Nguyễn Trung


Trung Quốc và giải Nobel Hoà Bình

 

Giải Nobel Hòa Bình 2010

Trong nhiều năm Trung Quốc đã tìm cách và hy vọng đoạt được giải Nobel trong lãnh vực khoa học. Điều mà Trung Quốc hàng năm vẫn e ngại và không hề mong muốn là Trung Quốc sẽ nhận được là giải Nobel Hòa Bình. Năm 2010: Người nhận được giải Nobel Hoà Bình là nhà đấu tranh cho nhân quyền và tự do dân chủ Trung Quốc Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba), đang bị án 11 năm tù về tội "phá hoại quyền lực nhà nước". Khi được công bố nhận được giải Nobel Hòa Bình, Liu Xiaobo được xếp vào những tên tuổi đã được trao giải thưởng nói trên như Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi, Barack Obama và nhất là cùng đứng chung danh sách với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Giải Nobel Hòa Bình được xem là giải thưởng quan trọng nhất và cũng là giải thưởng gây nhiều dị ứng chính trị nhất, nhất là đối với các quốc gia với các chế độ độc tài. Tuần lễ mà giải Nobel Hòa Bình 2010 được công bố rơi đúng vào thời điểm cách đây 40 năm khi nhà văn và cũng là người phản kháng chế độ độc tài Liên Sô Aleksandr Solzjenitsyn  nhận được giải thưởng Nobel với tác phẩm Goelag Archipel (Quần Đảo Goelag), một tác phẩm lên án chế độ cộng sản.  

Với giải Nobel Hòa Bình được trao cho Liu Xiaobo, Ủy Ban xét duyệt có lẽ đã ngụ ý rằng tuy Trung Quốc đạt được những thành công ngoạn mục, thay đổi bộ mặt quốc gia với các cao ốc và các nhà tỉ phú, trở thành cường quốc kinh tế, nhưng thực chất bên trong Trung Quốc vẫn là một quần đảo Goelag với các nhà giam, các cơ quan chỉ chuyên đảm trách việc bắt bớ và đàn áp các đối lập, các nhà tranh đấu cho nhân quyền. Ngoài ra Ủy ban cũng muốn hỗ trợ hàng trăm người Trung Quốc đấu tranh cho nhân quyền đang bị giam giữ vì đã đồng ký tên vào bảng tuyên cáo Charta 08 vào năm 2008, đòi hỏi cải cách hệ thống quyền lực nhà nước. Liu là một trong những tác giả của bản kiến nghị đó.

 

Tù nhân lương tâm Liu Xiabao

Bị bắt giữ từ năm 2008 với bản án 11 năm tù, Liu Xiaobao (54 tuổi), giáo sư đại học ngành Văn  vẫn là người vô danh đối với 1,3 tỉ dân Trung quốc do chế độ kiểm duyệt bưng bít thông tin của nhà nước. Liu đã tham dự phong trào phản kháng chế độ độc tài cộng sản vào năm 1989. Từ Mỹ, Liu đã trở về Beijing để tham gia tuyệt thực với các sinh viên trên Quảng Trường Thiên An Môn. Sau cuộc đàn áp đẫm máu, Liu bị chế độ kết án tù. Qua thời gian hai năm Liu được trả tự do do sự khoan hồng vì Liu đã thành thật hối lỗi, theo thông tin của cơ quan ngôn luận nhà nước. Tuy nhiên Liu vân tiếp tục hoạt động chính trị sau đó.Giữa thập niên 90, Liu đã ký kiến nghị kêu gọi nhà nước giải nhiệm cựu chủ tịch nhà nước Jiang Zemin lúc bấy giờ. Liu bị giam giữ 3 năm trong trại cải tạo cho hành vi đó.

Vào năm 2008, Liu đã cùng viết bản tuyên ngôn Charta 08 với các đồng chí khác và phổ biến qua hệ thống internet. Bản tuyên ngôn kêu gọi tôn trọng nhân quyền, xóa bỏ sự thống trị của đảng cộng sản, xây dựng một hệ thống dân chủ, thành lập một hệ thống luật pháp nhà nước độc lập với hiến pháp mới và tự do bầu cử. Bản tuyên ngôn đã được hàng trăm các nhà trí thức đồng ký tên ủng hộ.

Mặc dầu Liu đã phản kháng bất bạo động và đưa ra các đề nghị cải cách theo tiến trình thời gian tương đối ôn hòa, ông vẫn là mối lo âu của đảng Cộng Sản Trung quốc. Một số những người Trung Quốc chống chế độ đang sống lưu vong ở nước ngoài đã lên tiếng chỉ trích phương cách đấu tranh của Liu quá mềm yếu đối với các nhà lãnh đạo độc tài cộng sản. Tuy nhiên theo báo chí trên thế giới, Liu chưa bao giờ để cho đảng Cộng Sản Trung Quốc khuất phục với các biện pháp bắt bớ, theo dõi, tra hỏi, nghe lén điện thoại, yêu cầu ông ký bút hiệu thay vì tên thật trong các bài kêu gọi cải cách... Ông vẫn tiếp tục các kêu gọi cải cách và đề cập đến những đề tài quốc cấm như sự xâm phạm nhân quyền trong nước, chế độ đàn áp nhân dân Tây Tạng.... Liu Xiaobo hiện đang bị giam giữ trong một phòng giam cùng với năm bạn đồng tù trong trại giam của thành phố Jinzhou, phía đông bắc Trung Quốc.

 

Phản ứng của nhà nước Trung Quốc

Ngay khi tin Giải Nobel Hòa Bình cho Liu Xiaobo được công bố, nhà nước Trung Quốc đã ngăn trở kênh CNN thông tin trong nước bằng cách phá sóng. Bà Liu và một số người chống đối nhà nước đã bị quản thúc tại gia dưới sự giám sát của công an. Chính phủ Trung Quốc kịch liệt chỉ trích Ủy Ban giải  Nobel Hòa Bình và cho sự quyết định của Ủy Ban là "sự thô tục đối với một giải hòa bình". Trung Quốc cũng lên tiếng đe dọa chính phủ Na Uy rằng sẽ có biện pháp trừng phạt kinh tế dành cho Na Uy. Mặt khác Trung Quốc gia tăng kiểm duyệt, bưng bít thông tin để tin giải Nobel Hòa Bình cho Liu Xiaobo không đến được các tầng lớp nhân dân. Các tạp chí ngoại ngữ đã đăng tin giải Nobel Hòa Bình năm 2010 như International Herald Tribune, Financial Times đều không được bày bán trong các quầy báo ở các sân bay lớn như Shanghai.

Tuy nhiên qua hệ thống internet, tin giải Nobel Hòa Bình đã được nhiều người biết đến. Bộ     máy tuyền truyền của nhà nước không thể im lặng được lâu hơn bèn mở chiến dịch bôi bẩn Liu Xiaobo.  Trong chiến dịch này tinh thần ái quốc cực đoan đã được nhà nước sử dụng triệt để. Trong một bài báo của tờ China Daily,  Liu bị chụp mũ là kẻ phản quốc, nhận tiền hối lộ của các quốc gia Tây Phương và nuôi lòng căm thù nhân dân Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định nhiều lần rằng giải Nobel Hòa Bình là âm mưu nhằm "Tây phương hóa" nhân dân Trung Quốc, ngăn chận Trung Quốc tiến lên để trở thành cường quốc. Trung Quốc cũng tuyên bố đã đến thời điểm Trung Quốc cùng Brazil và Ấn Độ nên đặt ra giải thưởng riêng về hòa bình và nhân quyền.

Áp lực từ các nước ngoài ngày càng tăng, yêu cầu chính phủ  Trung quốc trả tự do cho Liu Xiaobo. "Liu là một tội phạm vi phạm luật lệ nhà nước" là câu trả lời được Trung Quốc lập lại nhiều lần.

 

Trung quốc những ngày kế tiếp

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chuẩn bị đề cử Xi Yinping là lãnh đạo tương lai của cường quốc kinh tế Trung Quốc, nối ngôi Hu Jintao. Xi được xem là người có quan tâm về vấn đề thương mãi, nhưng thuộc phe cứng rắn và có liên hệ mật thiết với cánh quân đội. Theo các quan sát viên, người ta khó hy vọng có sự cải cách chánh trị đến từ Xi, Xi thuộc cánh bảo thủ và có tinh thần chủ nghĩa ái quốc mặc dầu cha của Xi là người ủng hộ phe cải cách trong biến cố 1989. Để dọn đường tiến thân cho Xi, Xi đã được đề bạt làm phó thủ tướng vào năm 2008, đã từng viếng thăm các quốc gia Trung Mỹ  và Nam Mỹ, các quốc gia Á Châu, Trung Đông và Âu Châu.

Với lương nhân công rẻ và luật lệ môi sinh hời hợt, Trung Quốc đã sở hữu  từ 95% đến 97% thị trường đất hiếm, rất cần cho kỹ nghệ sản xuất màn ảnh máy vi tính, các loại xe điện tử, các ngành kỹ thuật xanh (bền vững) như lanthanium, cerium, neodymium v.v... Trung quốc đã tuyên bố sẽ cắt giảm 30 % tổng số xuất khẩu các nguyên liệu hiếm này để tiết kiệm các nguồn dự trữ ở Trung Quốc. Các xí nghiệp quốc tế không tin tưởng vào lý do Bắc Kinh đưa ra, nhất là sau vụ xung đột giữa thuyền đánh cá Trung Quốc và tàu tuần dương của Nhật. Trung Quốc làm áp lực bằng cách không xuất cảng các nguyên liệu trên sang Nhật để yêu cầu Nhật phải trả tự do lập tức cho thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc. Chính phủ Nhật phải nhượng bộ. Các xí nghiệp lớn như Toyota và Hitachi đã cho rằng chính sách mới của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích áp lực và hăm dọa.

Bắc Kinh tìm mọi cách đẩy mạnh hơn sự phát triển kỹ thuật kể cả phải sử dụng các nhân viên tình báo, hoạt động ở các quốc gia Tây Phương, nhất là ở Mỹ. Vào đầu năm nay, một kỹ sư Trung Quốc có quốc tịch Mỹ đã bị kết án 15 năm tù ở California vì tội hoạt động gián điệp, chuyển các dữ kiện về kỹ thuật quốc phòng cho Trung Quốc. Trung Quốc cũng sử dụng tiền, mua chuộc các sinh viên ngoại quốc yêu chuộng văn hóa Trung Quốc để làm gián điệp cho mình, không chỉ trong lảnh vực kỹ thuật hay quốc phòng mà còn cả trong lãnh vực kinh tế. Ngoài ra các cơ quan tình báo Tây phương đã lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc đang tìm cách để xâm nhập vào hệ thống vi tính của họ.

Tuy nhiên Trung Quốc cũng gặp các khó khăn nội bộ như phong trào đình công. Vào cuối tháng 10 vừa qua, các sinh viên học sinh Tây Tạng đã biểu tình trong im lặng để phản đối chánh sách đưa tiếng Hoa trở thành ngôn ngữ chính để giảng dạy trong các trường các cấp. Các cuộc biểu tình bất bạo động này đã lan rộng ra nhiều nơi, kể cả ở Bắc Kinh. Các sinh viên học sinh đã sử dụng sms và các microblogs để liên lạc, phối hợp tổ chức các cuộc biểu tình. Theo các nhân chứng, có khoảng hàng ngàn người trẻ tham dự. Cho đến nay chưa có tin về vấn đề bắt giữ hay đàn áp. Các vùng Tây Tạng, Tân Cương, Thanh Hải vẫn là nơi mà Pekìng quan tâm, lo sợ các cuộc chống đối nổi dậy.

***

Trong một bối cảnh toàn cầu, với những phức tạp của tranh chấp quyền lực và quyền lợi nói chung và sự phát triển cũng như các chính sách của Trung Quốc hiện nay nói riêng, khó cho mọi người tin vào một viễn ảnh hòa bình và thịnh vượng chung giữa các dân tộc, nhất là trong vùng Đông Nam Á. Việt Nam, một lần nữa do yếu tố địa lý và do các biến chuyển trên thế giới lại rơi vào giữa các tranh chấp của các đại cường. Trong khi đó Việt Nam vẫn còn chế độ độc tài đảng trị với hệ thống xã hội và văn hóa đảo điên, không có đồng thuận dân tộc. Lịch sử Việt Nam đã nhiều lần cho thấy trong một hoàn cảnh đất nước như thế, dân tộc Việt Nam đều bị ngoại xâm, mất chủ quyền. Tình hình đất nước có thể đang nghiêm trọng hơn là mọi người đã nghĩ.

Trong bối cảnh chung đã đề cập trên, những con người uy vũ bất khuất, ở Trung Quốc, ở Miến Điện, ở Iran hay Việt Nam, đấu tranh đòi hỏi nhân quyền và sự bình đẳng giữa con người, xứng đáng là các sứ giả hòa bình.  

Nguyễn Trung


Cái Đình - 2010