Nguyễn Hiền
Ba mươi năm sách Việt ở Hòa Lan
Để có thể tóm lược những cuốn sách đã xuất bản trong ba mươi năm không là một công việc dễ dàng. Chưa kể đến việc thu thập tài liệu, chỉ nói về số lượng cũng đã là một trở ngại cho một bài viết ngắn. Tuy nhiên, ở Hòa Lan, với con số người Việt khiêm nhường trên mười ngàn người, là một điều có thể thực hiện được. Nếu không đề cập đến những sách thuộc lãnh vực chính trị (một số tài liệu đã được các đảng phái tổ chức chính trị in để phố biến và học tập), lãnh vực tôn giáo (kinh sách được in lại để sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo hay với mục đích tu học), và những công trình nghiên cứu khoa học với đối tượng không phải là người Việt, việc tóm lược có thể đơn giản hóa rất nhiều, và như thế ta có thể tạm chia sách Việt ở Hòa Lan thành ba nhóm chính: Thơ, Văn, và các sách thuộc loại giáo dục, tài liệu.
*
Thơ:
Thơ là một thể loại tuy dễ mà khó. Những bạn mới bước vào tuổi mộng mơ thường dùng thơ để ghi lại một ý tưởng hiện lên bất chợt. Nhưng vì người ta thường có quan niệm làm thơ dễ hơn văn xuôi, nên thơ thường chịu số phận hẩm hiu, là nhiều vị chủ bút coi thơ như vật trang điểm cho tờ báo, hay lấp đầy trang.
Ở Hòa Lan, số người đã từng có thơ đăng báo có thể đếm tới số hai chục, nhưng những người ‘có can đảm’ ra một tập thơ không nhiều.
Tập thơ Việt xuất bản đẩu tiên tại Hòa Lan (ngoài những xấp thơ mỏng ít bài tự tác giả in tặng bạn bè) là tập Ra Đi Giã Từ Hơi Thở của Nguyễn Ngọc Ngãi (1984). Tập thơ là ấn phẩm đầu tiên của Cái Đình, một nhóm sinh hoạt văn thơ nhạc do một số bạn trẻ khởi xướng. Nguyễn Ngọc Ngãi (hiện đang định cư ở Úc) khi đó đã có nhiều thơ văn đăng trên Việt Nam Nguyệt San. Thơ Nguyễn Ngọc Ngãi phần lớn nói lên thân phận người tị nạn xa xứ:
‘Ta đã có thêm những đường khâu
Vết thương ta
rách toạc bởi u sầu
Sợi chỉ khâu là tóc Cha Mẹ
Chỉ không bền vì tóc bạc hết màu’(Vết thương ta)
Sau đó Cái Đình đã xuất bản tập thơ Khi Ta Về (1985) của Nguyễn Khảng. Khi đó Nguyễn Khảng đã có một số bài thơ trên các tạp chí Việt ngoài Hòa Lan, ngoài những đóng góp thường xuyên cho sinh hoạt báo chí người Việt tại Hòa Lan. Thơ Nguyễn Khảng mang tính trầm hùng của một người nặng tình với đất nước, và mang khẩu khí của một người cương trực.
'Khi tôi chết người đừng cho nấm mộ,
Và cũng đừng kinh mõ dụ hồn tôi.
Hãy hỏa thiêu tro bụi ném lưng trời.
Nước đẩy, gió xô, trả về bên nớ,
Rơi trên núi đá, Rớt xuống đồng lầy,
gò đống, bãi hoang, biến thành màu mỡ…'(Cuối cùng)
Nếu thơ Nguyễn Khảng là lửa hừng hực thì thơ Nguyễn Hoàn Nguyên là đồng cỏ gió man mác hay như những đợt sóng ngầm. Nguyễn Hoàn Nguyên sở trường về thơ lục bát, và trong nhiều bài thơ phảng phất một không khí Thiền tĩnh lặng. Anh cũng có một số truyện ngắn, nhưng không lôi cuốn được nhiều chú ý bằng thơ. Thi tập Đêm Dài Cỏ Thở xuất hiện cùng năm với thi tập Khi Ta Về (1985), ghi dấu thời sinh hoạt đang lên của Cái Đình trong giai đoạn này. Sau đó mười năm, khi Cái Đình đã chuyển sang giai đoạn mở rộng hoạt động, tập thơ thứ hai của anh ra đời – thi tập Trao Tặng Đất Trời* (1995) cũng do Cái Đình thực hiện.
‘Ngón tay bấm mạnh
Buổi trưa thở dài
Những ẩn mật giữa lòng đóa hoa đỏ vụt biến mất
Chỉ còn dòng nước nâu đen
Mang nhãn hiệu Coca-Cola
Chảy tràn qua cổ họng
Cơn khát giục giãở đâu đó nguồn nước dòng Cửu Long
đang cuồn cuộn chảy’(Giữa trưa hè)
Và năm sau đó (1996), Cái Đình đã cho ra mắt tập thơ Vàng* của Cao Xuân Tứ. Ông là một người nổi tiếng trên thi văn đàn người Việt hải ngoại khắp thế giới, qua những vần thơ vừa lạ cả ý lẫn từ, nhiều khi tưởng như mật ngữ:
‘Sự thật nào nhẵn hơn vầng trán hói
Con thò lò mắc ngọng hót lai rai
Tim đi lâu, máu xé hàng, trẩy ngược
Thấm qua người, mềm khúc ruột còn tươi’(Đêm trừ tịch)
Tuy được nhiều người biết, nhưng phải hai mươi mốt năm sau ngày tập thơ đầu tay Ý Thu Vườn Xuân của ông ra mắt ở Saigon, đứa con (thơ) thứ hai mới ra đời. Một phần lớn trong số bốn mươi sáu bài thơ viết bằng tiếng Việt, Anh và Pháp trong thi tập Vàng đã được ông ngâm đọc trong rất nhiều buổi sinh hoạt văn thơ do người Hòa Lan tổ chức, và trong tập này cũng có bài thơ Star đã mang đến cho ông giải thơ Dunya của Hòa Lan.
Sáu năm sau khi thi tập ‘Vàng’ ra đời, nhà xuất bản PAN (Hòa Lan) đã cho ra mắt tập thơ ‘Een Ogenblik’ với những bài thơ của ông, do Dick Gebuys dịch ra tiếng Hòa Lan (2002). Nhược Trần, một cây bút ở Hòa Lan, có nhiều sáng tác văn thơ cũng đã có một tập thơ và nhạc – Đêm Trắng (1985) – xuất bản tại Việt Nam. Trong tập này, ngoài những bài thơ thất ngôn, còn có nhiều bài ở dạng thơ mới, mang một nỗi đau man mác và những kiếm tìm trong đổ vỡ con người và xã hội:
|
Ngoài những tập thơ kể trên, chúng ta có thể kể đến những thi sĩ có sáng tác đăng trong các tuyển tập như Miên Thụy (với những bài thơ lục bát chuyên chở tình yêu) và Tyna (sở trường về thơ chơi chữ, ghép vần) đã góp mặt trong một số thi tập Cụm Hoa Tình Yêu của Hội Thơ Tài Tử Hải Ngoại hay trên những trang báo mạng chủ về thơ văn. Một số bài thơ của Miên Thụy cũng đã được phổ thành nhạc.
Cũng nên nhắc đến Lâm Việt Tùng với tập thơ Lời Chim đã hoàn thành năm 1999, và chỉ phổ biến trong phạm vi bạn bè, gồm 63 bài thơ, ngoài những bài quanh chủ đề tình yêu còn có nhiều bài mang nội dung phê phán xã hội và tầng lớp nắm quyền.
‘Đồng minh, đồng chí, chi chi mãi.
Xương chất thành gò! Đổi mấy xu?
Dân đen đem thí, cờ đôi ván
Khỏ mãi nước non bạn với thù.’(Bạn thù)
Nói đến thơ, theo lẽ cũng phải đề cập đến nhạc, nhất là ở Hòa Lan chúng ta hãnh
diện có nhạc sĩ Du ca Nguyễn Quyết Thắng đã tự ấn hành các sáng tác của mình
(qua cơ sở Văn Nghệ Con Người), gồm các sáng tác Du ca trước năm 1975 và các
sáng tác mới sau này ở hài ngoại với những đề tài khác hơn như tình yêu, quê
hương, tâm linh…: Tuyển tập Nguyễn Quyết Thắng (1982), Ban
Mê và Cung Mi (xuất bản lần thứ hai 1998), Ngày Rày Năm Xưa
(1998) v.v…., tuy nhiên vì khuôn khổ bài viết hạn hẹp, bộ môn nhạc
đành phải tạm cất, dành cho một dịp khác.
Văn
Những cây bút văn xuôi người Việt ở Hòa Lan có lẽ chỉ thích hợp với một thể loại, là truyện ngắn (và những đoản văn thuộc lãnh vực báo chí). Trong thập niên ’80, sinh hoạt truyện ngắn ở Hòa Lan rất phong phú. Có tới hơn mười cây bút chuyên viết truyện ngắn, là thành phần chủ lực cho trang văn nghệ của tạp chí Việt Nam Nguyệt San. Tuy thế, phải chờ đến năm 1989, một số rất ít người Việt ở Hòa Lan mới có dịp cầm được cuốn tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của một tác giả, là Đoản Khúc Phượng Hoàng của Nguyễn Thị Vành Khuyên, do chính chị thực hiện và phổ biến rất hạn chế.
Nguyễn Thị Vành Khuyên nổi bật trong giới sáng tác qua những đoản văn thuộc dạng tùy bút, mang tính phê phán xã hội và những lố lăng, giả dối đến mâu thuẫn. Nguyễn Thị Vành Khuyên từ những năm giữa thập niên ‘80 đã đề cập đến nhiều vấn đề rất mới và nhiều người tránh né, như Sex, gửi quà về Việt Nam, cuộc sống ‘quái dị’ của những người tị nạn, nạn chụp mũ nhau v.v… Ngòi bút chị rất sắc, và nhiều khi quá mạnh, nhưng có lẽ ‘thuốc đắng mới giã được tật’:
Rất tiếc sau khi Đoản Khúc Phượng Hoàng ra đời một thời gian ngắn, chị đã treo bút. |
Cùng một thời với Nguyễn Thị Vành Khuyên, dồi dào sáng tác, và cũng như Nguyễn Thị Vành Khuyên, từ đầu thập niên ‘80 đã có truyện ngắn đăng trên các tạp chí ở Hoa Kỳ, là Nguyễn Lê Hồng Hưng. Truyện của Nguyễn Lê Hồng Hưng dựa trên hai bối cảnh: vùng Sông Đốc, quê hương tác giả, và những cuộc hải hành của anh trên những chuyến viễn dương ghé bến bờ xa lạ khắp thế giới, từ dạo anh ‘còn mang thẻ tị nạn Cộng sản, được vương quốc Hòa Lan nhận cho định cư và cấp một cuốn thông hành đầy đủ hình ảnh, tên, họ, ngày, tháng, năm và nơi sanh nhưng phần quốc tịch được thay vào một gạch màu đen đậm’ cho tới ngày nay. Từ những cảnh tác giả gặp trên trường đời, Nguyễn Lê Hồng Hưng đã sử dụng một bút pháp rất tự nhiên, với những mẩu đối thoại độc đáo, để xây dựng nên những cảnh đời phảng phất một hình ảnh quê hương Việt phải chịu cảnh trôi dạt mọi xứ, và một quê hương ở nhà đang chịu mọi biến động.
‘– Nhớ quê hương phải không?
Nghe tiếng hỏi, tôi day lại thấy Jono đi tới, anh vỗ vai tôi, nói:
– Sông nầy giống Cửu Long Giang?
– Ừ, cũng giống.
– Vậy thì lên phố kiếm gái ở đây thử coi có giống gái Việt Nam không?’(Thư không viết)
Với hai tập truyện ngắn Dòng Sông Sữa Mẹ* (1994) và Những Mảnh Đời Trôi* (2003), Cái Đình đã giới thiệu ngòi bút Nguyễn Lê Hồng Hưng đến các bạn đọc khắp nơi. Hiện Nguyễn Lê Hồng Hưng vẫn còn sáng tác rất mạnh. Anh được nhiều người đánh giá là một cây bút miền Nam có một văn phong độc đáo. Ngoài hai tuyển tập riêng của mình, Nguyễn Lê Hồng Hưng còn viết chung trong những tuyển tập Nỗi Nhớ Khôn Nguôi (Hoa Kỳ, 1994), Trông Vời Quê Cũ (Canada, 1996) và Mùa Đất Thấp (Hòa Lan, 1998),
Nguyễn Hiền cũng là một cây bút viết truyện ngắn, thường xuyên góp mặt trên văn đàn. Anh cùng một số bạn đã đưa sinh hoạt Cái Đình sang một giai đoạn mới kể từ năm 1993, giai đoạn Cái Đình trở thành một hội chính thức, mở rộng hoạt động. Cuốn tuyển tập của anh – Câu Chuyện Giữa Đường* (1996), do Cái Đình xuất bản – có những truyện xảy ra trong một không gian không xác định. Đặc điểm trong truyện của anh là kết cấu bất ngờ, và thường để lại một đề tài còn mở ngỏ:
‘Có lẽ Trâm cũng đang nhớ đến những ngày xưa, đến Phương một ngày nào. Ngày xưa trong mơ thường là một tấm gương để ta soi vào mỗi khi gặp chuyện bất ưng ý trên đời. Tôi chỉ mong sao Trâm đừng nghĩ là chính mình đã 'rụi tùng'. Cuộc sống nào chẳng có những bất ưng ý. Còn nghĩ lại, chuyện ai rụi tùng chỉ có bộ ba: tôi, Trâm và Phương, những người trong cuộc, biết và phán đoán. Tôi đã lấy được Trâm, như ý mình ước muốn, để rồi giờ đây hai đứa cùng ngửa mặt lên trần, cùng nghĩ tới một người, nghĩ tới những gì đã cho và những gì còn đang có, mà không dám nói cho nhau biết những thầm kín của mình. Đêm vẫn xuống, êm thật êm. Tôi nghe tiếng mình khẽ thở dài. Bên kia, cách phần tư vòng trái đất, trời đang hối hả vào ngày mới. Thằng Phương ngày xưa, giờ nó đang nghĩ gì nhỉ?’
(Ván bài cuối năm)
Tuy nhiên, sau này anh đã dùng nhiều thời giờ dành cho báo chí với bút hiệu khác, nên truyện ngắn của anh ít xuất hiện.
Một cây bút trẻ ở Hòa Lan mới xuất hiện trong sinh hoạt văn học hải ngoại và ngay lập tức đã được đánh giá cao là Phạm Hải Anh. Trong vòng sáu năm, Phạm Hải Anh đã viết trên dưới một trăm đoản văn, ký sự và truyện ngắn. Nhưng đất dụng võ của Phạm Hải Anh nằm ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Chị đã có ba tuyển tập của riêng mình là Huyết Đằng (Hoa Kỳ, 2000), Đi Hết Đường Mưa (Việt Nam, 2002) và Tìm Trăng Đáy Nước* (Hoa Kỳ, 2003). Bút pháp Phạm Hải Anh đa dạng, mang nhiều dí dỏm, nhiều lúc cường điệu, truyện của chị là những hài kịch không làm chán người đọc.
‘Thì về. Cái xóm nhỏ xem ra cũng nhiều thay đổi. Cụ Vòng đã quy tiên, bia mộ đề tên Nguyễn Thị Kiều Nga. Cụ Nhổn nhờ nước tiểu trị liệu nên còn minh mẫn, chỉ tội yếu. Phương Thảo biếu cụ tiền ăn trầu, cụ bảo thôi thôi nhưng bàn tay khô khỏng móng như vuốt chim giữ chặt tiền không rời. Thằng hàng xóm ngày xưa giờ một vợ hai con, mặc com lê, lái taxi, chỉ học phất phơ có một tuần đã lấy bằng tay lái lụa, đi taxi của nó lúc nào cũng có thể là đi suốt lên thiên đường. Phương Thảo đi giầy đinh, mặc áo hở rốn, tay xách camera tìm về những con đường ngày xưa. Con đường xao xác hoa kim phượng, cánh vàng rải lăn tăn trên gạch đỏ màu son. Con đường rợp bóng sấu già, sau cơn mưa, lá sấu giập thơm mát như úp mặt vào trái dưa hấu mới bổ. Con đường ngày xưa phượng nở cháy trời, bây giờ không phải mùa hoa, chỉ có những trái già nâu sẫm đung đưa trong gió... Các chị bán hàng lưu niệm cho Tây "hênô" Phương Thảo, tụi trẻ tổ bán báo Xa Mẹ mấy lần mời mua postcard cảnh hồ Gươm lung linh cầu Thê Húc. Phương Thảo nghĩ mình phải đi may gấp áo bà ba lụa tơ tằm cho thiên hạ đỡ mất công xổ tiếng Tây.’
(Tìm trăng đáy nước)
Trong năm 2002 người Việt ở Hòa Lan cũng đón nhận một tuyển tập của Bùi Văn Đỗ, ‘Việt Nam Trong Trái Tim Tôi’. ‘Tập sách là tổng hợp một số bài viết của một người từng là điều hợp viên Cộng Đồng VNTNCS/HL mà phần lớn là nhận định về một số hiện tượng xã hội của người Việt hải ngoại, ước muốn của tác giả là tạo nên ‘làn gió mong manh trong muôn nghìn cơn lốc canh tân ào ạt thổi đến trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Hy vọng nhiều ngọn gió góp lại sẽ tạo được trận cuồng phong quét sạch nghèo đói, chậm tiến, tham nhũng và độc tài ra khỏi dân tộc và đem đến cho dân tôi: No ấm, Hạnh phúc, Tự Do và Dân Chủ thật sự.’
Ngoài những tác phẩm của riêng một người, gia tài sách Việt ở Hòa Lan cũng có được hai tuyển tập. Năm 1986, Ban Biên Tập Việt Nam Nguyệt San đã thực hiện một tuyển tập, mang tên 'Truyện Ngắn' gồm những truyện của 5 cây bút thuộc 5 khuynh hướng khác nhau. (Phạm Kim Luân, Lê Duy Cương, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàn Nguyên và Nguyễn Thanh Hùng), là 5 cộng tác viên thường xuyên của tờ Việt Nam Nguyệt San. Tuyển tập thứ hai, Mùa Đất Thấp* (1998) do Cái Đình thực hiện, là một tập hợp những sáng tác văn, thơ, nhạc, họa của mười sáu vị có những đóng góp thường xuyên trong sinh hoạt văn học và báo chí thời đó. Mùa Đất Thấp có thể coi là một món quà văn nghệ Hòa Lan đáng giá, vì qua đó người ta có thể thấy hầu hết các khuôn mặt trong giới sáng tác tại Hòa Lan, với khuynh hướng sáng tác đặc biệt của từng người, mỗi nhân vật mang một vẻ riêng. |
Trong công trình xây đắp gia tài văn học Việt tại Hòa Lan, tuy có nhiều cố gắng, nhưng khi điểm lại số tác phẩm do người Việt viết bằng tiếng Hòa Lan, chúng ta phải thừa nhận một sự thực phũ phàng: chúng ta hãnh diện đã đạt được nhiều thành quả trong việc học lấy mảnh bằng, nhưng đã không chú tâm đến việc nói lên tiếng nói của chúng ta hay viết cho người bản xứ hiểu về chúng ta.
Sau ba mươi năm, số tác phẩm do người Việt viết bằng tiếng Hòa Lan vẫn chưa rời con số không được bao bước, ngoại trừ một số luận án, tiểu luận trong các lãnh vực khoa học và ít truyện ngắn của Nguyễn Hiền, Nguyễn Lê Hồng Hưng trong một số tạp chí Hòa Lan. Trong số các công trình nghiên cứu về người Việt, có hai cuốn sách đáng được để ý. Cuốn thứ nhất, ‘Eenzaamheid van de Vietnamezen in Nederland’ của Nguyễn Văn Đáo (ZOA phát hành – 1980) trong đó ông bàn về những hiện tượng xáo trộn tâm lý của người Việt, để đi đến kết luận là ‘sự giúp đỡ người Việt chưa đáp ứng đúng những gì họ đòi hỏi.’ Cuốn thứ hai – Pijn in het Hart – của Phạm Thị Tú Minh (1988) gồm những nghiên cứu về mối tương quan giữa văn hóa, cách sống và tâm lý với những rối loạn sức khỏe của người Việt ở Hòa Lan phải ép mình sống trong một môi trường lạ.
Trong góc sách văn học viết bằng ngoại văn ta có thể kể những tác phẩm của Cao Xuân Tứ. Ông có nhiều truyện ngắn viết bằng Anh ngữ đăng trên nhiều tạp chí văn học ở Bỉ, Hoa Kỳ và Hòa Lan. Bản dịch chín truyện ngắn đắc ý của ông bằng tiếng Hòa Lan đã được xuất bản thành sách năm 1996 (En Traag Vloeit de Rivier*, nhà xuất bản Prometheus). Ngoài ra một số truyện ngắn của ông đã được chọn trong nhiều tuyển tập viết chung với những cây bút quốc tế. Truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông là truyện ‘Descartes in Amsterdam’ do tính vừa hư vừa thực vừa siêu thực của truyện, đã nhiều lần mang nhuận bút đến cho ông mỗi khi tái xuất hiện trên thị trường sách Hòa Lan.
‘The temperature had dipped so low that the Amsterdam canals were freezing rock-solid, enough for our bus to leave the regular traffic and join the happy skaters on the ice. The venue for the party was a grand canal house. The carpeted hallway led to a big hall with a marble floor and a marble fireplace. The Queen smiled down from the high wall, her eyes soft as a dove's. A Buddhist monk sat on a straw mat, lotus fashion, chanting a prayer. (Nhiệt độ bên ngoài xuống thấp tới mức những con kinh ở Amsterdam đóng băng cứng như đá, đủ sức chịu nổi cho chiếc xe buýt chở chúng tôi bỏ đường phố để cùng tham dự cuộc chơi hào hứng với đám người đang trượt băng. Buổi tiếp tân được tổ chức tại một tòa nhà lớn nằm trên bờ kinh. Hành lang trải thảm dẫn tới một đại sảnh đường với sàn đá hoa và lò sưởi bằng cẩm thạch. Bà Nữ hoàng từ trên tường cao nhìn xuống mỉm cười, cặp mắt dịu dàng như mắt bồ câu. Một vị tăng ngồi kiết già, tụng kinh trên tấm thảm rơm.’
(Descartes in Amsterdam – Descartes ở Amsterdam)
(xem nguyên bản truyện này cùng bản dịch ra Việt ngữ và tiếng Hòa Lan trong website www.caidinh.com)
Một hình thức khác để quảng bá những tác phẩm Việt ngữ đến người Hòa Lan là sách song ngữ. Đặc điểm của loại sách này là một công trình nhắm đến hai đối tượng: người Việt và người Hòa Lan. Thời kỳ sinh hoạt cộng đồng người Việt ở Hòa Lan còn khởi sắc, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong lãnh vực này.
Ngay khi tập thơ của Nguyễn Chí Thiện theo ngã tòa đại sứ Anh lọt ra hải ngoại, mười một bài thơ đặc sắc của ông đã được dịch ra tiếng Hòa Lan và góp lại thành một tập thơ mang tên Hoa Địa Ngục – Bloemen Uit de Hel, do Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan thực hiện vào năm 1984. Phần tiếng Hòa Lan do J.J. Neuvel dịch từ bản tiếng Anh và Pháp. Những phê phán gay gắt chế độ cộng sản toát ra từng câu trong thơ Nguyễn Chí Thiện. Riêng xét về thơ, ông là một người sử dụng rất nhiều vần trắc một cách tài tình:
|
Một tác phẩm Việt Ngữ nổi tiếng cũng đã được chuyển sang tiếng Hòa Lan, là ‘Bông
Hồng Cài Áo’ của Nhất Hạnh, một áng văn tuyệt vời ca ngợi tình mẹ,
đã từng được dịch ra nhiều thứ tiếng. Bản tiếng Hòa Lan do Khê Sơn dịch, mang
tựa ‘Een Roos in Je Knoopsgat’, do Việt Nam Nguyệt San xuất
bản (1990).
‘Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ.
Van je moeder houden is geen kwestie van moraal of deugd. Denk alsjeblieft niet, dat ik dit alles schrijf om een les te geven in moraliteit. Van je moeder houden is een kwestie van voordeel.’
Ngoài tác phẩm trên, Nhất Hạnh (Thiền sư Thích Nhất Hạnh) còn có một số tác phẩm đã được người Hòa Lan chuyển ngữ, phần lớn ông viết về chủ đề Phật giáo, kêu gọi hòa bình và luôn xoáy quanh đề tài tình thương gìữa người với người mà nhân loại cần gieo trồng và vun xới. Trong số những dịch phẩm của Nhất Hạnh qua tiếng Hòa Lan, chỉ có Bông Hồng Cài Áo được dịch thẳng từ Việt ngữ, các tác phẩm khác được dịch từ bản Anh hoặc Pháp ngữ (hiện tại đã có hơn 20 dịch phẩm của ông sang tiếng Hòa Lan đã xuất bản, phần lớn do hiệp hội Leven In Aandacht thực hiện. Xem thư mục trong website www.aandacht.nl) .
Về sách song ngữ, tác giả người Việt có số sách bán chạy nhất ở Hòa Lan là Trương Thị Diệu Đế, với một sê-ri bốn tác phẩm ‘Âu Á Gặp Nhau’, mỗi cuốn có số phát hành từ 500 tới 1000 và được tiêu thụ trong một thời gian rất ngắn. Bốn cuốn được thực hiện với mục đich phụ là gây quỹ cho một số công tác xã hội do bà khởi xướng, một công việc chiếm gần hết thời gian ngoài giờ làm việc với tư cách một cán sự xã hội. Bốn tuyển tập (ba cuốn đầu là sách song ngữ Việt – Hòa Lan mang tựa ‘Âu Á Gặp Nhau – West en Oost Ontmoeten Elkaar’, cuốn cuối cùng mang số V viết bằng Anh ngữ, East Meets West*, cả bốn cuốn là tập hợp những bài viết về tuổi thơ của bà, nét đẹp quê hương, và ghi lại những kinh nghiệm bà đã thu lượm trong khi làm việc, một số truyện ngụ ngôn, cùng những mẩu truyện Phật giáo.
Một số tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam thời hậu chiến cũng đã được dịch ra tiếng Hòa Lan. Có một điểm chung là phần lớn những tác phẩm được chọn dịch này có nội dung xoay quanh thân phận con người trong một xã hội khắc nghiệt, tàn nhẫn, tráo trở. Chúng ta có thể kể:
Một bông hoa lạ trong vườn sách dịch là một tác phẩm của một người tị nạn Việt Nam sống tại Na Uy (Đặng Văn Tý) cũng đã được dịch sang tiếng Hòa Lan (Mijn Jeugd in Vietnam, NBLC xuất bản, 1985) từ nguyên tác viết bằng tiếng Na Uy ‘Min barndom i Vietnam’.
Khi điểm đến các dịch phẩm văn chương theo chiều ngược lại (từ tiếng Hòa Lan sang tiếng Việt), có lẽ chúng ta chỉ bắt gặp một dịch giả, là Cao Xuân Tứ. Cho tới nay, ông đã dịch được sáu tác phẩm văn học nổi tiếng của Hòa Lan, do nhà xuất bản Văn Học (Việt Nam) xuất bản, là các cuốn:
Một số trong những tác phẩm này đã được thực hiện do sự tài trợ của Quỹ Hỗ Trợ Dịch và Xuất bản Văn học Hòa Lan. Điểm đặc biệt là những tác phẩm này được ông dịch thẳng từ nguyên bản tiếng Hòa Lan, không thông qua một bản dịch tiếng Anh hay tiếng Pháp như những bản dịch tiếng Việt từ trước đến nay. Trong giới văn thi sĩ Việt hải ngoại, Cao Xuân Tứ là một trong rất ít người Việt hải ngoại có thể tự hào đã chỉ dùng ngòi bút để mưu sinh.
Sách giáo dục, tài liệu:
Nói đến sách, chúng ta không thể bỏ qua phần sách giáo dục, tài liệu, vì chính nhờ đó mà chúng ta đã có thể hội nhập vào xã hội Hòa Lan và phổ biến văn hóa, suy nghĩ của ta đến người Hòa Lan.
Cuốn sách không người Việt nào có thể thiếu trong việc học ngoại ngữ là cuốn tự điển. Vào năm 1979 cuốn tự điển ‘Việt-Hòa Hòa-Việt’ của Trương Quang và Trương Văn Bình, tuy hình thức còn thô sơ (đánh máy, bỏ dấu bằng tay) và chứa nhiều lỗi, nhưng đã kịp thời thay thế cuốn tự điển mỏng dính ‘tra chữ nào cũng không có’ do Hội Hồng Thập Tự thực hiện trước đó với sáu ngôn ngữ: Việt – Hòa Lan – Anh – Pháp – Đức – Ý, một công quá lắm chuyện. Năm 1994, ấn bản thứ nhì của cuốn tự điển này với nhiều tu chính đã hình thành do một Ban Dự Án của Phân Khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Đại học Quốc gia Leiden biên soạn (nhà xuất bản NBLC), và sau đó đã tái bản năm 1997 với một số hiệu đính, cả hai bản đã bán hết sạch trong một thời gian rất ngắn.
Cũng nhờ sự cố gắng của Trương Văn Bình và Trương Quang, những thuyền nhân Việt Nam đến định cư ở Hòa Lan trong những năm cuối thập niên ‘70, đầu thập niên ‘80 đã có được những tập tài liệu quí giá trong bước đầu hội nhập. Với sự cộng tác của hai ông, Tổ chức VVN (Vereniging van Vluchtelingenwerk in Nederland) đã có thể cung cấp cho người tị nạn một số tài liệu bằng Việt ngữ có giá trị, đặc biệt là ấn bản Việt ngữ của tập tài liệu ‘Introductie in de Nederlandse Samenleving’ (‘Giới Thiệu về Đời Sống Hòa Lan’) ấn hành năm 1980, với những chỉ dẫn căn bản nhưng cặn kẽ về đất nước, cơ cấu chính trị xã hội và những luật lệ của nước Hòa Lan. Cuốn sách hướng dẫn thứ hai nhiều người có được là cuốn ‘Từ Đời Sống Việt Nam Đến Đời Sống Hòa Lan’ (do Stichting Projekten Opvang Vluchtelingen xuất bản năm 1983), chủ yếu giới thiệu đời sống hàng ngày, và các ngày lễ hội dân gian ở Hòa Lan. Cũng cần nói thêm là Stichting POV trong những năm đó cũng đã thực hiện một bộ ‘Sách Hướng Dẫn về Dinh Dưỡng và Tài Liệu Cần Thiết Cho Người Tỵ Nạn Việt Nam Ở Hòa Lan' gồm nhiều tập, phần tiếng Việt do Ngô Thanh Mai và Nguyễn Văn Đồng biên soạn. Năm 1994 chúng ta lại có được cuốn ‘Đi Học Ở Hà Lan’ do Bộ Giáo Dục thực hiện khi hệ thống giáo dục Hòa Lan được cải tổ toàn bộ.
Những cuốn sách kể trên chỉ là một số tiêu biểu (bài viết chỉ liệt kê những cuốn có tầm quan trọng và ở dạng ‘sách’), chứng tỏ những quan tâm của người Hòa Lan đến sự an cư và hội nhập của người tị nạn Việt Nam.
Về phía người Việt, chúng ta cũng may mắn có được một cuốn ‘Văn Phạm Giản Lược Tiếng Hòa Lan’ do công biên soạn của ông Trần Nho Mai, do cơ sở Việt Nam Mến Yêu (thuộc CĐNVTNCS/HL) phối hợp với Tổ chức VVN phát hành năm 1981, và tái bản một năm sau đó.
Để ghi dấu mười năm thuyền nhân Việt Nam ở Hòa Lan, một tập sách mỏng đã được thực hiện với sự điều hợp biên soạn của Ngô Văn Tuấn, khi đó là Chủ tịch Ủy Ban Thống Nhất Hành Động, một tổ chức được lập ra để thực hiện những công tác mang tính chính trị của CĐNVTNCS/HL. Cuốn sách này (10 Jaar Bootvluchtelingen in Nederland) tóm lược những thành quả người Việt đã đạt được ở Hòa Lan, và phác họa những nét đại cương của sinh hoạt người Việt tại Hòa Lan.
Còn những em học tiếng Việt ở Hòa Lan và những thầy cô dạy lớp Việt ngữ chắc không thể quên bộ sách hai cuốn ‘Em Học Việt Ngữ’ do cô giáo Nguyễn Thị Hoàng biên soạn. Bộ sách này lưu hành rất lâu trong các trường cấp 1 ở Hòa Lan và được các thầy cô photocopy phổ biến rộng rãi. Phải chờ tới năm 1998, một bộ sách vỡ lòng thứ hai hoàn toàn mới, gồm 24 cuốn, được biên soạn rất công phu với sự tài trợ của Cộng Đồng Âu châu, mới được ra mắt. Ước muốn của Ban Biên Soạn, trong đó cô giáo Phạm Thị Tú Minh là một thành viên quan trọng, là hệ thống hóa và hợp lý hóa tiếng Việt để thích hợp trong việc giảng dạy các em đã quen với phương pháp học đọc hiện đại.
Thế nhưng hệ thống hóa một cách triệt để đã làm mất đi những biệt lệ mà ngôn ngữ nào cũng có. Hơn nữa, với người tị nạn, họ coi ngôn ngữ họ đã quen dùng ở quê nhà ngày trước là một phần của văn hóa, cần phải bảo tồn và gìn giữ tối đa nguyên bản. |
Bộ sách dày công này – Học Kĩ Đọc Đúng – bắt đầu bằng một cái tựa chối mắt nhiều người, và vị trí của dấu giọng trong một số từ không được nhiều người chấp nhận, cho tới giờ chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ ước muốn của những soạn giả.
*
Cuối cùng, khi nói đến sách Việt ở Hòa Lan, cũng nên kể thêm nơi đây là họa sĩ Thái Tăng An đã tạo bìa cho hơn một nửa số sách do người Việt ở Hòa Lan thực hiện.
Tổng số sách Việt ở Hòa Lan, qua phần tóm lược trên, xem ra cũng đủ cho một tủ sách nho nhỏ. Chưa kể bộ môn nhạc với những tập nhạc và băng cassette, CD (cũng khá phong phú), người Việt ở Hòa Lan cũng nên tự hào đã làm được một chút gì đó cho kho tàng văn hóa Việt. Nhưng khi nhìn vào tương lai, chúng ta không khỏi ưu tư. Trong thời đại mọi truyền thông đều qua màn ảnh nhỏ và siêu nhỏ, tương lai sách báo trên giấy đang gặp cơn khủng hoảng. Tương lai ‘sách in’ trong một cộng đồng dân thiểu số một hai chục ngàn còn nguy ngập hơn. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên tạm hài lòng là những cuốn sách Việt ở Hòa Lan cho tới bây giờ đã hoàn tất nhiệm vụ của nó trong thế hệ thứ nhất và thứ hai. Từ thế hệ thứ ba trở đi, để có thể sống còn, và cũng theo như tiến trình phát triển, sách Việt hải ngoại bắt buộc phải nhập vào dòng thông lưu văn hóa với chính quốc, là Việt Nam. Tiến trình phát triển này nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là: một sự thông lưu đúng nghĩa phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và công bằng.
Nguyễn Hiền
Ghi chú:
(*) Quí vị có thể xem thêm phần giới thiệu những tác phẩm có dấu (*) trong mục
Gác sách hoặc Bibliotheek trong website này (www.caidinh.com)