Phạm Đình Lân


Trung Hoa Cộng Sản và hòa bình Á Châu

 

Lời nói đầu:
Trong bài viết nầy tôi không dùng những tên gọi phiên âm tiếng Việt như Mao Trạch Đông, Giang Thanh, Châu Ân Lai, Giang Tây, Bắc Kinh... mà dùng Mao Tse-tung, Yang Tsing, Chou Enlai, Peking, Kiangsi... để tránh sự hiểu lầm đó là nhân vật Việt Nam hay địa danh ở Việt Nam. Tôi dùng âm Cantonese (Quảng Đông) thay vì Mandarin (Quan Thoại).

Thí dụ:

Cantonese (Quảng Đông) Mandarin (Quan Thoại)
Mao Tse-tung Mao Zedong
Yang Tsing  Jiang Qing
Chou Enlai Zhou Enlai
Peking Beijing
Kiangsi Jìangxi

Mong độc giả thông hiểu ý của người viết vì đã phá vỡ sự quen thuộc thông thường của hầu hết người đọc.

 

***

 

Vào thế kỷ XX Trung Hoa luôn luôn là quốc gia đông dân cư nhất thế giới. Lịch sử Trung Hoa từ năm 1911 đến 1945 được đánh dấu bằng những biến cố quan trọng sau đây:

– Năm 1911 cách mạng Tân Hợi do Sun Yat Sen (Tôn Dật Tiên) lãnh đạo thành công trong việc lật đổ nhà Mãn Thanh nhưng Trung Hoa chưa thống nhất. Yuan Shi-kai (Viên Thế Khải) cướp công cách mạng tự xưng là tổng thống rồi chuẩn bị thành lập đế chế dựa vào hậu thuẫn của Nhật. Yuan Shi-kai mất nhưng chế độ quân phiệt vẫn còn mạnh ở miền Bắc.

– Phong trào Ngũ Tứ (04-05-1919) là phong trào yêu nước của sinh viên và thanh niên Trung Hoa vùng lên chống Nhật và các cường quốc Tây Phương đã trao bán đảo Shantung (Sơn Đông) cho Nhật kiểm soát. Bán đảo nầy do Đức chiếm đóng. Sau khi Đức bại trận trong đệ nhất thế chiến, Nhật thay thế Đức kiểm soát bán đảo nầy theo quyết định của hội nghị Versaille (1919).

– Năm 1921 đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời ở Shanghai (Thượng Hải) dưới sự lãnh đạo của Li Ta-chao (Lý Đại Triệu) và Chen Duxui (Trần Độc Tú). Li Ta-chao là người hướng dẫn Mao Tse-tung (Mao Trạch Đông) theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Li Ta-chao và Chen Duxui đều là hai nhà trí thức tân học có tầm vóc vào đầu thế kỷ XX.

Năm 1922 dưới sự lãnh đạo của Sun Yat-sen, đảng Cộng Sản và Quốc Dân Đảng liên minh. Liên Sô giúp cho chánh phủ Quốc Dân Đảng ở miền Nam lập trường Võ Bị Hoàng Phố (Whampao). Năm 1923 Chiang Kai-shek được gởi sang Moscow thụ huấn. Borodin được gởi sang Kuang chou (Canton - Quảng Châu) làm cố vấn cho Sun Yat-sen. Lý Thụy (Hồ Chí Minh sau nầy) làm thông dịch viên cho Borodin ở Canton (Quảng Châu). Năm 1925 Sun Yat-sen mất.

– Năm 1927 Liên Minh Quốc Cộng tan rã. Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) đàn áp cộng sản. Hai lãnh tụ cao cấp của đảng Cộng Sản Trung Hoa là Li Ta-chao và Chen Duxui đều bị bắt. Li Ta-chao bị hành quyết. Từ đó Mao Tse-tung bắt đầu vươn lên trong đảng Cộng Sản Trung quốc.

Sự thất bại của Li Ta-chao và Chen Duxui là dựa vào giai cấp công nhân và đấu tranh ở thành thị như đảng Cộng Sản Bolshevik đã làm ở Nga giữa lúc Trung Hoa là một nước nông nghiệp nơi tỷ lệ công nhân và thị dân quá nhỏ so với tỷ lệ nông dân và dân nông thôn. Đó là mầm mống sự hình thành của chủ nghĩa Maoism.

Mao Tse-tung lui về tỉnh sinh quán của ông ở Hunan (Hồ Nam) để lãnh đạo nông dân đấu tranh chống chánh quyền Quốc Dân Đảng do Chiang Kai-shek dứng đầu. Năm 1928 Chiang Kai-shek thống nhất Trung Hoa sau khi đánh bại các đốc quân ở miền Bắc. Mao trở thành kẻ thù quan trọng dưới nhãn quan của Chiang Kai-shek, lúc bấy giờ đã ly dị vợ (mẹ của Chiang Ching-kuo – Tưởng Kinh Quốc) để cưới Song Meiling (Tống Mỹ Linh) của gia đình họ Song (Tống) theo đạo Tin Lành và giàu có ở Shanghai.

Sự đàn áp Cộng Sản của Chiang Kai-shek từ năm 1927 đến 1936 được xem là cuộc nội chiến Quốc Cộng ở Trung Hoa lần thứ nhất. Người vợ đầu tiên của Mao Tse-tung bị quân Quốc Dân Đảng của Chiang Kai-shek chặt đầu vì từ chối không lên án chồng bà. Năm 1931 Mao Tse-tung thành lập Cộng Hòa Sô Viết Kiangsi (Giang Tây) khi ông mới được 38 tuổi. Cộng Hòa Sô Viết Kiangsi là một nước Cộng Sản nhỏ trong nước Trung Hoa. Đó là một thách thức lớn lao đối với Chiang Kai-shek. Vị tướng trẻ nầy dốc toàn lực để đánh dẹp cộng Hòa Sô Viết Kiangsi. Trước sức mạnh của Không Quân và Lục Quân Quốc Dân Đảng, Mao Tse-tung phải quyết định rời Kiangsi mở cuộc Vạn Lý Trường Chinh lịch sử vào năm 1934-1935. Hàng trăm ngàn quân và dân gồm các cụ già, đàn bà, trẻ em và cả gia súc đi 10.000 cây số vượt qua núi rừng và trường giang hiểm trở nối liến Kiangsi (Giang Tây) và Shensi (Thiểm Tây) ở miền Bắc dưới những trận mưa bom và đạn của quân Quốc Dân Đảng. Mao Tse-tung lập chiến khu Yenan (Diên An) để củng cố lực lượng. Thế lực của quân Quốc Dân Đảng ở Shensi không mạnh lắm. Quân Cộng Sản tiến về gần Liên Sô để nhận sự giúp đỡ của nước nầy.

Dưới mắt người Trung Hoa, Chang Kai-shek quá quan tâm đến cuộc nội chiến Quốc cộng mà tỏ ra bất lực trước sự đe dọa của Nhật khi họ thành lập Mãn Châu Quốc năm 1932. Stalin làm áp lực cho Cộng Sản ở Yenan phải liên hiệp với Quốc Dân Đảng để chống Nhật hầu ngăn chận nước nầy đừng tấn công Liên Sô. Quần chúng Trung Hoa phi chánh trị cũng muốn liên minh Quốc-Cộng hơn là giết chóc lẫn nhau. Năm 1936 Chang Kai-shek thị sát Sian (Tây An) và bị tướng Chang Hsue-leang (Trương Học Lương) bắt giữ. Phe Cộng Sản Yenan can thiệp với Chang Hsue-leang để trả tự do cho Chiang Kai-shek với điều kiện ông phải thực sự liên minh với Cộng Sản để chống Nhật.

Trong thời kỳ chiến tranh Hoa-Nhật (1937-1945) uy thế của du kích Cộng Sản lên cao. Số đảng viên Cộng Sản gia tăng rõ rệt giữa lúc uy tín của Chiang Kai-shek bị sút giảm vì không kháng cự nổi quân Nhật phải ra lịnh phá vỡ đê Huang Ho (Hoàng Hà) và bỏ Nanking (Nam Kinh) chạy về Chungking (Trùng Khánh). Mao Tse-tung bắt đầu có thái độ bất tuân phục Stalin bằng cách không trọng dụng những đảng viên Cộng Sản Trung Hoa do Liên Sô huấn luyện và được Stalin gởi về chiến khu Yenan với ý định để những vị nầy lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa. Năm 1938 Lin, một người Việt Nam được Liên Sô huấn luyện hai lần vào năm 1924 và 1934, có mặt tại chiến khu Yenan dưới bí danh Hồ Quang. Hồ Quang (Hu Kuang) chỉ được đảng Cộng Sản Trung Hoa bố trí làm nhân viên truyền tin tầm thường mà thôi. Người cán bộ đó là Lý Thụy (Lee Suie), thông dịch viên của Borodin ở Canton năm 1925 và là Hồ Chí Minh (Hu Chi Ming) sau nầy.

Nhờ sự tham chiến và viện trợ của Hoa Kỳ, Trung Hoa trở thành một trong Ngũ Cường thắng trận. Nhật trao trả đảo Taiwan (Đài Loan) lại cho Trung Hoa. Theo quyết định của hội nghị Postdam, Trung Hoa có nhiệm vụ giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 ở Việt Nam. Nhiệm vụ giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16 do quân đội Anh đảm nhận.

Ngay trong lúc đệ nhị thế chiến còn tiếp diễn chánh phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng đã có chương trình trở lại Việt Nam sau khi Nhật đầu hàng. Họ giúp cho các nhà cách mạng Việt Nam thân Trung Hoa Quốc Dân Đảng thành lập những tổ chức chánh trị để về nước nắm chánh quyền. Nhưng chánh phủ Chungking (Trùng Khánh) thất vọng vì các ông Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, những người có cấp bậc cao trong quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa, chỉ sống và hoạt động ở Trung Hoa chớ không có cơ sở cách mạng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chỉ có Mặt Trận Việt Minh của Ông Già Thu (Hồ Chí Minh) có cán bộ hoạt động khắp ba miền mặc dù họ không có nhiều võ khí để có một lực lượng võ trang hùng hậu. Có phải chăng vì muốn biết tin về những hoạt động quân sự của quân đội Nhật ở Việt Nam mà tướng Chang Fa-kwei (Trương Phát Khuê) phải bắt "Ông Già Thu" khi ông nầy vừa vượt biên giới Việt-Hoa để sang Kuangsi (Quảng Tây) và từ đó "Ông Già Thu" mang tên Hồ Chí Minh, bí danh mà Hồ Học Lãm, một nhà cách mạng Việt Nam mang quân hàm đại tá trong quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa, để che dấu lý lịch Cộng Sản của mình và được sự tín nhiệm của chánh phủ Trùng Khánh? Hồ Chí Minh nhận hợp tác với Chang Fa-kwei để đổi lấy tự do và tiền trợ cấp của chánh phủ Chungking (Trùng Khánh) qua tướng Chang Fa-kwei. Khi Nhật vừa đầu hàng thì Việt Minh cướp chánh quyền ở Bắc Bộ. Quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng đến Hà Nội sau khi Hồ Chí Minh thành lập chánh phủ và khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cùng ngày Nhật ký kết hiệp ước đầu hàng trên tàu USS Missouri (02-09-1945). Lãnh tụ Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh là Nguyễn Hải Thần cùng các lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đều về Hà Nội cùng với quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Tướng Hsao Wen (Tiêu Văn) ép Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam tham gia chánh phủ liên hiệp với Hồ Chí Minh. Kế hoạch gây ảnh hưởng ở Việt Nam không được trơn tru vì:

1- Sự hiện diện của chánh phủ Hồ Chí Minh và sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
2- Nội tình của Trung Hoa bất ổn định sau đệ nhị thế chiến.
3- Sự tái chiếm thuộc địa của Pháp.

Chánh phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng ký hiệp ước Chungking (Trùng Khánh) với Pháp để thu hồi Kuangchouwan (Quảng Châu Loan), làm chủ đường hỏa xa Yunnan (Vân Nam). Bù lại quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng phải rút ra khỏi Bắc Bộ. Hồ Chí Minh ký hiệp ước sơ bộ 06-03-1946 với Pháp chấp nhận cho Pháp vào Bắc Bộ. Nếu quân Trung Hoa rút ra khỏi Bắc Bộ, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng hoàn toàn mất hậu thuẫn. Chín tháng sau ngày ký hiệp ước sơ bộ cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

***

Trung Hoa bị tàn phá nặng nề sau tám năm chiến tranh với Nhật (1937-1945), số người nghèo và bị phá sản vì chiến tranh quá lớn. Kinh tế Trung Hoa hoàn toàn kiệt quệ. Nạn lạm phát quá nghiêm trọng đến nỗi dùng tiền gánh vẫn không mua đủ thức ăn đảm bảo bữa ăn no trong ngày. Nạn tham nhũng lan tràn từ chánh quyền trung ương đến chánh quyền địa phương. Thanh thế của đảng Cộng Sản Trung Hoa lên cao. Số người hướng về Cộng Sản càng ngày càng nhiều kể cả công chức và quân nhân trong chánh phủ và quân đội Quốc Dân Đảng. Cuộc nội chiến Quốc - Cộng lần thứ hai tái phát vào năm 1947. Lần nầy Cộng Sản không còn bị áp đảo như trong thời kỳ thập niên 1930. Cộng Sản Trung Hoa có nhiều kinh nghiệm quân sự trong thời kỳ chiến tranh Hoa-Nhật. Họ có đầy đủ võ khí. Một số đã có sẵn trong thời đệ nhị thế chiến. Một số do Liên Sô cung cấp sau khi họ đánh bại quân Nhật đồn trú ở Mãn Châu. Một số do họ cướp được của Nhật hoặc của quân Quốc Dân Đảng. Tinh thần của Quốc Dân Đảng xuống thấp. Do đó đến năm 1949 Cộng Sản Trung Hoa chiếm toàn thể lục địa Trung Hoa. Chiang Kai-shek và một số quân Quốc Dân Đảng chạy ra Taiwan (đảo Đài Loan). Một số nhỏ khác chạy xuống miền bắc Miến Điện, vùng Tiên Yên, Mon Cáy và đảo Phú Quốc. Tàn quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng chạy vào Việt Nam bị Pháp giải giới.

Đến năm 1949 có hai nước Trung Hoa: Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (lục địa) và Cộng Hòa Trung Hoa (Trung Hoa Dân Quốc) (đảo Taiwan – Đài Loan).

Năm 1945 Trung Hoa được góp mặt vào phe thắng trận nhờ Hoa Kỳ.

Năm 1949 Mao Tse-tung đánh bại quân Quốc Dân Đảng dễ dàng vì Hoa Kỳ không viện trợ cho Chang Kai-shek. Có thể Hoa Kỳ thực tế khi thấy Chang Kai-shek không thể thắng được Cộng Sản Trung Hoa vì ông đứng theo phe "người áo sạch và lành" trong khi Trung Hoa dẫy đầy "người áo rách". Càng thực tế hơn họ biết không thể nào nuôi nổi 500 triệu người nghèo đói nhưng giàu tự hào về văn hóa của mình sau tám năm chinh chiến tàn khốc. Tổng thống Harry Truman trao danh dự nuôi người Trung Hoa và tái thiết nước nầy cho Stalin. Lục địa Trung Hoa xích hóa có nghĩa là khối Cộng Sản có thêm 500 triệu dân và gần 10 triệu km2 lãnh thổ. Stalin không mấy vui khi phải gánh vác một "đồng chí" bướng bỉnh, đầy tự hào nhưng thiếu cơm gạo bằng một Liên Sô bị Đức tàn phá. Thành quả của các kế hoạch ngũ niên của Stalin biến thành mây khói. Về phần Mao Tse-tung, ông không dễ dàng chấp nhận là đàn em của Stalin. Chính Mao đã khai sinh ra Cộng Hòa Sô Viết Kiangsi (Giang Tây) năm 1931 bằng cách dựa vào nông dân và lấy nông thôn làm địa bàn đấu tranh. Mao trở thành Cộng Sản khi làm việc dưới quyền của Li Ta-chao tại Thư Viện Đại Học Peking chớ không phải là đảng viên Cộng Sản được huấn luyện ở Moscow như Liu Shao-shi (Lưu Thiếu Kỳ), Teng Hsiao-ping (Đặng Tiểu Bình) v.v... Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Stalin viện trợ cho Chiang Kai-shek nhiều võ khí hơn Mao Tse-tung. Trong thời kỳ Quốc Cộng Liên Minh lần thứ nhất (1922-1927) Chiang Kai-shek được gởi sang Moscow để được huấn luyện chánh trị lẫn quân sự tại trường mang tên Sun Yat-sen ở Moscow. Về nước ông điều khiển trường Võ Bị Whampao (Hoàng Phố). Năm 1949 Stalin không vui khi hay tin Mao Tse-tung thành công trên lục địa Trung Hoa. Mao Tse-tung vì nước Trung Hoa chớ không phải vì chủ nghĩa quốc tế. Nhưng ông khéo léo dùng chủ nghĩa Cộng Sản "Mao hóa" hay "Hán hóa"' để duy trì quyền hành độc đoán và thu hút ảnh hưởng đối với các quốc gia nông nghiệp nghèo và có quá khứ thuộc địa trên thế giới bằng chủ nghĩa Mao, một hình thức ngụy trang của chủ nghĩa bành trướng Hán tộc.

Vừa cầm quyền Mao Tse-tung nghĩ ngay đến việc thiết lập ảnh hưởng của Trung Hoa ở Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Tây Tạng. Đối với Trung Hoa, Việt Nam và bán đảo Triều Tiên là hai quốc gia bộ thuộc trong quá khứ. Tây Tạng là "nóc nhà Á Châu". Chiếm Tây Tạng là chế ngự Trung Á và Nam Á mở đường ra Ấn Độ Dương.

Năm 1950 Cộng Sản Trung Hoa công nhận chánh phủ kháng chiến của Hồ Chí Minh, gởi cố vấn chánh trị, quân sự, võ khí, thuốc men và lương khô giúp cho Việt Minh chống Pháp. Đó là lúc những đảng viên cao cấp Cộng Sản Việt Nam thân Trung Hoa như Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thanh... luôn luôn được nhắc nhở đề cao. Năm 1951 đảng Lao Động ra đời. Trường Chinh là tổng bí thư của đảng. Các chánh ủy thân Trung Hoa Cộng Sản được bố trí đều khắp.

Sự giúp đỡ ồ ạt của Mao Tse-tung làm cho Hồ Chí Minh cay đắng hơn. Ông là người của Moscow bị Stalin ngó lơ sau khi cướp chánh quyền ở Việt Nam ngày 19-08-1945. Stalin cũng không quan tâm gì đến cuộc kháng chiến toàn quốc ở Việt Nam (19-12-1946) khiến Việt Minh cảm thấy cô đơn ngay trong khối "Cộng Sản anh em" nên phải dùng khẩu hiệu kháng chiến: Toàn Dân, Toàn Diện, Trường Kỳ và Tự Lực Cánh Sinh. Năm 1948 Hồ Chí Minh nhờ Stalin giúp cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gia nhập vào tổ chức Liên Hiệp Quốc. Stalin trả lời bằng sự im lặng cao ngạo của ông. Người có quyền lực thực tế là Trường Chinh vì dưới nhãn quan của Peking, Hồ Chí Minh là người thân Nga. Ông chỉ gượng gạo bằng tên đảng Lao Động khi phục sinh đảng Cộng Sản để nhắc nhở điều mà Lenin và Stalin vẫn nhấn mạnh: đảng Cộng Sản là đảng của giai cấp công nhân là hoàn toàn khác với chủ nghĩa Mao.

Năm 1950 quân Cộng Sản Trung Hoa xâm chiếm Tây Tạng. Chín năm sau đức Đạt Lai Lạt Ma mới tìm cách rời khỏi Tây Tạng và sống lưu vong ở miền bắc Ấn Độ. Cũng năm nầy chiến tranh Triều Tiên bùng nổ (25-06). Bắc Hàn xua quân lấn chiếm Nam Hàn. Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đại diện của Liên Sô giả vờ giận dữ bỏ phiên họp ra về để khỏi phải sử dụng lá phiếu phủ quyết của mình. Sự giận dữ giả tạo nầy tạo điều kiện cho Hoa Kỳ trực tiếp đánh nhau với chí nguyện quân Cộng Sản Trung Hoa trên chiến trường Triều Tiên. Một người con trai của Mao Tse-tung chết trong cuộc chiến tranh nầy.

Trung Hoa Cộng Sản có vai trò lớn trong chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng hiệp ước đình chiến ký kết giữa đại diện quân sự Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tại Panmumjom (Bàn Môn Ðiếm, 27-07-1953). Năm 1954 Chou Enlai (Châu Ân Lai) năng nổ trong hội nghị quốc tế ở Geneva với sự tham dự của đại diện Ngũ Cường mặc dù lúc bấy giờ Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan – Đài Loan) vẫn còn là đại diện cho Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc. Nước nầy không được mời dự hội nghị. Trái lại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được mời với tư cách một cường quốc để giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới lúc bấy giờ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Foster Dulles, không hề bắt tay với Chou Enlai tại hội nghị. Ông không ngồi trong bàn hội nghị mà chỉ để Bidell Smith ở lại quan sát hội nghị mà thôi. Chou Enlai là người tiếp xúc với Hồ Chí Minh ngoài biên giới Việt-Hoa để thuyết phục Hồ chấp nhận giải pháp qua phân nước Việt Nam. Chou Enlai là một người tân học từng du học ở Nhật và Pháp. Ông được xem là một nhà ngoại giao tế nhị lúc bấy giờ. Ông đóng vai sứ giả hòa bình và tỏ ra tôn thờ chủ nghĩa bất bạo động (ahimsa) khi thăm viếng đài kỷ niệm Ghandhi. Năm 1955 ông lại đóng vai đại diện của quốc gia từng bị các đế quốc Da Trắng áp bức tại hội nghị Bandung (1955). Trong hội nghị nầy Liên Sô không được mời mà còn bị xem là cựu đế quốc Da Trắng. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc phát triển ảnh hưởng ở các quốc gia Á-Phi nông nghiệp từng có quá khứ thuộc địa. Trong khối Cộng Sản Mao Tse-tung tự xem mình là lãnh tụ tuy rằng Trung Hoa lục địa vẫn cần nhiều viện trợ của Liên Sô. Trung Hoa vẫn là quốc gia nông nghiệp lạc hậu và nghèo khó. Những cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu vẫn không làm cho tình trạng nghèo đói và lạc hậu biến đi.

Mao Tse Tung từng là người bướng bỉnh và cao ngạo. Ông không xem trọng những người kế vị Stalin như Malenkov hay Khrushchev. Bản thân Mao là người kiêu căng, độc tôn và độc đoán. Thống chế Peng Dehuai (Bành Đức Hoài) chết thê thảm trong Cách Mạng Văn Hóa chỉ vì phê bình Mao sống xa hoa phung phí. Chủ tịch Liu Shao-chi (Lưu Thiếu Kỳ) chết vì bị Vệ Binh Đỏ đánh đập, thiếu ăn và thiếu thuốc trong thời Cách Mạng Văn Hóa vì có tư tưởng bất đồng với Mao và vì thay thế Mao trong chức chủ tịch nhà nước năm 1959. Yang Tsing ghét vợ Liu Shao-chi vì bà nầy rất đẹp lại hay rủ Yang Tsing đi tắm biển vì biết vị đệ nhất phu nhân của đảng trưởng có ngón chân dư. Mao muốn cả nước phải theo tư tưởng của ông và có tham vọng đặt các nước lân bang vào quĩ đạo Trung Hoa. Muốn thực hiện mộng lớn nầy, Trung Hoa phải có kỹ nghệ và bom nguyên tử. Chương trình kỹ nghệ hóa bằng Bước Tiến Nhảy Vọt không biến nước Trung Hoa nông nghiệp thành nước kỹ nghệ mà thành một nước thiếu ăn làm cho hàng chục triệu người chết vì đói.

Năm 1957 Khrushchev ra lịnh cho các chuyên viên kỹ thuật Liên Sô về nước. Cả nước Trung Hoa lục địa vang lên những lời nguyền rủa chủ nghĩa xét lại của Khrushchev, chánh sách hạ bệ Stalin và sống chung hòa bình với phương Tây của nhà lãnh đạo Cộng Sản gốc Ukraine nầy. Thất bại với Bước Tiến Nhảy Vọt, Mao Tse-tung càng trở nên hung hăng hơn với Hoa Kỳ ở eo biển Taiwan; với việc pháo kích Kinmon (Kim Môn), Matsu (Mã Tổ) năm 1958; ở Việt Nam với chiến tranh nhân dân năm 1960 nhắm vào việc "cắt tiết" Hoa Kỳ hơn là thống nhất Việt Nam; ở Ấn Độ với chiến tranh biên giới năm 1962 và với cả Liên Sô về vấn đề biên giới sau khi có 60.000 người Uyghurs từ Sikiang (Tân Cương) vượt biên giới sang Liên Sô để tìm lẽ sống. Năm 1964 Mao Tse-tung nói với một phái đoàn xã hội của Nhật rằng Nga đã chiếm của Trung Hoa từ Tây Bá Lợi Á đến bán đảo Kamchatka! Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc không ngừng phản đối các hiệp ước bất bình đẳng mà Thanh triều đã ký với Nga thời Nga hoàng. Nhưng chánh quyền ở Moscow hoàn toàn không ghi nhận những lời phản đối nầy. Năm 1969 chiến tranh biên giới bùng nổ giữa Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Liên Sô trên đảo Damansky mà Trung Hoa gọi là Chen Bao (Chân Bảo). Cuộc chiến tranh nầy như một sự cần thiết vì toàn thể lục địa Trung Hoa đang bao trùm bởi một không khí ngột ngạt do Cách Mạng Văn Hóa do Mao Tse-tung và người vợ thứ ba của ông là Yang Tsing (JiangQing – Giang Thanh) phát động từ năm 1966 đến 1976.

Chủ nghĩa Mao lan tràn sang Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Nhiều sinh viên tả phái Phi Châu được gởi sang Trung Hoa lục địa thụ huấn. Họ chứng kiến tại chỗ sự kỳ thị của Hán tộc đối với Hắc chủng. Yugoslavia, Romania, Albania là ba nước Cộng Sản Âu Châu.Yugoslavia là quốc gia Cộng Sản độc lập với Liên Sô. Romania và Albania nằm trong số các nước Cộng Sản Đông Âu chịu sự chi phối của Liên Sô. Hai nước nầy dần dà muốn tách rời khỏi ảnh hưởng của Mascow nhưng họ vẫn không thân thiện với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Cuba là nước Cộng Sản nông nghiệp nhưng Fidel Castro hướng về Liên Sô hơn là theo chủ nghĩa Mao.

Cuộc khủng hoảng Berlin (1961) và Cuba (1962) suýt dẫn đến xung đột vũ trang giữa Hoa Kỳ và Liên Sô. Đó là điều mà Mao trông đợi để ngồi nhìn hai mãnh hổ cắn xé nhau hầu hưởng lợi. Mao gọi Hoa Kỳ là con cọp giấy như để khích tướng Khrushchev nhưng ông nầy cho rằng Hoa Kỳ là con cọp giấy có nanh vuốt nguyên tử để tránh họa chiến tranh nguyên tử thiệt hại cho cả hai nước giao chiến để cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung quốc trục lợi. Mao còn nói liều rằng Trung Hoa Cộng Sản không sợ chiến tranh nguyên tử. Giả sử chiến tranh nguyên tử bùng nổ và giết chết 50% dân số Trung Hoa lục địa thì nước nầy vẫn có dân số cao nhất thế giới!

Cho đến khi chết vào năm 1976 Mao Tse-tung vẫn chưa thống nhất Trung Hoa bằng cách thu hồi Hong Kong từ Anh, Ma Cao từ Bồ Đào Nha và chiếm Đài Loan bằng võ lực. Ông thất bại trong việc mang lại tự do và no ấm cho người Trung Hoa nhưng ông thành công trong việc tạo ảnh hưởng chánh trị to lớn ở Bắc Triều Tiên (1950), Bắc Việt Nam (1954), xâm chiếm Tây Tạng (1950), chiến thắng Ấn Độ và chiếm hơn 60.000 km2 đất đai trong cuộc tranh chấp biên giới Hoa Ấn (1962), sản xuất bom nguyên tử (1964), bom khinh khí (1967), phóng vệ tinh nhân tạo Dong Fang Hong (Đông Phương Hồng) (1970), xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa (1974).

Chủ nghĩa Mao phát triển ở Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân và một số quốc gia Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Hoa Kỳ thành lập SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á), đưa cố vấn và và viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam để ngăn ngừa sự bành trướng của Cộng Sản ở Đông Nam Á như thuyết domino tiên liệu. Trong những lần oanh tạc miền Bắc, phi cơ Hoa Kỳ bay lạc vào nội địa Hoa Nam. Trung Hoa Cộng Sản chỉ cảnh cáo lấy lệ chớ không bắn rơi một chiếc phi cơ nào của Hoa Kỳ.

Chiến tranh biên giới giữa Liên sô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc trên đảo Damansky làm cho hai nước Cộng Sản lớn xa nhau để có khuynh hướng xích lại gần với nước tư bản thù nghịch: Hoa Kỳ. Năm 1971 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thay thế Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan – Đài Loan) tại Liên Hiệp Quốc. Năm 1972 Mao Tse-tung tiếp đón tổng thống Richard Nixon Hoa Kỳ một cách trọng thể ở Peking mặc dù lúc ấy tình trạng sức khỏe của ông rất kém. Sau chuyến viếng thăm Mao Tse-tung, tổng thống Nixon đi Moscow thăm Brezhnev giữa lúc quân Cộng Sản Việt Nam dùng xe tăng và hỏa tiển tầm nhiệt do Liên Sô viện trợ mở những cuộc tấn công vào Quảng Trị, Kontum, Bình Long. Sự kiện nầy cho thấy ảnh hưởng của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ở Bắc Việt Nam suy giảm trước ảnh hưởng của Liên Sô. Nếu năm 1949 Stalin không vui khi hay tin Mao Tse-tung đánh bại quân của Chiang Kai-shek thì năm 1975 Mao Tse-tung cũng không vui khi hay tin chiến thắng của Cộng Sản Việt Nam ở miền Nam. Mao không vui khi thấy Việt Nam thống nhất và Cộng Sản Việt Nam chiến thắng nhờ võ khí Liên sô. Sự chia đôi Việt Nam năm 1954 là sáng kiến của Cộng Sản Trung Hoa để tránh đụng độ với Hoa Kỳ và cuối cùng là không muốn quốc gia phía nam nầy hùng mạnh. Trong một buổi tiệc do Chou Enlai khoản đãi ở Geneva, Phạm Văn Đồng rất khó chịu vì Ngô Đình Luyện, bào đệ của thủ tướng Ngô Đình Diệm, cũng được mời. Chou Enlai đề nghị với ông Ngô Đình Luyện trình bày với thủ tướng Ngô Đình Diệm về việc thiết lập một sứ quán ở Peking. Điều nầy cho thấy vĩnh viễn có hai nước Việt Nam. Năm 1957 Khrushchev đề nghị cho hai nước Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (1960-1975) Trung Hoa Cộng Sản chỉ muốn Cộng Sản Việt Nam cắt tiết Hoa Kỳ chớ không muốn thắng và thống nhất. Hoa Kỳ vướng bận chiến tranh là thời cơ thuận lợi cho Trung Hoa lục địa phát triển.Trung Hoa Cộng Sản sản xuất bom nguyên tử, bom khinh khí và phóng vệ tinh nhân tạo trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Họ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 sau khi tiếp tổng thống Nixon (1972) và sau khi quân Hoa Kỳ rút khỏi Nam Việt Nam theo tinh thần Hiệp Định Paris (1973).

***

Một nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa là Teng Hsiao-ping (Đặng Tiểu Bình) trở thành nhà cải cách và lãnh đạo Trung Hoa lục địa thời hậu Mao Tse-tung mặc dù ông không phải là chủ tịch đảng, chủ tịch nhà nước hay tổng bí thư đảng Cộng Sản. Ông là người từng học ở Pháp, làm việc cho hãng xe Renault và học Đại Học Sun Yat-sen ở Moscow cùng lớp với Chiang Ching-kuo (Tưởng Kinh Quốc) năm 1926. Trong Cách Mạng Văn Hóa Teng Hsiao-ping bị đưa vào một xưởng xe để làm thợ thay nhớt xe. Năm 1974 Chou Enlai đưa ông lên làm phó thủ tướng. Không bao lâu ông bị phe nhóm của Yang Tsing hạ bệ. Năm 1976 Chou Enlai chết. Cũng năm ấy không bao lâu Mao Tse-tung cũng mất. Ảnh hưởng của Yang Tsing không còn nữa. Vai trò của Teng Hsiao-ping chỗi dậy vào năm 1978 thời Hua Kuo-feng (Hoa Quốc Phong).

Chou Enlai và Teng Hsiao-ping đều học ở Pháp vào thập niên 1920. Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa Liu Shao-chi, Peng Dehuai, He Lung (Hạ Long), Lin Piao (Lâm Bưu) đều chết thê thảm nhưng Tseng Hsiaoping may mắn còn sống sót. Lin Piao chết khi ngồi trên phi cơ chạy trốn sang Liên Sô sau khi âm mưu lật đổ Mao Tse-tung bất thành. Chou Enlai là người phục hồi chức vụ cho Teng, dĩ nhiên có sự ưng thuận ngầm của Mao, vẫn biết rằng bà vợ của Mao rất ghét Teng. Trong cuộc tiếp tân khoản đãi ở Peking năm 1957 Mao chỉ Teng Hsao-ping và nói với Khrushchev:"Thằng cha lùn nầy sẽ có sự nghiệp lớn hơn hai chúng ta". Lúc bấy giờ Teng Hsiao-ping là tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Hoa.

Teng Hsiao-ping có vài tư tưởng bất đồng với Mao nhưng trên tổng thể ông vẫn xem Mao là lãnh tụ. Cà hai đều nuôi mộng lớn: Biến Trung Hoa thành một đại cường quốc và một đế quốc rộng lớn nơi mặt trời không bao giờ lặn. Muốn như vậy Teng đưa ra Bốn Hiện Đại Hóa nhằm cải tiến nông nghiệp, kỹ nghệ, quốc phòng và khoa học kỹ thuật. Ông tán đồng kinh tế thị trường và tiến gần với Hoa Kỳ với ý niệm thực dụng là mèo trắng hay mèo đen đều không quan hệ gì miễn là bắt được chuột. Teng Hsiao-ping mở rộng quan hệ với các nước Tây Phương và Nhật Bản nhưng không cải thiện quan hệ ngoại giao với Liên Sô. Nhiều sinh viên Cộng Sản Trung Hoa được gởi sang Hoa Kỳ và các nước Tây Phương khác du học để mở mang kiến thức khoa học kỹ thuật mới. Lần đầu tiên kể từ năm 1949 một lãnh tụ Cộng Sản Trung Hoa thăm viếng Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Jimmy Carter. Nhân dịp nầy Teng Hsiao-ping thông báo cho Hoa Kỳ biết ông sẽ cho Việt Nam một bài học vì Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngã hẳn theo Liên Sô chống lại Peking. Sự xâm lăng của bộ đội Việt Nam lật đổ chánh quyền Khmer Đỏ theo chủ nghĩa Mao và hiệp ước an ninh Việt-Sô năm 1978 là một thách thức lớn đối với Peking. Đầu năm 1979 chiến tranh Hoa-Việt bùng nổ ngoài biên giới. Cả đôi bên đều thiệt hại nặng nề. Nhưng Trung Hoa Cộng Sản không tiến được vào Hà Nội như đã nói. Cuộc chiến tranh năm 1978 và 1979 giữa Việt Nam-Khmer Đỏ, Việt Nam-Trung Hoa Cộng Sản là cuộc chiến tranh giữa những người Cộng Sản thân Liên Sô và Cộng Sản theo chủ nghĩa Mao, nghĩa là giữa các "đồng chí" với nhau. Cuộc chiến tranh biên giới vừa là một cuộc chiến tranh xâm lăng vừa là một sự trừng phạt của "chủ nợ đối với "con nợ" trong hai cuộc chiến tranh Việt Nam vì "con nợ" bắt đầu qui ngưỡng một "chủ nợ" khác ở xa. Năm 1984 quân Cộng Sản Trung Hoa lại đánh nhau với bộ đội Cộng Sản Việt Nam ngoài biên giới. Việt Nam bị mất thêm một số đất ở miền rừng núi phía bắc.

Trung Hoa lục địa hoàn toàn đổi mới về kinh tế và dồn mọi nỗ lực vào việc phát triển kinh tế, kỹ nghệ, khoa học và củng cố quốc phòng. Nước nầy vươn lên trên chính trường quốc tế hơn thời Mao Tse-tung. Năm 1984 Anh và Trung Hoa lục địa ký tuyên cáo chung. Theo đó, Hong Kong sẽ được hoàn lại cho Trung Hoa lục địa vào năm 1997 trên căn bản một quốc gia, hai hệ thống kinh tế trong vòng 50 năm. Bồ Đào Nha cũng hứa trả lại Ma Cao vào năm 1999. Năm 1988 hải quân Trung Hoa Cộng Sản xâm chiếm Trường Sa sau khi đánh bại hải quân Cộng Sản Việt Nam. Cuộc đàn áp đẫm máu các sinh viên Peking biểu tình đòi dân chủ năm 1989 cho thấy Teng Hsiao-ping cải cách nước Trung Hoa Cộng Sản thành một cường quốc kinh tế và quân sự chớ không phải biến xứ Cộng Sản nầy thành một quốc gia dân chủ. Quyền uy của Teng còn hơn cả Mao Tse-tung. Ông không nắm chức vụ nào trong đảng hay chánh quyền. Nhưng ông là người tạo ra những người chỉ huy đảng và chánh quyền!

Năm 1989 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu. Năm 1991 Liên Sô sụp đổ. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vẫn còn là quốc gia Cộng Sản với 1 tỷ dân. Các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam như Lê Đức Anh, Đỗ Mười phải sang Trung Hoa hàn gắn bang giao đổ vỡ dưới thời Lê Duẩn. Ảnh hưởng chánh trị thượng phong của Trung Hoa Cộng Sản được tái lập ở Việt Nam. Đối với Bắc Hàn ảnh hưởng của Peking rất vững chắc. Ở Nepal du kích Cộng Sản theo chủ nghĩa Mao ráo riết hoạt động. Năm 1992 Hoa Kỳ hoàn căn cứ hải quân Subic Bay cho Phi Luật Tân. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn (Nam Hàn), Taiwan (Trung Hoa Dân Quốc) và các nước Âu châu đổ xô nhau đầu tư ở Trung Hoa lục địa. Nhiều công ty Hoa Kỳ chuyển sang Trung Hoa để có nhân công rẻ tiền và khéo léo. Các thành phố Shanghai, Peking, Kuangchou, Nanking... thay đổi sắc diện nhanh chóng với những cao ốc nhiều tầng và đường sá trải nhựa như các thành phố nổi tiếng ở Âu Mỹ. Du lịch Trung Hoa lục địa phát triển và thu hút nhiều du khách đến để tìm hiểu văn hóa Trung Hoa cổ kim qua các truyện Tàu và truyện của Kin Yung (Kim Dung). Tây Tạng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách hiếu kỳ về Hoàng Giáo Tây Tạng.

Teng Hsiao-ping chết năm 1997. Những người kế vị của ông tiếp nối sự nghiệp của ông một cách hoàn hảo. Bốn Hiện Đại Hóa mà Teng đề ra mang lại kết quả rực rỡ. Sự phồn thịnh kinh tế giúp cho cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng, phát triển hải quân ý thức rằng sự bành trướng quốc gia phải gắn liền với sức mạnh của hải quân. Vị thế của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc lên cao. Họ có quyền phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc. Họ có vai trò nhất định đối với Hoa Kỳ trong việc đàm phán với Bắc Hàn về việc ngưng tinh luyện uranium để sản xuất bom nguyên tử. Họ dường như kiểm soát việc ngoại giao của các nước kể cả Hoa Kỳ khi tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma và tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan – Đài Loan). Với Việt Nam họ luôn luôn nhắc nhở việc tuân hành 16 chữ vàng. Đối với Nhật họ phản đối bất cứ chánh phủ Nhật nào thăm viếng đền Yasukuni thờ các anh hùng liệt sĩ Nhật Bản. Chính phủ Tokyo nhiều lần lên tiếng xin lỗi với các nước bị Nhật chiếm đóng trong đệ nhị thế chiến kể cả Trung Hoa. Peking không ngừng đe dọa xâm chiếm đảo Taiwan bằng võ lực nếu đảo nầy tuyên bố độc lập. Dưới nhãn quan của Peking, Taiwan là một tỉnh bội nghịch. Đối với tổng thống Lê Teng Hui (Lý Đăng Huy) và Chen Shui Bian (Trần Thủy Biển) Taiwan là một đảo được giống người gốc Malay và Polynesian cư trú lâu đời. Đoàn tàu của Cheng Ho (Trịnh Hòa) đến đảo Taiwan năm 1430 trên đường "hạ Tây Dương". Đến cuối thế kỷ XVII đảo nầy mới bị nhà Thanh sát nhập vào Trung Hoa. Hiện nay Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan) hoàn toàn bị cô lập trên thế giới. Ngay cả vài quốc gia Trung và Nam Mỹ có bang giao lâu đời với Taiwan nay cũng thay đổi đường lối ngoại giao. Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc nới tay dài sang lục địa Phi Châu, Trung và Nam Mỹ Châu.

***

Sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là mối đe dọa to lớn cho hòa bình Đông Nam Á, Nam Á, các hải đảo Nam Thái Bình Dương kể cả Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Việc tìm kiếm dầu hỏa, quặng mỏ và không gian sinh tồn đối với một quốc gia có trên 1 tỷ dân nầy là điều cần thiết. Quốc gia chịu sức ép nặng nề nhất là Việt Nam vì:

1- Việt Nam là quốc gia lân bang và có nhiều liên hệ lịch sử căng thẳng với Trung Hoa.
2- Chiếm được Việt Nam thì việc lấn chiếm các quốc gia Đông Nam Á lục địa không có gì khó khăn nữa.
3- Chiếm được Đông Nam Á lục địa thì việc đánh chiếm Đông Nam Á quần đảo trong Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương được thuận lợi hơn.

Qua hai cuộc chiến đẫm máu Cộng Sản Trung Hoa biết quá nhiều về Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập ở Hong Kong. Nhiều đảng viên lãnh đạo trong đảng Cộng Sản Việt Nam từng hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa. Hồ Chí Minh hoạt động ở Trung Hoa từ năm 1925, mang nhiều bí danh Trung Hoa (Lý Thụy, Vương Sơn Nhị, Tống Văn Sơ, Hồ Quang, Hồ Chí Minh) và có vợ người Trung Hoa: Cheng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh). Hồ Tùng Mậu, người sáng lập ra Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội với Lý Thụy (Hồ Chí Minh) năm 1925, tướng Nguyễn Sơn gia nhập vào đảng Cộng Sản Trung Hoa. Hoàng Văn Hoan, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ (người Tày), Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Trần Huy Liệu... đều thân Trung Hoa Cộng Sản. Con cháu họ tiếp nối con đường của họ để có địa vị lãnh đạo và quyền lợi to lớn. Do đâu Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Chí Vịnh, Tô Huy Rứa... bỗng dưng trở thành những nhà "lãnh đạo" quốc gia và có nếp sống đế vương trong một quốc gia được liệt vào hàng các quốc gia nghèo nhất thế giới? Người Việt Nam hoàn toàn không biết gì về những vị "'lãnh đạo" nầy nhưng Peking biết rất nhiều.

Do đâu Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc bất chiến tự nhiên thành (nghĩa là không cần bài học thứ hai như Teng Hsiao-ping đã hứa) khi Lê Khả Phiêu ra lịnh ký hiệp ước nhường đất đai ngoài biên giới và lãnh hải cho Peking ngày 30-12-1999?

Trung Hoa Cộng Sản thừa hiểu những thành phần khả dĩ đóng góp cho sự phát triển Việt Nam đã bị sát hại trong Phong Trào Sô Việt Nghệ Tĩnh vào những năm 1930, 1931 (trí, phú, địa, hào), cách mạng tháng 8, chiến tranh Việt-Pháp, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc sau 1954 [trí, phú, địa, hào, Việt Gian thân Pháp, thân Nhật, abc (anti-bochéviste), tạch tạch sè (tiểu tư sản)] và sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ (ngụy quân, ngụy quyền) vì bị kết những tội trên. Nhìn chung, những người có khả năng và tâm huyết đều bị vất bỏ ngoài lề xã hội. Người bị giết. Người bị tù. Người đi tu. Người thì dở sống dở chết. Người thì điên loạn. Người khác sống gởi thân nơi xứ người. Đó là yếu điểm mà Trung Hoa Cộng Sản nắm được để bắt nạt những "lãnh đạo" Việt Nam do họ dựng lên phải chấp nhận những gì họ đòi hỏi vì biết đoàn kết dân tộc đã tan biến.

Đối với các quốc gia Đông Nam Á có biên giới chung với Trung Hoa họ tìm cách xâm nhập và lưu lại dưới nhiều dạng khác nhau: quân đội đi lạc; khai khẩn đất, rừng, quặng mỏ rồi đưa công nhân sang làm việc và ở lại. Đó là những vấn đề quen thuộc ở biên giới Miến-Hoa, Lào-Hoa và Việt-Hoa. Thâm độc hơn khi họ xây nhiều đập nước trên nguồn sông Hồng và Cửu Long để các dân tộc ở hạ nguồn không có nước canh tác hay bị lụt nếu họ xả đập! Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc bao vây Ấn Độ bằng cách tích cực ủng hộ chế độ quân phiệt ở Miến Điện, kết thân với Pakistan, kẻ thù của Ấn Độ trong vụ tranh chấp Kashmir, phát động và ngấm ngầm yểm trợ du kích Maoist ở Nepal và trong nội địa Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia có trên 1 tỷ dân. Chế độ giai cấp vẫn tồn tại ngạo nghễ trong một quốc gia có tỷ lệ người nghèo khó và mù chữ rất cao. Năm 1962 chiến tranh biên giới Ấn-Hoa bùng nổ. Cuộc tranh chấp giữa hai nước vẫn còn tiếp diễn trong vùng Hy Mã Lạp Sơn.

Đã đến lúc Trung Hoa cộng sản cần có nhiều tàu chiến để chế ngự Tây Thái Bình Dương. Trong khi chờ đợi sản xuất hàng không mẫu hạm họ mua nhiều tàu chiến, hàng không mẫu hạm cũ hay dùng tàu đánh cá trang bị súng ống và ngụy trang là tàu đánh cá.

Ở Đông Bắc Á họ dùng Bắc Hàn để quấy rối Nhật, Đại Hàn và Hoa Kỳ. Ở vùng nầy họ gặp những đối thủ có tầm vóc lớn như Nga, Hoa Kỳ và Nhật. Đại Hàn tuy không đông dân nhưng là một nước kỹ nghệ tân tiến với một quân đội được huấn luyện tinh nhuệ.

Theo các nhà lãnh đạo ở Peking, dương oai diệu võ ở Biển Đông tương đối dễ hơn. Các nước Đông Nam Á có nhiều người Hoa sinh sống. Họ là những người nắm huyết mạch kinh tế trong vùng. Ở Miến Điện, Thái Lan, Phi Luật Tân, Cambodia, Việt Nam có một số người địa phương gốc Hoa nắm những chức vụ quan trọng trong nước. Singapore là một đảo quốc do Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) thành lập có 75% dân số là người gốc Trung Hoa. Mã Lai có 30% dân số gốc Trung Hoa trước kia do người Anh đưa vào nước nầy để làm việc trong các đồn điền cao su và quặng thiếc Ipo. Singapore là quốc gia nhỏ bé nhất nhưng phồn vinh nhất ở Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo nước nầy ý thức được hiểm họa của Trung Hoa Cộng Sản đối với hòa bình Đông Nam Á nên không ngần ngại cho Hoa Kỳ lập ụ sửa chữa tàu trên phần đảo nhỏ của mình, cửa ngõ của eo biển Malacca nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam Singapore không thân thiện với Hoa Kỳ. Nhưng trong tình thế hiện nay Singapore thấy sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á là tối cần thiết để cân bằng lực lượng với Trung Hoa Cộng Sản. Về mặt quân sự các nước nầy không đủ sức đương đầu với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và khó đoàn kết để bảo vệ sự sống còn của mình. Thời Sukarno (thân Trung Hoa Cộng Sản) Indonesia và Mã Lai tranh chấp nhau về Bắc Borneo, Taiwan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei khiếu nại chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa trong khi Peking cho rằng Tây Sa và Trường Sa thuộc Trung Hoa lục địa là điều không thể tranh cãi! Thái Lan và Cambodia tranh chấp nhau về chủ quyền ở một ngôi đền ngoài biên giới. Cambodia mời Thaksin làm cố vấn mặc cho Thái Lan trách móc. Trước cuộc biểu tình của phe áo đỏ ở Thái Lan, Việt Nam lại tỏ ra mừng vì tin rằng các nước đầu tư ở Thái Lan sẽ chuyển vốn sang Việt Nam vì an ninh hơn. Trước cuộc bức hiếp của Trung Hoa Cộng Sản đối với Việt Nam về Biển Đông Thái Lan và Miến Điện dửng dưng vì họ không có phần biển nầy. Chế độ quân phiệt Miến chịu ơn Peking nhưng bắt đầu lo sợ vấn đề sắc tộc với Trung Hoa ngoài biên giới.Trong phiên họp của ASEAN tại Hà Nội vào năm 2010 do Việt Nam chủ trì Cambodia phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình. Hà Nội từng yểm trợ cho Hun Sen từ năm 1978. Nay Hun Sen hướng về Peking để được viện trợ không điều kiện nên không sốt sắng trong việc xử tội diệt chủng của Khmer Đỏ và không chia sẻ sự lo lắng của Hà Nội về vấn đề Biển Đông. Peking cũng viện trợ không điều kiện cho nhiều quốc gia Phi Châu để độc quyền khai thác tài nguyên và đưa dân sang Phi Châu dưới dạng công nhân nên họ không lên án cuộc chiến tranh diệt chủng ở Darfur viện lẽ là không xen vào nội bộ của Sudan! Các nước Iran và Bắc Hàn như được sự đảm bảo của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc bằng quyền phủ quyết của họ.

Biển Đông có số dự trữ dầu hỏa đáng kể. Vùng nầy có nhiều cá và là thương hải lộ quan trọng nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Mộng làm chủ Biển Đông của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc gặp nhiều thuận tiện vì:

– Trung Quốc là một nước kỹ nghệ có một nền kinh tế phú túc và một quân đội đông đảo được trang bị bằng võ khí tối tân do họ sản xuất hoặc mua của Nga hay các nước khác.

– Hoa Kỳ đã rời khỏi Subic Bay (1992). Hoa Kỳ bận rộn với chiến tranh Iraq và Afghanistan, các lò nguyên tử ở Iran và Bắc Hàn nên không chú trọng nhiều đến vùng Đông Nam Á. Chiến tranh và sự suy thoái kinh tế làm cho Hoa Kỳ trở thành con nợ của cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.

– Nga rời khỏi vịnh Cam Ranh (2002).

– Việt Nam hoàn toàn nằm trong quĩ đạo của Peking về chánh trị lẩn kinh tế như Cambodia và Lào.

Peking tự xem họ có chủ quyền trong vùng Lưỡi Bò trên Biển Đông rộng 3 triệu km2. Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Trường Sa nhập lại thành Nam Sa (Nam Sa) thuộc tỉnh Hai Nan (Hải Nam). Họ bắt tàu đánh cá Việt Nam hoạt động ngoài khơi Trung Bộ, tịch thu cá và bắt gia đình các ngư phủ phải trả tiền phạt tựa hồ như hải tặc trong vùng Vịnh Aden. Đôi khi họ dùng tàu sắt đụng chìm tàu đánh cá Việt Nam nhưng chánh phủ Việt Nam không có phản ứng cũng không có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân hữu hiệu. Họ ra lệnh cấm đánh cá trong thời gian đi biển của ngư dân Việt Nam. Tàu bè ngoại quốc cũng bị theo dõi và hù dọa trên Biển Đông kể cả tàu Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Chánh quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc hiện nay như chánh quyền phát xít Đức Quốc Xã của Hitler trong thời gian 1933-1939. Lúc ấy thế giới cũng bị khủng hoảng kinh tế. Như tình trạng kinh tế suy thoái hiện nay, Hoa Kỳ là nơi xuât phát cuộc khủng hoảng. Điều khác biệt là năm 1933 Hoa Kỳ bị khủng hoảng kinh tế nhưng không bị nợ như ngày nay. Vào thập niên 1930 Hoa Kỳ lo giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, tạo công an việc làm cho dân chúng nên không quan tâm nhiều đến Âu Châu như tổng thống Bush II không quan tâm đến Đông Nam Á và ASEAN trong suốt 8 năm cầm quyền vừa qua (2001-2009).

Đức Quốc Xã phát triển kỹ nghệ quốc phòng sau khi Hitler nắm chính quyền vào năm 1933. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc vươn lên sau 20 năm thực thi Bốn Hiện Đại Hóa do Teng Hsiao-ping vạch ra.

Năm 1938 Hitler sát nhập Sudetenland của Tiệp Khắc vào lãnh thổ Đức với sự tán đồng của Anh và Pháp qua hiệp ước Munich. Cùng năm nầy Áo cũng bị sát nhập vào Đức. Năm 1974 Trung Hoa Cộng Sản đánh chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa trước sự bất động của tàu chiến Hoa Kỳ ở Cam Ranh. Hà Nội hoàn toàn không có ý kiến gì về việc nầy. Năm 1988 họ đánh chiếm quần đảo Trường Sa của Cộng Sản Việt Nam trước sự im lặng của tàu chiến Liên Sô ở vịnh Cam Ranh mặc dù Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký kết hiệp ước an ninh với Liên Sô năm 1978. Năm 1999 Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dưới sự chỉ đạo của tổng bí thư Lê Khả Phiêu ký hiệp ước nhường đất và lãnh hải cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Cả thế giới không ai quan tâm đến chuyện nầy vì đó là sự thuận ý của Việt Nam. Lê Khả Phiêu được khen là người có văn hóa vì trong nhà có thư viện riêng; có tôn giáo vì có tượng Phật, tượng Hồ Chí Minh và tượng của... chính ông ta; có óc khảo cổ vì có trống đồng và kiếm báu và biết bảo vệ sức khỏe vì có vườn rau xanh được tưới bằng nước lọc tinh khiết. Phải mất vài chục ngàn Mỹ Kim mới có một vườn rau cực kỳ thanh khiết như vậy để được khen là người liêm khiết, trong sạch và vì dân. Phan Văn Khải không nhanh nhẩu trong việc tán đồng hiệp ước 1999 nên được tiếng là "người tham nhũng" nhất nước. Peking đưa Nông Đức Mạnh, một người Tầy tự nhận là người Choang ở Kuang si (Quảng Tây), lên làm người chỉ đạo tối cao ở Việt Nam để tiếp tục nhượng thêm đất, đảo và biển cả cho Trung Hoa lục địa và để sỉ nhục 85 triệu người Việt Nam. Ở điểm nầy các nhà lãnh đạo Trung Hoa Cộng Sản thời hậu Teng Hsiao-ping khéo léo hơn Hitler nhiều. Hitler chuẩn bị sát nhập nước Áo vào nước Đức bằng cách ám sát thủ tướng Dolfuss năm 1934. Các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tự ý hiến dâng đất, biển cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tổ chức lễ ăn mừng ngày mất đất và biển, cầm tù những sinh viên có ngôn từ và hành động chống đối sự lấn át và âm mưu thuộc địa hóa Việt Nam và bịt miệng ngay cả tướng Võ Nguyên Giáp khi đề cập đến việc khai thác bauxite của Trung Hoa Cộng Sản trên Cao Nguyên Nam Trung Bộ.

Trung Hoa Cộng Sản ngày càng tỏ ra gây hấn và thao túng trên Biển Đông. Họ ngăn chận các công ty ngoại quốc kể cả Hoa Kỳ không được tìm kiếm dầu hỏa ngay trên thềm lục địa Việt Nam. Họ diễn tập quân sự ở Hoàng Hải và Đông Hải (họ gọi là Nam Hải – South China Sea) và bắn đạn thật như để thí nghiệm hiệu quả của một số loại hỏa tiển mà họ mới chế tạo. Họ được khích lệ bởi Hoa Kỳ hứa rút quân ra khỏi Iraq (2010) và đang gặp thử thách lớn ở Afghanistan trước sự trổi dậy của Taliban. Tháng 3 năm 2010 một tàu chiến Đại Hàn bị trúng thủy lôi khiến cho 46 thủy thủ thiệt mạng trên Hoàng Hải gần đường ranh phân chia Nam-Bắc Hàn. Sau cuộc điều tra Đại Hàn khẳng định đó là thủy lôi của Bắc Hàn. Bắc Hàn bác bỏ tin nầy. Hoa Kỳ tin rằng cuộc điều tra của Đại Hàn là chính xác và xem như Bắc Hàn có hành vi gây hấn. Hải quân Hoa Kỳ và Đại Hàn tập trận trên Hoàng Hải như một sự khẳng định lập trường sẵn sàng đáp ứng mọi sự khiêu khích quân sự của Bắc Hàn. Peking vội lên tiếng phản đối vì Hoàng Hải cách bán đảo Shantung (Sơn Đông) và Peking không bao xa. Cuộc diễn tập hải quân hỗn hợp Hoa Kỳ-Đại Hàn được chuyển sang Nhật Hải.

Ngày 22-07-2010 ngoại trưởng Hilary Clinton tuyên bố trong hội nghị cấp bộ trưởng của 10 quốc gia thuộc khối ASEAN và 17 quốc gia khác trong đó có Nga, Hoa Kỳ, Nhật, Canada, Pakistan v.v... rằng Hoa Kỳ trở lại Á Châu và quan tâm đến Biển Đông, một phần quan trọng của quyền lợi Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không can dự vào việc tranh chấp các hải đảo nhưng vấn đề nầy cần được giải quyết theo luât pháp quốc tế. Trước đó bộ trưởng quốc phòng Robert Gates cũng có ý tương tự và Hoa Kỳ đã bán võ khí cho Taiwan mặc cho Peking kịch liệt phản đối. Lời tuyên bố mạnh mẽ của bà Hilary Clinton gây phấn khởi cho các nước trong khối ASEAN. Vào thập niên 1990 Mã Lai bày tỏ thiện cảm với Trung Hoa lục địa và chống đối Hoa Kỳ. Sự dương oai diệu võ của Trung Hoa Cộng Sản trên Biển Đông khiến họ sớm thay đổi thái độ. Về phần Trung Hoa Cộng Sản, họ không che dấu được sự lo ngại của họ về sự trở lại Đông Nam Á của Hoa Kỳ khiến cho địa vị độc tôn của họ trong vùng bị lung lay. Peking một mặt bác bỏ việc quốc tế hóa cuộc tranh chấp Biển Đông như ước muốn của Việt Nam và lời tuyên bố của ngoại trưởng Hoa Kỳ. Họ muốn giải quyết song phương hơn là quốc tế hóa vấn đề.

Trong 30 năm nay Trung Hoa Cộng Sản thiết lập nhiều cơ sở trên quần đảo Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) và Trường Sa mà họ gọi chung là Nan sha (Nam Sa). Liệu họ có chấp nhận một giải pháp quốc tế dễ dàng không? Dĩ nhiên là không mặc dù họ chiếm Tây Sa bằng võ lực từ Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 và Trường Sa từ trong tay của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1988. Còn nói về khoảng cách thì các đảo san hô nói trên có đảo gần Việt Nam, có đảo gần Phi Luật Tân; có đảo gần Mã Lai hay Brunei hơn là gần đảo Hai Nan (Hải Nam) của Trung Hoa Cộng Sản. Hội nghị quốc tế San Fracisco năm 1951 xác nhận chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) và Trường Sa.

Âu Châu là nơi phát xuất đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Trong hai thế chiến nầy Đức là quốc gia gây hấn. Hoa Kỳ tham gia đệ nhất thế chiến vỏn vẹn 1 năm (1917-1918), đệ nhị thế chiến 3 năm (1942-1945) và mang lại chiến thắng cho Đồng Minh. Á Châu có thể là bãi chiến trường của đại chiến trong tương lai với các điểm nóng:

1- Tây Á với tranh chấp giữa Do Thái-Á Rập.
2- Đông Bắc Á giữa Bắc Hàn-Nam Hàn liên hệ đến Trung Hoa Cộng Sản, Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
3- Taiwan-Trung Hoa Cộng Sản liên hệ đến Hoa Kỳ và Nhật Bản.
4- Biển Đông liên hệ đến Trung Hoa Cộng Sản, các quốc gia Đông Nam Á, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và các nước Âu Châu kể cả Nga.

Vấn đề Do Thái-Á Rập như cơn bịnh kinh niên. Người bịnh kinh niên không chết đột biến.

Nam Hàn ngày nay không giống như Nam Hàn năm 1950 nên Bắc Hàn không thể thắng dễ dàng như đã thấy 60 năm trước. Hoa Kỳ có 30.000 quân ở Nam Hàn. Nếu Bắc Hàn tấn công Nam Hàn tức là tấn công quân Hoa Kỳ. Khả năng thành công rất nhỏ mà hậu quả thì quá to. Hoa Kỳ và Đại Hàn dự trù sẽ tập trận thêm một lần nữa ngay trên Hoàng Hải. Đây sẽ là thách thức lớn đối với Peking.

Nếu Trung Hoa Cộng Sản tấn công Taiwan tức là họ gây nội chiến giữa người Trung Hoa với nhau. Tổng thống Lee Teng Hui, Chen Shui Bian là người Taiwan. Họ muốn đảo Taiwan độc lập với Trung Hoa. Tổng thống Taiwan hiện nay, Ma Ying-jeou, (Mã Anh Cửu) là lãnh tụ của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Ít ra ông cũng có quan điểm giống Peking là không muốn Taiwan độc lập với Trung Hoa. Cựu tổng thống Chen Shui Bian bị đưa ra tòa và bị còng tay, một hình thức hạ nhục trước quần chúng. Đó là cách hạ nhục và trừng phạt mà Peking rất hài lòng.

Chỉ còn vấn đề Biển Đông là vấn đề phức tạp và liên hệ đến nhiều nước nhất. Quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa bao gồm nhiều đảo san hô nhỏ không quan trọng cho việc trồng trọt hay cư trú. Nhưng những túi dầu quanh các đảo san hô nầy được đánh giá cao. Biển Đông là hải lộ quan trọng ở Tây Thái Bình Dương nối liền với Ấn Độ Dương. Tàu chiến Hoa Kỳ lần lượt viếng thăm Việt Nam và được các viên chức quốc phòng Việt Nam tiếp đón nồng nhiệt. Peking lên tiếng cảnh cáo, đe dọa Việt Nam và các quốc gia trong vùng bang giao thân thiện với Hoa Kỳ bằng cách trừng phạt kinh tế. Người ta tin vào sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ khả dĩ kiềm chế sự hung hãn của Trung Hoa Cộng Sản nhưng vẫn có dè dặt vì Hoa Kỳ thay đổi đường lối sau mỗi lần bầu cử. Nhưng các nước Đông Nam Á không thể chần chờ và cũng không còn sự lựa chọn nào khác hơn.

Những người chủ chiến và chủ trương bành trướng ở Trung Hoa Cộng Sản đánh giá sai lầm về sự phồn vinh kinh tế và sức mạnh quân sự của họ. Kinh tế Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có phát triển nhưng thế giới vẫn chấp nhận sức mạnh của Mỹ Kim. Chuyện gì xảy ra nếu Hoa Kỳ, Nhật, Đại Hàn, Taiwan và các nước Âu Châu không đầu tư vào Trung Hoa lục địa? Ưu thế của họ là quân đội số đông. Võ khí mà họ dùng được sản xuất mô phỏng theo võ khí của Nga. Phi cơ và tàu bè phần lớn đều mua của các nước khác như Nga, Pháp. Phe chủ chiến ở Trung Hoa lục địa cho rằng năm 1950 họ đánh nhau ngang ngửa với Hoa Kỳ khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc mới ra đời một tuổi, võ khí còn thô sơ. Trái lại bây giờ họ có bom nguyên tử, bom khinh khí và hỏa tiễn tầm xa. Hoa Kỳ ngày nay không giống Hoa Kỳ trong hai thế chiến vào thế kỷ XX (sa lầy ở Việt Nam, gặp khó khăn ở Iraq và Afghanistan, mang nợ vì chiến tranh và suy thoái kinh tế và đưa công việc ra nước ngoài trong đó có cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, có tổng thống Da Đen đầu tiên được giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhức đầu vì Iran và Bắc Hàn, bận rộn vì hôn nhân đồng phái,...). Đây là lúc thuận lợi nhất cho họ biến Trung Hoa thành một đệ nhất siêu cường quân sự và một đế quốc mặc dù phe chánh trị thấm thía với nhận xét của Khrushchev về con cọp giấy có nanh vuốt nguyên tử. Phe ôn hòa kêu gọi phe quân phiệt bớt tự kiêu và tự hào dân tộc.

Nếu đại chiến bùng nổ ở Biển Đông vì dầu hỏa và vì tầm quan trọng chiến lược và lưu thông hàng hải thì Trung Hoa Cộng Sản là nước gây hấn. Nếu trước kia Ba Lan là đường xâm lăng của Hitler thì Việt Nam sẽ là đường xâm lăng của phe bành trướng phương Bắc ở Đông Nam Á trong những ngày sắp tới. Đánh Việt Nam là sự trừng phạt của Peking và nhóm Cộng Sản Việt Nam thân Trung Hoa Cộng Sản đối với nhóm Cộng Sản thân Hoa Kỳ và thân Nga. Đó là sự dằn mặt và răn đe đối với các nước Đông Nam Á và cũng là sự trắc nghiệm hiệu năng quân sự của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Phe quân phiệt Trung Hoa Cộng Sản háo hức chờ ngày phô trương sức mạnh và niềm tự hào Hán tộc như Hitler phô trương sức mạnh và niềm tự hào siêu tộc Aryan. Lúc ấy họ sẽ có nhiều thù trong giặc ngoài. Tứ ngoại tỉnh (Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu) vùng lên tuyên bố độc lập. Các đập vĩ đại mà họ xây trên các dòng sông lớn trở thành võ khí độc hại đánh trả lại họ. Nhóm bành trướng mất hết những gì đang có vì không thế đương cự lại với quá nhiều nước thù nghịch khi bị du vào thế cọp lẻ không cự nổi cáo bầy sá chi ngoài cáo bầy còn có nhiều sư tử và gấu. Nếu vào năm 1901 có Bát Quốc Liên Quân thì trong tương lai sẽ có con số liên quân còn lớn hơn gấp bội.

Mộng bá chủ luôn luôn phải trả bằng một giá đắt. Trong đệ nhất thế chiến Đức bại trận. Chế độ quân chủ sụp đổ. Đức mất tất cả các thuộc địa ở Á Châu (bán đảo Shantung), Phi châu (Cameroon), các hải đảo trong Thái Bình Dương. Trong đệ nhị thế chiến Hitler không làm bá chủ thiên hạ mà phải tự tử chết. Nước Đức bị chia đôi mãi đến năm 1989 mới thống nhất. Nhật không làm bá chủ Á Châu mà phải đầu hàng vô điều kiện vì bị dội bom nguyên tử và phải trả phân nửa đảo Sakhalin cho Nga, đảo Taiwan cho Trung Hoa v.v.

Trật tự và hòa bình Á Châu chỉ ló dạng sau trận thư hùng Biển Đông nhuộn huyết hồng ghê gớm nầy.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2010