Nguyễn Thanh Hùng


Giới thiệu bộ sách 'Tác giả trẻ nghĩ về những tôn giáo lớn'

Phần về Phật giáo

Điều gì chi phối đời sống của một cư dân Hà Lan theo Hồi giáo / Do Thái giáo / Thiên Chúa giáo / Ấn Độ giáo / Phật giáo / Tân tâm linh (Nieuwe Spiritualiteit) vào năm 2008?

Ta không dễ gì biết, nếu chỉ đọc những dẫn giải quen thuộc, cơ bản về các nền tôn giáo lớn trên thế giới. Trong khi đó là một câu hỏi rất cấp thiết nếu ta muốn hiểu người hàng xóm theo Hồi giáo hoặc Ấn Độ giáo một cách sâu sắc hơn. Hoặc khi ta muốn biết tại sao người bạn gái theo Phật giáo lại đi tìm sự tĩnh lặng trong một khóa tu học. Với bộ sách này, sáu triết gia trẻ Hà Lan thử tìm hiểu động lực và thế giới quan của những cư dân Hà Lan theo các tôn giáo kể trên.

Để có thể biết được những người có tín ngưỡng này suy nghĩ và cảm xúc ra sao, sáu triết gia trẻ đã trao đổi rộng rãi với các tín đồ của những truyền thống tôn giáo và tâm linh lớn. Họ cũng nghiên cứu các sách vở liên hệ, xoay quanh ba câu hỏi triết lý này: 

1.- Nhân ảnh mà các tôn giáo và truyền thống này đã phản chiếu cho chúng ta, đó là gì?
2.- Các tôn giáo và truyền thống tâm linh đã dựa trên nền luân lý nào?
3.- Các tôn giáo và truyền thống tâm linh hiến tặng cho ta sự giải thoát hay giác ngộ nào?

Cuộc tìm kiếm của các triết gia trẻ đã được đúc kết bằng 6 cuốn sách, về các nền tôn giáo lớn ở đất nước Hà Lan. Một trong 6 cuốn – phần về Tân tâm linh – ghi lại những phong trào tâm linh đang được thịnh hành, kết tập từ những tinh hoa của nhiều truyền thống tôn giáo và tâm linh dị biệt.

Trong cuốn về Phật giáo, triết gia Jan den Boer (1960) tìm cách giải thích cho sự phổ biến chưa từng có trước đây của Phật giáo và các phong trào Phật giáo hiện hành ở Hà Lan.

Nhiều người nhìn thấy trong truyền thống này một hứa hẹn cho hạnh phúc, hay ít ra, một lối thoát cho những khổ đau của kiếp người. Tác giả Jan den Boer đã phỏng vấn một số phật tử của nhiều giáo phái phật giáo khác nhau và với một vị giáo sư Phật giáo học về đề tài khổ đau và hạnh phúc. Ông cũng tham dự một khóa tu thiền dành cho các quản trị gia và một cuộc họp của khóa tu phổ biến 'Giảm stress dựa trên tỉnh thức – Mindfulness-Based Stress Reduction (thường được viết tắt là MBSR)'

Jan den Boer là triết gia, kiến trúc sư và một thày dạy Tantra-Yoga. Ông có bài đăng trên nhật báo 'Trouw' và 'Bres' và là tác giả của một số sách, trong đó có cuốn 'Het is tijd voor een liefdesrevolutie' (Bây giờ là thời điểm của một cuộc cách mạng về tình yêu) (2007).

*******

Cái tôi tốt hơn của một phật tử

Cokky van Limpt

 

Tôi đã khám phá rằng mình không cần phải là một phật tử để sống như một phật tử. Phật giáo là một cách sống dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý học, đó không phải là một tôn giáo hữu thần hoặc đa thần. Vì thế, tất cả mọi người đều có thể áp dụng những nguyên tắc phật giáo vào trong đời sống của mình, cho dù là một người theo Thiên chúa giáo. Hãy sống như một con người tốt, đó là trọng tâm sâu xa nhất của Phật giáo.

Hành xử một cách ‘giác ngộ' – cung cách hành xử vượt thoát khỏi 'khổ đau' – cũng giống như vầy: ta không cần phải được giác ngộ mới có thể hành xử được như thế. Đó là một chọn lựa.

Hãy thử nhìn điều gì đã xảy ra sáng nay. Bạn để quên địa chỉ ở nhà, còn tôi, từ Vleuten với gió ngược, tôi đã phải đạp xe nhanh hơn nữa để đến kịp giờ hẹn.

Đương nhiên bạn và tôi ai cũng muốn đến đúng hẹn, nhưng đối với người phật tử, trong trường hợp này, thì không cần thiết phải đánh mất mình trong trạng thái hốt hoảng. Điều quan trọng là nỗ lực: tôi làm với tất cả khả năng, không hơn không kém. Bạn đã muốn mang theo địa chỉ và tôi đã muốn đạp xe nhanh hơn nữa. Cả hai ta đã không thực hiện được điều này, nhưng chúng ta đã cố gẳng hết mức. Nếu ta có thể nhìn vấn đề như thế, với một cái tâm bình thản, thực sự có mặt, thì ta đang hành xử một cách giác ngộ, không vướng mắc ‘khổ đau' dưới hình thức của sân si hay căng thẳng (stress).

Trong khi nuôi nấng đứa con trai nhỏ tên Joram, tôi cũng cố gắng hành xử cho có giác ngộ, bằng cách phân biệt sự giận dữ và sự nghiêm khắc. Nếu con tôi đập bể một cái đĩa ăn, thì điều đầu tiên tôi thấy dâng lên trong lòng là sự khó chịu. Khi nhận ra điều đó, tôi lập tức tìm cách quán chiếu với sự quan tâm và tò mò điều đang xảy ra trong tâm mình: à, lý thú thật, mình đang khó chịu.

Đồng thời, là cha, tôi cũng phải dạy dỗ con mình, vì việc đập bể đĩa ăn không phải là điều tốt. Nhưng thay vì trở nên giận dữ, tôi tìm cách giúp con thay đổi hành vi của cháu. Qua đó, tôi hướng hành động giáo dục vào việc phục vụ con cái, thay vì để hành động đó phục vụ cho sự khó chịu của riêng mình. Nếu tôi giận cháu Joram, thì cháu sẽ hốt hoảng. Nếu tôi nghiêm khắc với cháu, thì một cuộc tranh luận được phát khởi, nhưng đó không phải là một vấn đề.

Phật giáo phân biệt trạng thái tự nhiên của tâm và trạng thái ‘vướng mắc' của tâm. Tâm vướng mắc là một cái tâm bám víu, chẳng hạn như bám vào một cái xe hơi đẹp, vào nỗi sợ cái xe hơi đẹp có thể bị hư hỏng, hoặc vào ý tưởng ‘bây giờ mình phải ngủ, nếu không ngày mai sẽ không làm việc được'. Cái vướng mắc đó của tâm tạo ra sự bất an. Điều ngược lại cũng có thể gây ra bất an: một cái tâm co cụm, khép kín. Chẳng hạn như sáng nay, tôi cũng có thể nghĩ như thế này (khi đang đạp xe đến cuộc hẹn): "Mặc kệ, trễ hẹn thì có sao đâu.”

Cả hai hành động trên, bám víu và co cụm, đều bắt nguồn từ một cái tâm đầy những suy nghĩ và cảm xúc có thể có được, điều mà phật giáo gọi là những ảo tưởng của cái ngã. Nếu ta bám víu vào những ảo tưởng của cái ngã này – chẳng hạn: tôi chỉ thật sự hạnh phúc khi có được một cái xe hơi mới, hoặc: đời sống của tôi không còn ý nghĩa gì nữa nếu người yêu của tôi bỏ ra đi – thì sự bất an, khổ đau, tranh cãi và bất hạnh sẽ xuất hiện.

Phương pháp thiền quán của phật giáo dạy ta, qua những hành động quán chiếu tâm thức của mình, tìm ra một sự thăng bằng giữa sự không-bám-víu và sự không-co-cụm. Cái trung điểm của sự thăng bằng đó, ‘trạng thái tự nhiên của tâm', được phật giáo diễn tả bằng khái niệm ‘không' – sự vắng mặt của những ảo tưởng về ngã. Nhưng ta cũng có thể gọi đó là không gian, là sự thân thiện, là từ bi, cởi mở, trong sáng và nguồn an lạc.

'Tốt hơn' là một từ ngữ nguy hiểm theo phật giáo, bởi vì hàm ý ‘bám víu'. Nếu phật giáo nhắc đến ‘một cái tôi tốt hơn' thì ý niệm này chỉ nên được hiểu trong hình thức một cái nghiệp báo tốt hơn. Điều này không bao hàm sự ích kỷ cá nhân, bởi vì một nghiệp báo tích cực không được dựng trên sự ích kỷ, mà qua cách sống từ bi, ta thật sự đóng góp để xây dựng một cộng đồng thế giới tốt đẹp hơn'.

 

Nguyễn Thanh Hùng dịch

Trích từ : 'Het betere ik van de boeddist', trong cuốn: 'Boeddhisme' (Phật giáo).
Một trong 6 cuốn của bộ sách 'Tác giả trẻ tư duy về các tôn giáo lớn' (Jonge denkers over grote religies).
Tác giả: Jan den Boer

do nhà xuất bản Ten Have và nhật báo Trouw thực hiện.
ISBN 9789025958213; 124 trang.

 


Cái Đình - 2009 .