Trần Văn Thủy


Biểu diễn lập trường

Đây là tựa đề của bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Mộng Giác, cựu Chủ bút tạp chí Văn Học (California, Hoa Kỳ), là một trong những bài phỏng vấn một số nhân vật trong giới văn học Việt hải ngoại, do Trần Văn Thủy thực hiện trong thời gian ông làm việc cho chương trình nghiên cứu của Trung Tâm William Joiner, Đại học Massachussets, Boston (Hoa Kỳ) năm 2003. Những bài phỏng vấn cùng một số tạp bút đã được Trần Văn Thủy đưa chung vào một tác phẩm, với tựa đề 'Nếu đi hết biển', Thời Văn xuất bản. Chú thích của BBT.

 

Nguyễn Mộng Giác (NMG): Chắc anh Thủy không có cơ hội tìm hiểu và đọc nhiều văn chương hải ngoại nói chung, nên tôi xin gửi anh bài Nguyễn Mạnh Trinh phỏng vấn tôi, để sự thông cảm nhau dễ hơn, và những vấn đề chúng ta trao đổi không gặp những trở ngại do không hiểu hoàn cảnh của nhau. Chẳng hạn nếu năm 1953 sau đợt Cải cách Ruộng đất thực hiện ở Liên khu V, bà ngoại tôi bị đấu tố và gia đình tôi (lúc đó sống chung với bà ngoại) bị liệt vào thành phần địa chủ phú nông, ba tôi bị loại khỏi biên chế ngành giáo dục, tôi đang học lớp Bảy trường trung học cấp II đạt điểm cao nhưng không được lên lớp Tám, thì có thể tôi đã ở trong số học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 (như anh cả của tôi) và những gì tôi trải qua trong đời cũng giống như anh. Những kinh nghiệm của tôi về chế độ Cộng sản, ấn tượng của tôi về cuộc kháng chiến chống Pháp do đó gần gũi với kinh nghiệm và ấn tượng của những người kháng chiến cũ về thành sau 1954 như Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, hơn là với những người trước sau vẫn sống trong vùng kiểm soát của Pháp, hoặc những vị du học từ Pháp về như Nguyên Sa, Nguyễn văn Trung... Tôi sống qua nhiều chế độ, mỗi lần chế độ thay đổi là mỗi lần phải điều chỉnh để thích nghi, và chứng kiến điều người ta gọi là “thế thái nhân tình”, nên tôi thích nhìn mọi sự theo nhiều chiều. Thói quen đó rất có ích cho tôi khi viết tiểu thuyết. Tôi nghĩ người làm phim, nhất là phim tài liệu như anh, cũng cần những cái nhìn nhiều chiều như thế. Tôi biết rất ít về anh, ngoài xúc động rất lớn khi xem hai phim Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế. Anh kể sơ cho nghe được không?

Trần Văn Thủy: (TVT): Về tôi ư, anh Giác? Cũng chẳng có gì đặc biệt đâu anh, tôi cũng như hầu hết những người cùng trang lứa, sinh trưởng và lớn lên ở miền Bắc. Có điều trước khi đến vùng này, ở Boston tôi được bạn bè cảnh giác là tới khu Little Saigon phải coi chừng, phải làm sao để đồng hương không biết mình từ Hà nội qua, nếu không có thể bị những người cực đoan hành hung. Qua đây, tôi thấy tình trạng không đến nỗi như thế. Sự thật thế nào? Có phải các tranh chấp phe nhóm ở đây căng thẳng như tường thuật trên báo chí Việt ngữ hải ngoại hay không? Hình ảnh quê hương họ mang theo là gì?

NMG: Mỗi đợt tị nạn và di dân người Việt ra nước ngoài mang theo một hình ảnh quê hương khác nhau, và khuynh hướng chung là cố giữ nguyên hình ảnh quê hương ấy như một thứ gia tài riêng, không muốn nó đổi thay. Chẳng hạn đối với đợt di tản ngay sau 1975, quê hương là hai mươi năm thăng trầm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và kỷ niệm hãi hùng về những ngày cuối đưa tới Sài Gòn thất thủ. Những người Việt thuộc thế hệ này cho đến nay vẫn còn mơ ước phục hồi lại một nước VNCH cũ với đầy đủ các cơ chế nhà nước của nó, để họ trở lại vai trò tướng lãnh, dân biểu, nghị viên..quên mất rằng dù có “quang phục” được “nước” cũ thì họ cũng đã già khụ cả rồi, không làm gì được nữa. Có vị khoa bảng thông thuộc chính trị quốc tế còn đòi phục hồi lại hiệp định Paris, phục hồi giới tuyến là vĩ tuyến thứ 17 của hiệp định Genève. Sinh hoạt chính trị mặt nổi của các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, Canada, Úc đều có nét tương tự là tạo cái không khí huyễn tưởng như mình vẫn còn sống thời VNCH, một thứ VNCH nối dài với nghi thức chào cờ, hát quốc ca, mặc niệm, chào kính theo cấp bậc cũ... Thế hệ này không muốn hình ảnh quê hương đó bị thay đổi theo thời gian. Họ sợ về lại Việt Nam vì biết chắc đã về thì thế nào hình ảnh ấy cũng bị hình ảnh khác thay thế, và họ phải thích nghi với hình ảnh mới. Để biện minh cho quyết tâm nhất định không về ấy, một quyết tâm do thôi thúc về tâm lý hơn là do lập trường chính trị, thế hệ này thường đưa ra một lối giải thích rất đúng lập trường: là họ chỉ trở lại quê hương sau khi quê hương không còn bóng cộng sản nữa.

TVT: Anh qua đây vào thời gian nào, và bằng cách nào? Hình ảnh Việt Nam, hình ảnh quê hương anh mang theo có giúp gì cho công việc viết văn của anh không?

NMG: Đợt thứ hai đông đảo hơn đợt đầu gồm những người tị nạn vượt biên từ những năm 1978, 1979... nương theo những đợt ra đi bán chính thức của người Hoa sau khi Việt Nam và Trung quốc xung đột với nhau. Tôi vượt biển cuối năm 1981, lúc kinh tế Việt Nam đang ở trong thời kỳ bi đát nhất. Hình ảnh quê hương tôi mang theo thật bi thảm. Trước đó, tôi làm công cho một tổ hợp chế biến mì sợi ở Phú Lâm, Chợ Lớn. Trên đường đi làm về, từ Quận 11 TP. HCM về lại Thị Nghè, tôi đạp xe qua những phố lớn của Chợ Lớn, Sài Gòn, mà như lang thang trong một nghĩa trang. Phố xá đóng cửa sau đợt Cải tạo Công thương nghiệp. Những người bị đẩy đi vùng kinh tế mới sống không nổi về lại Sài Gòn sống tạm bợ, cả gia đình nằm ngủ trên những chiếc chiếu rách trải trước các căn nhà kín cửa đường Đồng Khánh, đường Trần Hoàng Quân, đường Trần Hưng Đạo...Hình ảnh quê hương chúng tôi mang theo là nguồn hứng cho sự phát triển và sinh động của văn chương hải ngoại những năm 80, và tôi nghĩ cũng là cảm hứng cho anh làm hai phim Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế.

TVT: Những người Việt ly hương, ra đi trong những thời điểm khác nhau, hoàn cảnh và động cơ khác nhau, vậy họ có thể cùng chung một chính kiến, đọc chung một tờ báo?

NMG: Đợt thứ ba gồm nhiều thành phần phức tạp hơn, vì ra đi do nhiều động cơ khác nhau: có những cựu sĩ quan và viên chức của VNCH đi tù cải tạo hơn ba năm được qua Hoa Kỳ cùng với toàn gia đình qua chương trình H.O.; có những gia đình ra đi theo diện con lai; có những người ra đi theo diện đoàn tụ gia đình; có những du học sinh hoặc hợp đồng lao động ở các nước Đông Âu và Liên xô (đa số từ Miền Bắc) quyết định ở lại không về sau khi chế độ cộng sản ở các nước ấy sụp đổ, và trở thành một bộ phận của khối đông đảo “Việt kiều” trước đây gồm đa số những người miền Nam ra đi vì không thể sống dưới chế độ cộng sản. Mỗi nhóm nhỏ có một hình ảnh quê hương riêng, một tập tục và thói quen sinh hoạt riêng. Chẳng hạn nhóm những người Việt hiện đang sống ở Đức, Ba lan, Tiệp, Nga có thể có cùng chính kiến với những người Việt “quốc gia” đang sống ở Hoa Kỳ (như chủ trương chế độ cộng sản phải giải thể, chủ trương dân chủ đa nguyên...), nhưng người Việt ở Tiệp không thể đọc nổi một tờ báo tiếng Việt xuất bản ở Hoa Kỳ (như tờ Văn Nghệ Tiền Phong), và vẫn cảm thấy thân quen cảm động khi cầm trên tay những tờ báo như An Ninh Thế Giới, Lao Động, Văn Nghệ, Tiền Phong, Tia Sáng...

TVT: Văn chương, báo chí... nói chung là giới truyền thông, có thể làm cho các khối nhỏ người Việt ấy gần gũi với nhau hơn không, kể cả sự cảm thông giữa người Việt trong và ngoài nước?

NMG: Tôi nghĩ: Có và không.
Xin nói đến cái “không” trước.
Báo chí, cả trong lẫn ngoài nước, trong tình trạng hiện nay, muốn tồn tại thì phải tùy thuộc vào quyền lực chính trị. Trong nước, là chính quyền. Ngoài nước, là các đoàn thể chính trị tuy không có khả năng pháp quyền nhưng lại có khả năng kích động dư luận để phá hủy uy tín hay ngay cả sự sống của một cơ quan truyền thông. Báo chí trong nước không có tự do đã đành, mà báo chí ở hải ngoại cũng không được quyền tự do như báo chí Mỹ, Anh, Pháp, Úc... được hưởng. Vũ khí các hội đoàn hay báo chí ở hải ngoại thường dùng để phá nhau, suốt 28 năm nay, là chụp mũ cộng sản. Do đó, dù không bị áp lực nào từ phía chính quyền, báo nào cũng phải thường xuyên cảnh giác, biểu diễn lập trường chống cộng trong cách dùng chữ, cách loan tin... để tự vệ. Nguồn tin quê nhà báo chí hải ngoại đang dùng phần lớn lấy từ báo chí trong nước và các bài trên các website trong nước. Ban biên tập các báo lựa các tin xấu như nạn tham nhũng, mãi dâm, kinh tế trì trệ, nạn cửa quyền lộng hành...viết lại theo cách hành văn “quốc gia” rồi in lên báo. Những chữ trong nước dùng nhưng không thông dụng ở Miền Nam trước 1975 thì sửa lại cho đúng với lập trường. Kết quả là những tin tức được chính trị hóa cẩn thận. Mức độ chính trị hóa thay đổi nhiều ít theo uy thế chính trị của từng tờ báo, cơ quan truyền thông nào uy thế vững thì nhu cầu biểu diễn lập trường càng ít, và ngược lại.

TVT: Như vậy là chúng ta có một đề mục rất hấp dẫn. Đó là mục: Biểu Diễn Lập Trường?

NMG: Tình trạng này xảy ra cho các hội đoàn chính trị nhiều hơn. Gần như công việc chính của các hội đoàn trên mặt truyền thông là tìm mọi cơ hội để biểu diễn lập trường chống cộng và phê phán lập trường chao đảo của các hội đoàn đối lập. Do đó, có những cuộc biểu dương lập trường với các mục tiêu nhỏ (như vài ca sĩ từ trong nước ra trình diễn ở hải ngoại, kể cả những văn nghệ sĩ gốc miền Nam cũ như Thanh Lan, Bạch Tuyết...). Hiện nay, gần như ban tổ chức các cuộc biểu tình biểu diễn lập trường này xem tất cả những người từ trong nước ra hải ngoại đều khả nghi, đều là cán bộ nhà nước cử ra nước ngoài với một nhiệm vụ bí mật nào đó trong kế hoạch kiều vận do chính quyền Việt Nam chủ xướng (như chiến dịch Bông hồng đỏ, Bông hồng xám). Những người không đồng ý với phương cách hành động ấy liền bị chụp mũ là “cộng sản nằm vùng”, là “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Dường như lúc nào, ở đâu cũng có những cuộc tranh cãi gay gắt giữa các hội đoàn, hoặc cá nhân ảnh hưởng đến các hội đoàn do nhu cầu biểu diễn lập trường chống cộng như thế, suốt 28 năm qua. Trước khi ra đi, ở Sài Gòn, tôi có được xem một phim hay do Liên xô sản xuất, phim Chạy Trốn. Phim kể cuộc sống lưu vong của những sĩ quan Bạch quân ở nước ngoài. Tôi nhớ phim có kể chuyện một ông tướng Bạch quân sống ủ rũ trong cảnh nghèo túng và tuyệt vọng, giết thì giờ bằng cách ra vườn bắt kiến của hai đàn khác nhau bỏ gần nhau cho chúng cắn giết nhau, thỏa mãn những ước vọng thầm kín bị hoàn cảnh đẩy vào trong tiềm thức thành một nỗi ẩn ức khôn nguôi. Cách báo chí và các hội đoàn hải ngoại cư xử với nhau rất giống với nội dung phim Chạy Trốn.

TVT: Tôi cũng đã xem Chạy Trốn rồi. Tôi học điện ảnh ở Nga mà. Chạy Trốn là một tác phẩm tầm cỡ, tương tự như Sám Hối của Abu Latde.

NMG: Nhưng anh Thủy có lưu ý không, ngay báo chí trong nước cũng không thoát khỏi cái bệnh biểu diễn lập trường, dù báo chí ở trong tay chính quyền. Thú thật với anh, đọc một tờ báo trong nước (nhất là vào những dịp lễ lạc kỷ niệm chiến thắng này chiến thắng kia), tôi không có cảm giác thoải mái (y như một bạn trẻ lớn lên ở Miền Bắc đang ở Đông Âu đọc tờ báo Việt ngữ xuất bản ở đây). Cách dùng chữ, nhất là khi đề cập tới quân nhân chế độ VNCH là đối phương trong cuộc chiến tranh đã qua, vẫn mang nặng tính miệt thị, hằn học đầy sắt máu không nên có nơi cửa miệng kẻ chiến thắng. Truyện, hồi ký, bút ký vẫn đầy dẫy những “thằng ngụy” này, “con ngụy” kia. Phần những trang đầu của tờ báo vẫn dành riêng cho “bàn thờ”, người viết báo trước khi viết gì, trước hết cũng phải vào vái vài vái, sau đó tùy nghi. Xin lỗi anh, không biết sau chuyến đi này, về Việt Nam anh sẽ viết những gì. Nhưng một vài bạn văn Việt Nam qua đây, trở về VN viết bài đầy những chi tiết sai sự thực, nhằm biểu diễn lập trường, đọc rất khó chịu. Nhiều bài thuật rằng các nhà văn VN qua Mỹ đi đâu cũng gặp những cựu chiến binh Mỹ hối hận tràn trề vì đã tham chiến ở VN, và họ khẩn khoản xin các bạn VN tha lỗi. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì kể vừa đến New York đã gặp ngay một cựu chiến binh vô gia cư biểu lộ sự khâm phục đối với bộ đội VN mà TMH là đại diện. Người này vừa thấy đoàn VN của Trần Mạnh Hảo đã tấu ngay bài Tiến Quân Ca để chào mừng. Nhà văn Nhật Tiến có viết trên báo Viet Tides một bài vạch ra những vô lý trong bài viết của Trần Mạnh Hảo. Nói chung, vẫn là hậu quả của căn bệnh biểu diễn lập trường vào lúc chuyện đó không còn cần thiết.

TVT: Thực tình tôi không rõ chuyện của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhưng theo anh, vì sao cả trong lẫn ngoài nước đều phải biểu diễn lập trường như thế?

NMG: Ở trong nước thì dễ hiểu rồi. Ngoài này, do nhu cầu tâm lý. Như tôi vừa nói ở trên, mỗi người Việt tha hương đều mang theo mình một hình ảnh quê hương riêng, và không muốn thay đổi hình ảnh ấy. Đối với những người gốc Miền Nam ra đi vì không thể sống dưới chế độ cộng sản, hình ảnh ấy thật bi thảm. Có vẻ nghịch lý nhưng là thực tế: là nhiều người Việt ở nước ngoài không mấy vui khi nghe Việt Nam thay đổi, khi nghe đời sống người Việt trong nước có thăng tiến so với trước, và họ không muốn nghe, không muốn thấy sự thay đổi đó. Não trạng đó rất thích hợp với cách biểu diễn lập trường trên báo chí và sinh hoạt hội đoàn. Mà một thái độ ứng xử xuất phát từ một động lực tâm lý sâu xa thì không thể lấy lý để thảo luận được. Có những người chủ trương cắt đứt mọi liên hệ với Việt Nam, kể cả không mua hàng VN, không gửi tiền về giúp đỡ thân nhân ở VN, vì làm như thế là “tiếp máu” cho chế độ cộng sản tồn tại. Dân có khổ thì mới đứng lên lật đổ chính quyền. Những lập luận như thế rất phổ biến, gần như là phương cách chung các hội đoàn đưa ra để biểu diễn lập trường khi cần. Có hội đoàn còn đặt hẳn điều lệ không cho những người đã về thăm Việt Nam ứng cử vào các chức vụ trong ban chấp hành hội. Tôi đã sống trên đất Mỹ trên hai mươi năm, ở một nơi tập trung người Việt đông đảo nhất của hải ngoại (quận Orange, California). Và tôi không thấy cách suy nghĩ và ứng xử trên thay đổi theo thời gian, ít ra trên mặt công khai.

TVT: Vâng, trên mặt công khai, căn bệnh biểu diễn lập trường qủa là một căn bệnh trầm kha. Nhưng ở chỗ riêng tư, ở chỗ không công khai, có sự thay đổi?

NMG: Đó là cái “có” tôi sắp nói tới.
Vâng, ở chỗ không cần biểu diễn lập trường, rõ ràng có sự thay đổi.
Không thay đổi sao được khi trong thập niên cuối thế kỷ 20, bao nhiêu biến cố quan trọng đã xảy ra, nhất là sự tan rã của khối Cộng sản Liên xô và Đông Âu. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác bàng hoàng khi lần đầu tiên xem hai cuốn phim Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế của anh. Sau khi đọc những truyện ngắn truyện dài giọng điệu đầy sắt máu và cao ngạo, hai phim đó, cùng với những vở kịch của Lưu Quang Vũ, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp... cho tôi thấy một Việt Nam khác, hợp lý hơn, cận nhân tình hơn. Tại sao những điều bình thường như sống làm sao cho tử tế, cư xử với nhau cho tử tế... mà đến bây giờ còn phải nhắc nhở người Việt Nam mới nhớ ra? Chúng ta đang ở trong mê lộ ghê gớm như thế, tại sao chúng ta không hay biết gì cả? Phải nói đó là một thức tỉnh quí giá. Và từ đó, mỗi người cầm bút có lương tâm phải rà soát lại chính mình. Cái “có” đáng mừng từ đó nẩy sinh.
Văn học nghệ thuật, khác với báo chí và sinh hoạt chính trị (gắn liền với nhu cầu thời sự trước mắt), bao giờ cũng cần một “độ lùi thời gian”. Cái nóng hổi phải chờ cho nguội đi để thành cảm hứng nghệ thuật. Nhờ vậy, sáng tác văn nghệ - loại văn nghệ đích thực - đòi hỏi sự chân thành. Chính vì thế mà trong khi những pha biểu diễn lập trường công khai vẫn tiếp tục trên báo chí, thì văn chương hải ngoại thay đổi nhiều trong thập niên 90. Rõ ràng có giao lưu giữa trong và ngoài, có những quan tâm đến các thay đổi trong nước, và những tiếng nói lương tâm từ trong nước được giới cầm bút ở hải ngoại trân trọng đón nhận.

TVT: Như thế theo anh, văn học nghệ thuật ở hải ngoại sẽ đóng một vai trò rất quan trọng, là làm nhịp cầu thông cảm giữa các phe nhóm ở hải ngoại, và giữa trong nước và ngoài nước. Tôi hiểu như thế, có đúng ý anh không?

NMG: Tôi không lạc quan như thế đâu.
Vì như một bài phát biểu của tôi năm 1997, văn học nghệ thuật ở hải ngoại không thể thoát ra ngoài qui luật chung của sinh hoạt văn hóa di dân, là càng ngày càng bị đồng hóa và lặn chìm trong văn hóa bản địa. Như sinh hoạt văn hóa của những di dân gốc Đức, gốc Ý, gốc Trung hoa, gốc Ba lan... trên đất Mỹ, cuối cùng cái gọi là văn nghệ của người Việt hải ngoại cũng bị chìm khuất mất tích trong sinh hoạt văn hoá địa phương. Nghĩa là văn học nghệ thuật hải ngoại đang bị “lão hóa”.
Đầu năm 1997, Đài Phát thanh Úc có phỏng vấn tôi về tình hình văn học hải ngoại trong năm 1996. Tôi trả lời chung chung, trong đó có nêu ra hiện tượng các nhà văn nữ xuất hiện khá đông đảo trở lại sau đợt xuất hiện ồ ạt những năm 1983-1985. Tôi cũng nêu ra bốn cuốn sách có giá trị được xuất bản trong năm gồm: Marie Sến tiểu thuyết của Phạm thị Hoài, Thơ, v.v. và v.v. tiểu luận phê bình của Nguyễn Hưng Quốc, Những bài dã sử Việt của Tạ Chí Đại Trường và Tuyển tập Hà Sĩ Phu. Bốn cuốn sách đều thuộc loại “giải ảo và đặt lại vấn đề”. Sau khi nêu hiện tượng xuất hiện của nhiều nhà văn nữ, tôi tiên đoán văn chương hải ngoại năm sau sẽ phát triển, giống như đã phát triển sau năm 1985. Còn cô Minh Nguyệt làm việc cho Đài Phát thanh Úc thì, sau khi nghe tôi nêu tên bốn cuốn sách hay, liền tiên đoán là năm 1997 văn chương hải ngoại sẽ dứt khoát bỏ những đường mòn, mạnh dạn đổi mới. Những tiên đoán lạc quan ấy, như thời gian đã chứng minh, đều sai. Đều lạc quan tếu. Vì nghĩ cho cùng, cả tôi lẫn cô Minh Nguyệt đều không dựa vào dữ liệu chính xác nào cả, chỉ mong ước sao thì đoán vậy.

TVT: Vâng, việc viết, việc sáng tác của những nhà văn, nhà thơ là như vậy. Thật không dễ dàng gì, nhưng việc xuất bản ở bên này thì có thể hoàn toàn chủ động?

NMG: Phải thú nhận ngay từ bây giờ là theo nhận định chủ quan của tôi, có “nhiều ước mộng không thành”. Từ ngày tôi trả lời phỏng vấn của Đài Phát thanh Úc, văn chương hải ngoại không cất cánh theo đoàn nữ binh tiên phong, và cũng không chiều ý cô Minh Nguyệt, không hăng hái đổi mới hay chuyển hướng. Tình trạng xuất bản những năm gần đây chẳng những không cải tiến mà còn sa sút hơn. Những nhà xuất bản uy tín trước đây ngày càng ngại bỏ tiền xuất bản sách, nhất là loại sách sáng tác như thơ, tiểu thuyết. Số ấn bản trung bình chỉ lên đến 500, nghĩa là nếu bán hết may lắm lấy lại đủ vốn, nên dù sách xuất bản dưới nhãn hiệu nào, đa số trường hợp chính tác giả phải bỏ tiền in lấy sách mình. Tình trạng ấy đưa tới một loạt những phụ ứng: sách ra nhiều nhưng chất lượng không bao nhiêu, nhu cầu quảng cáo để bán sách giết chết ngành phê bình, độc giả đứng trước rừng sách nhiều mầu không biết nên mua sách nào sau nhiều lần “trao thân lầm tướng cướp” quyết định không mua sách nữa, không có người mua sách thì ngành xuất bản sa sút kéo theo động cơ thúc đẩy việc sáng tác... Cái vòng lẩn quẩn không lối thoát ấy có thể xảy ra cả trong nước, nhưng ở hải ngoại trầm trọng hơn do tình trạng lão hóa của sinh hoạt chữ nghĩa.

TVT: Tôi hiểu, anh quan tâm tới lớp trẻ, lực lượng học sinh, sinh viên, công chức… mà chúng ta vẫn quen gọi là thế hệ hai?

NMG: Thật vậy, ở đâu lực lượng nòng cốt để văn chương phát triển là lớp trẻ, học sinh, sinh viên, công chức, quân nhân. Như Tolstoi từng viết, những ông già bụng phệ ký giấy tuyên chiến nhưng người cầm súng tấn công lúc nào cũng là thanh niên. Văn chương cũng thế. Mơ ước văn chương cất cánh hay trẻ trung hoá, mong ước xông pha vào những con đường mới mẻ kỳ thú... chỉ có thể biến thành hiện thực khi có giới trẻ tham gia vào cuộc xuống đường. Giới trẻ ở hải ngoại có tham gia vào sinh hoạt chữ nghĩa không?
Hiện không có ai làm một cuộc thống kê khoa học để xác định số tuổi của tác giả và độc giả Việt, nhưng chỉ cần nhìn quanh các cuộc họp mặt ra mắt sách, triển lãm tranh, thảo luận văn chương, tưởng niệm văn thi sĩ quá cố...chúng ta cũng thấy kết quả khá trung thực của chuyện thống kê. Trong các sinh hoạt trên, lớp già trên 50 chiếm đa số tuyệt đối. Lác đác vài người lứa tuổi 40. Họa hoằn lắm mới có những người 30. Còn lứa tuổi 20? Đừng chờ mất công!
Cũng phải thôi! Những bạn trẻ lứa tuổi hai mươi, khi sinh ra, chế độ Việt Nam Cộng Hoà sắp hay đã sụp đổ. Nếu họ theo cha mẹ di tản ra khỏi nước từ 1975 thì bây giờ may lắm họ chỉ bập bẹ được vài câu tiếng Việt thông thường, không đủ trình độ đọc sách viết sách tiếng Việt. Những bạn ở lại Việt Nam mới qua sau này (vượt biển, đoàn tụ gia đình, HỌ..) thì được giáo dục trong hệ thống giáo dục cộng sản. Họ đâu có biết Bùi Giáng, Nguyên Sa, Mai Thảo là ai đâu mà cha mẹ khuyến dụ được họ đi tham dự buổi tưởng niệm các văn thi sĩ nổi tiếng này!
Lứa tuổi ba mươi có một quá trình trưởng thành phức tạp hơn: hoặc họ là những học sinh tiểu học ở miền Nam trước 1975; hoặc họ là những thanh niên trên hai mươi từng sống thời hoa niên của mình dưới chế độ cộng sản. Lớp sau tuy rành tiếng Việt nhưng không trải qua cùng một môi trường văn nghệ với lớp cha chú trong gia đình. Cha mẹ họ mê tiếng hát Thái Thanh, Kim Tước, Quỳnh Giao, Lệ Thu, Thanh Lan...họ mê tiếng hát Nhã Phương, Bảo Yến, Cẩm Vân, Hồng Nhung...Lớp trước đến Mỹ, Pháp, Canada, Úc lúc còn học tiểu học, dĩ nhiên đã hoàn toàn Âu hóa. Cả hai thành phần của lứa tuổi ba mươi hiện đang phải học tập, đấu tranh gay go để hội nhập và thăng tiến trong xã hội mới. Phần lớn họ là những chuyên viên kỹ thuật. Muốn giữ chỗ làm, muốn thăng cấp, họ phải dốc toàn lực mới bắt kịp những tiến bộ phi mã của kỹ thuật cao cấp hiện đại. Họ không còn thì giờ cho cộng đồng, nói chi tới sinh hoạt văn hóa. Cùng lắm, họ chỉ đủ thì giờ lên Net bấm chỗ này một chút rồi bấm qua chỗ kia, thưởng thức văn nghệ dân tộc khơi khơi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Các bạn trẻ trên dưới ba mươi ra đi từ Miền Bắc hiện ở các nước Âu châu (nhiều nhất là Đức và các nước Đông Âu) nếu có chỉ mới góp phần vào sinh hoạt chính trị, chưa tham dự nhiều vào sinh hoạt văn hóa.

TVT: Anh Giác, dù sao ta cũng phải làm con tính cộng thử xem số người tham gia viết và đọc ở hải ngoaiï còn được bao nhiêu phần trăm?

NMG: Tính sổ, chỉ còn lại những người lứa tuổi bốn mươi, năm mươi và sáu mươi trở lên ra đi từ Miền Nam là nòng cốt của sinh hoạt chữ nghĩa hiện nay.. Cho nên thay vì cộng (để làm tổng kết), chúng ta thử làm một phép trừ. Trừ đi cộng đồng người Việt gốc Hoa, trừ đi lớp trẻ không biết tiếng Việt, trừ đi những người chỉ nói mà không đủ trình độ đọc thông tiếng Việt, trừ đi những người đọc được tiếng Việt nhưng không đủ bề dày học vấn để đọc và thưởng thức văn chương, trừ đi những người chỉ quan tâm đến mục tiêu chính trị trước mắt và xem văn chương là điều xa hoa phù phiếm, trừ đi những người mải lo chạy theo nhịp sống hối hả của xã hội kỹ thuật cao cấp, trừ đi những người đã quá chán ngán chuyện đời muốn dành thời gian ít ỏi còn lại cho việc tìm kiếm một giải thoát tâm linh, trừ đi những người chỉ còn đọc được những chữ lớn bằng ngón tay cái...Số người viết và người đọc còn lại bao nhiêu? Không có tiếp sức của giới trẻ, văn học hải ngoại tất nhiên phải bị lão hóa.

TVT: Đó là một thực tế có thể nói là bất khả kháng và ít ai tiên liệu được trước. Anh Giác à, tính từ 1975 cho tới nay gần ba mươi năm rồi, coi như là một thế hệ đã ra đời và trưởng thành. Sự cách biệt về địa lý giữa trong và ngoài nước có thể dẫn đến sự so le về ngôn ngữ chăng?

NMG: Tiếng Việt ở hải ngoại trong tình trạng cô lập với chính quốc sẽ giữ y nguyên trạng hoặc hao hớt đi từ tiếng Việt thông dụng ở Miền Nam năm 1975. Ngay bây giờ, đọc sách báo trong nước, chúng ta đã không hiểu được ý nghĩa của một số ngôn ngữ đường phố, những tiếng lóng. Ngược lại, người Việt trong nước cũng không hiểu được cách pha tiếng Anh tiếng Pháp ngày càng nhiều vào đối thoại thường ngày của người Việt nước ngoài. Sự biến đổi ấy tất nhiên phải xảy ra, không thể khác được. Năm 1994 có dịp qua thăm Montréal vùng nói tiếng Pháp của Canada, tôi ngạc nhiên đọc thấy nhiều bảng hiệu in chữ Pháp nửa nạc nửa mỡ, đầu thì gốc Pháp nhưng đuôi lại gốc Anh. Các bạn tôi ở Montréal còn cho biết là người Montréal tuy đọc thường xuyên sách báo tiếng Pháp mang từ Paris sang, nhưng nói một thứ tiếng Pháp mà người Paris không hiểu dễ dàng. Theo anh, điều đó có xảy ra cho tiếng Việt hải ngoại hay không?

TVT: Tôi nghĩ là có. Một thí dụ rõ nhất là cộng đồng người Việt quần tụ ở Đông Bắc Thái Lan nói một thứ tiếng Việt cổ.

NMG: Tôi cũng nghĩ là có. Nhưng xảy ra chậm hơn tiếng Pháp vùng Montréal, Québec, nhờ tiến bộ của ngành tin học. Internet đã thu nhỏ thế giới lại rất nhiều. Ranh giới chính trị không còn đủ sức chia rẽ, cô lập, bế quan tỏa cảng như trước. Với một phí tổn rất thấp, người ta có thể mặt đối mặt nói chuyện với nhau từ hai mút của địa cầu, thì các ranh giới đều phải nhoè đi, các khác biệt dễ bị san bằng. Sự cảm thông dễ dàng hơn khi thông tin dễ dàng và rẻ đến nỗi có thể ở trong tầm tay mọi người. Một thực tế khó có thể mơ ước vài năm trước: một bạn đọc ở Việt Nam, nếu muốn, có thể lên Internet đọc một bài thơ đăng báo ở ngoài nước, nghe bài hát mới nhất của nữ ca sĩ Khánh Hà, xem cuốn video mới nhất của Trung tâm Thúy Nga. Trao đổi thư từ và bài vở giữa người viết người đọc trong và ngoài nước hiện nay cũng dễ dàng. Cái họa lão hoá trong giới thưởng ngoạn nghệ thuật bớt đi, vì chúng ta có độc giả, thính giả, khán giả trẻ trong nước tiếp sức. Nhờ Internet, người làm thơ, viết truyện hải ngoại đã bắt đầu nhận thức ra một điều vô cùng quan trọng: là sáng tác không phải chỉ để người Việt ngoài nước đọc với nhau, mà còn có một giới thưởng ngoạn lớn lao bên kia đại dương lặng lẽ theo dõi, định giá và phản ứng theo cách riêng của họ. Viết là để cho cả dân tộc trong lẫn ngoài nước đọc, không phải chỉ dành cho một nhóm nhỏ của một cộng đồng ngày càng thu hẹp.

TVT: Tôi chia sẻ với anh. Nhiều người viết và người đọc trong và ngoài nước vui mừng khi cuốn “Sông Côn Mùa Lũ”õ của anh xuất bản ở trong nước. Riêng tôi coi đó là một đóng góp quý giá của anh chẳng những trên phương diện văn chương mà còn góp phần “mở đường” cho văn học hải ngoại.

NMG: Theo tôi, nhận thức ấy là then chốt để giải quyết tình trạng lão hóa trong sinh hoạt văn nghệ hiện nay ở hải ngoại. Nhận thức ấy đặt ra những nghi vấn mới cho những vấn đề người cầm bút thường đặt ra lâu nay: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết thế nào?
Nếu chỉ viết cho những người cùng cảnh ngộ lưu vong như chúng ta đọc, thì chúng ta cứ viết như lâu nay vẫn viết: tiếc nuối một thời hoàng kim đã mất, xót xa trăn trở với những khổ ải đã trải qua, lật từng trang album bồi hồi với những kỷ niệm, mơ ước ngày trở về có khải hoàn môn dựng trên khắp nẻo đường và gặp lại một quê hương y nguyên như thời hoàng kim cũ...Còn nếu phải viết cho cả những bạn đọc còn trẻ trong nước đọc, thì viết cái gì? Viết thế nào?

TVT: Anh có nhiều bạn văn trong nước. Hòa thuận với nhau thì là chuyện tốt rồi. Chuyện không hòa thuận, anh nói điều gì.

NMG: Viết cái gì? Viết thế nào? Những câu hỏi ấy cũng đặt ra cả cho người viết trong nước. Lâu lâu xem một tạp chí hay tuần báo văn chương trong nước, nhất là vào các dịp lễ lạc, tôi cảm thấy bị xúc phạm khi đọc những hồi ký hay truyện ngắn của những cây bút Miền Bắc. Trong say sưa của kẻ thắng, họ kể những chiến công, thành tích của quá khứ, điều đó không có gì đáng bàn. Điều đáng bàn, là khi nói tới đối phương (là quân đội Miền Nam, người dân Miền Nam), họ vẫn dùng những nhân xưng miệt thị như “y”, hắn”, “chúng”, “bọn ngụy”, “thằng ngụy” y như trong thời chiến tranh. Rõ ràng những người viết văn ấy viết cho họ đọc với nhau, bất kể những thay đổi trong hơn một phần tư thế kỷ qua. Họ không nghĩ tới lòng tự ái, tới nhân phẩm những người đọc không cùng hàng ngũ với họ, không cùng thế hệ của họ. Nếu họ nhớ những gì mình viết ra, in ra, một tuần sau, một tháng sau có những người họ gọi bằng “thằng” bằng “bọn” đọc, ngòi bút Biểu Diễn Lập Trường của họ phải khựng lại. Rồi họ cũng phải băn khoăn tự hỏi: Viết cái gì đây? Viết thế nào đây?
Trả lời những câu hỏi ấy không dễ, khi nhà văn muốn khối độc giả của mình mở rộng từ quốc nội tới hải ngoại, và vươn ra tầm thế giới. Trả lời câu ấy không dễ khi người cầm bút bình thường phải đối đầu với biết bao trở lực, thường không muốn rước thêm những điều bất trắc. Thôi, cứ theo con đường cũ cho yên thân.
Dẫu sao, tôi nghĩ đừng để văn chương thành ông cụ lỗi thời. Chẳng mấy chốc, cụ ngã bệnh... rồi ngậm cười nơi chín suối.

TVT: Ý anh nói, văn chương Biểu Diễn Lập Trường sẽ ngã bệnh… rồi ngậm cười nơi chín suối? Nhiều người trong đó có ông Hoàng Khởi Phong nói với tôi rằng, với người Việt chúng ta cả trong và ngoài nước thì loại văn chương này, cách sống này còn thọ lắm. Anh có hãi không, khi một ông Thầy gốc Nhật Bản bốc quẻ nói rằng: “Ráng Chịu! Đó là thuộc tính của số đông người Việt các ông”. Cám ơn anh, và nếu được gặp anh lần nữa thì tôi sẽ hỏi anh: Bởi đâu mà người Việt chúng ta có cái thuộc tính quý hóa đó?

Orange County, California, mùa đông năm 2003
Trần Văn Thủy


Cái Đình - 2004