Phạm Đình Lân
Syria: Tranh Chấp Nội Bộ Hay Quốc Tế
Vào thời Trung Cổ Syria là địa bàn tranh chấp giữa tín đồ Thiên Chúa Giáo Âu Châu và Hồi Giáo và giữa các nước láng giềng có quá khứ chiến tranh hơn là hòa bình. Cuộc nổi dậy ở Syria hiên nay được xem là một cuộc nội chiến chống chế độ độc tài Bashar al-Assad. Thực tế nó có màu sắc quốc tế của nó...
Syria là một quốc gia Trung Đông có 193km duyên hải nằm trên bờ dòng Địa Trung Hải. Quốc gia nầy có một quá khứ lịch sử lâu đời được đề cập nhiều trong Thánh Kinh. Vườn Eden nằm trong thành phố Damascus. Vùng đất có sông Euphrates chảy qua nầy là nơi tổ phụ người Do Thái, Abraham, vẫn thường lui tới.
Syria rộng lối 180.200 km2 với lối 23 triệu dân. 90% dân Syria theo đạo Hồi. Trong số nầy 75% thuộc phái Sunni; 13% thuộc phái Shiite, Alawi của tổng thống Bashar al-Assad. 10% dân Syria theo Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo hay Tin Lành.
Syria có biên giới chung với:
- Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc.
- Iraq ở phía đông.
- Jordan ở phía nam.
- Do Thái ở phía tây nam.
- Địa Trung Hải và xứ Lebanon ở phía tây.
Về phương diện địa lý-chánh trị đó là đầu cầu nối liền hai lục địa Á Châu và Âu Châu và gần lục địa Phi Châu. Từ xưa Syria nằm trên đường xâm lăng của Alexander Đại Đế, đế quốc Ba Tư tức Iran bây giờ, đế quốc La Mã, đế quốc Byzantine, đế quốc Mông Cổ, đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Vào thế kỷ VII sau Tây Lịch Syria cải theo đạo Hồi. Vào thế kỷ XII Syria là bãi chiến trường của cuộc Thánh Chiến giữa người Thiên Chúa Giáo Âu Châu và người Hồi Giáo. Vào thế kỷ XIII nước nầy bị Mông Cổ tấn công nhưng họ thành công trong việc đầy lui đạo quân dũng mãnh xuất phát từ các đồng cỏ Trung Á nầy. Sang thế kỷ XVI Syria đặt dưới sự thống trị của đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) cho đến khi đệ nhất thế chiến chấm dứt.
Trong đệ nhất thế chiến Thổ Nhĩ Kỳ liên kết với Đức và bị xem là quốc gia chiến bại năm 1918. Từ năm 1916 Anh, Pháp và Nga có chương trình phân chia ảnh hưởng ở các thuộc địa của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông. Thỏa ước Sykes-Picot năm 1916 ấn định sự phân chia ảnh hưởng của Anh, Pháp và chút ít cho Nga được hai ngoại trưởng Sykes của Anh và Picot của Pháp ký kết. Năm 1917 cách mạng bùng nổ ở Nga. Lenin lên án thỏa ước nầy như tỏ ra rằng chế độ Cộng Sản của ông là chế độ chống chủ nghĩa đế quốc. Thực tế chánh quyền Cộng Sản chưa được các cường quốc Âu-Mỹ công nhận. Tân chế độ ở Nga không được hưởng lợi trên đế quốc Ottoman vì Lenin chấm dứt sự tham chiến của Nga chống Đức kể từ năm 1917 nên bị xem như đã phản bội Đồng Minh và không góp phần vào việc chiến thắng Đức trong đệ nhị thế chiến.
Faysal Bin Al Hussein Bin Ali-El Hashemite (1883 - 1933), một hậu duệ của giáo chủ Hồi Giáo Mohammed, là người thân Anh. Ông hợp tác với Anh trong việc đánh nhau với Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 3 năm 1920 ông được đưa lên làm vua Syria. Hội Quốc Liên trao quyền ủy trị cho Pháp ở Syria và Lebanon. Pháp hành sử như một đế quốc trên thuộc địa. Dân chúng Syria nổi lên chống lại Pháp và bị đàn áp đẫm máu. Vua Faysal chạy sang Anh. Năm 1921 ông được Anh đưa về làm vua Iraq (1921 - 1933). Khi Léon Blum của Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) nắm quyền ở Pháp, Syria có chánh phủ do Hashim Atassi lãnh đạo nhưng ông sớm từ chức vì không ngăn cản Pháp trả cảng Hatay cho Thổ Nhĩ Kỳ (1939).
Trong đệ nhị thế chiến Pétain thành lập chánh phủ Pháp thân Đức. Trên danh nghĩa Syria đặt dưới sự lãnh đạo của chánh phủ Vichy như Việt Nam thời toàn quyền Decoux. Đó là thời kỳ học sinh ca ngợi thống chế Pétain hàng ngày khi chào cờ với "Maréchal! Nous voilà, devant toi..." Năm 1944 Liên Sô công nhận sự độc lập của Syria và Lebanon. Sự kiện nầy gây bối rối cho De Gaulle. Tiếp theo đó Hoa Kỳ và Anh cũng nhìn nhận sự độc lập của Syria và Lebanon. Như vậy các cường quốc trong phe Đồng Minh chống Phát Xít đều muốn xóa bỏ ảnh hưởng của Pháp ở hai quốc gia Trung Đông. Năm 1945 quân Pháp trở lại Syria như đã trở lại Việt Nam. Họ không ngần ngại dùng phi cơ và đại pháo để đàn áp dân chúng Syria ở Damascus chống lại sự trở lại thuộc địa của họ. Anh đe dọa đưa quân can thiệp để chấm dứt sự đàn áp đẫm máu của Pháp ở Syria. Năm 1946 Pháp rút quân ra khỏi Syria. Ngày 17-04-1946 đánh dấu ngày độc lập của nước nầy.
Việc vận động hình thành quốc gia Do Thái đã có từ năm 1917 nhưng mãi đến năm 1947 Liên Hiệp Quốc mới chánh thức công nhận sự ra đời của quốc gia Do Thái ở Palestine. Năm 1948 Ben Gurion tuyên bố sự ra đời của quốc gia Do Thái. Syria liên kết với các quốc gia Á Rập láng giềng tấn công Do Thái nhằm xóa bỏ nước nầy ngay từ trong trứng nước. Sự chiến thắng của Do Thái gây biến động chánh trị ở Syria. Đại tá Husni Za'im lật đổ chánh phủ do Shukri al-Quwatli lãnh đạo (1949). Ở Ai Cập vua Farouk bị quân đội lật đổ (1952). Nasser trở thành người hùng trong khối Á Rập sau cuộc khủng hoảng kinh đào Suez năm 1956. Năm 1958 Cộng Hòa Á Rập Thống Nhất được thành lập bao gồm Ai Cập và Syria. Nasser làm tổng thống. Akram Hawrani của đảng Ba'ath của Syria làm phó tổng thống. Không phải người Syria nào cũng thích sát nhập Syria vào Ai Cập. Năm 1961 Syria tách rời ra khỏi Cộng Hòa Á Rập Thống Nhất bằng một cuộc đảo chánh lật đổ phe thân Nasser ở Syria. Người cầm đầu cuộc đảo chánh là Hayda al-Kuzbari. Hai phe thân và chống Ai Cập đụng độ đẫm máu trên đường phố Syria. Maamun al-Kuzbari được mời đứng ra thành lập chánh phủ Syria tách rời khỏi Cộng Hòa Á Rập Thống Nhất. Nhưng Syria luôn luôn theo đuổi đường lối chiến tranh chống Do Thái vào những năm 1967 và 1973. Họ mất đồi Golan bị Do Thái chiếm giữ cho đến bây giờ.
Để theo đuổi đường lối chống Do Thái, Syria phải:
- Trân quí các nhà độc tài quân sự.
- Giúp đỡ hay chấp chứa những người Palestine và các tổ chức của Palestine như Fatah ở Jordan. Sau vụ Tháng Chín Đen năm 1970 Jordan trục xuất người Palestine ra khỏi Jordan. Họ chạy sang Syria và Lebanon. Trong vụ nầy xe tăng của Syria vượt biên giới tiến vào Jordan giúp cho Fatah gây biến động ở Jordan như muốn lật đổ ngai vàng của vua Hussein.
- Mua võ khí và bang giao mật thiết với Liên Sô. Chính tướng Hafez al-Assad, cố tổng thống Syria từ năm 1970 đến 1000 và là thân phụ của đương kim tổng thống Bashar al-Assad, thụ huấn quân sự ở Liên Sô. Syria phải cho Hải Quân Liên Sô xử dụng cảng Tartus.
- Yễm trợ cho Hamas, tổ chức Palestine cực đoan ở Gaza và Hezbollah ở miền nam Lebanon.
- Kết thân với Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Iran tích cực giúp đỡ cho tổ chức Hezbollah và Hamas để chống lại Do Thái.
Từ năm 1975 đến 1989 Lebanon là bãi chiến trường chứng kiến những cuộc giao tranh giữa người Thiên chúa Giáo Maronites và tín đồ Hồi Giáo Shiites; giữa Do Thái và Palestine khi phi cơ của Do Thái oanh tạc trụ sở của tổ chức Palestine ở Beirut; giữa tín đồ Hồi Giáo Shiites với người Palestine. Người Hồi giáo Shiites qui trách nhiệm cho người Palestine tạo cơ hội cho Do Thái xâm lăng Lebanon. Syria vin vào cớ ấy để đưa quân vào Lebanon. Họ hành sử như một nước mạnh và lớn đưa quân vào nước yếu và nhỏ bé.
Từ năm 1970 Hafez al-Assad (1930 - 2000), một tướng Không Quân, lên cầm quyền sau khi lật đổ Atassi. Ông trở thành một nhà độc tài với đảng Ba'ath. Đối lập hoàn toàn vắng bóng. Hafez al-Assad thống trị Syria suốt 30 năm liền. Sau khi ông mất, người con thứ của ông được chọn lên thay ông vì con trưởng của ông chết do tai nạn. Người con thứ nầy là Bashar al-Assad, một nha sĩ học ở Anh có vợ người Á Rập Hồi Giáo sinh trưởng ở Anh. Để hợp thức hóa cho việc cầm quyền của Bashar al-Assad, Quốc Hội Syria phải sửa hiến pháp giảm tuổi tối thiểu để được quyền ra ứng cử tổng thống. Bảng Hiến Pháp tu chính nầy ra đời nhằm tạo cho Bashar al-Assad hội đủ điều kiện ra tranh cử tổng thống
Tuy chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương ít nhiều, Bashar al-Assad theo đuổi chánh sách độc tài mà cha ông để lại. Sự suy tôn cá nhân được tôn trọng chặt chẽ. Người Kurds bị kỳ thị, không được nhập tịch Syria. Tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng cùng chung số phận. Ngay cả tín đồ Hồi Giáo phái Sunni chiếm 75% tổng dân số cũng bị thiểu số phái Shiite, Alawi kỳ thị. Tổng thống thuộc phái Alawi nên phái nầy được tin dùng và giữ những chức vụ then chốt trong guồng máy chánh quyền. Đó là nguồn gốc của những cuộc nổi dậy ở Syria dưới thời cai trị của gia đình Assad.
Cuộc nổi dậy đẫm máu và biến thành nội chiến gần đây bắt đầu từ ngày 15-03-2011 sau khi cách mạng Hoa Lài bùng nổ ở Tunisia, tràn sang Ai Cập và Libya lật đổ Mubarak và gây cái chết thê thảm cho nhà độc tài Qadafi (thống trị Libya từ năm 1969 đến 2011). Cuộc nổi dậy ở Libya và Syria rất đẫm máu vì hai nhà độc tài Qadafi và Bashar al-Assad không từ bỏ bất cứ phương tiện tàn bạo nào để tiêu diệt những người đối lập. Các tổ chức nhân quyền quốc tế ghi nhận những việc bắt bớ, đánh đập và thủ tiêu ghê rợn mà hai nhà độc tài nầy dành cho những thành phần đối lập chánh trị. Qadafi là một quân nhân. Bashar al-Assad là một nhà lãnh đạo dân sự. Nhưng cả hai đều độc tài và có những biện pháp hành hạ người bất đồng chánh kiến hay đối lập một cách tàn nhẫn như nhau. Cuộc nổi dậy ở Libya sớm trở thành cuộc nội chiến. Nó kết thúc vào tháng 10 năm 2011 vì những người nổi dậy được võ trang và được sự yểm trợ của không quân Anh và Pháp. Tàu chiến Hoa Kỳ đậu ngoài khơi Địa Trung Hải cung cấp cho Anh, Pháp nhiều tin tức tình báo chính xác.
Cuộc nổi dậy ở Syria nhập nhằng hơn nhiều. Bashar al-Assad ra lịnh quân đội bắn thẳng vào những người biểu tình. Có nơi người biểu tình bị xe tăng bắn chết. Có nơi họ bị đại bác trên tàu chiến đậu ngoài Địa Trung Hải pháo vào. Có nơi họ bị phi cơ oanh tạc chết. Mãi đến cuối năm 2011 các cuộc biểu tình đã biến thành cuộc nội chiến.
Phe nổi dậy cương quyết lật đổ chế độ độc tài của gia đình Assad. Dần dần họ có võ khí. Họ được huấn luyện dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Họ thành lập quân đội Syria Tự Do, Quân Đội Giải Phóng Syria, Lực Lượng Liwa Al-Umma (Ngọn Cờ Syria),... Thành phần chống đối khá đông đảo và phức tạp về phương diện tôn giáo (phái Sunni, Huynh Đệ Hồi Giáo, đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Chính Thống Giáo) và sắc tộc (Kurds). Khủng bố Al Qaeda cũng có thể lợi dụng cơ hội nầy để hoạt động. Các thành phố lớn như Homs, Hama, Aleppo và cả thủ đô Damascus trở thành bãi chiến trường giao tranh giữa phe nổi dậy và quân chánh phủ Syria. Phe nổi dậy không đơn độc. Họ được sự ủng hộ tinh thần và vật chất của Liên Đoàn Á Rập, Liên Âu, nhất là Pháp, Đức, Anh, Hoa Kỳ. Syria bị đình chỉ tư cách thành viên của Liên Đoàn Á Rập. Liên Hiệp Quốc đề cử cựu tổng thơ ký Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan, liên lạc với Assad và Putin của Nga để tìm giải pháp chấm dứt cảnh đổ máu ở Syria. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt Bashar al-Assad (tỷ lệ 13/15: 13 phiếu thuận, 2 phiếu phủ quyết của Nga và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc) và yêu cầu ông chấm dứt mọi sự đàn áp nhắm vào đồng bào ông bằng cách từ bỏ quyền hành. Nghị quyết nầy bị hai phiếu phủ quyết của Nga và Cộng Hòa Nhân Dân Trung quốc vô hiệu hóa.
Đến tháng 8 năm 2012 số người chết ở Syria xê dịch từ 28.000 đến 30.000 người, bao gồm cả thường dân và trẻ nít bị giết bằng những hình thức ghê rợn như chặt đầu, chặt tay chân, v.v. Người ta ước tính có đến 500.000 người tỵ nạn sang các nước láng giềng, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Iraq. Do Thái lên tiếng không nhận những người tỵ nạn nầy. Chánh quyền Bashar al-Assad càng đàn áp thô bạo, cuộc đấu tranh càng mạnh hơn. Dư luận quốc tế hoàn toàn bỏ rơi Bashar al-Assad ngoại trừ Iran, Nga và Trung Hoa Cộng Sản. Số quân sĩ Syria đào ngũ gia tăng. Nhiều cuộc bạo động và nổ bom táo bạo diễn ra tại Damascus. Tổng trưởng bộ Quốc Phòng Syria, tướng Daoud Rajha, bị chết vì bom nổ trong một phiên họp. Vài tướng lãnh, kể cả thủ tướng Syria Riyad Hijab, trốn khỏi Syria để không bị dính líu đến những cuộc đàn áp đẫm máu theo lịnh của Bashar al-Assad. Một người thân tín của tổng thống Bashar al-Assad trốn khỏi Syria cho biết Bashar al-Assad có thể dùng võ khí hóa học để giết những người chống đối ông.
Một phi cơ của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ gây căng thẳng ngoại giao giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Syria ngờ vực Hoa Kỳ đứng sau những cuộc nổi dậy kéo dài trên một năm nay. Họ cũng cho rằng phe nổi dậy được võ trang và huấn luyện ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu chiến Anh, Pháp, Hoa Kỳ lai vãng trong biển Địa Trung Hải. Tàu chiến Nga chở võ khí giúp đỡ cho Bashar al-Assad trấn áp phe nổi dậy. Iran viện trợ 9 tỷ Mỹ kim cho Syria để đối đầu với những biện pháp trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc xuất phát từ sáng kiến của Hoa Kỳ. Sự giúp đỡ của "nước ngoài" cho phe nổi dậy; cuộc vận động ngoại giao của Hoa Kỳ, Liên Âu, Liên Đoàn Á Rập càng lúc càng tích cực hơn nhằm chấm dứt những cuộc chém giết đẫm máu ở Syria. Đã đến lúc Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là một thành viên Hồi Giáo duy nhất của NATO, can thiệp trực tiếp vào vấn đề Syria như Anh và Pháp đã làm ở Libya năm 2011. Khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton đến Thổ Nhĩ Kỳ, lãnh tụ phe nổi dậy ở Syria kêu gọi thiết lập vùng cấm bay như NATO đã làm ở Libya. Bài nầy được viết ra khi cuộc giao tranh giữa quân đội của Bashar al-Assad và phe nổi dậy còn kéo dài nhì nhằng. Kofi Annan từ chức đặc sứ LHQ vì cảm thấy bất lực trước vấn đề Syria.
Nếu Baswhar al-Assad còn ngồi trên ghế tổng thống thì cảnh đổ máu vẫn tiếp diễn và nguy cơ chiến tranh có thể lan rộng sang Lebanon, Jordan, Bahrain và Do Thái. Lebanon là nơi có nhiều người Palestine tỵ nạn, có sự tranh chấp giữa phe thân Syria và chống Syria từ khi xảy ra vụ ám sát cựu thủ tướng Hariri năm 2005, nơi căng thẳng giữa người Thiên Chúa giáo và Hồi Giáo luôn luôn âm ỉ, nhất là ở miền nam Lebanon có tổ chức Hezbollah được Iran tài trợ và võ trang qua trung gian của Syria. Jordan là một vương quốc thân Tây Phương. Bahrain là một vương quốc thân Hoa Kỳ, nơi đa số dân theo đạo Hồi phái Shiite trong khi vua thuộc phái Sunni.
Vào thời Trung Cổ Syria là địa bàn tranh chấp giữa tín đồ Thiên Chúa Giáo Âu Châu và Hồi Giáo và giữa các nước láng giềng có quá khứ chiến tranh hơn là hòa bình. Cuộc nổi dậy ở Syria hiên nay được xem là một cuộc nội chiến chống chế độ độc tài Bashar al-Assad. Thực tế nó có màu sắc quốc tế của nó...
Phe nổi dậy được cảm tình và sự giúp đỡ dưới mọi hình thức gián tiếp hay trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Đoàn Á Rập. Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo (OIC: Organization of Islamic Co-operation), một tổ chức gồm 56 quốc gia Hồi Giáo thành viên, vừa đình chỉ tư cách thành viên của Syria. Ngày 13-08 phe nổi dậy cho biết đã bắn hạ một phi cơ của chánh phủ Syria và bắt sống viên phi công. Thành tích nầy cho thấy sự trưởng thành của phe nổi dậy. Họ được võ trang, huấn luyện, có cả súng phóng lựu và có thể có cả súng phòng không (?).
Tổng thống Bashar al-Assad được sự ủng hộ tích cực của Iran, Nga, Trung Hoa Cộng Sản và các tổ chức Hồi Giáo cực đoan trong vùng như Hezbollah ở nam Lebanon và Hamas ở dải Gaza. Ông được sự ủng hộ của quốc gia độc tài hơn là sự ủng hộ của dân chúng Syria. Syria sụp đổ về mọi phương diện: chánh trị, tài chánh, kinh tế, quân sự. Địa vị của Bashar al-Assad lung lay tận gốc rễ. Sự giúp đỡ của chế độ độc tài gia đình trị do ông đại diện chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có quá khứ bất thân thiện nhau. Ngay từ thế kỷ XVIII Nga chiếm nhiều đất đai của Thổ Nhĩ Kỳ giữa Hắc Hải và biển Caspian. Thỏa ước Sykes-Picot năm 1916 đánh dấu sự phân chia ảnh hưởng của Anh và Pháp trên vùng đất ở phía đông Địa Trung Hải do Thổ Nhĩ Kỳ thống trị trước kia. Lenin tố cáo thỏa ước nầy vì đó là vùng Nga dòm ngó nhưng đã bị Anh và Pháp âm mưu cướp trước. Sự tố cáo của Lenin gây bối rối cho Anh và Pháp. Trong bất kỳ thời đại nào nỗi băn khoăn của chánh quyền Nga vẫn là tìm đường ra biển. Các hải cảng của Nga trên bờ Hắc Hải như bị Thổ Nhĩ Kỳ rào lại bằng hai eo biển Bosporous và Dardanelles. Ra Địa Trung Hải thì gặp hạm đội Anh. Ra biển Baltic thì gặp hạm đội Đức rồi Anh ở Đại Tây Dương. Tiến về phía đông thì gặp Nhật. Ngược lên phía bắc thì biển bị đóng băng. Thời Sô Viết, Syria giúp cho Liên Sô đặt chân trên bờ đông Địa Trung Hải. Liên Sô bán võ khí và huấn luyện quân sự cho Syria để đánh nhau với Do Thái. Bù lại Syria cho tàu chiến Nga xử dụng cảng Tartus từ năm 1971 đến nay (bảy năm sau Liên Sô được hưởng ân huệ tương tự ở Cam Ranh). Nga tích cự yểm trợ Hafez al-Assad (1930 -2000) vì hàng năm nước nầy bán cho Syria hàng tỷ Mỹ kim võ khí. Sau khi Liên Sô sụp đổ năm 1991, Ukraine là một nước độc lập. Hắc Hải không còn là biển riêng của Nga mà là biển chung của Nga và Ukraine. Hải quân Nga phải thuê Sevastopol (Sebastopol) trên bán đảo Crimea để được hiện diện trên Hắc Hải. Tartus là cảng thứ hai ngoài nước Nga trên Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi Giáo luôn luôn sát cánh với Hoa Kỳ suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Đó là quốc gia Hồi Giáo "Tây Phương hóa" từ thập niên 1920. Thổ Nhĩ Kỳ không chống Do Thái như các quốc gia Hồi Giáo khác trên thế giới. Bây giờ họ cũng muốn có một vai trò nào đó đối với vùng đất trước kia nằm trong đế quốc Ottoman. Trước mắt họ phải đối đầu với người Kurds đòi tự trị ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia nầy và Syria suýt có chiến tranh dưới thời tổng thống Hafez al-Assad vì Syria dung chứa lãnh tụ người Kurds là Abdullah Ocalan ở Damascus. Năm 1998 Syria yêu cầu Ocalan rời khỏi Syria để tránh chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2006 Thổ Nhĩ Kỳ tấn công du kích Kurds dọc theo biên giới Iraq. Đối với Iran Thổ Nhĩ Kỳ giữ thái độ không thân, không thù, nhưng lúc nào cũng dè dặt vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO.
Iran dùng đường lối chống Do Thái để thu hút Syria vào quĩ đạo của mình như Nasser đã làm khi thành lập Cộng Hòa Á Rập Thống Nhất để sát nhập Syria vào lãnh thổ của mình. Nhiều người Syria ý thức được hiểm họa mất nước chỉ vì muốn tiêu diệt Do Thái. Giả sử Do Thái bị xóa trên bản đồ thế giới và Syria bị sát nhập vào Ai Cập hay Iran thì Syria có lợi gì? Do Thái không bị xóa trên bản đồ. Trái lại Syria đã mất đồi Golan (1967) và chấp nhận cho tàu chiến Liên Sô xử dụng cảng Tartus. Trong việc tìm đường ra Địa Trung Hải Iran cần Syria và Lebanon. Iran nuôi dưỡng chế độ Bashar al-Assad và dùng Syria làm trạm tiếp tế võ khí cho Herbollah để dùng nhóm quá khích nầy tấn công Do Thái từ miền nam Lebanon. Hezbollah từng gây thiệt mạng cho Thủy Quân Lục chiến Hoa Kỳ ở Lebanon vào đầu thập niên 1980 và cầm cự dữ dội với cuộc tấn công của Do Thái vào năm 2006.
Trường hợp Syria đối với Lebanon và Jordan giống như Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) đối với Cambodia và Lào. Vai trò của Nga và Iran đối với Syria giống như vai trò của Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản đối với Cộng Sản Việt Nam. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam xông xáo trong nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Cambodia để khối Cộng Sản thân Liên Sô có thêm quốc gia thành viên Cộng Sản. Hơn thế nữa CHXHCNVN còn nhường Cam Ranh cho Hải Quân Liên Sô xử dụng! Việc rút quân Cộng Sản Việt Nam ra khỏi Cambodia năm 1989 cũng đau đớn, nhục nhã và ngỡ ngàng như việc rút quân của Syria ra khỏi Lebanon năm 2005. Bây giờ hai nước Lào và Cambodia nhận viện trợ của Trung Hoa Cộng Sản và bỏ rơi "đàn anh" Việt Nam cô đơn trong hội nghị của khối ASEAN vừa qua ở Phnom Penh. Viên đại sứ Cambodia ở Manila còn cho rằng CHXHCNVN và Phi Luật Tân có chánh sách dơ bẩn về vấn đề biển Đông! Lào nhận tiền của Trung Hoa Cộng Sản để xây đập trên sông Mekong (Cửu Long) để làm suy kiệt nguồn nước ngọt trên đồng bằng sông Cửu Long.
Trung Hoa Cộng Sản hết lòng ủng hộ chánh quyền Ashar al-Assad bằng lá phiếu phủ quyết của mình tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Syria chống Hoa Kỳ và Liên Âu, đương nhiên trở thành khách hàng lớn của Trung Hoa Cộng Sản. Trung Hoa Cộng Sản ủng hộ chế độ độc tài Bashar al-Assad như ủng hộ chính mình vì Trung Hoa Cộng Sản là quốc gia độc tài nổi tiếng về việc vi phạm nhân quyền trên thế giới. Ủng hộ Bashar al-Assad tức là tự giúp cho Beijing (Bắc Kinh) có cơ hội làm thân với Nga trong cuộc cạnh tranh với Hoa Kỳ. Tình hình Syria càng kéo dài thì Nga và Hoa Kỳ bị vướng bận và bang giao giữa hai nước có thể bị sứt mẻ ít nhiều. Trung Hoa Cộng Sản được yên ổn để hù dọa các nước trong khối ASEAN trong cuộc tranh chấp biển, đảo trong vùng.
Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq là những nước chịu gánh nặng tỵ nạn của người Syria. Ở Thổ Nhĩ Kỳ người Kurds vẫn chiến đấu đòi tự trị. Anh, Pháp, Hoa Kỳ đều uể oải vì tình trạng kinh tế trì trệ. Hoa Kỳ không tỏ ra quyết liệt vì năm 2012 là năm bầu cử tổng thống. Ứng cử viên Dân Chủ hay Cộng Hòa đều không muốn bày tỏ lập trường của mình bằng những can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào các vấn đề quốc tế. Dư luận Hoa Kỳ có vẻ mệt mỏi với hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Do Thái theo dõi tình hình an ninh biên giới phía nam và phía bắc. Sự thắng cử của Morsi thuộc nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo ở Ai Cập làm cho Do Thái lo nghĩ rất nhiều. Ở phía bắc và nam Do Thái lo sợ Hezbollah và Hamas pháo kích vào lãnh thổ của họ.
Cuộc nổi dậy chống chế độ độc tài gia đình trị Assad ở Syria có vẻ quan trọng hơn cuộc nổi dậy ở Libya vì có Liên Đoàn Á Rập, Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo ủng hộ tinh thần lẫn vật chất. Hoa Kỳ, Liên Âu và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc rất quan tâm đến cuộc nổi dậy đẫm máu nầy. Trong cuộc nổi dậy của người Libya chống Qadafi, Nga và Trung Hoa Cộng Sản cũng đứng về phía nhà độc tài Qadafi. Nga cho rằng người giết Qadafi sau khi bị bắt từ ống cống lên là tội phạm chiến tranh. Sau đó Nga tìm cách đặt nghi vấn có thể xác chết đó không phải là xác của Qadafi. Bây giờ Nga càng tích cực ủng hộ cho Bashar al-Assad nhiều hơn vì Syria có nhiều quan hệ gắn bó với Liên Sô trước kia và với Liên Bang Nga sau năm 1991. Cuộc nội chiến Syria kéo dài đồng nghĩa với sự gia tăng hận thù trong cộng đồng dân tộc Syria, sự suy sụp kinh tế và sự lệ thuộc của nước nầy vào nước ngoài (Nga, Iran) nhiều hơn. Nó trở thành sự thắng lợi tinh thần của Hoa Kỳ vì diễn tiến cuộc nội chiến Syria chứng minh cho thế giới Hồi Giáo và cộng đồng thế giới thấy sự vô cảm và thâm độc của Nga, Trung Hoa Cộng Sản và Iran. Bashar al-Assad đã nhúng tay vào máu của đồng bào ông bằng võ khí của Nga, tiền bạc của Iran và sự ủng hộ ngoại giao của Trung Hoa Cộng Sản.
Chế độ chánh trị Syria thời hậu Bashar al-Assad có thể không nặng về việc đòi xóa bỏ Do Thái trên bản đồ Trung Đông. Với đường lối khăng khăng chối bỏ sự hiện diện của Do Thái ở Trung Đông, Syria tự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Nasser, tức tự xóa quốc hiệu Syria trên bản đồ từ năm 1958 đến 1961, mất đồi Golan, nhường cảng Tartus cho Liên Sô và lệ thuộc nặng nề vào Iran từ năm 1979 đến nay!
Nếu thời hậu Assad, Syria theo gương Sadat của Ai Cập năm 1979 thì nước nầy có hy vọng thâu hồi đồi Golan mà không cần phải gây chiến tranh đẫm máu!
Trong chiến tranh Việt Nam Mao Zedong (Mao Trạch Đông) chỉ muốn chiến tranh kéo dài để làm mất máu Hoa Kỳ chớ không muốn Cộng Sản Việt Nam chiến thắng. Trong cuộc nội chiến Syria Trung Hoa Cộng Sản cũng muốn cảnh đổ máu kéo dài để Nga và Hoa Kỳ vướng bận ở Trung Đông để họ rảnh tay thực hiện việc xâm chiếm biển, đảo và khai thác dầu khí trong vùng Lưỡi Bò mà họ phát họa ở Tây Thái Bình Dương.
Nếu phe nổi dậy thành công và Nga bị đuổi ra khỏi cảng Tartus thì mâu thuẩn giữa Nga và Hoa Kỳ-Liên Âu càng lớn hơn. Trung Hoa Cộng Sản tiếp tục kết thân với Nga để làm cho Hoa Kỳ suy yếu trên chánh trường thế giới.
Nếu phe Hồi Giáo cực đoan thắng cử trong cuộc bầu cử tự do thời hậu Bashar al-Assad thì bang giao giữa Nga và Hoa Kỳ với Syria sẽ lạnh nhạt như Ai Cập hiện nay với tổng thống Morsi thuộc nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo. Đến đây lợi thế vẫn còn nằm trong tay Trung Hoa Cộng Sản. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 sắp tới sẽ cho thấy lợi thế thuộc về ai khi trường hợp nầy xảy ra. Hoa Kỳ? Nga? Iran? Trung Hoa Cộng Sản?
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.