo sau khi đảo độc lập khỏi sự cai trị của Anh.

Ông U Nu là vị thủ tướng quá tôn sùng triết lý Phật Giáo. Nhưng không vì vậy mà quốc gia hưởng thái bình và an cư lạc nghiệp. Người Shan nổi dậy. Cộng Sản dấy lên ở Đông Bắc. Quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa bị Cộng Sản Mao đánh bại. Một số vượt biên giới Hoa- Miến và đóng ở miền Bắc Miến Điện. Chánh quyền U Nu không sao giải quyết nổi những khó khăn trên. Ne Win lật đổ U Nu và thiết lập chế độ độc tài quân đội trên nửa thế kỷ ở Miến Điện. Đó là hai trường hợp điển hình của chánh trị dựa theo đạo đức và tôn giáo.

Các chế độ độc tài dù là độc tài quân phiệt hay độc tài Cộng Sản đều có điểm chung dưới đây:

– Tôn thờ cá nhân lãnh đạo
– Mị dân. Mị dân đồng nghĩa với dối gạt dân. Đó là một hình thức dân chủ trá hình tệ hại không kém chế độ độc tài.
– Kích thích tự ái dân tộc và óc hiếu thắng của dân bằng những thành quả quân sự nên lúc nào cũng đề cao chiến tranh và chủ nghĩa anh hùng. Vì vậy kinh tế quốc gia suy sụp. Nhân, trí lực cạn kiệt. Việc sản xuất sụt giảm. Việc dùng người không đúng với khả năng làm cho guồng máy quốc gia bị trì trệ hay tắc nghẽn.
– Dân chúng mất mọi thứ tự do và mọi sáng kiến. Người người không có cảm hứng để có những cống hiến cho những lợi ích chung.
– Các chế độ độc tài đều làm cho dân khiếp sợ chớ không cần dân thương mến. Dân phải đè nén mọi uất ức và giữ câm lặng trước sức mạnh của sắt thép cùng hệ thống kềm kẹp và khủng bố của công an.

Dưới chế độ độc tài trật tự quốc gia được đảm bảo bằng sự bắt bớ, tra tấn của công an và đàn áp của quân đội. Sau chế độ độc tài là sự náo loạn vô trật tự, sự hưởng thụ tửu, sắc, cờ bạc, ma túy và muôn ngàn tệ nạn xã hội khác. Buổi giao thời của độc tài và dân chủ được đánh dấu bằng nền dân chủ vô luật pháp.

Dân thế nào thì nước thế ấy. Trong cộng đồng thế giới, canh bạc chánh trị cũng không khác chi canh bạc nhỏ của vài cá nhân mà chúng ta vừa bàn bạc. Thế giới có 200 quốc gia. Thực tế tại tổ chức Liên Hiệp Quốc chỉ có Ngũ Cường có quyền phủ quyết mà thôi: Hoa Kỳ, Nga, Trung Hoa Cộng Sản, Anh và Pháp. Các quốc gia rộng lớn và đông dân như Ấn Độ, Brazil hay có kinh tế phồn vinh như Nhật vẫn chưa có tiếng nói quyết định tại LHQ. Trong những trang sắp tới chúng ta thử tìm hiểu xem canh bạc chánh trị quốc tế đã và đang diễn ra như thế nào để thấy được phần nào những gì có thể xảy ra trong tương lai.

Chủ nghĩa thực dân ra đời với sự phát triển hàng hải của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Nó được tiếp nối bởi Hòa Lan, Anh và Pháp. Cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Anh và Pháp vào thế kỷ XIX dẫn đến chủ nghĩa đế quốc vì nhu cầu tìm kiếm nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hóa. Các nước nhược tiểu Á- Phi và các nước Châu Mỹ La Tinh trở thành thuộc địa của các nước Âu Châu. Nước Nga dưới chế độ Nga hoàng chỉ bành trướng lãnh thổ về phía nam, những vùng đất nằm trong đế quốc Ottoman và về phía đông trên đường đi tìm biển. Mãi đến năm 1870 nước Đức mới thống nhất thoát khỏi sự thống trị của đế quốc Áo. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, cương quyết và đầy nhiệt huyết của tể tướng Bismarck, nước Đức trở thành một nước kỹ nghệ chậm trễ hơn Anh và Pháp nên Đức chỉ chiếm vài thuộc địa ở Phi Châu, các hải đảo trong Thái Bình Dương và sau nầy bán đảo Shandong ( Sơn Đông) của Trung Hoa.

Đệ nhất thế chiến do Đức khởi động kết thúc bằng sự chiến bại của quốc gia gây hấn trước quân Đồng Minh Dân Chủ Tây Phương, chủ yếu là Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Ý (rất yếu), Nhật (không tham chiến mà chỉ tuyên chiến với Đức bằng lời). Đức mất hết các thuộc địa. Đồng minh của Đức là Áo và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu nhiều mất mát lãnh thổ ở Đông Âu và miền đông Địa Trung Hải. Anh và Pháp được Hội Quốc Liên ủy nhiệm trông coi việc cai trị ở Syria, Iraq, Palestine, Transjordan trước kia thuộc đế quốc Ottoman. Nga dòm ngó vùng nầy nhưng họ không được chia phần như Anh và Pháp vì họ không tham chiến chống Đức sau khi Lenin lật đổ chánh phủ do Kerensky lãnh đạo năm 1917. Đức giúp phương tiện cho Lenin về nước gây chính biến để Nga tuyên bố không tham gia chiến tranh chống Đức. Đức được yên ổn ở mặt trận phía Đông để dồn nỗ lực đánh nhau với quân Đồng Minh ở mặt trận phía Tây sau khi Hoa Kỳ quyết định tham chiến bên phía Đồng Minh.

Lenin là người có viễn kiến chánh trị, thuật nắm giữ chánh quyền bằng đảng Cộng Sản của giới công nhân như lời hiệu triệu của Karl Marx: “Hỡi những người vô sản trên thế giới! Hãy đoàn kết lại!” và phát triển đế quốc Nga bằng cách thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản năm 1919. Nước Nga bắt đầu khai triển chủ nghĩa đế quốc dưới một hình thức mới khác với thời Nga hoàng: chinh phục thế giới mà không cần quân đội xâm lăng. Việc dùng quân đội xâm lăngvừa hao tốn nhân mạng, tiền của, lại không bảo đảm kết quả lâu dài. Ông tiên liệu Trung Hoa và Pháp sẽ trở thành hai nước Cộng Sản vì, theo ông, ‘con đường đến Paris đi ngang qua Beijing (Bắc Kinh)’. Ông từng sống ở Pháp và biết người Pháp say mê chủ nghĩa xã hội Thiên Chúa Giáo lẫn chủ nghĩa Karl Marx. Lục địa Trung Hoa trở thành Cộng Sản năm 1949. Nhưng Pháp vẫn là một nước tư bản vì ‘người Pháp có trái tim bên trái (tả khuynh) nhưng cái bóp (tư hữu) bên phải’.

Hoa kỳ là một cường quốc kỹ nghệ quan trọng vào thế kỷ XIX. Cho đến cuối thế kỷ XIX, mặc dù đã chiếm Phi Luật Tân làm thuộc địa từ người Tây Ban Nha, Hoa Kỳ vẫn còn trung kiên với chủ nghĩa Monroe về Châu Mỹ của người Mỹ Châu hơn là các vấn đề quốc tế khác. Khi các cường quốc Âu Châu xâm chiếm thuộc địa trên thế giới và chia xẻ nước Trung Hoa thì Hoa Kỳ luôn luôn kêu gọi gọi sự vẹn toàn lãnh thổ Trung Hoa. Chiến thắng của Nhật trước Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên năm 1894, trước Nga ở Mãn Châu và eo biển Tsushima năm 1904 và 1905 làm cho Hoa Kỳ nghĩ đến hoàng họa. Đông Bắc Á trở thành cửa ngõ quần đảo Hawai, Alaska ( lúc ấy chưa là tiểu bang của Hoa Kỳ) và các tiểu bang dọc theo Thái Bình Dương. Một nước Trung Hoa quá yếu chỉ giúp cho Nga bành trướng về phía Tây Thái Bình Dương và Nhật tung hoành ở Đông Á. Tổng Thống Theodore Roosevelt làm trung gian cho Nga-Nhật thương thuyết sau khi Nga đại bại trong trận hải chiến Tsushima nhầm kềm hãm tham vọng của Nhật và bảo vệ danh dự của nước Nga bạch chủng. Bán đảo Triều Tiên trở thành miếng mồi ngon của Nga, Nhật giữa lúc Trung Hoa suy yếu. Chiến thắng của Nhật trước Trung Hoa năm 1894 và trước Nga 1904, 1905 giúp cho họ có ưu thế trên bán đảo Triều Tiên. Nhật chiếm đảo Taiwan ( Đài Loan), quần đảo Penghu ( Bành Hồ), chiếm báo đảo Shandong (Sơn Đông) sau khi Đức bại trận trong đệ nhất thế chiến. Nhật gây ảnh hưởng ở Trung Hoa và Mãn Châu từ thời Yuan Shikai ( Viên Thế Khải - 1912-1916) rồi đến các đốc quân thời chánh phủ Bắc Dương (1912-1928).

Anh và Hoa Kỳ đều không ưa thích chế độ Cộng Sản do Lenin thành lập năm 1917, được Stalin tiếp nối và bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản khắp thế giới. Năm 1917 Hoa Kỳ tham chiến ở Âu Châu bên cạnh Đồng Minh Anh, Pháp. Tổng thống Hoa Kỳ Wilson là một trong ba nhân vật chánh trong hội nghị Versailles (1919). Sự hình thành của Hội Quốc Liên phát xuất từ sáng kiến của Wilson. Nhưng Quốc Hội lúc bấy giờ do đảng Cộng Hòa chiếm đa số không phê chuẩn hiệp ước Versailles và Hoa Kỳ cũng không có mặt trong Hội Quốc Liên mặc dù nó ra đời do sáng kiến của tổng thống Hoa Kỳ. Sự vắng mặt của Hoa Kỳ là một khích lệ cho sự phát triển chế độ độc tài Cộng Sản ở Liên Sô và độc tài phát xít ở Ý, ̣Đức và Nhật.

Khi quân Nhật đổ bộ vào Tây Bá Lợi Á, giúp đỡ cho phe Bạch Vệ thì nước nầy bị áp lực của Anh và Hoa Kỳ phải rút quân khỏi vùng đất băng giá nầy. Nga trở thành con gấu đỏ (Xích Hùng) được nuôi và bảo vệ kỹ lưỡng. Con gấu nầy trở thành mối đe dọa thường trực ở Âu Châu. Stalin thành công với Kế Hoạch Ngũ Niên đẩy mạnh Liên Sô vào vị trí cường quốc có kỹ nghệ nặng hạng nhì sau Hoa Kỳ tựa như Deng Xiaoping thành công trong chương trình Bốn Hiện Đại Hóa để đưa Trung Hoa Cộng Sản lên hàng cường quốc kinh tế và quân sự thứ nhì trên thế giới từ thập niên 1990 đến nay. Sự thành công của kế hoạch ngũ niên phút chốc bị tiêu tan vì sự xâm lăng của quân Đức Quốc Xã vào Liên Sô năm 1941. Sự giao tranh giữa quân Liên Sô và quân Đức Quốc Xã làm cho hai nước đều kiệt sức. Hoa Kỳ đứng đầu phe Đồng Minh giúp cho Liên Sô kháng cự quân của Hitler một cách anh hùng sau khi Liên Sô bị thiệt hại 26 triệu người bao gồm quân sĩ lẫn thường dân.

Ở Á Châu Hoa Kỳ giúp đỡ cho Trung Hoa chống lại sự chiếm đóng của Nhật. Hoa Kỳ giúp cho phe Đồng Minh thắng phe trục Đức-Ý-Nhật năm 1945. Sau đệ nhị thế chiến Anh, Pháp và Trung Hoa là thành viên trong Ngũ Cường có quyền phủ quyết tại tổ chức Liên Hiệp Quốc, một tổ chức rộng lớn hơn Hội Quốc Liên trước kia. LHQ ra đời do sáng kiến của tổng thống Franklin Delano Roosevelt của Hoa Kỳ. Sự quan trọng của Anh và Pháp trên bàn cờ quốc tế sụt giảm rất nhiều vì mất thuộc địa thời hậu đệ nhị thế chiến. Trên chánh trường quốc tế người ta có cảm tưởng như có một định nghĩa mới về cường quốc thế giới căn bản dựa vào các yếu tố sau đây:

– quốc gia có diện tích rộng lớn
– dân số đông đảo
– có nhiều tài nguyên
– có nền kinh tế vững mạnh và kỹ nghệ nặng quan trọng

Pháp và Trung Hoa là hai quốc gia nằm trong Ngũ Cường bị Đức và Nhật xâm chiếm trong đệ nhị thế chiến. Pháp không có chánh phủ kháng chiến trong nước. Nhưng Trung Hoa có chánh phủ kháng chiến ở Chongqing (Trùng Khánh). Năm 1954 Pháp bị bại ở Điện Biên Phủ khiến cho địa vị cường quốc của Pháp càng lung lay nhiều hơn. Đó là lý do khiến Pháp phải có bom nguyên tử để phục hồi lại uy danh của mình. Riêng Trung Hoa Quốc Dân Đảng bị Cộng Sản đánh bại phải rút ra đảo Taiwan nhưng vẫn đại diện cho Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc mặc dù tiếng nói của họ không còn trọng lượng. Năm 1971 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là đại diện của Trung Hoa tại LHQ.

Anh là quốc gia nhỏ, nghèo tài nguyên nhưng là quốc gia mạnh về hàng hải, có kỹ nghệ năng kể cả bom nguyên tử. Anh bị Đức oanh tạc và pháo kích nhưng không bị xâm lăng hay chiếm đóng như nhiều quốc gia trên lục địa Âu Châu trong đệ nhị thế chiến.

Liên Sô là quốc gia được Hoa Kỳ dành cho nhiều quyền lợi trong việc phân chia ảnh hưởng trên trái đất. Liên Sô tháo gỡ các nhà máy của Đức trong khuôn khổ chương trình tháo gỡ để đền bù sự tàn phá của quân Đức ở Liên Sô trong đệ nhị thế chiến. Các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Romania, Bulgaria, Tiệp Khắc, Albania, Đông Đức đều trở thành những quốc gia Cộng Sản nằm trong quĩ đạo của Liên SôNam Tư của Tito là một nước Cộng Sản độc lập với Stalin. Đó là sự sứt mẻ đầu tiên của khối Cộng Sản trên thế giới. Liên Sô là quốc gia thứ nhì trên thế giới có bom nguyên tử sau Hoa Kỳ. Không bao lâu họ có bom khinh khí. Năm 1957 Liên Sô là quốc gia đầu tiên trên thế giới phóng vệ tinh nhân tạo. Trên lãnh vực này Liên Sô có vẻ nổi bật mặc dù năm 1969 Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đưa người lên cung trăng.

Sau đệ nhị thế chiến Hoa Kỳ và Liên Sô là hai đối thủ trong canh bạc chánh trị quốc tế. Liên Sô tự nhận mình là đại diện cho công nông vô sản chống lại Hoa Kỳ đại biểu cho chế độ ‘tư bản bóc lột’. Về sau khối Cộng Sản gọi Hoa Kỳ là ‘đế quốc’ và ‘sen đầm quốc tế’. Trong cuộc đấu cả hai đều né tránh đấu lực. Liên Sô được ưu thế ở các nước cựu thuộc địa của các nước Âu-Mỹ. Nhưng ưu thế quan trọng của họ là đào tạo nhiều cán bộ ở các nước thuộc địa để đưa về nước hoạt động dưới hình thức phát động chiến tranh giải phóng. Ở những quốc gia phong kiến, thuộc địa nghèo nàn về mọi mặt, sự tuyên truyền của các cán bộ Cộng Sản rất hấp dẫn đến nỗi nhiều nơi trên thế giới bị nạn đói hay thiên tai và được Hoa Kỳ viện trợ lương thực, thuốc men, quần áo người ta vẫn nguyền rủa và gọi Hoa Kỳ là đế quốc hay tư bản bóc lột. Đó là lợi thế của Liên Sô trong canh bạc quốc tế chống Hoa Kỳ.

Sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, chiến tranh Quốc-Cộng tái diễn trên lục địa Trung Hoa. Lần nầy quân Quốc Dân Đảng bị thảm bại vì quốc gia bị tàn phá nặng nề do chiến tranh, nạn tham nhũng lan tràn; Cộng Sản Trung Hoa trưởng thành về quân sự trong suốt thời kháng chiến chống Nhật. Hoa Kỳ không tiếp tục viện trợ cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng vì ước lượng phe nầy không còn khả năng chiến thắng. Một điều rất tự nhiên là Hoa Kỳ tôn trọng ý dân. Đa số từ nghèo đến trung lưu, kể cả người giàu có, từ ít học đến trí thức đều tin rằng Cộng Sản sẽ tạo cho dân một xã hội tự do, công bằng và no ấm, một xã hội hoàng kim không người bóc lột người.

Sự chiến thắng của Mao làm cho khối Cộng Sản có thêm một quốc gia rộng lớn và đông dân nhất thế giới . Đó là một thắng lợi của khối Cộng Sản. Người bàng quang thấy như vậy nhưng Stalin không vui khi thấy như vậy. Vì:

* Với tư cách một quốc gia Cộng Sản đàn anh Liên Sô phải cưu mang một nước quá đông dân nghèo đói đúng nghĩa’ vô sản’ mà chế độ đề cao. Liên Sô bị kiệt quệ vì chiến tranh. Bao nhiêu thành quả do Kế Hoạch Ngũ Niên mang lại đều bị Đức phá sạch đến nỗi phải tháo gỡ các nhà máy của Đức sau khi bại trận để đền bù!

* Stalin không vui khi hay tin Mao Zedong đánh đuổi quân Chiang Kaishek chạy ra khỏi đảo Taiwan vì ngay sau khi cuộc đàn áp Cộng Sản của Chiang kaishek năm 1927, Mao là người chống lại sự chỉ đạo của Quốc Tế Cộng Sản do Stalin điều khiển. Chủ Nghĩa Maoism là chủ nghĩa Cộng Sản Hán hóa khác với điều mà Lenin và Stalin chỉ đạo. Vào thập niên 1930 Mao không để ý gì đến 28 Bolsheviks Trung Hoa do Moscow đào tạo và gởi về Trung Hoa lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa. Pavel Mif, người đặc trách Đông Phương Vụ của Quốc Tế Cộng Sản (Comintern), yểm trợ cho Wang Ming (Vương Minh) lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa, nhưng các đảng viên Cộng Sản từng sát cánh với Mao ở Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi (Giang Tây) và cuộc Vạn Lý Trường Chinh lịch sử 1934-1935 đều xem Mao như lãnh tụ của họ. Wang Ming không có quyền hành gì ở chiến khu Yenan (Diên An). Tự ái của Stalin bị thương tổn rất nhiều. Giữa Mao Zedong và Chiang Kaishek, Stalin có cảm tình với Chiang hơn mặc dù Chaing là người chống Cộng Sản dữ dội. Chiang Kaishek từng học ở Liên Sô năm 1923. Con của ông, Chiang Ching Kuo, học ở Liên Sô và có vợ Nga. Mao không có học ở Moscow ngày nào. Trong chiến tranh kháng Nhật Stalin giúp võ khí cho Mao ít hơn số võ khí giúp Chiang Kaishek! Sau khi giành được chánh quyền trên lục địa Trung Hoa, Mao Zedong sang thăm viếng Moscow. Stalin bắt ông chờ đợi cả tháng mà không tiếp. Khi Mao giận dữ định trở về nước thì Stalin mới tiếp ông.

* Lenin hay Stalin đều muốn biến Liên Sô thành một đế quốc. Trung Hoa là một nước rộng lớn, đông dân và có văn hóa lâu đời sẽ là quốc gia cạnh tranh với Liên Sô hơn là nước chư hầu! Liên Sô cần một nước chư hầu nhỏ dễ sai khiến hơn là cần một nước to lớn về diện tích, đông đảo về dân số và luôn luôn kiêu ngạo với văn hóa ngàn năm của mình để cạnh tranh quyền hành với họ.

Trung Hoa Cộng Sản là một gánh nặng và là một cục bướu to đối với Liên Sô. Dưới thời Nga hoàng Nga chiếm hàng triệu cây số vuông lãnh thổ ở phía bắc sông Hei Longjiang (Hắc Long Giang), chiếm Lushun (Lữ Thuận), lập đường xe lửa Mãn Châu. Liên Sô và Trung Hoa đều dòm ngó Ngoại Mông, Tân Cương (Xinjiang), Bắc Hàn. Mao Zedong học tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng không học tiếng Nga. Deng Xiaoping bang giao thân thiện với Hoa Kỳ và gởi sinh viên sang học ở Hoa Kỳ nhưng không thân thiện với nước láng giềng, đồng đảng và đồng chủ nghĩa Marx-Lenin.

Stalin chú ý nhiều đến các nước Cộng Sản Đông Âu kỹ nghệ hơn là các nước nông nghiệp ở Á Châu như Việt Nam chẳng hạn. Ông không công nhận chánh phủ Hồ Chí Minh năm 1945, không có lời ủng hộ cuộc kháng Pháp của Hồ Chí Minh năm 1946 và cũng không giúp Hồ Chí Minh bằng cách ủng hộ cho nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gia nhập vào tổ chức Liên Hiệp Quốc năm 1948. Mao Zedong quan tâm đến việc tái lập ảnh hưởng của Trung Hoa ở Bắc Hàn và Việt Nam. Trung Hoa mất ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên kể từ năm 1894 sau khi bị Nhật đánh bại. Họ mất ảnh hưởng ở Việt Nam kể từ khi Việt Nam ký hiệp ước Patenôtre với Pháp năm 1884. Bây giờ là lúc họ có cơ hội thuận lợi để tái lập ảnh hưởng ở hai nước trên bằng cách xua quân giúp Bắc Hàn đánh lại quân Liên Hiệp Quốc do tướng Mac Arthur chỉ huy và viện trợ khí giới, thuốc men, lương thực, cố vấn quân sự cho chánh phủ Hồ Chí Minh trong chiến khu để chống Pháp.

Việc đại sứ Liên sô Yakov Malik giận dữ bỏ phòng họp ra về khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đưa quân can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên năm 1950, viện lẽ không chấp nhận sự hiện diện của đại biểu Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan). Sự tẩy chay nầy có một ý nghĩa đặc biệt. Nếu ông hiện diện và dùng quyền phủ quyết thì quân Liên Hiệp Quốc không gởi sang Triều Tiên được. Như vậy Bắc Hàn thống nhất bán đảo Triều Tiên và biến bán đảo nầy thành một xứ Cộng Sản bên cạnh Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản. Trong trường hợp ấy quốc gia hưởng lợi là CHNDTQ chớ không phải Liên Sô! Stalin dùng tiềm năng quân sự Hoa Kỳ để đè bẹp nước bạn Cộng Sản sắp tranh ngôi vị với mình. Tồng thống Truman không chủ trương như Stalin mong mỏi khi cách chức tướng Mac Arthur vì vị tướng nầy yêu cầu dùng bom nguyên tử để ngừa hoàng họa do Trung Hoa Cộng Sản gây ra.

Trung Hoa là sư tử ngủ hay sư tử thức không thành vấn đề đối với Hoa Kỳ. Nếu nó là sư tử thức thì Nga và Nhật phải gánh chịu sự tranh giành mồi ghê gớm của nó khi nó có đầy đủ sức mạnh. Alaska phân cách với Nga bằng eo biển Bering rộng không đầy 100 km . Đông Bắc Á tập trung hai quốc gia to lớn, đông dân và có tiềm năng phát triển kỹ nghệ nặng quan trọng, Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản, và một quốc gia có trình độ kỹ nghệ cao từng là một cường quốc quân sự Á Châu và từng cạnh tranh kinh tế với Hoa Kỳ sau khi chiến bại trong đệ nhị thế chiến vừa qua: Nhật. Hoa Kỳ luôn luôn muốn có quân đội hiện diện ở Okinawa và Nam Hàn như phòng tuyến bảo vệ an ninh lãnh thổ ngoại vi của họ. Họ có thể rời bỏ Nam Việt Nam và các căn cứ Không Quân và Hải Quân ở Phi Luật Tân nhưng muốn án ngữ ở Đông Bắc Á bằng sự hiện diện của một số quân nhân ở Nam Hàn và Okinawa. Họ ban giao với CHNDTQ, nhìn nhận một nước Trung Hoa nhưng vẫn muốn duy trì một chánh quyền phi Cộng Sản trên đảo Taiwan. Thỉnh thoảng họ vẫn bán võ khí và phi cơ cho đảo quốc không được sự công nhận của LHQ nầy. Nhật cũng chia sẻ quan điểm của Hoa Kỳ về sự hiện hữu của một chánh quyền không Cộng Sản đối diện với chánh quyền Cộng Sản trên lục địa Trung Hoa.

Trong chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và các nước dân chủ một bên, Liên Sô và các nước Cộng Sản bên đối nghịch, Hoa Kỳ giúp cho các quốc gia cựu thù là Nhật, Ý, Tây Đức phát triển kinh tế và trở nên phồn thịnh. Họ có trách nhiệm cứu trợ các quốc gia đang phát triển để thoát khỏi nghèo đói và mù chữ nhưng Hoa Kỳ luôn luôn bị các nước Cộng Sản lẫn các nước được cứu trợ không ngớt chửi bới và nguyền rủa. Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản không ngừng nâng đỡ các phong trào chống Hoa Kỳ dưới dạng chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân, phong trào hòa bình, phong trào công nhân thế giới đấu tranh. Họ dùng chủ nghĩa Marx-Lenin, chủ nghĩa Mao lôi cuốn sinh viên, học sinh, công nhân, thị dân, nông dân và dân nông thôn vùng lên đấu tranh chống Hoa Kỳ. Các nước Cộng Sản liên kết chặt chẽ với các nước không liên kết hay đệ tam quốc gia, các nước hô hào trung lập do thủ tướng Nehru của Ấn Độ, tổng thống Tito của Liên Hiệp Nam Tư và Nasser của Ai Cập khởi xướng. Bức tranh thiên đường Cộng Sản được tìm thấy khắp nơi trên thế giới, nhất là ở các lục địa Á Châu, Phi Châu, Châu Mỹ La Tinh và cả quốc gia hồi giáo. Các ông Mubarak (Ai Cập), Assad (Syria), Abbas (Palestine)... đều thụ huấn hay học ở Liên Sô. Cộng Sản Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia và đa số đảng viên Cộng Sản Đông Dương có khuynh hướng theo chủ nghĩa Mao.

Một số nhân loại tin rằng chủ nghĩa Cộng Sản giải phóng họ khỏi sự bóc lột của các nước tư bản Âu-Mỹ, đứng đầu là Hoa Kỳ. Người ta tin vào sự đoàn kết keo sơn giữa các nước Cộng Sản anh em và từ đó người ta ban tặng cho người Cộng Sản nhiều đức tính cao quí phi phàm. Ở Việt Nam một số người không nhỏ từ giới bình dân đến trí thức và cả các nhà tu hành tin vào sự tuyên truyền đầy hiệu quả của Cộng Sản rằng cái gì xấu trong vùng Quốc Gia hoàn toàn vắng bóng trong vùng Cộng Sản cai trị. Một vài thí dụ điển hình về những điều mà người ta tin như: người Quốc Gia chửi thề, Cộng Sản không chữi thề. Người Quốc Gia tra khảo, Cộng Sản không có tra tấn. Người Quốc Gia tham ô, hối lộ, Người Cộng sản trong sạch liêm khiết. Người Quốc Gia bán nước, Người Cộng Sản yêu nước. Miền Nam đầy dẫy đĩ điếm, tứ đổ tường, du đãng, tệ nạn, con ông cháu cha. Những thứ ấy không có ở miền Bắc. Đế quốc Mỹ hiếu chiến. Liên Sô và Trung Quốc (Trung Cộng) yêu hòa bình v.v… Cách hiểu chánh trị đơn giản như vậy đã được kiểm chứng và không thấy đúng ở miền Bắc từ năm 1954 đến 1975 và ở miền Nam từ năm 1975 đến nay. Những ưu điểm tinh thần của người Cộng Sản hay đạo đức Cộng Sản chỉ có trong tưởng tượng và lời tuyên truyền chớ không được tìm thấy ở bất cứ quốc gia Cộng Sản nào trên thế giới.

Sự đoàn kết keo sơn giữa Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản trở thành khái niệm không tưởng khi Mao Zedong công khai đả kích chủ nghĩa xét lại của Khrushchev. Người lãnh tụ Liên Sô gốc Ukraine chủ trương sống chunh hòa bình với phương Tây. Mao liền cho pháo kích Kinmen (Kim Môn), Matsu (Mã Tổ) như là sự phá vỡ chủ trương sống chung hòa bình của Khrushchev. Đầu năm 1960 Mao chờ đợi một cuộc đụng độ sống còn giữa Hoa Kỳ và Liên Sô về vấn đề hỏa tiễn Liên Sô ở Cuba. Mao muốn có cảnh ngồi trên núi xem hai con hổ giao đấu. Kẻ thua bị loại ra khỏi đấu trường. Kẻ thắng bị trọng thương. Chỉ còn Trung Hoa Cộng Sản lãnh đạo thế giới mà thôi. Đó là thời gian Mao gọi Hoa Kỳ là con cọp giấy để khích tướng Khrushchev. Khrushchev không dễ gì mắc bẫy của Mao khi đáp lại rằng: ‘Đó là con cọp giấy có nanh vuốt nguyên tử’. Mao tìm mọi cách để có bom nguyên tử để được thế giới nể trọng với tư cách một cường quốc nguyên tử như Hoa Kỳ, Liên Sô, Anh và Pháp.

Liên Sô ‘yêu hòa bình’ khi đem xe tăng đàn áp sinh viên nổi dậy ở Ba Lan và Hung Gia Lợi năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968. Trung Hoa Cộng Sản ‘yêu hòa bình’ khi xua quân xâm chiếm Tây Tạng (1958) và đánh nhau với Ấn Độ để chiếm 60,000km2 đất đai của nước nầy (1962).

Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản đều có mộng đế quốc. Họ chủ trương vô biên giới, thế giới đại đồng với các nước nhỏ để sáp nhập các nước nầy vào lãnh thổ của họ hay biến họ thành các nước chư hầu. Biên giới của nước họ lúc nào cũng được baỏ vệ chặt chẽ. Cuộc chiến tranh giữa Trung Hoa Cộng Sản và Liên Sô trên đảo Damansky mà Trung Hoa gọi là Chen Bao (Chân Bảo) năm 1969 cho thấy tư tưởng thâm độc của họ là cái gì của họ là của họ. Cái gì của người khác là của chung! Họ gìn giữ vốn trí thức trong nước trong khi họ xúi dục các nước nhỏ khác như Việt Nam thẳng tay triệt hạ trí, phú, địa, hào, những kẻ thù không khoan nhượng của giai cấp vô sản. Những gương mặt lớn trong đảng Cộng Sản Nga và Trung Hoa như Lenin, Trotsky, Li Dazhao, Chen Duxui, Zhou Enlai, Mao Zedong, Deng Xiaoping ... đều là những người có trình độ đại học. Họ không xuất thân từ thành phần vô sản không có điều kiện đi học.

Sau cuộc chạm súng với Liên Sô ngoài biên giới phía bắc, Mao cảm thấy Trung Hoa Cộng Sản còn quá yếu so với Liên Sô mặc dù năm 1964 họ thí nghiệm bom nguyên tử thành công. Trong nước cuộc cách mạng văn hóa được tiến hành đẫm máu. Đa số những đồng chí của Mao thời Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi (Giang Tây - 1931) và Vạn Lý Trường Chinh (1934-1935) đều bị Hồng Vệ Binh đánh đập đến chết hay bị giáng chức và đi đày như Deng Xiaoping. Liao Shaoqi, chủ tịch nhà nước, chết thê thảm sau khi bị Hồng Vệ Binh đánh đập, bỏ đói và không chữa bịnh khi lên cơn hấp hối. Thống chế He Long (Hạ Long), thống chế Peng Dehuai (Bành Đức Hoài) đều chết đau đớn và nhục nhã. Thống chế Lin Biao (Lâm Bửu) năng nổ trong cách mạng văn hóa cuối cùng cũng chịu số phận như các đồng chí nạn nhân của ông trong cách mạng văn hóa. Phi cơ chở ông và gia đình trốn sang Liên Sô bị bắn rơi ở Mông Cổ (1971). Trong cách mạng văn hóa Mao-Jiang Qing (Giang Thanh) chẳng những loại bỏ những người khả dĩ thay ông làm chủ tịch đảng Cộng Sản sau khi ông qua đời mà còn triệt hạ những người từng thụ huấn ở Nga trước nhóm 28 Bolsheviks như Shaoqi (Liêu Thiếu Kỳ), Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) v.v.

Mao, Jiang Qing và Hồng Vệ Binh gây sóng gió trong nước. Ngoài biên giới có tin Liên Sô có thể tấn công Trung Hoa lục địa bằng bom nguyên tử! Đó là cơ hội ngàn vàng cho tổng thống Nixon của Hoa Kỳ nhập cuộc để cứu Trung Hoa Cộng Sản và lôi cuốn nước nầy về phía mình để đối phó với Liên Sô. Mao Zedong vui mừng không xiết. Ông thúc dục bác sĩ làm cho ông sớm bình phục để đón tiếp Nixon. Một năm trước ngày tổng thống Hoa Kỳ thăm viếng Trung Hoa lục địa CHNDTQ thay thế Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan) tại Liên Hiệp Quốc. Năm 1973 quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Nam Việt Nam theo tinh thần hiệp định Paris (1973). Năm 1974 Trung Hoa Cộng Sản đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Năm 1975 VNCH sụp đổ hoàn toàn. Cộng Sản Việt Nam reo hò chiến thắng làm cho Mao Zedong ray rức không cùng. Bắc Hàn cảm thấy đau xót vì thất bại trong việc thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng võ lực. Cộng Sản Việt Nam tự hào về sự thành công của mình. Tây Đức cười thầm vì họ không phí phạm xương máu, thì giờ, tiền bạc vào việc tắm máu đồng bào họ. Họ dồn nỗ lực vào công cuộc xây dựng đất nước hầu tạo đời sống ấm no cho nhân dân. Năm 1989 nước Đức thắm thiết tình huynh đệ và tình đồng bào ruột thịt. Người Tây Đức phải hy sinh một phần hạnh phúc của mình để đùm bọc đồng bào họ ở Đông Đức sau khi đất nước thống nhất năm 1989.

Rời khỏi Nam Việt Nam Hoa Kỳ thua canh bạc nhỏ để thắng canh bạc lớn hơn. Đó là sự rạn nứt và cừu địch giữa:

Cộng Sản Trung Hoa với Cộng Sản Việt Nam
Cộng Sản Liên Sô với Cộng Sản Trung Hoa
Cộng Sản Việt Nam với Cộng sản Khmer

Sự cừu địch nầy dẫn đến sự xâm lăng của Cộng Sản Việt Nam vào Cambodia vào cuối năm 1978 và chiến tranh giữa Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Hoa ngoài biên giới Việt-Hoa vào tháng 2 năm 1979. Sau năm 1975 số quốc gia Cộng Sản trên thế giới gia tăng. Nhưng khối Cộng Sản không còn là một khối nguyên vẹn và đoàn kết keo sơn như họ thường tuyên truyền.

Liên Sô phô bày bộ mặt đế quốc khi đem quân xâm chiếm Afghanistan năm 1979. Cộng Sản Việt Nam vừa hô hào chống đế quốc Mỹ xâm lược nay trở thành đế quốc xâm lược ở Cambodia và đóng vai ‘nước lớn đàn anh’ ở Lào. Cuba không che dấu nổi chủ nghĩa can thiệp của mình khi gởi quân sang Angola giúp đỡ cho MPLA (Movemento Popular de Libertacao de Angola tức Phong Trào Nhân Dân Giải Phóng Angola). Chủ nghĩa Marx-Lenin và Mao dấy lên ở Trung và Nam Mỹ, nhất là ở Nicaragua.

Liên Sô nổi tiếng về kỹ nghệ quốc phòng. Họ dùng nhiều thì giờ và tiền bạc để chạy đua võ trang với Hoa Kỳ. Kinh tế Liên Sô bệ rạc vì thiếu tư bản, thiếu quản lý, thiếu cái nhìn thực tế về kinh tế, thiếu chuyên viên, thiếu nhân công lành nghề được trang bị đầy đủ lương tri nghề nghiệp trong cảnh cha chung chết không ai khóc, của chung là của Bồ Tát. Vào thế kỷ XIX Nga là nước xuất cảng lúa mì ở Âu Châu. Dưới chế độ Cộng Sản, Liên Sô thiếu lúa mì không phải vì thiếu đất đai canh tác hay vì lý do thời tiết mà vì chánh sách nông nghiệp của nhà nước Cộng Sản làm nản lòng nông dân. Kinh tế kém cỏi lại phải chi nhiều cho chiến tranh xâm lược ở Afghanistan, nơi các nhà quân sự Liên Sô mất cơ hội lập chiến công. Họ phải chi viện cho Cộng Sản Việt Nam xâm lăng ở Cambodia và chạy đua võ trang với Hoa Kỳ. Thế Vận Hội Moscow năm 1980 bị Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây Phương tẩy chay. Năm 1988 Liên Sô phải rút quân ra khỏi Afghanistan. Chế độ Cộng Sản do Liên Sô áp đặt ở Afghanistan sụp đổ. Các nước Cộng Sản Đông Âu vùng lên đòi thoát khỏi sự kềm kẹp của Liên Sô. Họ thành công vào năm 1989. Nước Đức thống nhất trong hòa bình. Năm 1991 Liên Sô sụp đổ. Các Cộng Hòa Sô Viết do Cộng Sản Nga áp đặt tuyên bố độc lập.

*

Anh và Hoa Kỳ ngăn chặn không cho Nhật giết Xích Hùng (Gấu Đỏ - Liên Sô) vào thập niên 1920. Sự hiện hữu của nó làm cho Âu Châu liên kết thành một khối trong NATO (North Atlantic Treaty Organization) từ năm 1949 đến nay vẫn biết rằng năm 1991 con Gấu Đỏ đã chết. Dưới nhãn quan của các nhà chánh trị Hoa Kỳ họ nắm lợi thế tuyệt đối trong canh bạc chiến tranh lạnh mặc dù ở Đông Á Trung Hoa lục địa, Việt Nam, Lào, Bắc Hàn vẫn còn là những quốc gia Cộng Sản nông nghiệp nghèo nàn. Trước khi Hoa Kỳ thiết lập vòng đai SEATO (South East Asia Treaty Organization) nhằm bao vây sự bành trướng của Cộng Sản Trung Hoa xuống các quốc gia Đông và Nam Á, SEATO là một liên minh lỏng lẻo và không có quân đội như NATO. Anh và Pháp là thành viên nhưng không hề quan tâm đến sự tồn vong của nó. Pakistan tham gia lấy lệ. Ấn Độ không màng đến canh bạc chánh trị bao la của Hoa Kỳ. Indonesia không tham gia SEATO. Tổng thống Sukarno rất thân thiện với Beijing. Các quốc gia trong SEATO trông đợi vào tàng dù quân sự của Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ muốn nhờ họ làm hàng rào ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản Mao ở Á Châu. SEATO sớm giải tán. Hoa Kỳ cô đơn trong chiến tranh Việt Nam và đã rút ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Hoa Kỳ nuôi con Xích Long (Trung Quốc) đe dọa chẳng những quốc gia láng giềng mà cả thế giới nữa. Trong thập niên 1980 dư luận thế giới cho rằng kinh tế Nhật sẽ vượt qua kinh tế Hoa Kỳ. Cuối thế kỷ XX người ta cho rằng Liên Âu sẽ vượt qua kinh tế Nhật và Hoa Kỳ. Mọi kết luận vội vã như vậy không đúng trên thực tế. Bây giờ, trước sự vươn lên của Trung Hoa Cộng Sản, người ta cũng có những kết luận vội vã như vậy. Chuyện đúng hay sai chờ thời gian trả lời.

Nếu trong chiến tranh lạnh vừa qua Hoa Kỳ dùng quân sự để thắng Liên Sô thì đến bây giờ chế độ Cộng Sản vẫn còn tồn tại ở Liên Sô. Hoa Kỳ không nặng nề về lý thuyết hay chủ nghĩa cao xa mà chỉ quan tâm đến kinh tế, tự do, dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân trí vàsự trọng pháp. Họ không mơ ước xã hội thiên đường mà chỉ tạo một xã hội nhân bản, nơi con người được tự do, no ấm và hưởng được quyền làm người, một xã hội mà người nghèo không bị đói, ăn mặc không rách rưới, mùa đông có sưởi, mùa hè có quạt, chân có giày dép; bịnh có thuốc men; ra đường có xe chở; mọi người không phân biệt nam-nữ, tuổi tác, chủng tộc đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng quyền học hành và có cơ hội cải thiện cuộc sống. Chính cái xã hội nhân bản đáng yêu ấy làm cho mọi công dân yêu cái xã hội và quốc gia mà họ sinh ra và trưởng thành. Lòng yêu nước tự nhiên nẩy nở. Họ phải bảo vệ đời sống tự do, ấm no, công bằng và trật tự trong tinh thần tôn trọng luật pháp nếu có một nước nào đe dọa xóa bỏ cái xã hội nhân bản đáng yêu ấy. Xã hội ấy không phải là thiên đường nhưng đó là nơi sống lý tưởng cho nhiều người kể cả của những người từng chửi bới và nguyền rủa nó.

Người Nga tìm thấy xã hội thiên đường Cộng Sản bằng 50 triệu xác chết vì đói, tù đày, lao động khổ sai. Cả nước mất tự do, thiếu no ấm, sợ sệt suốt 70 năm liền. Trung Hoa lục địa hy sinh 37 triệu người chết đói để thực thi Bước Tiến Nhảy Vọt của Mao, 20 triệu người bị hy sinh và hạ nhục kể cả những khuôn mặt quan trọng trong đảng Cộng Sản sau 10 năm cách mạng văn hóa (1966-1976) do Mao và vợ thứ ba của ông là Jiang Qing (Giang Thanh) phát động. Đó là chưa kể những người bị tra tấn, đánh đập, hạ nhục và bị giết bằng mọi phương tiện khác nhau trong cuộc cải cách ruộng đất và những người chết trong các trại lao động tập trung. Cảnh ‘thiên đường hạ giới’ theo hai mẫu ghi trên được tìm thấy ở bất cứ quốc gia Cộng Sản nào trên thế giới nhất là ở Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, Cambodia thời Khmer Đỏ và thời Hun Sen trước 1993. Điều hiển nhiên là người ta không thấy những làn sóng người trốn các nước ‘tư bản bóc lột’ để xin tỵ nạn ở các nước ‘thiên đường Cộng Sản’.

Trong canh bạc chánh trị quốc tế người ta chỉ thấy Hoa Kỳ thua. Nhưng không ai giải thích Liên Sô hay nói chung khối Cộng Sản thắng sao lại đi từ chủ nghĩa Cộng Sản giáo điều (dogmatism) sang chủ nghĩa xét lại (revisionism) thời Khrushchev sau cái chết của nhà độc tài Stalin, rồi chánh sách Glasnost (cởi mở) và Perestroika (tái cấu trúc) thời Gorbachev (1985-1991) và mèo trắng mèo đen của Deng Xiaoping. Tại sao đảng Cộng Sản ưu việt lại sụp đổ ở Đông Âu và ngay cả ở Liên Sô nữa?

Cộng Sản Việt Nam thắng trận. Đảng Cộng Sản Việt Nam ưu việt sao lại phải đổi mới? Vì sao người thắng trận ước ao được bang giao với người thua trận?

Kinh tế chỉ huy không mang lại phồn vinh và no ấm cho nhân dân CHNDTQ và CHXHCNVN đến nỗi phải nhờ đ̣ến kinh tế tự do mới được no ấm.

Tất cả những hình ảnh đó cho thấy chủ nghĩa Cộng Sản không có gì là ưu việt nếu không nói là không tưởng ngụy biện. Theo kinh tế tự do (kinh tế tư bản) tức là xác nhận sự sai lầm và thất bại của chủ nghĩa Cộng Sản nhưng vẫn cố bám vào chế độ đảng trị chỉ vì quyền hành của một nhóm người chứ không vì quyền lợi của đất nước hay dân tộc.

Theo Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản, Hoa Kỳ là đế quốc. Nếu Hoa Kỳ là đế quốc và không tôn trọng luật pháp quốc tế thì chế độ Cộng Sản làm sao tồn tại ở Cuba từ năm 1959 đến nay. Cuba chỉ cách Key West của Florida trên 100 cây số. Liên Sô dùng quyền gì đem xe tăng đàn áp nhân Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc? Việc Liên Sô xâm chiếm Afghanistan năm 1979 và Cộng Sản Việt Nam xâm chiếm Cambodia năm 1978 không phải là hành động xâm lăng của đế quốc sao? Tại sao Trung Hoa Cộng Sản có quyền xâm chiếm Tây Tạng? Và hiện nay tự giành cho mình 80% diện tích Biển Đông và hàng trăm đảo đá, đảo san hô, bãi cạn từ miền Nam Nhật xuống tận Indonesia?

Hoa Kỳ tạo nguồn cảm hứng cho người Đức đập tan bức tường Berlin năm 1989 và đánh phá vỡ bức màn tre của hai nước Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam bằng kinh tế thị trường. Trung Hoa lục địa và Việt Nam trở thành quốc gia Cộng Sản-Tư Bản, hai yếu tố bất khả hòa hợp nên không thể bền vững được. Cộng Sản mâu thuẫn với chính họ để trở thành mẫu người không có sắc thái vì họ không phải là Cộng Sản cũng không phải là Tư Bản. Họ cũng khó quay trở lại thời Cộng Sản giáo điều! Cuối cùng mọi việc chỉ trở nên bình thường khi hình thức kinh tế và chế độ chánh trị phối hợp nhau hài hòa: kinh tế tự do phải đi đôi với định chế chánh trị tự do và dân chủ. Dân chúng được ấm no đương nhiên sẽ có nhiều nhu cầu khác nhau như tự do, dân chủ, dân quyền v.v... Nạn tham nhũng, tranh chấp quyền hành, bất công xã hội khó tránh khỏi. Người yêu nhau và đoàn kết trong gian khổ. Người ta cấu kết, suy bì, ganh tỵ và ám hại nhau tranh cảnh phú quí. Sau năm 1975 Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà có vẻ phú túc. Võ Nguyên Giáp cảm thấy mình nghèo. Nguyễn Văn Linh có những lời phát biểu như ám chỉ Võ Văn Kiệt trở nên khá giả nhờ của cho vật biếu khi dẫn vợ đi ra nước ngoài! Không ai dám suy bì với Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Đức Thọ, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng... Cũng không ai biết 16 tấn vàng của VNCH được phân chia hay sử dụng vào việc gì ích nước lợi dân. Các đảng viên Cộng Sản có quyền hành chắc chắn có nhiều tiền bạc và tài sản to lớn. Tiền bạc ấy không thể giữ trong nước được. Nó phải được gởi vào các ngân hàng Hoa Kỳ, Thụy Sĩ hay các nước dân chủ Âu Châu chớ không dám ký thác vào các ngân hàng ở Beijing (Bắc Kinh) hay Moscow. Đó là thắng lợi vô hình của nước dân chủ do Hoa Kỳ đứng đầu. Việc thân nhân các lãnh đạo Cộng Sản ra sống ở nước ngoài, việc dân chúng ở các nước Cộng Sản tích lũy Mỹ kim hay lưu hành nó ngay trên quê hương mình và việc tìm kiếm mọi cách ra nước ngoài làm việc và sinh sống cho thấy sự thất bại to lớn của chánh quyền Cộng Sản. Cháu nội một thống chế nổi danh họ Ye(Diệp) của Trung Hoa Cộng Sản có chồng Hoa Kỳ. Con trai một thủ tướng Cộng Sản Việt Nam sống ở Hoa Kỳ và có quốc tịch Hoa Kỳ; con gái của vị nầy là một quan chức trông coi ngành ngân hàng ở Việt Nam, có chồng là con trai của một sĩ quan VNCH tỵ nạn ở Hoa Kỳ năm 1975 v.v… Nếu là thiên đường sao lại tìm cách bỏ đi để đến quốc gia mà chính họ chê bai nguyền rủa?

Ngoài ra Hoa Kỳ còn có chiêu thức khác nhau để thắng trong canh bạc chánh trị với Trung Hoa Cộng Sản mà không cần đến giải pháp quân sự. Về phía Trung Hoa Cộng Sản họ sợ Hoa Kỳ, Nhật, Nga ít hơn là sợ sự nổi dậy của dân chúng Trung Hoa, dân tứ ngoại tỉnh và dân thiểu số trong nước. Đó là chưa tính đến sự rạn nứt trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng Sản thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau. Càng âm thầm căng thẳng với Hoa Kỳ, Trung Hoa Cộng Sản càng chú trọng nhiều đến việc binh bị và phát triển chủ nghĩa đế quốc. Kinh tế của họ càng mau suy sụp như Nhật, Đức trong đệ nhị thế chiến và Liên Sô trong việc xâm lăng Afghanistan vừa qua. Hoa Kỳ vẫn có nhiều ưu thế để thắng canh bạc chánh trị quốc tế thời hậu chiến tranh lạnh.

Hoa Kỳ là nơi tập trung nhiều tinh hoa của nhân loại. Người có tài năng và giàu có nào trên thế giới cũng có thể trở thành công dân Hoa Kỳ. Ông Einstein và Von Braun là những nhà bác học gốc Đức đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ da trắng đầu tiên có tổng thống da đen. Ngày mới đặt chân đến Hoa Kỳ từ Đức, ông Kissinger chỉ có một ước mơ tầm thường. Không bao lâu người ta khám phá ra được tài năng của ông và đưa ông lên đỉnh cao danh vọng. Năm 1941 ông Eisenhower là chuẩn tướng một sao trong quân đội. Năm 1942 ông là trung tướng ba sao chỉ huy quân Đồng Minh ở Âu Châu. Đến tháng 11 năm 1942 ông được thăng lên đại tướng 04 sao để chỉ huy quân đội Đồng Minh ở Bắc Phi. Năm 1944 ông được thăng lên thống tướng (5 sao) tương đương với thống chế trong quân đội Âu Châu chỉ huy quân Đồng Minh giải phóng Âu Châu. Đó là những thí dụ điển hình cho thấy Hoa Kỳ đánh giá đúng khả năng của công dân để trọng dụng và phong thưởng họ đúng mức khiến cho mọi người đều hết lòng đem khả năng của mình ra phục vụ xứ sở. Năm 1952 tướng Eisenhower đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Năm 1956 ông được tái đắc cử. Với định chế chánh trị dân chủ nên chánh trị Hoa Kỳ thật ổn định. Không đảo chánh. Không lạm quyền và chà đạp hiến pháp hay xem thường luật pháp. Không thành kiến tôn giáo, chủng tộc. Không bị ràng buộc bởi chủ nghĩa hay tiền lệ nào. Bộ trưởng bộ Quốc Phòng không bắt buộc phải là tướng lãnh. Bộ trưởng bộ Ngoại Giao không bắt buộc phải là dân sự. Mạnh dạn nhưng công bằng và hợp lý trong thưởng phạt v.v…

Hoa Kỳ là quốc gia có hiến pháp thành văn từ thế kỷ XVIII, đến nay hiến pháp vẫn còn hiệu lực. Hiến pháp có tu chính nhưng không bị xé bỏ. Từ cách mạng 1789 đến 1958 Cộng Hòa Pháp có 5 bản Hiến Pháp. Liên Bang Hoa Kỳ bền vững và ngày càng phát triển từ 13 tiểu bang nguyên thủy đến 48 tiểu bang rồi 50 tiểu bang. Liên Sô bắt chước thành lập Liên Bang trong cơ chế chánh trị độc tài và bất bình đẳng dân tộc nên Liên Sô (Liên Bang Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết) chỉ thọ được 70 tuổi mà thôi (1922-1991).

Sự phồn vinh kinh tế, sự phát triển khoa học kỹ thuật, tiềm năng quân sự phong phú đã sớm đưa Hoa Kỳ từ địa vị một quốc gia tân lập vừa độc lập khỏi sự cai trị của người Anh sớm trở thành một cường quốc lãnh đạo thế giới và chủ động thắng lợi trong canh bạc chánh trị quốc tế.

Do đâu họ có những thành quả kỳ diệu như vậy?

– Định chế chánh trị dân chủ, nhân bản và trọng pháp.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2013