Phạm Đình Lân


Tây Thái Bình Dương

 

Nói một cách rộng rãi Tây Thái Bình Dương bao gồm biển Okhotsk, Nhật Hải, Hoàng Hải xuống tận Nam Hải mà người Việt Nam gọi là Biển Ðông (Ðông Hải). Dọc theo phần biển này có các nước Nga, Nhật, Triều Tiên, Trung Hoa Cộng Sản, Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan – Ðài Loan), Việt Nam, Phi Luật Tân, Indonesia, Brunei, Mã Lai và Singapore. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến phần biển Tây Thái Bình Dương giới hạn từ:

– Bắc vĩ tuyến 0 độ đến 24 độ
– Ðông kinh tuyến 105 độ đến 120 độ

Ðó là phần biển Thái Bình Dương liên hệ đến các nước Mã Lai, Brunei, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Phi Luật Tân, Taiwan (Ðài Loan), Trung Hoa Lục Ðịa. Ðó là hải lộ nối liền Thái Bình Dương với Ấn Ðộ Dương, Bắc Bán Cầu với Nam Bán Cầu, các quốc gia Ðông Nam Á lục địa với các quốc gia Ðông Nam Á quần đảo.

Năm 1511 người Bồ Ðào Nha đến bán đảo Malacca. Ðó là người Âu Châu đầu tiên tiến vào vùng biển Tây Thái Bình Dương. Năm 1543 các thương nhân Bồ Ðào Nha đến Tangheshima ở Nhật thời các lãnh chúa Ieyasu, Hideyoshi và Nobunaga tranh giành thế lực độc tôn trên quần đảo này. Năm 1549 Francis Xavier lập dòng Jesuits ở Kagoshima. Người Bồ gây ảnh hưởng ở Macau tức thành phố Aomen (Ao Mon) từ năm 1557. Mãi đến năm 1999 Macau mới được hoàn lại cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ). Chính người Bồ Ðào Nha đã đặt tên đảo Ðài Loan (Taiwan) là Formosa có nghĩa là hòn đảo đẹp.

Năm 1521 Ferdinand Magellan (1480 ? - 1521), một nhà hàng hải Bồ Ðào Nha phục vụ cho vương triều Tây Ban Nha đã đặt chân lên quần đảo Phi Luật Tân. Ðến năm 1570 quần đảo này trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha dưới tên Philippines để tưởng nhớ đến vua Philip II (1527 - 1598). Dưới triều vua Philip II mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Tây Ban Nha. Câu này được lập lại vào thế kỷ XIX với đế quốc Anh dưới triều nữ hoàng Victoria.

Vào thế kỷ XVI giáo sĩ Tây Ban Nha thuộc dòng Dominican giảng đạo ở miền duyên hải Bắc Bộ bây giờ trong khi các giáo sĩ Bồ Ðào Nha dòng Jesuit bắt đầu đặt chân lên vùng đất mà ngày nay là miền trung Trung Bộ. Ðến thế kỷ XVII các thương nhân và thám hiểm Hòa Lan vượt qua bán đảo Malacca để đến quần đảo Indonesia, nơi người Hòa Lan và Bồ Ðào Nha xung đột nhau đẫm máu để giành quyền kiểm soát hương liệu trên quần đảo Indonesia. Sự thắng lợi nghiêng về phía Hòa Lan. Nước này đô hộ quần đảo Indonesia từ đầu thế kỷ XVII đến 4 năm sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Hòa Lan buôn bán ở Phố Hiến, Hưng Yên vào thế kỷ XVII. Khi Nhật Bản cấm việc truyền giảng đạo Thiên Chúa dưới thời tướng quân Tokugawa, người Bồ Ðào Nha rời khỏi miền Nam nước Nhật nhưng người Hòa Lan được đặc ân ở lại và tiếp tục buôn bán với người Nhật. Trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn Hòa Lan yểm trợ cho chúa Trịnh trong khi Bồ Ðào Nha giúp cho chúa Nguyễn.

Vào thế kỷ XVIII người Pháp hiện diện ở vài thành phố duyên hải phía đông nước Ấn Ðộ. Ở Việt Nam có cuộc khởi nghĩa của ba anh em nhà Tây Sơn. Ở Hoa Kỳ có Chiến Tranh Cách Mạng. Ðây là cuộc chiến tranh độc lập và lập quốc của Hoa Kỳ. Người Anh có ảnh hưởng ở Ấn Ðộ. Một chiếc tàu của Anh cặp bến Qui Nhơn và được hoàng đế Thái Ðức (Nguyễn Nhạc) tiếp đón. Anh lưu ý đến vị trí chiến lược và thương mại của Côn Ðảo. Phái bộ truyền giáo của Pháp truyền giảng đạo Thiên Chúa ở vùng Hà Tiên, Rạch Giá. Tu sĩ nổi tiếng nhất trong thời kỳ này là giám mục Pigneau de Behaine (Bá Ða Lộc). Ông đề nghị chúa Nguyễn Ánh nhờ người Pháp giúp đỡ để khôi phục lại uy quyền đã mất vì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771. Chính Pigneau de Behaine đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp và đại diện họ Nguyễn ký hiệp ước Versailles với De Montmorin (1787). Hiệp ước này không được thi hành vì Pháp bị khủng hoảng tài chánh trầm trọng và cách mạng bùng nổ năm 1789.

Ðến thế kỷ XIX Anh và Pháp là hai cường quốc kỹ nghệ và hàng hải ở Âu Châu. Anh đô hộ Ấn Ðộ, xâm chiếm Mã Lai rồi Miến Ðiện. Pháp thiết lập nền móng cai trị ở Việt Nam, Cambodia và Lào. Xiêm La (Thái Lan bây giờ) thi hành chánh sách ngoại giao mềm dẻo và khéo léo nên giữ được độc lập. Họ ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng với các nước Âu Châu để các nước nầy tự kềm hãm lẫn nhau không cho nước nào độc quyền chiếm Xiêm La. Nước này trở thành quốc gia trái độn giữa hai đế quốc Âu Châu: Anh và Pháp. Vào thế kỷ XIX các cường quốc Tây Phương xem Trung Hoa như một miếng mồi ngon. Họ không ngừng đe dọa và tấn công Trung Hoa buộc nước nầy phải ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng, cắt nhượng đất, bồi thường chiến phí v.v... Nhờ sức mạnh của hải quân, Anh, Pháp và các nước Âu Châu khác gây sức ép nặng nề đối với Trung Hoa. Lúc bấy giờ Nhật trở thành một ‘cường quốc kỹ nghệ’ và một đế quốc Á Châu góp phần vào việc tấn công Beijing (Bắc Kinh) trong Liên Quân Bát Quốc. Trước đó Nhật đánh bại Trung Hoa (1894) và quét sạch ảnh hưởng của nước nầy trên bán đảo Triều Tiên. Trung Hoa nhục nhã ký hiệp ước Shimonoseki chịu bồi thường chiến phí cho Nhật, nhượng đảo Taiwan (Ðài Loan) cho quốc gia chiến thắng. Nhật chỉ trả Taiwan lại cho Trung Hoa (thời Chiang Kai-shek – Tưởng Giới Thạch cầm quyền) sau khi đầu hàng vô điều kiện trước Ðồng Minh vào năm 1945. Tây Thái Bình Dương trở thành cái hồ của Anh và Pháp trong chiến tranh nha phiến (1842), chiến tranh giữa Trung Hoa và liên quân Anh - Pháp (1860), sự phong tỏa đảo Taiwan (Ðài Loan) và quần đảo Pescadore (Bành Hồ – Penghu) (1885), Bát Quốc Liên Quân (1900).

Trong quá trình bành trướng lãnh thổ từ đông sang tây Hoa Kỳ đặt chân trên bờ Thái Bình Dương vào thế kỷ XIX với việc sáp nhập California, Oregon va Washington State vào liên bang, việc mua Alaska của Nga và việc chuyển nhượng quần đảo Phi Luật Tân của Tây Ban Nha cho Hoa Kỳ sau khi nước này bị Hoa Kỳ đánh bại năm 1898. Vào thế kỷ XIX tàu bè Hoa Kỳ thường đến vùng tây bắc Thái Bình Dương nhiều hơn vùng tây nam Thái Bình Dương. Dưới triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị tàu Hoa Kỳ có đến Sài Gòn và Ðà Nẵng xin giao thương. Giữa lúc đó triều Nguyễn bắt đầu thi hành chánh sách bế quan tỏa cảng và bài đạo Thiên Chúa gắt gao nên họ không đạt được kết quả gì mà còn va chạm ngoại giao với triều đình Huế về chánh sách bài đạo và giết đạo. Hoa Kỳ chú trọng đến miền Ðông Bắc Á nhất là Nhật Bản và Trung Hoa hơn là phần biển ở phía Tây Nam Thái Bình Dương. Những phát súng đại bác nổ vang dội từ tàu chiến Hoa Kỳ vào năm 1853 làm cho các nhà lãnh đạo Nhật thức tỉnh. Tướng quân Yoshinobu Tokugawa can đảm từ chức khi trao quyền cho vị Thiên Hoàng trẻ tuổi Mitsu Hito canh tân xứ sở hầu bảo vệ độc lập cho đất nước và đảm bảo sự cường thịnh cho tương lai xứ sở. Nhật chẳng những giữ được độc lập mà còn tỏ ra không thua sút trước các liệt cường Âu-Mỹ. Nhật đánh bại Trung Hoa, một cựu đế quốc đông dân nhất thế giới năm 1894, và Nga, một quốc gia có diện tích rộng lớn nhất thế giới, vào năm 1904 và 1905. Hải quân Nhật sớm trưởng thành khi đánh bại hạm đội Baltic của Nga trong vòng 38 phút ngắn ngủi tại eo biển Tsushima năm 1905. Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian cho Nga và Nhật thương thuyết. Vai trò của tổng thống Theodor Roosevelt lúc bấy giờ là ngăn chặn hoàng họa và làm giảm bớt tham vọng của Nhật sau khi đánh bại Nga ở Mãn Châu (1904) và eo biển Tsushima (1905). Lúc bấy giờ Anh và Nhật là đồng minh. Anh tìm cách ngăn chặn không cho Nga tìm đường ra Ðịa Trung Hải. Biển Baltic nhỏ hẹp lại bị đóng băng vào mùa đông. Anh lại kiểm soát kinh đào Suez không cho hạm đội Nga ra Ấn Ðộ Dương bằng kinh đào Suez và Hồng Hải để rút ngắn hải trình nối liền biển Baltic với hải cảng Vladivostok, hải cảng duy nhất của Nga trên bờ Nhật Hải. Những chiến thắng quân sự của Nhật dưới thời Meiji (Minh Trị) đem lại cho Nhật đảo Taiwan (Ðài Loan) (hiệp ước Shimonoseki 1895) và phân nửa phía nam đảo Sakalin cua Nga (1905 – hiệp ước Portsmouth).

Cho đến khi cách mạng Tân Hợi bùng nổ, Trung Hoa mới thoát khỏi sự đô hộ của nhà Thanh. Nhưng từ cách mạng 1911 đến 1945 Trung Hoa bị các nước Âu Mỹ kể cả Nhật xem là một quốc gia nhược tiểu. Các nước ở phía Tây Thái Bình Dương là thuộc địa của Anh (Mã Lai kể cả Singapore), Hòa Lan (Indonesia), Hoa Kỳ (Phi Luật Tân), Nhật (đảo Taiwan – Ðài Loan), Pháp (Việt Nam, Cambodia, Lào). Trung Hoa rơi vào nội chiến giữa phe cách mạng do Sun Yat- sen (Tôn Dật Tiên) lãnh đạo và phe quân phiệt do Yuan Shikai (Viên Thế Khải) cầm đầu, rồi phe Bắc Dương quân phiệt, bộ hạ của Yuan Shikai, rồi giữa phe Quốc Dân Ðảng và Cộng Sản sau khi Chiang Kai-Shek thống nhất Trung Hoa năm 1928. Trung Hoa trở thành con mồi của Nhật giữa hai thế chiến. Trong đệ nhị thế chiến hải quân Nhật chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (1939) và sáp nhập các quần đảo này vào Taiwan (Ðài Loan), thuộc địa của họ sau năm 1895. Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc ảnh hưởng của Hoa Kỳ lan rộng khắp Thái Bình Dương. Hoa Kỳ trao trả độc lập cho Phi Luật Tân (1946) cũng như khuyến khích Anh, Pháp, Hòa Lan từ bỏ các thuộc địa của họ ở Ðông Nam Á. Năm 1949 Hòa Lan công nhận sự độc lập của Indonesia. Ở Mã Lai, Anh phải đương đầu với du kích Cộng Sản phần lớn là những người Mã gốc Hoa. Trên bán đảo Ðông Dương, Pháp trở lại tái chiếm thuộc địa để biểu dương sự vĩ đại của nước Pháp. Năm 1949 Cộng Sản Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Mao Zedong (Mao Trạch Ðông) đánh bại quân Quốc Dân Ðảng của Chiang Kai-Shek (Tưởng Giới Thạch). Tàn quân QDÐ chạy ra đảo Ðài Loan. Dưới tàng dù của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ đảo Taiwan (Ðài Loan) vẫn còn là một đảo quốc của Trung Hoa Dân Quốc mặc dù Hoa Kỳ nhìn nhận một nước Trung Hoa khi bang giao với CHNDTQ. Từ năm 1971 đến nay CHNDTQ là đại diện của Trung Hoa tại tổ chức LHQ với tư cách là một trong Ngũ Cường có quyền phủ quyết như Hoa Kỳ, Liên Sô, Anh và Pháp.

Từ khi nắm chánh quyền trên lục địa Trung Hoa, Mao Zedong không ngừng phô trương thanh thế của CHNDTQ trên thế giới bằng cách viện trợ cho Việt Minh chống Pháp ở Ðông Dương, đưa chí nguyện quân tham chiến ở Triều Tiên, mơn trớn dư luận thế giới tại hội nghị Geneva (1954), hội nghị Bandung (1955), xâm chiếm Tây Tạng (1959), gây chiến tranh biên giới với Ấn Ðộ (1962), thí nghiệm bom nguyên tử thành công (1964), chiến tranh biên giới với Liên Sô (1969) v.v... Trên lục địa, Mao thất bại với Bước Tiến Nhảy Vọt khiến cho 30 triệu người bị chết vì thiếu lương thực. Ðến năm 1966 Mao phát động cách mạng văn hóa nhằm triệt hạ những lãnh tụ Cộng Sản Trung Hoa không chấp nhận hay không tán đồng tư tưởng và đường lối của ông. Ðến năm 1972 Beijing tưng bừng mở cửa tiếp đón tổng thống Nixon của Hoa Kỳ. Lúc ấy mẫu số chánh trị chung của CHNDTQ và Hoa Kỳ là Liên Sô. Cho đến khi Mao qua đời, CHNDTQ vẫn còn là một quốc gia đông dân với một nền kinh tế nghèo nàn. Dưới thời Mao Zedong hải quân Cộng Sản Trung Hoa xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa mà Trung Hoa Cộng Sản gọi là Xisha (Tây Sa).

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) gồm 30 đảo cát, đá và san hô nằm ngoài khơi cách Ðà Nẵng 350 km. Diện tích tổng cộng là 15.000 km2. Năm 1932 Pháp sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Spratly do tên của nhà hàng hải Anh Henry Spratly đến đó vào năm 1791) vào Việt Nam. Họ thiết lập đài khí tượng trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 1939 hải quân Nhật chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và sáp nhập vào đảo Taiwan (Ðài Loan) năm 1941. Năm 1946 chánh phủ Trung Hoa Quốc Dân Ðảng cho rằng họ có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa viện lẽ rằng các quần đảo trên thuộc Taiwan (Ðài Loan) như Nhật đã tuyên bố. Sau khi bại trận Trung Hoa thâu hồi lại đảo Taiwan mà triều đình Mãn Thanh đã nhượng cho Nhật theo tinh thần hòa ước 1895. Hội nghị San Francisco năm 1951 xác nhận chủ quyền của chánh quyền Bảo Ðại trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc ấy chánh phủ Trung Hoa Quốc Dân Ðảng đã bại trận và chạy ra Taiwan. Ho vẫn còn ghế đại diện Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc nhưng họ không dự hội nghị San Francisco. Chánh quyền Cộng Sản chưa được công nhận nên CHNDTQ không được mời dự hội nghị San Francisco năm 1951. Năm 1954 Việt Nam bị qua phân. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa. Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Chánh phủ VNCH khai thác phân chim, đưa quân ra bảo vệ quần đảo và trông coi đài khí tượng. Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa). Sau khi mất quần đảo Hoàng Sa năm 1974 hải quân VNCH được phái ra bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Deng Xiaoping (Ðặng Tiểu Bình), một nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa (1966 - 1976), tiếp nối sự nghiệp của Mao Zedong bằng cách học hỏi kỹ thuật của Hoa Kỳ để thực hiện Bốn Hiện Ðại Hóa do ông đề ra. Không bao lâu CHNDTQ trở thành cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới. Trung Hoa Cộng Sản chú trọng đến sự phát triển hải quân, ý thức rằng một cường quốc quân sự là một cường quốc có hải quân hùng hậu. Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Hòa Lan, Anh, Pháp, Hoa Kỳ đều là những nước có nhiều thuộc địa trên thế giới nhờ có một lực lượng hải quân hùng hậu. Hướng bành trướng của CHNDTQ là Tây Thái Bình Dương, Nam Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương, nghĩa là Nam Tiến và Tây Tiến. Dưới thời Deng Xiaoping Trung Hoa Cộng Sản chiếm vài đảo san hô trong quần đảo Trường Sa (1988).

Quần đảo Trường Sa có 148 đảo san hô. Diện tích đảo lớn nhất chỉ rộng 96 ha tức 96.000 m2 (310 m x 310 m). Nhiều đảo còn nằm dưới mặt nước biển. Trong số 148 đảo có 45 đảo được các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan), CHNDTQ (Trung Hoa Cộng Sản) tranh chấp giành chủ quyền.

Cậy vào sức mạnh quân sự hiện có CHNDTQ cho rằng họ có chủ quyền trên 80% diện tích Tây Thái Bình Dương. Trung Hoa Cộng Sản có thái độ hung hăng chẳng những với các quốc gia kém hơn họ về diện tích, dân số và tiềm năng quân sự như Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Mã Lai, Brunei, Taiwan mà còn đối với cả Nhật Bản trong vụ tranh chấp chủ quyền trên đảo đá Senkaku mà họ gọi là Diaoyutai (Ðiều Ngự Ðài) năm 2010. Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa thời hậu Deng Xiaoping hành sử như hoàng đế Thiên Triều ngày xưa. Họ cột chặt đường lối ngoại giao của Việt Nam bằng Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng. Họ đe dọa bất cứ vị lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới tiếp đón Ðức Ðạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Họ lên án bất cứ vị thủ tướng Nhật nào thăm viếng đền Thần Giáo thờ các anh hùng dân tộc và chiến sĩ Phù Tang. Họ lớn tiếng đe dọa chánh phủ Na Uy vì đã trao giải thưởng Nobel Hòa Bình cho một người có lập trường đối lập với chế độ hiện hành trên lục địa Trung Hoa. Họ không che dấu sự kiêu ngạo của họ khi cho thế giới thấy họ là hiểm họa của cộng đồng nhân loại.

Vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm cho chánh quyền Hà Nội vô cùng bối rối, hổ thẹn, ngỡ ngàng. Vì ngày 15-06-1956 Hà Nội xác nhận chủ quyền của CHNDTQ trên hai quần đảo này. Ngày 14-09-1958 thủ tướng Phạm Văn Ðồng gởi một văn thơ tán đồng lời tuyên bố về chủ quyền của CHNDTQ trên các hải đảo nói trên. Năm 1974 Trung Hoa Cộng Sản dùng võ lực xâm chiến Hoàng Sa. Hà Nội hoàn toàn im lặng. Văn thơ mà Phạm Văn Ðồng gởi cho Zhou Enlai (Châu Ân Lai) chỉ phản ảnh tinh thần nô dịch của chế độ Hà Nội trước Beijing (Bắc Kinh) chớ không có giá trị pháp lý vì làm sao Phạm Văn Ðồng có quyền công nhận chủ quyền của CHNDTQ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khi những đảo này thuộc VNCH? Cùng thời gian này Beijing cũng cho rằng bãi đá ngầm Scarborough (Scarborough Reef) của Phi Luật Tân cũng thuộc chủ quyền của họ. Cuộc tranh chấp bùng nổ vào tháng 04 vừa qua thực sự đã có từ năm 1958 hay xa hơn từ năm 1935 thời Trung Hoa Quốc Dân Ðảng. Bãi đá ngầm này được gọi là Minzhu Jiao (Bãi Ðá Dân Chủ)!

So sánh phản ứng của Phi Luật Tân và Việt Nam trước sự lấn áp của Trung Hoa Cộng Sản chúng ta thấy Việt Nam hầu như không có phản ứng gì rõ rệt cả. Những người cầm đầu những cuộc biểu tình năm 2011 đều bị đàn áp, bắt bớ và cầm tù chỉ vì hô hào khẩu hiệu Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Chánh phủ Hà Nội chỉ dùng chữ tàu lạ hay người lạ chặn bắt ngư dân Quảng Ngãi đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa để tịch thâu cá, tàu bè và đòi tiền chuộc. Tại sao Việt Nam anh hùng đánh thắng bất cứ kẻ thù nào dù to lớn đến đâu và xuất phát từ đâu như họ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần sau ngày 30-04-1975, một thành viên không thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, lại có thái độ từ bi rụt rè như vậy? Ðiều này cho thấy Cộng Sản Việt Nam bị ‘mắc quai’ nên không dám có thái độ hào hùng nào để bảo vệ ngư dân và chủ quyền biển, đảo. Người Việt Nam không có quyền biết các lãnh tụ Cộng Sản như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng đã hứa và ký kết điều gì với Moscow và Beijing. Ðiều chắc chắn là những điều ấy, nếu có, đều hoàn toàn thiệt hại cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Moscow và Beijing là nơi đào tạo và yểm trợ cho các lãnh tụ ấy nên văn khố của họ có đầy đủ hồ sơ cá nhân của họ. Khi cần họ hé ra một vài bí mật gây sửng sốt dư luận như đám cưới của Lý Thụy (Hồ Chí Minh) với Zheng Xue Ming (Tăng Tuyết Minh) năm 1926 hay Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Lin (Hồ Chí Minh) trước khi chung sống với Lê Hồng Phong v.v... Không thể ngẫu nhiên người ta cử hành ngày Thăng Long đúng vào ngày Quốc Khánh 01-10 của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và bế mạc ngày 10-10 là ngày Cách Mạng Tân Hợi, Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan); tượng Lý Thái Tổ mặc Hoa phục và được đúc từ Trung Hoa lục địa; phim Lý Thái Tổ được tài tử người Hoa đóng và quay trên đất Trung Hoa; hồng kỳ Trung Hoa Cộng Sản 06 sao (05 sao nhỏ chầu một ngôi sao lớn) xuất hiện hai lần vào tháng 10 rồi tháng 12 năm 2011 ở Hà Nội v.v…

Ở Phi Luật Tân người biểu tình giành chủ quyền trên bãi đá Scarborough không do chánh quyền tổ chức và cũng không bị chánh quyền đàn áp, bắt bớ. Dù yếu về quân sự Phi Luật Tân vẫn bắt các thuyền đánh cá Trung Hoa Cộng Sản xâm phạm hải phận của họ. Họ dám đương đầu với một đối thủ mạnh hơn họ gấp ngàn lần. Nhưng họ không lẻ loi. Người ta có khiếp sợ kẻ hung bạo nhưng dư luận không bỏ rơi người yếu thế nhưng can đảm đấu tranh làm thức tỉnh lương tâm và công lý loài người. Sự viếng thăm Phi Luật Tân của tàu Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Ấn Ðộ, Úc, Nam Hàn... cho thấy họ khóng lẻ loi. Phi Luật Tân không dám khiêu chiến để Trung Hoa Cộng Sản có lý do tấn công họ. Nhưng nếu ngư dân Trung Hoa lục địa tiếp tục xâm phạm hải phận bãi đá Scarborough mà người Phi gọi là Panatag Shoal hay Bajo de Massuloc và Trung Hoa gọi là Huangyan (Hoàng Nhâm) hay Minzhu Jiao (Bãi Ðá Dân Chủ) dưới sự bảo vệ của tàu lớn và Trung Hoa Cộng Sản tự ban hành thời gian đánh cá hay cấm đánh bắt cá ở đó thì sao? Nếu họ đặt sự việc đã rồi bằng cách thăm dò dầu khí thành công trong hải phận nước khác nhưng nằm trong lưỡi bò mà họ vẽ thì sao? Phản ứng của quốc gia bị xâm phạm và phản ứng quốc tế sẽ như thế nào?

Beijing (Bắc Kinh) lợi dụng sự triệt thoái quân đội Hoa Kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973, sự thất bại của VNCH trước quân Cộng Sản miền Bắc năm 1975, sự sụp đổ của Liên Sô năm 1991 và việc rời khỏi căn cứ Subic Bay của hải quân Hoa Kỳ năm 1992 dưới thời nữ tổng thống Aquino để trở thành một cường quốc quân sự trong vùng thay thế Hoa Kỳ. Thế mới thấy các cuộc biểu tình chống Hoa Kỳ ở Ðông Nam Á đều có bàn tay của Cộng Sản Trung Hoa nhúng vào. Chuyện đơn giản và dễ hiểu là Hoa Kỳ ra đi thì Trung Hoa Cộng Sản sẽ nhảy vào lấp khoảng trống. Hoa Kỳ chú trọng nhiều đến Âu Châu và Trung Ðông hơn là Ðông Nam Á. Các quốc gia dọc theo miền Tây Thái Bình Dương bắt đầu làm thân với CHNDTQ để được yên thân. Sau năm 1975 Việt Nam được thống nhất. Lê Duẩn ngả theo Liên Sô và chống CHNDTQ thời Deng Xiaoping. Dựa vào Liên Sô, Lê Duẩn mạnh dạn nói rằng: “Biển Ðông không phải là cái hồ của Trung Quốc.” Nhưng hai năm sau khi Lê Duẩn mất, hải quân Trung Hoa Cộng Sản tấn công hải quân Cộng Sản Việt Nam để chiếm Trường Sa (Zhongsha) bất chấp sự hiện diện của tàu chiến Liên Sô đậu ở Cam Ranh. Trường hợp này cũng giống như lúc Trung Hoa Cộng Sản đánh chiếm Hoàng Sa trong khi tàu chiến Hoa Kỳ đậu ở Cam Ranh và Ðệ Thất Hạm Ðội có mặt trên Thái Bình Dương.

Từ năm 2010 Hoa Kỳ thẳng thắn cho biết họ rất quan tâm đến Á Châu nhất là Ðông Nam Á. Họ luôn luôn tuyên bố đứng ngoài các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa CHNDTQ và các nước tranh chấp hải đảo nằm trong lưỡi bò mà Trung Hoa Cộng Sản cho là của họ. Beijing đưa ra những bằng chứng lịch sử hay những cổ vật trên các hải đảo kể cả mồ mả có bia chữ Hán để xác nhận chủ quyền của mình. Những bằng chứng lịch sử ấy rất mơ hồ và không phù hợp với những tiêu chuẩn dùng để xác định chủ quyền như thời gian phát hiện, cư trú, tổ chức hành chánh và cai trị liên tục v.v... Thực tế Trung Hoa Cộng Sản không dùng lý mà dùng sức mạnh quân sự để áp đặt mọi việc theo ý muốn của họ. Họ né tránh việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Ðông. Họ né tránh việc ra tòa án quốc tế khi Phi Luật Tân đòi đưa cuộc tranh chấp chủ quyền trên bãi đá ngầm Scarborough ra tòa án quốc tế về luật biển phân xử. CHNDTQ dùng sức mạnh kinh tế, tài chánh và quân sự của họ để dằn mặt các nước nhỏ và tạo sự vị nể của các nước Âu-Mỹ đứng ngoài cuộc tranh chấp giống như thái độ của Anh và Pháp trước Hitler và vụ Sudetenland năm 1938. CHNDTQ bây giờ hơn nước Ðức thời Hitler về mọi mặt: Họ có 1,5 tỷ dân, một nền kinh tế được xếp hạng nhì trên thế giới, một quân đội đông đảo được trang bị võ khí tối tân, một nền khoa học kỹ thuật tiến bộ. Họ còn là chủ nợ của Hoa Kỳ nữa.

Nga cũng muốn gây ảnh hưởng ở Biển Ðông khi cho tàu của họ thăm viếng Phi Luật Tân, nhưng lúc nào cũng đính chánh rằng họ đứng ngoài cuộc tranh chấp của các nước nhưng họ sẵn sàng bán võ khí cho bất cứ nước nào cần mua. Nga bán võ khí cho CHNDTQ và các quốc gia trong vùng e dè CHNDTQ. Putin nhậm chức tổng thống lần thứ ba. Lần này nhiệm kỳ tổng thống lên đến 06 năm. Putin tăng ngân sách quốc phòng lên đến 650 tỷ. Ông cũng muốn Nga có phần ở Biển Ðông và trên thế giới theo gương Stalin mà ông ái mộ. Nga thăm dò giếng dầu thành công trong vùng mà các công ty Anh và Hoa Kỳ khai thác nhưng phải rút lui vì sự phản đối của Trung Hoa Cộng Sản. Một mặt Nga tỏ ra thân thiện với CHNDTQ. Mặt khác họ có hành động đầy thách thức đối với CHNDTQ như ngầm nói rằng Biển Ðông không phải là cái hồ độc quyền của Cộng Sản Trung Hoa.

Ấn Ðộ thi hành chánh sách Ðông Tiến bằng cách ngoại giao thân thiện với Việt Nam và các nước ASEAN với hy vọng tạo thế quân bình quân sự với Trung Hoa Cộng Sản mà họ xem là một đối tác kinh tế nhưng là một mối đe dọa thường xuyên. Hai nước Ấn Ðộ và CHNDTQ đã từng đánh nhau trong chiến tranh biên giới (1962). Hiện nay du kích Maoist ráo riết hoạt động ở vài địa phương nghèo ở Ấn Ðộ. Sự chuyển hướng của Miến Ðiện làm cho Ấn Ðộ cảm thấy nhẹ nhiều. Ðó là tấm gương chánh trị để các nước Ðông Nam Á hướng về phương Tây. Những công ty dầu khí Ấn Ðộ không đủ bạo dạn như Nga trước lời cảnh cáo của Beijing. Ban đầu họ có vẻ như cương quyết. Nhưng không bao lâu họ lại thay đổi thái độ vì một số lý do kỹ thuật!!!

Nhật quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ngay từ năm 1939. Chắc chắn họ có nhiều kinh nghiệm về các hải đảo nhỏ và không người cư trú này. Ngoài nguồn lợi về hải sản và trữ lượng dầu khí có thể có, các hải đảo này nằm trên hải trình nối liền Ðông Nam Á với Ðông Bắc Á và là cửa ngõ chế ngự Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore, Brunei và cả Taiwan nữa.

Úc Ðại Lợi tuy ở xa và rất cần CHNDTQ về mặt kinh tế thương mại nhưng vẫn e dè nước này về mặt quân sự. Cho đến bây giờ Trung Hoa Cộng Sản dùng chánh sách dọa nạt và sức mạnh quân sự để tạo quyền xâm lấn hải phận, thăm dò dầu khí, đánh bắt cá và ra lịnh cấm bắt cá ngay trong hải phận của nước khác!!! Thực tế Trung Hoa Cộng Sản vẫn còn e dè Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nếu không, họ đã đánh úp và chiếm Taiwan từ lâu. Họ thừa hiểu trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển, đảo giữa họ và các nước Ðông Nam Á, họ chỉ cậy vào sức mạnh hơn là lý. Nhưng nếu họ dùng sức mạnh để đánh thì họ làm cho dư luận thế giới khinh bỉ, ghét bỏ và có thể liên kết lại thành một khối vững chắc để đánh trả lại họ. Về lâu về dài sự chiến bại nghiêng về phía họ.

Chánh sách thâm độc hiện được CHNDTQ thi hành là dùng sức mạnh hải quân xâm phạm lãnh hải các nước trong vùng; ngăn cấm các công ty ngoại quốc khai thác dầu hỏa trong vùng gần lưỡi bò do họ qui định như đã làm đối với Việt Nam và Phi Luật Tân; cho ngư dân của họ vào hải phận nước khác đánh bắt cá; ra lịnh cấm đánh bắt cá trong hải phận của nước khác; bắt bớ, giam cầm, tịch thâu tàu bè và đòi tiền phạt đối với ngư dân đánh cá trong vùng mà họ cho là thuộc chủ quyền của họ v.v... Trên bình diện quốc tế họ dùng sức mạnh kinh tế và tài chánh để phá vỡ sự đoàn kết của các nước ASEAN. Cambodia và Lào tách rời khỏi Việt Nam viện lẽ rằng họ không có quyền lợi gì ở Biển Ðông. Mã Lai, Brunei im lặng mặc dù có tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Singapore có 75% cư dân là người Hoa. Taiwan là một đảo quốc của người Trung Hoa không Cộng Sản. Miến Ðiện chịu ảnh hưởng của Beijing và không có quyền lợi gì ở Biển Ðông. Thái Lan và Indonesia giữ im lặng để khỏi mất lòng Beijing. Hòa bình giữa Thái Lan và Cambodia tùy thuộc vào Beijing. Không bao lâu ngư nghiệp Việt Nam, Phi Luật Tân bị tê liệt hoàn toàn vì chánh sách nước lớn làm càn của CHNDTQ.

Vấn đề Biển Ðông trở nên nan giải vì không thể giải quyết bằng luật pháp quốc tế. Các điều kiện chưa chín muồi để giải quyết vấn đề bằng võ lực. Cách giải quyết nầy có nguy cơ dẫn đến đại chiến thứ III. Ðó là điều ai cũng muốn tránh. Ngẩng mặt lên hỏi Trời thì được đáp lại rằng: “Ý dân là ý Trời. Sức mạnh xây dựng trên sự đoàn kết. Không phải ngẫu nhiên mà được sinh tồn, tự do và hạnh phúc. Ðó là thành quả xây dựng trên gian khổ, gian nguy, mồ hôi, nước mắt và cả xương máu nữa.” Ước muốn sinh tồn và sống trong tự do và hạnh phúc của nhân dân Hoa Lục và Mãn, Mông, Tạng, Hồi có khả năng làm thay đổi bộ mặt thiếu thiện cảm của định chế chánh trị - xã hội hiện hữu của CHNDTQ. Có phải chăng đó là đáp số của nan đề được đề cập?

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2012