Đoàn Viết Hoạt
Phá nước cờ Chốt Thí Sang Sông
Từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, bàn cờ Việt Nam đã đổi khác. Ở hải ngoại thì phía quốc gia, tuy đã mất đất, mất chính quyền, nhưng vẫn còn hơn 3 triệu dân, lại có thêm không gian mới, thế mới, rộng lớn hơn, thời đại hơn – không gian toàn cầu với ba xu thế thời đại là kinh tế thị trường, văn hóa tự do và chính trị dân chủ. Cộng đồng người Việt hải ngoại ra đời và ngày càng trưởng thành lên, có khả năng phát huy thế chính mạch quốc tế để tác động đến chính sách của các nước định cư đối với Hà Nội.
Trên giải đất hình chữ S, một thế trận mới cũng đã hình thành với lằn ranh mới: lằn ranh phân chia nhân dân bị trị với chính quyền thống trị, phân chia tư nhân tự do với quốc doanh độc quyền, phân chia tiến bộ với lạc hậu. Lằn ranh ấy hình thành một cách tự nhiên, vừa do thời thế vừa do chính sự sai lầm của đảng cộng sản. Từ 1990, sau sự xụp đổ của Liên Sô và khối cộng sản đệ tam quốc tế, thế trận mới lại có thêm thế đối lập mới: đối lập giữa phe cấp tiến với phe bảo thủ ngay trong đảng cộng sản; giữa người dân trong–ngoài nước với chính quyền cộng sản; giữa những người dân chủ trong–ngoài nước, trong–ngoài đảng cộng sản, với ban lãnh đạo bất tài, độc đoán, tham nhũng.
Thế trận mới này đang tạo một áp lực nội tại ngay ở trong nước, ngay trong nội bộ ban lãnh đạo cộng sản. Xã hội và dân chúng đang tự lớn mạnh lên không cần và ngày càng độc lập hơn với đảng và nhà nước cộng sản. Vì Việt Nam ngày càng phải mở cửa ra với thế giới, cộng đồng hải ngoại đang có điều kiện tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ở trong nước, giúp cho xã hội và người dân mạnh hơn nữa và độc lập hơn nữa.
Trong bối cảnh của tiến trình hội nhập Việt Nam vào khu vực và thế giới, thế trận mới ngày càng phát triển và đang thách thức mọi ý đồ đóng cửa, độc quyền và độc đoán, làm trở ngại mọi ý đồ và kế hoạch cầm nắm, cai trị, lũng đoạn. Nó mở đường cho tự do cạnh tranh, tự do giao lưu hai chiều và nhiều chiều trong mọi quan hệ cá nhân, xã hội, quốc gia và quốc tế. Nó đòi hỏi quyền tự do lựa chọn cho người dân, truớc hết là lựa chọn sản phẩm tinh thần và vật thể, sau đó là lựa chọn tư tưởng và chính trị.
Nghị quyết 36 ra đời khi thế trận mới như thế đã hình thành. Nghị quyết 36 ấy, trong bản chất, vẫn được xây dựng và triển khai trong bối cảnh của thế trận cũ, của người dân trong nước và cộng đồng hải ngoại trước 1990, của Việt Nam trước khi hội nhập thế giới. Nghị quyết ấy, như bao nghị quyết khác của ban lãnh đao cộng sản, vẫn xuất phát từ thái độ “trịch thượng” của người làm chủ của nhân dân, vẫn coi người dân trong nước và người Việt hải ngoại cần được “ban ân, bố đức” như triều đình ban bố cho “thần dân” của mình.
Nghị quyết 36 bộc lộ rõ những tính chất đó trong các nội dung chính sách. Chỉ cần điểm qua một vài nội dung chính là thấy rõ điều này. Chẳng hạn như Nghị quyết đề ra chủ trương “bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài” và “ tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại”. Nghe sao như hãy còn ở thời kỳ 20-30 năm trước, khi người Việt mới sang tị nạn cộng sản ở nước ngoài còn phải sống hết sức vất vả và chật vật. Nhưng lúc đó thì hình như nhà nước và đảng cộng sản còn gọi họ là “bọn phản quốc”! Ngày nay 3 triệu người Việt không những đã không còn tị nạn, mà đang trở thành một cộng đồng vững mạnh, có thể tác động vào chính sách của chính quyền sở tại. Họ cũng đang có thế và lực để có thể tác động vào ngay cả xã hội và người dân trong nước. Họ cũng vẫn và sẽ chống đối lại chế độ cộng sản tại Viêt Nam . Tại sao họ phải cần đến đảng và nhà nước cộng sản “bảo hộ quyền lợi” cho ho. Họ không cần và không chấp nhận thái độ “bảo hộ” trịch thượng đó.
Một chính sách khác liên quan đến văn hóa giáo dục cũng bộc lộ rõ nhận thức “bất cập” và giả dối của ban lãnh đạo cộng sản. Trong khi các chương trình dậy tiếng Việt phát triển khắp nơi ở hải ngoại, và hiện nay ở Mỹ đang có nỗ lực đòi được dậy tiếng Việt ngay trong các trường trung học Mỹ có đông học sinh người Mỹ gốc Việt, thì Hà Nội chủ trương “tích cực đầu tư” cho việc dậy tiếng Việt ở hải ngoại. Cùng với các chương trình văn hóa, xã hội “phi chính trị” khác, đây chỉ là một âm mưu xâm nhập cộng đồng và giới trẻ hải ngoại, chứ không phải thực tâm vì nền văn hóa giáo dục Việt Nam.
Những ai theo dõi tình hình trong nước đều biết rằng hiện nay nền văn hoá và giáo dục trong nước đang bị khủng hoảng và xuống cấp trầm trọng đòi hỏi sự “đầu tư” to lớn cả vật chất lẫn tinh thần của chính quyền và xã hội, trong đó sự”đầu tư” chất xám là yếu tố quyết định. Mà điều này không thể có được bằng tiền bạc và quyền lực, nhất là độc quyền và đặc quyền. Chỉ có không khí tự do thật sự, tự do suy nghĩ và sáng tạo của giới trí thức, văn hóa và học thuật, độc lập và khác biệt, kể cả đối lập, với giới cầm quyền, mới tạo được môi trường “đầu tư” cần thiết cho sự phát triển và tận dụng chất xám Việt Nam cả trong nước lẫn hải ngoại. Và chỉ khi mọi kế hoạch đều được đưa ra vì phúc lợi của xã hội, của đất nước và của người dân, chứ không phải để thực hiện nghị quyết nào của một đảng cầm quyền nào. Chỉ khi nào những người cầm quyền nhận thức được điều này và để cho môi trường tự do đó phát triển thì nhân tài Việt Nam mới thật sự phát huy được. “Đãi ngộ” nhân tài bằng một môi trường thật sự tự do như thế phải xẩy ra trước hết ở ngay trong nước đối với giới trí thức văn nghệ sĩ trong nước. Có được điều này thì tự nhiên sẽ thu hút được nhân tài từ hải ngoại. Nhân tài hải ngoại chỉ cần sự tự do làm việc trong một môi trường văn hoá, chính trị-xã hội tự do, trong sáng và lương thiện, chứ không cần bất cứ một sự “đãi ngộ” nào, nhất là những “đãi ngộ” được “ban bố” từ những người cầm quyền trịch thượng, và độc đoán.
Với những chính sách thiển cận như thế, Nghị quyết 36 hoàn toàn đi ngược lại trào lưu hội nhập, mở cửa, giao lưu tự do hai chiều. Ban lãnh đạo cộng sản vẫn chỉ muốn áp đặt lên hải ngoại những sản phẩm vật thể và tinh thần được chế độ cho phép nhưng không dám để người dân trong nước được thưởng thức những sản phẩm trí tuệ, tinh thần của người Việt tự do ở hải ngoại. Nghị quyết 36 muốn tràn chiếm hải ngoại với tâm thức “giao lưu một chiều và độc quyền” trong bối cảnh của một thế giới giao lưu nhiều chiều đa văn hóa. Đó chính là bản chất thật và mục tiêu thật của Nghị quyết 36.
Nếu trong thương trường khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế” đang được đề cao thì người tiêu thụ trong nước chắc chắn đang mong muốn được thưởng thức các sản phẩm văn hóa, học thuật, nghiên cứu, kiến thức của thế giới và của cộng đồng người Việt tự do ở hải ngoại. Sức mua của người dân trong nước đang lên cao nhờ gần 3 tỷ đô la do người Việt hải ngoại đưa về để tiêu dùng hoặc để giúp thân nhân, bạn bè. Người dân trong nước có quyền và có khả năng tài chánh để hưởng dụng những thành quả tinh thần, văn hóa, kiến thức tiến bộ nhất của thế giới và của người Việt hải ngoại.
Thực ra, Nghị quyết 36 chỉ như một nước cờ hòng gỡ bí, thừa cơ mở cửa, đem “chốt thí” qua sông. Hải ngoại đang có những thế mạnh mà nếu vận dụng được thì không những “hóa giải” được nước cờ chốt thí, mà còn có thể vượt qua sông, “phản công” hữu hiệu ngay bên trong trận địa của địch. Một con chốt làm sao đương cự được với xe, pháo, mã? Vượt qua sông sẽ chỉ là chốt thí.
Nhưng hải ngoại phải nhận ra được và phát huy được sức mạnh “xe, pháo mã” của mình. Trước hết, sức mạnh của người Việt hải ngoại chính là sức mạnh của một môi trường tự do, dân chủ, và tôn trọng nhân phẩm. Chúng ta rời khỏi Viêt Nam chính là vì chống lại sự chà đạp nhân phẩm và tự do. Chúng ta và thế hệ con em chúng ta đã và đang phát triển được cũng nhờ được sống trong tự do và nhân phẩm. Chúng ta hiểu được giá trị của tự do và nhân phẩm và đang muốn cả quê hương yếu dấu, cả 80 triệu đồng bào của chúng ta đều được hưởng một môi trường như thế. Chúng ta cần bảo vệ môi trường sống đó và quyết không để bất cứ ai, nhân danh bất cứ gì, làm vẩn đục môi trường đó. Kẻ gian tà, lường gạt chỉ có thể lẩn khuất được trong bóng tối của áp đảo tinh thần và chà đạp nhân phẩm. Nếu những người Việt tự do chúng ta không biết bảo trọng lấy tự do và nhân phẩm của nhau, dù khác nhau như thế nào, thì chính chúng ta đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho cộng sản lũng đoạn và cho những nghị quyết như Nghị quyết 36, dù chỉ là một con chốt thí, có cơ hội tung hoành, tác yêu tác quái, làm cho “xe, pháo, mã” của hải ngoại không phát huy tác dụng ngăn chặn và tiến công được. Do đó, bảo vệ được môi trường tự do và có nhân phẩm của hải ngoại là biện pháp phòng vệ căn bản chống lại Nghị quyết 36. Rồi từ bệ phóng vững chắc đó, hải ngoại mới có thể vận dụng được các sức mạnh của mình để tiến công.
Chúng ta có thể thực hiện nhiều việc tiến công Nghị quyết 36. Việc đầu tiên, mà khắp nơi đang làm, là vạch trần các thủ đọan lừa phỉnh và lũng đoạn cộng đồng của Nghị quyết 36. Việc thứ hai là tích cực hỗ trợ cả tinh thần lẫn tài chánh cho những việc làm thiện chí do các cá nhân và đoàn thể của người Việt tự do thực hiện trong các lãnh vực văn hóa, xã hội, văn học nghệ thuật, sách báo, Việt ngữ, để phát huy tinh thần và truyền thống đạo lý-văn hóa dân tộc ở hải ngoại và cho thế hệ trẻ hải ngoại. Việc thứ ba là đòi hỏi các chính quyền sở tại thực thi chính sách thương mại công bằng với Việt Nam , trong đó sản phẩm văn hoá, học thuật, văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại phải được tự do nhập cảng vào Việt Nam . Hải ngoại cần dùng sức mạnh công dân và lá phiếu của mình để vận động cho được chính sách thương mại công bằng đó. Đòi hỏi điều này cũng là một cách để gửi một thông điệp rõ ràng cho Hà Nội: chính người dân trong nước đang cần được hưởng những thông tin, kiến thức và văn hóa phẩm lành mạnh và tự do, chứ không phải hải ngoại.
Ngoài những việc làm tích cực có sức tiến công như thế ngay ở hải ngoại, chúng ta còn có thể vận dụng sức mạnh của 300 000 người Việt tự do đang đi đi về về trong nước mỗi năm. Mỗi người Việt tự do khi về thăm quê nhà, hãy cố gắng thể hiện được môi trường sống tự do có nhân phẩm ở hải ngoại bằng lối sống có tình người, nếp suy nghĩ tự do, tự chủ, của bản thân mình, để tác động tích cực vào lối sống và nếp suy nghĩ của thân nhân, bạn bè, bà con mình ở trong nước. Hãy đem những gì mạnh nhất, tốt nhất của đời sống tự do, tiến bộ ở hải ngoại tràn ngập vào trong nước. Sức mạnh của hải ngoại như xe, pháo, mã, đang ào ạt qua sông. Hàng trăm ngàn người Việt tràn ngập trên khắp giải đất hinh chữ S, từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên miền núi xuống miền duyên hải, như triệu triệu giọt nước của cả một giòng sông, giòng sông tự do. Nước bao giờ cũng chẩy từ trên cao xuống chỗ trũng, từ nơi sung mãn xanh tươi tự do về miền khô khan cằn cỗi. Và không gì có thể ngăn cản được sức mạnh êm đềm bền bỉ, thẩm thấu của nước.
Hải ngoại cũng có thể ví như làn gió mát của mùa xuân thổi về nơi oi nồng của mùa hè nóng bức. Hãy vận dụng những cánh cửa đang phải mở ra ngày một bung rộng hơn ở trong nước. Hãy lấy công làm thủ. Hãy “nhập nội”, nhập nội toàn diện, hòa bình, trong sáng và thẳng thắn. Người dân hải ngoại hãy đến với người dân trong nước, như anh em, họ hàng, như bạn bè, như những con người tự do, văn minh và có nhân phẩm. Cả dân tộc, cả đất nước, nhất là hơn nửa khối toàn dân còn trong độ tuổi tươi trẻ, đang trông đợi làn gió mát của mùa xuân thời đại của thế kỷ mới. Người Việt tự do hải ngoại đang sống và làm việc ngay trong chính mạch của thời đại đó, cần tìm cách phát huy và đưa về cho đồng bào, cho quê hương làn gió mùa xuân thời đại để thổi dạt đi cơn gió hè oi bức độc hại từ Hà Nội.
Hiện nay người dân trong nước và người dân hải ngoại đang có cơ hội đến với nhau, từ người dân bình thường đến các chuyên viên, trí thức, giới văn học nghệ thuật. Dù đảng và nhà nước cộng sản có muốn ngăn chặn, chi phối hay lũng đoạn như thế nào, sự giao tiếp ngày một rộng mở đó đang tạo điều kiện để người dân trong-ngoài nước hiểu nhau, thương nhau, giúp đỡ nhau cùng mạnh lên, không cần và bất chấp giới cầm quyền. Người dân hải ngoại hiểu được những vấn nạn nghiêm trọng về văn hóa, giáo dục, xã hội mà người dân trong nước, thân nhân mình, bạn bè mình đang phải chịu đựng. Người dân trong nước hiểu được tấm lòng và khả năng của người dân hải ngoại để sẵn sàng đón nhận mọi hỗ trợ và giúp đỡ. Người Việt tự do, thành phần tiền phong của dân tộc trong thiên niên kỷ thứ ba này, đang sống ngay trong chính mạch của thời đại, có nhiều điều kiện và cơ hội hơn người dân trong nước để giúp mở bung các cánh cửa của đất nước ra với thế giới và thời đại. Hãy đặc biệt khuyến khích sự giao tiếp thân tình, tự do, cởi mở giữa giới trẻ và trí thức trong-ngoài nước, để họ có thể chia xẻ những ưu tư về đất nước, những ước mơ và hoài bão Việt Nam trong thế kỷ mới. Để họ thêm mạnh lên về cả vật thể lẫn tinh thần. Để họ có thể tự đứng dậy trực diện với ban lãnh đạo cộng sản trong mọi vấn đề liên quan đến đời sống thường ngày của họ, đến tương lai của họ, của con cháu ho, và của cả dân tộc.
Nghị quyết 36 tự bản chất đã yểu tử ngay khi mới ra đời. Nó sẽ lại càng sớm bị vô hiệu hóa bởi những vận động tích cực và hữu hiệu của hải ngoại. Nó sẽ vĩnh viễn đi vào quên lãng như bao Nghị quyết khác của đảng CS. Điều đó là tất yếu vì trước hết, Nghị quyết ấy, cũng như ban lãnh đạo cộng sản, tác giả của nó, đi ngược lại xu thế chung của thời đại và dân tộc. Điều đó cũng sẽ xẩy ra nhanh hơn khi hải ngoại vận dụng được thế và lực mới của mình, khi hàng ngàn người trở về nước trở thành hàng ngàn sứ giả của tự do và nhân phẩm, hàng ngàn tác nhân cho việc ra đời một suy nghĩ mới, những thói quen mới, một nếp sống mới, một xã hội mới, một nước Việt mới, ngay trong lòng chế độ cộng sản, tạo tiền đề và đẩy nhanh tiến trình xụp đổ hoàn toàn của chế độ đó.
Hãy vừa củng cố thành trì của tự do và nhân phẩm ở hải ngoại làm bệ phóng vững chắc đẩy lùi mọi mũi tiến công của địch, vừa đưa cuộc đấu tranh cho một nước Việt mới, có tự do và nhân phẩm, vào ngay trong nước.
Đoàn Viết Hoạt
25.8.2004