Nguyễn thị Quỳnh Anh
Trung Quốc đầu năm 2004
Trong thời gian gần đây báo chí thế giới chú ý nhiều về Trung Quốc do bệnh SARS
và gần hơn là bệnh dịch cúm gà. Nhưng những biến cố đó không hề làm phai nhạt
những thay đổi vẫn được xem là ngoạn mục về mặt kinh tế xã hội. Những chiếc
xe đạp thồ trên đường phố của các thành phố lớn đang dần dần được thay thế bởi
các loại xe đạp chạy bằng máy điện hay scooter, giai cấp trung lưu ngày càng
đang phát triển, có khả năng sở hữu xe hơi và trang trí nhà cửa bằng bàn ghế
Ikea, Trung Quốc phóng phi thuyền có người lái lên không gian, tham dự vào các
công tác hòa bình thế giới,... Các quan sát viên nhận định rằng Trung Quốc sẽ
là cường quốc, có khả năng cạnh tranh với các cường quốc Âu Mỹ trong thế kỷ
21 về kinh tế và chính trị. Hay ví von theo ngôn ngữ của Napoléon: “gã khổng
lồ” đã thức dậy.
Một vài con số: Diện tích Trung Quốc 240 lần lớn hơn diện tích Hòa Lan, dân số hiện nay 1,3 tỉ với 80 triệu người sử dụng internet (đứng hàng thứ nhì trên thế giới sau Mỹ), sở hữu 31 triệu máy vi tính, 260 triệu điện thoại cầm tay, kinh tế phát triển trong toàn năm 2003 hơn 9%.
Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ là cường quốc thương mại đứng hàng thứ tư trên thế giới. Đảng CS Trung Quốc đã từ lâu không còn theo đuối mục tiêu cách mạng vô sản toàn thế giới. Một nước Trung Quốc hùng mạnh về kinh tế, chính trị đang là mục tiêu mà mọi nỗ lực đang đổ dồn vào. Trong chiều hướng đó, Trung Quốc tạo ra bộ mặt thân thiện và tin cậy đối với các cường quốc Tây Phương, các quốc gia Châu Phi, Nam Mỹ và các quốc gia láng giềng ớ Đông Nam Á. Trong lúc Nhật đang còn phải đối phó với nhiều bế tắc kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách vượt qua quốc gia này và đã ký nhiều hiệp ước kinh tế với các quốc gia trong vùng, điển hình là hợp đồng do Úc phân phối khí đốt trị giá 17 tỉ Mỹ kim trong năm qua. Các quốc gia Đông Nam Á cũng phân phối nhiên liệu đổi lấy hàng hóa phẩm Trung Quốc.
Những hiệp ước thương mại tương tự về việc phân phối sắt, đậu nành, ngũ cốc, được ký kết với các quốc gia Nam Mỹ và Phi Châu. Ở Âu Châu những liên hệ thương mãi vẫn tiếp tục, tuy rằng tương tự như ở Mỹ, đó đây vẫn có những chống đối, cho rằng các sản phẩm Trung Quốc với giá thành quá thấp sẽ góp phần làm gia tăng nạn thất nghiệp. Thật ra nhiều xí nghiệp Âu Châu cũng đã đóng góp vào tiến trình đó bằng cách đóng cửa các xí nghiệp ở bản xứ để dời sang Trung Quốc do giá nhân công rẻ. Các xí nghiệp ở Mỹ đã yêu cầu chính phủ có biện pháp giới hạn hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Tổng thống Bush, với viễn ảnh bầu cử trong năm 2004, đã đề ra những biện pháp giới hạn, điển hình cho vải lụa và máy truyền hình.
Trước biến cố 11 tháng 9 năm 2001, tòa Bạch Ốc còn chọn đường lối chính trị cứng rắn chống lại chính quyền CS Trung Quốc. Nhưng chiều hướng đó đã thay đổi, có thể nhìn được rõ ràng nhất qua chuyến viếng thăm nước Mỹ của thủ tướng Trung Quốc vào cuối năm qua với sự tiếp đón long trọng của Mỹ. Quan trọng hơn, tổng thống Bush đã im lặng khi thủ tướng Trung Quốc tuyên bố trong một cuộc hợp báo rằng tổng thống Mỹ phản đối vấn đề độc lập của Đài Loan. Hơn nữa, tổng thống Bush đã cảnh cáo Đài Loan đừng thử nghiệm để thay đổi sự liên hệ hiện tại với Trung Quốc bằng biện pháp trưng cầu dân ý và gọi Trung Quốc là “thành viên trong ngoại giao”.
Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc diễn dịch lời tuyên bố trên của tổng thống Bush chỉ nhằm mục đích giữ vững sự ổn định trong vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên lời cảnh cáo đó đã ít nhiều gây cú sốc cho các nhà báo thuộc cánh bảo thủ khiến họ phải lên tiếng trong một thư ngỏ:”... Có thực sự tổng thống Bush muốn rằng Đài Loan không được phép trưng cầu dân ý một cách dân chủ về bất cứ vấn đề nào?...”. Và họ kết luận: "Hòa giải với độc tài là cách mời gọi đơn giản nhất những nỗ lực mới cho sự đe dọa”. Chuyên viên về Trung Quốc thuộc hiệp hội bảo thủ Heritage còn nhận định gay gắt hơn:” Thật là sự nhầm lẩn của một tổng thống nước Mỹ, người mới vừa cỗ võ cho dân chủ ở Trung Đông, lại nói với dân tộc Đài Loan những gì họ được chọn và những gì họ không được chọn...”.
Qua các dữ kiện trên, các quan sát viên cho rằng nhóm thực dụng đang thắng nhóm lý tưởng trong cánh bảo thủ. Nhưng trên phương diện thuần túy chính trị, sự ủng hộ Trung Quốc quan trọng hơn đối với Mỹ trong vấn đề kiểm soát vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Cả Mỹ, Nhật và Nam Hàn đều mong muốn có một thỏa hiệp cụ thể về vấn đề này với Bắc Hàn. Nhưng các quốc gia trên đều biết rõ vai trò quyết định thật sự nằm ở Bắc Kinh. Và về phía Trung Quốc, họ chắc chắn biết rõ giá nào các quốc gia trên phải trả cho vai trò này.
Nhìn về kinh nghiệm lịch sứ Việt Nam, nhất là từ thế kỷ thứ 15, tinh thần Tống
Nho đã đánh mất khả năng dung hóa và khai phóng trong văn hóa Việt. Lịch sử
hiện đại và cận đại cũng cho thấy nhiều sự mô phỏng rập khuôn theo mô thức văn
hóa, chính trị của Trung Quốc, điển hình là cuộc cách mạng cải cách ruộng đất
năm 1953 và gần nhất là mô thức “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa” để bảo vệ sự sống còn của chế độ CS. Hậu quả tất yếu là sự đánh mất chủ
quyền và lệ thuộc về văn hóa, chính trị đối với Trung Quốc. Việc cắt đất và
biển cho Trung Quốc có thể được nhìn trong chiều hướng này.
Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ kéo theo sự phát triễn trong
vùng. Điều đó đặt ra câu nghi vấn cho tất cả những người Việt vẫn hằng ưu tư
với đất nước: Làm thế nào để Việt Nam có thể cùng hưởng lợi trong sự phát triễn
này mà không bị cuốn vào quỹ đạo kinh tế chính trị của Trung Quốc? Đây là một
vấn đề dễ dàng đặt ra nhưng chắc chắn sẽ rất nhiêu khê khi thực hiện, nhất là
trong một bối cảnh chính trị Việt Nam hiện nay và về mặt xã hội với sự tràn
ngập của sản phẩm và văn hóa phẩm Trung Quốc.
Trong quá trình lịch sử qua nhiều triều đại khác nhau, có hai yếu tố quan trọng cốt tủy đóng góp vào độc lập tự chủ của Việt Nam: Sự huy động sức mạnh văn hóa và sự đoàn kết của đại khối dân tộc. Trong thời đại toàn cầu hiện nay, phải kể thêm sự tham dự vào sinh hoạt chung của thế giới, bao gồm các liên hệ kinh tế, chính trị, văn hóa với các cường quốc Âu Mỹ và các quốc gia láng giềng. Để thực hiện và huy động được những điều quan trọng nêu trên, không thể thiếu một yếu tố có tính quyết định: Việc thực hiện một chế độ dân chủ đa nguyên tại Việt Nam.
Nguyễn thị Quỳnh Anh