Phạm Đình Lân
Thế giới vào năm Thìn
Qua kinh nghiệm sống, tiền nhân chúng ta nhận xét về năm Thìn bằng những chữ ngắn gọn: năm Thìn bão lụt, nghĩa là năm Thìn gắn liền đến bão lụt, sông nước, tàu bè, phi cơ. Vì ngoài việc vẫy vùng ngoài biển cả, Rồng còn có thể bay được. Rồng là biểu tượng của sức mạnh và sự tác hại.
Dùng kinh nghiệm tiền nhân, chúng ta thử xét qua thế giới vào những năm Thìn trong thế kỷ qua và ghi lại những kết quả như sau:
– Năm 1904: Chiến tranh Nga-Nhật bùng nổ bằng trận đánh trên cảng Port Arthur (Lữ Thuận). Hạm đội Thái Bình Dương của Nga hoàn toàn tê liệt.
– Năm 1916: Trận hải chiến Anh-Đức diễn ra ở Jutland, Đan Mạch, trong đệ nhất thế chiến. Tin tức về kết quả trận đánh nầy được Anh giữ bí mật. Thoạt tiên có tin Đức thắng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ. Thân sinh cố tổng thống Kennedy phát đạt nhờ biến cố nầy sau khi Anh chánh thức công bố sự chiến thắng của họ trong trận hải chiến Jutland.
– Năm 1928: Thế giới đứng trước hiểm họa khủng hoảng kinh tế. Nạn lụt do sông Thames gây ra làm thiệt hại tài sản và nhân mạng ở London và Milliband. Lụt ở Gannain, Úc Đại Lợi, làm gián đoạn các chuyến xe lửa Bắc-Nam. Hai hạt Ulter và Sullivan trong tiểu bang New York bị thiệt hại nặng nề. Nhiều cầu bị nước cuốn sập.
– Năm 1940: Chiến tranh gia tăng cường độ trên thế giới. Đức chiếm miền bắc nước Pháp, tấn công Liên Sô. Liên Sô chiếm Estonia, Latvia, Lithuania. Nhiều trận hải chiến bùng nổ ở Narvik, Taranto, Mers-el Kebir, Cap Spartivento, Punta Stilo, eo biển Otranto v.v…
– Năm 1952: Hải quân Hoa Kỳ hoạt động ráo tiết trong chiến tranh Triều Tiên nhằm phong tỏa cảng Wonsan của Bắc Hàn. Vào năm nầy Việt Minh nắm phần chủ động trên chiến trường Bắc Việt với sự viện trợ tích cực của Trung Hoa Cộng Sản. Nạn lụt tàn phá Biên Hòa và Phan Thiết.
– Năm 1964: Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về Vịnh Bắc Việt cho phép tổng thống Johnson hành động ở Việt Nam. Hoa Kỳ bắt đầu oanh tạc Bắc Việt.
– Năm 1976 Zhou Enlai (Châu Ân Lai), Mao Zedong (Mao Trạch Đông) chết. Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt trên lục địa Trung Hoa. Tangshan (Đường sơn) bị thiệt hại nặng nề vì động đất. Ở Hoa Kỳ có nạn lụt trên đập Teton nằm trên sông Teton trong tiểu bang Idaho. Nạn lụt nầy gây thiệt hại đến 2 tỷ Mỹ Kim, có 11.000 con bò chết. Nạn lụt khác do sông Big Thompson, một chi nhánh của sông South Platte ở Colorado, gây thiệt mạng cho 143 người, 400 chiếc xe hơi và 418 căn nhà bị nước cuốn đi.
– Năm 1988: Hải quân Trung Hoa Cộng Sản tấn công hải quân Cộng Sản Việt Nam và chiếm một phần của quần đảo Trường Sa (Spratly Islands).
– Năm 2000 Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ký nhượng đất đai, lãnh hải, hải đảo cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Âu Châu, Đông Nam Á, Mễ Tây Cơ, Miami (Hoa Kỳ) bị lụt. Bão lớn ở Hoa Kỳ là bão Keith và ở Đông Nam Á là bão Xangsane.
Năm 2012 là năm Nhâm Thìn thuộc hành Thủy. Màu Thủy tương ứng với màu đen và hướng Bắc. Vậy con Rồng năm 2012 là Hắc Long. Màu đen gợi lên sự ghê rợn của Giặc Tàu Ô, Giặc Cờ Đen, của hải tặc giết người cướp của ngoài biển. Nó cũng gợi lên đảng Hắc Long của Nhật giữa hai thế chiến. Đảng nầy đòi đưa biên cương Nhật Bản đến tận bờ Hei Longjiang (Hắc Long Giang). Dòng sông Hắc Long vẫn là nguồn gốc tranh chấp lãnh thổ âm ỉ giữa Trung Hoa Cộng Sản và Liên Sô và Liên Bang Nga ngày nay.
Năm 2012 bắt đầu bằng những vụ chìm tàu ở Indonesia, Phi Luật Tân. Một chiếc tàu mang quốc tịch Cambodia chìm trong Hắc Hải thuộc hải phận Thổ Nhĩ Kỳ. Quan trọng nhất là chiếc du thuyền Ý Costa Concordia chở 3.200 du khách ngoại quốc và 1.000 thủy thủ đoàn và nhân viên phục vụ dưới tàu, mắc cạn và chìm vì chạy sát bờ gần Giglio, Ý Đại Lợi. Đây là chiếc tàu 13 từng với đầy đủ tiện nghi dành cho du khách giàu có từ các nước đến để du ngoạn trên Địa Trung Hải. Tai nạn của tàu Costa Concordia không khủng khiếp như tàu Titanic cách đó một thế kỷ, nhưng nó tạo cho người bàng quan suy nghĩ vì sự việc đáng tiếc đáng lý không xảy ra. Nhưng nó xảy ra vào ngày thứ sáu 13 khiến cho nhiều người bị ám ảnh bởi ngày thứ sáu 13 xui xẻo theo sự tin tưởng của người phương Tây như người Việt Nam tin vào các ngày mồng 5, 14, 23 hay ngày tam nương, sát chủ v.v… Theo sau tàu Costa Concordia, một chiếc tàu hàng chở 350 hành khách bị chìm ngoài khơi Papua New Guinea.
Trên tầm vóc quốc tế hải quân Iran tập trận trong Vịnh Ba Tư và tuyên bố sẽ phong tỏa eo biển Hormuz nối liền Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) với biển Á Rập dễ như "uống một ly nước" nếu Hoa Kỳ và các nước Tây phương có những biện pháp mới nhằm trừng phạt Iran để ngăn chận nước nầy không sản xuất võ khí nguyên tử. Vệ Binh Cộng Hòa của Iran cỡi xe gắn máy trang bị súng phóng lựu tập trận dọc theo bờ Vịnh thuộc Iran. Hoa Kỳ công bố những biện pháp tài chánh nhằm ngăn chận việc bán dầu thô của Iran với mục đích làm kiệt quệ nguồn tài chánh để Iran ngưng theo đuổi chương trình nguyên tử của họ. Kinh tế của Iran dựa vào việc bán dầu thô cho các nước Âu Châu và Á Châu kể cả Nhật, Ấn Độ, Trung Hoa Cộng Sản và Đại Hàn. Lịnh trừng phạt được Hoa Kỳ công bố vào đầu năm 2012, nhưng cho đến nay chưa thấy Iran phong tỏa eo biển Hormuz, thủy lộ duy nhất dùng để chuyên chở dầu hỏa xuất cảng và hàng nhập cảng ra vào Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Liên Bang Á Rập Emirates, Oman. Hoa Kỳ có Đệ Ngũ Hạm Đội trong Vịnh Ba Tư. Bộ Tư Lịnh đóng ở Manama, Bahrain. Khi có những cuộc biểu tình của người Bahrain theo Hồi Giáo Shiite, hạm đội về Qatar, một đồng minh Hồi Giáo gắn bó với Hoa Kỳ từ cuộc Chiến Tranh Vùng Vịnh năm 1991, nhằm đánh đuổi quân Iraq xâm lăng ra khỏi Kuwait và trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Đệ Ngũ Hạm Đội Hoa Kỳ có nhiệm vụ đảm bảo an ninh chiến lược trên Hồng Hải, Vịnh Ba Tư và Biển Á Rập. Qatar là quốc gia nhỏ trong Liên Đoàn Á Rập mạnh dạn nhìn nhận Chánh Quyền Chuẩn Tiếp Libya chống nhà độc tài Qadafi ngay trong những giây phút đầu tiên của cuộc nổi dậy. Hoa Kỳ huy động thêm tàu chiến tiến về Vịnh Ba Tư. Iran yêu cầu tàu Hoa Kỳ không được vào Vịnh Ba Tư và đe dọa rằng họ "không có thói quen lập lại chuyện gì hai lần". Hoa Kỳ vẫn im lặng cho tàu bè của họ vào Vịnh Ba Tư nhưng chưa thấy phản ứng mạnh của Iran.
Iran bán dầu thô nhưng phải mua xăng dầu từ nước ngoài. Lịnh cấm vận lần nầy ảnh hưởng nhiều đến kinh tế và tài chánh của họ. Nhưng họ vẫn cương quyết theo đuổi chương trình nguyên tử và có lời hằn học với Hoa Kỳ, Do Thái, các nước Liên Âu và các nước Á Rập thân Hoa Kỳ nằm trong vùng Vịnh Ba Tư. Đó là những xứ nhỏ, ngoại trừ Saudi Arabia, tất cả đều ít dân nhưng dồi dào dầu hỏa (khoảng 30% sản lượng dầu hỏa sản xuất trên thế giới). Vì vậy Vịnh Ba Tư là sinh thủy lộ quan trọng chẳng những đối với các quốc gia kỹ nghệ Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật, Ấn Độ và Trung Hoa Cộng Sản. Phong tỏa eo biển Hormuz đồng nghĩa với việc bóp chết sự sống của các nước Saudi Arabia, Kuwait, Iraq, Qatar, Bahrain, Liên Bang Á Rập Emirates, Oman và bóp nghẹt nguồn cung cấp dầu cho các nước kỹ nghệ trên thế giới. Nó cũng đồng nghĩa với chiến tranh.
Hoa Kỳ lo ngại Iran chi phối Iraq, quốc gia có trên 70% dân số theo đạo Hồi phái Shiite. Trong thời kỳ chiến tranh Iraq-Iran (1980-1988) nhiều lãnh đạo phái Shiite né tránh sự đàn áp của Saddam Hussein thuộc phái Sunni bằng cách chạy sang Iran. Cuối năm 2011 quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Iraq. Người ta lo ngại nội chiến giữa người Iraq Hồi Giáo Sunni và Hồi Giáo Shiite. Chánh phủ thời hậu Saddam Hussein do người Hồi Giáo Shiite đảm trách. Iran có nhiều thuận lợi về địa lý, tôn giáo (Hồi Giáo phái Shiite) và nhân văn ở Iraq. Về phương diện kinh tế, quân sự và khoa học kỹ thuật, Iran vượt trội hơn Iraq rất nhiều. Nếu Iran có ảnh hưởng ở Iraq thì việc tìm đường ra Địa Trung Hải của họ bằng ngõ Syria được dễ dàng hơn. Iran sẽ là mối lo ngại không những cho Do Thái mà cả cho Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Á Rập và Âu Châu.
Do Thái lo ngại Iran vì nước nầy yểm trợ cho Syria, nhóm Hezbollah ở miền Nam Lebanon và Hamas trên dải Gaza. Nếu Iran có võ khí nguyên tử thì sự tồn tại của xứ Do Thái ở Trung Đông càng bấp bênh vì tổng thống Iran không ngớt đe dọa xóa nước Do Thái trên bản đồ thế giới. Iran đe dọa Do Thái lẫn Hoa Kỳ và cho rằng các nhà bác học nguyên tử của họ lần lượt ngã gục vì CIA và Mossad (cơ quan tình báo của Do Thái). Họ muốn trở thành cường quốc nguyên tử và hỏi tại sao Do Thái được quyền có võ khí nguyên tử. Câu đáp lại là không có bằng chứng gì cho thấy Do Thái có võ khí nguyên tử. Dư luận phỏng đoán Do Thái có ít ra 200 trái bom nguyên tử. Sự phỏng đoán dựa vào lập luận đơn giản rằng các nhà khoa học gốc Do Thái đã khai triển võ khí nguyên tử cho Hoa Kỳ, không lý nào họ không sản xuất bom nguyên tử cho quốc gia tân lập của họ? Do Thái ỡm ờ về chuyện nầy để các nước thù địch láng giềng kiêng dè. Họ như ngầm trả lời thắc mắc của Iran tại sao họ có võ khí nguyên tử mà Iran không được quyền có: họ có bom nguyên tử nhưng chỉ nhằm mục đích tự vệ khi bị các quốc gia láng giềng thù nghịch tấn công. Họ không hề đe dọa nước nào bằng sức mạnh võ khí mà họ có. Trái lại Iran nhiều lần đe dọa xóa bản đồ Do Thái hay không cho Do Thái có chỗ đứng ở Trung Đông v.v... Nếu Iran có võ khí nguyên tử thì họ sẽ dùng nó để thực hiện lời đe dọa của mình hay đưa võ khí độc hại ấy cho những nhóm cực đoan như Hamas ở Gaza và Hezbollah ở nam Lebanon qua trung gian Syria để thực thi kế hoạch xóa bản đồ Do Thái ở Trung Đông như tổng thống Iran lập đi lập lại nhiều lần.
Các nước Ai Cập, Saudi Arabia, Yemen, Qatar, Jordan, Bahrain, Oman, Liên Bang Á Rập Emirates, Thổ Nhĩ Kỳ không hứng thú khi thấy Iran vươn lên và hướng về Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ từng là một đế quốc kiểm soát miền Đông và Nam Địa Trung Hải. 97% dân Thổ theo đạo Hồi phái Sunni. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên cải cách theo Tây Phương vào thập niên 1920. Đó là một cuộc cách mạng hiếm hoi trong thế giới Hồi Giáo. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi Giáo sớm có quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Do Thái. Nước nầy là một thành viên của NATO mặc dù là một quốc gia Á Châu nằm trên lục địa Á-Âu.
Ai Cập từng có một quá khứ sáng lạn vào thời cổ sử. Họ theo đạo Hồi phái Sunni như Saudi Arabia. Quốc gia Saudi Arabia giàu có vì có nhiều dầu hỏa. Kuwait, Bahrain và Saudi Arabia đều theo chế độ quân chủ nhưng họ không chấp nhận một chế độ tôn giáo trị như Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Saudi Arabia là cái nôi của Hồi Giáo. Sự lớn mạnh của Iran sẽ giúp nước nầy thành sở hữu chủ của những giếng dầu ở Trung Đông. Không một nước Á Rập nào ở Trung Đông ưa thích Do Thái, nhưng nếu cần chọn lựa giữa Do Thái và Iran, họ miễn cưỡng chọn Do Thái hơn là Iran vì lập trường cố hữu thân Hoa Kỳ của họ và vì Do Thái là nước nhỏ, ít dân nên ít nguy hiểm hơn Iran, đồng đạo nhưng khác phái khác chủng tộc (Á Rập và Aryans).
Việc gì sẽ xảy ra khi lịnh cấm vận của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến việc xuất cảng dầu hỏa của Iran? Khi Iran ngoan cố theo đuổi việc sản xuất võ khí nguyên tử mặc dù lúc nào họ cũng nhấn mạnh đến mục tiêu hòa bình của Chương Trình Nguyên Tử?
Liệu Do Thái có đơn phương tấn công Iran mà không có sự tán đồng của Hoa Kỳ như đã làm với Iraq năm 1981 và Syria năm 2007? Chắc chắn tổng thống Obama không có hành động mạnh trong mùa bầu cử. Ông được chọn lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2009, chỉ 9 tháng sau khi nhậm chức tổng thống, và đã xin lỗi Iran về cuộc đảo chánh lật đổ Mossadegh năm 1953. Hoa Kỳ đang cắt giảm ngân sách quốc phòng, rút quân khỏi Iraq cuối năm 2011 và cho biết sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2013 và 2014.
Liệu các nước trong Liên Đoàn Á Rập cho Do Thái mượn đường nếu họ phải oanh tạc các lò nguyên tử của Iran? Xác suất thành công có cao không vì Iran ở xa và các lò nguyên tử rải rác khắp nơi trong nước khi Do Thái đơn phương hành động?
Hậu quả của việc tấn công nầy sẽ ra sao? Chiến tranh lan rộng trong vùng? Ảnh hưởng xấu đến sự tái đắc cử của tổng thống Obama? Ảnh hưởng tai hại đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới? Câu hỏi đương nhiên trở thành câu trả lời.
Do Thái hiện đang trong tư thế cực kỳ khó khăn. Mọi giải pháp ngoại giao không có kết quả cụ thể nào trong việc ngăn chận ý định sản xuất võ khí nguyên tử của Iran trong nhiều năm qua. Nhưng Hoa Kỳ hay các nước Âu Châu vẫn không muốn giải pháp quân sự như đã xảy ra với Iraq năm 2003 để bị mang tiếng người Bạch Chủng Ki Tô Giáo xâm lăng quốc gia Hồi Giáo, hay ít ra cũng bị khối Hồi Giáo ghét bỏ vì ủng hộ Do Thái! Đó là chưa nói đến quyền lợi của Nga và Trung Hoa Cộng Sản trong việc bán võ khí, kỹ thuật sản xuất võ khí, mua dầu thô và bán hàng tiêu dùng cho Iran.
Ý định tấn công Iran của Do Thái được bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Panetta công khai nói với báo chí ngày 04-02-2012. Tổng trưởng Quốc Phòng Do Thái, Ehud Barak, một cựu tướng lãnh có nhiều chiến công, nóng lòng hành động vì nếu không sẽ quá muộn. Iran đe dọa trả đũa. Do Thái dường như đã quen với những lời đe dọa của Iran. Họ thừa biết sẽ bị Hezbollah bắn hỏa tiễn từ phía bắc và Hamas pháo kích từ phía nam. Iran cũng đe dọa các nước Á Rập quanh Vịnh Ba Tư. Họ đặc biệt nhắm vào Saudi Arabia, một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ. Trước lịnh trừng phạt của Hoa Kỳ, một mặt Iran yêu cầu các nước sản xuất dầu hỏa quanh Vịnh Ba Tư dừng gia tăng sản xuất, mặt khác họ dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz hay đốt phá các giếng dầu gây một cuộc khủng hoảng dầu hỏa và làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trầm trọng hơn vì giá dầu tăng.
Bang giao giữa Saudi Arabia và Iran căng thẳng vào năm 2011 khi Hoa Kỳ phát giác âm mưu của Iran nhằm ám sát đại sứ Saudi Arabia ở Washington DC. Hiện Iran biểu dương sức mạnh hải quân của mình trong vùng bằng cách cho tàu chiến bỏ neo ở cảng Jeddan của Saudi Arabia trên Hồng Hải. Năm 2011 tàu chiến Iran lần đầu tiên dùng kinh đào Suez để ra Địa Trung Hải sau khi tổng thống Mubarak vừa mất chức. Sự lật đổ Mubarak và sự thắng cử của nhóm Huynh Đệ Hồi giáo ở Ai Cập làm cho Do Thái trở nên bất ổn ở phía nam. Ống dẫn dầu về Do Thái trên bán đảo Sinai bị phá hoại. Sự thông thương giữa Sinai-Gaza giúp cho Hamas có đầy đủ vật liệu tiếp tế để tạo thêm nhiều đường hầm và mở những cuộc tấn công phá hoại nhằm vào Do Thái.
Chương Trình Nguyên Tử của Iran và việc phong tỏa eo biển Hormuz sẽ là ngòi lửa chiến tranh trong vùng nếu không có giải pháp thỏa đáng.
***
Những cuộc nổi dậy ở Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2011 có những kết quả cụ thể sau đây:
– Tổng thống Ben Ali của Tunisia bị lật đổ và cùng gia đình xin lánh nạn ở Saudi Arabia.
– Tổng thống Mubarak của Ai Cập từ chức và bị đưa ra tòa.
– Tổng thống Qadafi bị lật đổ và bị giết chết.
– Tổng thống Saleh của Yemen từ chức để sang Hoa Kỳ chữa bịnh. Thực tế ông bị áp lực từ chức và dùng cớ sang Hoa Kỳ chửa bịnh để tránh bị buộc tội đàn áp đẫm máu những người nổi dậy.
Ở Syria dân chúng biểu tình chống chánh phủ do Bashar Assad lãnh đạo. Cuộc biểu tình kéo dài từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 2 năm 2012 vẫn chưa có kết quả. Có trên 7.000 người bị quân chánh phủ giết chết. Liên Đoàn Á Rập can thiệp. Syria bị đình chỉ tư cách thành viên của Liên Đoàn. Assad vẫn tiếp tục mạnh tay đàn áp người biểu tình trong một quốc gia có 75% dân chúng theo Hồi Giáo phái Sunni. Assad thuộc thiểu số Hồi Giáo Alawi nhưng là thành phần lãnh đạo. Như cuộc nổi dậy ở Libya chống nhà độc tài Qadafi, Nga và Trung Hoa Cộng Sản đứng về phe các nhà độc tài. Theo lời yêu cầu của Liên Đoàn Á Rập và các nước Tây Phương, 13 thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu tán thành nghị quyết yêu cầu tổng thống Assad từ chức để chấm dứt những cuộc đàn áp đẫm máu (04-02-2012). Nghị quyết của HĐBALHQ bị hai phiếu phủ quyết của Nga và Trung Hoa Cộng Sản vô hiệu hóa. Cô Susan Rice, đại diện Hoa Kỳ ở LHQ, chê trách Nga và Trung Hoa Cộng Sản dùng quyền phủ quyết trong trường hợp nầy là khuyến khích Assad đàn áp những người bất đồng chánh kiến đẫm máu hơn. Đó là sự cảm thông giữa những nhà lãnh đạo độc tài liên tưởng đến những cuộc nổi dậy chống đối chánh quyền ngay trên đất nước của họ.
Nga là đồng minh bán nhiều võ khí cho Syria và nhận nhiều tiền của nước nầy để huấn luyện cho các phi công lái phản lực cơ chiến đấu. Syria cho tàu chiến Nga đậu ở cảng Tartus. Nhờ cảng nầy Nga có lối thoát ra Địa Trung Hải.
Trung Hoa Cộng Sản cũng có nhiều quyền lợi ở Syria, nước nhập cảng nhiều hàng hóa của Trung Hoa lục địa. Chắc chắn Nga và Trung Hoa Cộng Sản sẽ gặp cảnh bẽ bàng khi chế độ Assad sụp đổ giống như Qadafi của Libya cách đó vài tháng. Dư luận thế giới xem Nga và Trung Hoa Cộng Sản dính máu dân Syria khi ủng hộ Assad, người dùng võ khí của Nga để bắn giết người đồng chủng bất đồng chính kiến với mình.
***
Năm 2012 Anh sắp cử hành lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Argentina trong việc tranh chấp chủ quyền trên đảo Falklands, còn gọi theo tiếng Tây Ban Nha là Islas Malvinas. Người Anh chiếm chòm đảo nầy năm 1833. Đến năm 1982 quân đội Argentina chiếm đảo. Anh phải đưa tàu chiến đến đánh và tái chiếm đảo. Đảo Falklands nằm ở Nam Bán Cầu trong Đại Tây Dương về phía đông xứ Argentina. Thông thường Anh tổ chức lễ chiến thắng mỗi 25 năm, 50 năm, 75 năm v.v. Năm nay họ tổ chức kỷ niệm 30 năm chiến thắng Chiến Tranh Falklands để nhắc nhở công lao của nữ thủ tướng Thatcher. Bà nữ thủ tướng Margaret Thatcher được 86 tuổi nên người ta hy vọng bà có thể tham dự lễ được. Nếu đợi đến lễ kỷ niệm 50 năm e rằng bà không còn nữa. Thái tử William được đưa sang Falklands làm cho vết thương chiến bại của dân chúng Argentina nhức nhối thêm mặc dù thái tử William chỉ có nhiệm vụ cứu trợ bằng trực thăng trong Không Lực Hoàng Gia Anh (RAF: Royal Air Force). Cùng lúc nầy một khu trục hạm và tàu ngầm nguyên tử cũng được phái đến Falklands như là một đề phòng hải chiến có thể xảy ra.
***
Trung Hoa Cộng Sản tự cho mình có chủ quyền trên lưỡi bò rộng 3 triệu km2 ở tây Thái Bình Dương dựa vào chủ quyền của Anh trên chòm đảo Falklands cách xa nước Anh hàng chục ngàn cây số. Beijing (Bắc Kinh) không ngừng tranh chấp chủ quyền trên các đảo dã ở phía nam quần đảo Rya Kyu với Nhật. Ở Đông Nam Á Beijing an tâm về phía Việt Nam sau khi tổng bí thơ đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang Trung Hoa, ký kết và hứa điều gì dân chúng Việt Nam hoàn toàn không hay biết. Họ chỉ thấy có một lá cờ Trung Hoa Cộng Sản có 5 ngôi sao nhỏ chầu ngôi sao lớn thay vì 4 sao nhỏ bên cạnh nữ xướng ngôn viên truyền hình sau chuyến thăm Beijing của Nguyễn Phú Trọng ngày 11-10-2011. Ngày 22-12-2011 các nữ sinh tiểu học ở Hà Nội lại cầm lá cờ 5 sao chầu một sao lớn tiếp đón Xi Jinping (Tập Cận Bình). Đó là sự tự nguyện của Việt Nam hay lá cờ được Beijing in và đưa cho học sinh Việt Nam cầm cho quen?
Năm 2010 Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam há không tổ chức ngày Ngàn Năm Thăng Long vào ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Cộng Sản (01-10) và bế mạc vào ngày 10-10 (ngày Song Thập của cách mạng Tân Hợi năm 1911)? Phim Lý Công Uẩn há không do người Hán đóng với phong cảnh Trung Hoa và trang phục Hán? Chùa chiền mới ở Việt Nam đều đầy ắp chữ Hán. Như vậy lá cờ 5 sao nhỏ chầu một ngôi sao lớn vừa có tính áp đặt vừa có tính tự nguyện. Dù là áp đặt hay tự nguyện, Trung Hoa Cộng Sản được vui hưởng cảnh bất chiến tự nhiên thành. Đó là món quà vô giá mà đảng Cộng Sản Việt Nam hiến dâng cho Xi Jinping, người lãnh đạo tương lai của Trung Hoa Cộng Sản năm 2013. Nếu có chiến tranh đi nữa Việt Nam cũng nằm trong vị thế tứ phương thụ địch. Lào và Cambodia rơi vào quĩ đạo Trung Hoa Cộng Sản. Ngay trên lãnh thổ Việt Nam đã có quân Trung Hoa Cộng Sản trá hình và đạo quân thứ năm sẵn có từ lâu. Beijing nhẹ lo về phía Việt Nam. Về đảng họ có Nguyễn Phú Trọng, Công an có Lê Hồng Anh. An ninh và quân đội có Phùng Quang Thanh và Nguyễn Chí Vịnh. Hành pháp có Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang v.v… Những người "anh hùng" có nhận định "sáng suốt" chỉ xuất hiện sau khi không còn quyền chức. Đó là dũng khí Xã Hội Chủ Nghĩa vậy.
Ở Đông Bắc Á Beijing có Bắc Hàn. Phía nam có Việt Nam. Trước kia Việt Nam và Cuba là hai nước trung kiên với Liên Sô. Việt Nam là Cuba phương Đông. Bây giờ Liên Sô không còn nữa. Việt Nam trung kiên với Trung Hoa Cộng Sản để được giữ chánh quyền và vì vậy phải nhận mọi điều kiện do Beijing đưa ra. Bắc Hàn trung kiên với Beijing từ lâu. Do đâu một thanh niên 27 tuổi như Kim Jong Un trở thành một tướng bốn sao dù chưa biết bắn súng và trở thành một lãnh tụ đầy quyền uy dù chưa biết chánh sự? Do đâu một chánh quyền thối nát, chà đạp nhân phẩm và sự sống của dân, phản bội quyền lợi tổ quốc như CHXHCNVN hiện nay lại được bền vững?
Đối với Taiwan (Đài Loan) Beijing an tâm với sự tái đắc cử của Ma Yingjeou (Mã Anh Cửu). Họ không lo sợ vị tổng thống Quốc Dân Đảng nầy tuyên bố độc lập, nghĩa là không xem Taiwan là một phần lãnh thổ của Trung Hoa.
Phi Luật Tân đơn độc trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mà họ gọi là Biển Tây. Lần đầu tiên tàu Nga thăm viếng Phi Luật Tân. Nước nầy kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương. Beijing nghiêm khắc cảnh cáo Phi Luật Tân, nơi du kích Cộng Sản chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Mao. Hình của Mao nằm trên đảng kỳ của Cộng Sản Phi. Kinh tế Phi Luật Tân bị các thương gia người Hoa chi phối như ở các nước Đông Nam Á khác. Dân chúng trên đảo Mindanao theo đạo Hồi chống lại 90% dân số còn lại theo đạo Thiên Chúa. Thực tế trong 90% dân số theo đạo Thiên Chúa tỷ lệ người nghèo rất cao. Nhóm khủng bố chịu ảnh hưởng của Al Qaeda hoạt động mạnh ở Phi Luật Tân.
Những cuộc diễn tập hải quân ở phía tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Nhật, Đại Hàn, Phi Luật Tân... và ở Ấn Độ Dương của Ấn Độ và vài nước trong khối ASEAN như để kềm hãm ý định tấn công thô bạo của Trung Hoa Cộng Sản nhắm vào khối ASEAN trong việc đòi hỏi trịch thượng về chủ quyền trên "lưỡi bò" 3 triệu km2 trên biển Đông và tham vọng bành trướng lãnh thổ về phía nam của họ. Cuộc tập trận Cobra Gold giữa Hoa Kỳ, Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Mã Lai tổ chức ngày 07-02-2012. Việt Nam được mời nhưng không dám tham dự. CHXHCNVN không dám tham gia bất cứ cuộc tập trận hải quân nào với Hoa Kỳ hay Ấn Độ trong khi Cambodia lại dám mặc dù họ thiên về Trung Hoa Cộng Sản để nhận viện trợ không điều kiện. Sự rụt rè của CHXHCNVN không nói lên được dũng khí và sự độc lập của họ trước Trung Hoa Cộng Sản.
***
Hoa Kỳ, Nga, Pháp sẽ bầu cử tổng thống vào năm 2012. Việc đắc cử của Putin ở Nga gần như là chuyện đương nhiên tại quốc gia từng là thành trì của chế độ Cộng Sản thế giới. Putin từng là đại tá KGB (cơ quan mật vụ của Liên Sô). Trước khi Putin ra tranh cử, hiến pháp tu chính kéo dài nhiệm kỳ tổng thống lên 6 năm thay vì 4 năm như trước. Việc Obama và Sarkozy tái đắc cử hay không chưa thể đoán trước được vì Hoa Kỳ và Pháp là hai nước có truyền thống dân chủ lâu đời, không thể đoán trước dễ dàng như ở các quốc gia độc tài hay tập tểnh trên đường xây dựng dân chủ. Nhiệm kỳ tổng thống Pháp chỉ còn 5 năm thay vì 7 năm như trước. Trung Hoa Cộng Sản cũng chuẩn bị trao quyền hành cho Xi Jinping (Tập Cận Bình) vào năm 2013. Chuyện nầy tương đối dễ đoán. Vợ ông nầy là một ca sĩ mang quân hàm thiếu tướng. Không biết có sự tương đồng nào giữa cặp vợ chồng lãnh tụ nầy với Mao Zedong (Mao Trạch Đông) và Jiang Qing (Giang Thanh) không?
Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu sáng sủa. Khuynh hướng bảo thủ chánh trị và bảo vệ mậu dịch được các quốc gia dân chủ Tây Phương bắt đầu nghĩ đến. Đó là sự thất lợi cho kinh tế Trung Hoa Cộng Sản trong những ngày sắp tới.
Đồng Euro gặp thử thách lớn. Sự hợp nhất của Liên Âu không trơn tru giữa lúc nhiều quốc gia trong khối Cộng Sản Đông Âu trước kia phân chia ra làm nhiều quốc gia như Tiệp Khắc chia ra làm Cộng Hòa Czech và Slovakia; Yugoslavia (Nam Tư trước kia) chia ra làm: Serbia, Slovania, Croatia, Bosnia, Herzegovina, Kosovo, Montenegro. Liên Âu có nhiều thành viên. Mỗi quốc gia thành viên có tiếng nói, văn hóa và trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Ước mơ một NƯỚC ÂU CHÂU vẫn là một giấc mơ mặc dù Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu trước kia có những thành công kinh tế đáng kể.
Ở Hoa Kỳ nhóm Occupy Wall Street không có lãnh đạo, không triết lý chỉ đạo, khởi đầu cuộc đấu tranh giai cấp giữa NGHÈO và GIÀU. Nếu cho rằng 99% dân chúng ở Hoa Kỳ là nhà nghèo thì có vẻ quá đáng. Cho đến nay xã hội Hoa Kỳ vẫn còn là xã hội mà nhiều dân tộc khác trên thế giới ước mơ kể cả dân tộc chửi bới và chỉ trích Hoa Kỳ kịch liệt nhất.
Những cuộc biểu tình và bạo động trên thế giới cho thấy thế kỷ XXI với 7 tỷ nhân loại không phải là một thế giới dễ sống và dễ điều hành. Thị dân tăng, nông dân giảm. Thời tiết bất thường gây ra thất mùa. Nạn đói, mù chữ, bịnh tật, áp bức, bất công xã hội, tệ đoan xã hội, độc tài chánh trị, kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chủng tộc... vẫn còn tồn tại vững mạnh ở nhiều nơi trên hoàn vũ. Thế giới vào năm Nhâm Thìn (Hắc Long) nầy vẫn chưa thoát khỏi những căn bịnh kinh tế, xã hội, chánh trị và tôn giáo tầm thường nhưng bất trị kể trên.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.