Tôn Thất Thiện
Vài dữ kiện quan trọng về Hoàng Sa Tây Sa
Ai nghiên cứu/bàn về Hoàng Sa, Tây Sa nên ghi mấy dữ kiện sau đây.
Những dữ kiện này chứng minh hết sức rõ ràng rằng: về pháp lý, hành chánh, thực sự
Hoàng Sa và Tây Sa thuộc về Việt Nam từ thế kỷ VXII, ngay từ thời các Chúa Nguyễn.
Trong “Việt Sử, Xứ Đàng Trong, 1558-1777”, Quyển Hạ, (Nhà In Xuân Thu, Houston, Texas, 1976), Giáo Sư Phan Khoang viết:
Ở trang 499:
“Ngoài hải phận phủ Quảng Ngãi, thuộc huyện Bình Nhơn, xã An Vinh, về phía đông bắc, có hơn 130 bãi cát vàng cách nhau một ngày đư ờ ng hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dậm, tục gọi là “Vạn lý trường sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt, sản vật có hải sâm, đồi mồi, vích, ba-ba, ốc xa cừ, ốc hoa, v.v... tàu thuyền ngoại quốc gặp bão thường đến đậu ở đó. Các chúa Nguyễn lấy dân ở xã An Vinh 70 người, đặt một đoàn gọi là đội Hoàng Sa, mỗi năm cứ tháng 3 thì đi thuyền ra đảo. Ba ngày ba đêm thì đến, lấy sản vật và hóa vật tàu thuyền bị đắm, tháng 8 đem về, vào cửa Eo, nạp ở Phú Xuân một phần, còn thì đem bán riêng. Lượm lấy được nhiều, ít, không chừng, như năm Nhâm Ngọ [1642] lượm được 30 hốt bạc, năm Nhâm [?] Thân [1644] được 5100 cân thiếc, năm Ất Dậu [1645] được 125 hốt bạc, cũng có năm được bát sứ, súng v.v...
[Giáo sư Phan Khoang không ghi dữ kiện trên lấy ở tài liệu nào, nhưng có thể đoán được là từ “Đại Nam Thực Lục”..., như sẽ thấy ở đoạn dưới]
Ở trang 547-48:
“Đầu năm 1636 [thời Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan], đã có một thương-điếm Hà-lan được thiết lập ở Qui-nam (tức Quảng-nam), chắc là ở Faifo, giao cho Abraham Duijcker làm quản lý. Trước đó, hai chiếc tàu Hà-lan, chiếc Warmont và chiếc Le Grol từ Nhật Bản đến Tourane, Duijcker được viên quan ở Tourane, rồi quan trấn-thủ Quảng-nam tiếp đãi tử tế, Duijcker cũng đến Thuận-hóa yết kiến Chúa Thượng. Duijcker có việc kêu xin: chiếc tàu Hà-lan tên Grootenbrook bị đắm ở Paracels, đoàn thủy thủ được người Việt cứu thoát, nhưng số tiền 25580 réaux thì bị lấy mất, vậy xin giao hoàn lại số ấy. Chúa sai trả lời rằng việc ấy xảy ra thời trấn thủ trước [nghĩa là trước 1636], đừng nhắc lại nữa....”
[Trích trong Dagh Register, 1637, của Công Ty Đông Ấn Hà-lan]
“Đại Nam Thực Lục”, của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn (10 tập, do Nguyễn Ngọc Tỉnh phiên dịch, do Bộ Quốc Gia Giáo Dục Hà Nội tái xuất bản, năm 2006), có ghi như sau về Hoàng Sa và Trường Sa:
Ở Tập I , trang 126:
“Mùa hạ, tháng tư [năm Tân Mão, 1711, thời Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu]… [Chúa] Sai đo bãi cát Trường Sa dài ngắn rộng hẹp bao nhiêu.”
Cũng ở Tập I, trang 164:
“Giáp Tuất, năm thứ 16 [1754, thời Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát]... Mùa thu tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nuớc Thanh [Trung Quốc]. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thơ cám ơn. (Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý trường sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba v.v… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm, đến tháng 3 đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm liệm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp…”)
Và ở trang 898:
[Năm 1815] “Gia Định gạo rẻ (một phương gạo giá 5 tiền). [Vua] Sai thành thần đong chứa vào kho. Sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ánh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển.”
Ở Tập IV , trang 673, ghi:
Năm 1835 (thời Vua Minh Mạng)
“Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ “Vạn lý ba bình” (muôn dặm sóng êm) (cồn Bạch Sa [cát trắng] chu vi 1070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 330 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Thanh thạch). Năm ngoái vua sai Cai Đội Thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong, rồi về.”
Cũng ở Tập IV , trang 867, ghi:
Năm 1836 (thời Vua Minh Mạng)
“Bộ Công tâu nói: “Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mổi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái biền binh đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê bốn chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bề xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình.”
“Vua y lời tâu. Sai Suất đội Thủy Quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi. Chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng xuất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ.”
Cũng ở Tập IV , trang 1058:
Năm 1836. “Bính Thân, Minh Mệnh năm thứ 17, mùa đông, tháng 12. Thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, Mắc cạn, bị vỡ và đắm; hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định.
Vua được tin, dụ tỉnh thần lựa chọn nơi cho họ trú ngụ, hậu cấp cho tiền và gạo. Lại phái vệ thông ngôn đến dịch thăm hỏi, tuyên Chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt. Phái viên về tâu: “Họ, tính vốn kiệt hiệt, kiêu ngạo, nay được đội ơn chẩn tuất, bỗng cảm hóa, đổi mục tục man di. Thật đáng khen. Sai thưởng cho thuyền trưởng và đầu mục, mỗi người một áo đoạn vũ hàng màu, một quần vải tây và chăn vải; các người tùy tùng mỗi người một bộ áo quần bằng vải màu. Sắc phái viên sang Tây là Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giai đưa họ sang bến Hạ Châu, cho về nước.”
*
Những chi tiết ghi trên cho thấy rằng từ đầu thế kỷ XVII, năm 1636, thời Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), qua thời các chúa và vua của Triều Nguyễn: Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát (1739-1763), Hoàng Đế Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1840), các quần đảo Hoàng Sa và Tây Sa hoàn toàn thuộc về Việt Nam, và chủ quyền của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế:
1/ có dân ở và chiếm đóng thực sự (effective occupation)
2/ có cơ cấu hành chánh thực sự (effective administration)
3/ và chủ quyền được các quốc gia khác công nhận và tôn trọng ( jurisdiction recognized internationally).
Trong khi đó Trung Quốc hoàn toàn vắng mặt trên những nơi đó.
Sự Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo đó là một cuộc xâm lăng bằng võ lực trắng trợn.
Tôn Thất Thiện sưu khảo.