Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Trung Quốc là một quốc gia kinh tế "lưu manh"

 

Trung Quốc bắt đầu gây chiến tranh thương mại với Nhật
qua một sự việc xảy ra chẳng có gì quan trọng.
Thế giới có thể làm gì được để ngăn trở?

 

Vào tháng qua, một thuyền đánh cá của Trung Quốc trong hải phận Nhật đã đụng vào hai tàu tuần dương của Nhật. Nhật đã bắt giữ thuyền trưởng của thuyền đánh cá này. Trung Quốc đã phản ứng bằng cách phong tỏa các đường dây để Nhật không được mua các đất hiếm.

Biện pháp đó rõ ràng có hiệu quả: 97% của nguồn dự trữ các đất hiếm này – không thể thiếu trong vấn đề phát triển các sản phẩm kỹ thuật cao cấp, kể cả các máy móc trang bị cho quân đội – đều đến từ Trung Quốc. Dĩ nhiên Nhật đã phải lập tức trả tự do cho thuyền trưởng của tàu đánh cá trên.

Tôi không biết bạn nghĩ thế nào về sự kiện này, nhưng tôi thấy hết sức bị chấn động, không phải chỉ vì Trung Quốc mà còn cả về Hoa Kỳ nữa. Một mặt nó cho thấy sự tê liệt của những nhân sự soạn thảo các chánh sách, chỉ đứng bất lực và nhìn một cách bàng quan một chế độ mà người ta không thể nào tin tưởng được lại tự ban phát cho mình một thứ quyền lực trên các các loại đất hiếm này. Mặc khác sự việc trên cũng cho thấy tâm tính táo bạo của chính phủ Trung Quốc, sẵn sàng gây nên cuộc chiến tranh thương mãi chỉ vì một xung đột nhỏ không đáng kể.

Các đất hiếm đề cập trên là những thành phần không thể thiếu được trong việc sản xuất các sản phẩm từ các loại động cơ hybride đến các sợi thuỷ tinh. Cho đến giữa thập niên tám mươi, Hoa Kỳ vẫn còn dẫn đầu về khâu sản xuất này. Nhưng sau đó Trung Quốc đã tiến lên.

"Dầu hỏa thì ở Trung Đông, Trung Quốc thì có đất hiếm". Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của cuộc chuyển hóa nền kinh tế Trung Quốc, đã từng tuyên bố như thế vào năm 1992. Thật vậy, Trung Quốc với sở hữu khoảng một phần ba các đất hiếm dự trữ trên thế giới, cộng với giá thành của khai thác và biến chế quá rẻ – phản ảnh qua mức lương nhân công thấp và các tiêu chuẩn môi sinh yếu kém – nên các nhà sản xuất Trung Quốc có lợi thế đánh hạ các sản phẩm của Hoa Kỳ.

Tại sao không có ai báo động khi sự việc đã xảy ra dù chỉ là từ quan điểm của các cố vấn về an ninh quốc phòng? Các nhân sự thảo các chính sách chỉ đứng và nhìn kỹ nghệ sản xuất đất hiếm của Hoa Kỳ bị xâm phạm. Một lần, người Trung Quốc đã đến Hoa Kỳ để tháo gỡ cả một cơ xưởng sản xuất và chở về Trung Quốc. Lúc đó là năm 2003 – thời điểm mà nếu bạn phải tin vào các lời phát biểu của chính phủ Bush lúc bấy giờ rằng an ninh quốc phòng là điểm phát khởi các chính sách của Hoa Kỳ.

Hậu quả là một vị trí độc quyền vượt lên trên cả mọi giấc mơ táo bạo nhất của các nhà độc tài dầu hỏa ở Trung Đông. Ngay cả trước khi vụ xung đột thuyền đánh cá xảy ra, Trung Quốc đã không hề ngần ngại để lợi dụng tư thế độc quyền của mình. Công đoàn Liên Hiệp Thép đã từng kiện về các hành vi thương mãi của của Trung Quốc, đụng vào chỗ mà giới kinh doanh Hoa Kỳ không dám ứng xử gì cả do lo sợ bị trả đũa từ phía Trung Quốc. Công đoàn đã đặt sự áp đặt của Trung Quốc về các hạn định xuất cảng và các thứ thuế đánh trên các đất hiếm – các hạn định đã làm cho sản phẩm Trung Quốc trong một số xí nghiệp được sự thuận lợi quan trọng trong vấn đề cạnh tranh – đứng đầu danh sách.

Sau đó đến vụ xung đột thuyền đánh cá. Các hạn định của Trung Quốc trên vấn đề xuất cảng đất hiếm trước đó đã vi phạm các giao ước mà Trung Quốc đã ký kết khi gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Nhưng lệnh cấm vận xuất cảng đất hiếm qua Nhật là một vi phạm càng rõ ràng hơn các luật thương mại quốc tế.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã xúc phạm sự thông minh của chúng ta bằng cách khẳng định rằng Trung Quốc không hề chính thức công bố lệnh cấm vận. Họ cho rằng tất cả các nhà xuất cảng đất hiếm vào cùng thời điểm đó tự quyết định ngưng phân phối hàng cho Nhật trên căn bản của những xúc động tình cảm có tính cách cá nhân đối với Nhật.

Các bài học nào chúng ta có thể rút ra từ việc xung đột về các nguyên liệu hiếm? Thứ nhất là thế giới phải đổ dồn phát triển các nguồn nguyên liệu hiếm nằm ngoài Trung Quốc. Hoa Kỳ và ở một vài nơi khác có những nguồn dự trữ rất lớn. Nhưng sự khai thác và sản xuất các đất thô này tốn nhiều thời giờ và tài chánh. Cũng như biện pháp thay thế nằm gần nhất trong tầm tay: Tái sử dụng các phế thải của các đất hiếm này và các vật liệu khác từ các thiết bị điện tử đã sử dụng.

Thứ hai là ứng xử của Trung Quốc về vụ xung đột thuyền đánh cá, rất tiếc lại là bằng chứng rằng thêm một lần nữa cường quốc kinh tế mới này không hề mang những trách nhiệm tương xứng với địa vị này.

Thông thường các cường quốc kinh tế đều không cảm thấy thoải mái trong vấn đề gây ra chiến tranh thương mãi, ngay cả chiến tranh do các xung đột nghiêm trọng, bởi vì họ ý thức rõ vị thế đặc thù của mình trong hệ thống quốc tế. Hãy nhìn Hoa Kỳ đã chần chờ như thế nào và đã nhận các hậu quả dưới chánh sách về hối xuất tiền tệ của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc thì không hề ngần ngại sử dụng ngay các bắp thịt thương mãi của mình để đạt được mục tiêu trong các tranh chấp chánh trị, dẫu cho điều đó đi ngược với luật thương mãi quốc tế.

Nối kết điều này vào hành vi của Trung Quốc trong các mặt khác: Sự hỗ trợ tài chánh của nhà nước để giúp các xí nghiệp thu nhận được những đơn đặt hàng quan trọng nhất, áp lực trên các công ty ngoại quốc để đem khâu sản xuất dời về Trung Quốc, và trên hết, chánh sách về hối xuất tiền tệ. Kết quả cho chúng ta thấy rõ chân dung của một đại cường kinh tế lưu manh, sẵn sàng chà đạp mọi luật lệ dưới đế giày.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu phần còn lại của thế giới có thể làm được gì?

 

Paul Krugman
Nguyễn Thị Quỳnh Anh dịch
(Theo bài ‘Rare and Foolish, trong The New York Times, 17/10/2010)

___________

Paul Krugman là một nhà bỉnh bút, cộng tác viên thường xuyên cho mục xã luận của tạp chí The New York Times. Ông nhận giải Nobel về Kinh tế học năm 2008.


Cái Đình - 2010