Phạm Đình Lân
Thế giới tháng Chín 2011
Nói đến tháng chín người ta liên tưởng ngay đến Tháng Chín Đen. Đó là ngày 16-09-1970, ngày vua Hussein xứ Jordan ra lịnh cho quân đội đàn áp nhóm Al Fatah của Arafat bạo động và có khuynh hướng lật đổ chế độ quân chủ Jordan. Người tỵ nạn Palestine ở Jordan từ năm 1948 sau ngày lập quốc của Do Thái bị trục xuất khỏi Jordan. Họ sống tản mát ở Syria và Lebanon. Ngày 18-11-1971 tổ chức Al Fatah ám sát thủ tướng Jordan là Wasfi al- Tal tại Cairo khi ông đi dự hội nghị Liên Đoàn Á Rập.
Năm 2006 tổ chức Fatah và Hamas bắt đầu hục hặc nhau sau khi phe Hamas thắng cử và nắm ghế thủ tướng Palestine. Năm 2007 phe Fatah bị phe Hamas đánh bật ra khỏi dải Gaza. Phe Fatah lui về West Bank. Phe Hamas đóng ở Gaza, thỉnh thoảng pháo kích vào Do Thái. Trái với đường lối cực đoan của Hamas, phe Fatah của tổng thống Abbas ở West Bank tỏ ra ôn hòa hơn. Năm 2011 phe Fatah và Hamas tìm cách hàn gắn những sứt mẻ của quá khứ để gây sức ép đối với Do Thái về việc thành lập quốc gia Palestine. Việc thương thuyết hòa bình giữa Do Thái-Palestine luôn luôn được Hoa Kỳ khuyến khích. Do Thái chỉ muốn thương thuyết với tổng thống Abbas ở West Bank mà thôi. Tổng thống Abbas yêu cầu Do Thái ngừng xây cất nhà ở West Bank và muốn dùng đông Jerusalem làm thủ đô cho xứ Palestine. Do Thái vẫn tiếp tục việc xây cất nhà cửa ở West Bank, giải tỏa nhà của người Palestine ở đông Jerusalem vì cũng xem Jerusalem là thủ đô của họ mặc dù thủ đô tạm thời vẫn còn đặt ở Tel Aviv. Thế là cuộc thương thuyết bế tắc.
Cuộc cách mạng Hồi Giáo ở Trung Đông và Bắc Phi làm cho tổng thống Mubarak bị lật đổ. Do Thái mất đi một nhà lãnh đạo Ai Cập có đường lối hòa bình với Do Thái. Lần đầu tiên tàu chiến Iran xử dụng kinh đào Suez để ra Địa Trung Hải tiếp xúc với Syria và có thể với nhóm Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Gaza. Tổng thống Obama của Hoa Kỳ yêu cầu Do Thái lui về biên giới trước cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày năm 1967 để nối lại cuộc thương thuyết với Palestine. Thủ tướng Netanyahu bác bỏ đề nghị nầy và từ chối không thương thuyết với Hamas mà Do Thái gọi là một tổ chức khủng bố chủ trương không chấp nhận sự hiện hữu của nước Do Thái ở Trung Đông.
Ngày 23-09-2011 Palestine vận động tổ chức Liên Hiệp Quốc nhìn nhận sự ra đời của nước Palestine. Do Thái vận động cho tổ chức Liên Hiệp Quốc đừng công nhận Palestine là một tân quốc gia như đã công nhận quốc gia Nam Sudan vùa qua. Hoa Kỳ dọa sẽ dùng quyền phủ quyết.
Ở Cairo vẫn còn biểu tình chống lại chế độ quân nhân và bài Do Thái. Việc Do Thái bắn chết vài nhân viên cảnh sát Ai Cập ngoài biên giới Do Thái-Sinai sau khi một chiêc xe buýt chở người Do Thái bị phục kích, sáu người trên xe bị bắn chết làm cho bang giao giữa Do Thái và tân chánh phủ hậu Mubarak càng căng thẳng thêm mặc dù Do Thái đã lên tiếng xin lỗi. Ở Cairo hàng ngàn người biểu tình xông vào tòa đại sứ Do Thái, đập phá cửa sổ, xe và đốt hồ sơ mật của tòa đại sứ khiến ông đại sứ lo sợ phải về Do Thái.
Sau khi Liên Hiệp Quốc báo cáo về vụ Do Thái đột kích vào tàu chở hàng cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ cho người Palestine ở Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất đại sứ Do Thái về nước vì Do Thái cương quyết không xin lỗi. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc không lên án Do Thái như Thổ Nhĩ Kỳ mong mỏi. Chánh phủ Ankara đe dọa sẽ dùng tàu chiến hộ tống tàu chở hàng cứu trợ cho Hamas tiến về Gaza mặc cho lịnh phong tỏa bờ biển Gaza của Do Thái.
Tổng thống Iran không ngừng đe dọa Do Thái khi cho rằng Do Thái không có chỗ đứng ở Trung Đông.
Trong một thời gian ngắn Do Thái gặp khó khăn ngoại giao với hai quốc gia Hồi Giáo đông dân và có thế lực ở Trung Đông: Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Ai Cập từng tham gia vào các cuộc chiến tranh với Do Thái vào những năm 1948, 1956, 1967 và 1973. Bang giao Ai Cập - Do Thái chỉ yên ổn từ năm 1979 đến tháng 3 năm 2011. Từ khi Mubarak bị lật đổ, bang giao giữa hai nước có vẻ lung lay hơn là tốt đẹp như trong ba mươi năm qua.
Thổ Nhĩ Kỳ là cựu đế quốc Hồi Giáo kiểm soát Trung Đông, Bắc Phi, bán đảo Balkan trong nhiều thế kỷ. Quốc gia Hồi Giáo nầy là quốc gia duy nhất có quan hệ ngoại giao và quân sự tốt với Do Thái từ ngày lập quốc. Sự căng thẳng ngoại giao xảy ra vì vụ đột kích của đặc vụ Do Thái vào tàu chở hàng cứu trợ cho Hamas năm 2010 làm cho 9 người Thổ Nhĩ Kỳ trên tàu thiệt mạng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Thổ Nhĩ Kỳ cho tàu chiến hộ tống tàu cứu trợ khi Do Thái cương quyết phong tỏa duyên hải Gaza vì lý do an ninh quốc gia? Nếu chuyện nầy xảy ra thì Trung Đông dậy sóng. Các nước Hồi Giáo thù nghịch với Do Thái như Syria, Ai Cập, hoặc các tổ chức như Hezbollah, Hamas lợi dụng cơ hội để gây chiến với Do Thái chăng?
Ở Lybia phe nổi dậy chiếm Tripoli. Qadafi lẩn trốn ở đâu không ai rõ. Người ta suy đoán nhà độc tài cai trị Libya trong suốt 42 năm qua đang lẩn trốn ở Sirte, nơi sinh quán của ông hay ở Bani Walid trong sa mạc phía nam thủ đô Tripoli. Qadafi cương quyết không đầu hàng. Giữa phe thân Qadafi và phe nổi dậy giao tranh nhau khốc liệt, khác hẳn với Saddam Hussein trước liên quân Anh - Hoa Kỳ năm 2003. Điều làm cho thế giới giật mình là người có uy tín trong Hội Đồng Quốc Gia Chuẩn Tiếp và người chỉ huy đánh chiếm Tripoli vào ngày 25-08 vừa qua là người từng chỉ huy nhóm Hồi Giáo Chiến Đấu Libya (LIFG: Libya Islamic Fighting Group), từng ám sát hụt Qadafi hai lần: Abdul Hakeen Belhaj. Thất bại, ông ta chạy sang Afghanistan và chiến đấu cho Taliban, nghĩa là có liên hệ ít nhiều với Al Qaeda. Năm 2004 Abdul Hakeen Belhaj bi bắt ở Mã Lai. Theo lời tường thuật đầy hận thù của ông, ông bị trao cho Thái Lan và bị nhân viên CIA thẩm vấn và tra khảo. Ông được đưa về Lybia và bị giam giữ cho đến năm 2010 mới được tự do. Trường hợp nầy làm cho Hoa Kỳ lúng túng vì Abdul Hakeen Belhaj là người hùng trong phe nổi dậy. Trong phe nổi dậy còn những thành phần nào không liên hệ đến Hồi Giáo cực đoan, Al Qaeda, như các bô lão chống lại bộ lạc của Qadafi hay bảo hoàng? Trong lúc đấu tranh chống Qadafi đã có sự thanh toán Fatah Abdel Younis, một bộ trưởng của Qadafi nhập phe và chỉ huy quân nổi dậy chống nhà độc tài Libya vào tháng 7 vừa qua. Liệu có sự tranh giành quyền hành và xung đột trong chánh phủ Libya thời hậu Qadafi không? Chánh phủ ấy có phải là chính phủ dân chủ như các nước phương Tây tin tưởng và cổ xúy?
Sự sụp đổ chế độ Qadafi là một cảnh cáo nghiêm trọng đối với tổng thống Assad của Syria, nơi chánh quyền dùng quân đội và tàu chiến, xe tăng bắn vào những người biểu tình trong thành phố. Theo sự ước tính của Liên Hiệp Quốc, có lối 2.500 người biểu tình chống Assad bị giết chết trong sáu tháng qua.
Trên Biển Đông tàu chiến Trung Hoa Cộng Sản có thái độ gây hấn đối với tàu chiến Ấn Độ chạy gần bờ biển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Hoa Cộng Sản phô trương sức mạnh của họ trên mặt biển đối với Ấn Độ, một quốc gia đông dân số đang lên ở Ấn Độ Dương. Quốc gia nầy cổ võ chánh sách Đông tiến để cân bằng ảnh hưởng của Trung Hoa Cộng Sản trên đường Nam tiến và phô trương sức mạnh quân sự cho thế giới biết chủ quyền của họ trên 2/3 diện tích Tây Thái Bình Dương. Trước mắt, Trung Hoa Cộng Sản thành công trong việc giải quyết vấn đề biển Đông bằng thương thuyết song phương với Phi Luật Tân và Việt Nam. Tổng thống Phi Luật Tân Aquino III sang Beijing và vui vẻ cùng khai thác tài nguyên quanh quần đảo Trường Sa mà họ đòi chủ quyền. Thứ trưởng quốc phòng Việt Nam, Nguyễn Chí Vịnh (con của tướng chánh trị Nguyễn Chí Thanh), người được xem là thân Trung Quốc và có quyền hành to lớn ở Việt Nam hiện nay, sang Beijing và có những thỏa thuận ngầm với Trung Hoa Cộng Sản về một số vấn đề mà chánh quyền không hề tiết lộ. Chỉ biết rằng ông Vịnh hứa không để tái diển cảnh biểu tình chống Trung Hoa Cộng Sản ở Hà Nội hay bất cứ thành phố nào ở Việt Nam.
Taiwan (Đài Loan) không nhập cuộc vào việc tranh chấp chủ quyền về quần đảo Trường Sa với Trung Hoa Cộng Sản. Trung Hoa Cộng Sản cũng không đá động gì đến phần đảo Trường Sa mà Taiwan chiếm đóng vì dưới mắt họ Taiwan là một phần đất của họ và đa số người Taiwan là người Hán như họ.
Mã Lai, quốc gia có khiếu nại chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, đang làm ăn với Trung Hoa Cộng Sản.
Liệu Brunei, một quốc gia khác ở Đông Nam Á khiếu nại chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, theo gương Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai không? Trước mắt Trung Hoa Cộng Sản hoàn thành giấc mộng chiếm 2/3 diện tích biển Đông bằng sự hợp tác và đồng khai thác tài nguyên với các nước khiếu nại chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Hoàng Sa mặc nhiên thuộc về họ. Tàu bè nước nào lai vãng dọc theo bờ biển Việt Nam đều bị Trung Hoa Cộng Sản cảnh cáo và bám sát đề hù dọa như thể đó là bờ biển của họ vậy. Việc thứ trưởng bộ ngoại giao Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) Dai Binguo (Đái Bỉnh Quốc) sang Hà Nội sau chuyến đi Beijing của Nguyễn Chí Vịnh như để nhắc nhở Việt Nam tuân theo triệt để những gì Nguyễn Chí Vịnh đã cam kết với Beijing (07-09-2011). Đó là những điều mà nhân dân Việt Nam không được quyền biết.
Cho đến giờ phút nầy Hoa Kỳ là Thủy Tinh và CHNDTQ là Sơn Tinh trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Điều giản dị dễ hiểu là:
1- CHNDTQ được lợi thế địa lý và chủng tộc (Á Châu, da vàng).
2- Hoa Kỳ hiện gặp khó khăn kinh tế giữa lúc CHNDTQ đang vươn lên để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới cạnh tranh ráo riết với Hoa Kỳ.
3- CHNDTQ có vốn "người" đông đảo ở Đông Nam Á.
4- Hoa Kỳ còn nhiều vấn đề tồn đọng như chiến tranh chống khủng bố, ngoại giao không trơn tru với các nước Hồi Giáo như Pakistan chẳng hạn, nghĩa vụ cứu trợ trên thế giới, sự khiếm hụt ngân sách. Đó là những vấn đề mà CHNDTQ không vướng bận.
Tháng 9 trở thành tháng u buồn đối với Hoa Kỳ. Ngày 11-09-2001 còn đau đớn hơn cả ngày 07-12-1941 khi Pearl Harbor bị Nhật tấn công vì Pearl Harbor nằm xa lục địa Hoa Kỳ trong khi New York và Washington D.C. là hai thành phố tiêu biểu của Hoa Kỳ trên lục địa. Năm 1941 Hawaii chưa phải là một tiểu bang của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đang bận lo bầu cử tổng thống năm 2012. Về phía đảng Dân Chủ ông Obama tái tranh cử để giữ ghế tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, Cho đến tháng 8 năm 2011 tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ vẫn ở mức độ 9,1%. Đó là tỷ lệ gây trở ngại không nhỏ cho sự tái đắc cử của phần lớn các tổng thống đương nhiệm. Sau gần ba năm cầm quyền, tổng thống Obama chưa tỏ ra là người có khả năng giải quyết gánh nặng kinh tế do tổng thống Bush II để lại. Trên 2/3 dân chúng không tin tưởng khả năng lãnh đạo kinh tế của ông. Về chánh sách đối ngoại, những người đối lập của ông phía đảng Cộng Hòa không tán đồng ông trong:
1- Việc xin lỗi Iran trong việc lật đổ thủ tướng Mossadegh năm 1953.
2- Việc bắt tay và hạ thấp người trước quốc vương Saudi Arabia. Vì ông là tổng thống Hoa Kỳ chớ không phải thần dân Á Rập hay tín đồ Hồi Giáo trước một quân vương trên lãnh địa của giáo chủ.
3- Đường lối bất lợi cho Do Thái và bất thân thiện với Anh.
4- Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng giữa lúc CHNDTQ gia tăng ngân sách quốc phòng và sản xuất hỏa tiễn, tàu bè, phi cơ, xe tăng.
5- Việc công bố lịch trình rút quân ra khỏi Afghanistan làm cho Taliban phấn khởi, gây thiệt hại nhân mạng cho quân sĩ Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh trong NATO.
Cựu phó tổng thống Cheney khen bà Hilary Clinton là một nhà ngoại giao lỗi lạc và thành công, nghĩ rằng nếu bà là tổng thống thì tốt hơn là ông Obama. Bà Clinton cho biết bà không nghĩ đến việc ra tranh cử tổng thống với ông Obama năm 2012 và về sau vì bà có nhiều việc phải làm. Bà Clinton dự trù không còn là bộ trưởng bộ ngoại giao nếu ông Obama tái đắc cử.
Những người đảng Dân Chủ thuộc khuynh hướng tự do trách ông Obama quá dè dặt trong chủ nghĩa tự do, thiếu mạnh dạn trong vấn đề hôn nhân đồng phái.
Những người da màu, thanh niên và cử tri độc lập cho rằng ông Obama không có thay đổi gì đáng kể như đã hứa. Người da màu dù có than trách ông Obama thì vẫn dồn phiếu cho ông. Đó là cách bỏ phiếu theo sắc tộc.
Thành tích chống khủng bố của tổng thống Obama là giết được trùm khủng bố Osama Bin Laden vào đầu tháng 5 vừa qua. Đến ngày 22-08 Atiyah Abd al- Rahman, nhân vật số 2 của tổ chức Al Qaeda (sau bác sĩ Ayman al Zewahri gốc người Ai Cập, thay Osama Bin Laden sau khi ông nầy bị giết chết) bị phi cơ không người lái bắn chết trên lãnh thổ Pakistan gần biên giới Afghanistan. Những thành tích nầy bị lu mờ vì việc suy thoái kinh tế và nạn thất nghiệp trong nước. Cái chết của hai nhân vật lãnh đạo tổ chức Al Qaeda không đồng nghĩa với chiến thắng khủng bố của Hoa Kỳ hay sự tan rã của tổ chức khủng bố quốc tế. Chẳng những vậy Hoa Kỳ và các nước Âu Châu còn phải đề phòng khủng bố ngay trên lãnh thổ của mình.
Tổng thống Obama không có nhiều điểm mạnh nhưng đảng Cộng Hòa chưa có ứng cử viên nổi bật khả dĩ đánh bại Obama để được đảng đề cử. Các ứng cử viên đảng Cộng Hòa kỳ nầy có những trùng hợp nhau để dẫm chân vào nhau:
– Cựu thống đốc Tim Pawlenty và nữ dân biểu Michele Bachmann đều ở tiểu bang Minnesota. Michele Bachmann gặt hái vài kết quả sơ khởi ban đầu phản ảnh đường lối của Tea Party. Trước khi rút lui khỏi cuộc chạy đua và tranh luận, ông Tim Pawlenty cho biết bà Michele Bachmann không có những hoạt động nổi bật nào ở Hạ Viện.
– Dân biểu Ron Paul và thống đốc Rick Perry đều ở Texas. Ông Ron Paul phá vỡ thần tượng của ông Rick Perry khi cho biết ông Perry đại diện cho ông Al Gore của đảng Dân Chủ năm 1988. Ông Perry thành công lớn ở Texas sau khi rời bỏ đảng Dân Chủ để gia nhập vào đảng Cộng Hòa.
– Cựu thống đốc Mitt Romney và cựu thống đốc và đại sứ Jon Huntsman đều theo đạo Mormon. Sức mạnh của họ ở Utah bị chia đôi còn 50%.
Sự nhập cuộc của thống đốc Rick Perry vào tháng 8 vừa qua làm cho ngôi sao của Mitt Romney bớt sáng chói. Rick Perry được những người bảo thủ trong đảng Cộng Hòa và Tea Party loan truyền rằng ông là người bất bại trong các cuộc bầu cử ở Texas. Ông mang lại nhiều công ăn việc làm cho dân Texas. Ông xuất thân từ đồn điền bông vải ở Texas, là cowboy Texas thật, mang giày boot, bắn súng lục khi cần. Cố tổng thống Reagan là cowboy và sĩ quan trong phim. Perry là cowboy thật và sĩ quan lái phi cơ thật. Ông là người bảo thủ triệt để và tin có Chúa trên Trời cao. Với lập trường bảo thủ và niềm tin vào Chúa, ông Perry có nhiều khả năng được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh tổng thống với ông Obama.
Một số khá đông người cho rằng ông Mitt Romney có thể đánh bại ông Obama hơn là ông Perry dù là đánh bại một cách chật vật. Vì ông Romney là người bảo thủ ôn hòa, có óc tổ chức (Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002), có kinh nghiệm về kinh tế, tài chánh. Ông là CEO cho Công Ty Bain & Company. Ông có hai yếu điểm đối với đảng Cộng Hòa: đạo Mormon và chương trình bảo vệ y tế khi còn là thống đốc tiểu bang Massachusetts. Nếu đảng Cộng Hòa đề cử ông Romney ra tranh tổng thống thì đó là một cuộc cách mạng của đảng nầy. Cải cách và cách mạng là chuyện cực kỳ khó đối với người theo chủ nghĩa bảo thủ.
Trong cuộc tranh luận ngày 07-09-2011 ở California ông Rick Perry có vẻ thất thế vì:
– Dùng từ ngữ đao to búa lớn chỉ trích ông Ben Shalom Bernanke, chủ tịch Federal Reserve, Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ. Vì sự phê phán nặng lời nầy, ông bị Karl Rove cho đó là lời tuyên bố "phi tổng thống" khiến cho ông Perry đụng chạm luôn với Karl Rove và đụng chạm xa gần với cựu phó tổng thống Cheney và cả cựu tổng thống Bush II nữa. Ông từng là phó thống đốc nắm giữ chức thống đốc Texas khi ông Bush II nhậm chức tổng thống năm 2001. Không khéo ông Perry đi theo con đường của ông Al Gore khi lánh xa người từng chỉ huy mình và người mình từng hợp tác gắn bó. Nay vì người ấy bị dư luận công kích ồn ào nên ông tìm cách lánh xa để tránh tiếng và được việc cho mình? Trong khoảnh khắc thời gian bốn năm liệu dân Hoa Kỳ có sẵn sàng đưa hai nhà lãnh đạo hành pháp tiểu bang Texas vào tòa Bạch Ốc hay không? Ông Clinton có tai tiếng về vụ Lewinsky. Nhưng ông đã đưa ông Al Gore vào ngôi vị thứ nhì trong nước suốt tám năm. Ông Clinton thành công trong việc cân bằng ngân sách quốc gia và tạo công ăn việc làm cho dân chúng Hoa Kỳ. Sự lánh xa ông Clinton không giúp cho ông Al Gore thắng cử năm 2000. Không biết ông Perry có khéo hơn ông Al Gore hay không?
– Trong quyển sách Fed Up ông Perry không ngần ngại đả kích chánh sách an ninh xã hội do tổng thống Franklin Delano Roosevelt đề xuất từ năm 1935. Ông Perry gọi đó là sự thất bại và gọi vị tổng thống Dân Chủ nầy là good traitor (người phản bội tốt)! Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, người giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1930 và lãnh đạo Đồng Minh đánh bại phe Trục trong đệ nhị thế chiến, là vị tổng thống duy nhất được dân Hoa Kỳ bầu 4 lần (1932 - 1936, 1936 - 1940, 1940 - 1944, 1944 - 1948 - chết sau khi nhậm chức được ba tháng cho nhiệm kỳ thứ tư). Nếu được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh cử tổng thống với chủ trương chống an sinh xã hội, chống chính sách bảo vệ y tế theo mô thức Canada hay Âu Châu (đôi khi bị gán cho tĩnh từ xã hội chủ nghĩa), chống việc đánh thuế người giàu, ông Perry có hấp dẫn được cử tri toàn quốc để được đắc cử hay không? Và nếu có đường lối ấy sẽ giải quyết được những khó khăn kinh tế hiện nay của Hoa Kỳ không hay chỉ đơn thuần là một sự hoán chuyển quyền Hành Pháp từ một người Da Đen lai Da Trắng sang một người Da Trắng được gọi chung là Anglo-Saxon?
Ông Jef Bush, cựu thống đốc tiểu bang Florida và bào đệ của tổng thống Bush II, có vẻ ủng hộ ông Romney ngay từ cuộc bầu cử năm 2008. Mới đây ông có một nhận xét rất thâm thúy, đại ý không phải chỉ đả kích tống thống Obama mà được đắc cử.
Cựu phó tổng thống Cheney chê tổng thống Obama nhưng lại khen bà Hilary Clinton và nghĩ rằng bà Clinton nên ra tranh cử tổng thống thay cho ông Obama. Không ai biết ý nghĩa thực của sự khuyến khích nầy của ông Cheney. Vì ông không hài lòng với những người khả dĩ được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh tổng thống năm 2012? Hay vì muốn làm cho đảng Dân Chủ yếu đi như trường hợp Edward Kennedy với tổng thống Jimmy Carter năm 1980?
Dù cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2012 ngoạn mục hay tẻ nhạt, thế giới cũng ngước mắt nhìn về Hoa Kỳ như một nguồn hy vọng của cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc trong một thế giới hòa bình.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.