Phạm Đình Lân


Trung Hoa và thế giới

 

Trung Hoa là quốc gia rộng lớn và đông dân nhất thế giới từ xưa đến nay. Đó là một trong những quốc gia có văn hóa và lịch sử lâu đời trong văn minh nhân loại. Người Trung Hoa tự hào với giòng dõi Hán tộc của mình và khinh thường các dân tộc khác trên địa cầu. Họ gọi những dân tộc phía Bắc Trung Hoa là Rợ Hồ và các dân tộc ở phía nam, trong đó có người Việt là Nam Di và người da trắng là Bạch Quỉ. Họ tự hào vì:

- Có chữ viết từ lâu.
- Biết trồng dâu nuôi tằm để dệt lụa.
- Biết trồng lúa và làm cho đất đai sinh sản để có nguồn sống.
– Biết dùng cây cỏ để làm thuốc trị bịnh.
– Có hai tôn giáo lớn do người Trung Hoa sáng lập: Đạo Giáo và Khổng Giáo.
– Biết xây thành quách để bảo vệ biên cương (Vạn Lý Trường Thành).
– Biết đào kinh rạch để dẫn thủy nhập điền và chuyển vận hàng hóa bằng đường thủy.
– Biết làm lịch, phát triển thiên văn học và khí tượng học để bói toán và tiên đoán thời tiết v.v...

Những điều mà người Hán tự hào được tìm thấy ở Ấn Độ, Ba Tư, Assyria, Vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu, Ai Cập, Hy Lạp và đế quốc La Mã.

Văn hóa và lịch sử cổ xưa chưa hẳn đủ đảm bảo sự hưng thịnh kinh tế, sức mạnh quân sự hầu bảo tồn độc lập dân tộc. Ấn Độ, Ai Cập, Iraq, Ba Tư... há không bị đế quốc Anh khống chế? Trung Hoa cũng từng bị liệt cường xâu xé.

Cả nước Trung Hoa có cùng chung chữ viết nhưng được đọc khác nhau tùy theo địa phương. Mãi đến đầu thập niên 1920 học giả Hu Shu (Hồ Thích: 1891-1962) tốt nghiệp đại học Cornell và Colombia, New York, về nước mới cải cách, đơn giản hóa chữ viết và thống nhất cách đọc chữ viết Trung Hoa. Trong 30 năm nay Trung Hoa Cộng Sản há không gởi hàng trăm ngàn sinh viên sang Hoa Kỳ, quốc gia có văn hóa 200 năm để học và nếu có cơ hội thì trộm kỹ thuật cao cấp của xứ non trẻ nầy hay sao?

Tiếng Trung Hoa được gần 1,5 tỷ người nói, nhưng 1,5 tỷ người nầy chỉ là một dân tộc trong một nước giữa lúc tiếng Anh được hầu hết các dân tộc trên thế giới học, viết và nói được. Nếu Trung Hoa nắm quyền bá chủ thế giới thì số người mù chữ trên địa cầu gia tăng nhanh chóng vì chữ viết của quốc gia nầy rất phức tạp đối với những người quen với mẫu tự La Tinh.

Đạo Khổng và Lão Giáo chỉ có ảnh hưởng ở Trung Hoa và hai nước bộ thuộc cũ là Việt Nam và Triều Tiên mà thôi.

Trung Hoa là một nước đông dân cư lại thường xuyên bị loạn lạc và thiên tai đe dọa. Do đó con người lo phòng thân, ích kỷ nhiều hơn là nghĩ đến người khác. Việc dấu nghề và ăn cắp nghề của người khác trở nên phổ cập. Con gái không được truyền bí quyết nghề nghiệp gia đình vì sợ gia đình bên chồng chiếm lấy bí quyết ấy. Người Việt Nam ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa dấu nghề nầy. Vì vậy đừng lấy làm lạ không thấy người Việt Nam biết làm bánh bao hay chiên giò chá quẩy hay bánh tiêu. Đó là những bí quyết nghề nghiệp sơ đẳng nhưng vẫn được người Trung Hoa giấu kỹ lưỡng. Xưa kia nhân loại phải mất hàng thế kỷ mới đem con tằm ra khỏi nước Trung Hoa. Với óc kiêu căng, tự hào và "phòng thân", ích kỹ chặt chẽ như vậy liệu nhân loại hưởng được gì với văn minh Trung Hoa? Nếu có, họ học cách xử thế của:

- thằng A Q đầu chóc tự hào về những mụt chóc trên đầu và triết lý thượng cẳng chân hạ cẳng tay khi mạnh và quân tử không dùng lực tay chân khi ở vào thế yếu.

- hay Châu Bá Thông già hai màu tóc nhưng tư tưởng và hành động như một ấu nhi.

Trong quá khứ Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất vì là một thuộc địa của Trung Hoa suốt cả ngàn năm liền và không có chữ viết riêng. Chữ viết hiện hành là thành quả của việc nghiên cứu của giáo sĩ Alexandre de Rhodes làm ra để giảng giáo lý Thiên Chúa Giáo vào thế kỷ XVII. Chữ viết dựa vào mẫu tự La Tinh nầy phát triển trước tiên ở Nam Kỳ từ năm 1862 về sau và ở Trung và Bắc Kỳ sau 1884. Mãi đến năm 1915 và 1918 kỳ thi Hán học mới lần lượt bãi bỏ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Người Việt Nam được  dạy Sĩ, Nông, Công, Thương như là thang giá trị con người trong xã hội nên đã dồn mọi nỗ lực để trở thành kẻ SĨ, xem thường các giai tầng xã hội còn lại và dành cho người Hoa "đảm nhận" kinh tế và thương mại quốc gia! Giới KINH THƯƠNG là giai tầng xã hội thấp nhất trong xã hội Khổng Giáo. Nhưng người quân tử Hán vẫn thích nắm giữ việc kinh thương trong tinh thần có thực mới giựt được đạo. Người Hán luôn luôn đề cao người quân tử, nhưng tinh thần lúc nào cũng là tinh thần duy vậtvị lợi. Thậm chí ông Địa hay ông Phật đều là những người mập mạp, ở trần để lộ bụng to, vú xệ, trông xề xòa, thỏa mãn hơn là nghiêm chỉnh và khả kính. Sự hiện diện của đa thần Phước, Lộc, Thọ, Thổ Thần, Thổ Địa, Thần Tài, Thần Táo, v.v. phản ảnh việc cầu danh, cầu lợi, cầu an, cầu phúc hơn là trau dồi và phát triển đức tin.

Người Cộng Sản Việt Nam cũng được dạy trí thức không bằng cục phân và là kẻ thù của giai cấp vô sản nên có thời kỳ người ta đã tận tụy giết người trí thức (trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ) Người thì bị thủ tiêu, người thì bị tù đày. Người thì bị sỉ nhục ngoài xã hội. Người thì đi tu hay trùm chăn. Có người đành phải trốn ra nước ngoài sinh sống hay theo Pháp để được bảo toàn tánh mạng. Thời bấy giờ được gọi là trí thức để bị giết hay thủ tiêu những người chỉ có bằng CEPCI (bằng tiểu học) hay Thành Chung DEPSI. Kết quả là sau 30 năm nổi tiếng về chinh chiến sau đệ nhị thế chiến, Việt Nam vẫn chưa làm được cây súng và sau gần 40 năm thống nhất và hòa bình vẫn chưa làm được chiếc xe đạp hoàn chỉnh mà chỉ nghe nói có một nông dân phát minh ra phi cơ bay bằng... máy cày!

Triều Tiên và Nhật đều có chữ viết hao hao giống chữ viết của Trung Hoa. Triều Tiên cũng chịu ảnh hưởng Tam Giáo do Trung Hoa truyền dạy. Mãi đến năm 1894 Trung Hoa mới mất ảnh hưởng ở Triều Tiên sau khi bị Nhật dánh bại. Nhật tiếp thu Phật Giáo Đại Thừa từ các sư tăng Triều Tiên chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, nhưng nước nầy hoàn toàn độc lập với Trung Hoa. Phật Giáo Đại Thừa của Nhật cũng không hoàn toàn giống Phật Giáo Đại Thừa của Trung Hoa. Lão Giáo và Khổng Giáo không có ảnh hưởng gì với người Nhật vì họ có Thần Đạo (Shitoism) của họ. Thiên Hoàng của Nhật không thần phục Trung Hoa mà còn tự xem là Thiên Hoàng Xứ Mặt Trời Mọc và gọi hoàng đế Trung Hoa là hoàng đế Xứ Mặt Trời Lặn vì Trung Hoa nằm về phía tây của nước Nhật. Nước Nhật mạnh dạn canh tân và Tây Phương hóa. Họ quên lãng và vất bỏ văn hóa Chang An (Trường An tức Xian bây giờ) của Trung Hoa bằng cách nghiêng hẳn về Tây Y, học thuật Tây Phương, cử hành ngày 01-01 dương lịch thay vì ngày Tết Âm Lịch và dùng Dương Lịch v.v.

Sau đệ nhị thế chiến bán đảo Triều Tiên bị chia đôi. Chắc chắn người Triều Tiên không thích thú gì về chánh sách cai trị của người Nhật trên xứ họ từ năm 1910 đến 1945. Nhưng họ học được nhiều điều hay từ người Nhật để làm cho Nam Triều Tiên vươn lên từ một quốc gia nông nghiệp nghèo nàn, kinh tế kém cỏi, lại còn bị chiến tranh liên tục tàn phá. Sự chổi dậy kinh tế và khoa học kỹ thuật Nam Triều Tiên tức Đại Hàn từ thập niên 1970 về sau là tấm gương cho giới lãnh đạo và trí thức Việt Nam phải đầu tư suy nghĩ để can đảm và mạnh dạn có những sáng tạo cần thiết cho sự phát triển quốc gia, thay vì khư khư ôm chặt những văn hóa ngoại nhập hỗn tạp được nhận là bản sắc của mình. Chúng không giúp ích được gì cho sự phát triển quốc gia, phồn vinh cho đất nước, tự do và hạnh phúc cho dân tộc.

Sự canh tân và phát triển quốc gia thành công hay không tùy vào sự sáng tạo, sự sáng suốt và sự thành tâm của giới lãnh đạo cùng sự hưởng ứng của quần chúng nhân dân. Thực tế hội đủ các điều kiện trên không dễ dàng như ta tưởng mà khó khăn hơn cả cảnh mò kim dưới đáy biển. Hai thế kỷ trôi qua đất nước ta chỉ thụt lùi hay dậm chân tại chỗ mà thôi. Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp không tiến bộ vì thang giá trị Sĩ, Nông, Công, Thương. Quan niệm trọng nam khinh nữ, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô đã loại 50% dân số ra ngoài mọi sinh hoạt trong cộng đồng dân tộc. Người sang trọng là người không làm gì động đến móng tay. Để chứng tỏ sự sang trọng và thanh tú, người ta phải bó chân hay để móng tay dài cả tấc. Quan niệm trai năm thê bảy thiếp dẩn đến sự hỗn loạn trong xã hội và oán thù ngay trong gia đình. Sự kỳ thị tuổi tác ngăn chận sáng kiến và sự tiến thủ của người trẻ. Óc xã thôn gây chia rẽ địa phương, giới hạn sự hiểu biết bên ngoài lũy tre làng để nuôi dưỡng óc bảo thủ. Không ai ngăn cản chúng ta trân quí kỷ niệm. Nhưng tốt nhất chúng ta nên gởi gấm kỷ niệm vào những áng văn tuyệt tác hay những vần thơ bất hủ hơn là để cho chúng tái xuất hiện vì đó là kỷ niệm chua chát, đắng cay của một quá khứ nô lệ; của bất công, áp bức; của chinh chiến đẫm máu giữa người đồng chủng, đồng văn và đồng lịch sử và của nghèo đói, hận thù và chia rẽ dân tộc.

Văn hóa Cộng Sản dạy người Cộng Sản quên tổ quốc, chối bỏ công lao của tổ tiên và cha mẹ để nhớ ơn Liên Sô, Trung Hoa Cộng Sản, tôn thờ và trung thành với Karl Marx, Lenin, Stalin, Mao Tse-tung, Hồ Chí Minh, v.v...  Cờ búa liềm là cờ của Liên Sô. Trung thành với đảng là trung thành với Liên Sô và bây giờ là sự thần phục và trung thành với Trung Hoa Cộng Sản vì Liên Sô không còn nữa. Mao Tse-tung khéo léo dùng chủ nghĩa cộng Sản để che đậy chủ nghĩa bành trướng Hán tộc của ông. Chính ông đã sửa đổi chủ nghĩa Cộng Sản thành chủ nghĩa mang tên ông, Maoism, đến nỗi trên đảng kỳ của đảng Cộng Sản Phi Luật Tân có hình của Mao Tse-tung.

Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam cùng chung cảnh ngộ vào thế kỷ XIX nhưng không cùng chung cấp hạng vào thế kỷ XX và XXI.

***

Tự hào quá nhiều về văn minh và sức mạnh của mình với những cuộc chinh Đông, chinh Tây, dẹp Rợ phía Bắc, bình Nam Di phía Nam, Trung Hoa lại bị Mông Cổ đô hộ cả thế kỷ từ năm 1271 đến 1368 và bị Mãn Châu thống trị trên ba thế kỷ từ năm 1644 đến 1911. Tự ái Hán tộc cũng bị tổn hại nặng nề ở Việt Nam nơi Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung Nguyễn Huệ đã phá vỡ mộng đế quốc của họ. Họ cũng không mấy hài lòng với kết quả cuộc chiến tranh biên giới nhằm dằn mặt Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1979.

Vào thế kỷ XIX người Hán bị vây hãm bởi sự thống trị của nhà Mãn Thanh và sự đe dọa của người Bạch Chủng. Người Bồ Đào Nha hiện diện ở Ma Cao từ thế kỷ XVI. Người Anh mở cửa Trung Hoa bằng Chiến Tranh Nha Phiến. Trung Hoa ký hiệp ước Nanking (Nam Kinh) với Anh năm 1842. Hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng khác được Trung Hoa ký kết với các nước Âu Châu. Trung Hoa phải cắt nhường nhiều thành phố, hải cảng và đất đai cho các nước Âu Châu. Theo hai hiệp ước Ailun (1858) và Peking (1860), Trung Hoa nhường cho Nga, nước láng giềng ở phía Bắc, trên 1 triệu km2 đất đai. Càng chua chát hơn, Trung Hoa bị Nhật đánh bại năm 1894 ờ Triều Tiên, phải ký hiệp ước Shimonoseki chịu bồi thường chiến phí và nhường đảo Taiwan (Đài Loan), quần đảo Penghu (Bành Hồ)... cho Nhật và từ bỏ ảnh hưởng của mình trên bán đảo Triều Tiên. Năm 1901 Trung Hoa bị Bát Quốc Liên Quân đè bẹp và phải ký hiệp ước Peking bồi thường 450 triệu lượng bạc, gần 7 tỷ Mỹ kim theo trị giá bây giờ, cho tám quốc gia thắng trận; cắt nhường 12 thành phố lớn cho người Âu-Mỹ, kể cả Nhật, lập tô giới địa. Nhật gây ảnh hưởng ở Trung Hoa khi ủng hộ Yuan Shi-kai (Viên Thế Khải) và thay thế Đức trên bán đảo Shantung (Sơn Đông) theo tinh thần hiệp ước Versailles.

Năm 1932 Nhật thành lập Mãn Châu quốc (Manchukuo) tức là tách rời Mãn Châu ra khỏi Trung Hoa để trở thành một quốc gia độc lập với vua Pu Yi (Phổ Nghi), vị vua cuối cùng của nhà Thanh bị lật đổ năm 1911. Năm 1937 Nhật tấn công Trung Hoa và chiếm đồng bộ nước nầy.

Hán tộc kiêu căng và tự hào nhưng họ cũng trải qua lắm nhục nhã, thù hận và tự tạo cho mình lắm kẻ thù. Ý tưởng trả thù là ý tưởng hiện hữu trong tâm bất cứ người nào một khi có đầy đủ sức mạnh và cơ hội thuận lợi để thực thi việc trả thù. Dân đảo Corse nổi tiếng với vendetta. Đọc truyện hay xem phim Trung Hoa, hai chữ "phục thù " với câu nói lạ lùng quân tử trả thù mười năm không muộn, làm cho kẻ thù muốn sống cũng không được mà muốn chết cũng không được, hay những lời mạt sát tên hoàng đế chó Mãn Thanh luôn luôn được nhắc đến. Một người cha trước khi chết không chỉ cho con cái vàng bạc giấu ở đâu mà chỉ để lại một danh sách dài đầy tên kẻ thù cần phải giết khi có cơ hội. Một bậc sư phụ thều thào dặn đệ tử trả thù trong cơn hấp hối.

Óc tự tôn, chủ nghĩa anh hùng và tư tưởng trả thù giải thích những cuộc nội chiến triền miên trên đất nước Trung Hoa cũng như chiến tranh giữa Trung Hoa và các nước láng giềng khi nước nầy được ổn định. Việt Nam há không chịu ảnh hưởng đó với Thập Nhị Sứ Quân, việc thoán đoạt ngai vàng, triết lý vô độc bất trượng phu, hôn quân bạo chúa, nội chiến Mạc-Lê, Trịnh-Nguyễn, Nguyễn-Nguyễn Tây Sơn, chiến tranh Quốc Cộng...?

Mao Tse-tung (Mao Trạch Đông) là người phục sinh sự tự hào Hán Tộc. Ông Hán hóa chủ nghĩa Marx, bất phục tùng sự lãnh đạo của Stalin, chỉ huy cuộc kháng chiến chống Nhật và đánh bại quân Quốc Dân Đảng do Chiang Kai-shek (Tưởng Giới Thạch) lãnh đạo. Vừa nắm chánh quyền, ông tái lập ảnh hưởng Trung Hoa ở Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam. Stalin làm ngơ cho Trung Hoa Cộng Sản gây ảnh hưởng ở hai nước nông nghiệp Á Châu để chú tâm đến các nước Đông Âu kỹ nghệ. Trung Hoa Cộng Sản tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên để bảo vệ Bắc Hàn, gởi cố vấn và hàng viện trợ cho Cộng Sản Việt Nam kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Trung Hoa Cộng Sản mặc nhiên được xem là một cường quốc khi được mời tham dự hội nghị Geneva năm 1954 mặc dù Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc chưa phải là một thành viên của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Vai trò của Chou En-lai (Châu Ân Lai) trong hội nghị Bandung còn quan trọng hơn cả vai trò của Sukarno, tổng thống quốc gia chủ trì hội nghị (1955). Trung Hoa thời Mao Tse-tung đã có bom nguyên tử, vệ tinh nhân tạo, nhưng kinh tế còn èo uột. Trung Hoa thời Teng Hsiao-ping (Đặng Tiểu Bình) và hậu Teng Hsiao-ping là một cường quốc kinh tế và quân sự kém hơn Hoa Kỳ nhưng là chủ nợ của siêu cường quốc nầy.

Người giàu và quyền thế thường nghĩ đến việc lấn ranh đất người láng giềng hoặc tìm cách mua hay sát nhập nhà láng giềng vào nhà mình bằng đồng tiền và thế lực của mình. Một quốc gia phồn thịnh kinh tế và hùng mạnh về quân sự cũng không ra ngoài qui luật vừa nói khi Trung Hoa Cộng Sản xua quân qua Tây Tạng, Tân Cương, Bắc Hàn, tranh chấp biên giới và đánh nhau với Ấn Độ (1962), Liên Sô (1969), Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (1979, 1984) v.v...

Cộng Hòa Nhân Dân Trung quốc hiện nay là một trong Ngũ Cường trên thế giới. Nước nầy thù hận cả bốn cường quốc còn lại cộng thêm với Nhật Bản và có thái độ bất hảo với Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ nhì trên thế giới, có vũ khí nguyên tử và đang phát triển kinh tế. Ấn Độ không có địa vị quan trọng trong Tổ Chức Liên Hiệp Quốc. Trái lại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền phủ quyết và luôn luôn có mặt trong việc thảo luận và giải quyết các vấn đề trọng đại trên thế giới.

Anh là quốc gia mở màn cho việc xâu xé Trung Hoa vào thế kỷ XIX. Người Trung Hoa còn oán hận những khẩu hiệu kỳ thị của Anh ngay trên quê hương họ. Người Anh đã biến làng chài lưới Hong Kong thành một ốc đảo tự do, dân chủ và phồn vinh sát lục địa Trung Hoa. Họ đã trao trả Hong Kong cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vào năm 1997. Hai năm sau Bồ Đào Nha cũng trao trả Macao cho CHNDTQ.

Pháp là quốc gia đã cướp mất ảnh hưởng của Trung Hoa ở Việt Nam. Trung Hoa phải ký hiệp ước 1884 và 1885 công nhận sự bảo hộ của Pháp ở Trung, Bắc Kỳ trước áp lực của hải quân Pháp. Pháp góp mặt trong Bát Quốc Liên Quân, có tô giới địa và đường hỏa xa trên lãnh thổ Trung Hoa. Từ năm 1950 Trung Hoa Cộng Sản ra sức giúp đỡ Việt Minh đánh bại Pháp ở Việt Nam để giành lại ảnh hưởng chánh trị như xưa, ít ra trên nửa phần đất phía bắc vĩ tuyến 17.

Nga là quốc gia chiếm nhiều đất đai của Trung Hoa nhưng không cần dùng đến võ lực. Cuộc đụng độ giữa Trung Hoa Cộng Sản và Liên sô năm 1969 bắt nguồn từ sự tranh giành chủ quyền trên đảo Damansky. Kết quả không vẻ vang của trận đánh nhỏ nầy cho thấy việc thu hồi trên 1 triệu km2 lãnh thổ do Nga chiếm đóng theo tinh thần các hiệp ước Ailun (1858) và Peking (1860) không thể là một chuyện dễ dàng. Sự thù hận người Trung Hoa đối với Nga có vẻ sâu đậm hơn cả. Trung Hoa và Liên Sô đều là quốc gia Cộng Sản lớn tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi ở Mông Cổ, Bắc Việt Nam, Bắc Hàn. Khi Cộng Sản Việt Nam ngã về phía Liên Sô tức thì họ gặp ngay phản ứng mạnh bạo từ phía Trung Hoa Cộng Sản. Mao Tse-tung ghét Nga đến nỗi ông học tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng không bao giờ học tiếng Nga. Teng Hsiao-ping bang giao với Hoa Kỳ và Nhật Bản nhưng lạnh nhạt với Liên Sô.

Đối với Trung Hoa, Hoa Kỳ là ân nhân hơn là kẻ thù. Vào thế kỷ XIX, giữa lúc các nước Âu Châu chia xẻ Trung Hoa thì Hoa Kỳ kêu gọi các liệt cường tôn trọng sự vẹn toàn lãnh thổ Trung Hoa. Hoa Kỳ tham gia Bát Quốc Liên Quân vào năm 1900. Theo hiệp ước Peking 1901 Trung Hoa bồi thường bát quốc 450 triệu lượng bạc, tương đương gần 7 tỷ Mỹ kim bây giờ. Hoa Kỳ chỉ nhận 7,32% tổng số tiền bồi thường nầy mà thôi. Hoa Kỳ không ủng hộ Yuan Shi-kai. Cha đẻ của nền Dân Quốc Trung Hoa, Sun Yat-sen (Tôn Dật Tiên) là người theo đạo Tin Lành và chịu ảnh hưởng văn hóa Anglo-Saxon. Hoa Kỳ giúp đỡ Trung Hoa trong chiến tranh Hoa-Nhật. Trong chừng mực nào đó sự tiêu cực của Hoa Kỳ trong việc viện trợ cho Chiang Kai-shek (Tưởng Giới Thạch) đã giúp cho Mao Tse-tung thành công trong việc kiểm soát lục địa Trung Hoa. Hoa Kỳ không ủng hộ Chiang Kai-shek nắm chánh quyền trên lục địa Trung Hoa, nhưng hết lòng viện trợ cho Chiang bảo vệ đảo Taiwan (Đài Loan). Mao Tse-tung xem Hoa Kỳ là nước gây chướng ngại cho việc thống nhất đảo Taiwan với lục địa. Là người Cộng Sản, tự nhiên ông ghét và nguyền rủa Hoa Kỳ, thành trì của tư bản chủ nghĩa. Về phương diện cá nhân, một người con trai của ông tử trận trong chiến tranh Triều Tiên. Nhưng trong những năm cuối cùng của đời ông, Trung Hoa Cộng Sản niềm nở đón tiếp tổng thống Nixon như là một ân nhân hơn là kẻ thù.

Sau năm 1969 Mao xem Liên Sô là kẻ thù chớ không phải Hoa Kỳ. Teng Hsiao-ping há không tiếp nối đường lối ngoại giao nầy với Hoa Kỳ sao? Ông là lãnh tụ Cộng Sản Trung Hoa đầu tiên đến Hoa Kỳ, lấy lòng Hoa Kỳ với thuyết mèo đen, mèo trắng thực dụng không thua gì người Hoa Kỳ. Chính tổng thống Jimmy Carter được ông cho biết trước sẽ cho Việt Nam một bài học. Chiến tranh biên giới bùng nổ giữa Cộng Sản Trung Hoa và Cộng Sản Việt Nam. Sự phồn vinh kinh tế từ thập niên 1990 về sau của CHNDTQ là do sự lãnh đạo sáng suốt của Mao Tse-tung dưới ánh sáng của chủ nghĩa Marx-Lenin hay do óc thực tiễn của Teng Hsiao-ping theo kinh tế thị trường, mở cửa cho các quốc gia phi Cộng Sản vào đầu tư và gởi sinh viên sang các nước, nhất là Hoa Kỳ, để học hỏi khoa học kỹ thuật hiện đại?

Teng Hsiao-ping từng học ở Pháp nên rất thực tế, không câu nệ việc việc đệ tử vài ngàn tuổi nhận sự chỉ dạy của sư phụ trẻ 200 tuổi. Không bao lâu người đệ tử già muốn lấn áp địa vị của vị sư phụ trẻ tuổi của mình như Mao Tse-tung giành quyền lãnh đạo khối Cộng Sản với Liên Sô trước kia vậy. Đó là điều mà Đức Khổng Tử, nếu còn sống, cũng chỉ biết chắc lưỡi lắc đầu mà thôi. Sự cạnh tranh ngôi thứ giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ như là đối chọi giữa hai quốc gia và hai dân tộc Già - Trẻ, Kinh Nghiệm - Lý Luận Khoa Học Sáng Tạo, Triết Lý Không Tưởng Mơ Hồ - Thực Tế Xã Hội Loài Người, Quyền Lãnh Đạo Áp Bức - Quyền Sống và Quyền Làm Người. Cho đến khi bài viết nầy xuất hiện người đệ tử già vẫn chưa dám đối chọi võ lực với vị sư phụ trẻ vì thừa biết rằng vị sư phụ trẻ có bản lãnh riêng của ông ta. Ông ta từng đánh bại Anh để lập quốc và giành độc lập giữa lúc nước nầy đạt đến đỉnh cao kinh tế, thương mại và quân sự trên thế giới. Rồi từ địa vị một nước từng có quá khứ lệ thuộc Anh, vị sư phụ trẻ nầy đã đưa quê hương tân lập của ông trở thành một siêu cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới, bảo vệ Anh Quốc trong hai thế chiến. Không biết người đệ tử già giở ngón phản thầy trái với đạo quân tử anh ta vẫn đề cao và dạy dỗ người khác, đánh giá đúng hay sai về sự suy lụn của Hoa Kỳ, những khó khăn của nước nầy và Liên Âu trước nhóm Hồi Giáo cực đoan. Điều ngộ nghĩnh hiển nhiên được kiểm chứng trên thực tế là con voi to lớn không thắng nổi con kiến, nhưng nó đủ sức mạnh đè bẹp con sư tử dũng mãnh.

Sau khi phát triển kinh tế thành công, Trung Hoa Cộng Sản đặc biệt chú trọng đến khoa học kỹ thuật và kỹ nghệ quốc phòng. Với quân số, võ khí, chiến đấu cơ và chiến hạm, họ chỉ đủ sức hù dọa các nước Đông Nam Á. Quần dảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam theo quyết định cuộc hội nghị San Francisco năm 1951. Trung Hoa Cộng Sản chiếm Hoàng Sa và Trường Sa bằng võ lực sau khi đánh bại hải quân VNCH năm 1974 và hải quân CHXHCNVN năm 1988. Như vậy họ xâm lăng các hải đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Họ đã mất hàng triệu cây số vuông lãnh thổ vào thế kỷ XIX. Bây giờ họ đi tranh chấp từng hòn đảo đá không người ở với Nhật, Phi Luật Tân, Việt Nam và Mã Lai. Việc đụng chạm giữa tàu đánh cá Trung Hoa Cộng Sản và Nhật Bản ngoài khơi quần đảo Senkaku là một thử nghiệm phản ứng của Nhật trước sự gây hấn của Trung Hoa Cộng Sản. Quần đảo Senkaku có 8 đảo đá, tổng cộng đo được 7 km2. Quần đảo nầy năm trong chòm đảo Okinawa. Chòm đảo Okinawa nằm trong quần đảo Ryu Kyu mà người Trung Hoa âm thành Lưu Cầu. Quần đảo Ryu Kyu có vua riêng. Vương quốc nhỏ bé nầy triều cống Trung Hoa. Vào thế kỷ XVII Nhật tấn công Ryu Kyu. Vương quốc nầy phải triều cống Nhật và Trung Hoa. Dưới thời Meiji (Minh Trị) Nhật sát nhập Ryu Kyu vào nước Nhật. Theo tinh thần hội nghị San Francisco năm 1951 Nhật mất Taiwan (Đài Loan), nhưng lúc ấy đảo nầy do Chiang Kai-shek chiếm nên không thể nói là đảo Taiwan được trả lại cho Trung Hoa Cộng Sản. Hoa Kỳ có đóng quân trên đảo Okinawa từ năm 1945. Năm 1972 họ trả Okinawa cho Nhật  kể cả 8 đảo thuộc quần đảo Senkaku. Như vậy Nhật liên tục nắm chủ quyền trên quần đảo Ryu Kyu bao gồm cả Okinawa và Senkaku.

Hoa Kỳ, Nhật và Nga hiện là ba chướng ngại lớn ngăn chận mộng bành trướng và bá quyền của CHNDTQ ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Ngay từ đầu thế kỷ XXI thế giới nhận chân sự hùng hổ và gây hấn của CHNDTQ như muốn áp lực thế giới phải hành sử theo lịnh của họ, không được tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma, không nhìn nhận chánh phủ Taiwan và không bán võ khí cho đảo nầy. Trung Hoa Cộng Sản sẵn sàng tấn công Taiwan nếu đảo nầy tuyên bố độc lập. Họ tự cho mình có chủ quyền trên một diện tích lối 3 triệu km2 trên biển Đông, cấm và bắt ngư phủ Việt Nam đánh cá ngay trong lãnh hải Việt Nam, thẳng tay đàn áp người Tây Tạng và Tân Cương, gây hấn với chánh phủ Na Uy và Hội Đồng Tuyển Chọn Giải Thưởng Nobel Hòa Bình khi trao giải cho người tù đấu tranh dân chủ trên lục địa Trung Hoa, gây hấn với Nhật về quần đảo Senkaku, v.v. Hoa Kỳ đáp lễ bằng cách tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, bán võ khí cho Taiwan, minh định quyền lợi của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á, tập trận với Đại Hàn trên Nhật Hải và Hoàng Hải, và với Nhật Bản ở phía Tây Nam Okinawa như không hề để ý đến hỏa tiển diệt hàng không mẫu hạm với tầm bắn 3.000 km và máy bay tàng hình mà Trung Hoa Cộng Sản khoa trương.

Càng kiêu căng ngạo nghễ bao nhiêu thì càng nhiều thù hận và nhiều chua chát bẽ bàng bấy nhiêu. Việc trả thù 5 nước to lớn nói trên chưa thực hiện và cũng không dễ dàng thực hiện. Mộng bá chủ hoàn cầu vẫn còn xa. Với sức mạnh quân sự đang có, chắc chắn CHNDTQ sẽ đi tìm một đối tượng đáng ghét để đánh ngã gục thị uy trên đường bành trướng của họ. Việt Nam là đối tượng đáng ghét của họ mặc dù hiện nay Việt Nam tỏ ra qui phục và không dám công khai liên kết với Hoa Kỳ. Việt Nam không dám liên minh với Hoa Kỳ nhưng vẫn thường qua lại với nước nầy và luôn luôn kết thân với những nước mà CHNDTQ luôn luôn dị ứng: Ấn Độ, Nga và Nhật.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2011