Phạm Đình Lân


Thử tìm tương đồng và dị biệt giữa Do Thái và Việt Nam

 

Do Thái và Việt Nam đều là hai quốc  gia Á Châu. Do Thái nằm ở Tây Á. Việt Nam nằm ở Đông Á. Do Thái nằm trên bờ Địa Trung Hải. Việt Nam nằm trên bờ Thái Bình Dương và một phần nhỏ của Ấn Độ Dương. Trước kia dưới mắt người Âu Châu miền đông Địa Trung Hải là phương Đông. Sau nầy họ khám phá ra miền Đông Á và gọi đó là Viễn Đông (Far East/Extrême Orient) và vùng  Đông Địa Trung Hải được gọi là Cận Đông hay Tiểu Tế Á (Proche Orient/Near Orient; Asie Mineure/Minor Asia) và sau nầy gọi là Trung Đông (Moyen Orient/Middle East).

Do Thái và Việt Nam là hai quốc gia cổ xưa. Do Thái lâm vào cảnh vong quốc ba lần trong lịch sử.

Lần thứ nhất vua Sargon II xứ Assyria đày người Do Thái ra khỏi địa bàn của họ năm 721 trước Tây lịch.

Lần thứ hai vương quốc Judah bị vua Nebuchanezzar của Babylon xâm chiếm. Ngôi ĐỀN bị triệt hủy, người Do Thái bị cưỡng bách phải rời khỏi Jerusalem. Một số người Do Thái chạy sang Ai Cập. Một số sống ở thành Babylon như những người nô lệ và lính đánh thuê.

Lần thứ ba đế quốc La Mã phá ngôi ĐỀN năm 70 sau Tây Lịch. Người Do Thái hoàn toàn không còn tổ quốc. Họ sống rải rác khắp nơi trên thế giới; ban đầu trên lục địa Á Châu, Âu Châu, Phi Châu; sau nầy khắp cả Mỹ Châu và Đại Dương Châu.

Đâu đâu cũng có người Do Thái sinh sống. Đâu đâu họ cũng bị ghét bỏ, khinh khi và suy bì, ganh tỵ. Chữ Juif mà người Pháp dùng để chỉ người Do Thái như hàm nghĩa mọi thứ xấu mà giống người nầy phải gánh chịu. Năm 1492 vương quốc Tây Ban Nha trục xuất người Do Thái ra khỏi kinh đô Toledo. Ở Anh, Pháp, Ý, Đức, Nga, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Romania, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha..., dưới bất cứ chế độ chánh trị nào họ cũng bị ghét bỏ. Nhưng kỳ lạ thay, ở những xứ ấy đều có những công dân lỗi lạc, mang dòng máu Do Thái trong chánh quyền. Disraeli là thủ tướng lỗi lạc của Anh vào thế kỷ XIX. Léon Blum, Mendès France là thủ tướng của Pháp. Karl Marx, người khai sinh ra chủ nghĩa Cộng Sản làm xáo trộn thế giới là người Đức gốc Do Thái. Lenin, người thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản là người Nga có dòng máu Do Thái bên ngoại. Trotsky, nhân vật số hai sau Lenin sau cách mạng 1917 ở Nga và nhiều ủy viên trong Bộ Chánh Trị đảng Cộng Sản Nga thời Lenin đều có máu Do Thái trong người. Gia đình dòng Rothschild nổi tiếng trong hoạt động ngân hàng ở Âu Châu. Einstein, Cham Weizman, Oppenheimer... nổi tiếng trên lãnh vực khoa học. Lối 30% giải Nobel thuộc các lảnh vực khác nhau do người Do Thái hay người quốc gia khác mang dòng máu Do Thái chiếm giữ.

Địa bàn thuận lợi cho sự phát triển và phát huy ảnh hưởng của người Do Thái trên thế giới là Hoa Kỳ, nơi họ không bị kỳ thị như đã thấy ở lục địa khác. Năm 1948 Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận quốc gia Do Thái. Quốc gia thứ nhì là Liên Sô, mặc dù dưới thời Stalin người Do Thái cũng bị sát hại rất nhiều không khác gì sự đối xử của các Nga hoàng thời phong kiến hay của Hitler trong đệ nhị thế chiến dù không có lò hỏa thiêu. Điều đáng ngạc nhiên là Stalin bài Do Thái nhưng lại có nhiều quan hệ thân mật với phụ nữ Do Thái. Ái nữ của ông là Svetlana yêu Alexei Kapler, một nhà sản xuất phim gốc Do Thái. Ông đày Kapler về tội làm gián điệp cho Tây Phương hay nói rõ hơn cho Anh! Sau Svetlana kết hôn với Grigori Morozov, một người gốc Do Thái khác. Stalin không phản đối nhưng không dự tiệc cưới và ra lịnh cầm tù cha chú rể! Ở Nga có một vùng tự trị của người Do Thái ở Tây Bá Lợi Á gần Mãn Châu (J.A.O.: Jewich Autonomous Oblast) do Stalin thành lập năm 1934 để cô lập người Do Thái vì Stalin rất ghét những đảng viên Cộng Sản cao cấp gốc Do Thái như Trotsky, Zinoviev, Kamanev v.v… Nhưng Kaganovich là một ngoại lệ. Ông không bị Stalin sát hại và sống đến năm 1991. Ông là cộng sự viên đắc lực của nhà độc tài Stalin trong thời kỳ Đại Thanh Trừng vào thập niên 1930. Sau đệ nhị thế chiến Stalin lại bắt đầu chánh sách bài Do Thái. Nào là người Do Thái làm gián điệp cho tư bản. Nào là vụ bác sĩ Do Thái âm mưu đầu độc các lãnh tụ Cộng Sản v.v… Ở Hoa Kỳ cho đến bây giờ vẫn chưa có một người Hoa Kỳ mang dòng máu Do Thái nào được bầu làm tổng thống vẫn biết rằng ảnh hưởng của người Do Thái trên nước nầy rất lớn.

Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ từ năm 207 trước Tây Lịch đến năm 938 sau Tây Lịch , nghĩa là từ khi Chao To (Triệu Đà) chinh phục nước Âu Lạc bằng cách dùng nam nhân kế để trộm chiếc nỏ thần đến khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở đầu kỷ nguyên độc lập cho nước nhà Việt Nam mất độc lập nhưng không phải sống ly tán viễn phương (diaspora) như người Do Thái đã mất lãnh thổ hoàn toàn. Người mất độc lập, mất chủ quyền với người mất nước gởi thân nơi đất khách quê người đều nhục nhã, chua xót và đau đớn như nhau.

Người Do Thái cho rằng họ là dân tộc được Thượng Đế chọn.

Người Việt Nam tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên.

Trong Cựu Ước Kinh có đề cập đến đại hồng thủy và chiếc thuyền khổng lồ của Noah để giữ các giống thảo mộc và súc vật trong thời gian bị đại hồng thủy.

Trong truyền thuyết Việt Nam có chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh phản ảnh những cơn lụt dữ dội do sông Hồng gây ra. Ở Việt Nam có sông Hồng. Gần Do Thái có Hồng Hải. Vịnh Aqaba là một phần của Hồng Hải trong đó có cảng Eilat, hải cảng duy nhất ở cực nam nước Do Thái. Để đến đó tàu bè Do Thái phải dùng kinh đào Suez. Sự phong tỏa kinh đào Suez năm 1956 làm tê liệt sinh hoạt của thành phố cảng nầy.

Trong Cựu Ước Kinh có ghi chuyện người thanh niên bé nhỏ David (bé nhỏ so với Goliath nhưng so với người thường David là người cao lớn) đương đầu với người khổng lồ Goliath. Không ngờ người bé nhỏ David lại giết chết người khổng lồ bằng một hòn đá nhỏ được bắn ra từ một cái giàn thun trúng ngay ấn đường của người khổng lồ Goliath.

Cuộc kháng cự của người Việt Nam trước sự xâm lăng của Trung Hoa được mô tả như cảnh châu chấu đá xe, giống như người thanh niên bé nhỏ David trước người khổng lồ Goliath vậy. Nhưng kết quả lại không lường trước được vì:

Nực cười châu chấu đá xe,
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.

Vật nhỏ, phương tiện tầm thường nhưng đánh trúng vào nhược điểm thì có thể đánh ngã đối phương nhanh chóng.

Người Do Thái có ĐỀN để thờ đấng Jehovah. Đó là cái trục tinh thần của họ, nơi củng cố đức tin, niềm tin và hy vọng vô biên của họ. Sự triệt hủy cái ĐỀN đồng nghĩa với sự triệt hủy đức tin, niềm tin và hy vọng của họ. Khi tinh thần và đức tin của họ bị giao động, họ phải chịu cảnh đọa đày. Trong kiếp sống đọa đày và ly hương suốt 2000 năm, họ tự xây ĐỀN trong tâm hay khi có dồi dào tiền bạc, họ xây ĐỀN ở những nơi họ cư trú. Họ tin Đức Jehovah luôn luôn bên họ. Họ phát triển và duy trì niềm tin ngày mai ở thành Jerusalem trong lời chào hỏi hàng ngày. Họ gìn giữ tiếng Hebrew trong gia đình. Họ bảo tồn dòng giốngduy trì mọi cổ tục Do Thái. Họ nói ngôn ngữ nơi họ sống, phục vụ tốt quê hương nuôi sống họ nhưng vẫn nửa hồn cho đất mới, nửa hồn cho đất tổngôn ngữ Hebrew bất diệt. Sự thành lập quốc gia Do Thái năm 1948, sự hồi sinh một ngôn ngữ đã chết trên 2000 năm và sự biến cải sa mạc nóng bỏng với những đồi núi khô cằn thành những cánh đồng xanh phủ đầy vườn cây ăn trái và cây lương thực là một phép lạ. Thành quả nầy không thể có nếu không có một đức tin vững chắc trải qua vô vàn thử thách: nhục nhã vì nghèo đói và phiêu bạt không quê hương; bị ghét bỏ vì không dễ dàng bị các dân tộc khác đồng hóa khi kiên trì đức tin của mình với giáo đường, nghĩa địa, tập tục và ngôn ngữ riêng; bị suy bì ganh tỵ khi học hành tốt, giàu có và thành công trên nhiều lảnh vực hoạt động khác nhau trên thế giới.

ĐỀN ở Do Thái chỉ thờ Đức Jehovah. ĐÌNH ở Việt Nam thờ đa Thần. Các vị Thần Hoàng đều là người Việt Nam do vua sắc phong. Thần có thể là anh hùng dân tộc, tướng lãnh hữu công, nhà kinh tế nông nghiệp, nhà cai trị nhân đức ở địa phương, nhận tài ở địa phương, người chết nhằm giờ linh được nhiều người công nhận, v.v… Thần Hoàng có ba đẳng cấp khác nhau:

1- Thượng Đẳng Thần.
2- Trung Đẳng Thần.
3- Hạ Đẳng Thần.

Hàng năm Xuân, Thu nhị kỳ đều có lễ cúng Đình. Đó là cơ hội để dân làng gặp nhau để tưởng nhớ đến vị Thần Hoàng đã mang lợi ích cho dân địa phương khi còn sống cũng như phù hộ cho họ khi đã khuất. Chính tinh thần yêu nước của người Việt Nam được thể hiện qua việc thờ cúng anh hùng dân tộc trong ĐÌNH. Dưới thời Pháp thuộc dân chúng ở Rạch Giá vẫn thờ Nguyễn Trung Trực, một anh hùng chống Pháp từng chiếm Rạch Giá cả tuần lễ, sau bị bắt và bị xử tử ở Rạch Giá. Sự tôn thờ ấy quả là một sự thách thức lớn đối với người Pháp vậy.

Năm 1954 gần một triệu người Việt Nam ở miền Bắc rời bỏ vùng Cộng Sản kiểm soát để vào Nam. Họ rời khỏi nơi sinh quán ở miền Bắc nhưng vẫn còn sống trên phần đất của quê hương ở phía Nam. Từ năm 1975 đến 1990 có trên hai triệu người Việt Nam vượt biên tìm tự do và lẽ sống sau khi chánh phủ Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ. Ngày xưa người Do Thái bị ngoại nhân xâm chiếm. Họ bị cưỡng bách phải sống ly hương. Trường hợp người Việt Nam ở 80 quốc gia trên thế giới hiện nay không giống như thế. Họ bị chính người Cộng Sản đồng chủng và đồng bào của họ cướp tự do, lẽ sống, tư hữu và cả tương lai của con cái họ đến nỗi không thể nào sống nổi tại quê hương nên không còn cách nào khác hơn là phải chấp nhận những hiểm nguy trên biển cả hay trong rừng sâu Cambodia để tìm sinh lộ, niềm tin và hy vọng cho một tương lai sáng sủa hơn cho chính họ và thế hệ mai hậu. Trước năm 1975 cũng có một số sinh viên du học ở Pháp, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Canada, Liên Sô, Trung Hoa Cộng Sản và các nước Đông Âu không về nước. Những người nầy đã sống ly hương một cách tự nguyện vì nhiều lý do riêng khác nhau chớ không giống như những người đồng hương và đồng chủng của họ sau năm 1975. Cũng không thể so sánh những đối tượng nầy với người Do Thái trong cảnh sống ly tán rải rác khắp hoàn cầu sau năm 70 sau Tây Lịch.

Sau nhiều thăng trầm trong các cuộc đấu tranh sinh tồn của các bộ lạc du mục thời cổ ở Trung Đông giữa người Phoenicians, Canaanites, Assyrians, Sumerians, Hittites, Hurrians, Amorites, Elamites, Philistins,... chỉ có người Do Thái (Semites) còn tồn tại và lập quốc sau trên 2000 năm vong quốc và sống ly tán trên khắp năm châu.

Trong quá trình bành trướng Hán tộc các dân tộc trong nhóm Bách Việt ở miền nam sông Yang Tze (Dương Tử) đều bị Hán hóa. Chỉ có nhóm người Việt trên châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả và sông Chu không bị đồng hóa và có quốc gia riêng biệt mặc dù trải qua trên 1000 năm Bắc thuộc. Sau hàng ngàn năm Bắc thuộc  và nhiều thế kỷ dài nội chiến và nội loạn, lại còn bị các dân tộc láng giềng ở phía nam và phía tây sách nhiễu, dân tộc Việt Nam đã viết ra lịch sử bằng huyết lệ của mình. Như một phép lạ dân tộc ấy đã dùng sự dũng cảm, mồ hôi, nước mắt và xương máu của mình để nới rộng lảnh thổ từ vĩ tuyến 18 xuống đến vĩ tuyến 8độ 33' trong vòng bảy thế kỷ.

Do Thái có DAVID được xem là một vị tướng bất bại. Việt Nam có NGUYỄN HUỆ cầm quân từ năm 19 tuổi và bất bại suốt cả đời binh nghiệp của mình. David là người chăn chiên và Nguyễn Huệ xuất thân từ một gia đình nông dân. Cả hai không có nhiều cơ hội học hành cũng không được huấn luyện quân sự ở một trường võ bị nào. Nhưng cả hai được trui rèn trong môi trường sống. David từng giết gấu và sư tử vồ chiên, trừu mà ông chăn ngoài đồng. Nguyễn Huệ sống trong vùng rừng núi có nhiều dã thú nên trong vùng sinh quán của ông dân chúng rất giỏi võ nghệ. Bản thân Nguyễn Huệ khi còn trẻ đã đánh hạ một con cọp. Thành tích nầy giúp cho ông chỉ huy đám quân ô hợp của Tây Sơn dễ dàng khi ông mới 19 tuổi và ông đã biến đạo quân ô hợp nầy trở thành đạo quân bất bại trong lịch sử Việt Nam. David và Nguyễn Huệ đều xưng vương. Chiến công của David làm cho vua Saul ghen ghét ông mặc dù Saul ràng buộc David bằng cách gả con gái cho ông. David không hân hạnh trở thành phò mã của Saul. Saul gả con cho David vì e ngại David sẽ lật đổ mình. Cuối cùng sự lo ngại ấy cũng không tránh khỏi. Vua Lê Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ với hy vọng nhờ Nguyễn Huệ bảo vệ ngai vàng chống lại sự lộng quyền của họ Trịnh. Saul ganh tỵ chiến tích quân sự của David giống như Nguyễn Nhạc ganh tỵ thành tích diệt họ Trịnh của Nguyễn Huệ khi đem quân ra Bắc Hà mà không có lịnh của ông. Hai anh em nhà Tây Sơn xích mích kể từ đó để đất nước có ba chánh quyền: hai chánh quyền của nhà Tây Sơn ở miền Trung và miền Bắc và chánh quyền của Nguyễn Ánh ở miền Nam. Nguyễn Huệ tự xưng là hoàng đế Quang Trung, ngự trị từ Bến Ván ra đến biên giới Việt Hoa. Nguyễn Nhạc là hoàng đế Thái Đức, ngự trị từ nam Bến Ván đến Bình Thuận. Nguyễn Ánh kiểm soát vựa lúa trên đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long.

Năm 1789 quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của hoàng đế Quang Trung đã đánh đuổi 200.000 quân Mãn Thanh ra khỏi nước trong một cuộc chiến tranh chớp nhoáng kéo dài 6 ngày (từ 30 đến mống 5 Tết Kỷ Dậu - 1789). Năm 1967 Do Thái đánh bại 230.000 liên quân Ai Cập, Syria và Jordan trong cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày (từ 05 đến 10 tháng 6 năm 1967).

Trải qua chiều dài lịch sử hàng ngàn năm Do Thái và Việt Nam là hai nước có chinh chiến triền miên.

Do Thái phải chiến đấu chống lại các bộ lạc du mục trong vùng, chống lại Ba Tư (Persia tức Iran bây giờ), Hy Lạp thời Alexander Đại Đế, Ai Cập và Đế Quốc La Mã. Sau cuộc vong quốc năm 70 sau Tây Lịch dải Đất Hứa của họ đặt dưới sự thống trị của Đế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó không lâu đó là bãi chiến trường trong cuộc Thánh Chiến giữa người Thiên Chúa Giáo Âu Châu và người Hồi Giáo chiếm Thánh Địa Jerusalem. Sau đệ nhất thế chiến vùng Đất Hứa và toàn thể các quốc gia Hồi Giáo thuộc Đế Quốc Thổ Nhĩ Kỳ trước kia đặt dưới sự ủy trị của Anh và Pháp.

Sau vụ án oan nghiệt và bất công mà tòa án quân sự Pháp dành cho đại úy Dreyfus năm 1894, tiến sĩ Theodor Herzl (1860-1904) tổ chức Đại Hội Phong Trào ZIONISM Thế Giới tại Vienna để bàn về việc thành lập quốc gia Do Thái hầu tránh những bất công và kỳ thị của các dân tộc khác dành cho người Do Thái ly hương và vô tổ quốc (1897). Ông không thành công như ý muốn. Phong trào lập quốc trở nên quyết liệt vì những chánh sách bài xích và thảm sát người Do Thái của Hitler trong đệ nhị thế chiến. Năm 1948 quốc gia Do Thái chào đời giữa tiếng đạn pháo tấn công từ các quốc gia Á Rập láng giềng (Ai Cập, Jordan -  lúc bấy giờ là Transjordan, Syria, Iraq, Lebanon). Từ đó đến nay, ngoài những cuộc chiến tranh lớn vào năm 1948, 1956 (chiếm bán đảo Sinai), 1967 (chiến tranh sáu ngày), 1973 (chiến tranh Yom Kippur từ 06 đến 26 tháng 10), 1982 (tiến chiếm nam Lebanon), 2006 (tấn công miền Nam Lebanon)..., Do Thái luôn luôn ở trong tình trạng bị các nước Hồi Giáo láng giềng đe dọa đòi chấm dứt sự hiện hữu của quốc gia họ ở Trung Đông.

Việt Nam trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, nhiều thế kỷ nội chiến và nội loạn. Ngoài việc chiến đấu chống sự xâm lấn lãnh thổ của nhà Tống (Song), sự xâm lăng của nhà Nguyên (Yuan), sự xâm chiếm của nhà Minh (Ming) và nhà Thanh (Qing); dân tộc Việt Nam còn phải đương đầu với những sự quấy phá của Lảo Qua (Lào) ở phía Tây và Chiêm Thành ở phía Nam; sự xâm lăng của Pháp, sự chiếm đóng của Nhật và sự can dự của Pháp, Trung Hoa Cộng Sản, Liên Sô, Hoa Kỳ vào vấn đề Việt Nam; dân tộc Việt Nam không ngừng chịu gian khổ để đối phó với lụt lội, bão tố, hạn hán, hoàng trùng tàn phá mùa màng.

Nếu từ thời Cựu Ước Kinh người Do Thái biết dùng mỹ nhân kế trong chiến tranh cũng như trong việc chi phối đường lối chánh trị của các nhà độc tài bài Do Thái như Hitler hay Stalin thì trong lịch sử Việt cũng có nhiều đám cưới chánh trị. Họ Nguyễn từ Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên đến Nguyễn Ánh,... đều biết dùng mỹ nhân làm phương tiện chánh trị. Nguyễn Kim gả con gái cho Trịnh Kiểm để có một cộng sự viên trung thành và giỏi về quân sự tuy rằng Trịnh Kiểm xuất thân từ một gia đình nghèo khổ. Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế để đánh bại quân nhà Mạc và giết tướng Lập Bạo, Nguyễn Phúc Nguyên gả một người con gái cho vua Chân Lạp và một người con gái khác cho vua Chiêm Thành để tiến hành cuộc Nam tiến trong hòa bình. Nguyễn Ánh gả em gái cho Võ Tánh để mua chuộc lòng trung thành của ông nầy giữa lúc anh của Võ Tánh là Võ Nhân chống lại Nguyễn Ánh sau khi Nguyễn Ánh giết tướng Đỗ Thành Nhân.

Sự dị biệt giữa Do Thái và Việt Nam rất lớn.

Người Do Thái góp mặt trong cộng đồng thế giới từ thời Cựu Ước Kinh. Mộ của nhà tiên tri Daniel (thế kỷ V trước Tây Lịch) ở Tashkkent thuộc xứ Uzbekistan, một cựu Cộng Hòa Sô Viết ở Trung Á. Về địa điểm chôn nhà tiên tri Daniel người ta còn nhắc đến Susa ở Iran và Kirkuk ở Iraq. Sau năm 70 sau Tây Lịch người Do Thái lưu lạc khắp các lục địa Á-Âu-Phi rồi Mỹ Châu và Đại Dương Châu. Người Việt Nam là dân tộc da vàng đến Hoa Kỳ sau tất cả các dân tộc khác trên thế giới kể cả Mông Cổ, Tây Tạng và Triều Tiên. Thế giới quan của người Do Thái rất rộng trong khi kiến thức của đa số dân ta về thế giới bên ngoài bị giới hạn bởi lũy tre làng với phép vua thua lệ làng, những cổ tục đầy mê tín dị đoan hơn là màu sắc tôn giáo.

Do Thái có chữ viết (Hebrew), luật lệ (Mười Điều Răn), tôn giáo độc thần (Judaism - Do Thái Giáo) ngay từ thời mông muội của nhân loại. Người Việt Nam tiếp nhận Khổng, Lão, Phật Giáo từ người Trung Hoa. Khổng Giáo và Lão Giáo xuất phát từ Trung Hoa. Phật Giáo xuất phát từ Nepal nhưng Phật Giáo đại thừa ở Việt Nam là Phật Giáo Hán hóa với hàng hà sa số Phật đến nỗi người khai sáng Phật Giáo chỉ có một tượng nhỏ trong chùa. Ý niệm đa thần giáo từ Trung Hoa ảnh hưởng sâu đậm đến người Việt Nam khi thờ Ông Địa, Thổ Thần, Thần Tài, Thần Táo, v.v... Trong quá khứ Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Người Việt Nam có vẻ thưởng thức truyện Tàu, thức ăn của các cao lâu Tàu cũng như phim ảnh Tàu sâu đậm hơn cả. Việc Nhật cử hành Tết Dương Lịch và tỷ lệ 30% dân số Nam Hàn theo đạo Tin Lành và Thiên Chúa Giáo là những tín hiệu Tây Phương hóa của họ tách rời ra khỏi quĩ đạo văn hóa Trung Hoa. Kết quả là hai quốc gia Đông Á da vàng nầy đã có những tiến bộ kinh tế và khoa học kỹ thuật khả quan trên thế giới.

Thế giới biết đến Do Thái từ lâu qua quyển Thánh Kinh, tiên tri Daniel, Chúa Jesus, những đóng góp của người Do Thái trên mọi lãnh vực hoạt động trên thế giới và những chiến tích của họ sau ngày lập quốc. Thế giới mới để ý đến Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh kéo dài từ sau đệ nhị thế chiến đến năm 1975, trong đó Pháp và Hoa Kỳ đóng vai chủ động. Như đã nói, trên thế giới có ít ra 30% các nhà bác học lảnh giải thưởng Nobel mang dòng máu Do Thái trong người. Từ năm 1948 đến nay riêng quốc gia Do Thái có 10 người được giải Nobel. Người Do Thái trên thế giới lối 15 triệu người. Những cống hiến của họ trên lãnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chánh, văn hóa, nghệ thuật, truyền thông... không chối cãi được. Nước Do Thái có không đến 7 triệu dân vừa phải vất vả lao động để bờ biển dải Đất Hứa khô cằn thành những cánh đồng xanh tươi để có sữamật, vừa chiến đấu chống lại những người láng giềng không muốn thấy họ hiện diện trong vùng, vừa tiếp nhận những thành kiến lạnh lùng, bất thân thiện từ vô số người khác. Họ vẫn hiện hữu một cách danh dự và hào hùng bằng những thành quả kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật xuất phát từ trí tuệ, công sức lao động và niềm tin sắt đá vào sự sống còn và tương lai sáng lạn của mảnh Đất Hứa của 7 triệu người đang cần một Tổ Quốc để nương thân. Thủ tướng Ben Gurion, người có công lớn trong việc lập quốc Do Thái, sau khi rời khỏi chánh quyền, vào sa mạc canh tác và chăn nuôi cùng các nông dân khác. Một nhà lãnh đạo tài ba và khiêm tốn như vậy khích lệ mọi công dân hăng say trong việc đóng góp trí tuệ và công sức mình cho công cuộc kiến thiết quê hương. Du khách đến Do Thái sẽ ngạc nhiên khi được biết có người lái tắc xi trong thành phố hay một nông dân trong sa mạc Neguev từng là giáo sư đại học ở Âu Châu hay Mỹ Châu. Với những nhà lãnh đạo tài năng, khiêm tốn và liêm khiết và những công dân lỗi lạc, ưu tư sẵn sàng từ bỏ đời sống nhung lụa ở nước ngoài để về quê hương tổ phụ cày ruộng, lái tắc xi, làm thợ trong công trường... thì bảo đảm đất nước ấy phải phồn vinh và hùng mạnh.

Đó là sự khác biệt giữa Ben Gurion với "Bác Hồ" và những người cầm quyền Cộng Sản ở Việt Nam thời hậu Hồ Chí Minh. Ben Gurion lập quốc gia Do Thái (1948). Lee Kwan Yew (Lý Quang Diệu) lập quốc gia Singapore (1965). Với những thành quả lẫy lừng được toàn thế giới ngưỡng mộ nhưng cả hai đều không nhận mình là Cha Già Dân Tộc như "Bác Hồ". Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Nước Pháp từng bị Đức chiếm đóng trong đệ nhị thế chiến, uể oải vì sự tàn phá của chiến tranh và cách xa thuộc địa hàng chục ngàn cây số, thế nhưng Hồ Chí Minh phải nhận cố vấn và võ khí của Trung Hoa Cộng Sản để đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ để phải chấp nhận chia đôi đất nước! Đánh đuổi một ngoại nhân ra khỏi nước để đón hai ngoại nhân vào (Trung Hoa Cộng Sản và Liên Sô) và có một đất nước qua phân! Đó là cuộc chiến tranh Thần Thánh sao? Ben Gurion vào sa mạc làm nông và chăn nuôi chớ không có vườn rau được tưới bằng nước lọc tinh khiết như Tổng Bí Thơ Lê Khả Phiêu và cũng không có dinh thự sang trọng như bất cứ vị cầm quyền Cộng Sản nào từ cấp xã đến cấp trung ương ở Việt Nam. Sau các trận đánh sĩ quan Do Thái thường bị tử trận rất nhiều. Sự xông pha trận mạc của các sĩ quan động viên tinh thần của quân sĩ rất nhiều. Do Thái là một quốc gia dân chủ, luật pháp rất nghiêm minh. Tổng thống Moshe Katsav (2000-2007) bị tòa án tuyên xử 7 năm tù vì tội hiếp dâm và sách nhiễu tình dục (2011). Con trai thủ tướng Sharon bị điều tra khi ông tại chức vì có 500.000 Mỹ kim không rõ nguồn gốc.

Việt Nam có 90 triệu dân từng có một quá khứ oanh liệt sao bây giờ lại thấy mình bé bỏng và yếu hèn trước cường lân phương bắc? Quyền hành, lợi lộc, sự hưởng thụ vật chất không do công sức và khả năng của mình làm ra chỉ làm tê liệt lòng dũng cảm hơn là gây phấn chấn tinh thần. Trên thế giới có biết bao nhiêu quốc gia nhỏ và ít dân như Do Thái, Na Uy, Thụy Điển (Na Uy và Thụy Điển khá rộng lớn nhưng thưa dân, lại nằm cạnh nước Nga khổng lồ), Đan Mạch, Hòa Lan, Bỉ, Lục Xâm Bảo (Luxemburg), Thụy Sĩ, Singapore,... vẫn sống sung mãn, hạnh phúc và danh dự, không phải sợ sệt, khép nép trước một quốc gia láng giềng to lớn và đông dân nào cả. Dân chúng ở các nước ấy được tự do, no ấm và được hưởng trọn vẹn quyền làm người. Đất nước được phồn vinh và tiến bộ.

Do Thái đi từ vong quốc 2.000 năm đến lập quốc và quyết tâm bào quốc và vệ quốc.

Việt Nam có tổ quốc lại tự nguyện đi vào con đường vong quốc với:

– Hiệp ước 1999, 2000 nhượng đất và biển, đảo cho Cộng Sản Trung Hoa.

– Ngoại giao "Bốn tốt" và "Mười Sáu Chữ Vàng".

– Cho Trung Hoa Cộng Sản khai thác quặng mỏ, lập nhiều công ty và nhà máy sử dụng thuần công nhân người Hoa từ Bắc chí Nam. Trong tỉnh Bình Dương họ thành lập Đông Đô Đại Phố, một thành phố hiện đại nơi cư dân thuần là người Hoa. Chữ Hán đầy dẫy ở những nơi có công nhân người Hoa. Nhiều tên đường mới mang chữ Hán. Chùa chiền tân lập, đình miếu cũng đầy chữ Hán. Trường học ở Việt Nam bị khủng hoảng vì thiếu thầy dạy tiếng Quan Thoai!

– Cho người Trung Hoa thuê đất trồng rừng ở các tỉnh biên giới Việt-Hoa.

– Cho người Trung Hoa lục địa ồ ạt vào Việt Nam tự do và dễ dàng hơn sự đi lại trên đất nước của chính họ.

– Tổ chức ngày Thăng Long năm 2010 đúng vào ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Cộng Sản (01-10) và bế mạc đúng vào ngày Quốc Khánh của Taiwan (Đài Loan-Trung Hoa Dân Quốc) (10-10).

– Tự nguyện cho cờ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc thêm một ngôi sao nhân ngày Nguyễn Phú Trọng sang Beijing (10-2011) và ngày Xi Jinping (Tập Cận Bình) đến Hà Nội (12-2011).

– Đàn áp, bắt bớ và cầm tù những người biểu tình chống Trung Hoa Cộng Sản xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, ngang ngược tự cho mình có chủ quyền trên lãnh hải Việt Nam. Nguyễn Chí Vịnh được phái sang Beijing, hứa sẽ có biện pháp mạnh không để cho những cuộc biểu tình như vậy tái diễn.

Đó là tính ưu việt của đảng Cộng Sản Việt Nam sao?

Người được gọi là Bác Hồ "cha Già Dân Tộc" là:

– Người chủ trương tiêu diệt TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO khi thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam đổi thành đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930. Tiêu diệt Trí, Phú, Địa, Hào là tiêu diệt vôn trí tuệ và sáng kiến của dân tộc. Lợi ích gì? Có lợi cho ai?

– Người gọi Lenin là cha, là thầy, là cố vấn và gọi anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn lá "bác". Cách xưng hô khép nép đầy tính nô dịch và thần phục nầy chưa hề được tìm thấy nơi bất cứ vị lãnh đạo quốc gia chân chính nào trên thế giới.

– Người đã đặt tên núi Các-Mác và suối Lê-Nin ở Pắc Bó (1) như nhắc nhở đến công cha và nghĩa mẹ của mình vậy. Karl Marx khinh bỉ phương thức sản xuất Á Châu. Lenin, Stalin xem trọng công nhân và khinh thường nông dân. Đảng Cộng Sản là đảng của giai cấp công nhân. Nơi nào Cộng Sản nắm chánh quyền, dù là Cộng Sản Sô Viết hay cộng Sản Maoist, nông dân là những người bị đói và bị đàn áp trước hết vì chánh quyền Cộng Sản tập thể hóa nông nghiệp và thâu lúa do nông dân sản xuất đem ra thành phố nuôi công nhân. Nông dân có thể chết đói hay ăn khoai dù sản xuất lúa gạo nhưng công nhân được cấp 14 kí-lô gạo điều hòa hàng tháng. Marx và Lenin có biết gì về Việt Nam đâu mà công cha với nghĩa mẹ. Điều nầy nói lên sự trung thành và biết ơn của "Bác Hồ" đối với người xây dựng thành trì Cộng Sản thế giới. "Bác Hồ" được Liên Sô huấn luyện hai lần (1924, 1934) và trả lương để phục vụ cho Liên Sô hay phục vụ cho Việt Nam? Câu trả lời có lẽ không khó đối với bất cứ người nào có lý trí bình thường. Trên đường phục vụ Liên Sô, Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc và nước Việt Nam vào vòng nô lệ bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu dân tộc cùng tài nguyên tổ quốc lại còn được gọi là "Cha Già Dân Tộc" một cách tôn kính.

– Chủ trương xóa bỏ biên giới để "Tôi dắt năm châu đến đại đồng" (HCM) vẫn biết rằng Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản cổ xúy các nước nhỏ lân bang xóa bỏ biên giới giữa lúc họ đánh nhau vì tranh chấp biên giới năm 1969. Trung Hoa Cộng Sản mở chiến tranh biên giới với Ấn Độ (1962) và Việt Nam khi quốc gia Cộng Sản nầy có đường lối thân Liên Sô (1979, 1984).

Như vậy hiện nay các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đang hoàn thành chữ HIẾU mà Bác Hồ, "Cha Già Dân Tộc" của họ, theo đuổi dở dang. Để báo HIẾU với Marx, Lenin, Stalin, Mao Zedong (Mao Trạch Đông), ông phải dùng bạo lực, sắt, máu và lửa để đưa đất nước cùng toàn dân tộc vào vòng nô lệ Liên Sô  và Trung Hoa Cộng Sản. Liên Sô không còn nữa nên chỉ còn báo HIẾU cho Trung Hoa Cộng Sản mà thôi. Sự im lặng của 90 triệu người Việt Nam là ấn dấu của sự sợ sệt, lãnh đạm hay tán đồng? Người ta trông chờ câu trả lời cụ thể từ các vị lãnh đạo tôn giáo từng xuống đường rầm rộ ở miền Nam từ năm 1963 đến 1975, các nhà trí thức và những tầng lớp được gọi là trụ cột của nước nhà vì họa vong quốc càng ngày càng đậm nét. Việc thâu hồi Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn phù vân dật dờ trong khi việc mất nước Việt Nam vào tay Cộng Sản Trung Hoa càng ngày càng hiển nhiên và khó tránh khỏi do sự tự nguyện Hán hóa của các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam.

*

Giữa người và người vẫn có sự giống nhau về tướng mạo, tiếng nói và đôi khi cả về định số nữa tuy rằng sự tương đồng không đạt đến 100%. Giữa các quốc gia và các dân tộc vẫn có một số điểm tương đồng và dị biệt về định mệnh lịch sử tuy không cùng chủng tộc, tôn giáo, hoàn cảnh xã hội, kinh tế, lịch sử và địa lý, nhưng tất cả đều không thoát khỏi định luật:

Mạnh được, yếu thua.
Khôn sống, dại chết.

hay phải chấp nhận một cách thụ động:

Lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng.
(La raison du plus fort est toujours la meilleure)

Phản ứng hữu hiệu trước kẻ hung bạo và ngang ngược là phải can cường và mạnh dạn bộc lộ ý chí muốn sinh tồn của 90 triệu người vì:

Run sợ, than khóc hay van xin đều hèn nhát như nhau.
(Gémir, pleurer, prier est également lâche)

Đó là cảm nghĩ thô thiển của người đã chọn và viết tiểu đề ngắn ngủi nầy.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

_________________

Chú thích:

(1) Công cha như núi Thái Sơn (Núi Các-Mác)
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (Suối Lê-Nin)
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

 


Cái Đình - 2012