Phạm Đình Lân
Về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2012
Thật quá sớm để bàn luận về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ còn cách xa 19 tháng. Hiện nay chúng ta biết rõ ràng đương kim tổng thống Barack Obama sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ hai.
Về phía đảng Cộng Hòa các ông Mitt Romney, Donald Trump, Mike Huckabee, Newt Gingrich, Tim Pawlenty và các bà Sarah Palin, Michele Bachmann được xem là những người khả dĩ được đảng Cộng Hòa chọn làm ứng cử viện tổng thống đương đầu với Obama trong cuộc bầu cử vào năm 2012.
Về phía đảng Dân Chủ cũng có người hỏi liệu bà Hilary Clinton có ra tranh với Obama như thượng nghị sĩ Edward Kennedy đã làm với tổng thống Jimmy Carter năm 1980 không?
Dư luận Hoa Kỳ đánh giá cao việc bà Hilrary Clinton với tư cách bộ trưởng bộ Ngoại Giao và ông Robert Gates, bộ trưởng bộ Quốc Phòng. Cả hai mạnh dạn minh định quyền lợi của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương trước sự bành trướng ảnh hưởng quân sự của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc trong vùng. Ông Gates là bộ trưởng bộ Quốc Phòng thời tổng thống Bush II và là cựu giám đốc Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ. Ông rất dè dặt trong việc can thiệp quân sự vào Libya.
Sau bốn năm làm tổng thống, ông Jimmy Carter không có những thành quả rực rỡ. Thế nhưng ông Edward Kennedy cũng không được đảng Dân Chủ đề cử ra tranh cử vì làm như vậy gây một tiền lệ làm thương tổn danh dự cho vị tổng thống đương quyền. Năm 1952 và 1956 đảng Dân Chủ đề cử ông Stevenson hai lần ra tranh cử với tướng Eisenhower và thất cử. Đó là trường hợp hiếm có trong lịch sử bầu cử ở Hoa Kỳ. Bà Hilary Clinton luôn luôn tuyên bố không ra tranh cử trong các điều kiện hiện hữu. Ý định này có thể thay đổi khi xảy ra một ngoại lệ nào đó vào giờ chót chăng?
Đảng Cộng Hòa sẽ đưa ai ra tranh cử?
Để tìm câu trả lời chúng ta lần lượt tìm hiểu từng nhân vật khả dĩ tham dự các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng và tiêu chuần lựa chọn ứng cử viên của đảng Cộng Hòa.
Tiêu chuẩn lựa chọn của đảng Cộng Hòa trong quá khứ dựa vào:
1- Lập trường bảo thủ.
2- Tôn giáo: Tin Lành.
3- Chủng tộc: Bạch chủng.
4- Danh tiếng và khả năng được đác cử. Ở điểm này đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa đều giống như nhau.
Những người được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh cử tổng thống thường là các nghị sĩ, thống đốc, tướng lãnh hữu công như trường hợp tướng Eisenhower năm 1952 và 1956 vậy. Tổng thống Nixon từng là nghị sĩ trước khi được tướng Eisenhower chọn làm ứng cử viên phó tổng thống. Ông được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh tổng thống năm 1960 (lúc ấy là phó tổng thống) và 1968. Trước khi được đề cử ra tranh tổng thống, ông Reagan là thống đốc tiểu bang California. Cựu tổng thống Bush I chỉ đắc cử vào Hạ Viện mà thôi. Tổng thống Bush II từng thất cử khi ra tranh dân biểu Hạ Viện, nhưng ông đắc cử thống đốc Texas vẻ vang hai lần trước khi được đề ra tranh tổng thống năm 2000.
Ông Mitt Romney (sinh năm 1947) là con của một cựu thống đốc tiểu bang Michigan. Bản thân ông là thống đốc tiểu bang Massachusetts từ năm 2003 đến năm 2007. Năm 1994 ông ra tranh cử vào Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ và bị Edward Kennedy đánh bại ở Massachusetts. Ông là CEO của Bain & Company và là người góp công lớn trong việc tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002 ở Utah. Ông theo đạo Mormon và bị những người bảo thủ phê bình về chương trình bảo hiểm y tế "toàn dân"ở Massachusetts khi ông là thống đốc. Tiểu bang Massachusetts là thành trì văn hóa của Hoa Kỳ, pháo đài của đảng Dân Chủ và nói riêng của họ Kennedy. Chương trình y tế của Romney tạo nguồn cảm hứng cho Obama. Đó là một cách nói bất lợi cho ông Romney vì thực sự, dưới thời tổng thống Clinton, chương trình cải tổ y tế đã được đề cập nhưng thất bại. Trong các cuộc thăm dò dư luận của đảng Công Hòa, Mitt Romney luôn luôn là người dẫn đầu.
Ông Tim Pawlenty (sinh năm 1960) là người bảo thủ thuộc đảng Cộng Hòa từng được bầu làm dân biểu tiểu bang Minnesota 10 năm liền từ 1993 đến 2003 và 8 năm trên ghế thống đốc tiểu bang Minnesota (2003-2011). Ông là chủ tịch Hội Thống Đốc Quốc Gia năm 2007-2008. Trong cuộc bỏ phiếu thăm dò ở New Hampshire ngày 22-01-2011 ông chỉ được 8% sau dân biểu Ron Paul (11%).
Cùng tiểu bang Minnesota nữ dân biểu Michele Bachmann (sinh năm 1956) cũng có ý định ra tranh cử tổng thống năm 2012. Bà Bachmann là một trong những người lãnh đạo của Tea Party, một tổ chức mô phỏng theo nhóm Tea Party yêu nước năm 1773. Thành viên của Tea Party là những đảng viên Cộng Hòa cực đoan chống thuế, chống chương trình bảo hiểm sức khỏe "toàn dân" của Obama, chống nợ quốc gia, chống thâm thủng ngân sách, chống phá thai, chống hôn nhân đồng phái v.v... Bà Michele Bachmann là dân biểu Hạ Viện của tiểu bang Minnesota (2001-2003), nghị sĩ Thượng Viện tiểu bang (2003-2007) và là dân biểu liên bang từ năm 2007. Năm 1976 bà vận động cho ứng cử viên đảng dân chủ, Jimmy Carter.
Ông Donald Trump (sinh năm 1946) là một nhà tỷ phú nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Ông là CEO của Trump Organization là chủ của nhiều khách sạn và đổ trường. Ông là người được biết đến nhờ sự giàu có chớ chưa có một chức vụ dân cử nào cả. Ông cũng nổi tiếng vì "bạo phổi" như người Việt Nam nhận xét:
Mạnh vì gạo.
Bạo vì tiền.
Trong cuộc thăm dò dư luận sơ khởi vào đầu tháng 4-2011 ông được xếp hạng nhì (17%) sau Mitt Romney (21%) và ngang hàng với ông Huckabee (17%). Người ta thích nghe ông Trump chỉ trích chánh quyền Obama hơn là đưa ông ra tranh tổng thống hay bầu cho ông làm tổng thống. Ông thuộc khuynh hướng "birther" khi gợi lại nơi sinh của Obama vì ông cho rằng bà nội của ông Obama nói ông sinh ra ở Kenya và bà có mặt khi sinh ra ông. Ông muốn ông Obama trưng khai sinh với đầy đủ chi tiết như nơi sinh, tên bịnh viện và kể cả tôn giáo! Bà Sarah Palin, nữ ứng cử viên phó tổng thống năm 2008 trong liên danh Mc Cain tán đồng ý kiến của ông trong khi vẫn tin rằng ông Obama sinh ở Honolulu, Hawaï! (Chú thích của BBT Cái Ðình: Ngày 27/04/2011 trước ống kính truyền hình, ông Obama đã trưng ra bản sao chính thức của giấy khai sinh, trong đó ghi là ông đã được sinh ra tại bệnh viện phụ sản Kapiolani ở Honolulu).
Việc gì có thể xảy ra nếu Donald Trump hay bà Sarah Palin không được đảng Cộng Hòa đề cử?
Donald Trump có thể là một Perot và Tea Party là Reform Party trong cuộc bầu cử năm 2012 không? Ông Trump từng là đảng viên của Reform Party (Đảng Cải Cách) của tỷ phú Ross Perot. Nếu ông Trump ra tranh cử độc lập như ông Ross Perot năm 1992 thì đảng Cộng Hòa bị thất thế nặng.
Ông Mike Huckabee (sinh năm 1955) là một mục sư, nhạc sĩ gốc ở miền Nam. Từ năm 1993 đến 1996 ông là phó thống đốc tiểu bang Arkansas, tiểu bang sinh quán của tổng thống Bill Clinton. Từ năm 1996 đến 2007 ông là thống đốc của tiểu bang nầy. Năm 2007-2008 ông là chủ tịch Hội Thống Đốc Quốc Gia. Năm 2008 Romney và Huckabee đều thua Mc Cain trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa để được đề cử ra tranh cử tổng thống.
Bà Sarath Palin (sinh năm 1964) được ứng cử viên tổng thống Mc Cain chọn làm ứng cử viên trong liên danh của ông trong cuộc bầu cử năm 2008. Bà Palin là nữ thống đốc đầu tiên ở Hoa Kỳ. Bà là thống đốc tiểu bang Alaska từ năm 2006-2009. Bà từ chức để đi vận động chống chánh sách y tế và thuế vụ của tổng thống Obama nhắm vào những người giàu. Bà có quan hệ với Tea Party. Tiểu bang Alaska nơi bà làm thống đốc là tiểu bang rộng lớn nhất ở Hoa Kỳ có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng là tiểu bang ít dân cư nhất. Trước khi đắc cử thống đốc, bà là hội đồng thành phố Wasilla (1992-1996), rồi là thị trưởng thành phố nầy (1996-2002). Khả năng được đảng Cộng Hòa đề cử của bà Palin không cao lắm. Lập trường bảo thủ và cực đoan của bà giống Michele Bachmann và Donald Trump. Ông Trump tương đối có ưu thế hơn đối với Tea Party (Trà Đảng) vì là một nhà tỷ phú. Ông chưa hề có một chức vụ dân cử nào như thị trưởng, hội đồng thành phố, dân biểu, nghị sĩ hay thống đốc.
Ông New Gingrich (sinh năm 1943) là giáo sư đại học. Ông lấy tiến sĩ Sử học ở đại học Tulane, New Orleans, Louisiana. Từ năm 1979 đến 1999 ông là dân biểu Quốc Hội Liên Bang. Từ năm 1989 đến 1995 ông là trưởng khối thiểu số của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện. Từ năm 1995 đến 1999 ông là trưởng khối đa số của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện. Ông New Gingrich theo đạo Baptist. Năm 2009 ông chuyển sang đạo Thiên Chúa của người vợ thứ ba của ông. Ông Gingrich là người học rộng nhưng việc tranh thủ nhân tâm và thuyết phục quần chúng của ông không hanh thông lắm. Trong cuộc bỏ phiếu thăm dò ở New Hampshire ngày 22-01-2011 ông chỉ được 3% trong khi bà Palin được 7%.
***
Tám năm cầm quyền của tổng thống Bush II (2001-2009) để lại cho Hoa Kỳ một nền kinh tế suy thoái, một món nợ quốc gia to tát, hai cuộc chiến tranh ở hai quốc gia Hồi Giáo: Afghanistan và Iraq và một cái nhìn thiều thiện cảm từ các nước ngoài đối với Hoa Kỳ. Tất cả những yếu tố đó đã giúp cho Barack Obama (1961-) trở thành vị tổng thống Da Đen đầu tiên của Hoa Kỳ. Ông không phải là vị tổng thống trẻ tuổi nhất của Hoa Kỳ mà là một người ít kinh nghiệm chánh trị được dân chúng tín nhiệm lãnh đạo Hoa Kỳ vượt qua cơn sóng gió mà nước nầy phải đương đầu. Lúc ấy ông mới hoàn tất 1/3 nhiệm kỳ nghị sĩ.
Ông Kennedy đắc cử tổng thống năm 43 tuổi sau khi làm dân biểu 6 năm và nghị sĩ 8 năm.
Ông Clinton đắc cử tổng thống năm 46 tuổi sau khi làm thống đốc tiểu bang Arkansas 10 năm.
Sau 12 năm cầm quyền hành pháp, đảng Cộng Hòa do tổng thống Reagan và Bush I đại diện để lại cho quốc gia một sự thâm thủng ngân sách to lớn.
Sau 8 năm cầm quyền, tổng thống Clinton (1993-2001) của đảng Dân Chủ giải quyết nạn thất nghiệp và mang lại sự thặng dư cho ngân sách quốc gia.
Sau 8 năm cầm quyền của tổng thống Bush II (đảng Cộng Hòa), Hoa Kỳ trở thành con nợ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc do hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Irag gây ra.
Ông Obama ra tranh cử và hứa sẽ rút quân khỏi Irag và được dư luận trong nước tán đồng để dốn phiếu cho ông. Sau hai năm nắm quyền hành pháp ông Obama chưa thực hiện được những điều đã hứa trong cuộc bầu cử. Kinh tế chưa phục hồi rõ rệt. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức 9-10%. Nhiều người bị phá sản mất nhà cửa, xe cộ. Giá xăng dầu cao. Vật giá leo thang. Những đổi thay tốt đẹp mà mọi người trông đợi vẫn chưa đến. Nợ quốc gia vẫn chồng chất. Những người đối lập của ông Obama như nhóm Tea Party chẳng hạn lên án ông quá "xã hội chủ nghĩa". Họ không hài lòng về ảnh chụp ông cúi đầu rất thấp khi bắt tay với vua Saudi Arabia. Đảng viên Cộng Hòa và một số cử tri độc lập năm 2008 không hài lòng về việc đóng cửa trại giam tù khủng bố Guantanamo và không xét xử những người khủng bố bằng tòa án quân sự. Dư luận càng bàng hoàng hơn về dự án xây một đền Hồi Giáo gần cao ốc World Trade Center bị khủng bố đánh sập khiến cho 3000 người bị chết thiêu trong đóng gạch vụn ngày 11-09-2001 v.v...
Về đối ngoại, cá nhân ông Obama có vẽ không mấy thân thiện với Anh, một đồng minh truyền thống và cố vấn gắn bó của Hoa Kỳ. Dưới thời lãnh đạo của ông, giữa Hoa Kỳ và Do Thái có một khoảng cách khá rộng lớn. Những biến động ở Bắc Phi và Trung Đông đưa Hoa Kỳ vào cảnh khó xử hơn là có lợi ích cụ thể. Tình hình Afghanistan chưa ngã ngũ thì Pakistan, quốc gia nhận hàng tỷ Mỹ kim viện trợ của Hoa Kỳ, nổi sóng với những hoạt động khủng bố và ám sát đẫm máu của Taliban cùng sự bất thiện cảm của người Pakistan trước những hoạt động của CIA ở Pakistan và các cuộc không kích của máy bay không người lái của Hoa Kỳ ngoài biên giới Pakistan - Afghanistan.
Ai được lợi với sự ra đi của các nhà độc tài thân Hoa Kỳ ở Ai Cập, Yemen, Bahrain? Dân chúng các nước ấy? Hoa Kỳ? Khủng bố? Khuynh hướng Hồi Giáo trị? Tại sao bảo vệ thường dân Lybia bị Qadafi bắn giết mà không bảo vệ người biểu tình Yemen và Bahrain bị quân ngoại quốc đàn áp để bảo vệ vị vua thuộc phái Sunni? Nhiều người đã thắc mắc những điều nầy.
Đường lối của tổng thống Obama gây bất lợi cho đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010. Đảng Cộng Hòa nắm đa số tại Hạ Viện. Đảng Dân Chủ vẫn còn nắm quyền Hành Pháp và phân nửa quyền Lập Pháp (Thượng Viện). Kết quả cuộc bầu cử giúp cho ông Obama còn đủ thì giờ điều chỉnh đường lối của mình với hy vọng được tái đác cử năm 2012.
Ông Obama là người sinh ra để nhận lấy danh dự:
– Ông là nghị sĩ Liên Bang người Da Đen đầu tiên (Illinois).
– Ông là tổng thống Da Đen đầu tiên.
– Ông là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên có tên Á Rập và Hồi Giáo, từng sống và học ở một nước Hồi Giáo (Indonesia) nhưng theo đạo Tin Lành.
– Ông là người đắc cử tổng thống khi chưa hết một nhiệm kỳ nghị sĩ Liên Bang.
– Ông là người được lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình khi mới nhậm chức tổng thống được vài tháng và chưa có thành tích hòa bình cụ thể ngoài những lời phát biểu.
Năm 1919 tổng thống Woodrow Wilson nhận giải thưởng Nobel hòa bình khi nhiệm kỳ hai gần chấm dứt. Hoa Kỳ tham chiến trong đệ nhất thế chiến và mang chiến thắng về cho phe Đồng Minh Tây Phương năm 1918. Wilson là một trong ba nhà lãnh đạo quan trọng trong hội nghị Versailles. Ông nổi danh với chương trình 14 điểm với quyền dân tộc tự quyết và sự khai sinh ra Hội Quốc Liên nhằm đảm bảo hòa bình lâu dài và tạo sự cảm thông và tương trợ, phát triển giữa các nước trên thế giới. Hội Quốc Liên chào đời do sáng kiến của Hoa Kỳ, nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ không phê chuẩn hiệp ước Versailles. Hội Quốc Liên không có những hoạt động kiến hiệu nhằm bảo đảm hòa bình thế giới vì thiếu sự tham gia của Hoa Kỳ. Đảng Cộng Hòa thắng cử liên tiếp trong các cuộc bầu cử năm 1920, 1924 và 1928.
Cho đến tháng 4 năm 2011 tỷ lệ đắc cử và thất cử của ông Obama ngang nhau: 47%-47% . Trong vòng hai năm nữa nếu kinh tế Hoa Kỳ hồi phục vững mạnh, tỷ lệ thất nghiệp xuống ở mức 5%-6%; nợ quốc gia dần dần thanh toán; quân đội ở Iraq về nước như lời hứa; chiến tranh Afghanistan kết thúc trong thắng lợi; uy danh Hoa ỳ được phục hồi thì tỷ lệ đắc cử của ông Obama sẽ tăng vọt.
Qua hai năm cầm quyền tổng thống Obama cho thấy ông có nhiều lý tưởng kinh điển hơn là kinh nghiệm giải quyết các vấn đề đối nội lẫn đối ngoại. Ông không phải là người quyết đoán và nếu có, sự quyết đoán ấy không chính xác để có hiệu suất tốt. Ông vội vã buộc tội người cảnh sát trong việc đáng tiếc xảy ra giữa một vị giáo sư da màu với cảnh sát.
Vì binh vực người đồng chủng và đồng nghiệp trí thức?
Hay vì cho rằng vị giáo sư có trí thức cao ắt phải đúng, còn cảnh sát hành động sai vì kém trí thức hơn?
Dù vì lý do gì sự can thiệp của ông vào chuyện nầy cũng không ổn đối với người bàng quan. Trước một việc nhỏ như vậy, ông đã phải điều chỉnh thái độ ban đầu của mình bằng cách mời người cảnh sát và vị giáo sư đến tòa Bạch Ốc uống bia để hòa giải, sá gì những vấn đề to lớn khác. Khi chưa nắm quyền, ông chỉ trích mọi việc làm của tổng thống Bush II. Khi cầm quyền ông lại không khác tổng thống Bush II bao nhiêu. Nều đi sâu vào vấn đề Libya thì Hoa Kỳ sẽ cưu mang 3 cuộc chiến tranh vì lý tưởng dân chủ và nhân đạo.
Dù sao khả năng tái đắc cử của ông Obama vẫn cao vì:
– Ông có một số cử tri trung thành. Tỷ lệ ủng hộ ở mức 90% trong cộng đồng người Da Đen và ít ra 51% trong các cộng đồng da màu hay Latinos. Đó là tỷ lệ mà phần lớn các ứng cử viên Da Trắng ít khi đạt được.
– Ông Obama dự trù có một quỷ ủng hộ to tát: 1 tỷ Mỹ kim. Sức mạnh tài chánh có ảnh hưởng rất lớn trong bất cứ cuộc bầu cử nào trong quốc gia dân chủ.
– ĺt ra ông Obama thành công trong việc cải tổ y tế phỏng theo sáng kiến đã có từ thời tổng thống Bill Clinton. Sự cải tổ này giúp cho ông có một số phiếu của người Da Trắng cao niên và những người không có bảo hiẻm y tế trước kia. Ông Obama có thể kiếm phiếu của thanh niên và phụ nữ Da Trắng ngưỡng mộ khả năng nói chuyện trước quần chúng của ông. Một số người Da Trắng khác có thể bỏ phiếu cho ông để nói lên quân tử tính của người Hoa Kỳ bạch chủng hầu xóa tan ấn tượng của cộng đồng thế giới cho rằng người Da Trắng kỳ thị người Da Đen. Đây cũng là một lợi thế của Barack Obama. Người Da Đen chỉ trích người Da Trắng được xem là anh hùng. Người Da Trắng phê bình người Da Đen được xem là kỳ thị! Người Da Đen bỏ phiếu cho người Da Đen là thể hiện tình đoàn kết. Người Da Trắng không bỏ phiếu cho người Da Đen bị lên án là kỳ thị!
Cử tri bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ phần lớn thuộc giới trung lưu, công nhân, dân tộc da màu và những người có khuynh hướng tự do và cấp tiến. Cử tri bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa là những người Da Trắng hay da màu giàu có, những người có khuynh hướng tôn giáo và bảo thủ, những nông dân. Sự thâm thủng ngân sách thường xảy ra dưới thời các tổng thống Cộng Hòa như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929; sự thâm thủng ngân sách thời tổng thống Bush I và Bush II. Thời tổng thống Bush II, Hoa Kỳ phải mang nợ vì hai cuộc chiến tranh Afghanistan va Iraq.
Tổng thống Flanklin Delano Roosevelt (Dân Chủ) nổi bật nhờ giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế 1929, 1930 và lãnh đạo phe Đồng Minh chiến thắng phe Trục vào năm 1945. Kết quả ông đắc cử vào những năm 1932, 1936, 1940 và 1944 (4 nhiệm kỳ. Ông chết vài tháng sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư).
Tổng thống Bill Clinton tái lập quân bình ngân sách sau khi nắm quyền Hành Pháp từ năm 1993 cho tới năm 2001.
Tổng thống Barack Obama (Dân Chủ) cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự của tổng thống Roosevelt và Clinton, nhưng ông chưa phục sinh kinh tế hay tạo quân bình ngân sách. Nợ quốc gia tăng chớ không giảm so với thời tổng thống Bush. Vì vậy mà đến tháng 4 năm 2011 ông nhận được 47% thắng và 47% thua nếu bầu cử diễn ra vào thời điểm nầy.
Năm 1992 ông Clinton thắng ông Bush I nhờ sự tranh cử của Ross Perot (1930-), một đảng viên Cộng Hòa lập ra đảng Reform Party. Ông Perot là một tỷ phú. Ông làm cho đảng Cộng Hòa mất đi 19% phiếu bầu khiến cho tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là Bush I thất bại chua cay trước một ứng cử viên Dân Chủ trẻ tuổi chỉ có kinh nghiệm hành pháp ở cấp tiểu bang. Dưới thời tổng thống Bush I chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu (1989); Liên Sô sụp đổ (1991); Iraq bị đánh đuổi ra khỏi Kuwait (1991). Nhưng kết quả nầy vẫn không hàn gắn nổi vết thương kinh tế xã hội khi tỷ lệ thất nghiệp trong nước cao bên cạnh một nền kinh tế suy kém, bấp bênh.
Tea Party có thể ủng hộ nhà tỷ phú Donald Trump thành lập liên danh độc lập ra tranh cử trong trường hợp ông Trump không được đảng Cộng Hòa đề cử ra ứng cử tổng thống. Đó là điều mà ứng cử viên đảng Cộng Hòa rất lo ngại. Nếu việc này xảy ra thì sự thắng lợi nghiêng hẳn về phía ứng cử viên Dân Chủ của tổng thống đương nhiệm Obama.
***
Những lời bàn luận trên dựa vào những dữ kiện đã và đang xảy ra 19 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2012. Từ đây đến ngày ấy sẽ có vô số biến cố xảy ra không ai có thể tiên đoán được. Kết quả cuộc bầu cử đôi khi có nhiều bất ngờ ngoài dự đoán như kết quả một trận banh vậy. Trường hợp cuộc bầu cử năm 1948 giữa ông Truman (Dân Chủ) và Dewey (Cộng Hòa) là một thí dụ điển hình.
Ly nước quá đầy thì tràn.
Qui luật vật lý thông thường nầy cũng có thể áp dụng vào đời sống chánh trị. Hoa Kỳ có:
4 tổng thống được giải thưởng Nobel. Đó là:
1- Theodore Roosevelt (CH - 1906).
2- Woodrow Wilson (DC - 1919).
3- Jimmy Carter (DC - 2002).
4- Barack Obama (DC - 2009).
Hai phó tổng thống được giải Nobel:
1- Charles Dawes (CH - 1925).
2- Al Gore (DC - 2007).
Theodore Roosevelt (CH) lãnh giải thưởng Nobel năm 1906 vì làm trung gian cho cuộc đàm phán giữa Nga và Nhật. Ông thực sự đắc cử tổng thống vỏn vẹn một nhiệm kỳ 1906-1910. Từ năm 1901-1905 ông xử lý quyền tổng thống vì là phó tổng thống của Mc Kinley bị ám sát chết. Trường hợp của ông hơi giống trường hợp của tổng thống Johnson (DC) vào năm 1963 sau khi tổng thống Kennedy bị ám sát chết. Ông Johnson hành sử quyền tổng thống từ năm 1963 đến 1964. Năm 1964 ông đắc cử tổng thống. Năm 1968 ông không tái ứng cử vì áp lực quá nặng nề của phe phản chiến chống chiến tranh Việt Nam.
Woodrow Wilson nhận giải Nobel năm 1919 khi nằm trên giường bịnh. Năm 1912 nhiệm kỳ tổng thống của ông chấm dứt. Warren Harding (CH) dắc cử tổng thống năm 1920. Đảng Cộng Hòa thắng cử liên tiếp trong các cuộc bầu cử năm 1920, 1924 và 1928.
Jimmy Carter (DC) là tổng thống một nhiệm kỳ (1977-1981). Ông lãnh giải Nobel năm 2002 sau khi rời khỏi chánh quyền 21 năm.
Barack Obama (DC) là tổng thống nhận giải Nobel sau vài tháng cầm quyền vào năm 2009. Đó là danh dự đặc biệt không tìm thấy trên thế giới trước đó. "Mahatma" Gandhi (1869-1948) của Ấn Độ nổi tiếng với những cuộc đấu tranh bất bạo động (satyagraha) và được gọi là Thánh vẫn không được trao danh dự nầy.
Charles Dawes (CH) lãnh giải Nobel nhờ kết hoạch Dawes viện trợ cho Cộng Hòa Weimar (Đức). Ông lãnh giải khi làm phó tổng thống 1 nhiệm kỳ dưới thời tổng thống Coolidge (1925-1929).
Al Gore (DC) lãnh giải thưởng Nobel năm 2007 sau khi rời khỏi chánh quyền.
Giải thường Nobel là phần thưởng tinh thần cao quí và danh dự tột đỉnh cuối cùng dành cho người nhận. Nó không mang lợi ích kinh tế-chính trị thiết thực cho đất nước và dân tộc để đảm bảo sự thành công cho người nhận trong sinh hoạt chính trị quốc gia.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.