Phạm Đình Lân


Sau cái chết của trùm khủng bố quốc tế

 

Ngày 02-05-2011 khắp thế giới được tin chấn động về cái chết của trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden bị đặc vụ Hoa Kỳ đột kích và bắn chết tại một tòa nhà lầu ba tầng ở Abbottabad nằm cách thủ đô Islamabad của Pakistan lối 60km. Theo những nguồn tin chánh thức được đưa ra thì Bin Laden ở trong căn nhà nầy từ năm 2005 nhưng tình báo, cảnh sát và quân đội Pakistan không hề hay biết! Abbottabad là thành phố nghỉ mát có nhiều núi đồi, trường Võ Bị và là nơi có cư xá dành riêng cho các tướng lãnh hồi hưu Pakistan.

Ở Hoa Kỳ dân chúng tập họp ở New York như ăn mừng lễ chiến thắng. Vì người chủ mưu vụ 11 tháng 09 năm 2001 đã đền tội sau gần 10 năm lẩn tránh sự theo dõi và tập kích của quân đội NATO và phi cơ không người lái Hoa Kỳ, đúng như ước muốn của tổng thống Bush II: bắt sống hay giết chết.

Ở Âu Châu người ta đón nhận tin nầy một cách dè dặt vì đề phòng một cuộc trả thù có thể có trên lục địa nầy. Âu Châu có nhiều liên hệ địa lý và lịch sử với người Á Rập Hồi Giáo. Ngay tại Hoa Kỳ người ta cũng nghĩ đến những cuộc khủng bố do những người Mỹ gốc Tây Á và theo đạo Hồi trước kia thường lui tới Afghanistan và Pakistan thụ huấn rồi trở về Hoa Kỳ như những người khủng bố nằm vùng nói sành tiếng Anh và am tường tâm lý người Mỹ.

Phần lớn dư luận ở các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á (Pakistan, Afghanistan) và Đông Nam Á (Mindanao, Brunei, Mã Lai, Indonesia) không mấy thuận lợi về việc giết chết Bin Laden. Ở Phi Luật Tân và Indonesia có biểu tình chống Hoa Kỳ. Hamas cũng công khai đả kích cuộc đột biến nầy. Ở Pakistan có những cuộc biểu tình dữ dội chống Hoa Kỳ, phản đối hoạt động của máy bay không người lái của Hoa Kỳ ngoài biên giới Pakistan-Afghanistan. Chánh phủ Pakistan phản đối Hoa Kỳ đột nhập vào nhà Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan mà không thông báo với chánh phủ nước nầy. Chánh giới Hoa Kỳ ngạc nhiên tại sao Bin Laden ở Abbottabad nhiều năm rồi mà Pakistan hoàn toàn không hay biết mặc dù nước nầy nhận mỗi năm gần 2 tỷ Mỹ kim của Hoa Kỳ để cùng hợp tác chống khủng bố. Người ta đưa hàng loạt luận cứ  để phê phán việc giết chết Bin Laden nhưng không hề có quan điểm pháp lý nào binh vực hay che chở cho 3000 người vô tội bị chết thiêu trong hai tòa nhà World Trade Center năm 2001. Nhiều người Hồi Giáo cho rằng việc thả xác của Osama Bin Laden xuống biển không phù hợp với truyền thống mai táng của tín đồ Hồi Giáo ngoại trừ khi bị chết vì tai nạn đắm thuyền hay tàu bè trên sông và ngoài biển. Chánh phủ Hoa Kỳ cho rằng họ tôn trọng nghi thức mai táng Hồi Giáo, nghĩa là chôn cất người chết trong vòng 24 giờ đồng hồ. Chánh phủ e dè không cho biết xác của Bin Laden được thủy táng ở nơi nào trên biển Á Rập và cũng không cho xem ảnh chụp của trùm khủng bố quốc tế lúc bị bắn chết cũng như lúc tẩn liệm để thủy táng.

Cái chết của Bin Laden có ý nghĩa gì?

1- Đối với tổng thống Obama đó là một thành tích to lớn của ông sau hai năm cầm quyền. Những người ủng hộ ông cho rằng ông đã làm được việc mà tổng thống Bush II đã mất tám năm mà không có kết quả rõ rệt. Cái chết của Bin Laden làm cho uy tín của tổng thống Obama tăng lên 9 điểm. Trước đó vài ngày ông đã trưng khai sinh với đầy đủ chi tiết để đánh tan dư luận của nhóm birthers, tiêu biểu bởi nhà tỷ phú Donald Trump. Hai sự kiện dồn dập nầy làm cho cuộc tiền vận động tranh cử tổng thống của ông năm 2012 được nhiều khí thế thuận lợi. Trong suốt hai tuần sau ngày công bố cái chết của Bin Laden những ứng cử viên khả dĩ được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh tổng thống đương đầu với Obama đều giữ im lặng.

Ông Huckabee tuyên bố không ra tranh cử.

Ông Newt Gingrich vận động không được trơn tru sau khi tuyên bố ra tranh cử.

Ông Donald Trump rút lui.

Huntsman, đại sứ ở Trung Hoa lục địa và cựu thống đốc Utah, chưa chánh thức tuyên bố nhập cuộc. Nếu Huntsman và Romney đều ra tranh cử thì có hai tín đồ Mormon muốn được đảng Cộng Hòa đề cử ra tranh tổng thống nhằm lấy lại ghế tổng thống từ trong tay Obama. Cả hai vị nầy phải qua những thử thách không kém phần gay go do bức tường tôn giáo và đường lối bảo thủ truyền thống Cộng Hòa gây ra.

Ông Kennedy là người Thiên Chúa Giáo duy nhất đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Ông thuộc đảng Dân Chủ. Trường hợp ông Huntsman với Obama hơi giống trường hợp Cabot Lodge với Kennedy vào năm 1963. Ông Kennedy đưa đối thủ chánh trị của ông sang Nam Việt Nam để giải quyết cuộc khủng hoảng Phật Giáo dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, người từng được chánh quyền Cộng Hòa ở Hoa Kỳ ủng hộ. Ông Diệm bị lật đổ dưới thời đảng Dân Chủ cầm quyền ở Hoa Kỳ và đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn lúc bấy giờ, Cabot Lodge, là đảng viên đảng Cộng Hòa. Năm 1964 đảng Cộng Hòa không đề cử Cabot Lodge ra tranh cử tổng thống đương đầu với tổng thống Lyndon B. Johnson.

Như vậy cái chết của Bin Laden góp phần không nhỏ vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2012 tuy vẫn biết rằng sự thành công còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

2- Cái chết của Osama Bin Laden không có nghĩa là chiến tranh chống khủng bố đã dứt. Al Qaida là một tổ chức khủng bố bí mật hoạt động nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra còn nhiều tổ chức khủng bố Hồi Giáo khác mang tính chất địa phương. Riêng ở Afghanistan và Pakistan, ngoài Al Qaida còn có Taliban. Thủ lãnh Taliban của Afghanistan là Omar bị xem như tại đào kể từ năm 2001. Đừng vội lạc quan cho rằng lãnh đạo chết thì tổ chức tan rã hay giải tán. Năm 1968 lực lượng võ trang giải phóng và bộ đội miền Bắc bị quét sạch khỏi các thành phố ở miền Nam Việt Nam. Nhiều cơ sở bí mật của Cộng Sản bị bại lộ. Năm 1969 nhiều người lạc quan khi cho rằng chiến tranh bị tàn lụi. Ba năm sau miền Nam Việt Nam bắt đầu mất vài quận trong tỉnh Quảng Trị, Kontum, và Bình Long để rồi ba năm sau nữa miền Nam hoàn toàn thất thủ. Năm 1969 Hồ Chí Minh chết nhưng vẫn không có tranh chấp quyền hành đẫm máu ở miền Bắc và chiến tranh cũng không tự tàn lụi như nhiều người dự đoán.

Với cái chết của Bin Laden, Al Qaida chắc chắn bị suy yếu tuy rằng trong suốt 10 năm qua trùm khủng bố quốc tế sống lén lút trong các hang động hay sơn thôn dọc theo biên giới Afghnistan-Pakistan hay trên lãnh thổ Pakistan. Những người kế vị Bin Laden cũng theo lối sống lén lút của ông để rồi sớm muộn gì cũng bị chánh quyền Pakistan, Afghanistan hay cơ quan tình báo Hoa Kỳ phát hiện.

3- Đối với Trung Hoa Cộng Sản cái chết của Bin Laden không có lợi nhiều cho họ. Khủng bố Hồi Giáo hay các phong trào Hồi Giáo đều có điểm chung sau đây:

a- Tôn giáo: Bất thân thiện với các tôn giáo khác, nhất là Ki Tô Giáo (Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành).

b- Chống chế độ dân chủ Tây Phương do Hoa Kỳ đứng đầu, chủ yếu là Bắc Mỹ và các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu.

c- Chống sự hiện hữu của quốc gia Do Thái ở Trung Đông. Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận sự ra đời của nước Do Thái năm 1948. Sau Hoa Kỳ là Liên Sô. Từ năm 1948 đến nay Hoa Kỳ luôn luôn là quốc gia ủng hộ Do Thái.

Dưới mắt những người Hồi Giáo cực đoan, làm cho Hoa Kỳ suy yếu tức là làm cho Do Thái mất đi tiềm năng yểm trợ. Những hoạt động của nhóm Hồi Giáo quá khích nhằm làm rỉ máu Hoa Kỳ, vô tình làm lợi cho sự phát triển kinh tế, quân sự và khoa học kỹ thuật cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc như trường hợp chiến tranh Việt Nam lần thứ hai (1960-1975). Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có bom nguyên tử và vệ tinh nhân tạo trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Vì vậy Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc muốn Cộng Sản Việt Nam làm cho Hoa Kỳ bị rỉ máu lâu dài chớ không muốn họ đạt thắng lợi. Từ 10 năm qua Hoa Kỳ phải tốn hàng ngàn tỷ Mỹ kim cho chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan, chiến tranh Iraq và việc tìm kiếm Osama Bin Laden. Địa vị số một của Hoa Kỳ bị lung lay ít nhiều trước ngọn gió thoảng từ Beijing (Bắc Kinh) thổi đến.

Nhưng chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan làm cho Hoa Kỳ và NATO bám sát gần Iran, Nga và Trung Hoa lục địa nhiều hơn. Về danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố quốc tế làm cho Trung Hoa Cộng Sản lẫn Nga không có lý do phàn nàn hay lên án sự hiện diện quân sự nầy. Trung Hoa Cộng Sản dùng chiêu bài chống khủng bố nầy để mạnh tay đàn áp những cuộc chống đối và nổi dậy của người Huy (Uyghur) tức người Hồi Giáo ở Sinkiang (Tân Cương).

Sự hiện diện của quân Hoa Kỳ và NATO trên lãnh thổ một quốc gia Hồi Giáo đào sâu sự nghi kỵ giữa người Hồi Giáo và các nước dân chủ Tây Phương. Chiến tranh chống khủng bố trong một quốc gia khô cằn và có nhiều núi non hiểm trở gây rất nhiều vất vả cho quân sĩ Hoa Kỳ và NATO trước một kẻ thù gần như vô hình được dân chúng che giấu và tiếp tế lương thực, thuốc men và tin tức tình báo vì tình đồng bào, đồng chủng, đồng đạo hay vì bị khủng bố cũng có. Afghanistan là một quốc gia cằn cỗi, đồi núi chập chùng, kinh tế nghèo nàn, đời sống dân chúng thấp kém, nhưng dải đất khô hạn đầy sỏi đá nầy lại là nơi chôn vùi tên tuổi của Alexander Đại Đế vào thế kỷ IV trước Tây Lịch, đế quốc Anh thời đại Victoria hoàng kim vào thế kỷ XIX và Liên Sô vào thập niên 1980.

4- Cái chết của Bin Laden làm cho bang giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan trở nên căng thẳng. Chánh giới Hoa Kỳ muốn nghe lời giải thích hợp lý của chánh quyền Pakistan về sự cư ngụ của Bin Laden ở Abbottabad từ nhiều năm qua. Pakistan khá bối rối về chuyện nầy và chống chế bằng cách thú nhận sự thất bại của cơ quan tình báo. Pakistan phản công lại Hoa Kỳ khi cho rằng Hoa Kỳ đưa đặc vụ hoạt động trên lãnh thổ Pakistan mà không hề thông báo cho nước nầy. Quốc Hội Hoa Kỳ dọa ngưng viện trợ cho Pakistan. Thực tế Hoa Kỳ vẫn còn cần Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Á và Nam Á. Nếu Hoa Kỳ không viện trợ thì Trung Hoa Cộng Sản sẽ làm công việc ấy và nắm trọn ảnh hưởng ở Pakistan. Từ lâu Pakistan rất gắn bó với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc trên căn bản: Hai người trở thành bạn vì cùng chung một kẻ thù.

Kẻ thù chung của Pakistan và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là Ấn Độ. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc dùng Pakistan, Miến Điện và Sri Lanka làm vòng đai siết chặt Ấn Độ.

Cái chết của Bin Laden không có tiếng vang lớn ở Trung Đông ngoại trừ sự giận giữ của Hamas khi nghe tin nầy. Bin Laden không phải là thần tượng của vương quốc Saudi Arabia, Jordan, nhà độc tài Qaddafi và các nước Á Rập khác trong vùng. Nếu có thương tiếc cũng không có lãnh đạo quốc gia nào dám bộc lộ ngoại trừ tổ chức Hamas của người Palestine trên bán đảo Gaza.

Phấn khởi về thành tích giết chết trùm khủng bố quốc tế, tổng thống Obama của Hoa Kỳ đưa ra chánh sách hòa bình Trung Đông. Hoa Kỳ ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ ở Tây Á và Bắc Phi. Bài diễn văn của ông Obama về Trung Đông cho thấy:

– Hoa Kỳ tán dương sự lật đổ hai nhà độc tài ở Tunisia và Ai Cập.

– Thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống nhà độc tài Qaddafi ở Libya và Assad ở Syria.

– Mâu thuẫn trong cuộc đấu tranh của người Yemen, Bahrain vì Yemen và Bahrain là hai đồng minh của Hoa Kỳ. Yemen hiện đang bị khủng bố đe dọa nặng nề. Vua Bahrain thuộc phái Sunni trong khi đa số dân trên bán đảo thuộc phái Shiite. Vua Bahrain được sự hỗ trợ mạnh mẽ của vua Saudi Arabia, một đồng minh giàu có của Hoa Kỳ.

– Hoàn toàn bất lợi cho Do Thái. Thủ tướng Do Thái Netanyahu lo ngại sự hợp nhất của hai phe Hamas và Fatah qua trung gian của chánh phủ Ai Cập thời hậu Cách Mạng Mùa Xuân. Hamas được xem là một tổ chức khủng bố đã thắng cử vẻ vang năm 2006 và ít lâu sau có sự phân chia vùng ảnh hưởng giữa người Palestine với hai khuynh hướng chánh trị khác nhau: Hamas chiếm Gaza với lập trường bất di dịch: Không chấp nhận sự hiện hữu của nước Do Thái ở Trung  Đông. Fatah đi từ lập trường quá khích nguyên thủy sang hòa hoãn với Do Thái cho phù hợp với hoàn cảnh chánh trị thực tế và tương quan lực lượng giữa họ và Do Thái. Fatah có ảnh hưởng ở West Bank. Sự phân chia vùng ảnh hưởng nầy xảy ra sau khi hai phe Hamas và Fatah đụng độ nhau dữ dội ở Gaza trước khi phe Fatah bị đánh đuổi ra khỏi dải đất nầy. Trong bài diễn văn về Trung Đông, tổng thống Obama đề nghị Do Thái rút ra khỏi các vùng đất đã chiếm đóng ở West Bank sau cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày vào năm 1967 (bao gồm cả đông Jerusalem?) để Palestine lập quốc. Trong cuộc gặp gỡ giữa Netanyahu và Obama tại Washington ngày 20-05-2011, thủ tướng Netanyahu bác bỏ đề nghị nầy dù rằng nó được nhiều nước tán đồng. Trước đó Do Thái cho biết sẽ không có đàm phán hòa bình giữa Do Thái và Hamas-Fatah hợp nhất vì Hamas là một tổ chức khủng bố không chấp nhận sự hiện hữu của quốc gia Do Thái trong cương lĩnh của họ. Netanyahu từng đả kích thủ tướng Sharon khi ông nầy ra lịnh đập phá nhà cửa của người Do Thái ở Gaza và buộc họ phải rời dải đất nầy để trao cho người Palestine quản trị. Hòa bình có đến với Do Thái sau việc trao trả Gaza không? Do Thái cho rằng Hamas là tổ chức khủng bố được Syria và Iran yểm trợ. Do Thái cũng tỏ ra dè dặt với chánh phủ Ai Cập thời hậu Mubarak.

Rời bỏ West Bank hay đông Jerusalem là một chuyện không đơn giản. Có 350.000 người Do Thái sống ở West Bank trong những ngôi nhà tiện nghi lộng lẩy. Rời bỏ Jerusalem lại càng khó hơn vì đó là thành phố lịch sử của người Do Thái. Dù đã phải xa cách 2.000 năm nhưng lúc nào họ vẫn phải chào nhau trên đất khách "Ngày mai ở Jerusalem" như một ước mơ, một nguồn hy vọng và một mục tiêu tối thượng cần phải đạt bằng mọi giá. Do Thái đã dùng chánh sách trả đất để mua hòa bình với Ai Cập thời tổng thống Sadat. Sadat không có hấp lực và sự sáng chói như người hùng Nasser. Nhưng ông thu hồi lại bán đảo Sinai đã mất vào tay Do Thái trong Chiến Tranh Sáu Ngày năm 1967 dưới thời Nasser. Do Thái trả Gaza cho Palestine với hy vọng được Hamas công nhận sự hiện hữu của quốc gia Do Thái ở Trung Đông, nhưng họ không đạt được kết quả mong muốn. Hamas vẫn thường xuyên pháo kích vào miền Nam Do Thái.

Tổng thống Jimmy Carter đã giúp cho thủ tướng Do Thái Menachem Begin (1913-1992) và tổng thống Muhammad Sadat (1918-1981) của Ai Cập lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1978. Tổng thống Obama có giúp cho Netanyahu và Abbas (thuộc Fatah) chia giải Nobel Hòa Bình không?

Nếu ngày xưa người ta nói "Khó như tiếng Hebrew" thì ngày nay người ta cũng có nhận xét tương tự: Khó như vấn đề Do Thái-Á Rập. Hoa Kỳ và Âu Châu đang gặp hai cái khó triền miên nầy. Một bên là quê hương của đấng Christ và của các nhà khoa học, kinh tế tài chánh, triết học quốc tế góp phần kiến hiệu cho sự phồn vinh của Hoa Kỳ và Âu Châu. Bên kia là các giếng dầu mà các quốc gia kỹ nghệ đang cần đến.

Bên nào nặng hơn? Câu trả lời sẽ không giản dị.

Vừa lòng cả hai? Không phải là chuyện dễ làm.

Để thời gian tự giải quyết bằng sự lựa chọn giữa các phe đối nghịch: Cùng nhau chung sống trong hòa bình hay giành nhau độc quyền sống bằng luật mạnh được yếu thua?

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2011