Nguyễn Kỳ Phong
Tinh thần người Mỹ trong cuộc chiến
Đại tướng Abrams, lúc còn là tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam , thường mời các sĩ quan cấp nhỏ ở chiến trường đến bộ tư lệnh MACV ăn cơm riêng với ông vào những chiều cuối tuần. Mục đích của Abrams là ông muốn dùng cơ hội đó để hỏi về tinh thần và cảm nghĩ thật sự của họ về cuộc chiến họ đang tham dự.
Trong một bữa ăn thường lệ đó, có sự hiện diện của một nữ thiếu tá. Sau khi dùng cơm xong, khi các sĩ quan nam bắt đầu hút thuốc và uống rượu thì người nữ thiếu tá đứng lên xin phép ông đại tướng được kiếu từ ra về. Sau khi người thiếu tá rời khỏi phòng, tướng Abrams nói cho các sĩ quan nam còn lại về người nữ sĩ quan. Ông nói cô thiếu tá đang phục vụ ở nội địa Mỹ khi nghe tin người hôn phu tử trận ở chiến trường Việt Nam . Sau khi nghe tin buồn đó, cô làm đơn xin phép bộ quốc phòng cho cô sang phục vụ tại Việt Nam cho hết thời gian còn lại mà người chồng tương lai phục vụ chưa hết vì tử trận (1).
Trong chuyến viếng thăm của phái đoàn Weyland vào tháng cuối cùng trước khi VNCH thất thủ, David Kennerly, nhiếp ảnh viên của tòa Bạch Ốc có đi theo chụp hình. Khi về lại Mỹ, sau khi tổng thống Ford coi những hình ảnh về Việt Nam, ông cho in những hình ảnh đó lớn ra và treo dọc hành lang của một góc phòng ở Bạch Ốc. Nhưng không lâu sau đó, Kennerly nói với tổng thống Ford là những người bạn làm việc chung trong Bạch Ốc yêu cầu đem những tấm hình đó xuống. Họ nói nhìn những tấm hình đó…họ ăn cơm không vô. Nghe xong, tổng thống Ford ra lệnh cứ treo những tấm ảnh như vậy. “Để mọi người thấy được những gì đang xảy ra ở bên đó.” (2)
Một ngày sau khi ký hiệp định Ba Lê, Jerry Friedheim vào Ngũ Giác Đài nhận việc làm mới với tư cách phụ tá thứ trưởng quốc phòng về báo chí và thông tin. Bước vào phòng làm việc, Friedheim thấy một tấm bản đồ Việt Nam thật lớn, đã được treo trên tường trong suốt thời gian của cuộc chiến. Quay sang cô thư ký, Friedheim ra lệnh tháo tấm bản đồ đưa ra khỏi phòng (3).
Đối với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã cho nhiều ấn tượng. Một cuộc chiến gây nhiều chia rẽ cho nước Mỹ. Một cuộc chiến đã tạo ra nhiều người hùng và không ít kẻ hèn. Vinh quang và nhục nhã. Kỷ niệm nhớ đời hay những ám ảnh bởi sự tàn bạo của chiến tranh. Một cuộc chiến duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà trong đó cha con hận thù nhau, cùng chết hay cùng vinh quang với nhau. Một cuộc chiến mà mọi tầng lớp đều có “cơ hội” hy sinh, nếu kém may măn, và đạt được danh vọng, nếu trở về (4).
Theo thống kê chính thức về chiến tranh Việt Nam , có hơn hai triệu năm trăm ngàn quân nhân Hoa Kỳ đã lần lượt tham dự cuộc chiến từ tháng 1-1965 đến tháng 3-1973. Hơn 47 ngàn người chết tại mặt trận và hơn 10 ngàn chết do hậu quả trực tiếp đến cuộc chiến; hơn 153 ngàn bị thương, với 23 ngàn bị tàn tật vĩnh viễn. Số tuổi trung bình của các quân nhân tử thương/bị thương là chưa đầy 23 tuổi. Có tất cả 7847 sĩ quan của các trường võ bị hiện dịch hoặc trừ bị hy sinh. 65% sĩ quan không quân và 55% sĩ quan hải quân mang cấp thiếu tá trở lên khi thiệt mạng. Năm mươi phần trăm sĩ quan cấp úy của Lục Quân và TQLC hy sinh dưới tuổi 24 (5). TQLC (phần lớn ở Vùng I, VNCH) chết nhiều nhất, với 25,5 phần trăm của tổng số hơn 58 ngàn tử thương. Lục Quân có tổng cộng 183 vị tướng phục vụ ở Việt Nam, gồm 5 đại tướng, 15 trung tướng, 44 thiếu tướng, và 119 chuẩn tướng (6). Phí tổn của cuộc chiến tương đương 300 tỉ mỹ kim giá tiền hiện tại. Một cuộc chiến thật tốn kém và dài đến độ có gia đình có ba đời tham chiến ở Việt Nam (7).
Có nhiều lý do giải thích về sự thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam . Một vài lý do có quan niệm rất cá nhân; một số khác thì nằm trong phạm vi chuyên biệt của quân sự, chiến lược và chiến thuật. Ở đây, chúng ta bàn sơ qua những lý do tổng quát mà tinh thần người Mỹ đã thể hiện trong cuộc chiến.
Người Mỹ có ý định đến giúp VNCH chống lại làn sóng đỏ của cộng sản – cộng sản Bắc Việt và cộng sản thế giới, qua đại biểu là Trung Cộng. Ý định của Hoa Kỳ là muốn duy trì VNCH thành “một quốc gia độc lập và không cộng sản”. Nhưng nếu chỉ với ý định mà không có chiến lược hay phương cách hành động rõ ràng để thực thi ý định thì làm sao biết kết quả đạt được. Ý định “bảo vệ” là một ý định trừu tượng; là phẩm chất; phải có một định nghĩa cụ thể cho kết quả thì mới có lượng chất, mới thành thực tế. Khi Johnson đem quân tác chiến vào miền Nam , các sĩ quan chỉ huy chỉ được lệnh “bảo vệ” VNCH. Và chỉ có vậy. Họ không nhận được một định nghĩa nào rõ ràng về mục tiêu cho kết quả. Trong thời gian phục vụ, đôi khi họ không biết thành công hay chưa trong nhiệm vụ “bảo vệ” mà họ được giao phó.
Theo trung tướng sử gia Phillip B. Davidson, vì không có được một mục tiêu rõ rệt, mỗi vị tướng tư lệnh đều nghĩ khác nhau với nhiệm vụ bảo vệ của họ. Westmoreland thì nghĩ phải giết cho đến khi nào CSBV chịu thương thuyết theo ý của Hoa Kỳ thì thôi; Maxwell Taylor thì lại không muốn đánh bại CSBV, nhưng chỉ đánh cho đến chừng nào họ “bỏ” ý định xâm chiếm miền Nam thì thôi. Trung tướng tư lệnh TQLC thì tự hỏi, đánh cho thắng, nhưng thắng là sao? (trong ý nghĩa, CSBV là kẻ xâm lăng, nếu CSBV chưa đầu hàng thì sao thắng được). Vài tư lệnh khác thì chỉ phục vụ cầm quân ở Việt Nam cho đến khi hết nhiệm kỳ, như vậy, đối với họ là đã hoàn tất nhiệm vụ bảo vệ rồi (8)
Trong một nghiên cứu trưng cầu ý kiến của 173 vị tướng Lục Quân đã từng chỉ huy ở Việt Nam, khi được hỏi họ biết rõ mục đích được giao phó hay không, chỉ có 29 phần trăm trả lời hiểu rõ; 33 phần trăm thì nói họ hiểu mục đích hơi “lờ mờ”. Khi được hỏi những sĩ quan cấp dưới hiểu rõ không, 57 phần trăm trả lời là họ hiểu, nhưng không hoàn hảo. Khi được hỏi, nếu phải làm lại, thì Hoa Kỳ phải thay đổi như thế nào trước nhất, 91 phần trăm nói cần phải định nghĩa mục đích rõ ràng trước khi giao trách nhiệm; 59 phần trăm nói cần phải giải quyết cuộc chiến rõ ràng (thắng bằng quân sự) (9).
Phần lớn các tướng lãnh đồng ý là họ đã không được chỉ thị với mục đích rõ ràng và khi cần đạt mục đích thì họ bị giới hạn bởi những thẩm quyền dân sự. Nói theo đại tướng Westmoreland, cuộc chiến Việt Nam là “cuộc chiến giới hạn với những mục tiêu giới hạn; được chiến đấu bằng những phương tiện giới hạn, [vì] cuộc chiến được hoạch định cho một khả năng giới hạn” (10).
Khi Westmoreland nói đến một khả năng giới hạn, có lẽ ông muốn nói đến nguồn nhân lực Hoa Kỳ không thể có, hay huy động đuợc, vì chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ được chánh thức “tuyên chiến” theo định nghĩa của quốc hội và hiến pháp Mỹ. Mùa Xuân năm 1968, khi Westmoreland xin thêm 200 ngàn quân và bị từ chối, cũng như Johnson không muốn ra lệnh tổng động viên, và quân số không còn đủ để giữ hai mặt Á Châu và Tây Âu. Vì không tuyên chiến nên không có luật tổng động viên. Không có luật tổng động viên nên vấn đề quân dịch áp dụng không đồng đều, nếu không nói là bất công trong vấn đề gọi thanh niên nhập ngũ. Chiến tranh Việt Nam bị mang tiếng là cuộc chiến của giới lao động, của tầng lớp thấp; của thanh niên đến từ những gia đình thiếu ăn, thiếu phương tiện tiến thân trong xã hội. Nhiều nghiên cứu cho thấy đa số thanh niên bị bắt quân dịch đến từ giai cấp nghèo, không có tiền theo học để được miễn dịch vì lý do học vấn. Trong thời khoảng chiến tranh Việt Nam , hệ thống quân dịch Mỹ cho phép 18 loại miễn dịch: từ lý do gia cảnh cho đến tôn giáo; cho đến nhu cầu quốc gia; cho đến lòng tin cá nhân. Khi cuộc chiến gia tăng, nha động viên địa phương phải gọi nhập ngũ nhiều hơn; và sự bất công lan tràn sâu đậm hơn (11). Thanh niên gia đình khá giả, lúc nào cũng có được lý do để xin miễn dịch về lý do học vấn hay sức khỏe. Một tác giả thuật lại theo kinh nghiệm ông đã chứng kiến: Tháng 5-1970, hàng trăm sinh viên thuộc hai đại học nhà giàu nổi tiếng MIT và Harvard, và hàng trăm thanh niên ở địa phương không đi học đại học, được nha động viên Boston, Massachusetts, gọi đến để khám sức khỏe trình diện nhập ngũ. Theo tác giả, gần như hầu hết các sinh viên đều có giấy bác sĩ chứng thương tình trạng sức khỏe và được miễn dịch; trong khi đa số thanh niên địa phương hội đủ sức khỏe để nhập ngũ (12). Một nghiên cứu khác cũng đưa đến kết luận là sự hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam bất công đối với giai cấp thiếu phương tiện, giai cấp lao động: người nghiên cứu xin hai đại học tư nổi tiếng cho ông biết hai con số: (tag) trong 10 năm, 1962 – 1972, bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp bậc cử nhân; trong số đó có, bao nhiêu người đã hy sinh ở chiến trường Việt Nam. Câu trả lời là, ba trường MIT, Harvard và Princeton có 29.701 sinh viên tốt nghiệp trong 10 năm; trong số đó, chỉ có 20 người hy sinh ở chiến trường Việt Nam (13). Sự bất công đó đưa đến nhiều bất mãn trong xã hội Mỹ, và như một hậu quả, đưa đến nhiều sự phản đối/phản chiến về chiến tranh Việt Nam . Đại tướng Abrams tóm tắt sự kiện thiếu công bằng về quân dịch trong thời chiến tranh Việt Nam , khi nói với một viên chức cao cấp ở bộ quốc phòng: “Thưa ông bộ trưởng, những công dân Mỹ được danh dự hy sinh cho tổ quốc ở Việt Nam là những công dân ngu, nghèo, và da đen.”(14).
Với tập hợp của một quân đội mà đa số quân nhân đến từ giai cấp thấp trong tầng lớp xã hội, sự nổi loạn, bất tuân kỷ luật, phản đối thẩm quyền, gia tăng khi họ thấy sự hy sinh của họ không được ghi nhận đúng nghĩa, hay chỉ là một sự chán chường về cuộc chiến. Tâm lý và tinh thần của quân đội Hoa Kỳ ảnh hưởng đến chiến trường Việt Nam một cách sâu đậm.
Giữa năm 1968, khi tổng thống Johnson quyết định giao cuộc chiến lại cho quân đội VNCH qua chương trình Việt Nam Hóa, và đến năm 1969 – 1970, khi chính phủ Nixon tiến hành kế hoạch, thì tinh thần của các quân nhân Mỹ đã nằm trong tình trạng ỷ lại, vội vàng bỏ trách nhiệm vào tay quân đội VNCH. Không những quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam bỏ rơi cuộc chiến, mà họ còn làm cho Ngũ Giác Đài lo ngại về những bệ rạc của một đám quân đang phục vụ trong một cuộc chiến mà họ không còn muốn tiếp tục và đang tìm đường ra. Trong khi quân đội VNCH tiếp thu từng vùng trách nhiệm người Mỹ giao lại, thì những người lính Mỹ trở thành một gánh nặng – trong nghĩa họ thờ ơ với những hoạt động của CSBV trong vùng trách nhiệm của họ. Đây không phải là một vu oan cho người bạn đồng minh; đây là sự xác nhận của bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ MACV. Giữa tháng 10-1970, đại tướng Abrams lưu ý các tư lệnh về tệ nạn hút sách trong các đơn vị. Ông ra lệnh họ phải theo dõi bằng cách xuống từng đơn vị để canh chừng từng người lính. Theo thống kê, đến giữa năm 1971, số lính hút á phiện ở Việt Nam nhiều hơn ở nội địa Hoa Kỳ (15). Nhưng những canh chừng cấm cản đưa đến một tình trạng nguy hiểm hơn: lính ba gai trả thù các sĩ quan bằng cách thanh toán, giết lén, chọi lựu đạn vào phòng họ. Nạn hút sách đưa đến tình trạng bất tuân kỷ luật, từ chối thi hành nhiệm vụ ở chiến trường. Trong năm 1970 có 35 vụ từ chối tuân lệnh tác chiến. Có vài trường hợp cả đơn vị từ chối hành quân. Trong trận đánh đồi 937 (Ấp Bia/Hamburger Hill), lính hùn nhau 10.000 mỹ kim để thưởng cho ai giết được các sĩ quan ra lệnh tấn công ngọn đồi (16). Nạn hút sách và nghiện ngập đưa đến sự chểnh mảng trong vấn đề canh giữ hệ thống phòng thủ. Tâm lý các quân nhân Hoa Kỳ lúc đó là, cuộc chiến đã tàn, họ chỉ muốn uống và hút để giải khuây, chờ ngày mãn nhiệm để về nước. Nhưng phía địch quân thì không nghĩ như vậy. Đầu năm 1971, vì không canh chừng vòng đai phòng thủ, căn cứ của tiểu đoàn 1, trung đoàn 46/lữ đoàn 196 Biệt Lập, bị 50 đặc công CSBV đột nhập vào tận bên trong. Đặc công địch phá hủy hai đại bác 155 ly, giết chết 33, làm bị thương 78 quân nhân, và phá nát trung tâm chỉ huy của tiểu đoàn. CSBV hy sinh chỉ 12 người trong trận đột nhập. Khi sự vụ đến tai bộ tư lệnh MACV, rồi đến Ngũ Giác Đài, đích thân Westmoreland ra lệnh điều tra. Sau đó MACV giải nhiệm sáu sĩ quan của sư đoàn, trong đó có tư lệnh và phó tư lệnh sư đoàn (17).
Sự chểnh mảng về tâm lý không chỉ xảy ra với các cấp dưới của quân đội. Giữa năm 1968, các thẩm quyền cao cấp của giới quân sự và chính trị Mỹ coi cuộc chiến đã tàn; đã đến giờ thu dọn chiến trường để rút quân. Ở MACV, khi một đại tá khá nổi tiếng với nhiều chiến công ở Đại Hàn và Việt Nam , xin được phục vụ thêm năm thứ ba, vị sĩ quan cao cấp ở MACV trả lời: “Về lại Mỹ đi đại tá; cuộc chiến nầy không còn gì để cho đại tá ở lại.” (18) Bên phía chính trị, thẩm quyền dân sự ở bộ ngoại giao cũng có thái độ tương tự. Sự từ chối ra tranh cử nhiệm kỳ hai của tổng thống Johnson là một dấu hiệu cho biết Hoa Kỳ sẽ kết thúc cuộc chiến bằng thương lượng chớ không còn bằng chiến thắng quân sự như họ đã tuyên bố trước đó chưa đầy một năm. Sau khi VNCH bị ép tham dự hội nghị hòa đàm Ba Lê vào cuối năm 1968, phó trưởng đoàn VNCH trình bày cho phái đoàn Hoa Kỳ là quân đội VNCH đã đánh tan cuộc tấn công Mậu Thân của CSBV. Đại tá Nguyễn Huy Lợi nói với phó trưởng đoàn Cyrus Vance: “Thưa ông đại sứ, chúng ta đang thắng trong cuộc chiến.” Vance trả lời: “Đại tá, ông trật hoàn toàn. Chúng ta sẽ không bao giờ thắng cuộc chiến này bằng quân sự. Chúng ta đến đây để thương lượng.” Trước đó vài ngày, nghị sĩ Mansfield tuyến bố nếu VNCH không gởi người tham dự hội nghị, Hoa Kỳ sẽ thương lượng một mình (19).
Nếu trong tâm lý và tinh thần của giới lãnh đạo quân sự chính trị Hoa Kỳ là cuộc chiến đã tàn từ năm 1968 – 1969, giới khoa bảng và báo chí Hoa Kỳ cũng không tìm hiểu hay điều tra những hoạt động, những cố gắng của VNCH nói chung, và của quân đội nói riêng. Đối với các tác giả và ký giả, cuộc chiến của người Mỹ đến đây đã kết thúc. Nhưng một sự bất công xảy ra là, bây giờ quân đội VNCH đã “thừa hưởng” lại cuộc chiến thì sao? Tại sao những cố gắng, những chiến thắng, những tích cực xây dựng của VNCH vào những năm cuối bị cố ý bỏ quên và không được nhắc đến? Một tác giả đã nhận định thật sâu về thái độ quên lãng của giới khoa bảng, truyền thông Mỹ từ sau chương trình Việt Nam Hóa được áp dụng. Theo tác giả, có thể cuộc chiến Việt Nam đã chết trong ý nghĩ của người Mỹ vào những năm cuối – trong khi cuộc chiến vẫn còn tiếp tục xảy ra ở Việt Nam – nhưng đối với nhiều tác giả viết sách sử, họ chỉ chú trọng đến giai đoạn từ năm 1968 trở về trước. Và như vậy, những ghi nhận về cuộc chiến Việt Nam xa hơn sự thật vào hai, ba năm cuối (20). Những ngộ nhận quan trọng về cuộc chiến trên phương diện quân đội và chánh phủ VNCH vis-à-vis thời kỳ sau chương trình Việt Nam Hóa bắt nguồn từ đó.
Với sự thiếu thông tin, giới chính trị Mỹ – nhất là những nghị viên quốc hội – bị tuyên truyền hay có ấn tượng với những định kiến họ đã có trước năm 1968. Sự thiếu hiểu biết đưa đến những lời tuyên bố về tình hình chính trị, quân sự, khờ khạo đến độ trở thành ngu xuẩn trước mắt của người dân miền Nam, và là một trò cười cho phía bên kia. Khi nghe tin CSBV tấn công quân đội Hoàng Gia Lào và những căn cứ tình bào CIA Mỹ ở Thượng Lào, nghị sĩ William Fullbright lên tiếng trong buổi điều trần của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện vào năm 1971: “Vì lý do gì mà CSBV muốn [chiếm đóng quân ở] Lào?” (21). Chúng ta sẽ không bao giờ thấy lời tuyên bố nào thiếu hiểu biết về chiến lược chiến thuật quân sự như trên. Một thí dụ khác: khi từ chối biểu quyết thêm quân viện cho VNCH, một nghị sĩ tuyên bố: “Khi giới hạn quân viện, chúng ta muốn ra hiệu cho hai bên bạn và thù [VNCH và CSBV] là đã đến lúc phải thương lượng.” Còn lời phát biểu nào ngây ngô hơn lời phát biểu này? Ông ta tưởng giới hạn viện trợ là dấu hiệu Hoa Kỳ không còn muốn giúp VNCH về quân sự, và như vậy CSBV sẽ thương lượng, dàn xếp, qua đường lối chính trị. Nhưng đối với CSBV, họ thấy lời phát biểu như một dấu hiệu Hoa Kỳ đã kết thúc trách nhiệm; và đến lúc họ chuẩn bị đánh chiếm miền Nam được rồi (22). Người Mỹ thất bại ở Việt Nam , trong cuộc chiến Việt Nam vì họ chưa chuẩn bị tinh thần, hay chuẩn bị chưa vững. Chánh phủ Hoa Kỳ không chuẩn bị cuộc chiến bằng cách động viên tinh thần của cả hai quốc gia. Cuộc chiến xảy ra ở Việt Nam , nhưng tại nội địa người dân hoang mang, không biết nước mình đang ở trong tình trạng hòa bình hay chiến tranh. Cuộc chiến không có ngày bắt đầu thành ra không có giới hạn để kết thúc. Cuộc chiến không tuyên chiến thành ra không phải là nguyện vọng hay ý định của toàn dân. Sau cùng, cuộc chiến trở thành một gánh nặng và phiền muộn cho cả dân tộc Mỹ. Sự mâu thuẫn của chánh phủ Hoa Kỳ là họ cố gắng điều khiển một cuộc chiến tàn khốc đang diễn ra ở Việt Nam, nhưng cùng lúc muốn giữ một tình trạng bình thường, “không có chuyện gì quan trọng xảy ra” ở nội địa. Ở bên kia, trên chiến trường, những quân nhân đã đổ máu hy sinh, trong khi ở nhà không ai biết, không ai nghĩ đến và cũng không cần nghĩ đến. Làm sao người Mỹ có thể thắng một cuộc chiến mà kẻ thù đã thề đánh trường kỳ, trong khi người dân và tinh thần của họ lạnh và thờ ơ (23).
Trong một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam, có một đoạn diễn tả về tinh thần của người Mỹ trong cuộc chiến rất đúng: Hai người lính TQLC Mỹ nằm trong một hố cá nhân ngoài chiến trường… mưa lâm râm trong sự yên lặng thê lương của mặt trận… người lính quay qua nói với người bạn chiến đấu bên cạnh: “…không ai thương xót và nghĩ đến tụi mình đâu.”
Đó, đó là tinh thần của người Mỹ trong cuộc chiến (24).
Nguyễn Kỳ Phong
Trích: Vũng lầy của Bạch Ốc – Tiếng Quê Hương xuất bản (xin xem thêm trong mục ‘Gác sách').
________
Chú thích:
(1) Lewis Sorley. Thunderbolt , tr. 292
(2) David Butler, The Fall of Saigon , tr. 234.
(3) William M. Hammond, Reporting Vietnam , tr. 290.
(4) Có tất cả 12 tướng lãnh chết ở chiến trường Đông Nam Á (chết ngoài khơi hải phận Việt Nam hay trên đường đến công tác cũng được ghi nhận là chết ở chiến trường Việt Nam, như trường hợp một thiếu tướng không quân chết vì máy bay đụng nhau, ngay lần đầu tiên bay B-52 để thực tập tiếp nhiên liệu trên không phận Phi Luật Tân, và một chuẩn tướng (phó đề đốc) hải quân khi trực thăng bị rớt trên đường đến nhận nhiệm sở ở ngoài khơi Vịnh Bắc Việt), và vô số con các tướng lãnh chết, bị thương hay tàn tật trong cuộc chiến. Cháu nội của thống tướng Pershing và con trai của đại tướng Joe Stilwell, chết từ đầu cuộc chiến. Con trai các tướng lãnh đương nhiệm trong thời gian đó như Chester Fuller, Elmo Zumwalt, Joseph Wilson (tư lệnh không quân NATO). Tim O'Keefe, đại tướng không quân, em vợ tướng Westmoreland, đều chết ở chiến trường; Richard Fitzgibbon, Jr., và Richard Fitzgibbon III, là trường hợp hai cha con cùng chết chung trận chiến Việt Nam. Những người bị thân bại danh liệt vì cuộc chiến như đại tướng KQ John Lavelle, bị lột hai cấp, cho giải ngũ vì vụ bỏ bom bí mật bên Cam Bốt; trung tướng Samuel Koster, hạ xuống một cấp, giải nhiệm khỏi trường West Point, vì liên hệ vụ Mỹ Lai; đại tá Robert Rheault, tư lệnh lực lượng đặc biệt, một sĩ quan từ gia đình giàu có, với một tương lai rạng rỡ bị ra tòa vì vụ gián điệp Thái Khắc Chuyên. Những người được danh vọng từ cuộc chiến như C. Powell, A. Haig, Norman Schwarzkopt. Không dưới bốn gia đình có cha là tướng và con cũng trở thành tướng sau khi phục vụ tại Việt Nam như gia đình Krulak; Maxwelll Taylor; Abrams; McCaffrey. Cha con giận nhau là trường hợp của ngoại trưởng Dean Rusk và con trai: hai người không nói chuyện với nhau mấy chục năm vì quan điểm khác nhau về cuộc chiến.
(5) Chi tiết thống kê về chiến tranh Việt Nam , theo Southeast Asia Combat Area Casualties File , ở National Archives II, Col. Park. MD, và Statistical Abstract of the US , 19701980.
(6) Bảng liệt kê tướng lãnh Lục Quân trong Douglas Kinnard, The War Managers , Appendix III. Hải Quân có 2 trung tướng (phó đô đốc); Không Quân 3 đại tưóng; TQLC 4 trung tướng. Kinnard là chuẩn tướng phục vụ ở Việt Nam . Bảng liệt kê của Kinnard không nói đến các tướng lãnh trong bộ tư lệnh MAAG (tiền thân của MACV), khoảng 1955-1964, tiêu biểu như đại tướng Harkins; các trung tướng Samuel Williams, John Trapnell, John O'Daniel, Lionel McFarr, thiếu tướng Charles Timmes, hay chuẩn tướng Francis Brink. Thông thường, cứ một đại tướng thì có ba trung tướng, chín thiếu tướng, và 27 chuẩn tướng trong một bộ tư lệnh cấp Lộ Quân (2 đến 4 quân đoàn). Năm 1969, quân đội Mỹ có tất cả 40 đại tướng, 142 trung tướng và 1156 thiếu và chuẩn tướng.
(7) Nếu định nghĩa chiến tranh Việt Nam là chiến tranh Đông Dương như sách vở, báo chí Mỹ vẫn thường gọi, thì gia đình của (thượng nghị sĩ) John McCain nằm trong trường hợp đó. Ông nội của John McCain III là đại tướng hải quân, tư lệnh một hạm đội dưới quyền thống tướng Hải Quân (Thủy Sư Đô Đốc) Chester Nimitz ở mặt trận Thái Bình Dương khi ông tham dự dội bom các căn cứ quân sự của Nhật ở Sài Gòn năm 1944. Cha của McCain là tư lệnh quân lực Mỹ ở Thái Bình Dương 1968-1975; McCain bị bắn rơi ở Hà Nội năm 1967, sau khi được trở về, phục vụ tiếp ở hải quân và vế hưu với cấp bực phó đề đốc (tướng một sao, hay commodore, sau này gọi là rear admiral, lower-half). Đọc McCain, My Father, My Son, lời mở đầu.
(8) Phillip B. Davidson, Secrets of the Vietnam War , tr. 144-145. Huấn lệnh an ninh quốc gia NSAM 288, ngày 17-3-1964 của Johnson viết mục đích là “duy trì VNCH thành một quốc gia độc lập và không CS”.
(9) Douglas Kinnard, sđd, trang 169, 176.
(10) Trích theo George Herring, LBJ and Vietnam : A Different Kind of War , trang 184.
(11) Chế độ quân dịch ở Mỹ được quản trị bởi 3700 hội đồng (nha) quản trị quân dịch địa phương ở mỗi tiểu bang. Tuổi ghi danh nhập ngũ lúc đó là 18 – 26. Hơn 1,7 triệu thanh niên đến tuổi quân dịch năm 1964. Lúc đó nha động viên gọi khoảng 6 – 7000 ngàn thanh niên mỗi tháng. Nhưng từ sau khi Hoa Kỳ đem quân tác chiến vào Việt Nam , các nha động viên địa phương gọi bắt lính nhanh hơn: 15.100 tháng 5/65; 24.700, và 40 ngàn vào cuối năm 1965. Có 50 ngàn thanh niên được miễn dịch vì lý do tín ngưỡng trong cuộc chiến Việt Nam , so với khoảng 7.600 trong chiến tranh Đại Hàn. Một vài tự do “tín ngưỡng” rất tức cười nhưng được tòa chấp nhận: một thanh niên gốc tiểu bang Hạ Uy Di (Hawaii), gốc người Samoa, anh ta xin miễn, vì anh ta nói nếu anh ta gia nhập cuộc chiến, thần… núi lửa sẽ nổi giận phun lửa lên giết dân Hawaii! Đọc A Nation Devided, trong bộ sách The Vietnam Experience, tr. 72, 76, 77.
(12) Đọc James Fallows, Low-Class Conclusions , nguyệt san The Atlantic Monthly, số tháng 4-1993.
(13) Cùng tác giả, cùng bài viết đã dẫn. Người làm nghiên cứu đó là James Webb, cựu sĩ quan TQLC tại Việt Nam , và bộ trưởng Bộ Hải Quân khi giải ngũ. Theo nguyên tắc, sinh viên chỉ đưọc miễn dịch cho đến bậc cử nhân; sau cử nhân họ phải trình diện nhập ngũ. Với số sinh viên tốt nghiệp gần 30 ngàn người mà chỉ có 20 người chết ở chiến trường thì quá ít (dù giả định là một số xin được miễn dịch để học tiếp lên cao học/tiến sĩ; hay đi lính với cấp binh nhì). Tỉ số sĩ quan chết là 13,5% trên tổng số thiệt hại. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh ở đây, 63% số tử thương là lính tình nguyện, không phải quân dịch. Một lý do để giải thích sự kiện đó là giữa chọn lựa bị bắt quân dịch và tình nguyện, đa số thanh niên khi biết phải nhập ngũ, chọn tình nguyện, vì khi tình nguyện họ chọn được ngành và điều kiện phục vụ trong quân đội; quân dịch không có chọn lựa.
(14) Sorley, Thunderbolt , trang 183 – 184.
(15) Sorley, The Abrams Tapes , tr. 499 = 500, 622 – 626; William Hammond, sđd, tr. 199 – 234. MACV cho con số lính có “kinh nghiệm” với cần sa và bạch phiến là 55 – 65% vào cuối năm 1971. Theo Arthur Dommen, sđd, tr. 714, số lính hút á phiện ở Việt Nam là 83.300 so với ở nội địa Mỹ là 68.000. Tuy nhiên, vài điều tra cho thấy một số lớn lính đã nghiện từ bên Mỹ trong giai đoạn 1968 – 1970, trước khi qua phục vụ ở Việt Nam .
(16) Shelby Stanton. The Rise and Fall of an American Army , tr. 301, 349.
(17) Trung đoàn 46/Lữ đoàn 196, thuộc sư đoàn Americal (sư đoàn 23 Bộ Binh). Cuộc đột nhập xảy ra ở căn cứ hỏa lực Mary Ann, Tam Kỳ, Quảng Tín. Đọc Stanton , sđd, tr. 359 -360. Hai tuần sau, 3 tháng 4-1971, MACV nói về vụ này trong buổi họp tham mưu. Đọc Sorley, sđd, tr. 584.
(18) Người sĩ quan đó là đại tá David H. Hackworth, cố vấn trưởng sư đoàn Nhảy Dù và cho Biệt Khu 44. Hackworth là quân nhân có nhiều huy chương nhất quân đội Hoa Kỳ trước năm 20 tuổi. Về giai đoạn 1969 – 1971 của quân đội Mỹ, đọc About Face , 739 – 810.
(19) Đọc Arthur Dommen, sđd, tr. 694 – 696.
(20) Lewis Sorley, A Better War , tr. XIII – XIV. Sorley liệt kê vài tác phẩm về chiến tranh Việt Nam của các tác giả có sách bán chạy như Stanley Karnow ( Vietnam: A History ); Neil Sheehan ( A Bright Shining Lie ); Herring ( America's Longest War ); Duiker ( Historical Dictionary of Vietnam ) và ngay cả The Pentagon Papers của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ… tất cả đều ngưng vào những năm 1968, 1969; tài liệu của bộ quốc phòng thì “chấm dứt” cuộc chiến vào năm 1971. Sách của Karnow không nhắc đến tên của đại tướng Abrams; Herring thì chỉ có 60 trang cho năm năm còn lại; trong hơn 800 trang của Sheehan, chỉ có 65 trang cho hai năm còn lại của cuộc chiến; từ điển của Duiker thiếu những nhân vật quan trọng vao những năm sau cùng như Colby, Abrams, Bunker.
(21) Arthur Dommen, sđd, tr. 701.
(22) Nixon, No More Vietnam , tr. 190.
(23) Vài nhận định rất sâu sắc trong Davidson, Secrets of the Vietnam War , tr. 143 – 165.
(24) James Webb, Field of Fire . Phần lớn những nhân vật trong tiểu thuyết của Webb là lính TQLC tình nguyện, đầy lý tưởng về cuộc chiến trước khi họ đến Việt Nam .