Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Bạn có nghe tiếng suối rì rào?
Phật Giáo Thiền Tông đã đạt được sự hâm mộ ở Hà Lan. Đã có quá nhiều người ghi danh tham dự một khóa tu học của Zen.nl ở đảo Ameland vào mùa đông vừa qua. Hình ảnh cho rằng chỉ những típ người lông bông đến tham dự không còn đúng nữa.
AMELAND - "Ma Ka Han Nya Ha Ra Nu Ta Shin Gyo". Khoảng hơn ba trăm người gồm cả nam lẫn nữ trong y phục đen đã cùng nhau tụng kinh trong tư thế hoa sen. Địa điểm: một sảnh đường trong Khách Sạn Amelander Kaap ở mỏm cực tây của hòn đảo nằm ven biển. Chung quanh họ chỉ hiện hữu những khoảng không. Các bức tường được trang trí chút ít với các thảo tự Phật Giáo Thiền Tông. Thời khóa kinh tiếp tục: "Kan Ji Zai Bo Sa Gyo". Tiếng khánh được gõ theo nghi thức công bố sự quang lâm của một vị thầy đang đến an tọa trên một vị trí cao hơn. Từ nơi đó ông có được tầm nhìn trên những người có trình độ trí thức từ cao đến cao hơn đang ngồi trên các tọa cụ màu đen – các bác sĩ, các nhà chuyên khoa, giáo sư, các quản trị viện, khoa học gia,... – tất cả những người đó đang ngồi nơi đây.
"Tôi là một người Fries (1) thực tế", thầy Rients Ritske nói.” Tôi luôn cảm thấy thích thú để diễn dịch cái gọi là những vấn đề tâm linh thành những vấn đề khoa học. Thiền Tông rất rõ ràng và có thể kinh nghiệm được".
Bấy giờ là chín giờ sáng. Những Phật tử Thiền Tông của Amelander Kaap đã thức dậy sớm cách đây vài giờ để tọa thiền trong tư thế hoa sen. Y phục của họ đều có màu đen nhưng đó không phải là đồng phục. Vị thầy đã du nhập màu này "để tránh việc địa vị xã hội đóng một vai trò trong việc tu học". Một tham dự viên đã đến trong bộ y phục nhung đen đắt tiền. Với Thiền ông hy vọng rằng mình sẽ bớt nhạy cảm hơn về vấn đề địa vị xã hội. Vì thế ông được chỉ định nhận chấp tác là công việc làm sạch sẽ các phòng vệ sinh. Ngón tay chỉ đúng chỗ: đó là Thiền Tông.
Thiền định nhiều, ngủ ít, không nói chuyện với nhau ngoại trừ trong một phút rưỡi mỗi ngày với vị thầy dạy thiền – bạn phải cảm thấy muốn làm điều đó. Yêu cầu cho khóa tu học mùa đông bảy ngày của Zen.nl ở Ameland đã trội vượt hơn khả năng cung ứng quá nhiều. Số lượng trung tâm của Zen.nl trong vòng vài năm đã tăng gấp đôi. Ngay cả trong các thành phố tỉnh lỵ nhỏ hơn bạn cũng thấy cái huy hiệu của Zen.nl do Dick Bruna (2) vẽ kiểu.
"Ông phải giữ im lặng". Cô tiếp viên của khách sạn Ameland đặt ngón tay trên môi ra hiệu khi tôi tiến đến gần quầy lễ tân. Cũng như các nhân viên đồng nghiệp khác, cô đã mang giày đế bằng trong suốt khóa tu học mùa đông của Zen.nl – giày cao gót gây tiếng động quấy rầy sự tập trung tư tưởng trong các buổi thiền định. "Chúng tôi cũng không được nhìn thẳng vào các vị khách này, đôi khi tôi cảm thấy điều này thật khó khăn". Trên tấm bảng treo trên tường bạn có thể đọc được các buổi thiền định này chú tâm vể đề tài gì: chánh niệm, chánh niệm và chánh niệm.
Thiền là ngón tay chỉ mặt trăng, vậy thì hãy quên đi ngón tay – đó là trí tuệ truyền thống của Nhật. Một sự thông tuệ khác: "Lối vào ở nơi nào?", một thiền sinh đã hỏi. "Anh có nghe tiếng suối rì rào không? Đó là lối vào". Vị thầy trả lời.
Tốt nhất người Hà Lan có thể nên bắt đầu với Nijntje (3), một con thỏ thiền tuyệt diệu. Hãy quan sát kỹ bé thỏ Nijntje, thầy Ritskes nói. "Tất cả những gì không cần thiết đểu được bỏ đi. Những gì thật sự cần thiết thì được quan tâm tối đa. Không phải là sự tình cờ mà Nijntje thành công ở Nhật, môi trường phát triển của Phật Giáo Thiền Tông. Dick Bruna đã học Thiền với thầy Ritskes, cũng như Herman Wijferls (4) và Raymond van Barneveld (5)
Thỏ con Nijntje do họa sĩ Dick Bruna minh họa |
Vị thầy với đầu cạo nhẵn, áo thụng đen, tiếp tôi thật thư thái trong căn phòng của Khách Sạn Amerland. Bạn không hề thấy là ông đang bận rộn hướng dẫn 110 thiền sinh. "Đây là bộ môn thể thao ở mức cao cấp nhất, anh thật sự đang đấu cờ tướng với cả trăm người cùng lúc". Cách đây hơn ba mươi năm thầy Ritskes đã lên đường tìm đến một một thiền viện ở Nhật. Trong thời gian đó, thời kỳ thực tế, Thiền ở Hà Lan bị liên tưởng với phong trào hippy đã cằn cỗi. Sau ba thập niên thương mại hóa và thế tục hóa, sự cảm nhận thiền đã gia tăng vượt bực, ngay đến cả các nhà khoa học bê-ta.
"Một phần đưa đến do sự thay đổi văn hóa bất ngờ đã xảy ra trong các ngành khoa học". Thầy Ritske nói. "Trước kia thì họ tư duy: hoặc hoặc. Bây giờ càng có nhiều người hơn ý thức rằng: và và. Thiền rất trong suốt, một người bắt đầu thực hành thiền có thể thấy được kết quả sau ba tuần. Với thiền tọa cũng tương tự như đánh răng. Một lần mỗi tuần có thể có kết quả, hai lần một ngày thì kết quả tốt hơn".
Hầu hết các thiền sinh ở Ameland đều hướng đến điều quan trọng hơn là đánh răng. Họ hy vọng sẽ thoát ra khỏi cái đã gây chướng ngại và phiền não cho họ. "Vọng tưởng" là cụm từ thầy Ritskes ám chỉ một vấn đề mà một thiền sinh bày tỏ với ông. Ở phía bên kia hành lang của khách sạn những chiếc ghế đã được sắp sẵn, chiếc này sau chiếc kia. Vào buổi tối có thể một nhà sinh học phân tử sẽ ngồi nơi đó, sau một bác sĩ chuyên khoa quang tuyến. Khi nào đến lượt mình, người đó phải thỉnh lên hai tiếng chuông.
Làm sao chỉ trong một phút rưỡi vừa là một huấn luyện viện, một bác sĩ tâm lý vừa là một vị cha sở nghe con chiên xưng tội để có thể đảm nhiệm được lần lượt 110 người có trình độ học thức thật cao? "Nhiều câu hỏi có tính phổ quát", vị thầy trả lời. "Ngày hôm qua tôi đã cho một bà đang dằn vật với một trường hợp chết một công án truyền thống. Hãy nhìn đóa hoa này, nó sống hay chết? Đó chính là một vấn để nội tại của mọi người, vị thầy dạy thiền là người trao truyền nó", thầy Ritskes nói.
Một trở ngại đặc thù của người Tây phương là không có khả năng tiếp xúc với sự đối kháng và hạnh phúc của chính mình. "Ở Đan Mạch tôi đã huấn luyện một người xuất thân từ giới tài chánh, chuyên nghiệp và thành công cả trong đời sống cá nhân, mọi sự đều trôi chảy. Ông đến bên tôi và hỏi: Tôi phải làm gì bây giờ? Có cái gì như là một ranh giới phía trên với hạnh phúc. Và điều nghịch lý là bạn phải an lạc nơi ranh giới phía dưới để có thể giải quyết chuyện ranh giới phía trên".
Những thiền sinh cũng phải trải qua các đau đớn về tâm lý và sinh lý trong những ngày đầu tiên. "Thiền là: không đau đớn, không thắng lợi", Hans Wanningen nói. Trong đời sống bình thường, ông là chuyên gia truyền thông của trường cao đẳng của thành phố Arnhem và Nijmegen. "Bạn truy tìm một cách ý thức đâu là giới hạn của tâm lý và sinh lý. Trong một khóa tu học bảy ngày, ngày thứ hai thường là ngày khó khăn nhất. Năm rồi, tôi đã bị rơi vào một tâm trạng giận dữ đối với chính thân thể của tôi, cha mẹ tôi và tức giận cả với Thiến. Vị thầy đã hỏi cả nhóm thực tập: "Ai không kinh qua sự khủng hoảng trong lúc này?". Chỉ có một ngón tay được đưa lên để trả lời câu hỏi. Vị thầy nói: Vậy thì lát nữa anh sẽ nhận được một cơn khủng hoảng từ tôi".
Một hay hai phần trăm thiền sinh rời bỏ khóa tu học sớm hơn, hầu như trong ngày thứ hai. Những người còn ở lại được cho đến hết khóa tu học là nhờ họ quyết tâm đến tận cùng giới hạn. "Sự im lặng đã nâng cao tâm ý rất nhiều", ông Wanningen nói. "Bạn trực nhận được các ngõ rẽ quan trọng trong tâm mình. Dần dần bạn học được cách từ trên bờ nhìn dòng tâm tưởng của chính minh đang trôi chảy. Bạn học được cách giữ tâm mình quân bình".
Nguyên tác: "Hoor je het ruisen van de beek?", tác giả: Olaf Tempelman
– De Volkskrant, 23-01-2013. Nguyễn Thị Quỳnh Anh chuyển ngữ
__________________
Chú thích:
(1) Người Hà Lan có xuất xứ từ vùng đất Friesland ở phía bắc Hà Lan (NTQA).
(2) Dick Bruna: Họa sĩ minh họa người Hà Lan và là tác giả của nhiều sách thiếu nhi. Nổi tiếng trên thế giới qua các tác phẩm thiếu nhi với thỏ con Nijntje (NTQA).
(3) Nijntje: Thỏ con rất nổi tiếng trong các sách thiếu nhi do họa sĩ Dick Bruna minh họa chỉ với vài nét đơn giản (NTQA).
(4) Herman Wijfels: Kinh tế gia, giáo sư đại học Utrecht Hà Lan. Ông nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành ngân hàng, tài chánh, là quản trị viên của Ngân Hàng Thế Giới vào năm 2006 (NTQA).
(5) Raymond van Barneveld: Thể tháo gia Hà Lan nổi tiếng với bộ môn ném phi tiêu, năm lần đoạt giải vô địch thế giới về bộ môn này. Chính ông là người làm cho dân Hà Lan hâm mộ bộ môn ném phu tiêu (NTQA).