Trần Bình Nam
Quốc tế hóa chiến tranh Syria
Hôm Thứ Bảy 11-5-2013 hai quả bom nổ tại thành phố Reyhanli của Thổ Nhĩ Kỳ nằm sát biên giới bắc của Syria làm thiệt mạng 42 người và bị thương 142 người đa số là người tị nạn chiến tranh từ Syria. Trong cuộc tranh chấp vũ trang giữa hai khuynh hướng Hồi giáo Sunni-Alawites tại Syria kéo dài hơn hai năm qua chính phủ Thổ ngầm ủng hộ lực lượng chống tổng thống Syria Bashar al-Assad, nên vụ nổ bỗng nhiên kéo Thổ vào cuộc và là một dấu hiệu cuộc chiến tại Syria có thể nhiễu qua các nước chung quanh như Thổ, Lebanon, Jordan, Do Thái mang bất ổn đến toàn vùng Trung đông.
Ngày 7 -5- 2013 Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry trong khi thăm viếng Moscow đã cùng với giới chức Liên bang Nga công bố hai bên đồng ý triệu tập một hội nghị quốc tế về Syria. Có lẽ đó là bước tích cực và thực tế nhất để dàn xếp cuộc chiến tranh tại Syria.
Cuộc chiến tranh tại Syria khởi phát từ cuộc biểu dương chống độc tài của nhân dân Bắc Phi Mùa Xuân Arập đầu năm 2011 khi dân các nước Tunisia, Libya, Ai Cập vùng lên lật đổ các chế độ độc tài. Và người ta nghĩ tổng thống Bashar al-Assad của Syria cũng sẽ bị lật đổ trong một thời gian ngắn.
Nhưng những gì diễn ra ở Tunisia, Libya, Ai Cập đã không xẩy ra tại Syria. Chính yếu vì cuộc tranh chấp tại Syria có bản chất một cuộc tranh giành quyền lực giữa hai khối tôn giáo đội lốt chống độc tài. Một bên là khối theo đạo Hồi hệ phái Sunni, một bên là chính quyền tổng thống Assad ở trong tay nhóm Alawites, một nhánh đạo Hồi cùng gốc với hệ phái Shia. Tổng thống Assad được Liên bang Nga, Iran và phe tranh đấu Hezbullah tại Lebanon ủng hộ, trong khi phe nổi dậy được Hoa Kỳ, Âu châu, Saudi Arabia, Do Thái ủng hộ và các nước nhỏ trong vùng Vịnh cung cấp tiền bạc và vũ khí.
Cuộc chiến tranh kéo dài đã làm thiệt mạng hàng chục ngàn người và lửa chiến tranh đã không chừa một nơi nào trên đất Syria. Từ thủ đô Damascus, cho đến các thành phố lớn nhỏ từ bắc chí nam như Aleppo, Sweida và các thành phố ven Địa trung Hải như Banias, al-Bayda.
Trong năm 2012 khi số người bị giết trong chiến tranh lên đến con số 10.000, thế giới xúc động và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã 2 lần muốn ra quyết nghị buộc các bên chấm dứt cuộc chiến nhưng không thực hiện được vì phiếu phủ quyết của Liên bang Nga.
Hoa Kỳ là nước có tư thế giúp phe nổi dậy, nhưng Hoa Kỳ thấy không có lý do gì để hành động như vậy khi vừa rút khỏi Iraq và đang trên tiến trình rút quân ra khỏi Afghanistan. Hơn nữa, nếu phe nổi dậy thắng thì chính quyền mới tại Syria thay thế Assad cũng là một chính phủ Hồi giáo và không có gì bảo đảm sẽ có thiện cảm với Hoa Kỳ hơn chính phủ Assad độc tài nhưng có chính sách ngoại giao khôn khéo duy trì được hòa bình trong cuộc tranh chấp dai dẳng với Do thái.
Tổng thống Obama từng nghiêm khắc cảnh cáo tổng thống Assad rằng: “Chớ có dùng vũ khi hóa học. Đó là lằn đỏ nếu anh bước qua chúng tôi sẽ can thiệp.” Nhưng trong tháng 4-2013 trong một cuộc tấn công tại một ngôi làng gần thành phố Aleppo và một khu ngoại ô thủ đô Damascus, lực lượng tổng thống Bashar al-Assad đã dùng vũ khí hóa học. Khi có bằng chứng quốc tế rằng Assad đã dùng vũ khí hóa học tổng thống Obama tránh né cho rằng “hình như” phe nổi dậy cũng đã dùng một thứ vũ khí hóa học khác để đánh lực lượng của chính phủ. Chúng ta đều hiểu tổng thống Obama đã tuyên bố cứng rắn, một phần để vuốt ve thành phần diều hâu tại quốc hội Hoa Kỳ, một phần để hù dọa Assad. Nhưng trong thâm tâm ông không thấy có một lợi ích gì để đưa Hoa Kỳ vào một cuộc chiến Trung đông khác.
Cuộc oanh tạc Damascus đêm 5/5 của Do Thái với mục đích (Do Thái nói) ngăn chận Iran chuyển vũ khí cho nhóm Hezbollah tại Lebanon là một món quà thủ tướng Do Thái kín đáo tặng tổng thống Obama. Nhờ cuộc bỏ bom không khí đòi can thiệp tại Âu châu và nhất là tại quốc hội Mỹ nguội bớt dần.
Các đại diện dân cử lãnh đạo hai viện quốc hội như bà Dianne Feinstein (Dân Chủ, California) Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, James Inhofe (Cộng Hòa, Oklahoma) Thượng nghị sĩ thâm niên trong Ủy ban Quân vụ, Dân biểu Ed Joyce (Cộng Hòa, California) Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ nghị viện dù đồng thanh lên tiếng “Hoa Kỳ phải can thiệp sâu hơn” nhưng ai cũng tỏ ra rất dè dặt. Ngoại trừ các Thượng nghị sĩ diều hâu mạnh tiếng lấy lệ như John McCain (Cộng Hòa, Arizona), Carl Levin (Dân Chủ, Michigan) Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện kêu gọi Hoa Kỳ áp đặt khu cấm bay (no-fly zone) và Thượng nghị sĩ Linsay Graham (Cộng Hòa, South Carolina) kêu gọi gởi bộ binh Hoa Kỳ đến Syria.
Mọi người đều hiểu Hoa Kỳ ở một tư thế (anh lớn) không thể không làm gì, nhưng đồng thời cũng hiểu rằng Hoa Kỳ có rất ít lựa chọn. Thảm cảnh tại Syria và chế độ độc tài Assad cần chấm dứt, nhưng một chính phủ trong tay nhóm Sunni không chắc gì thân thiện với Hoa Kỳ. Cái gương Libya còn đó. Sự nổi dậy lật đổ Kadafi có tính quần chúng, nhưng chính phủ mới tại Libya cũng đã không làm gì để bảo vệ tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Bengazhi khỏi bị nhóm quá khích Al Qaeda tấn công (như cuộc tấn công hôm 11/9/2012 giết Tổng lãnh sự Christopher Stevens) và cũng không tích cực giúp tình báo Hoa Kỳ điều tra để tìm ra thủ phạm. Còn nữa, phe chống Assad thuộc nhiều khuynh hướng, cho nên việc tiếp tế vũ khí cho phe chống không bảo đảm gì nó không lọt vào tay bọn khủng bố.
Có lẽ Hoa Kỳ và Liên bang Nga cuối cùng rút bài học chiến tranh Việt Nam 1946-1954 để thấy rằng một cuộc chiến tranh có màu sắc quốc tế phải được giải quyết qua một hội nghị quốc tế. Cuộc chiến tranh tại Syria tuy bề ngoài không có gì giống cuộc chiến tranh Việt Nam 1946-1955, nhưng có những diễn biến tương tự.
Cuộc chiến Việt Nam 46-54 bắt đầu với phong trào giành độc lập dưới ảnh hưởng của chủ thuyết Mac-Lenin nằm trong cái khung đấu tranh giữa tư bản và vô sản. Sau lưng một bên là Tây Âu, bên kia là khối Cộng. Đầu thập niên 1950 cuộc chiến Việt Nam lan tràn qua Lào, Cambodia và bắt đầu nhiễu qua Thái Lan. Pháp vận động Hoa Kỳ nhảy vào cuộc chiến thì đảng Cộng Sản Việt Nam vận động sự hậu thuẫn của Liên xô và Trung quốc. Cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam biến thành cuộc đối đầu quốc tế. Cuối cùng cuộc chiến tranh được giải quyết qua hội nghị quốc tế tại Geneva, một bên là quốc gia Việt Nam với quốc trưởng Bảo Đại, Pháp, Anh (Hoa Kỳ đóng vai tích cực nhưng không có mặt tại bàn hội nghị), một bên là chính quyền cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo và Nga sô, Trung quốc.
So sánh với chiến tranh Syria. Cuộc chiến Syria bắt đầu với chiêu bài chống nhà độc tài Bashar al-Assad, nhưng thực chất là cuốc đấu tranh giữa hai nhánh Hồi giáo. Một bên được Liên bang Nga yểm trợ, một bên được Tây phương dành nhiều cảm tình dù không tin cậy. Tổn thất nhân mạng sau hơn 2 năm bắn giết nhau đã lên đến con số 70.000 người, và đang lan dần ra các nước chung quanh như Lebanon, Thổ và đã kéo Do Thái vào cuộc chiến (với vụ bỏ bom thủ đô Damascus hôm 5-5-2013.)
Nếu Hoa Kỳ và Liên bang Nga không muốn can dự trực tiếp, và mọi giải pháp trước diễn đàn Liên hiệp quốc đều không thể thực hiện do phiếu phủ quyết của các Ủy viên Thường trực bên này hay bên kia thì cuối cùng cách giải quyết còn lại một hội nghị quốc tế.
Trong chuyến đi Moscow đầu tháng 5-2013 Hoa Kỳ và Liên bang Nga đã đạt được sự đồng thuận về nguyên tắc này và đó là ánh sáng cuối đường hầm của cuộc chiến tranh Syria.
Chừng nào thì Hội nghị triệu tập? Điều này lệ thuộc vào chừng nào thì Hoa Kỳ và Liên bang Nga đồng ý về thành phần tham dự. Hoa Kỳ có thể đề nghị Anh, Pháp, Do Thái, chính quyền Palestine và đại diện phe chống Assad. Liên bang Nga có thể đề nghị Trung quốc, Iran, nhóm Hezbollah và lẽ dĩ nhiên chính quyền tổng thống Assad. Thứ hai là nơi triệu tập và sau cùng là tình hình chiến sự. Thành phố Damascus hay Aleppo có thể bị bao vây và một Điện Biên Phủ nào đó sẽ được nhen nhúm.
Cũng giống như cuộc chiến Việt Nam và hội nghị Geneva, các thế lực quốc tế sẽ có một diễn đàn mặt đối mặt để đổi chác quyền lợi và giải quyết các tranh chấp khác còn vướng víu như tranh chấp Sunni-Shiite ở Trung đông, tranh chấp Do Thái – Palestine , vụ Iran chế tạo bom nguyên tử… chứ không phải chỉ đi tìm một giải pháp cho cuộc chiến Syria.
Sau hội nghị quốc tế về Syria là một thời kỳ hòa bình, trước khi các thỏa thuận “có tính lâu dài” tại đó trở thành mầm mống của một cuộc tranh chấp quốc tế khác. Cũng như giải pháp chia đôi Việt Nam năm 1954 với hứa hẹn một cuộc bầu cử để thống nhất Việt Nam không bao giờ thực hiện là mầm mống của trận chiến tranh khốc liệt kết thúc năm 1975 tưởng chừng như có thể dẫn thế giới tới bờ vực của đại chiến thứ 3.
Dưới hình thức này hay hình thức khác lịch sử chỉ là một sự tái diễn.
Trần Bình Nam
May 15, 2013