Phạm Đình Lân


Vòng lẩn quẩn chánh trị

…Nếu Huynh Đệ Hồi Giáo chủ trương bạo lực đấu tranh thì vai trò và sự trở lại chánh quyền của quân đội trở nên cần thiết. Nếu không có dân chủ thật sự mà chỉ có dân chủ trá hình và hỗn loạn thì người ta lại thấy an ninh, trật tự là hạnh phúc. Sự lẩn quẩn tâm lý của loài người dẫn theo sự lẩn quẩn chánh trị trong tiến trình lịch sử nhân loại…

***

Từ trái sang phải: Tổng thống Gamal Abdel Nasser - Tổng thống Anwar Sadat - Tổng thống Hosni Mubarak - Tổng thống Mohamed Morsi

Chế độ độc tài quân sự Ai Cập kéo dài 60 năm từ khi vua Farouk bị lật đổ đến khi tổng thống Mubarak từ nhiệm vì dư âm của cách mạng Hoa Lài xuất phát từ Tunisia. Tổng thống quân nhân Mubarak bị đưa ra tòa và bị tuyên án chung thân nhưng Hội Đồng Quân Lực Tối Cao vẫn còn đó. Tháng 6 năm 2012 Ai Cập mới tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được quốc tế công nhận. Morsi, ứng cử viên được Huynh Đệ Hồi Giáo ủng hộ, đắc cử ở vòng hai.

Huynh Đệ Hồi Giáo (Hizb al-Ikhwan al-Muslimoon) là một tổ chức chánh trị Hồi Giáo cực đoan do giáo viên Hasan al-Banna (1906 – 1949) sáng lập năm 1928 với chủ trương dùng luật Sharia làm quốc luật và chủ trương Jihad (Thánh Chiến) để làm sáng danh đấng Allah. Năm 1948 tổ chức nầy được hợp thức hóa. Liền sau đó Thủ Tướng Nobrashi bị ám sát chết (26-12-1948). Ngày 18-02-1949 Hasan al-Banna bị bắn chết.

Năm 1952 chế độ quân chủ Ai Cập không còn nữa. Năm 1954 đại tá Nasser bị tổ chức Huynh Đệ  Hồi Giáo ám sát hụt vì tổ chức Hồi Giáo nầy cho rằng hiến pháp Ai Cập quá thế tục! Nhiều thành viên tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo bị bắt và tra tấn. Nhiều người bỏ chạy sang các quốc gia Hồi Giáo láng giềng. Nhưng vào đầu thập niên 1960 Nasser ban hành lịnh ân xá cho những thành viên tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo. Liền sau đó họ lại bạo động chống chánh quyền Nasser và bị đàn áp thẳng tay. Nhiều thành viên lãnh đạo của tổ chức bị hành quyết, những người khác bị cầm tù.

Năm 1981 tổng thống Sadat bị nhóm nầy giết chết vì từ bỏ đường lối xóa bỏ nước Do Thái trên bản đồ Trung Đông. Từ năm 1981 đến năm 2011 dưới sự lãnh đạo của tướng Mubarak, Huynh Đệ Hồi Giáo bị cấm hoạt động. Nhiều thành viên của tổ chức nầy bị giam cầm và tra tấn. Sự sụp đổ của Mubarak là sự sụp đổ của chế độ độc tài quân nhân ở Ai Cập. Nó được ngầm hiểu là sự thắng lợi của Huynh Đệ Hồi Giáo. Tổ chức nầy thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc Hội và Tổng Thống năm 2012. Morsi, đại diện cho Huynh Đệ Hồi Giáo, là vị tổng thống Ai Cập đầu tiên đắc cử trong một cuộc bầu cử tự do và trong sạch trong lịch sử Ai Cập.

Tổng thống Morsi, một Giáo Sư Đại Học từng dạy Đại Học ở California, thi hành đường lối của Huynh Đệ Hồi Giáo vì tổ chức nầy nắm quyền Hành Pháp lẩn Lập Pháp. Đường lối của Huynh Đệ Hồi Giáo khó hòa hợp với các nước dân chủ Tây Phương như  Hoa Kỳ, Liên Âu, Do Thái và với tôn giáo của các nước ấy. Morsi củng cố quyền hành bằng cách gạt bỏ những tướng lãnh có quyền uy dưới thời Mubarak. Tháng 6 năm 2012 ông thay thế tướng Tantawi bằng tướng Sisi trong Hội Đồng Quân Lực Tối Cao và bộ Quốc Phòng. Sisi là một vị tướng trẻ sinh năm 1954, chưa có thành tích chiến đấu ngoài chiến trường. Ông từng dự khóa tướng lãnh chỉ huy ở Anh Quốc năm 1992 và Đại Học Chiến Tranh Lục Quân ở Hoa Kỳ năm 2006. Morsi ký sắc lịnh tự ban cho ông quyền bất khả xâm phạm và đứng trên những phán quyết của ngành Tư Pháp. Ông vội vã đưa dự thảo Hiến Pháp dựa vào luật Sharia Hồi Giáo ra trưng cầu dân ý để dần dà biến Ai Cập thành một quốc gia Hồi Giáo Sunni như Cộng Hòa Hồi Giáo Shiite Iran đã làm năm 1979 mặc cho những cuộc xuống đường chống đối việc Hồi Giáo hóa chánh trị Ai Cập qua một cuộc bầu cử hợp pháp, trong sạch và tự do!

Ngày 30-06-2013 hàng trăm người biểu tình ở thủ đô Cairo đòi tổng thống Morsi phải từ chức. Những người đòi Morsi từ chức là những người thuộc khuynh hướng tự do, thích luật thế tục hơn là luật Sharia, những người Thiên Chúa Giáo Coptic (10% dân số Ai Cập tức trên 8 triệu người), những người ủng hộ chế độ quân sự, kể cả những người Hồi Giáo bảo thủ Salafi của đảng Nour (nhóm bảo thủ Hồi Giáo nhưng chống đối lại Huynh Đệ Hồi Giáo). Mặt Trận Quốc Gia Cứu Quốc của Mahamed el-Baredei, nhà ngoại giao và luật học được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2005 v.v... Trước khí thế sôi nổi của những người biểu tình chống Morsi, Huynh Đệ Hồi Giáo kêu gọi những người ủng hộ Morsi xuống đường chống lại phe nầy. Phe chống đối cho rằng có 33 triệu người Ai Cập ký tên đòi Morsi từ chức (không biết số chữ ký thật là bao nhiêu ngoài con số do phe chống đối đưa ra). Quân đội yêu cầu tổng thống Morsi giải quyết vấn đề với phe biểu tình trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Morsi tin tưởng vào sức mạnh quần chúng của Huynh Đệ Hồi Giáo nên có vẻ thách thức và xem thường tối hậu thơ của quân đội. Ngày 03-07-2013 tướng Abdul Fatah Al-Sisi (1954 - ), chủ tịch Hội Đồng Quân Lực Tối Cao và là tổng trưởng bộ Quốc Phòng tuyên bố giải nhiệm tổng thống Morsi. Chủ tịch Tòa Án Tối Cao Hiến Pháp là Adly Mansour (1945 - ) được đưa lên làm tổng thống lâm thời. Ông tuyên thệ nhậm chức ngày 04-07-2013.

***

Năm 2011 dân chúng Ai Cập xuống đường đòi lật đổ chế độ độc tài quân sự do ông Mubarak đại diện.

Ngày 03-07-2013 những người biểu tình tập họp tại Quảng Trường Tahrir hoan hô việc lật đổ tổng thống Morsi do chính họ bầu lên vào tháng 06-2012. Những người ủng hộ Morsi sau đó xuống đường đòi phục chức cho Morsi (hiện đang  bị quân đội quản thúc ở một nơi nào đó). Bạo động đã xảy ra ở nhiều thành phố, một số nhà thờ Coptic bị đốt cháy. Nhiều người biểu tình bạo động bị quân đội bắn chết. Con số tử vong chánh thức do biểu tình bạo động và do quân đội giải tỏa các lều trại của phe ủng hộ Morsi đã lên đến gần 900 người tính đến ngày 19-08-2013.  Nhiều thành viên của Huynh Đệ Hồi Giáo bị bắt giữ. Chánh phủ lâm thời ra lịnh tập nã lãnh tụ Mohamed Badie và 9 vị thủ lãnh của nhóm nầy. Con trai của Mohamed Badie  bị quân đội bắn chết và Mohamed Badie đã bị quân đội bắt giữ vào ngày 20-08-2013.

Phản ứng của thế giới trước biến động Ai Cập

Các quốc gia Liên Âu lấy làm tiếc vì một vị tổng thống dân bầu trong một cuộc bầu cử tự do và trong sạch bị lật đổ sau khi nhậm chức được một năm. Quân đội Ai Cập không công nhận đây là một cuộc đảo chánh.

Chánh phủ Hoa Kỳ tuyên bố không đứng về phía phe nhóm nào ở Ai Cập. Nghị sĩ Mc Cain của đảng Cộng Hòa yêu cầu chánh phủ Hoa Kỳ ngưng viện trợ cho Ai Cập. Một số đảng viên Cộng Hòa khác cho rằng đây không phải là một cuộc đảo chánh và chủ trương tiếp tục viện trợ cho chánh phủ thời hậu Morsi. Phe thân Morsi trắng trợn cho rằng Hoa Kỳ có vai trò nào đó trong cuộc chánh biến vừa qua ở Ai Cập như là một đòn hạ uy tín Hoa Kỳ trên chánh trường thế giới sau vụ Snowden, một nhân viên tình báo Hoa Kỳ phục vụ tại Cơ Quan An Ninh Quốc Gia (NSA: National Security Agency), tố giác Hoa Kỳ nghe lén tin tức của các nước bạn lẫn đối nghịch trên thế giới.

Tổng thống Putin của Nga cho rằng Ai Cập sẽ rơi vào nội chiến.

Thổ Nhĩ Kỳ không hứng thú với hành động của quân đội Ai Cập đối với Morsi vì thủ tướng Erdogan cũng bị nhiều người biểu tình phản đối ở Istanbul. Ông có cảm tình với người Palestine ở Gaza và căng thẳng với Do Thái năm 2010 về vụ tàu Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng cứu trợ cho người Palestine ở Gaza bị Do Thái ngăn chận và làm cho một vài người trên tàu bị tử thương. Nhưng Erdogan không quá nặng về vấn đề Hồi Giáo như Morsi. Ông không nhờ những người Hồi Giáo cực đoan để được đắc cử như Morsi phải trông cậy vào nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo. Từ năm 2003 đến nay Erdogan làm cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ổn định và phồn vinh trong khi Morsi đưa nền kinh tế Ai Cập đến sự suy sụp. Tỷ lệ thất nghiệp trên 40%. Các hoạt động kinh tế, kể cả ngành du lịch, gần như tê liệt. Đường lối ngoại giao nặng màu sắc tôn giáo cực đoan khiến cho các quốc gia dân chủ Tây Phương e dè. Ở Thổ Nhĩ Kỳ quân đội luôn luôn tìm cách duy trì truyền thống thế tục hóa và ổn định chánh trị do Ataturk Kemal lưu lại. Erdogan cũng lo ngại quân đội sẽ can thiệp nếu ông không khéo vãn hồi an ninh và trật tự quốc gia. Người ta cho rằng Erdogan là nhà lãnh đạo chánh trị Thổ Nhĩ Kỳ sắc bén khả dĩ tạo một thế đứng đặc biệt cho xứ nầy trong vùng. Nhiều người không ngần ngại cho rằng chủ nghĩa Tân Đế Quốc Ottoman đang hình thành với thủ tướng Erdogan.

Sự lật đổ Morsi gây thất lợi cho bang giao giữa Iran và Ai Cập. Ít ra giữa Iran và Huynh Đệ Hồi Giáo cũng có một số điểm chung: Hồi Giáo cực đoan, chống Do Thái quyết liệt, chống văn hóa Tây Phương và đạo Christ. Suốt 30 năm cầm quyền Mubarak không hề thăm viếng Iran. Mubarak vừa sụp đổ, tàu Iran sử dụng kinh đào Suez để ra Địa Trung Hải liên lạc với Syria bằng đường biển. Morsi vừa đắc cử tổng thống Ai Cập, liền thăm viếng Iran mặc dù hai nước đều theo Hồi Giáo nhưng Ai Cập thuộc phái Sunni và Iran thuộc phái Shiite. Hai phái Hồi giáo nầy có lịch sử chinh chiến lâu dài trong lịch sử Hồi Giáo. Hầu hết các nước Hồi Giáo trên thế giới đều theo phái Sunni. Dù muốn dù không sự sụp đổ của Morsi khiến cho Iran mất một đồng minh tôn giáo trong vùng Tam Hùng Hồi Giáo Trung Đông gồm:

Ai Cập và Iran, tức Persia trước kia, là hai quốc gia có văn minh rực rỡ vào thời cổ. Đó là hai đế quốc trong vùng đối lại với văn minh Hy Lạp.

Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm Trung Đông, Đông Nam Âu Châu và Bắc Phi. Nó nối liền ba lục địa Âu-Á-Phi và kéo dài từ năm 1301 đến năm 1922.

Syria đang bị nội chiến. Morsi đứng trên lập trường Hồi Giáo Sunni khi lên án Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến đầy phức tạp ở Syria. Bashar al-Assad vui mừng khi thấy Morsi bị sụp đổ. Ông cho rằng trong những người đang chống phá ông, có những thành phần khủng bố và những người Hồi Giáo quá khích (ám chỉ phái Sunni). Một vài hình ảnh làm cho người ta bắt đầu suy nghĩ về tương lai của Syria sau khi Assad sụp đổ và e ngại luật Sharia có thể được thi hành thời hậu Assad.

Các nước quân chủ Á Rập Hồi Giáo trong vùng như Saudi Arabia, Kuwait, Jordan, United Arab Emirates, Qatar (có chánh sách giúp đỡ nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo năm 2011), Morocco đều là Hồi Giáo Sunni. Phần lớn các quốc gia quân chủ Hồi Giáo ít dân nhưng có nhiều tiền bạc do nguồn lợi dầu hỏa, ngọc trai hay du lịch mang về. Các nước nầy ủng hộ việc làm của quân đội Ai Cập và hứa sẵn sàng cho chánh phủ lâm thời mượn tiền để chấn hưng kinh tế và ổn định tình hình. Do việc quân đội giải tỏa các lều trại của phe biểu tình ủng hộ Morsi gây số tử vong quá cao, Liên Âu đã dự định và bắt đầu thi hành các biện pháp ngưng giúp đỡ tài chánh cho Ai Cập. Tuy nhiên Saudi Arabia hứa giúp Ai Cập 5 tỷ Mỹ kim, United Arab Emirates 3 tỷ Mỹ kim, Kuwait 2 tỷ Mỹ kim trong khi số tiền trợ giúp cho kinh tế và quân sự của Liên Âu và Hoa Kỳ không quá con số 3 tỷ Mỹ kim.

Do Thái hoài nghi Morsi và Huynh Đệ Hồi Giáo. Trực tiếp hay gián tiếp Huynh Đệ Hồi Giáo đã ủng hộ Hamas chống Do Thái. Những đường hầm nối liền Gaza và biên giới Ai Cập là những con đường tiếp tế lương thực, thuốc men, vật liệu xây cất và cả võ khí nữa. Khi ra tranh cử cũng như sau khi đắc cử, tổng thống Morsi luôn luôn có lập trường bất thân thiện với Do Thái khiến nước nầy phải lo bảo vệ biên giới phía Nam chặt chẽ hơn và lo ngại Morsi có thể hủy bỏ các hiệp uớc mà chánh quyền quân sự Ai Cập ký kết với Do Thái năm 1979. Nếu Hamas ghét hành động của Sisi thì Do Thái lại yêu thích nó vì đó là sự đảm bảo an ninh Do Thái và sự hồi sinh của đường lối ngoại giao cởi mở của một nước Hồi Giáo to lớn và đông dân trong vùng sau cuộc cách mạng 2011.

Dù muốn dù không biến cố ngày 03-07-2013 tại Ai Cập là một đòn mạnh giáng xuống Huynh Đệ Hồi Giáo, một sự cảnh cáo đối với hai nước láng giềng Libya, Tunisia và Syria  hậu Assad trong tương lai (?). Sự thi hành luật Sharia không được xem là dấu hiệu của dân chủ mà là ẩn dấu của sự ràng buộc và kỳ thị tôn giáo vì trong bất cứ quốc gia nào dù là Hồi Giáo, Ấn Giáo hay Phật Giáo vẫn có những người theo tôn giáo khác như đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Chính Thống Giáo, đạo Bahai, đạo Sikh chẳng hạn. Đối với các nước dân chủ Tây Phương, đó là tín hiệu chống đối họ và tôn giáo của họ. Lợi dụng định chế dân chủ để tiến đến độc tài tôn giáo gây tổn hại cho đoàn kết quốc gia (kỳ thị đạo Thiên Chúa Coptic, không tôn trọng tự do cá nhân của dân chúng vốn đã có, không tôn trọng nữ quyền; thi hành đường lối phe phái và trả thù đối với những người thuộc chánh quyền quân sự cũ v.v…) và bang giao quốc tế thì có lợi gì cho đất nước và dân tộc Ai Cập?

Sự đắc cử của Huynh Đệ Hồi Giáo vào quyền Hành Pháp và Lập Pháp ở Ai Cập năm 2011 và 2012 giống như sự đắc cử của Hamas năm 2006. Khuynh hướng độc tài và quá khích của Hamas đưa đến sự phân chia vùng giữa người Palestine ở Gaza (Hamas) và người Palestine ở West Bank (Fatah). Khuynh hướng độc tài và quá khích của Huynh Đệ Hồi Giáo qua việc làm của Morsi dẫn đến những cuộc xuống đường và đánh chém nhau giữa những người chống đối và ủng hộ Morsi như cảnh hỗn loạn ở Sài Gòn vào tháng 08 năm 1964 thời tướng Nguyễn Khánh làm chủ tịch Hội Đồng Quân Lực, chủ tịch và thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 2011 chánh quyền quân sự Mubarak là đối tượng lật đổ của những người biểu tình tập họp tại quảng trường Tahrir. Cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày.

Ngày 03-07 vừa qua chính quân đội đáp ứng nguyện vọng của những người biểu tình tại quảng trường Tahrir đòi Morsi phải từ chức. Cuộc biểu tình kéo dài 4 ngày thì Morsi phải ra đi.

Hành động của quân đội Ai Cập không phải là hành động mới lạ trong thế giới Hồi Giáo hay trên thế giới khi lật đổ một chánh phủ dân cử. Hiện thời chưa phải là lúc quân đội trở lại nắm chánh quyền giống như năm 1964 tướng Nguyễn Khánh trao quyền cho các chánh khách dân sự Phan Khắc Sửu (quốc trưởng) và Trần Văn Hương (thủ tướng) nhưng ông vẫn còn là chủ tịch Hội Đồng Quân Lực đầy quyền uy. Bên ngoài vẫn thường xuyên có biểu tình của các khuynh hướng chánh trị và tôn giáo khác nhau. Chánh phủ Trần Văn Hương và Thượng Hội Đồng Quốc Gia bị các tướng trẻ lật đổ. Bác sĩ Phan Huy Quát thay thế Trần Văn Hương trong cương vị thủ tướng. Giữa quốc trưởng Phan Khắc Sửu và thủ tướng Phan Huy Quát lại hục hặc nhau. Nhóm Thiên Chúa Giáo chống đối Phan Huy Quát. Cuộc đảo chánh ngày 19-02-1965 của đại tá Phạm Ngọc Thảo thất bại nhưng tướng Nguyễn Khánh phải rời Sài Gòn. Tất cả những cảnh hỗn độn ấy mở đường cho quân đội nắm chánh quyền ngày 19-08-1965 với trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia) và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương).

Con đường phải đến

Tổng thống lâm thời Mansour đã chọn thủ tướng và phó tổng thống. Ông hứa sẽ tu chính Hiến Pháp bị đình chỉ trong vòng hai tuần lễ và trưng cầu dân ý thật sớm để tổ chức bầu cử dự trù vào tháng 02-2014. Thời gian 6 tháng tới là thời gian thử thách bản lĩnh lãnh đạo và gìn giữ an ninh trật tự của chánh quyền lâm thời trước sự đối kháng của Huynh Đệ Hồi giáo và sự kỳ vọng của những người chống đối Morsi ngày 30-06 vừa qua. Đảng Nour từng tham dự cuộc biểu tình phản đối Morsi ngày 30-06, đã phản đối tổng thống lâm thời Mansour về việc chọn ông Mohamed el-Baradei làm thủ tướng, viện lẽ rằng ông Baradei quá “thế tục”. Tổng thống Mansour phải từ bỏ ý định nầy và chọn ông Beblami làm thủ tướng và ông Baradei làm phó tổng thống. Đó là dấu hiệu rạn nứt đầu tiên của những người tạm liên kết lại để chống Morsi tại quảng trường Tahrir ngày 30-06 vừa qua. Sau khi đạt mục tiêu, mỗi nhóm có nguyện vọng riêng. Hiện nay Ai Cập có rất nhiều đoàn thể chánh trị và tôn giáo đã đăng ký và được thừa nhận hay chưa đăng ký và chưa được thừa nhận. Làm cách nào ông Mansour đủ sức thỏa mãn mọi người giữa lúc có muôn ngàn việc phải giải quyết khẩn cấp giữa tiếng gào thét của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo đòi phục chức cho Morsi và phản đối quân đội đã bắn chết nhiều người của họ?

Một vài vấn đề được đặt ra:

 

Nếu Huynh Đệ Hồi Giáo chủ trương bạo lực đấu tranh thì vai trò và sự trở lại chánh quyền của quân đội trở nên cần thiết.

Có những căn bịnh không chữa được bằng thuốc Tây hay thuốc Ta nhưng lại được thầy phù thủy chữa khỏi. Cứu cánh của sự chữa bịnh là chữa lành bịnh, dù là trong nhất thời, sao lại phải quá nể trọng thuốc Tây hay thuốc Ta và chê bai cách chữa của thầy phù thủy dù vẫn biết rằng ông ta có thể chữa khỏi bịnh? Nan chứng hết thuốc chữa đành phải nhờ phù thủy chữa vậy. Điển hình là Rasputin đã chữa chứng đồng huyết tính (hemophillia) cho con trai của Nga hoàng Nicholas II có kết quả.

Nếu không có dân chủ thật sự mà chỉ có dân chủ trá hình và hỗn loạn thì người ta lại thấy an ninh, trật tự là hạnh phúc. Sự lẩn quẩn tâm lý của loài người dẫn theo sự lẩn quẩn chánh trị trong tiến trình lịch sử nhân loại. Vạn vật trong vũ trụ đều hữu ích. Sự hữu ích ấy không thường xuyên, không bất biến và không cố định mà tùy vào thời gian, không gian và cảnh ngộ để biến thiên. Liều thuốc chữa được bịnh A lại có thể gây ra bịnh B. Không ai biết trái đất bắt đầu quay vào lúc nào và chừng nào nó sẽ ngừng quay? Câu hỏi mơ hồ nầy giúp cho ta thấy tính vô thủy, vô chung của vạn vật.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.


Cái Đình - 2013