Phạm Đình Lân
Sự sụp đổ của các chế độ độc tài
Đầu năm 2011 đánh dấu bởi những cuộc nổi dậy ở các quốc gia Hồi Giáo Bắc Phi và Trung Đông chống lại các nhà độc tài. Phong trào quần chúng nổi dậy khởi đầu bằng cuộc cách mạng Hoa Lài ở Tunisia, nơi Hoa Lài được xem là biểu tượng của quốc gia. Nó lan sang Ai Cập, Libya, Bahrain, Yemen và Syria.
Trong các quốc gia trên chỉ có đảo quốc Bahrain theo chế độ quân chủ mà thôi. Bahrian là đồng minh gắn bó của Hoa Kỳ. Vua Bahrain theo đạo Hồi phái Sunni trong khi đại đa số dân chúng Bahrain theo đạo Hồi phái Shiite chịu ảnh hưởng ít nhiều của Iran. Vua Bahrain được vương quốc Saudi Arabia ủng hộ triệt để. Người ta e ngại sự can thiệp của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran vào nội tình đảo quốc nầy. Nếu phong trào quần chúng nổi dậy ở Bahrain thành công thì Saudi Arabia không thể yên ổn được. Ở Saudi Arabia phụ nữ không được quyền lái xe hơi.
Cách mạng Hoa Lài ở Tunisia thành công nhanh chóng và tương đối ít đẫm máu. Tổng thống Ben Ali và gia đình sang Saudi Arabia tỵ nạn. Tháng 10 vừa qua đảng Hồi Giáo Ennahda của Tunisia thắng cử trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở Tunisia. Đảng Hồi Giáo nầy được xem là ôn hòa. Để trấn an dư luận thế giới, đảng thắng cử cho biết không dùng luật Sharia Hồi Giáo vì Tunisia cần phát triển kỹ nghệ du lịch. Người Tunisia thuộc khuynh hướng thế tục lo ngại sự thành công của đảng Hồi Giáo mặc dù được gọi là "ôn hòa". Đảng "ôn hòa" nầy có giải phóng phụ nữ không? Thời gian sẽ cho câu trả lời mà người tò mò cần biết.
Ở Ai Cập tổng thống Mubarak bị lật đổ và bị đưa ra tòa. Bang giao giữa Do Thái và Ai Cập không được tốt đẹp như ba mươi năm trước đó. Tòa đại sứ Do Thái ở Cairo bị người biểu tình xông vào đập phá khiến ông đại sứ phải bỏ chạy về nước. Tín đồ Thiên Chúa Giáo Coptic ở Ai Cập bị đe dọa. Họ biểu tình và nhiều người bị bắn chết. Nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo có vẻ có uy thế sau ngày Mubarak bị lật đổ. Nếu nhóm nầy đắc cử như đảng Hồi Giáo Ennahda ở Tunisia thì vấn đề tôn giáo giữa tín đố Hồi Giáo và Coptic trở nên nghiêm trọng. Việc bang giao với Do Thái láng giềng trở nên gay go. Những người biểu tình đòi chấm dứt chế độ quân nhân ở Ai Cập.
Ở Yemen người biểu tình rất bạo động. Một mặt tổng thống Saleh đàn áp họ. Mặt khác ông tuyên bố không ra tranh cử năm 2013. Lời hứa này không làm cho những người đối lập ông thỏa mãn. Vào tháng sáu, dinh tổng thống bị phe biểu tình tấn công bằng súng phóng lựu. Saleh bị trọng thương phải đưa sang Saudi Arabia chữa trị. Đến tháng chín vừa qua ông trở về nước, nhưng vẫn không theo khuyến cáo của Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh yêu cầu ông trao quyền cho một chánh phủ chuẩn tiếp.
Saleh là một quân nhân lãnh đạo khó hiểu. Năm 1991 ông chống lại Chiến Tranh Vùng Vịnh nhằm đánh đuổi quân Iraq xâm lăng ra khỏi Kuwait. Năm 2000 ông thăm viếng Iran. Năm 2003 tổng thống Iran, Mohammad Khatami, thăm viếng Yemen và Syria mà Iran xem như đồng minh trong vùng sau khi liên quân Anh, Hoa Kỳ tấn công Iraq, lật đổ Saddam Hussein. Saleh ủng hộ Iran trong chương trình năng lượng nguyên tử của nước nầy! Nhưng Yemen hợp tác với Hoa Kỳ trong việc chống khủng bố. Việc Anwar al Awiaki, một lãnh tụ Al Qaeda gốc Yemen và có quốc tịch Hoa Kỳ, hoạt động ở Yemen và bị giết chết vào tháng chín vừa qua nhờ sự hợp tác tình báo của Yemen. Saleh là tổng thống Cộng Hòa Á Rập Yemen (miền Bắc) từ năm 1978 khi ông mới 36 tuổi. Năm 1990 Cộng Hòa Nhân Dân Yemen (Cộng Sản) ở miền Nam và Cộng Hòa Á Rập Yemen thống nhất, ông vẫn là tổng thống cho đến nay. Trước khí thế dồn dập của phe đối lập, việc ra đi của Saleh chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Ngày 25-10-2011 Saleh liên lạc với tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Yemen đồng ý ký ngưng chiến với phe chống đối và từ nhiệm với điều kiện không bị truy tố ra tòa. Ngoài đường phe chống đối kêu gọi phải trừng phạt tên đồ tể. Saleh mất tinh thần sau cái chết của Qadafi ở Libya.
Từ năm 1970 đến nay quyền lãnh đạo Syria nằm trong tay gia đình Assad. Syria là quốc gia kiên trì chống Do Thái từ ngày lập quốc đến bây giờ. Syria chống đối Hoa Kỳ vì nước nầy luôn luôn ủng hộ Do Thái. Trong chiến tranh sáu ngày năm 1967, Syria mất đồi Golan hiện vẫn còn bị Do Thái kiểm soát. Syria cấm người tỵ nạn Palestine ở Syria chống Do Thái vì sợ Do Thái tấn công, nhưng họ ủng hộ những cuộc bạo động của người Palestine ở Lebanon, Gaza, West Bank chống Do Thái. Syria trở thành đồng minh thân thiện của Iran, nước bảo trợ cho tổ chức Herzbollah ở Nam Lebanon gây bạo động chống Do Thái. Tổng thống Syria Bashar Assad (1965-) là bác sĩ nha khoa tập sự ở Anh, có vợ Á Rập có quốc tịch Anh (sinh ở Anh). Khi cha mẹ ông mất năm 2000, Syria phải sửa đổi hiến pháp cho ông được ứng cử tổng thống để cầm quyền một cách hợp pháp. Chức vụ nầy đáng lý do anh của ông đảm nhận nhưng ông nầy chết vì tai nạn xe cộ. Assad theo gương cha bằng cách duy trì và củng cố chế độ độc tài. Trong 8 tháng biểu tình ở Syria có khoảng 3.500 người biểu tình bị quân đội và cảnh sát giết chết. Assad phải huy động đến xe tăng và tàu chiến để bắn vào những người biểu tình. Nhưng số người tham gia biểu tình vẫn không suy giảm khiến cho các quan sát viên chánh trị quốc tế thấy chế độ Assad đang đến ngày sụp đổ tuy rằng ông được Nga và Trung Hoa Cộng Sản ủng hộ mạnh mẽ bằng cách dùng quyền phủ quyết trước quyết định trừng phạt Syria của Liên Hiệp Quốc. Thời Sô Viết, Liên Sô cung cấp phi cơ, võ khí và cố vấn cho Syria đánh nhau với Do Thái. Truyền thống thân hữu giữa hai nước vẫn duy trì tốt đẹp thời hậu Cộng Sản. Liệu Bashr Assad có cùng chung số phận với Qadafi hay không sau khi dìm những người biểu tình chống ông vào biển máu bằng mọi phương tiện tàn bạo?
Cuộc nổi dậy ở Libya đẫm máu và gay go hơn các nơi khác. Đẫm máu vì đây là cuộc nội chiến giữa những người chống đối Qadafi cùng lực lượng trung thành và lính đánh thuê của nhà độc tài nầy. Gay go vì Qadafi củng cố địa vị 42 năm nên tạo vi cánh rộng lớn trong nước. Đến hạ tuần tháng tám, phe nổi dậy mới chiếm được thủ đô Tripoli, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn vì Qadafi còn tin tưởng được dân chúng ủng hộ. Đó là ảo mộng của các nhà độc tài, luôn luôn cho rằng mình vì dân, vì nước và luôn luôn được dân chúng ngưỡng mộ mà quên rằng họ và gia đình họ gây khốn đốn cho dân, sống trên sự đau khổ và bần hàn của dân. Họ đã lừa phỉnh dân chúng và tự lừa phỉnh mình. Họ tin tưởng vào sức mạnh của võ khí, hệ thống công an, mật vụ mà không cần vun trồng nhân tâm. Họ không cần dân thương mến mà cần dân sợ bằng cách sử dụng tối đa các hình thức khủng bố. Đến ngày 20-10-2011 quân nổi dậy bắt Qadafi từ một ống cống gần xa lộ trong thành phố Sirte, sinh quán của ông. Vài phút sau có tin ông chết. Chế độ độc tài Qadafi hoàn toàn sụp đổ sau 42 năm dài trên đất nước Libya khô cằn và mênh mông sa mạc.
Ngày 23-10 Hội Đồng Quốc Gia Chuẩn Tiếp công bố Libya được giải phóng và làm cho thế giới sửng sốt khi cho biết Libya sẽ dùng luật Sharia của Hồi Giáo làm căn bản luật pháp quốc gia.
Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Nga muốn điều tra về cái chết của Qadafi vì có những hình ảnh cho thấy ông bị bắt và bị đánh, thân hình đầy máu. Sau đó lại thấy ảnh ông chết, đầu và bụng đầy máu. Nếu ông chết vì giao tranh thì đó là chuyện bình thường. Trái lại ông chết vì những vết đạn trên đầu và bụng sau khi bị bắt sống thì đó là một vi phạm qui ước chiến tranh theo các nhà luật học. Hoa Kỳ cũng tán thành việc điều tra về cái chết của nhà độc tài khét tiếng nầy. Người Libya chắc chắn không quan tâm nhiều đến yếu tố nầy mà chỉ nghĩ đơn thuần rằng nhà độc tài hung bạo phải trả cái giá của sự hung bạo của mình lúc còn quyền lực trong tay. Đối với Anh, Pháp và Hoa Kỳ ủng hộ phe nổi dậy chống nhà độc tài để xây dựng dân chủ, sự đối xử đối với kẻ thù là một trắc nghiệm quan trọng đối với những người lật đổ nhà độc tài. Không biết sự xây dựng dân chủ có dễ dàng đối với chánh phủ hậu Qadafi hay không qua việc dùng luật Sharia, qua những hình ảnh về cái chết của Qadafi và con trai của ông là Moutassim Qadafi cũng như vài chục xác chết của những người trung thành của Qadafi bị giết trong một khách sạn?
***
Sự sụp đổ của các nhà độc tài Hồi Giáo ở Tunisia, Ai Cập và Libya cũng như những cuộc biểu tình dai dẳng chống các nhà độc tài Saleh ở Yemen và Bashar Assad ở Syria đã nói lên sức mạnh của quần chúng chống lại bất công và phi lý xã hội do các nhà độc tài mang lại cho họ.
Nhà độc tài Ben Ali ở Tunisia tin tưởng vào sự ủng hộ của Pháp để tự tung tự tác khi cầm quyền.
Nhà độc tài Mubarak tin tưởng vào sự ủng hộ của quân đội và sự viện trợ của Hoa Kỳ nên muốn vĩnh cửu quyền uy bằng cách truyền "ngôi" lại cho con như Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) ở Taiwan (Đài Loan), Hafez Assad ở Syria, Kim Il Sung và Kim Jong Il ở Bắc Hàn, Fidel Castro ở Cuba (chuyển quyền cho em). Nhà độc tài Iraq, Saddam Hussein hay Qadafi của Libya (dự định sau nầy sẽ chuyển quyền cho con trai là Saif al-Islam Qadafi) cũng có những ý nghĩ "truyền ngôi" tương tự trước khi bị lật đổ.
Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ tiêu biểu trên thế giới. Họ rất dị ứng với những nhà độc tài. Họ rất sợ mang tiếng ủng hộ các nhà lãnh đạo độc tài nên đừng lấy làm lạ những ông Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) của Nam Hàn, Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam, Park Chung Hee (Phác Chánh Hy) của Nam Hàn, Marcos của Phi Luật Tân, Noriega của Panama, Suharto của Indonesia... đều bị họ bỏ rơi. Ngô Đình Diệm chết trong cuộc đảo chánh, Park Chung Hee bị người bạn là giám đốc Cơ Quan Tình Báo bắn chết. Riêng đối với Noriega, Hoa Kỳ không ngần ngại mở cuộc hành quân tiến thẳng vào thủ đô Panama bắt nhà độc tài nầy đem về Florida xử án!
Người bầu gánh hát có quyền lựa chọn hay thay kép cho thích hợp với lớp lang của vở tuồng. Nếu người kép hát cưỡng lại và muốn diễn theo ý riêng của mình thì hợp đồng giữa ông ta và ông bầu xem như hủy bỏ. Nếu không có sự thay đổi kép thì khán giả có thể phản kháng hay rơi vào trạng thái nhàm chán và vở tuồng bị xem như không thành công.
Nhà độc tài Qadafi quá tự tin vào đạo quân đánh thuê, guồng máy công an, cảnh sát và mật vụ, tự tin vào chánh sách mị dân của ông ta bằng cách tung hô Hồi Giáo và đường lối chống các nước dân chủ Tây Phương, nhất là Hoa Kỳ, bằng những cuộc khủng bố dã man. Ông tự cho mình nhiều sứ mạng thiêng liêng quá tầm tay như thống nhất Phi Châu, Hồi Giáo hóa thế giới v.v... Mặc dù vậy nó cũng có kết quả trong một thời gian nào đó ở Libya, nơi dân chúng phải học Sách Xanh của Qadafi như dân Trung Hoa lục địa học Sách Hồng của Mao Zedong (Mao Trạch Đông) vậy. Vụ oanh tạc Hoa Kỳ năm 1986 ở Tripoli không làm cho ông ta giảm bớt sự hung hăng. Nhưng sự sụp đổ chế độ độc tài Saddam Hussein năm 2003 làm cho Qadafi giật mình nên ông phải dịu giọng và tìm cách cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.
Các nhà độc tài sống vinh sang ngạo nghễ trước sự đau khổ của dân tộc mình. Kết cuộc đời họ đều bi thảm như nhau.
Hitler tự tử dưới hầm và bị thiêu hủy mất xác.
Mussolini bị bắt năm 1945 và bị dân Ý xử bắn trước công chúng.
Saddam Hussein bị xử treo cổ.
Ben Ali sống lưu vong, tài sản mất sạch.
Mubarak ra tòa trong lúc bị bịnh và bị nhốt trong một cái lồng sắt như cọp vậy.
Qadafi chết đẫm máu. Xác của ông và con ông bị đặt trong một phòng lạnh ướp thịt súc vật ở Misrata và được chôn ở một nơi bí mật nào đó trong sa mạc hoang vắng.
Sự sụp đổ của chế độ độc tài Saddam Hussein và Qadafi có nhiều ý nghĩa sâu sắc. Saddam Hussein bị bắt khi trốn dưới hầm gần tám tháng. Trước đó hai người con của ông bị giết chết. Cuối năm 2006 ông bị xử treo cổ. Qadafi bị bắt từ trong một ống cống gần xa lộ và bị những người nổi dậy đánh đập và hạ nhực trước khi chết. Qadafi cũng có hai con trai chết trong cuộc nội chiến Libya vào tháng tư và tháng mười vừa qua. Người con trai mà Qadafi dự định "truyền ngôi" trong tương lai, Saif al-Islam đã bị bắt vào ngày 19-11-2011 vừa qua ở Obadi, nằm trong vùng sa mạc phía nam Libya.
Sự sụp đổ và cái chết của hai nhà độc tài Saddam Hussein và Qadafi là một sự cảnh cáo nghiêm trọng đối với các nhà độc tài trong các quốc gia Hồi Giáo, các quốc gia Cộng Sản và các quốc gia tập tễnh xây dựng dân chủ chịu ảnh hưởng của các nước Tây Phương. Trước kia Liên Sô tích cực giúp đỡ, bán phi cơ, xe tăng và khí giới cho Ai Cập (thời Nasser) và Syria. Ngày nay Liên Bang Nga và nhất là Trung Hoa Cộng Sản không ngừng ủng hộ các nhà độc tài Saddam Hussein, Qadafi, Bashir (Sudan), Mahmoud Ahmadinejad (Iran), Hugo Chavez (Venezuela) và các nhà lãnh đạo Cộng Sản ở Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba v.v… Dù muốn dù không, sự ra đời của Cộng Hòa Nam Sudan ngày 09-07-2011 và sự lật đổ chế độ độc tài 42 năm ở Lybia cũng đánh dấu sự thành công của các quốc gia dân chủ Tây Phương mà Hoa Kỳ là đại diện. Thành công của Hoa Kỳ đồng nghĩa với sự thất bại của Trung Hoa Cộng Sản và phần nào của Nga trên lục địa Phi Châu. Thời gian sẽ cho thấy tại sao tổng thống Bush II phải tấn công Iraq năm 2003 mặc cho phản ứng bất lợi của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Sự lật đổ các nhà độc tài cơ hồ như không bao giờ lay chuyển nổi nầy sẽ có tác dụng dây chuyền như cơn địa chấn chánh trị trên thế giới với định luật đơn giản:
Không có gì bất biến trên thế gian nầy.
Tự do, dân chủ không phải là món quà hiếm quí tự nhiên mà có: chúng là thành quả của việc làm của tập thể dân tộc. Đôi khi người ta phải chấp nhận gian nguy, kể cả sự nguy hiểm tánh mạng, trong việc tìm sinh lộ, tự do và công bằng xã hội. Chế độ độc tài bất biến hay đổi thay tùy vào thái độ của tập thể dân tộc. Chính tập thể dân tộc quyết định sự tồn tại hay sụp đổ của một chế độ. Chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu và Liên Sô năm 1989 và 1991 không do chiến thắng quân sự của các nước dân chủ Tây Phương mà do ý thức đòi quyền sống có ý nghĩa của đời sống con người từ các dân tộc Đông Âu và Nga.
Hiện nay trên thế giới còn năm quốc gia theo chế độ độc tài Cộng Sản: Trung Hoa lục địa, Việt Nam, Bắc Hàn, Lào, Cuba.
Chủ nghĩa đại đồng không cho phép các quốc gia theo chế độ Cộng Sản đề cập đến lòng yêu nước mà họ gọi là chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa dân tộc (nationalism) hay nặng hơn là chủ nghĩa sô-vanh (chauvinism). Chủ nghĩa yêu nước bị Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản lên án gay gắt nhưng chỉ có hai nước Cộng Sản lớn được quyền duy trì và bảo tồn mà thôi. Từ QUỐC GIA bị kiêng kỵ trong ngữ vựng Cộng Sản Việt Nam ngoại trừ tên tờ giấy bạc với dòng chữ Ngân Hàng Quốc Gia. Tính từ NATIONAL trong Front National de Libération được dịch là DÂN TỘC (Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng) chớ không phải là Quốc Gia. Khi còn Liên Sô, Việt Nam và Cuba hàng phục Liên Sô. Bây giờ Việt Nam và Bắc Hàn hàng phục Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Chế độ Cộng Sản Bắc Hàn và Việt Nam còn tồn tại là nhờ sự bảo hộ của Trung Hoa Cộng Sản. Cộng Sản Lào cũng cùng chung quĩ đạo. Những người chủ trương hàng phục và nhường đất đai, biển, đảo cho Trung Hoa Cộng Sản như Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Chí Vịnh... đều được vinh sang trọng vọng mặc dù hình ảnh của họ trở thành cơn ác mộng trong tâm não của đại bộ phận quần chúng. Địa vị của họ được Beijing xây dựng và củng cố.
Cuba ở xa Trung Hoa Cộng Sản nên không bị chi phối nhiều. Chế độ Cộng Sản Cuba tự tồn tại trong nghèo khó sau khi Liên Sô sụp đổ. Fidel Castro là người Cuba mang giòng máu Tây Ban Nha, theo đạo Thiên Chúa và có học vị cao. Ông chịu ảnh hưởng Cộng Sản Sô Viết chớ không thích hợp với chủ nghĩa Maoism. Đó là sự khác biệt giữa Fidel Castro và Che Guevara.
Chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện tồn tại vững chắc cũng nhờ sự yểm trợ của Trung Hoa Cộng Sản. Gần đây Miến Điện bắt đầu giật mình về sự nuôi dưỡng của Beijing (Bắc Kinh) dành cho họ. Người hủ hóa người khác bằng tiền bạc, danh vọng và tứ đổ tường (tửu, sắc, tài, phiến) chắn chắn là người thâm độc chớ không phải người nhân hậu. Tướng Thein Sein (1945 -) có khuynh hướng cải cách xứ sở. Ông tự dân sự hóa để lãnh đạo quyền Hành Pháp (2011), trả tự do cho bà Aung San Syu Kyi, thăm viếng và cải thiện bang giao với Ấn Độ, để đáp ứng nguyện vọng quần chúng đã ngưng việc xây đập Myitsone trên sông Irrawaddy, nơi hợp lưu của hai sông Mali và Nmai, do Trung Hoa Cộng Sản tài trợ. Nếu xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone, chánh quyền phải buộc 10.000 cư dân trong tiểu bang Kachin rời khỏi nơi chôn nhau cắt rún của họ. Một cái hồ rộng 768 km2 được đào để chứa nước, 47 làng biến mất trên bản đồ. Đây là lần đầu tiên chánh quyền Miến Điện lắng tai nghe tiếng nói tận đáy lòng của dân và có phản ứng ngược lại ý đồ của Trung Hoa Cộng Sản.
Việc hướng về các nước Tây Phương của Miến Điện bắt đầu nẩy nở sau nhiều năm dài chịu sự trừng phạt kinh tế của các nước dân chủ Tây Phương, bị thế giới cô lập vì chà đạp dân chủ và vi phạm nhân quyền. Các nhà lãnh đạo quân phiệt Miến Điện bắt đầu ý thức được hiểm họa của người Hoa sau biến cố Kotang trong tiểu bang Shan ở miền bắc Miến Điện vào năm 2009. Đặc khu Kotang có nghĩa là đặc khu của người Hoa ở Miến Điện, do một người Hoa tên Pheung Kya Shin, tức Peng Jiasheng trông coi việc cai trị. Người Hoa trong đặc khu nầy tổ chức buôn ma túy, mở sòng bạc, phòng hút và lầu xanh để làm giàu. Chánh quyền Miến Điện đưa quân ra biên giới chấm dứt những tệ đoan xã hội nầy. Họ phải chạm súng với những người thiểu số như người Hoa, người Wa, người Kachin. Hàng chục ngàn người Hoa chạy sang Yunnan (Vân Nam) tỵ nạn. Chánh quyền Beijing lên tiếng cảnh cáo chánh quyền quân phiệt Miến Điện mà họ ủng hộ trong quá khứ, buộc họ phải đảm bảo an ninh cho người Hoa ở Miến Điện.
Miến Điện tự xem mình có đường lối xã hội chủ nghĩa riêng không liên hệ đến chủ nghĩa Marx-Lenin hay Maoism và đảng Cộng Sản địa phương hay Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế như Việt Nam và Bắc Hàn. Miến Điện độc lập năm 1948 do sự tranh đấu của họ chớ không nhờ sự giúp đỡ của quốc gia nào khác như trường hợp Việt Nam. Do đó họ tương đối độc lập với Beijing hơn Bắc Hàn và Việt Nam, hai quốc gia có quá khứ lệ thuộc Trung Hoa và nhờ vả nước nầy trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Cũng có người cho rằng tướng Than Shwe, cựu tổng thống Miến Điện, đã rút lui nhưng vẫn còn quyền uy như Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) ở Trung Hoa lục địa trước kia vậy. Trường phái ngờ vực e rằng Thein Sein vẫn còn chịu ảnh hưởng của nhà độc tài quân phiệt Than Shwe. Ông rời quân đội để lãnh đạo đảng Liên Hiệp Đoàn Kết và Phát Triển (2010). Ông tỏ ra có tinh thần cải cách vì năm 2013 Miến Điện sẽ tổ chức Á Vận Hội và năm 2014 tổng thống nước nầy sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi (con gái nhà cách mạng Aung San), người tranh đấu cho dân chủ Miến Điện và được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1991, là một hình thức lấy lòng Anh Quốc, các nước dân chủ Tây Phương và những người yêu chuộng tự do, dân chủ và công lý trên thế giới. Năm 1990 đảng của Aung San Suu Kyi thắng cử, bà không được nắm chánh quyền mà còn bị giam giữ từ đó đến tháng 11 năm 2010 dưới chế độ quân phiệt Than Shwe được hậu thuẫn của Trung Hoa Cộng Sản. Nếu Thein Sein cởi bỏ lớp áo quân phiệt và thấy cần cải cách để cứu vãn nền kinh tế hấp hối của Miến Điện bằng cách xử dụng uy tín quốc tế và khả năng kinh tế của Aung San Suu Kyi, tiến sĩ kinh tế học Đại Học London, Anh Quốc, và kêu gọi sự đóng góp công sức của các người Miến Điện sống lưu vong ở nước ngoài thì ông là một nhà lãnh đạo thức thời còn nghĩ đến quốc gia và dân tộc của ông.
Cộng Sản Việt Nam phải quì lụy Beijing, ký kết hàng loạt những thỏa ước do Beijing soạn sẵn để tương nhượng đất đai, biển, đảo; tuân hành 16 chữ vàng mà Beijing đưa ra và dùng công an bắt bớ, đánh đập và đàn áp những người biểu tình thể hiện lòng yêu nước để bảo tồn chế độ độc tài và đặc quyền, đặc lợi của họ. Dù vậy, Trung Hoa Cộng Sản không ngừng bao vây Việt Nam bằng những quốc gia trước kia thân thiện hay đúng hơn chịu ảnh hưởng của Việt Nam như Cambodia và Lào. Hai nước nầy tách ra khỏi quĩ đạo Việt Nam, hướng về Trung Hoa Cộng Sản để nhận viện trợ vô điều kiện.
Chế độ độc tài Cộng Sản ở Việt Nam gắn liền với sự hưng vong của chế độ Cộng Sản ở Trung Hoa lục địa. Ngày nào Trung Hoa Cộng Sản còn hưng thịnh thì chế độ độc tài Cộng Sản ở Việt Nam còn tồn tại. Ở Trung Hoa lục địa, Bắc Hàn hay Việt Nam không có những cuộc biểu tình rầm rộ chống độc tài như đã thấy ở Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen, Bahrian, Syria và ở Miến Điện cách đây vài năm.
Trung Hoa, Bắc Hàn, Việt Nam là những dân tộc hoàng chủng chịu ảnh hưởng Khổng giáo. Họ trọng danh dự và chủ nghĩa anh hùng:
Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
Cộng Sản Việt Nam dùng hai cuộc chiến tranh 1945-1954 và 1960-1975 để đề cao chủ nghĩa anh hùng do họ thêu dệt. Nào là đánh thắng Nhật, Pháp và đế quốc Mỹ. Nào là Hồ Chí Minh đứng trên thềm cao bắt tay với thủ tướng Pháp đứng dưới thấp. Nào Việt Nam được thế giới biết đến nhờ Hồ Chí Minh. Nào là Phạm Văn Đồng nói tiếng Pháp như gió, nhưng không thèm nói mà nói tiếng Việt trong hội nghị Fontainebleau v.v... Thế giới biết Việt Nam là một nước có nhiều chiến tranh đẫm máu; dân chúng lầm than, nghèo đói và nghi kỵ nhau; gia đình phân ly. Toàn dân Việt Nam nhận chân ra được "lòng yêu nước" và "chủ nghĩa anh hùng" của Cộng Sản Việt Nam đối với Liên Sô trước kia và bây giờ trước Trung Hoa Cộng Sản qua các thỏa ước mà họ ký kết với Trung Hoa Cộng Sản cũng như qua sự hèn yếu, bất lực và thiếu can đảm của họ trước việc tàu bè Trung Hoa Cộng Sản vào hải phận Việt Nam đánh cá, bắt ngư dân Việt Nam đánh cá trong hải phận của mình hay ngăn cản không cho công ty ngoại quốc thăm dò và khai thác dầu hỏa trong hải phận Việt Nam mà họ tự cho là thuộc chủ quyền của họ.
Nếu đọc tất cả những bài thơ của Tố Hữu tức Nguyễn Kim Thanh, người được gọi là Gorky của Cộng Sản Việt Nam, người ta thấy lòng yêu nước Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản của người Cộng Sản Việt Nam. Những dòng thơ nô dịch và vô tổ quốc của Tố Hữu đã đưa ông lên đến chức vụ phó thủ tướng trong chánh phủ Cộng Sản. Gọi Tố Hữu là Gorky thật là quá đáng. Gorky dám chỉ trích Lenin và Trotsky khi chứng kiến sự tàn bạo của tân chế độ nên ông trở lại Ý vì bị Lenin đe dọa. Đó là nơi ông từng sống lưu vong dưới thời Nga hoàng vào đầu thế kỷ XX. Trở về Nga, ông bị Stalin cho người giết chết trong bí mật năm 1936 trong thời kỳ Đại Thanh Trừng mặc dù Stalin mời ông về nước và chính ông cũng có những bài viết ca tụng các gulags (trại tập trung cưỡng bách lao động ở Liên Sô thời Stalin). Gorky (1868-1936) để lại một câu nói đầy ý nghĩa về lao động dưới chế độ Cộng Sản:
"Khi lao động là một niềm vui thi cuộc sống là một niềm vui sướng. Khi lao động là bổn phận thì cuộc sống là sự nô lệ".
Trung Hoa cộng Sản và Bắc Hàn phô trương chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh Triều Tiên, những đợt pháo kích của Trung Cộng ở eo biển Đài Loan (Taiwan), chiến tranh biên giới với Ấn Độ (1962), Liên Sô (1969), chiến tranh với Việt Nam Cộng Hòa ở Hoàng Sa (1974), chiến tranh biên giới và hải đảo Trường Sa với cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (1979, 1984, 1988). Họ thỏa mãn tự ái dân tộc họ bằng sự sản xuất bom nguyên tử, tàu ngầm, chiến đấu cơ, xe tăng, hỏa tiễn, vệ tinh nhân tạo..., nghĩa là phương tiện chiến tranh để phô trương chủ nghĩa anh hùng. Dân chúng ở ba quốc gia Á Châu Cộng Sản hoàng chủng mua danh dự quốc gia và chủ nghĩa anh hùng bằng cách chấp nhận bất công, nghèo đói và cảnh tương tàn cốt nhục đẫm máu và đẫm lệ (nội chiến Quốc Cộng 1927-1936; 1946-1949) chiến tranh do Cộng Sản miền Bắc khởi động ở miền Nam (1960-1975).
Trong 20 năm qua Trung Hoa Cộng Sản và Việt Nam thoát được sự đói kém nhờ theo kinh tế thị trường mà họ dầy công đả phá. Trung Hoa Cộng Sản có những tiến bộ vượt bực trong khi Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc Trung Hoa đến nỗi chọn ngày Quốc Khánh 01-10 của Trung Hoa Cộng Sản để kỷ niệm Ngàn Năm Thăng Long và ngày Song Thập (10-10: Cách Mạng Tân Hợi) làm ngày bế mạc lễ; tổ chức ăn mừng ngày cắm cột mốc ngoài biên giới ăn sâu vào nội địa Việt Nam từ 500m đến 1000m; đền chùa đều đầy chữ Hán; vua Lý Thái Tổ cũng bị Hán hóa v.v…
Hiện nay Trung Hoa Cộng Sản là cường quốc quân sự và kinh tế quan trọng trên thế giới. Điều nầy khiến cho nhiều người bi quan về sự vĩnh cửu của chế độ độc tài Cộng Sản ở Việt Nam. Người lạc quan không thấy sự bất biến trong vũ trụ mà thấy:
Người to lớn khoẻ mạnh thường chết đột biến.
Người hiếu thắng, hiếu chiến và cường nộ lại càng dễ chết.
Voi to lớn nào cũng sợ sâu.
Ba hình ảnh đó hoàn toàn giống tư thế của Trung Hoa Cộng Sản bây giờ. Trung Hoa Cộng Sản vươn lên rất nhanh về kinh tế lẫn quân sự. Với số dân 1,5 tỷ người và trong cương vị chủ nợ Hoa Kỳ, Trung Hoa Cộng Sản sớm trở thành con khủng long đe dọa các nước láng giềng. Họ không che dấu ý muốn tóm thâu thế giới vào tay mình bằng cách lấn đất hay dùng tiền mua đất ở Phi Châu, Âu Châu và Mỹ Châu hiện đang bị khủng hoảng kinh tế và tài chánh. Với sức mạnh như vậy tại sao Trung Hoa Cộng Sản phải sợ sệt và bắt bớ những ai nói đến những chữ Dân Chủ, cách mạng Hoa Lài và theo dõi từng bước đi của đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần già nua và lụm cụm của người Tây Tạng?
Việt Nam "anh hùng" sao lại run sợ những kẻ thù trừu tượng như Dân Chủ, chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, những chữ viết tắt HS, TS, cờ vàng "ba que" như họ biếm nhẽ v.v…?
Sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Hoa Cộng Sản trên lục địa Phi Châu như bị ngăn chận bởi sự ra đời của nước Cộng Hòa Nam Sudan, sự sụp đổ của chế độ độc tài của Qadafi ở Lybia. Đó là hai vùng có nhiều dầu hỏa ở Phi Châu.
Ở Trung Đông chế độ độc tài của Assad đang bị lung lay. Nhà độc tài Saddam Hussein đã bị lật đổ từ năm 2003. ĺt nhiều những biến động chánh trị ở các quốc gia độc tài Bắc Phi và Trung Đông cũng có tiếng vang ở Sinkiang (Tân Cương), Tây Tạng (Tibet) và ở các thành phố lớn trên lục địa Trung Hoa. Sự quan tâm của Hoa Kỳ đến Á Châu đã được bà Hillary Clinton, bộ trưởng bộ Ngoại Giao, nhắc đến vào năm 2010 tại Hà Nội. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Leon E. Panetta tuyên bố trong hội nghị các tổng trưởng Quốc Phòng của ASEAN ở Bali, Indonesia, là Hoa Kỳ vẫn duy trì sự hiện diện trong vùng Thái Bình Dương mặc dù ngân sách quốc phòng bị cắt giảm rất nhiều (2011). Hoa Kỳ sẽ rảnh tay ở Iraq để phục hồi sự hiện diện ở Tây Thái Bình Dương. Việc dùng phi cơ không người lái trong chiến tranh chống khủng bố và sự can thiệp gián tiếp vào Libya của Hoa Kỳ vừa qua vừa hữu hiệu, lại đỡ tốn hao nhân mạng lẫn tiền bạc. Tham vọng chiếm 80% diện tích Tây Thái Bình Dương của Trung Hoa Cộng Sản có vẻ không trơn tru trước phản ứng của cộng đồng thế giới, chủ yếu là Hoa Kỳ. Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia trong vùng. Trung Hoa Cộng Sản phân phối hợp đồng thăm dò dầu khí giữa Việt Nam và Ấn Độ ngoài khơi tỉnh Bình Định và Phú Yên, viện lẽ rằng vùng biển đó thuộc chủ quyền của họ! Khác với các công ty Anh và Hoa Kỳ trước kia, công ty Ấn Độ cương quyết tiếp tục cuộc thăm dò. Sự cương quyết của Ấn Độ làm cho Beijing phải suy nghĩ.
Đưa bằng chứng chủ quyền vùng "lưỡi bò" rộng gần 3 triệu km2 ở Tây Thái Bình Dương?
- Chắc chắn họ không có bằng chứng gì ngoài những lý luận lịch sử vu vơ dựa vào những sử liệu vụn vặt, mơ hồ và vô tín lực.
Dùng võ lực đánh Việt Nam vì cho ngoại quốc thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa thuộc "chủ quyền" của họ?
- Nguyên nhân khởi chiến là chuyện gì? Nó sẽ trở thành hành động xâm lăng ngang ngược của một nước trong Ngũ Cường trong tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Dùng võ lực đe dọa Ấn Độ?
- Việc làm nầy không đơn giản đối với quốc gia đông dân và phát triển hải quân trước Trung Hoa Cộng Sản hơn nửa thế kỷ như Ấn Độ. Còn tinh thần chiến đấu của Ấn Độ ra sao chúng ta không thể luận trước.
Vấn đề biển Đông càng trở nên sôi nổi hơn sau khi công ty thăm dò dầu khí Exxon Mobil cho biết có dầu hỏa ngoài khơi Đà Nẵng gần "lưỡi bò" mà Trung Hoa Cộng Sản cho rằng thuộc chủ quyền của họ. Công ty Exxon Mobil là công ty dầu khí của Hoa Kỳ. Chưa thấy phản ứng của Trung Hoa Cộng Sản về việc công ty Exxon Mobil thăm dò dầu khí gần "lưỡi bò" và quần đảo Hoàng Sa mà họ xâm chiếm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.
Trước đó vài ngày tàu tuần Phi Luật Tân bắt giữ một số thuyền đánh cá của Trung Hoa trong hải phận Palawan của Phi nhưng được Trung Hoa Cộng Sản xem là hải phận của họ. Beijing đòi Phi Luật Tân trao trả các thuyền đánh cá bị bắt giữ. Phi Luật Tân khước từ. Đây là một thách thức lớn đối với Trung Hoa Cộng Sản. Một bài báo trên tờ Global Times trên lục địa Trung Hoa đe dọa Việt Nam và Phi Luật Tân rằng "tiếng đại bác sẽ nổ rền trên Biển Đông". Hải chiến trên biển Đông? Ai cũng đoán được những điều bất lành khó tránh được do tham vọng bành trướng và sự thèm khát dầu khí cùng ngư sản trong lòng biển Đông của Cộng Sản Trung Hoa thúc đẩy. Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước ASEAN mua phi cơ, tàu chiến và võ khí để tự vệ dù biết rằng họ vẫn chưa đủ sức chống lại Trung Hoa Cộng Sản nếu bị tấn công. Một mặt Việt Nam ký những thỏa ước soạn sẵn với Beijing, mặt khác mở mặt trận ngoại giao và nghĩ đến liên minh chiến lược với Ấn Độ, Nhật, Phi Luật Tân. Việt Nam tiến gần với Hoa Kỳ, Anh, mua tàu và võ khí của Nga, Hòa Lan như để chứng tỏ dấu hiệu quan tâm đến đất nước một cách dè dặt và run rẩy. Đó là chánh sách đánh đu chánh trị quen thuộc của Cộng Sản Việt Nam ở miền Bắc sau năm 1954. Phi Luật Tân liên minh với Hoa Kỳ từ trước và mạnh dạn khước từ việc trao trả các thuyền đánh cá Trung Hoa Cộng Sản xâm phạm ngư trường của họ. Họ hứa sẽ xử lý trường hợp vi phạm ngư trường nầy bằng luật pháp quốc gia Phi Luật Tân. Bây giờ họ mạnh dạn thắt chặt quan hệ với Nhật. Đó là sự khác biệt giữa Việt Nam và Phi Luật Tân trước Trung Hoa Cộng Sản.
Mọi sự tấn công của Trung Hoa Cộng Sản nhắm vào Việt Nam hay Phi Luật Tân đều thất lợi cho họ dù họ thắng hay bại. Vấn đề xã hội và sắc tộc rất nghiêm trọng trên lục địa Trung Hoa hiện nay. Kinh tế Trung Hoa Cộng Sản không còn tươi sáng trong những ngày sắp tới. Hàng hóa Trung Hoa lục địa không được cộng đồng thế giới ưa chuộng mà còn bị nghi ngờ nguy hại cho sức khỏe. Chuyện gì xảy ra cho kinh tế Trung Hoa Cộng Sản khi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu chuyển vốn đầu tư sang nơi khác, giảm bớt việc tiêu thụ hàng hóa Trung Hoa lục địa vì khó khăn kinh tế hiện nay và vì cần cứu vãn kinh tế của chính họ? Liệu các nước Bắc Mỹ và Liên Âu có nền kinh tế phồn thịnh và nếp sống phú túc nghĩ đến chánh sách bảo vệ mậu dịch trong giai đoạn kinh tế khó khăn và nạn thất nghiệp còn đè nặng trên đất nước họ không?
Chiến tranh sẽ tạo cơ hội cho quân sĩ và dân chúng trên lục địa Trung Hoa và Việt Nam nổi dậy. Trung Hoa Cộng Sản bị cộng đồng thế giới cô lập và ghê tởm. Họ tỏ ra bất xứng với địa vị của một quốc gia trong Ngũ Cường tại Liên Hiệp Quốc vì thiếu hiểu biết luật pháp quốc tế, thiếu sự tôn trọng hiến chương LHQ, hay hiểu biết mà khinh thường nó để dùng luật sức mạnh của sắt thép và máu lửa. Lập luận về chủ quyền của họ trên cái “lưỡi bò" 3 triệu km2 ở Tây Thái Bình Dương không phải là lập luận của nhà luật học hay sử học mà là lập luận của một kẻ ngang ngược và hiếu chiến, hoàn toàn bất xứng với vị thế mà họ có ở LHQ, một tổ chức quốc tế nhằm bảo vệ hòa bình, tạo sự cảm thông và tương trợ giữa các quốc gia và dân tộc trên hoàn vũ hầu cải thiện nhân sinh, bảo đảm quyền làm người của con người v.v.
Như đã nói, Cộng Sản Trung Hoa đe dọa các nước láng giềng bằng sức mạnh kinh tế và quân sự hiện hữu. Họ thỏa mãn tự ái Hán tộc bằng thành quả to lớn trên hai lãnh vực nầy. Bây giờ họ bị đặt trước những quyết định khó khăn:
– Dọa mà không dám đánh thì quả thật là cọp giấy. Dân chúng sẽ thấy được thế yếu của chánh quyền mà giảm bớt sợ sệt để vùng lên. Hoa Kỳ vẫn tiếp tục bán phi cơ và võ khí cho Taiwan (Đài Loan). nhưng lần nầy bộ trưởng Leon Panetta khen ngợi Trung Hoa Cộng Sản không có phản ứng mạnh nào như đã xảy ra năm 2010 dưới thời bộ trưởng Quốc Phòng Robert Gates.
– Đánh mà thua thì hậu quả lại càng khủng khiếp. Cảnh giậu đổ bìm leo sẽ không tránh được. Tệ hơn là cảnh trâu ngã nhiều gã cầm dao như đã thấy sau Chiến Tranh Nha Phiến vào thế kỷ XIX và Bát Quốc Liên Quân vào đầu thế kỷ XX ở Trung Quốc.
– Đánh mà huề cũng bị xem như thua.
– Lý trí cho thấy một nước lớn tấn công nước nhỏ tất phải thắng dù là chiến thắng không vinh quang vì bị cộng đồng thế giới nghiêm khắc lên án và vì:
A vaincre sans péril on triomphe sans gloire.
Thực tiễn lịch sử cho thấy sự việc cũng không đơn giản và dễ dàng như vậy. Nếu nó dễ dàng thì Trung Hoa Cộng Sản đã chiếm đảo Taiwan (Đài Loan) từ lâu và Hà Nội trở thành Đại La từ năm 1979!
Thắng trước, thua sau cũng là thua. Hậu quả sẽ là sự cáo chung của chế độ độc tài Cộng Sản. Chế độ độc tài Cộng Sản sụp đổ trên lục địa Trung Hoa dẫn theo sự sụp đổ của chế độ độc tài Cộng Sản ở Việt Nam và Bắc Hàn. Đó là cảnh cây to ngã chùm gởi chết theo.
Ánh sáng của sự chiến thắng của Cộng Sản Trung Hoa rất mù mờ vì:
Cọp lẻ không cự nổi cáo bầy.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.