Nguyễn Trung


Vài nét về Á Châu và giải bóng tròn Âu Châu 2004

Giải bóng tròn Âu Châu 2004 được tổ chức tại Bồ Đào Nha cũng không ra ngoài thông lệ của những giải bóng tròn quan trọng khác trên thế giới. Song song với những yếu tố thể thao, những yếu-tố-không-thể-thao đã cùng tạo nên một khung cảnh đặc thù của giải này: các lợi nhuận kinh tế thương mại, rượu bia được tiêu thụ nhiều hơn, sự phá phách bạo động trước hay sau một trận đấu, v.v…

Nhưng trên hết vẫn là sự thắng bại sau một trận đấu với những xung động tình cảm mảnh liệt gắn liền theo đó. Người Việt sinh sống tại Hà Lan đã được dịp chứng kiến giới truyền thông (kể cả những chương trình trên đài truyền hình và các tờ báo lớn hàng đầu) cũng như dân chúng Hà Lan đã ‘kết án’ và xử ‘lăng trì’ ông bầu Dick Advocaat như thế nào sau khi đội tuyển Hà Lan bị thua đội tuyển Tiệp. Sự tỉnh táo thực dụng và sự yêu chuộng công bằng vẫn là hai đức tính được người Hà Lan quí trọng. Nhưng dường như mọi người đều quên đi ý nghĩa đích thực về mặt giáo dục và xã hội của bộ môn bóng tròn trong những giây phút gay cấn này. Chỉ khi đội Hà Lan được vào vòng tứ kết (và sau đó được vào vòng bán kết) đa số mới nhận ra mình đã vượt xa biên giới của những tiêu chuẩn và giá trị văn hóa, xã hội vẫn hằng được tôn trọng.

Nhìn về Á Châu, chúng ta đều biết bóng tròn là bộ môn được hầu hết các quốc gia Đông Nam Á yêu chuộng. Hương Cảng, Singapore tường thuật hàng tuần trên đài truyền hình các trận đấu của giải Premier League, các cầu thủ nổi tiếng của Anh rất được dân chúng của các quốc gia này hâm mộ. Riêng ở Việt Nam, bóng tròn đã từ lâu vẫn là bộ môn thể thao được nhiều người ưa thích, nhất là trước năm 1975, Việt Nam là quốc gia trong vùng đã từng đoạt giải vô địch Đông Nam Á.

Mặc dù có sự sai biệt về giờ giấc, giới hâm mộ bóng tròn ở Á Châu vẫn bằng mọi cách theo dõi các trận đấu từ giây phút đầu đến giây phút cuối. Các quán cà phê từ Việt Nam đến Singapore được chính quyến cho phép chiếu các trận đấu trên màn ảnh truyền hình lớn và do đó đã mở cửa đến năm giờ sáng, nhất là các quán ở các thành phố lớn. Theo tin của hãng thông tấn Reuters, các xí nghiệp ở Singapore đã phải có những biện pháp quan tâm đến tình trạng mệt mỏi của các nhân viên. Các bác sĩ xí nghiệp đã thông báo sẽ đặc biệt nghiêm khắc hơn trong vấn đề cứu xét các báo cáo xin nghỉ bịnh. Báo chí ở Việt Nam đã loan tin rằng trong nhiều hãng xưởng tại Hà Nội, phân nửa số nhân viên đã đi làm trễ giờ sau các trận đấu bóng. Trong trường hợp này không hề có sự khác biệt giữa nhân viên ban quản trị và các nhân viên cấp thấp.

Tại Bangkok, thủ đô Thái Lan, các nhân viên của những siêu thị lớn đã thay thế đồng phục bình thường bằng các áo thun của các đội tuyển nổi tiếng trên thế giới tham dự giải Âu Châu. Các vật dụng ủng hộ các trận đấu như quần áo, cờ, mũ, khăn quàng... cũng đã được dân chúng ưa chuộng và mua sắm hàng loạt. Nhiều người Thái có máu cờ bạc, thích cá độ, đã phải chạy sang quốc gia láng giềng Cam Pu Chia, nơi các văn phòng cá độ được cấp giấy phép hoạt động công khai. Tại Trung Quốc, phát ngôn viên của một công ty sản xuất máy truyền hình cho biết số lượng máy bán được đã tăng vọt trong những tuần lễ trước khi giải Âu Châu khai mạc. Tại Miến Điện (trước khi độc lập là thuộc địa của Anh), dân chúng đã tận tình ủng hộ đội bóng Anh (trong khi đa số dân Việt Nam dành nhiều cảm tình cho đội bóng Hà Lan hay Pháp)

Cho đến khi bài viết này được đưa lên báo mạng, chúng ta vẫn chưa biết đội bóng quốc gia nào sẽ đoạt giải vô địch Âu Châu 2004. Tuy nhiên, điều có thể biết chắc chắn ở tại các quốc gia Đông Nam Á, các hảng sản xuất máy truyền hình và các hàng quán cà phê sẽ thắng lớn trong giải bóng tròn này. Có lẽ quốc gia duy nhất trong vùng nằm ngoài cơn sốt của giải bóng tròn Âu Châu là Phi Luật Tân. Quốc gia này có sự liên hệ mật thiết với Hoa Kỳ nên vẫn dành sự hâm mộ của mình cho bộ môn bóng bầu dục kiểu Mỹ.

 

Nguyễn Trung.


Cái Đình - 2004