Nguyễn Trung


Trung Quốc và Tây Tạng Trước Ngưỡng Cửa Thế Vận Hội 2008

 

Hai biến cố quan trọng

Kể từ tháng ba vừa qua, hai biến cố quan trọng xảy ra ở Trung Quốc đã làm dư luận thế giới chú ý nhiều đến Trung Quốc trong khi quốc gia này bằng mọi cách cố gắng tạo bộ mặt thân thiện, giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề môi sinh ở Bắc Kinh để chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Thế Vận Hội năm 2008.

Biến cố quan trọng thứ nhất là cuộc đấu tranh của các tu sĩ và nông dân Tây Tạng đòi hỏi tự do cho quốc gia này. Cuộc chống đối đã đưa đến việc phóng hỏa các văn phòng, các cửa hàng buôn của người Trung Quốc Hán tộc và gây nên một số tử vong ở thủ đô Lhasa. Cuộc đấu tranh đã bị đàn áp. Tuy nhiên nhân dân Tây Tạng lưu vong và những người yêu tự do dân chủ đã tiếp tục vận động sự hỗ trợ của dư luận thế giới. Trong khoảng thời gian này, ngoài áp lực của thế giới yêu cầu Trung Quốc phải đối thoại với đức Đạt Lai Lạt Ma, mọi người đã nhìn thấy nhiều hình ảnh qua các kênh truyền hình về việc ban tổ chức Thế Vận Hội phải thay đổi lộ trình, nghi thức nhằm bảo vệ ngọn lửa thế vận khỏi bị dập tắt do những người đấu tranh ủng hộ nhân dân Tây Tạng.

Biến cố quan trọng thứ hai là động đất đã xảy ra vào tháng năm vừa qua ở tỉnh Tứ Xuyên. Thiên tai này đã gây khoảng 70.000 người Trung Quốc tử vong, trong số đó khoảng 7000 trẻ em bị chôn vùi bên dưới các khối bê tông của những ngôi trường bị sụp đổ. Hơn nữa, động đất đã làm người ta nhận ra mối đe dọa cho sự bền vững của 30 đập chắn trong vùng, có thể gây nên thảm họa lũ lụt cấp cao, ảnh hưởng đến tính mạng cho cả triệu người. Nhà nước Trung Quốc bắt buộc phải tạm dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm và huy động quân đội để giải quyết cấp tốc vấn đề. Các hình ảnh thương tâm sau cuộc động đất hay các hình ảnh hào hùng cứu thoát những người sống sót đã được nhà nước phổ biến và chiếu qua các kênh truyền hình trên thế giới. Tuy nhiên nhà nước Trung Quốc đã gia tăng kiểm soát chặt chẽ các phóng viên địa phương nhằm ngăn chận sự loan tin quá ‘tích cực' về trận động đất. Các phụ huynh có con em tử nạn đã yêu cầu chính quyền phải làm sáng tỏ vấn đề tại sao các nhà cửa, trường ốc của nhân dân đều bị sụp đổ, trong khi các tòa nhà của các cơ quan nhà nước vẫn đứng vững sau trận động đất. Họ cho rằng đó là hậu quả của tham nhũng giữa các nhà thầu và các viên chức của nhà nước. Các cuộc hội họp phản đối đã bị ngăn chận.

Biến cố quan trọng thứ hai này là một tai họa lớn cho nhiều ngườI Trung Quốc nhưng lại là cơ may cho nhà nước. Bộ máy tuyên truyền của nhà nước đã sử dụng các hình ảnh nói trên nhằm vào hai đối tượng. Với đối tượng trong nước là đại đa số nhân dân Trung Quốc, các hình ảnh cứu trợ nhằm gia tăng tinh thần đoàn kết dân tộc đồng thời đề cao vai trò tích cực của đảng và nhà nước trong việc lãnh đạo đất nước. Với đối tượng thứ hai là nhân dân trên khắp thế giới, các hình ảnh thương tâm nhằm xoa dịu dư luận, hướng dư luận thế giới về hướng khác hơn nhằm làm quên đi vấn đề Tây Tạng của biến cố thứ nhất.
 

Vài dữ kiện lịch sử

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sinh vào ngày 6 tháng 7 năm 1935 với thế danh Lhamo Dhondub trong một gia đình nông dân ở miền đông bắc Tây Tạng. Năm lên hai tuổi, ngài được các vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng chỉ định là hóa thân của đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 sau khi trải qua các nghi thức trắc nghiệm theo truyền thống Tây Tạng. Ngài được giáo dục, tu tập trong tu viện để có thể đảm nhận trọng trách trong tương lai và đã đạt được bằng cấp Geshe Lharampa (có thể xem như bằng Tiến sĩ Phật học).

Vào năm 1950, lãnh tụ Mao Trạch Đông xua quân Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma trở thành vị lãnh đạo nhân dân Tây Tạng lúc 15 tuổi và tham dự các cuộc thương thuyết với Trung Quốc. Trung Quốc hứa sẽ không thay đổi các cơ chế chính trị, văn hóa và tôn giáo của Tây Tạng. Vào năm 1954, ngài đã đến Bắc Kinh để hội kiến với chủ tịch Mao Trạch Đông về vấn đề tương lai Tây Tạng. Vào năm 1959, sự hợp tác có tính cách bắt buộc gìữa Tây Tạng và Trung Quốc chấm dứt bất ngờ. Cuộc phản kháng lớn của các tu sĩ ở thủ đô Lhasa cùng các địa phương khác ở Tây Tạng đã bị quân Trung Quốc đàn áp đẫm máu. Ngài cùng một số cộng sự viên đã phải vượt núi, tị nạn bên quốc gia láng giềng Ấn Độ.

Đức Đạt lai Lạt Ma cùng hàng chục ngàn người tị nạn Tây Tạng bắt đầu cuộc sống lưu vong ở Dharamsala. Trong giai đoạn này, trên đất mẹ, nhân dân Tây Tạng đã sử dụng chiến tranh du kích để tìm cách giải phóng quê hương. Nhóm kháng chiến quân, với tên gọi Ngựa Hoang (the Wild Mustangs), đã được CIA Mỹ huấn luyện và viện trợ vũ khí. Tuy nhiên sự hỗ trợ này chấm dứt khi tổng thống Hoa Kỳ Nixon đã áp dụng chính sách bình thường hóa liên hệ ngoại giao với Trung Quốc vào các năm đầu thập niên 70. Trong các năm sau đó đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trương sử dụng phương cách hòa bình để giải quyết vấn đề Tây Tạng. Ngài được các nhà lãnh đạo, các tài tử điện ảnh nổi tiếng cùng số đông quần chúng tây phương ủng hộ cùng được xem là biểu tượng của sự phản kháng một quốc gia cộng sản đàn áp tôn giáo và các quyền tự do khác. Vào năm 1989, ngài đã nhận được giải Nobel Hòa Bình.


Các vùng tự trị

Tương tự như Tân Cương hay Nội Mông, Tây Tạng trên danh nghĩa được nhà nước Trung Quốc xem là ‘vùng tự trị'. Trên thực tế, Trung Quốc chi phối tất cả các sinh hoạt chính trị kinh tế của các ‘vùng tự trị' này. Các dân tộc sống trên các vùng này gồm Tây Tạng, Mông Cổ, Uây Ma, Hồi, Mẹo, Di,... có ngôn ngữ văn hóa riêng và trong quá khứ đã ít nhiều độc lập với Trung Quốc. Các vùng Tân Cương, Tây Tạng ngoài việc làm cho diện tích lãnh thổ Trung Quốc trên bản đồ trở nên lớn rộng thêm, còn đóng vai trò trái độn về mặt quân sự với các quốc gia láng giềng như Pakistan, Ấn Độ, Nga,... Nhưng trước sự phát triển kinh tế vượt bực của Trung Quốc hiện nay, các vùng này có tầm mức chiến lược về mặt nhiên liệu: dầu hỏa, nước, khí đốt, khoáng sản,... Có thể nói Tân Cương là Texas của Trung Quốc và dự án của Trung Quốc từ năm 2010 sẽ sản xuất 60 triệu tấn dầu và khí đốt hàng năm (năm 2005 quốc gia này đã sản xuất 24 triệu tấn dầu và 10 tỉ thước khối khí đốt) ở vùng này. Đây chính là lý do để nhà nước Trung Quốc tính kế sách lâu dài cùng tránh sự tan rã như trường hợp Liên Xô: ngoài việc chi phối sinh hoạt chính trị, kinh tế; ngăn chận sự phát triển của ngôn ngữ riêng, tôn giáo và văn hóa đặc thù của các dân tộc này; Trung Quốc còn áp dụng chính sách di dân Hán tộc đến lập nghiệp để đồng hóa về mặt văn hóa và chủng tộc, biến các vùng này trở thành đặc thù Trung Quốc trong tương lai.


Thể thao và chính trị

Châm ngôn của ban tổ chức Thế Vận Hội là tách rời thể thao ra khỏi chính tri. Châm ngôn này được áp dụng triệt để cho việc tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 và trong thời gian dài đã được nhiều người (ngoài ban tổ chức, các thể tháo gia và dĩ nhiên là nhà nước Trung Quốc) và nhiều nguyên thủ quốc gia tán thành và cổ vũ. Câu hỏi được đặt ra là trên thực tế có thể nào thật sự tách rời tính cách thể thao của thế vận hội với sự góp mặt của hầu hết các quốc gia trên thế giới ra ngoài sinh hoạt chính trị? Sự tẩy chay của nhiều quốc gia không tham dự Thế Vận Hội ở Đức trong thời kỳ Đức Quốc Xã hoặc Thế Vận Hội sau khi Liên Xô xua quân xâm chiếm Afghanistan đã cho thấy khó có thể tách rời thể thao và chính trị. Biến cố Tây Tạng cũng đã gây ra các tranh luận khắp nơi về vấn đề thể thao và chính trị. Khi áp lực quần chúng trên thế giới về vấn đề Tây Tạng quá mạnh, chính Chủ Tịch Hội Đồng Thế Vận Hộì cũng phải lên tiếng yêu cầu Trung Quốc có những phản ứng thích nghi hơn về vấn đề Tậy Tạng. Trước đó, đạo diễn Mỹ lừng danh Steven Spielberg đã từ chối lời mời của Trung Quốc để đạo diễn nghi thức khai mạc của Thế Vận Hội Bắc Kinh với lý do Trung Quốc đã là trở ngại cho Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết vấn đề bạo lực diệt chủng ở Dafur, Phi Châu.

Sau biến cố Tây Tạng, bộ máy tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc đã hết lời nhục mạ đức Đạt Lai Lạt Ma đã cổ võ bạo lực và phá hoại tổ chức Thế Vận Hội. Trung Quốc vẫn khẳng định ngài đấu tranh cho độc lập của Tây Tạng trong khi ngài đã nhiều lần nhắc lại là chỉ đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động cho sự tự trị của Tây Tạng trong quốc gia Trung Quốc. Là nước đăng cai tổ chức Thế Vận Hội nên Trung Quốc phải chịu áp lực khá nặng của cộng đồng thế giới. Vào ngày 25 tháng 4 Trung Quốc xác định sẽ hội kiến với đại diện của đức Đạt Lai Lạt Ma. Tiến trình của cuộc hội kiến như thế nào? Trung Quốc có thật sự nghiêm chỉnh thảo luận vấn đề hay không hay đây chỉ là phương cách kéo dài thời gian cho đến khi hoàn thành việc tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008? Cho đến nay những điều đó vẫn chưa rõ ràng sau biến cố động đất ở Tứ Xuyên.


Trước ngưỡng cửa Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn gia tăng đàn áp Tây Tạng. Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Hội Đồng Tổ Chức Thế Vận Hội về vấn đề ‘tự do báo chí' trong năm tổ chức không được Trung Quốc tôn trọng. Các ký giả ngoại quốc vẫn bị kiểm soát chặt chẽ sự di chuyển đến các vủng ‘nhạy cảm' và không được tiếp xúc với dân chúng địa phương. Không chỉ bị kiểm soát ở Tây Tạng, ngay ở Tứ Xuyên các ký giả, phóng viên không được đến tham quan các ngôi trường bị sụp đổ trong trận động đất vừa qua. Khi bị khiếu nại, các viên chức nhà nước Trung Quốc ở Bắc Kinh cho rằng họ không đảm bảo chính quyền địa phương sẽ thi hành đúng những thỏa thuận mới này. Ngoài ra thủ tục nhập cảnh cũng trở nên khó khăn hơn, nhất là đối với những người bị Trung Quốc tình nghi có cảm tình hoặc sẽ đấu tranh cho tự do dân chủ trong thời gian tổ chức Thế Vận Hội.

Hơn nữa trong quá trình biến cố Tây Tạng vừa qua, Trung Quốc đã cho thấy họ đã thành công trong việc nâng cao và động viên tinh thần dân tộc quá khích, nhất là trong giới trẻ, sinh viên học sinh. Tinh thần dân tộc tiêu cực đã làm đa số thành phần này mất khả năng phán đoán, không nhận ra những giá trị phổ quát của nhân loại trên bình diện nhân quyền. Họ đã chỉ trích dư luận quần chúng Tây phương trong vấn đề Tây Tạng và chính thành phần trẻ này đã bảo vệ tích cực ngọn lửa thế vận khỏi bị dập tắt do những người đấu tranh, họ đã sử dụng cả bạo lực chính ngay tại quốc gia họ đang du học (như trường hợp ở Nam Hàn).

Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận Hội đã dự trù kế hoạch khẩn cấp để đối phó với không khí ô nhiễm ở Bắc Kinh. Có dấu hiệu cho thấy là các biện pháp nghiêm khắc sẽ được áp dụng nếu 48 giờ trước lễ khai mạc vào ngày 8 tháng 8 khói bụi ở Bắc Kinh vẫn còn trong tình trạng gây ô nhiễn trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe trong các cuộc tranh tài của các tham dự viên. Cho đến nay nhà nước Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để làm trong sạch hơn không khí ở Bắc Kinh. Khoảng 300.000 xe gây ô nhiễm nặng đã bị nghiêm cấm lưu thông, sau đó khoảng một triệu xe cũ cũng bị nghiêm cấm lưu thông trong thời gian thế vận hội. Nhà nước cũng đã đóng cửa tạm thời hàng chục nhà máy ở Bắc Kinh. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh hiện tại hai lần nhiều hơn mức độ tối đa được chấp nhận.

Trong bản báo cáo của Hội Ân Xá Quốc Tế, tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc cho đến nay, chỉ còn hơn một tuần trước khi khai mạc Thế Vận Hội, lại càng xuống cấp hơn. Trong thời gian qua, chính quyền đã bắt giữ hàng ngàn người tranh đấu cho sự đổi mới và nhân quyền ở Trung Quốc với mục đích ‘quét dọn sạch sẽ' trước khi khai mạc Thế Vận Hội. Trước khi tổ chức Thế Vận Hội, nhà nước Trung Quốc và Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận Hội đã thỏa thuận nguyên tắc Thế Vận Hội như phương cách để làm gia tăng tình trạng tự do ở Trung Quốc. Lời hứa đó không được nhà nước Trung Quốc tôn trọng và việc khóa mồm các những người tranh đấu nhằm mục đích trình bày với thế giới bên ngoài một hình ảnh hài hòa của Trung Quốc.

Tóm lại Trung Quốc đang cố gắng để trình bày trước thế giới một hình ảnh đẹp hoàn hảo của một cường quốc đang hình thành và một quốc gia đủ khả năng để tổ chức thành công Thế Vận Hội năm 2008.

 

Nguyễn Trung

 


Cái Đình - 2008 .