Tú Gàn
Rắc rối về song tịch
Hôm 19.10.2005, Công An Sài Gòn đã ập vào nhà ông Trương Quốc Huy ở Phú Nhuận, bắt ông ta, người em là Trương Quốc Tuấn và cô Lisa Phạm, bạn của Tuấn, một Việt kiều ở Mỹ mới về. Những người này bị bắt vì có những lời chống chế độ khi tham dự những cuộc nói chuyện trên PalTalk. Sau nhiều áp lực của dư luận quốc tế, ngày 7.7.2006, tức 9 tháng sau, cả ba người mới được phóng thích. Ở đây có hai vấn đề đã được đặt ra đối với trường hợp của cô Lisa Phạm :
(1) Về thủ tục thông báo :
Cô Lisa Phạm là một người Mỹ gốc Việt, nhưng trong thời gian bị bắt và giam giữ, nhà cầm quyền Việt Nam đã không thông báo cho Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn biết theo như Thỏa ước Việt – Mỹ ngày 26.5.1994 về Quan Hệ Lãnh Sự. Cô cho biết, trong thời gian bị giam, cô có gởi cho Tòa Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn hai lá đơn và nhờ Công An chuyển giao, nhưng sau khi được phóng thích, cô có hỏi các viên chức Tòa Lãnh Sự Mỹ thì họ cho biết họ không hề nhận được lá đơn nào của cô.
(2) Về thẩm quyền bắt giữ và truy tố:
Cô Lisa Phạm đã nói chuyện trên PalTalk ở Mỹ chứ không phải ở Việt Nam. Theo nguyên tắc, Hình Luật Việt Nam chỉ có thể áp dụng cho các vụ phạm pháp xẩy ra trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả do người ngoại quốc vi phạm (Điều 5 Bộ HLVN) hay do công dân Việt Nam vi phạm, dù ở ngoại quốc (Điều 6, khoản 1, Bộ HLVN). Cô Lisa Phạm là một công dân Mỹ và không vi phạm Hình Luật Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy nhà cầm quyền Việt Nam dựa vào đâu để bắt giữ cô ta khi cô ta trở về Việt Nam?
Đây là trường hợp cần được nghiên cứu để có thể đối phó với những trường hợp tương tự có thể xẩy ra trong tương lai.
Vấn đề song tịch
1.- Quy định của Luật Quốc Tịch Việt Nam:
Luật Quốc Tịch Việt Nam ngày 28.6.1988 (cũ) cũng như Luật Quốc Tịch Việt Nam số 07/1998/QH10 ngày 20.5.1998 (mới) đều quy định rằng tất cả những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài sau đây vẫn được coi là có quốc tịch Việt Nam:
(1) Đã nhập một quốc tịch khác nhưng chưa được Chủ Tịch Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho thôi quốc tịch Việt Nam hay tước quốc tịch Việt Nam (điều 23, 24 và 32).
(2) Trẻ em khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam (vì chưa được thôi quốc tịch Việt Nam) thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch, hoặc có mẹ là công dân Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. (điều 16 và 17)
Nói tóm lại, những người Việt Nam ở ngoại quốc, cho dù đã nhập bất cứ quốc tịch nào, vẫn còn được Luật Quốc Tịch Việt Nam coi là công dân Việt Nam cho đến khi được phép từ bỏ quốc tịch Việt Nam hay bị tước quốc tịch Việt Nam. Do đó, khi một người Việt hải ngoại thủ đắc một quốc tịch khác, họ có cùng một lúc hai quốc tịch (dual nationality). Vấn đề song tịch này sẽ gây ra nhiều hậu quả pháp lý phức tạp cho Việt kiều, nhất là khi trở về thăm viếng hay làm ăn ở Việt Nam.
2.- Quyền ấn định quốc tịch:
Có người cho rằng các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam hiện nay không phù hợp với luật quốc tế nên không có giá trị. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Theo một nguyên tắc cố định trong luật quốc tế thì một quốc gia không thể áp đặt quốc tịch trên một người mà rõ ràng là công dân của một quốc gia khác. Nhưng nhiều khi không thể xác định được quốc tịch của một người vì có sự tương tranh về pháp lý giữa luật pháp của các quốc gia. Nếu không giải quyết được sự tương tranh này thì mỗi quốc gia có chủ quyền đều dành quyền thi hành luật lệ của nước mình trên người mà luật pháp của quốc gia đó coi là công dân của họ.
Các quốc gia thường ấn định quốc tịch dựa vào các yếu tố sau đây:
– hoặc căn cứ vào yếu tố nơi sinh (jus soli),
– hoặc căn cứ vào yếu tố huyết thống (jus sanguinis),
– hoặc căn cứ vào cả hai yếu tố đó.
Có quốc gia còn cho thụ đắc quốc tịch do hôn thú (national by marriage) như Italia hay Việt Nam Cộng Hoà trước đây. Ngoài ra, luật lệ của hầu hết các quốc gia đều dự liệu các trường hợp cho nhập tịch có điều kiện.
Tu chính án số 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định rằng tất cả những người sinh tại Hoa Kỳ hay đã nhập tịch Hoa Kỳ đều là công dân Hoa Kỳ. Tu chỉnh án này đã căn cứ vào nơi sinh (jus soli) để ấn định quốc tịch. Ngoài ra, luật quốc tịch Hoa Kỳ cũng coi những người sinh ở nước ngoài có cha hoặc mẹ là công dân Hoa Kỳ cũng có quốc tịch Hoa Kỳ nếu có đăng ký tại Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ sở tại . Đây là một hình thức ấn định quốc tịch theo huyết thống (jus sangunis). Sở dĩ đa số con lai Hoa Kỳ tại Việt Nam trước đây không có quốc tịch Hoa Kỳ vì sau khi sinh đã không đăng ký tại Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ trong thời gian luật định. Do đó, khi đến Mỹ, họ vẫn phải thi vào quốc tịch Hoa Kỳ.
Vì mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn yếu tố để ấn định quốc tịch, nên luật quốc tịch của các quốc gia khác nhau đã tạo ra tình trạng một cá nhân có thể có hai quốc tịch (dual nationality) , và thậm chí có khi còn có nhiều quốc tịch cùng một lúc (multiple nationality) . Nhưng cũng có khi những luật quốc tịch này đã tạo nên tình trạng có những cá nhân không được thừa nhận có quốc tịch nào. Đây là trường hợp vô quốc tịch (stateless).
Những sự tranh chấp về quốc tịch thường được giải quyết theo quốc tế tư pháp và rất rắc rối. Trường hợp điển hình thường được đưa ra dẫn chứng tại Hoa Kỳ mỗi khi giải quyết vấn đề song tịch là trường hợp của bà Florence Strunsky Mergé: Bà Florence Strunsky sinh tại New York City ngày 7.4.1909 nên có quốc tịch Hoa Kỳ theo nơi sinh. Năm 24 tuổi, bà kết hôn với Salvatore Mergé tại Rome nên thụ đắc quốc tịch Ý theo hôn thú. Như vậy, bà Mergé có cùng một lúc hai quốc tịch: Quốc tịch Hoa Kỳ và quốc tịch Ý. Cả hai quốc gia đều cấp thông hành cho bà Mergé. Khi xẩy ra vụ bà Mergé bị mất mát tài sản do chiến tranh, Toà Đại sứ Hoa Kỳ ở Ý đã dựa vào Thỏa ước Hòa bình (Treaty of Peace) ký kết giữa Hoa Kỳ và Ý, yêu cầu Bộ Tài Chánh Ý bồi thường cho bà Mergé, nhưng Bộ Tài Chánh Ý đã từ chối bồi thường, viện lý do bà Mergé đã thụ đắc quốc tịch Ý theo hôn thú và trở thành công dân Ý nên không còn bị chi phối bởi thỏa ước nói trên. Một Ủy Ban Hòa Giải Ý - Mỹ (Italian - United States Conciliation Commission) đã được thành lập để giải quyết vấn đề nầy. Hồ sơ tranh luận của Ủy Ban cho thấy những khía cạnh pháp lý vô cùng phức tạp khi giải quyết một vụ tranh chấp về quốc tịch.
Cảnh giác của Hoa Kỳ và Canada
1.- Cảnh giác của Hoa Kỳ:
Trong ‘ Tờ Thông Tin Lãnh Sự' (Consular Information Sheet) ngày 13.1.2004, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã cảnh giác những công dân Mỹ gốc Việt như sau:
– Vấn đề song tịch : Các công dân Mỹ sinh ở Việt Nam, các cựu công dân Việt Nam và các con cái của họ đều bị bắt buộc phải có chiếu khán (mới được vào Việt Nam). Tuy nhiên, trên những vấn đề hình sự, chính quyền Việt Nam đối xử với họ như những người có quốc tịch Việt Nam. Họ cũng có thể bị chi phối bởi các luật thiết định các nghĩa vụ đặc biệt trên những người có quốc tịch Việt Nam, chẳng hạn như về quân sự hay thuế khóa. Công dân Mỹ gốc Việt có thể bị truy tố về các tội phạm được coi là đã phạm trước khi rời khỏi Việt Nam.
– Công dân Mỹ gốc Việt phải tham khảo đoạn nói về quyền lãnh sự liên quan đến các quyền của mình. Đối với những vấn đề đặc biệt về quốc tịch Việt Nam có thể liên lạc với Tòa Đại Sứ Việt Nam. Về những vấn đề về song tịch phải liên lạc với Office of Overseas Citizens Services, Department of State, Washington, DC 20520, điện thoại: + 1 202-647-5226.
2.- Cảnh giác của Canada :
Mới đây, Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Quốc Tế của Canada đã ra thông cáo lưu ý các công dân Canada gốc Việt rằng chính phủ Việt Nam không thừa nhận tư cách song tịch của những người Việt đã nhập các quốc tịch khác và vẫn coi những người này là người Việt Nam. Do đó, khả năng giúp đỡ của Tòa Lãnh Sự Canada đối với những người Canada gốc Việt mang thông hành Canada khi về Việt Nam rất giới hạn. Yêu cầu những người này phải thận trọng khi về Việt Nam.
Trong tài liệu mang tên ‘Information and assistance for Canadians abroad' (Thông tin và sự giúp đỡ cho người Canada ở ngoại quốc), Bộ Ngoại Giao Canada đã lưu ý về những điều liên quan đến tình trạng song tịch mà những người Canada đi du lịch cần phải biết. Tài liệu nói rằng tình trạng song tịch xẩy ra khi một người là công dân của hơn một quốc gia. Luật Canada cho phép duy trì hay trở thành công dân của một nước khác và vẫn còn được công nhận như là một công dân Canada.
Nhưng không phải mọi quốc gia cũng đều công nhận tình trạng song tịch. Điều đó sẽ đưa tới những khó khăn cho những người Canada khi ở tại một quốc gia mà họ có quốc tịch thứ hai. Quốc gia này có thể không công nhận quốc tịch Canada của người đó và chính quyền của nước địa phương có thể qưyết định rằng Tòa Lãnh Sự Canada không có quyền giúp đỡ (the local authorities could decide that Canada does not have the right to provide consular assistance.)
Nhiều quốc gia còn bắt buộc thi hành cả nghĩa vụ quân sự. Nghĩa vụ hợp pháp này có thể hiện hữu cho dù quý vị không cư ngụ tại nước mà quý vị có quốc tịch thứ hai (This legal obligation may exist even if you do not reside in the country of your second citizenship. )
3.- Áp dụng vào thực tế:
Căn cứ theo sự hướng dẫn của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Canada thì khi tình trạng song tịch của một người Việt ở hải ngoại chưa được giải quyết, nếu người nầy trở về Việt Nam thăm viếng, du lịch, hoạt động chính trị, xã hội, giáo dục, văn hoá... hay làm ăn, có thể gặp phải những rắc rối sau đây:
– Rắc rối thứ nhất : Những người được coi là đang có quốc tịch Việt Nam vẫn bị luật pháp Việt Nam chi phối, dù đang sinh sống ở ngoại quốc (Điều 6, khoản 1 Bộ HLVN). Do đó, nếu người này vi phạm luật lệ Việt nam ở ngoại quốc, khi về Việt Nam vẫn có thể bị bắt và xét xử theo luật lệ Việt Nam vì họ vẫn được coi là công dân Việt Nam.
Tội phạm mà người Mỹ gốc Việt dễ bị bắt và truy tố khi về Việt Nam là hai tội sau đây
(1) Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam . Tội này được quy định ở điều 88 của Bộ Hình Luật Việt Nam như sau:
1 - Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2 - Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
(2) Tội gián điệp . Tội này được quy định trong điều 80 của Bộ Hình Luật Việt Nam như sau:
1 - Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2 - Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
3 - Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự.
– Rắc rối thứ hai: Vì bị coi là có quốc tịch Việt Nam, người Việt song tịch có thể bị bắt nhập ngũ theo luật về nghĩa vụ quân sự hay bị bắt đóng thuế theo luật thuế vụ Việt Nam.
Vấn đề quan hệ lãnh sự
Công Ước Vienna về Quan Hệ Lãnh Sự (Vienna Convention on Consular Relations) đã được ký kết ngày 24.4.1963 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 19.3.1967. Hoa Kỳ đã gia nhập công ước này ngày 14.12.1969 và Việt Nam ngày 8.10.1992. Công ước này gồm Lời nói đầu, 5 chương và 79 điều, đã hệ thống hoá các quy phạm lãnh sự và xác lập nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia trong việc thiết lập quan hệ lãnh sự.
1.- Thỏa ước Việt – Mỹ :
Sau khi ký Hiệp Ước về Quan Hệ Mậu Dịch, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã ký kết Thỏa ước ngày 26.5.1994 về Quan Hệ Lãnh Sự giữa hai nước. Thỏa ước này có dự liệu rằng khi những người mang thông hành của quốc gia liên hệ bị bắt giữ, quốc gia bắt giữ phải thông báo ngay cho Tòa Lãnh Sự liên hệ trong thời gian 96 tiếng đồng hồ. Các viên chức lãnh sự có quyền theo dõi và xin thăm viếng những người mang thông hành của quốc gia mình.
Dĩ nhiên, khi chấp nhận thỏa ước này không có nghĩa là chính phủ Việt Nam công nhận quốc tịch Hoa Kỳ của người Mỹ gốc Việt mang thông hành Hoa Kỳ. Thỏa ước đó chỉ thiết lập một nghĩa vụ mới giữa hai quốc gia, đó là nghĩa vụ thông báo cho Tòa Lãnh Sự liên hệ biết mỗi khi bắt giữ những người có mang thông hành của quốc gia họ, đồng thời phải cho phép các viên chức lãnh sự theo dõi và thăm viếng những người bị bắt này. Do đó, khi bắt giữ một người Mỹ gốc Việt mang thông hành Hoa Kỳ mà không thông báo cho Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ biết như trường hợp của cô Lisa Phạm nói trên là vi phạm Thỏa ước Việt – Mỹ về Quan Hệ Lãnh Sự. Đây là điều mà những người Mỹ gốc Việt trở về Việt Nam cần lưu ý để yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải thi hành.
2.- Những quy định của Việt Nam:
Chính phủ Việt Nam đã quy định về việc khởi tố, xét xử những trường hợp có nhân tố nước ngoài như sau:
A.- Các văn bản pháp luật:
1. Công Ước Vienna về Quan Hệ Lãnh Sự 1963.
2. Pháp Lệnh về Quyền ưu đãi và miễn trừ dành cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 28/03/1993.
3. Luật Hình Sự và Luật Tố Tụng Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
B.- Các bước tiến hành:
1. Sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan điều tra có văn bản thông báo Sở Ngoại vụ, ghi rõ các chi tiết liên quan đến người bị khởi tố, thời gian bị khởi tố, lý do khởi tố, có tạm giam, tạm giữ không, ở đâu.
2. Khi nhận được văn bản của cơ quan điều tra, Sở Ngoại Vụ có công hàm thông báo chính thức gửi cơ quan đại diện lãnh sự của người bị khởi tố mang quốc tịch.
3. Khi cơ quan đại diện lãnh sự có công hàm xin đi thăm lãnh sự bị can, Sở Ngoại Vụ chuyển đề nghị đi thăm lãnh sự tới các cơ quan liên quan, cụ thể:
– Nếu vụ án còn đang trong quá trình điều tra, việc cho phép đi thăm sẽ do cơ quan điều tra giải quyết.
– Nếu hồ sơ vụ việc đã chuyển Viện Kiểm Sát hoặc Tòa Án, việc cho phép đi thăm do Viện Kiểm Sát cùng cấp giải quyết. Sở Ngoại Vụ đồng thời có văn bản liên hệ Trại giam để sắp xếp ngày giờ cụ thể thăm gặp tại trại.
– Các trường hợp ở Tỉnh, công hàm được chuyển cho Văn phòng UBND Tỉnh hoặc Ngoại Vụ tỉnh để phối hợp giải quyết.
– Thời gian xem xét cho đi thăm do các cơ quan chức năng giải quyết theo luật định.
4. Khi vụ án được đưa ra xét xử, căn cứ vào thông báo của Tòa án, SNV thông báo cho cơ quan đại diện lãnh sự biết để thu xếp tham dự phiên tòa. (Những vụ án quan trọng, cán bộ Sở Ngoại Vụ cùng tham dự phiên tòa với đại diện lãnh sự.)
5. Khi bản án thi hành hình phạt tù giam có hiệu lực, phạm nhân được chuyển đi các trại giam để thi hành án.
6. Khi thi hành xong án phạt tù, Sở Ngoại Vụ phối hợp với cơ quan đại diện lãnh sự liên quan để đưa đương sự về nước.
Vai trò của Lãnh Sự Hoa Kỳ
Bản hướng dẫn của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã nói về vai trò của Tòa Lãnh Sự trong việc giúp đỡ công dân Mỹ khi ở ngoại quốc đại khái như sau:
Cơ Quan Dịch Vụ Công Dân Hoa Kỳ (American Citizens Services, viết tắt là ACS) giúp đỡ công dân Hoa Kỳ trong những trường hợp khẩn cấp đồng thời cung cấp những dịch vụ khác.
Cơ Quan Dịch Vụ Công Dân Hoa Kỳ không thể thực hiện chức năng như đại lý du lịch, ngân hàng, luật sư, điều tra viên hoặc thực thi pháp luật cho công dân Hoa Kỳ. Văn phòng chúng tôi không tìm kiếm việc làm, cung cấp giấy phép lái xe hoặc nơi ở, làm phiên dịch, tìm kiếm hành lý bị thất lạc hoặc giải quyết tranh chấp với các quản lý khách sạn. Quí vị cũng không được phép ở tại Lãnh Sự Quán nếu quí vị lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi có thể hướng dẫn cách giải quyết vấn đề này hoặc vấn đề khác.
Nếu quí vị gặp thiên tai hoặc quấy rối về dân sự, quý vị nên sớm thông báo đến thân nhân của quý vị ngay khi quí vị trong tình trạng an toàn, hoặc liên hệ với Lãnh Sự Hoa Kỳ, nơi này sẽ chuyển tin nhắn đó đến gia đình của quý vị thông qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Viên chức Hoa Kỳ sẽ cố gắng bằng mọi cách để liên lạc hoặc cho quý vị lời khuyên. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ ưu tiên cho những trường hợp công dân Hoa Kỳ đang bị thương hoặc trong tình trạng nguy kịch.
Nếu như quý vị bị bắt, quý vị nên yêu cầu chính quyền thông báo đến Lãnh Sự Hoa Kỳ. Lãnh Sự không thể giúp quý vị ra khỏi trại tù (khi quý vị đang ở nước ngoài, quý vị phải phụ thuộc vào luật pháp của nước đó). Tuy nhiên, Lãnh Sự có thể bảo vệ quyền lợi pháp lý của quý vị và đảm bảo quý vị không bị ngược đãi. Viên chức Lãnh Sự có thể cung cấp cho quý vị danh sách luật sư, viếng thăm quý vị, thông báo cho quý vị về luật pháp trong nước, và liên hệ với gia đình và bạn bè của quý vị. Viên chức Lãnh Sự có thể chuyển tiền, thực phẩm và quần áo gửi từ thân nhân và bạn bè của quý vị đến trại giam. Chúng tôi có thể làm giảm bớt nổi đau khổ của qúi vị hoặc giúp đỡ nếu quý vị không được khỏe.
Nếu một thành viên trong gia đình quý vị bị mất tích, Cơ Quan Dịch Vụ Công Dân Hoa Kỳ có thể giúp quý vị trong việc tìm kiếm người mất tích. Đồng thời, nếu quý vị quan tâm đến tình trạng sức khỏe của thành viên trong gia đình, văn phòng chúng tôi có thể giúp đỡ quý vị. Xin lưu ý rằng một khi đã tìm được cá nhân này, chúng tôi chỉ có thể thông báo đến quý vị nếu cá nhân này cho chúng tôi quyền được tiết lộ qua việc ký giấy đồng ý hoặc thông qua lời nói để miễn trừ Luật Riêng Tư (Privacy Act).
Cơ Quan Dịch Vụ Công Dân Hoa Kỳ cấp hộ chiếu Hoa Kỳ trong trường hợp khẩn, gia hạn hộ chiếu, sửa đổi hộ chiếu trong trường hợp đổi tên và thêm trang hộ chiếu.
Nếu hộ chiếu của quý vị bị mất, quý vị phải mang theo đơn cớ mất có xác nhận của công an địa phương và một số giấy tờ tùy thân có ảnh. Quý vị sẽ được cấp hộ chiếu thay thế sau khi nộp giấy tờ tùy thân và chứng minh là công dân Hoa Kỳ.
Tất cả các lệ phí đều phải trả bằng tiền mặt và bằng đô la Mỹ. Tổng Lãnh Sự Quán không nhận chi trả bằng ngân phiếu hoặc thẻ tín dụng.
Chúng tôi sẽ chuyển đơn xin cấp hộ chiếu đến Trung Tâm Hộ Chiếu Quốc Gia tại Hoa Kỳ. Trung tâm này sẽ in hộ chiếu và gửi về cho chúng tôi. Quá trình này mất khoảng hai (02) tuần, vì thế chúng tôi đặc biệt khuyến khích quý vị nộp đơn xin hộ chiếu trước thời điểm dự định đi lại.
Cơ Quan Dịch Vụ Công Dân Hoa Kỳ cũng cung cấp nhiều dịch vụ công chứng khác nhau như: Bản tuyên thệ độc thân để kết hôn tại Việt Nam, Bản tuyên thệ đổi tên, Bản tuyên thệ khai sinh (dành cho khai sinh bị mất), Chứng nhận chữ ký, Giấy ủy quyền, và Sao y bản chính.
Tìm một giải pháp
Điều 13 Luật Quốc tịch Việt Nam số 07/1998/QH10 ngày 20/5/1998 có dự liệu:
– Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 2 của Bộ luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam cũng dự liệu:
– Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công dân nước thành viên của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập thì được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Vậy cần phải vận động để chính phủ Hoa Kỳ ký kết với chính phủ Việt Nam một thỏa ước giải quyết dứt khoát tình trạng song tịch của người Mỹ gốc Việt, khi đó chúng ta mới có thể tránh được những rắc rối như đã nói trên.
Những điều trình bày trên đây chỉ mới là những nét căn bản. Trong những dịp khác chúng tôi sẽ triển khai rộng hơn để giúp thấy rõ hơn những khó khăn và tìm phương cách đối phó.
Tú Gàn