Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Sự phẫn nộ ngự trị từ Cairo đến Bắc Kinh

 

Hosni Mubarak đã thường nói với Tây Phương rằng: Quí vị có thể phê phán phương cách nắm quyền của tôi, nhưng chính tôi là người ngăn ngừa được những người Hồi Giáo cực đoan, mang đầy thù hận chiếm đa số. Nhìn những hình ảnh của những người biểu tình ở Cairo và ở các thủ đô của các xứ Á Rập miệng sùi bọt mép lớn tiếng kết án một cuốn phim chẳng có ý nghĩa gì trở thành một âm mưu ám sát của khối Tây Phương nhắm vào Hồi Giáo và yêu sách một sự kiểm duyệt ngay tức khắc (1). Điều này làm cho bạn nghĩ rằng nhà độc tài nói trên ít nhiều đã có lý. Thật là một cơn thịnh nộ buồn nôn giữa tôn giáo và chính trị.

Hãy để cho những người Á Rập nói riêng hay thế giới Hồi Giáo nói chung tự cho chúng ta thấy bộ mặt thật của họ? Ayaan Hirsi Ali đã viết trong số báo vừa qua của tờ Newsweek: "Những người đàn ông cũng như phụ nữ Hồi Giáo nuôi dưỡng ý tưởng rằng những người xúc phạm Thượng Đế phải bị trừng phạt. Những người này không là một nhóm thiểu số. Trái lại, họ đại diện cho dòng chánh thống của Hồi Giáo."

Cốt tủy của sự thật nằm trong bài viết đó, nhưng thực tế thật ra đa diện hơn nhiều. Đúng vậy, những người cuồng tín tôn giáo chống đối khối Tây Phương và nhất là chống Hoa Kỳ đã trải rộng ở Trung Đông (và cũng đừng quên ở cả Pakistan). Nhưng không có luật thiên nhiên nào làm cho cái bể chứa đầy ác cảm này tự động vỡ ra. Sự chống đối cuốn phim chống Hồi Giáo cũng phải được nhìn như một nỗ lực có ý thức của các nhóm bạo động nhằm lôi kéo chính trị về phía mình trong một giai đoạn chuyển biến hỗn loạn nhưng chắc chắn không phải lúc nào cũng có lợi cho họ.

Nỗ lực đó cho đến nay vẫn chưa thật sự thành công. Một phong trào chống đối tự phát lớn lao của người Hồi Giáo hầu như không có. Chỉ có một vài trăm, hay đôi khi một vài ngàn người biểu tình. Quảng trường Tahir đã không chứa đầy người.

Nhưng điều nói trên không cho rằng các cuộc chống đối không gây ra được tiếng vang rộng hơn. Điều đó cũng không cho rằng các cuộc chống đối này không làm được gì hay không nguy hiểm. Cái chết gây ra cho đại sứ Hoa Kỳ và ba cộng sự viên ở Benghazi của Libya cho thấy "trật tự" mới hãy còn khập khễnh như thế nào – việc xảy ra cho người ta phải nghĩ rằng đó là cuộc ám sát của khủng bố có dự tính.

Nhưng chúng ta cũng đừng bước vào sự sai lầm khi hạ thấp thế giới Hồi Giáo xuống mức chỉ toàn là những tín đồ phẫn nộ. Cũng như ở Libanon, nơi mà những cuộc biểu tình phản đối đã động viên hàng chục ngàn người, các động cơ chính trị đóng vai trò chánh. Phong trào Hezbollah của phái Shiite đã thúc đẩy sự phẫn nộ của quần chúng. Chế độ của tổng thống Assad ở Syria luôn luôn là điểm tựa quân sự và chính trị của tổ chức này. Nhưng chế độ này đã bị dồn vào chân tường, do đó cũng làm vị trí của Hezbollah suy yếu. Bằng cách khai thác sự bất mãn do cuốn phim chống Hồi Giáo gây ra, Hezbollah hy vọng rõ ràng là sẽ tái chiếm lại vị thế đã có của mình.

Một lần nữa tôi không muốn giảm tính cách quan trọng của  những nguy hiểm. Trung Đông không thiếu gì những người kêu gọi hận thù. Một nhóm nhỏ cũng có thể gây ra nhiều sự đau khổ. Và điều đáng lo ngại nhất là tổng thống Morsi của Ai Cập, quốc gia thứ hai đã nhận viện trợ  nhiều nhất của Hoa Kỳ hiện nay, đã ngập ngừng hay mập mờ phản ứng  trước những khích động đập phá nơi mà tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Cairo trở thành mục tiêu. Nhưng cũng không có lý do cho sự sợ hãi, vì những biến động xung quanh các tranh hí họa về Mohamed ở Đan Mạch cũng đã hạ xuống sau một thời gian. Và cũng hoàn toàn không có lý do để có thái độ xin lỗi  hướng về những người Hồi Giáo cực đoan hay chủ trương thánh chiến. Trong một chế độ dân chủ, không phải chánh quyền quyết định mà chính quan tòa quyết định về một sự phát biểu tư tưởng hay quan điểm nào đó có nằm ngoài giới hạn luật pháp hay không. Và nguyên tắc nền tảng nầy phải luôn được nhắc nhở.

Thành thật mà nói đã có những cuộc biểu tình chống đối khác trong các tuần lễ vừa qua làm cho tôi lo ngại hơn. Nhất là những cuộc biểu dương rầm rộ chống Nhật trong các thành phố lớn ở Trung Hoa do  tranh chấp lãnh hải về các đảo Senkaku không người ở, nhưng rất giàu khí đốt trên biển Đông Hải khi những đảo nầy nằm dưới sự kiểm soát của Tokio.

Nơi đây cũng cho thấy ít nhiều có sự chỉ đạo. Nhưng điều khá nổi bật là những gì tiếp sau đó. Các quan sát viên độc lập đã có ấn tượng mạnh mẽ rằng chánh quyền Trung Hoa Cộng Sản khá ngạc nhiên trong thời gian đầu do số lượng người và sự chống đối Nhật mãnh liệt – mặc dầu những xáo trộn nầy được khởi xướng do sự đưa tin có tính khích động từ các cơ quan truyền thông của nhà nước.

Sự xung đột gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản vay mượn sự sắc bén từ sự kiện: nơi đây một cường quốc lớn vừa thành hình và một cường quốc nhỏ hơn nhưng đã hiện hữu đang đứng kình chống lẫn nhau (2). Cả hai cường quốc đều được lãnh đạo do một nhóm lãnh đạo chính trị đang ở vị thế yếu trong nước hiện giờ. Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang ở vào buổi hoàng hôn của cuộc thay đổi quyền lực, luôn luôn là một giai đoạn với những bất an và những phản ứng quá độ để chứng tỏ sự quân bình quyền lực của đảng. Ngoài ra uy tín của đảng đã bị xâm phạm do tai tiếng chung quanh vụ Bo Xilai. Về phía Nhật, các lãnh đạo Nhật đang gặp khó khăn với sự mất tính chính đáng trầm trọng do sự bất lực khó chịu để cho thấy họ có thể thật sự cầm quyền ở Nhật.  Bắc Kinh cũng như Tokio đều không hề có lợi trước sự gia tăng xung đột nói trên.  Nhưng trong một hoàn cảnh mập mờ như thế, có thể có những thế lực hiếu chiến thành hình và sẽ rất khó khăn để kiềm chế những thế lực nầy.

 

Paul Brill
Nguyên tác: De Razernij Regeert van Caïro tot Peking
(de Volkskrant 22-09-2012)

Nguyễn Thị Quỳnh Anh dịch
________________

Chú thích:

(1) Cuốn phim kỳ thị Hồi Giáo có tên là Innocence of Moslims, trong đó đấng Mohamed bị hạ cấp là một người tán tỉnh đàn bà ngu xuẩn và đã có tội xúc phạm thân thể trẻ em vị thành niên. Cuốn phim gây nhiều phẫn nộ trong thế giới Hồi Giáo được thực hiên do một người Hoa Kỳ gốc Ai Cập tên Nakoula Beseley, một tín đồ đạo Thiên Chúa Chính Thống Giáo. Cuốn phim này kéo dài 13 phút trên YouTube thật ra chỉ là một phim giới thiệu dẫn nhập ngắn cho một cuốn phim dài hơn. Nikoula Beseley đã từng vào tù ở Hoa Kỳ vì tội gian lận nhà băng và vừa bị bắt lại do đã không tôn trọng những điều kiện giao ước để được trả tự do. Một cuộc điều tra cũng được thực hiện để xem có phải Nikoula đã để phim trên trong YouTube hay không (Chú thích NTQA).

(2) Khi bài này được đăng báo Đài Loan chưa nhảy vào vòng tranh chấp. (NTQA)  

 


Cái Đình - 2012