Phạm Đình Lân


Thế giới cuối năm 2011

 

Thế giới Hồi Giáo

Cuộc cách mạng Hoa Lài có ảnh hưởng dây chuyền ở các quốc gia Hồi Giáo Bắc Phi và Trung Đông. Các chế độ độc tài sụp đổ ở Tunisia, Ai Cập, Libya. Tổng thống Saleh của Yemen ký kết rút lui với các quốc gia trong Liên Đoàn Á Rập. Ở Bahrain vua xác nhận có dùng những biện pháp mạnh đối phó người biểu tình và hứa cải cách chánh trị. Vấn đề Bahrain khá tế nhị vì vua là người theo đạo Hồi phái Sunni được vương quốc Saudi Arabia giàu có dầu hỏa nhất thế giới nhiệt liệt ủng hộ. Đa số dân chúng ở Bahrain lại theo đạo Hồi phái Shiite. Bên kia bờ Pesian Gulf (Vịnh Ba Tư) là nước Iran theo Hồi Giáo Shiite.

Cuộc nổi dậy ở Syria kéo dài nhì nhằng và đẫm máu. Bashar Assad được Nga, Trung Hoa Cộng Sản và Iran ủng hộ mạnh mẽ. Máu dân Syria đã đổ nhưng các cuộc biểu tình vẫn còn tiếp diễn và có thể biến thành một cuộc nội chiến như Libya. Bashar Assad, một tổng thống trẻ tuổi, có học vị và hiểu biết văn hóa Tây Phương, hành xử không khác nhà độc tài Qadafi ở Libya bao nhiêu. Qadafi xây dựng ngôi vị bằng đảo chánh không đổ máu lật đổ chế độ quân chủ khi nhà vua đi chữa bịnh ở Thổ Nhĩ Kỳ. Assad là người thừa hưởng ngôi vị của cha để lại trong một quốc gia có 75%  người Hồi giáo Sunni đặt dưới sự lãnh đạo của gia đình Assad theo phái Alawi, một phái nhỏ của Hồi Giáo Shiite. Một số quân sĩ trong quân đội Syria đào ngũ và chống lại quân chánh phủ. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia lân bang của Syria, là một thành viên của NATO thân Hoa Kỳ, lo ngại người Kurds biến động ở biên giới phía Nam nên ước muốn Syria giải quyết những xáo trộn chánh trị trong nước họ càng sớm càng tốt. Syria từng có 14.000 quân đóng ở Lebanon. Họ chỉ rút quân ra khỏi nước nầy vào năm 2005 sau vụ ám sát cựu thủ tướng Hariri của Lebanon.

Syria nghi ngờ Hoa Kỳ đứng sau phe đối lập.  Đại sứ Hoa Kỳ ở Syria bị liệng cà và trứng. Việc dùng quân đội bắn giết người biểu tình của chánh phủ Damacus lay động lương tâm loài người trên thế giới. Liên Đoàn Á Rập đình chỉ tư cách thành viên của Syria trong Liên Đoàn và yêu cầu Assad ngưng những cuộc đàn áp đẫm máu. Chánh phủ Assad không quan tâm đến sự can thiệp của Liên Đoàn Á Rập. Liên Đoàn phải đưa ra những biện pháp trừng phạt Syria như: không đầu tư, không buôn bán với Syria; phong tỏa tài chánh nước nầy v.v… Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những biện pháp trừng phạt giới lãnh đạo Syria tương tự. Syria phản ứng bằng cách cho người tấn công vào tòa đại sứ các nước Á Rập không thuận lợi cho sự cai trị của Assad.

Trước mắt Assad có ba sự cảnh cáo: cái chết của Qadafi, sự nhượng bộ của Saleh ở Yemen; việc Kenya ra lịnh bắt Bashir, tổng thống Sudan (Bắc Sudan), về tội diệt chủng theo sự truy tố của Tòa  Án Quốc Tế. Assad không khác ba nhà độc tài kia bao nhiêu. Các quốc gia Hồi Giáo láng giềng của Syria đều không tán đồng cách đàn áp biểu tình mạnh bạo của Assad.

Vương quốc Morocco là đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ sau thời lập quốc của nước nầy. Tuy không có những cuộc biểu tình đẫm máu như ở Tunisia hay ở các nơi khác, chánh phủ Morocco hứa cải cách chánh trị.

Ở Ai Cập có những cuộc biểu tình dữ dội ở Cairo đòi chánh phủ quân nhân phải rút lui trước cuộc bầu cử. Tại đây tổ chức Huynh Đệ Hôi Giáo rất mạnh sau khi Mubarak bị lật đổ. Những cuộc biểu tình vào tháng 11 vừa qua ở Cairo cho thấy sức mạnh của nhớm Huynh Đệ Hồi Giáo trong quần chúng. Họ biểu tình vì nghi ngờ chánh phủ quân nhân không tổ chức bầu cử "trong sạch". Ai Cập đặt dưới sự lãnh đạo của quân nhân từ năm 1952 khi vua Farouk bị lật đổ. Nasser là người góp phần đắc lực vào việc lật đổ vua Farouk năm 1952 rồi chính ông lật đổ tướng Neguib năm 1954 để nắm quyền cho đến khi chết. Ông được ủng hộ vì có lập trường chống Do Thái cực đoan. Sadat thay đổi đường lối năm 1979 và bị ám sát chết. Mubarak tiếp nối đường lối nầy, tức hòa hoãn và sống chung hòa bình với Do Thái để lấy lại bán đảo Sinai mất vào năm 1967 và thân Hoa Kỳ để nhận viện trợ hàng năm. Nasser từng nhận viện trợ và cố vấn Liên Sô nên có cơ hội nhận chân được sự cay đắng khi những người tự nhận "hữu thần" sống chung và nhờ sự giúp đỡ của người "vô thần" qua sự chán chường của quần chúng trước các cố vấn Liên Sô hống hách và sàm sỡ. Cuối cùng Ai Cập đành phải cám ơn và yêu cầu họ im lặng về nước.

Các đảng Hồi Giáo chống văn hóa Tây Phương và Do Thái có ưu thế trong các cuộc bầu cử giống như cuộc bầu cử giữa Hamas và Fatah ờ West Bank và Gaza năm 2006 vậy. Kết quả là phe quá khích thắng cử. Kết quả cuộc bầu cử ở Tunisia và Morocco cho thấy thế thượng phong của người Hồi Giáo bảo thủ và quá khích. Họ lợi dụng dân chủ và sự quá khích tôn giáo của đa số quần chúng để thắng cử công khai và hợp pháp nhưng không xem dân chủ là cứu cánh của hành động của họ.

Libya chưa tổ chức bầu cử nhưng tân chánh phủ hứa sẽ dùng luật Sharia làm căn bản lập pháp. Chắc chắn nhóm Hồi Giáo bảo thủ và cực đoan sẽ có ưu thế trong cuộc bầu cử sắp tới.

Iran vẫn tiếp tục khuếch trương năng lượng nguyên tử. Hoa Kỳ, Do Thái và các nước Tây Phương lo ngại họ sản xuất bom nguyên tử. Trong những ngày qua người ta lo ngại Do Thái đơn phương tấn công Iran bằng phi cơ như đã làm với Iraq năm 1981 và gần đây với Syria mặc dù Iran nằm xa Do Thái và người ta cũng không biết có bao nhiêu lò nguyên tử rải rác khắp nước. Iran là một xứ Cộng Hòa Hồi Giáo trị. Hoa Kỳ lo ngại Iran can thiệp và chi phối Iraq sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi nước nầy vào cuối năm 2011. Do Thái vẫn để mắt vào Iran và Syria, hai quốc gia luôn luôn yểm trợ cho Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Gaza. Iran hăm sẽ tấn công các giàn hỏa tiễn của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu bị Do Thái hay Hoa Kỳ tấn công. Không khí chống Anh, Hoa Kỳ và Do Thái như đang sôi sục ở Iran. Tòa đại sứ Anh ở Teheran bị tấn công. Chánh phủ Anh ra lịnh đóng cửa tòa đại sứ Iran ở London.

Nếu Iran có bom nguyên tử thì Ai Cập, Saudi Arabia cũng phải có bom nguyên tử. Trước kia Qadafi cũng muốn Libya là một cường quốc nguyên tử. Như vậy các giếng dầu ở Trung Đông và Bắc Phi đặt trước những kho chứa bom nguyên tử. Do Thái là quốc gia nhỏ bé trực tiếp hứng chịu ngọn lửa nguyên tử. Họa nguyên tử sẽ đe dọa nhân loại và cả Trái Đất nữa nếu nó rơi vào tay khủng bố quốc tế. Các quốc gia trong Liên Đoàn Á Rập không hứng thú gì khi thấy Iran có võ khí nguyên tử.

Bang gia giữa Pakistan với Hoa Kỳ và chánh phủ Karzai căng thẳng sau việc đặc vụ Hoa Kỳ giết chết Osama Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan mà chánh phủ nước nầy không hề được thông báo. Tổng thống Afghanistan hoài nghi Pakistan trong nỗ lực đánh dẹp Taliban. Hoa Kỳ phiền trách chánh phủ Islamabad thờ ơ và miễn cưỡng trong  việc hợp tác với Hoa Kỳ đánh dẹp Taliban và khủng bố lẩn trốn trên lãnh thổ Pakistan, ngoài biên giới hai nước Pakistan-Afghanistan. Pakistan phản đối những vụ oanh tạc của phi cơ không người lái. Vào hạ tuần tháng 11 phi cơ của NATO oanh tạc vào một đồn của Pakistan làm chết 28 quân sĩ Pakistan khiến cho nước nầy càng chống Hoa Kỳ và Tây Phương nhiều hơn. Vụ oanh tạc nầy là một việc làm đáng tiếc nhưng cần được điều tra rõ ràng vì hình như phi cơ NATO oanh tạc theo sự chỉ điểm của quân Afghanistan. Hoa Kỳ thông báo lịch trình rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Taliban phấn khởi với tin nầy vì họ tỏ ra thiện chiến và bạo tợn hơn quân của chánh phủ Kabul. Iran hướng về Iraq. Pakistan hướng về Afghanistan. Ảnh hưởng của Pakistan sẽ giúp cho ảnh hưởng của Trung Hoa Cộng Sản bành trướng trên quốc gia thường xuyên cô lập với thế giới bên ngoài nầy. Liệu sự sống chung giữa những người tự nhận "hữu thần" và những người thực sự "vô thần", giữa những người không ăn thịt heo và những người ăn thịt heo kéo dài được bao lâu?

 

Âu Châu

Liên Hiệp Âu châu chứng kiến cuộc khủng hoảng đồng Euro. Hy Lạp và Ý rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh trầm trọng.

Quốc Gia
GDP (tỷ Euro)
Nợ (tỷ Euro)
Tỷ lệ
Hy Lạp 
329
227
145%
Ý
1.840
1.560
118%
Ái Nhĩ Lan
156
148
95%
Bồ Đào Nha
173
161
93%
Tây Ban Nha
1.050
642
61%

Cuộc khủng hoảng tài chánh ở Hy Lạp và Ý làm cho người ta lo ngại dịch khủng hoảng sẽ lan qua những nước Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả Pháp nữa. Thủ tướng Hy Lạp là Papandreou từ chức (11-11-2011). Năm ngày sau thủ tướng Ý Berlusconi cũng từ chức. Trong cuộc bầu cử vừa qua phe bảo thủ Tây Ban Nha thắng cử.

Pháp chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống. Ở Nga Putin sẽ ra tranh cử tổng thống sau khi tạm xa ghế tổng thống từ năm 2008 để về giữ chức thủ tướng vì hiến pháp không cho tổng thống đảm nhiệm chức vụ nầy quá hai nhiệm kỳ. Putin cố đẩy mạnh vai trò của nước Nga trên thế giới thời hậu Cộng Sản. Ông chiếu cố lại các cựu Cộng Hòa Sô Viết trong vùng Caucasus và Trung Á. Với đường lối nầy thỉnh thoảng ông phải va chạm với NATO và Trung Hoa Cộng Sản.

Nga, Trung Hoa Cộng Sản, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi thành lập BRICS, một "ngũ cường" kinh tế đang lên như ngầm cạnh tranh với Hoa Kỳ, Nhật và Liên Âu. Đó là sự kết hợp kinh tế. Về chánh trị mỗi quốc gia trong khối đều có mộng riêng.

Nga và Trung Hoa Cộng Sản có mộng siêu cường thế giới về kinh tế lẫn quân sự.

Ấn Độ vươn lên để xây mộng cường quốc kinh tế và chánh trị Á Châu.

Brazil nuôi mộng cường quốc Nam Mỹ Châu.

Nam Phi là cường quốc trên lục địa Phi Châu với nguồn tài nguyên phong phú và nhiều chuyên viên kỹ thuật Da Trắng gốc Anh và Hòa Lan (Boers) có tầm vóc lớn.

 

Á Châu Thái Bình Dương

Năm 2011 chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ vào năm tới. Tổng thống Obama chưa làm cho kinh tế Hoa Kỳ vượt qua những khó khăn ngoại trừ một vài nổi bật trong chánh sách đối ngoại:

– Giết chết Osama Bin Laden.

– Các nhà độc tài thân lẫn chống Hoa Kỳ đều bị lật đổ. Thân Hoa Kỳ có Mubarak của Ai Cập, Saleh của Yemen. Chống Hoa Kỳ có Qadafi (chống Hoa Kỳ trước năm 2003. Từ năm 2004 trở đi ông ta dịu giọng với Hoa Kỳ).

– Sự khẳng định vai trò của Hoa Kỳ ở Á Châu Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc Á Châu tại hội nghị APEC ở Hawaii và ASEAN ở Bali, Indonesia. Từ năm 2010 bà Hilary Clinton, bộ trưởng bộ Ngoại Giao và ông Robert Gates, bộ trưởng bộ Quốc Phòng đã minh định đường lối nầy với Trung Hoa Cộng Sản. Năm 2011 tân bộ trưởng Quốc Phòng Panetta tái khẳng định sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Á Châu Thái Bình Dương tại hội nghị các tổng trưởng Quốc Phòng của khối ASEAN tại Bali. Bây giờ chính tổng thống Obama xác định đường lối ấy mặc cho ngân sách quốc phòng bị cắt giảm rất nhiều. Hoa Kỳ lập ra TPP (Trans Pacific Partners: Đối Tác <Thương Mại> Xuyên Thái Bình Dương) gồm 9 nước vùng Thái Bình Dương không có Trung Hoa Cộng Sản. Chín quốc gia đó là: Hoa Kỳ, Việt Nam, Brunei Darussalam, Mã Lai, Chile, Úc  Đại Lợi, Tân Tây Lan, Peru, Singapore. Việt Nam tỏ ra mạnh dạn khi cùng ký thỏa ước TPP (12-11-2011) để các quốc gia thành viên tự do mậu dịch, phát triển đầu tư, phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm. Tại hội nghị APEC, ông Trương Tấn Sang cám ơn Hoa Kỳ. Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) có vẻ cô đơn và yếu thế trong hội nghị APEC trước Obama khi tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi Beijing hành sử như một quốc gia trưởng thành! Lần đầu tiên tổng thống Hoa Kỳ dự hội nghị ASEAN do tổng thống Indonesia chủ tọa. Lần nầy Hu Jintao không dự. Thủ tướng Wen Jiabao (Ôn Gia Bảo) tham dự với lập trường giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng giải pháp thương thuyết song phương chớ không bằng giải pháp quốc tế đa phương mà Hoa Kỳ đề nghị.

– Việc đưa 2.500 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ sang Darwin, Úc Đại Lợi, không che dấu được chánh sách bao vây kinh tế lẫn quân sự của Hoa Kỳ trước sự đe dọa quân sự của Trung Hoa Công Sản ở Tây Thái Bình Dương. Vẫn biết rằng 2.500 quân là một con số quá tượng trưng, nhưng nó là sự cam kết quan trọng của Hoa Kỳ đối với quốc gia đồng minh chung thủy của Hoa Kỳ: Úc Đại Lợi. Trong đệ nhị thế chiến tướng Mac Arthur đặt tổng hành dinh ở Úc và từ đó tái chiếm Phi Luật Tân và kết thúc chiến tranh với Nhật bằng hai trái bom nguyên tử. Úc sát cánh với Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh chống khủng bố. Nếu Đông Nam Á bị đe dọa thì Úc không sao yên ổn được.

Sự trở lại Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ lần nầy được các nước trong vùng Đông Nam Á đón nhận như một tàng dù an ninh trước sự đe dọa của cơn cuồng phong xuất phát từ Trung Hoa lục địa. Ngày 25-11-2011 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mặc lễ phục nghiêm chỉnh trả lời các đại biểu quốc Hội Cộng Sản một cách "anh dũng" rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam! Càng "anh dũng" hơn, ông nhắc đến hai chánh phủ không còn nữa, "chánh phủ Sài Gòn" tức VNCH và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, trong lúc tổng bí thơ đảng CSVN là Nguyễn Phú Trọng, mặc áo sơ mi không cà vạt mà chỉ có một áo gió bên ngoài, ngồi nghe ông Dũng nói sự sáng suốt của Nguyễn Phú Trọng khi qua Beijing ký những văn kiện được soạn sẵn ngày 11-10-1011. Không ai biết nội dung văn kiện ấy đề cập đến vấn đề gì. Hình như ông Trọng cũng không mấy hài lòng về sự sáng suốt mà ông Dũng khen ông.

Ngày 29-11-2011 ngoại trưởng Hilary Clinton viếng thăm Miến Điện. Đây là một cuộc viếng thăm đầy ý nghĩa vì giữa hai nước có một khoảng cách ngoại giao rộng lớn kể từ năm 1962. Chế độ độc tài quân đội ở Miến Điện được sự tiếp sức của Beijing từ năm 1988 và từ 50 năm qua nước nầy chỉ có thiện cảm với Trung Hoa Cộng Sản, Bắc Hàn và Cộng Sản Việt Nam. Thế giới đang theo dõi những cải cách khiêm tốn của nước nầy sau việc trả tự do cho bà Aung Sang Suu Kyi, từ chối chương trình xây đập thủy lợi trên sông Irrawaddy mà Beijing đầu tư 3,6 tỷ Mỹ kim v.v. Trước khi bà Hilary Clinton đến Miến Điện một ngày thì Beijing đã mời tướng Min Aung Hlaing sang Beijing gặp Xi Jinping (Tập Cận Bình), phó chủ tịch Ủy Ban Quân Ủy Trung Ương, người sắp thay thế Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), để thảo luận về vấn đề quân sự. Chúng ta tạm ghi ảnh hưởng của Trung Hoa cộng Sản ở ba nước Bắc Hàn, Cộng Hòa Xã Hội chủ Nghĩa Việt Nam và Miến Điện bằng những con số như sau:

Quốc Gia  Tỷ lệ ảnh hưởng Trung Hoa Cộng Sản
Bắc Hàn  100% (CS)
Cộng Sản Việt Nam 75% - 85% (CS - thành viên LHQ)
Miến Điện  70 - 80% (không CS - thành viên LHQ)

Bà Hilary Clinton đến phi trường Nay Pyi Taw và được một thứ trưởng Ngoại Giao Miến Điện tiếp rước lặng lẽ không một biểu ngữ chào đón. Miến Điện còn dè dặt vì e ngại Trung Hoa Cộng Sản. Nhưng chắc chắn nước nầy sẽ dùng ngoại giao với các cường quốc khác trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Nga và Hoa Kỳ để chế ngự bớt ảnh hưởng quá nặng của Trung Hoa Cộng Sản như đã thấy ở Việt Nam. Miến Điện có liên hệ với Bắc Hàn về vấn đề nguyên tử. Đó là vấn đề mà Hoa Kỳ rất quan tâm.

Cuối tháng 11 Trung Hoa Cộng Sản cho chạy thử lần thứ hai chiếc hàng không mẫu hạm mà họ mua của Ukraine. Beijing cho rằng họ cho chạy thử hàng không mẫu hạm nhằm nghiên cứu hải dương. Hoa Kỳ và Nhật Bản ngạc nhiên khi thấy một quốc gia đe dọa các nước láng giềng bằng những phát đại bác nổ rền lại nghiên cứu hải dương bằng... hàng không mẫu hạm.

Năm 1974 Trung Hoa Cộng Sản đánh chiếm Hoàng Sa sau khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam (hiệp định Paris 1973). Lúc ấy Hoa Kỳ cần Trung Hoa Cộng Sản để đương đầu với Liên Sô hữu hiệu hơn. Năm 1978 Liên Sô ký hiệp ước an ninh với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Năm 1979 Trung Hoa Cộng Sản tấn công Cộng Sản Việt Nam ngoài biên giới nhưng Liên Sô không có phản ứng gì rõ rệt. Năm 1988 tàu chiến Liên Sô hiện diện ở Cam Ranh khi Trung Hoa Cộng Sản đánh chiếm vài đảo trong quần đảo Trường Sa. Đó là tình hữu nghị và đồng minh Sô-Việt.

Liệu lần nầy Beijing thử hiệu nghiệm của hiệp ước an ninh 1951 ký kết giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân không?

Cho đến lúc nầy Trung Hoa Cộng Sản vẫn còn nhiều thuận lợi. Đối thủ khả dĩ ngăn chận tham vọng bành trướng của Trung Hoa Cộng Sản là Hoa Kỳ. Hiện giờ nước nầy vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn kinh tế. Nợ nần quốc gia quá cao. Nạn thất nghiệp còn cao. Tỷ lệ nghèo ở Hoa Kỳ lên đến 15,2% tổng số dân. Hoa Kỳ còn vướng bận nhiều với Trung Đông và các nước Hồi Giáo mặc dù sẽ rút quân ra khỏi Iraq và cả Afghanistan để giảm bớt chi phí quốc phòng. Dù vậy việc gây chiến của Trung Hoa Cộng Sản ở Đông Nam Á vẫn là một sự phiêu lưu. Người Hoa Kỳ rất cởi mở nhưng tâm lý của họ rất khó công thức hóa. Một giáo sư Hoa Kỳ dạy ở đại học Starkville, Mississipi, nói với tôi rằng ông chưa hề bầu một ứng cử viên nào đắc cử tổng thống cả, nghĩa là người mà ông nghĩ là đắc cử sẽ thất cử và ngược lại. Điều đó cho thấy sự đoán biết về Hoa Kỳ không đơn giản chút nào.

 

Hoa Kỳ

Trung Hoa Cộng Sản khai thác dầu hỏa trên thềm lục địa Cuba cách Florida lối 100 km. Giàn khoan dầu nầy của Beijing như thay thế giàn hỏa tiển của Liên Sô năm 1960. Giàn hỏa tiển của Liên Sô là một sự đe dọa an ninh và quốc phòng đối với Hoa Kỳ. Đó là sự thách thức thuật lãnh đạo của tổng thống John F. Kennedy. Ông thành công khi bắt Khrushchev ra lịnh tháo gỡ hỏa tiễn đặt trên đảo Cuba. Giàn khoan dầu Trung Hoa Cộng Sản ngoài khơi Cuba là một đe dọa môi trường đối với Hoa Kỳ hay tệ hơn đó là trạm quan sát nhắm vào các trung tâm không gian ở Florida. Nó trở thành sự thử thách đối với tổng thống Obama.

Khẩu hiệu Châu Mỹ của người Mỹ Châu của tổng thống Monroe có vẻ bớt hiệu nghiệm vào thế kỷ XXI. Trung Hoa dùng sự dồi dào tài chánh để đáp vào lục địa Mỹ Châu.

Cuba không chống Hoa Kỳ dữ dội như thời Fidel Castro nhưng vẫn không thân thiện với Hoa Kỳ. Vì tự ái và vì quyền hành chế độ Cộng Sản vẫn được duy trì. Dân chủ hóa chánh trị đồng nghĩa với mất chánh quyền hay ít ra quyền hành cũng bị giới hạn và có định kỳ.

Venezuela đi theo con đường tương tự để Hugo Chavez duy trì quyền hành bằng những định chế chánh trị dân chủ hình thức. Chavez tôn Fidel Castro là sư phụ.

Ở Nicaragua lãnh tụ tả phái Daniel Ortega tái đắc cử trong kỳ bầu cử tổng thống nhiệm kỳ hai (2011). Ortega luôn luôn thân Nga và Cuba. Ông chống Hoa Kỳ như Chavez và thân thiện với Iran, Libya. Năm 1980, khi mới nắm quyền lần đầu tiên sau khi lật đổ Somoza, ông định đoạn giao với Taiwan (Đài Loan) nhưng vẫn duy trì buôn bán với cả hai nước Trung Hoa. Nhiều quốc gia Nam Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Taiwan để bang giao với Trung Hoa lục địa.

Trở về Hoa Kỳ, đảng Cộng Hòa đang mở những cuộc tranh luận để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng trong cuộc bầu cử năm 2012. Sự lựa chọn nầy có vẻ khó khăn vì không có ứng cử viên nào khả dĩ đắc cử lại hội đủ các tiêu chuẩn của đảng Cộng Hòa trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2012.

Sự nhập cuộc của ông Rick Perry (1950 - ), thống đốc Texas đem một luồng sinh khí cho đảng Cộng Hòa và những người bảo thủ. Nhưng sau nhiều cuộc tranh luận, ngôi sao của ông Perry mất ánh sáng rất nhiều. Ông được xem là người bảo thủ, có nhiều đức tin và chưa thất cử lần nào ở Texas. Ông Ron Paul cho rằng Perry thành công nhờ theo đảng Cộng Hòa (vì trước kia ông theo đảng Dân Chủ). Ông Cain cho rằng bảng hiệu trước trại nghỉ mát của ông Perry ở Texas có tánh cách kỳ thị. Ông Romney đặt vấn đề với ông Perry về việc cho sinh viên nhập cư bất hợp pháp, mượn tiền trả học phí đại học, trong khi ông Perry nói ông rất gay gắt với người nhập cư bất hợp pháp! Trong một cuộc tranh luận ông Perry cho biết nếu ông là tổng thống, ông sẽ giải tán ba bộ. Nhưng ông chỉ kể được hai bộ. Còn bộ thứ ba thì ông nói ú ớ! Trong một cuộc tranh luận ở New Hampshire ông Perry lại lọng cọng về tuổi đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Vào tháng 8 ông lấn át ông Romney, cựu thống đốc Massachusetts. Nhưng đến tháng 10 ông bị Herman Cain (1945 - ) lấn át.

Herman Cain là người Da Đen chưa có chức vụ dân cử nào cả. Ngôi sao của Herman Cain vừa lóe sáng thì có vài ba phụ nữ xuất hiện gây vài nghi vấn quanh ông. Với ông Cain người ta đưa ra vài chữ "Nếu":

1- Nếu ông Cain được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh tổng thống thì đây là lần đầu tiên đảng nổi tiếng bảo thủ đưa một người da màu ra tranh tổng thống.

2- Nếu ông Cain đắc cử thì ông là tổng thống Da Đen thứ nhì tiếp nối theo ông Obama. Và ông sẽ là người tổng thống thứ nhì sau tướng Eisenhower đắc cử tổng thống mà trước đó không có chức vụ dân cử nào cả. Ông Eisenhower là anh hùng đánh bại Đức Quốc Xã trong đệ nhị thế chiến. Ông Cain là CEO của công ty Godfather's Pizza. Ông Cain được gọi là ông 9-9-9, tức là thuế 9% dành cho người tiêu thụ, thuế kinh doanh và thuế liên bang.

Ngôi sao ông Herman Cain vừa mất ánh sáng thì Tea Party và những người bảo thủ khác trong đảng Cộng Hòa đẩy mạnh ngôi sao ông Newt Gingrich (1943 - ), cựu chủ tịch Hạ Viện thời tổng thống Clinton.

Ông Romney (1947 -) khả dĩ là đối thủ nặng cân của tổng thống Obama, nhưng dưới nhãn quan người bảo thủ ông là người "tự do". Đạo Mormon của ông cũng là một vấn đề đối với cử tri đảng Cộng Hòa. Ông Huntsman (1960 -), cựu thống đốc Utah và đại sứ Hoa Kỳ ở Beijing (Bắc Kinh) là người đồng đạo nhưng trở thành người cạnh tranh với ông. Đảng Dân Chủ dùng lời chỉ trích của các ứng cử viên Cộng Hòa dành cho ông Romney bằng cách cho ông biệt danh "flipflop" (lật qua đảo lại) như đảng Cộng Hòa đã gán cho Kerry trong cuộc bầu cử năm 2004. Điều nầy cho thấy đảng Dân Chủ e ngại Romney được đảng Cộng Hòa đề cử.

Dù đảng Cộng Hòa đề cử ông Gingrich hay ông Romney, cử tri bảo thủ của đảng Cộng Hòa có vẻ chưa hoàn toàn hài lòng.

Ông Gingrich có lập trường bảo thủ, chống phúc lợi xã hội; chống bảo vệ y tế được gọi là Obamacare theo mô thức Âu Châu, Canada hay theo xã hội chủ nghĩa; kiên định lập trường miễn thuế cho người có lợi tức cao được gọi là nhóm 1% v.v. Nếu ông được đảng đề cử và được đắc cử, ông là dân biểu thứ nhì sau Abraham Lincoln và người Thiên Chúa Giáo thứ nhì (tân tòng theo đạo của người vợ thứ ba) sau John F. Kennedy đắc cử tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ. Vì phần lớn các tổng thống Hoa Kỳ là thượng nghị sĩ, thống đốc hay tướng lãnh có chiến tích lẫy lừng như Eisenhower trong hai nhiệm kỳ 1952 - 1956 và 1956 - 1960.

Có thể trong đảng Cộng Hòa có người lập ra liên danh thứ ba. Trong số những người nầy người ta phỏng đoán có thể có nhà tỷ phú và thị trưởng thành phố New York Bloomberg, Trump hay Huntsman cũng đạo Mormon với ông Romney.

Ông Bloomberg (1942 - ) là đảng viên Dân Chủ đến năm 2001, rồi đảng Cộng Hòa từ năm 2002 đến 2007. Hiện nay ông là người độc lập. Nếu ông Bloomberg ra tranh cử, ông Obama bị thất lợi ở tiểu bang New York, Connecticut, hai tiểu bang được xem là thành đồng của đảng Dân Chủ, và mất một số phiếu của người Do Thái. Ngoài ra ông Bloomberg có thể chia phiếu với ông Obama ở Ohio và Pennsylvania. Sự tranh cử của ông Bloomberg, nếu có, sẽ làm mất hy vọng thắng lợi của ông Obama.

Cho đến nay chưa có ứng cử viên liên danh thứ ba nào được đắc cử, nhưng sự hiện diện của liên danh thứ ba mạnh như ngầm giúp cho một liên danh nào đó, hoặc của đảng Dân Chủ hoặc của đảng Cộng Hòa.  Năm 1992 Clinton thắng đương kim tổng thống Bush I nhờ liên danh của nhà tỷ phú Perot, trước kia cũng thuộc đảng Cộng Hòa. Năm 1996 ông thắng ứng cử viên Cộng Hòa Dole. Lúc ấy cũng có liên danh Perot. Nhưng lần nầy số phiếu của ông Perot không quan trọng như năm 1992. Năm 2000 ông Bush II thắng ông Al Gore sát nút ở Florida nhờ liên danh của ông Ralph Nader (Green Party) chia phiếu của đảng Dân Chủ ở Florida.

Không cần biết ứng cử viên của đảng Cộng Hòa là ai, người ta thấy phiếu của ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa gần như ngang nhau. Ứng cử viên đảng nào thắng phiếu ở bốn tiểu bang Ohio, Michigan, PennsylvaniaFlorida, sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Đó là trường hợp không có sự tranh cử của nhà tỷ phú và thị trưởng New York Michael Bloomberg (Độc Lập) hay tỷ phú Donald Trump (Cộng Hòa).

Ông Obama không phải là Jimmy Carter năm 1980. Ông có phần giống Woodrow Wilson (Dân Chủ). Cả hai đều được giải thưởng Nobel và có lý tưởng chánh trị có tính "địa cầu" hơn là Mỹ. Wilson có quyền dân tộc tự quyết, Hội Quốc Liên. Ông Obama chưa đưa ra chủ thuyết gì rõ ràng ngoài việc đề cập đến Dân Chủ và kêu gọi các nhà độc tài nên từ chức khi có những cuộc biểu tình rầm rộ. Ông Wilson lãnh giải thưởng Nobel sau khi Đồng Minh thắng Đức năm 1918 và Hội Quốc Liên được khai sinh (1919). Ông Obama lãnh giải thưởng Nobel sau khi nhậm chức tổng thống 9 tháng và chưa có thành tích chánh trị quốc tế nào khả dĩ đem lại hòa bình cho nhân loại ngoại trừ những bài nói chuyện.

Ngoài việc bỏ phiếu theo đảng phái, tôn giáo, sắc tộc, chủ đề chánh trong nước, khả năng tranh luận của ứng cử viên, cử tri cũng xét qua tuổi tác, sức khỏe, tướng mạo, học vị, nguồn gốc gia đình và trường đào tạo. Cử tri Hoa Kỳ thích:

– Ứng cử viên trẻ hơn già (Kennedy > Nixon, Clinton > Bush I, Obama > Mc Cain).

– Ứng cử viên cao lớn, khỏe mạnh hơn người nho phong cốt cách theo quan niệm Đông Phương.

– Ứng cử viên ăn nói lưu loát và duyên dáng (Kennedy, Clinton, Obama).

– Có học vị cao và xuất thân từ đại học Harvard, Yale hay Oxford, Cambridge càng tăng thêm giá trị "trí thức uyên bác chân truyền" (Kennedy, Clinton, Obama).

– Thành công trên thương trường (giàu có) hay chánh trường cấp tiểu bang hay liên bang (hữu danh). Kennedy là thượng nghị sĩ xuất thân từ gia đình giàu có, học ở Harvard. Cha của ông từng là đại sứ Hoa Kỳ ở Anh quốc đã giúp cho Franklin Delano Roosevelt đắc cử tổng thống năm 1932 với khẩu hiệu Roosevelt hay là Chết.

Cử tri Hoa Kỳ khó lựa chọn trong cuộc bầu cử năm 2012. Vấn đề then chốt của cuộc bầu cử năm 2012 là vấn đề kinh tế - xã hội. Ông Obama không phải là Franklin D. Roosevelt của thời kỳ 1930. Nhưng đảng Cộng Hòa cũng chưa có thành tích giải quyết khó khăn kinh tế trong quá trình lịch sử. Khủng hoảng kinh tế 1929, thâm hụt ngân sách đầu thập niên 1990, suy thoái kinh tế năm 2008 đều xảy ra dưới thời hành pháp Cộng Hòa. Liệu ông Newt Gingrich (nếu được đảng Cộng Hòa đề cử và đắc cử) giải quyết trơn tru nợ quốc gia, sự suy thoái kinh tế, nạn thất nghiệp bằng những đường lối đặc thù của ông đã được dư luận thấu triệt từ hai thập niên qua? Còn Romney, CEO thành công?

Về đối ngoại đảng Dân Chủ có vẻ mạnh dạn hơn đảng Cộng Hòa. Cho đến thập niên 1920, đảng Cộng Hòa vẫn còn chung thủy với chủ nghĩa tự cô lập. Quốc Hội Cộng Hòa không chuẩn phê hiệp ước Versailles ký năm 1919. Hội Quốc Liên vừa ra đời sớm trở nên què quặt. Suốt 10 năm đầu của thế kỷ XXI, hành pháp Cộng Hòa như quên lãng Đông Nam Á và sự hiện hữu của khối ASEAN. Ở Mỹ Châu, Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Ecuador, Honduras... đều có khuynh hướng đi ngược chiều với Hoa Kỳ.

Sự tham gia của Hoa Kỳ trong các cuộc chiến tranh trên thế giới vào thế kỷ XX đều xảy ra dưới thời hành pháp Dân Chủ:

– Đệ nhất thế chiến với Woodrow Wilson (1917 - 1918).

– Đệ nhị thế chiến với Franklin D. Roosevelt (1942 - 1945).

– Chiến tranh Triều Tiên với Harry Truman (1950 - 1953).

– Chiến tranh Việt Nam với Lyndon B. Johnson (1965 - 1973).

– Chiến tranh Kosovo với Bill Clinton (1999).

Sự thành lập Hội Quốc Liên hay Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đều là sáng kiến của hai vị tổng thống đảng Dân Chủ: Woodrow Wilson và Franklin D. Roosevelt.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, người Hoa Kỳ như trong trạng thái trông chờ một vị cứu tinh kinh tế - xã hội hơn là một anh hùng Thép Đã Tôi Thế Đấy hay một nhà tư tưởng cao siêu.Vị cứu tinh đó là Obama? Romney? Newt Gingrich? Hay ai khác?

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2012