Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Việt Nam tuyên chiến toàn diện với blogger

 

Jakarta - Việt Nam rất ưa chuộng internet. Internet có nghĩa là tiến bộ, và tiến bộ là điều tốt cho quốc gia cộng sản đã ôm chặt chủ nghĩa tư bản trong vòng tay mình. Nhưng internet cũng rất đáng phiền. Nhất là những blogs, nơi mà mọi chỉ trích tự do về đảng và nhà nước được bày tỏ.

***

Điều đó không thể nào chấp nhận được và vì thế không được phép làm, nhà nước cảm thấy thế. Việt Nam đang thi hành một chính quyền khủng bố thật sự để chống lại các bloggers chỉ trích nhà nước. Hàng trăm người đã bị cầm tù. Những người khác đang bị bắt, bị khủng bố và đe dọa thường xuyên. Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam ở Paris đã đưa ra bảng tường trình trong đó số phận của những bloggers và các ký giả trên mạng được xếp theo thứ lớp. Bảng tường trình đã phác họa về một quốc gia, nơi mà nhân quyền chỉ nằm trên giấy trong khi chế độ kiểm duyệt tồi tệ đang ngự trị.

Internet được chánh quyền đánh giá là một đe dọa nghiêm trọng đối với chế độ. Việt Nam có một mật độ internet lớn nhất trong vùng. Hơn 30 triệu người, khoảng một phần ba dân số, đã lên mạng thường xuyên, và trong giới trẻ ở các thành phố lớn con số đó đã lên đến 90%. Từ khi Yahoo vào năm 2005 đặt không gian blog đầu tiên để sẵn sàng được sử dụng, đã có hàng triệu blogs thành hình. Ngoài ra từ hai năm nay đã xuất hiện thêm những ký giả nhân dân, những người tự nhận mình là ký-giả-trên-mạng. Tất cả đã cùng sản xuất cả một dòng tin tức mà người ta không thể nào tìm được những tin đó trong dòng tin tức do nhà nước kiểm duyệt. Trong những bài bình luận và chats, một nền văn hóa phản kháng đã lớn mạnh chưa từng thấy đối với Việt Nam. Các nguồn tin về vấn đề tham nhũng, lạm quyền không thể nào tách rời khỏi các mạng và đôi khi đã mang lại các hậu quả có ảnh hưởng sâu rộng.

Vào năm 2006 những điều này hãy còn được nhà nước tạm thời bỏ qua: Việt Nam trong lúc bấy giờ đang tiếp đón APEC, đang sắp được phép gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Nhưng kể từ đó Việt Nam đã tìm mọi cách để kiểm soát chặt chẽ internet.

Một đơn vị "công an mạng" truy tầm tất cả các blog và website bị tình nghi. Hàng trăm blog và website đã bị đóng cửa. Các nhà cung cấp internet (tất cả đều do nhà nước quản lý) thanh lọc sạch tất cả những lời phê phán, tương tự như điều đã xảy ra ở Trung Quốc. Facebook bị ngăn trở thường xuyên, và nhất là website của các tổ chức địa phương hay quốc tế đấu tranh cho nhân quyền, tự do phát biểu tư tưởng, tự do tôn giáo, dân chủ hóa đều bị ngăn trở.

Nhiều người đã bị bắt. Một số đã bị thủ tiêu, những người khác bị đem ra xét xử công khai để làm nản lòng các blogger. Vào tháng 9 năm 2012 ba blogger gây nhiều ảnh hưởng, sáng lập viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, đã bị kết án từ 4, 10 đến 12 năm tù và cộng thêm những năm quản chế tại địa phương (1) tiếp theo sau.

Bản án của ba bloggers trên đã đưa đến các phản đối phẫn nô trên khắp thế giới. Ngay cả tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng đã yêu cầu phải trả tự do cho những người này. Chánh quyền Việt Nam hoàn toàn bịt tai trước các phản đối. Họ phủ nhận một cách đon giản rằng những người bị nhà nước cầm tù không phải vì tư tưởng của họ. Họ khẳng định không hế có tù nhân chính trị ở Việt Nam, chỉ có tù hình sự và họ bị nhốt bởi vì "họ đã vi phạm luật pháp".

Vào tháng giêng vừa qua 14 blogger lại bị kết án: tổng cộng họ nhận 113 năm tù và quản thúc tại gia. Bản án trên cũng bị chỉ trích trên toàn thế giới. Vô ích!

Tự do tư tưởng được bảo đảm trong hiến pháp, nhưng điều đó không có nghĩa lý gì cả. Luật pháp Việt Nam chứa một số điều khoản mà dựa vào đó mà một người có thể bị bắt giữ do những gì anh ta phát biểu. Ai tiếp tục hoạt động blog, phải hứng chịu hậu quả và ai hứng chịu hậu quả, sẽ bị nguy cơ kết cuộc như "kẻ chống đối".

 

Nguyên tác: Vietnam voert totale oorlog tegen bloggers - De Volkskrant, 15-02-2013 – Michel Maas
Nguyễn Thị Quỳnh Anh chuyển ngữ

_________________

Chú thích:

(1) Vào tháng 9-2012 ba blogger của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã bị chánh quyền CHXHCNVN kết án 12 năm tù và 5 năm quản chế tại gia, Tạ Phong Tần 10 năm tù và 3 năm quản chế tại gia, Phan Thanh Hải 4 năm tù và 3 năm quản chế tại gia với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN". Vào tháng 12-2012 tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo và giữ nguyên bản án nói trên.

 


Cái Đình - 2013