Phạm Đình Lân


Tam Cường?

 

Sau khi đệ nhất thế chiến chấm dứt, các cường quốc thắng trận họp nhau tại hội nghị Versailles để quyết định số phận của các nước chiến bại lúc bấy giờ là Đức, Áo-Hung, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ. Có bốn cường quốc tham chiến và thắng trận là Anh, Pháp, Hoa Kỳ và Ý. Nhật là cường quốc thứ năm chỉ tuyên chiến với Đức chớ không có quân tham chiến trên chiến trường Âu Châu. Lúc bấy giờ người ta nói đến Tứ Cường. Nhưng trên thực tế chỉ có Tam cường quyết định: Hoa Kỳ, Anh và Pháp.

Trong đệ nhị thế chiến quốc gia góp phần kiến hiệu vào chiến thắng phe Trục là Hoa Kỳ. Tổ chức Liên Hiệp Quốc ra đời năm 1945. Ngũ Cường (Hoa Kỳ, Liên Sô, Anh, Pháp, Trung Hoa) có quyền phủ quyết. Đó là năm cường quốc thắng trận và được xem là năm quốc gia thành viên sáng lập LHQ. Sau đệ nhị thế chiến nước Đức bị chia đôi. Nhật phải trả Đài Loan lại cho Trung Hoa. Đế quốc Anh và Pháp bị lung lay. Anh thức thời khi trao trả độc lập cho Ấn Độ (1947) và Miến Điện (1948).

Trong đệ nhị thế chiến Trung Hoa bị Nhật chiếm đóng ở Mãn châu và các thành phố lớn dọc theo miền duyên hải. Pháp bị Đức chiếm ở phía bắc.

Anh và Pháp là hai quốc gia nhỏ hẹp, dân số không đông, tài nguyên giới hạn. Trước kia hai nước nầy phồn thịnh vì có nhiều thuộc địa. Sau 1945 Anh và Pháp bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Dân thuộc địa lăm le đứng lên võ trang đấu tranh giành độc lập.

Liên Sô vừa mới vươn lên sau các kế hoạch ngũ niên thì bị quân Đức xâm lăng và phá hại rất nhiều. Nhưng đó là một quốc gia rộng lớn nhất thế giới có khá đông dân cư trên thế giới, tài nguyên chưa khai thác dồi dào. Sau đệ nhị thế chiến Liên Sô trở thành một đế quốc sau khi đặt các nước Đông Âu dưới chế độ Cộng Sản theo thỏa thuận trong hội nghị Yalta và Postdam.

Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất không bị chiến tranh tàn phá ngoại trừ những thiệt hại do sự tấn công bất ngờ của Nhật nhắm vào Pearl Harbor (07-12-1941). Sự tham chiến của Hoa Kỳ làm cho cán cân quân sự nghiêng hẳn về phía Đồng Minh trên mặt trận Thái Bình Dương lẫn mặt trận Âu Châu. Sau đệ nhị thế chiến thực tế chỉ còn Hoa Kỳ và Liên Sô là hai cường quốc có diện tích, dân số, tài nguyên và tiềm năng kỹ nghệ to tát mà thôi. Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô bắt đầu vào năm 1949 hay nói trắng ra giữa khối Tư Bản và khối Cộng Sản.

Năm 1949 cũng là năm Cộng Sản Trung Hoa đánh bại quân của Chiang Kai-shek (Tưởng Giới Thạch). Quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa chạy ra Taiwan (Đài Loan). Mao Zedong (Mao Trạch Đông) thành lập ra nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ), quốc gia có diện tích ngang hàng với Hoa Kỳ và có dân số đông nhất thế giới. Khối Cộng Sản có thêm một thành viên to lớn và đông dân. Nhưng đó là thắng lợi của Mao Zedong chớ không phải là thắng lợi của Stalin. Liên Sô, với tư cách thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa phải cưu mang một quốc gia có số dân nghèo đông đảo nhất thế giới với một vị lãnh đạo Cộng Sản cao ngạo với chủ nghĩa Cộng Sản Hán hóa. Chủ nghĩa Mao là chủ nghĩa Cộng Sản nông nghiệp, hoàn toàn đối nghịch với điều mà Lenin và Stalin luôn luôn nhấn mạnh và nhắc nhở rằng đảng Cộng Sản là đảng của giai cấp công nhân. Mao là người bướng bỉnh nên không dễ dàng tuân lịnh của Stalin. Trái lại Mao muốn tranh quyền lãnh đạo khối Cộng Sản với Stalin và Khrushchev sau nầy.

Mao nắm quyền trên lục địa với một số dân khổng lồ nhưng Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan) vẫn là đại diện Trung Hoa trong ngũ cường tại LHQ. Mãi đến năm 1971 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc mới thay thế Trung Hoa Dân Quốc tại LHQ.

Cuộc chiến tranh lạnh vừa bắt đầu thì xảy ra chiến tranh Triều Tiên (1950). Đại biểu của Liên Sô tại LHQ giả vờ giận dữ bỏ phòng họp để khỏi xử dụng lá phiếu phủ quyết không cho quân LHQ tham dự chiến tranh Triều Tiên. Liên Sô ngầm để cho Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng Sản đụng nhau trên chiến trường Triều Tiên. Chí nguyện quân Cộng Sản Trung Hoa ùa vào Bắc Hàn, nước khai chiến và xâm lăng Nam Hàn, và đánh nhau với quân LHQ do tướng Mc Arthur chỉ huy.

Ưu thế của Liên Sô trong chiến tranh lạnh là dùng các đảng Cộng Sản khắp nơi trên thế giới gây rối cho Hoa Kỳ và đồng minh của nước nầy bằng chiến tranh giải phóng hay chiến tranh du kích.  Họ khích động thuộc địa của các đế quốc Anh, Pháp, Hoa Kỳ và các nư6c Âu Châu trên thế giới nổi dậy giành độc lập và thiết lập chế độ Cộng Sản hay thân Cộng Sản sau khi thắng lợi như trường hợp nửa nước Việt Nam ở miền Bắc, Cuba, Algeria. Từ năm 1957 trở đi sự tranh chấp giữa Trung Hoa Cộng Sản và Liên Sô càng ngày càng rõ nét. Mao chỉ trích mạnh bạo chủ nghĩa xét lại, đường lối hạ bệ Stalin và chủ trương sống chung hòa bình với Tây Phương của Krushchev. Cuộc chiến bằng lời đã biến thành cuộc tranh chấp võ trang giữa quân đội hai nước Trung-Sô trên đảo Damansky trên sông Hei Longjiang (Hắc Long Giang).

Yugoslavia (Nam Tư) là một nước Cộng Sản tách rời khỏi ảnh hưởng của Liên Sô sau đệ nhị thế chiến. Tổng thống Tito cùng với Nasser (Ai Cập), Nehru (Ấn Độ) lập ra khối các quốc gia không liên kết, qui tựu hầu hết các cựu thuộc địa của các đế quốc Tây Phương trên lục địa Á-Phi và Châu Mỹ La Tinh. Các quốc gia phi liên kết bề ngoài có vẻ thân Cộng Sản. Thực tế họ ước muốn được trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô. Chủ nghĩa trung lập của Ấn Độ hoàn toàn vô hiệu nghiệm sau khi quốc gia đề xướng chủ nghĩa nầy bị Trung Hoa Cộng Sản tấn công và chiếm trên 60.000km2 (1962). Không một quốc gia nào trong khối không liên kết lên tiếng binh vực Ấn Độ hay lên án Trung Hoa Cộng Sản!

Sau đệ nhị thế chiến Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự. Hoa Kỳ giúp cho các nước chiến bại như Đức, Ý, Nhật phục hồi kinh tế. Hoa Kỳ bao vây Liên Sô bằng NATO (Minh Ước Bắc Đại Tây Dương - 1949) và Trung Hoa Cộng Sản bằng SEATO (Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á). NATO là một tổ chức có thực  lực với sự hiện diện của các quốc gia Âu Châu kỹ nghệ. NATO có quân đội để ngăn ngừa tham vọng xâm lăng và bành trướng của Liên Sô. Trái lại SEATO không có quân đội. SEATO ra đời sau khi quân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ. Hội nghị quốc tế được triệu tập ở Geneva để chấm dứt cuộc chiến. Nhưng đại diện các nước tham dự hội nghị không ký một hiệp ước nào ngoài hiệp định đình chiến ký giữa đại tá Pháp Delteil và thứ trưởng bộ Quốc Phòng của chánh phủ kháng chiến Hồ Chí Minh là Tạ Quang Bửu. Hoa Kỳ bắt đầu phát huy ảnh hưởng ở miền Nam Việt Nam.

Ở Mã Lai người Anh khéo léo dẹp tan du kích Cộng Sản. Phần lớn những người nầy là người Mã gốc Hoa. Du kích Cộng Sản gặp hai bức tường: tôn giáo (Hồi Giáo & Cộng Sản vô thần) và chủng tộc (người Mã Hồi Giáo và người Cộng Sản gốc Hoa vô thần). Hoa Kỳ giúp tổng thống Magsaysay giải quyết chiến tranh du kích do Cộng Sản Huks phát động ở Phi Luật Tân bằng quân sự lẫn thương thuyết (ông Aquino, thân sinh tổng thống Phi Luật Tân bây giờ). Nhưng Cộng Sản Phi vẫn còn tiềm tàng trong nông thôn. Họ theo chủ nghĩa Maoist. Trên đảng kỳ của họ có hình Mao Zedong. Ở miền Nam Việt Nam ảnh hưởng của Cộng Sản rất mạnh và họ được xem là những người có công kháng Pháp. Mặt khác Cộng Sản dùng khủng bố buộc dân nông thôn phải theo họ đồng thời với những cuộc ám sát ghê rợn nhắm vào những người hợp tác với chánh quyền Sài Gòn. Du kích Cộng Sản, những cán bộ Việt Minh nằm vùng hoạt động mạnh mẽ trước khi Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng (MTDTGP) ra đời vào tháng 12 năm 1960. Trước tình hình đen tối ấy Hoa Kỳ quyết định oanh tạc miền Bắc, ngăn chận nguồn tiếp tế của miền Bắc cho MTDTGP và đưa quân vào miền Nam để ngăn chận làn sóng Cộng Sản tràn về phía Nam trong vùng Đông Nam Á như thuyết Domino nhấn mạnh. Việc oanh tạc miền Bắc và đưa quân vào miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ tạo sức mạnh quân sự trong việc ngăn chận làn sóng Cộng Sản tràn về phía Nam mang theo ảnh hưởng to lớn của Trung Hoa Cộng Sản, nhưng nó tạo một luồng dư luận bất lợi cho Hoa Kỳ trên thế giới, tại Việt Nam và ngay cả trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Thế giới bàng quan xem chiến tranh giữa MTDTGP và chánh quyền Sài Gòn là vấn đề nội bộ của người Việt Nam, xem MTDTGP là tổ chức chánh trị của người miền Nam nổi dậy chống chánh quyền Sài Gòn. Việc Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc Việt Nam được hiểu như là sự gây hấn của một nước lớn và mạnh đối với một nước nhỏ.

Việt Nam từng bị người Pháp đô hộ. Sự hiện diện của người Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam không tránh khỏi sự nghi ngại của người Việt Nam về người da trắng võ trang trên đất nước họ. Đương đầu với Hoa Kỳ là một chuyện vô cùng khó khăn đối với Cộng Sản miền Bắc lẫn miền Nam, nhưng sự hiện diện của quân Hoa Kỳ giúp cho bộ máy tuyên truyền của họ hoạt động dễ dàng khi hô hào chống Mỹ cứu nước. Nó cũng giúp cho Cộng Sản miền Bắc công khai hóa việc gởi quân và võ khí thâm nhập vào miền Nam để đánh Mỹ cứu nước.

Dư luận Hoa Kỳ bắt đầu hoài nghi thắng lợi sau cùng trong chiến tranh Việt Nam sau một thời gian oanh tạc miền Bắc và đưa quân vào miền Nam nhưng chiến tranh càng ngày càng gia tăng cường độ. Số quân sĩ thương vong gia tăng. Những hình ảnh bất lợi cho Hoa Kỳ được tung lên đài truyền hình và báo chí. Chúng góp phần to tát vào tinh thần phản chiến của người Hoa Kỳ.

Anh là quốc gia đồng minh gắn bó của Hoa Kỳ nhưng họ không gởi quân sang Nam Việt Nam để giúp Hoa Kỳ.

Pháp chủ trương trung lập hóa miền Nam bất lợi cho Hoa Kỳ.

Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản nhìn Hoa Kỳ sa lầy. Chiến tranh Việt Nam gây nhức đầu cho Hoa Kỳ nhưng tạo sự yên ổn cho Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản sản xuất các loại võ khí tinh vi. Liên Sô sản xuất hỏa tiễn liên lục địa và vệ tinh nhân tạo. Trung Hoa Cộng Sản sản xuất bom nguyên tử (1964) nhưng vẫn chưa giải phóng Taiwan (Đài Loan) bằng võ lực.

Ở Indonesia, quốc gia có diện tích rộng lớn và đông tín đồ Hồi Giáo nhất thế giới, tổng thống Sukarno bị lật đổ (1965). Sukarno là nhà cách mạng có uy tín trên quần đảo Indonesia, nơi đảng Cộng Sản địa phương có số đảng viên đứng hạng nhì ở Á Châu chỉ sau Trung Hoa Cộng Sản mà thôi. Sukarno chống các nước Tây Phương như đã chống Hòa Lan trước kia. Ông có lập trường thân Beijing. Tướng Suharto thay Sukarno là người chống Cộng Sản cuồng nhiệt. Người ta ước tính có hàng trăm ngàn đảng viên Cộng Sản Indonesia bị cầm tù và bị giết chết. Hoa Kỳ không thành công ở Nam Việt Nam nhưng thành công ở Indonesia. Úc Đại Lợi được bảo vệ trước làn sóng Cộng Sản.

Hoa Kỳ thất bại nhưng không có "Điện Biên Phủ 2" ở miền Nam Việt Nam. Thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam khích lệ các nước Á-Phi và Châu Mỹ La Tinh không thiện cảm với Hoa Kỳ và các cựu đế quốc Bạch Chủng. Nhưng nó trở thành một sự tính toán chiến lược chánh trị quốc tế vì sự rút quân của Hoa Kỳ khỏi Nam Việt Nam giúp cho Cộng Sản Việt Nam chiếm Nam Việt Nam và nghiêng theo Liên Sô gầm gừ với Trung Hoa Cộng Sản. Trước đó Trung Hoa Cộng Sản chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1975 VNCH không còn nữa mà bị đặt dưới chế độ Cộng Sản thân Liên Sô. Từ Hoàng Sa, Trung Hoa Cộng Sản dòm ngó sinh hoạt của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) và Liên Sô ở Cam Ranh. Họ yểm trợ cho Khmer Đỏ chống đối lại Việt Nam và cuối cùng chiến tranh bùng nổ giữa Cộng Sản Cambodia và Cộng Sản Việt Nam, rồi Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Hoa. Như vậy sự thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam được bù đắp lại bằng sự rạn nứt của khối Cộng Sản và chiến tranh giữa Cộng Sản Maoist và Cộng Sản thân Liên Sô.

Lý tưởng quốc tế Cộng Sản được phô bày bằng những cuộc đàn áp đẫm máu của xe tăng Liên Sô trước những cuộc nổi dậy ở Ba Lan, Hung Gia Lợi (1956), Tiệp Khắc (1968), cuộc nổi dậy và đàn áp đẩm máu ở Quỳnh Lưu (1956), sự tỵ nạn của Đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng (1959), việc xây bức tường ngăn cách Đông và Tây Berlin, chiến tranh biên giới giữa Trung Hoa Cộng Sản và Ấn Độ, giữa Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản (1969), chiến tranh xâm lược của Liên Sô ở Afghanistan (1979). Liên Sô bị sa lầy ở Afghanistan. Thế Vận Hội Moscow năm 1980 bị tẩy chay. Công nhân Ba Lan đấu tranh đòi quyền sống. Kinh tế Liên Sô kiệt quệ. Dân chúng Liên Sô lẫn Đông Âu ghê tởm chế độ Cộng Sản. Họ thiếu mọi thứ: tự do, cơm ăn, áo mặc và nhiều nhu cầu vật chất khác giữa lúc chánh quyền lo chạy đua võ trang với Hoa Kỳ. Việc rút quân của Liên Sô ra khỏi Afghanistan năm 1988 và sự suy sụp kinh tế do cuộc chạy đua võ trang với Hoa Kỳ gây ra báo hiệu sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Đông Âu năm 1989 và ở Liên Sô năm 1991.

Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên sô kéo dài từ năm 1849 đến năm 1991. Các Cộng Hòa Sô Viết ở Mông Cổ và Trung Á tuyên bố độc lập. Các nước Đông Âu thoát khỏi chế độ Cộng Sản và gông cùm của Moscow (1989). Liên Sô không còn nữa. Liên Bang Nga ra đời. Chế độ Sô Viết cáo chung.

***

Sau năm 1991 Hoa Kỳ là siêu cường quốc duy nhất trên thế giới không có cường quốc tương xứng cạnh tranh như Liên Sô từ hậu đệ nhị thế chiến đến 1991. Các quốc gia Cộng Sản Đông Âu và Baltic hướng về các nước Tây Phương. Nhiều nước trở thành thành viên của Liên Âu và gia nhập NATO. Nhiều quốc gia, kể cả các nước Hồi Giáo, liên minh với Hoa Kỳ trong chiến tranh Vùng Vịnh nhằm đánh đuổi quân Iraq của Saddam Hussein xâm lăng Kuwait vào năm 1991. Vài tháng sau Liên Sô sụp đổ sau một cuộc đảo chánh không đổ máu. Từ đó đến năm 2000 tổng thống Yeltsin của Nga luôn luôn tìm hiểu và học hỏi việc quản lý kinh tế và xây dựng dân chủ nơi Hoa Kỳ.

Từ thập niên 1970 Trung Hoa Cộng Sản bắt đầu làm thân với Hoa Kỳ ngay khi Mao Zedong và Zhou Enlai (Châu Ân Lai) còn sống. Năm 1976 Zhou Enlai và Mao Zedong lần lượt qua đời. Deng Xiaoping, một nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa còn sống sót, tiếp nối con đường do Mao vạch ra: thân Hoa Kỳ chớ không thân Liên Sô. Deng Xiaoping thân Hoa Kỳ để học hỏi và có đồng minh tạo thế quân bình với quốc gia đồng chí láng giềng: Liên Sô. Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter được Deng báo trước sẽ đánh CHXHCNVN năm 1979. Nhiều người trong chánh giới Hoa Kỳ có những ý nghĩ không chính xác về Cộng Sản, đặc biệt là Cộng Sản nông nghiệp Á Châu, khi cho rằng kinh tế thị trường sẽ chi phối định chế chánh trị phi dân chủ ở các nước Cộng Sản. Vụ đàn áp Tianmen (Thiên An Môn) năm 1989 và sự ổn định của Cộng Sản Việt Nam sau ngày Liên Sô sụp đổ đến nay cho thấy sự thiếu chính xác của nhận xét đầy tính triết lý chánh trị hơn là thực tế nầy.

Đến đầu thế kỷ XXI Trung Hoa Cộng Sản trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự. Hoa Kỳ có quốc gia thứ hai cạnh tranh. Ngũ Cường vẫn còn trên thế giới nhưng trên thực tế chỉ còn hai nước lớn cạnh tranh nhau. Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng Sản. Nga hoàn toàn mất địa vị lãnh đạo trên thế giới. Sức mạnh còn tồn đọng dựa trên đống võ khí cũ. Kinh tế yếu kém, xã hội băng hoại, nạn du đãng cướp bóc hoành hành. Nga tập tành xây dựng dân chủ và học căn bản kinh tế thị trường hoàn toàn khác hẳn với kinh tế chỉ huy mà chế độ Cộng Sản thi hành sau cách mạng 1917. Boris Yeltsin có vẻ thiếu bình đẳng trước tổng thống Bush I và Clinton. Nga nhìn NATO tiến về phía đông. Trung Hoa Cộng Sản ngước mắt về phía tây. Cả NATO lẫn Trung Hoa Cộng Sản đều nhắm vào các Cộng Hòa Sô Viết cũ sát nách Nga ở Đông và Trung Á.

Sau chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ chú ý về Âu Châu và Trung Đông nhiều hơn. Ở Á Châu Hoa Kỳ có quân ở Nam Hàn và trên đảo Okinawa (Nhật). Hoa Kỳ bang giao với Trung Hoa Cộng Sản và chấp nhận chỉ có một nước Trung Hoa nên không có bang giao với Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng Hoa Kỳ vẫn buôn bán với đảo Taiwan. Hoa Kỳ bán phi cơ chiến đấu và võ khí cho Taiwan để tự vệ phòng bị tấn công từ phía lục địa. Hoa Kỳ rời khỏi căn cứ Subic Bay năm 1992. Nga rời khỏi Cam Ranh năm 2002. Những sự kiện dồn dập nầy có lợi cho Trung Hoa Cộng Sản sau kết quả tốt đẹp do Bốn Hiện Đại Hóa mang lại. Trung Hoa Cộng Sản là cường quốc kinh tế và quân sự ở Đông Á, là chủ nợ của Hoa Kỳ, là mối đe dọa của các nước Đông Nam Á giữa lúc Hoa Kỳ vướng bận với vấn đề Trung Đông và khủng bố xuất phát từ các nước Hồi Giáo. Tám năm cầm quyền của tổng thống Bush II (đảng Cộng Hòa) là tám năm Hoa Kỳ bận rộn với chiến tranh ở Afghanistan (2001, sau vụ khủng bố cướp phi cơ làm nổ tan tòa World Trade Center ở New York) và Iraq (2003). Sau khi hạ bệ Saddam Hussein, Hoa Kỳ tiếp tục đau đầu với Bắc Hàn và Iran về việc sản xuất bom nguyên tử. Hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq bào mòn kinh tế Hoa Kỳ. Nước nầy vẫn còn là một cường quốc kinh tế và quân sự nhưng là một nước có nhiều nợ và bận rộn với nhiều vấn đề đối ngoại, đặc biệt với các quốc gia Hồi Giáo trên thế giới. Người chủ nợ lớn nhất lại là Trung Hoa Cộng Sản. CHNDTQ thừa cơ hội suy yếu về kinh tế ở các nước Hoa Kỳ, Liên Âu (ngoại trừ Đức, Hòa Lan) và Nhật để phát huy ảnh hưởng ở Đông Nam Á, Nam Á, lục địa Phi Châu và cả các nước Châu Mỹ La Tinh nữa.

Hoa Kỳ là hình ảnh của Dương Quá trong truyện của Kin Yung (Kim Dung), tức là người luôn luôn chịu hàm oan dư luận mặc dù lúc nào cũng có hành động hào hiệp. Người cám ơn thì ít mà người trách móc và nghi ngờ thì nhiều. Nga, Trung Hoa Cộng Sản, các nước Á Rập Hồi Giáo thực tế bị người Anh đô hộ. Người Trung Hoa khó quên những bảng hiệu khinh bỉ người Trung Hoa của người Anh trên lãnh thổ họ. Nga từng bị hải quân Anh chận đường không cho tàu bè Nga ra Địa Trung Hải và xử dụng kinh đào Suez trong chiến tranh Nga-Nhật (1905) khiến Nhật biết rõ hải trình của hạm đội Nga trên đường đến Vladivostok để chận đánh tan tành trong 38 phút ngắn ngủi! Churchill luôn luôn cảnh báo Roosevelt về hiểm họa của Cộng Sản Liên Sô thời hậu thế chiến. Anh đã phá vỡ đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và chiếm các nước Á Rập ở Trung Đông và Phi Châu làm thuộc địa. Nhưng bây giờ tất cả các nước ấy dồn sự uất hận vào Dương Quá (Hoa Kỳ) vì Hoa Kỳ luôn luôn sát cánh với Anh (Tiểu Long Nữ) và yểm trợ tích cực cho Do Thái.

Địa vị hạng nhì của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ngày nay quan trọng hơn địa vị hạng nhì của Liên Sô thời chiến tranh lạnh. Liên Sô không có một nền kinh tế lành mạnh như CHNDTQ bây giờ. Về quân sự CHNDTQ có ưu thế về người. Họ có sản xuất võ khí nhưng có một số võ khí họ phải mua của Nga. Nhưng họ có khả năng cập nhật sự tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới. Việc sản xuất phi cơ, tàu chiến và súng ống không còn là một trở ngại đối với trình độ kỹ thuật của họ bây giờ.

Điều quan trọng đối với CHNDTQ vẫn là vốn người. Không giống như những cường quốc kỹ nghệ Âu-Mỹ dùng súng ống chinh phục thuộc địa vào thế kỷ XIX khi chủ nghĩa đế quốc được cổ xúy, người Trung Hoa chinh phục thế giới bằng những đợt di dân, những hôn nhân dị chủng, sự bảo tồn văn hóa, chữ viết, ngôn ngữ và sống bám chặt vào vùng đất xa lạ mà họ đến và cư ngụ. Người Âu-Mỹ đến khai thác thuộc địa để nuôi kỹ nghệ và thị trường thương mại của quê hương họ chớ không ở lại thuộc địa sinh sống. Một nước nhỏ nhưng có quá nhiều thuộc địa trên thế giới là nước Anh. Nếu họ có nhiều hôn nhân dị chủng như Tây Ban Nha thì dân Anh trở thành dân da màu. Và nước Anh sẽ có dòng lịch sử giống như Tây Ban Nha. Anh khéo giữ liên hệ tốt với các thuộc địa cũ và có ba quốc gia Bạch Chủng nói tiếng Anh, còn giữ quan hệ gắn bó với Anh như những nước Anh nối dài: Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và Gia Nã Đại. Ở ba quốc gia nầy tỷ lệ người Úc, Tân Tây Lan và Gia Nã Đại gốc Hoa rất cao. Gia Nã Đại từng có nữ thống đốc là người Gia Nã Đại gốc Hoa được nữ hoàng Elizabeth II bô nhiệm. Ở Tân Tây Lan cộng đồng người Hoa có ảnh hưởng lớn trong các cuộc bầu cử. Nhìn chung Trung Hoa có vốn người khắp các đại lục và hải đảo trên thế giới, đông đảo nhất là ở Đông Nam Á, nơi người Hoa có vai trò quan trọng trong sinh hoạt kinh tế lẫn chánh trị.

Ngày nay Trung Hoa Cộng Sản phát triển mạnh về kinh tế lẫn quân sự. Họ tạo cho họ có quyền trên 3 triệu km2 trên Biển Đông. Họ chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH (1974) và quần đảo Trường Sa của CHXHCNVN (1988). Họ bắt bớ đánh đập và phạt tiền ngư phủ xuất phát từ duyên hải Quảng Ngãi, đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Xisha (Tây Sa). Họ ngăn chận các công ty ngoại quốc thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam, Phi Luật Tân, lại ngang nhiên bám sát vào bờ biển Việt Nam như vào hải phận thuộc chủ quyền của họ. Beijing không ngần ngại phô trương sức mạnh quân sự của mình và các hành vi gây hấn đối với các nước trong khối ASEAN và Nhật Bản nữa. Họ cũng lớn tiếng kêu gọi Hoa Kỳ đừng can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Họ cũng không ngần ngại hành sử như siêu cường quốc hàng đầu trên thế giới và đề nghị đồng nhân dân tệ của họ thay thế đồng đô la của Hoa Kỳ.

Trong thập niên gần đây càng ngày Trung Hoa Cộng Sản càng bị dư luận thế giới lên án như việc áp lực với Na Uy về giải thưởng Nobel Hòa Bình cấp cho Liu Xiaobo (Lưu Thiếu Ba) bị tù tội vì bất đồng chánh kiến với giới cầm quyền Cộng Sản Trung Hoa, việc cấm không cho Liu lãnh giải thưởng, việc tàu Trung Hoa Cộng Sản gây hấn với tuần duyên Nhật gần đảo Senkaku và những cuộc tập trận ngoài biển và bắn đạn thật nhằm khủng bố tinh thần các nước ASEAN tranh chấp chủ quyền lãnh hải và quần đảo với Beijing. Gần đây Nga và Trung Hoa Cộng Sản dùng quyền phủ quyết bác bỏ nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ yêu cầu Bashar Assad từ chức để chấm dứt cảnh đàn áp đẫm máu ở Syria trên một năm dài. Hai lá phiếu phủ quyết nầy làm cho thế giới lên án Nga và Trung Hoa Cộng Sản gay gắt hơn vì chúng ngầm thúc đẩy Assad nhúng tay vào máu của người Syria bằng võ khí của Nga và sự ủng hộ của Nga và Trung Hoa Cộng Sản tại LHQ.

***

Sự vươn lên của Trung Hoa Cộng Sản làm cho vai trò của Nga trên chánh trường thế giới bị lu mờ. Putin được Yeltsin đưa lên thay thế ông để xóa tất cả những gì không hay do ông làm. Putin là người tôn thờ Stalin. Bản thân ông ta là cựu sĩ quan cao cấp KGB. Trong 12 năm cầm quyền (hai nhiệm kỳ tổng thống và những năm làm thủ tướng từ năm 1999 đến 2011), ông củng cố địa vị vững chắc và tạo cho dân chúng Nga ấn tượng rằng ông là người phục hồi uy danh của nước Nga trên thế giới để quên rằng chế độ mà ông áp đặt ở Nga thực chất là chế độ Cộng Sản kết hợp với sự thối nát của chế độ dân chủ mị dân trong một xã hội hỗn độn đầy dẫy băng đảng, bất công và tham nhũng thời hậu Cộng Sản. Năm 2008 ông để cho vị thủ tướng trẻ ra tranh cử tổng thống vì ông giữ chức vụ nầy liên tục hai nhiệm kỳ (2000 - 2008). Năm 1912 ông lại ra tranh cử tổng thống. Theo kết quả cuộc bầu cử tháng 3 năm 2012, ông được xem là người đắc cử. Kết quả nầy gần như là một sự hiển nhiên. Có nơi cuộc bầu cử được xem là trong sạch. Cũng có nơi cuộc bầu cử theo qui luật thông thường của các nước đang học dân chủ. Ông cũng mở khóa an toàn để cho những người đối lập tập họp la lối, cho rằng có gian lận bầu cử nhưng cuối cùng mọi người cũng chấp nhận kết quả cuộc bầu cử. Lần nầy nhiệm kỳ tổng thống Nga là 6 năm chớ không phải là 4 năm như trước. Nếu không có gì trục trặc, Putin sẽ nắm quyền thêm 12 năm nữa. Putin tìm mọi cách để tự biến mình thành người anh hùng của Nga. Suốt 12 năm qua kinh tế Nga chưa có những nét đặc biệt nào đáng nói ngoại trừ việc xuất cảng dầu và bán võ khí, tàu chiến, phi cơ cho các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Hoa Cộng Sản, Syria, Libya và vài quốc gia Châu Mỹ La Tinh, đặc biệt là Venezuela.

Một mặt Nga e dè NATO tiến sát nách Nga. Hoa Kỳ có liên hệ mật thiết với vài quốc gia Hồi Giáo ở Trung Á, cựu Cộng Hòa Sô Viết và Mông Cổ.

Mặt khác Nga e dè Trung Hoa Cộng Sản. Nước nầy tìm cách bám vào các giếng dầu ở Trung Á và Trung Đông. Liệu họ có để ý đến Tây Bá Lợi Á của Nga không? Liệu họ có lên tiếng về hàng triệu cây số vuông lãnh thổ ở phía bắc sông Hei Longjiang mà Nga hoàng sát nhập vào nước Nga vào thế kỷ XIX không?

Liệu Nhật để yên cho Nga chiếm quẩn đảo Kurils và phần cuối của quần đảo nầy, đảo Kunashir do Nga quản trị và Nhật khiếu nại chủ quyền?

Nga bắt đầu quan tâm tâm đến vùng biển phía tây Thái Bình Dương. Đầu năm 2012 tàu Nga viếng thăm Phi Luật Tân, nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Hoa Cộng Sản ngoài khơi đảo Palawan. Nga bán phi cơ, tàu chiến và võ khí cho CHXHCNVN và hợp tác với nước nầy trong việc đóng tàu chiến, sản xuất hỏa tiễn, xây nhà máy điện nguyên tử v.v... Tháng 3 năm 2012 Nhật rồi Hoa Kỳ cùng tập trận chung với Phi Luật Tân. Dù né tránh đụng chạm với Beijing nhưng ai cũng thấy đối tượng mà họ nhắm không quốc gia nào khác hơn là Trung Hoa Cộng Sản.

Với sự đắc cử của Putin năm 2012 người ta liên tưởng Nga muốn vươn lên trở lại trên chánh trường quốc tế với tư cách đệ tam siêu cường (Hoa Kỳ, Trung Hoa Cộng Sản, Nga). Nga sẽ ráo riết cạnh tranh với Trung Quốc để giữ chức đệ nhị siêu cường như đã có thời chiến tranh dù đó là hiện thực hay ước muốn. Nga sẽ giữ vai trò đòn xóc giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng Sản.

Nhìn chung Hoa Kỳ vẫn là một siêu cường trên thế giới nhưng nước nầy không còn vai trò độc tôn như trong đệ nhị thế chiến và sau đệ nhị thế chiến. Ngày nay trên thế giới còn có những nước to lớn và đông dân đang trên đà phát triển để có một nền kinh tế ổn định và khoa học kỹ thuật tiến bộ như Ấn Độ và Brazil.

Ưu thế Anglo-Saxon ở Hoa Kỳ bắt đầu suy yếu khi Hoa Kỳ có vị tổng thống Da Đen đầu tiên: Barak Hussein Obama. Tỷ lệ người da màu và Latino sẽ ngang hàng hay vượt qua tỷ lệ người Da Trắng vào hậu bán thế kỷ XXI. Yếu tố Anglo-Saxon, Bạch Chủng và Christian (Ki Tô hữu) dần dần bị lấn áp bởi sự gia tăng dân số da màu, sự hiện diện của đa tôn giáo (Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo v.v.), khuynh hướng tán thành phá thai và hôn nhân đồng phái ngày càng mạnh ở các quốc gia dân chủ Tây Phương. Phá thai và hôn nhân đồng phái là cơn sóng thần đe dọa chủ nghĩa bảo thủ mà những người mộ đạo trân quí. Yếu tố phi Anglo-Saxon sẽ có ưu thế trong các cuộc bầu toàn quốc, tiểu bang và thành phố vào giữa thế kỷ XXI. Yếu tố nầy có ảnh hưởng gì đến địa vị siêu cường kinh tế, quân sự và khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ không? Đồng đẳng với các nước cạnh tranh đang lên? Chuyện của tương lai nên để cho thời gian giải đáp.

Á Châu rất quan trọng đối với Hoa Kỳ. Đó là một châu rộng lớn, nhiều tài nguyên, đông dân cư và có nhiều phức tạp tôn giáo vì đó là cái nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới. Trung Đông nơi có nhiều dầu hỏa, nước Do Thái và các nước Á Rập Hồi Giáo thuộc miền Tây Á Châu. Ở Á Châu Hoa Kỳ có hai đồng minh keo sơn: Nhật Bản ở Đông Á và Do Thái ở Tây Á. Ngày nào Hoa Kỳ thành công trong việc thiết lập trục Nhật Bản (Đông)-Việt Nam (Nam)-Do Thái (Tây) thì hạm đội của họ kiểm soát toàn bộ Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đông Địa Trung Hải. Việt Nam trở thành Mỵ Nương. Hoa Kỳ và CHNDTQ, nước nào là Sơn Tinh và nước nào là Thủy Tinh trong việc cầu hôn nầy? Mỵ Nương có đủ sắc đẹp, duyên dáng và sự quyến rũ để Sơn Tinh và Thủy Tinh ra sức đánh nhau không?

Trước mắt ưu thế của CHNDTQ ở Việt Nam rất rõ nét vì hai nước là hai quốc gia láng giềng, cùng chế độ Cộng Sản, có quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời. CHNDTQ là nước viện trợ cho Cộng Sản Việt Nam trong hai cuộc Chiến Tranh Việt Nam I & II chống Pháp và Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là dân tộc hâm mộ thể thao. Người có tinh thần thể thao luôn có sự lạc quan và óc kiên trì trong hoàn cảnh xấu nhất và cố làm sao chuyển hoàn cảnh xấu thành tốt và có lợi cho mình. Trên thực tế Hoa Kỳ đã đẩy lui ảnh hưởng  Trung Hoa trong tâm não dân chúng Việt Nam. Họ mơ ước một cuộc sống phú túc với đầy đủ các quyền tự do của con người. Chắc chắn họ không bao giờ có cuộc sống tự do và no ấm như vậy đối với Trung Hoa Cộng Sản. Ngay cả giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cũng đã mâu thuẫn lấy mình khi chửi Hoa Kỳ như tát nước nhưng lại gởi con học ở Hoa Kỳ và tìm cách ở lại, nhập tịch, mua nhà đất để chuẩn bị rước cha mẹ già sang hưởng thụ cuộc sống tự do, phú túc và an toàn khi cần. Khi có quyền, họ không ngớt ca ngợi Trung Hoa Cộng Sản, cướp đoạt tự do và sự sống của dân. Khi hết quyền, họ không dám nghĩ đến việc sống lạc loài trên lục địa Trung Hoa mà chọn xứ mà họ dùng hết lời lên án, mắng chửi, nguyền rủa và đánh đuổi để gởi thân hầu được hưởng những thứ mà họ tước đoạt của người khác!

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2012