Phạm Đình Lân


Nước láng giềng

 

Giữa nước láng giềng và người hàng xóm có nhiều điểm giống nhau: bề ngoài trông có vẻ thân thiện nhưng thực tế là dòm ngó và tìm cách chiếm đoạt của nhau. Cái bất hạnh của người neo đơn và nghèo khổ lại sống bên cạnh người láng giềng to lớn và giàu có thì trước sau người neo đơn nghèo khổ cũng mất hết chỗ ở. Trên bình diện quốc tế các nước nhỏ và yếu về mọi mặt sớm muộn gì cũng bị nước láng giềng to lớn nuốt chửng.

Ái Nhĩ Lan cần nước Anh về nhiều mặt. Người Ái Nhĩ Lan nói tiếng Anh như nói tiếng của chính mình. Trong quá khứ nhiều nhà chánh trị Áí Nhĩ Lan nổi bật trên chánh trường Anh qua những cuộc đấu tranh kiên trì của họ. Anh xem Ái Nhĩ Lan là một nước bị trị tự trọng và khả kính nên sớm trao trả độc lập cho nước nầy vào năm 1921. Nhưng miền bắc Ái Nhĩ Lan tách rời khỏi nước nầy vì lý do tôn giáo. Cho đến bây giờ người Ái Nhĩ Lan vẫn không xem Anh Quốc là nước láng giềng tốt trong thâm tâm họ.

Pháp và Đức là hai nước gần như ngang nhau về diện tích, dân số, trình độ phát triển. Thế mà Pháp vẫn luôn bị Đức đe dọa.

Bỉ, Hòa Lan và Lục Xâm Bảo (BENELUX) là những nước nhỏ và ít dân nhưng đã góp mặt với cộng đồng thế giới với tất cả danh dự. Hòa Lan có những cống hiến lớn trong lịch sử hàng hải và thám hiểm địa cầu. Nước nầy từng đô hộ quần đảo Indonesia ngót trên ba thế kỷ. Họ từng bị cách mạng Pháp, chiến tranh Napoléon và sự chổi dậy của Đức đe dọa nặng nề. Nhưng cuối cùng họ vẫn đứng vững và góp mặt cùng các nước Tây Âu thành lập BENELUX rồi EEC, tiền thân của Liên Hiệp Âu Châu bây giờ.

Nước Ba Lan bị các nước Phổ (một phần của nước Đức bây giờ), Áo và Nga phân chia ba lần. Năm 1939 Ba Lan bị Đức xâm lăng. Sau đệ nhị thế chiến nước nầy bị Liên Sô khống chế. Các quốc gia Đông Âu cũng đồng chung số phận sau năm 1945 cho đến năm 1989 mới thoát khỏi gông cùm của Liên Sô. Thống chế Tito của Nam Tư can đảm đứng ngoài vòng kềm tỏa của Stalin. Dân Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc đã can đảm vùng lên đòi tự do trước bạo lực và sự khống chế của Moscow vào năm 1956 và 1968. Estonia, Lithuania, Latvia là những nước nhỏ và ít dân trở thành miếng mồi ngon của Liên Sô sau khi Liên Sô và Đức Quốc Xã ký hiệp ước bất tương xâm năm 1939. Phần Lan cũng chia xẻ chung số phận. Ba quốc gia nhỏ ven biển Baltic bị sát nhập vào Liên Sô. Nhờ khéo léo ngoại giao và được sự yểm trợ quốc tế, họ được độc lập tách rời khỏi nước Nga to lớn sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu năm 1989.

Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch nằm cạnh Đức và bị nước nầy đe dọa trong đệ nhị thế chiến. Sau đó họ bị sự đe dọa của đế quốc khổng lồ láng giềng là Liên Sô. Nhờ có một nền kinh tế ổn định và nhận thức chánh trị sáng suốt, họ thoát khỏi nanh vuốt của Liên Sô trong khi các nước Đông Âu phải gánh chịu. Nhận thức đó không chỉ là nhận thức của người lãnh đạo mà còn là nhận thức chung của cả cộng đồng dân tộc nữa.

Canada và Mễ Tây Cơ có một nước láng giềng tốt mặc dù là một siêu cường kinh tế và quân sự vì siêu cường nầy yêu dân chủ và tôn trọng luật pháp. Canada không sợ Hoa Kỳ dọa nạt hay xâm lấn đất đai mà còn xem đó là tàng dù an ninh của mình. Mễ Tây Cơ cũng thế. Trái lại Hoa Kỳ còn phải băn khoăn về những vụ buôn lậu ma túy và nhập cư người Mễ Tây Cơ vào Hoa Kỳ.

Nhật Bản là quốc gia nhỏ hẹp nhưng đông dân nằm cạnh hai quốc gia to lớn và đông dân: Nga và Trung Hoa. Nhưng với tinh thần tự cường, tự lập và cầu tiến của giới lãnh đạo và nhân dân, không bao giờ Nhật tỏ ra khiếp sợ Nga hay Trung Hoa. Trái lại họ đã đánh bại hai quốc gia nầy vào năm 1894 và 1904, 1905 sau 30 năm canh tân xứ sở. Năm 1932 Nhật tách Mãn Châu ra khỏi Trung Hoa để thành lập Mãn Châu Quốc (Manchukuo). Trong đệ nhị thế chiến Nhật từng chiếm đóng một phần lãnh thổ của Trung Hoa và đe dọa cả Liên Sô khiến Stalin lo sợ phải ký hiệp ước trung lập với Tokyo năm 1941 để tránh phải đương đầu cùng một lúc hai kẻ thù: Đức Quốc Xã ở phía Tây và Nhật Bản ở phía Đông. Nhật bại trận năm 1945. Họ chấp nhận mọi hậu quả của kẻ chiến bại và âm thầm khôi phục địa vị của mình trên thế giới bằng sự phát triển kinh tế phi mã.

Vào thế kỷ XIX Nga hoàng chiếm nhiều đất đai của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đệ nhất thế chiến Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Đức và bị mất ảnh hưởng ở các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông. Mustapha Kemal, một tướng lãnh và nhà lãnh đạo sáng suốt đã mạnh dạn làm cuộc cải cách quốc gia trong một nước Hồi Giáo bảo thủ và dị ứng với văn hóa Tây Phương. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi Giáo duy nhất không liên minh với các nước Hồi Giáo khác tấn công Do Thái trong ngày lập quốc (14-05-1948) và những đợt chiến tranh chống Do Thái vào những năm 1956, 1967 và 1973.

Đau khổ nhất là Do Thái, một quốc gia mới chào đời năm 1948 với một diện tích 20.450 km2 tức bằng 1/3 diện tích của Nam Bộ, bị bao vây tứ phía bởi các quốc gia Hồi Giáo láng giềng. So về diện tích và dân số của Do Thái đối với các nước Hồi Giáo láng giềng thì nước nầy dễ bị xóa trên bản đồ nếu không đủ sức tự vệ. Sự hiện hữu của nước Do Thái trên bản đồ thế giới được xây dựng trên sức mạnh quân sự, ý chí lập quốc và bảo quốc của người Do Thái, trí tuệ của người Do Thái trên mọi lãnh vực hoạt động trên địa cầu và thành quả của những vận động ngoại giao và chuẩn bị dư luận. Các ông Rothschild, Disraeli, Karl Marx, Lenin, Trotsky, Zinoviev, Kamenev, Einstein, Oppenheimer, Léon Blum, Mendès France... và lối 30% những người lãnh giải thưởng Nobel trên thế giới thuộc nhiều quốc gia khác nhau mang dòng máu Do Thái trong người. Do Thái không thấy mình nhỏ bé trước Hoa Kỳ, Liên Sô, Trung Hoa Cộng Sản hay gần một tỷ người Hồi Giáo khắp thế giới không có thiện cảm với họ. Người ta chỉ biết Hitler giết sáu triệu người Do Thái nhưng quên rằng Stalin giết người Do Thái không ít. Các đối thủ nặng cân của Stalin đều là những người Cộng Sản Nga cao cấp mang dòng máu Do Thái như Trotsky, Kamenev, Zinoviev... Tất cả đều bị Stalin sát hại trong cuộc đại thanh trừng vào giữa thập niên 1930.

Không biết vì sao người ta có thành kiến xấu đối với người Do Thái?

Vì họ giết Chúa?

Họ đã bị các dân tộc và bộ lạc du mục láng giềng áp bức và lưu đày từ thời Cựu Ước. Những dấu vết của người Do Thái được tìm thấy ở Ai Cập, vùng Lưỡng Hà Châu và các quốc gia Trung Á từ thời cổ sử trước khi Chúa Jesus giáng sinh.

Vì sự kiên định đức tin độc thần của họ?

Vì tinh thần Do Thái bất diệt? Tinh thần bất bại của David? Thông thái của Daniel? Và kinh bang tế thế của Moise và Joseph? Tinh thần ngày mai ở Jerusalem?

Vì sự thành công của họ trải qua nhiều thế kỷ dài sống lưu lạc trên đất khách?

Vụ án Dreyfus bất công và oan ức như vậy mà chỉ có mỗi một mình Emile Zola lên tiếng binh vực bằng bài J'accuse mà thôi. Thậm chí có người còn phủ nhận việc sát hại sáu triệu người Do Thái do Hitler gây ra trong đệ nhị thế chiến. Người Do Thái có những cống hiến lớn ở Hoa Kỳ ngay từ thời lập quốc. Từ buổi ban đầu ấy đã có đề nghị dùng tiếng Hebrew làm quốc ngữ cho quốc gia tân lập này. Hoa Kỳ là quốc gia ủng hộ Do Thái mạnh mẽ nhất. Hoa Kỳ đã có tổng thống gốc Kenya lai Mỹ nhưng chưa có một vị tổng thống nào gốc Do Thái cả. Khi Do Thái bị nhiều quốc gia hợp lực lại tấn công để tiêu diệt họ, họ phải chiến đấu đơn độc và không nhận được một lời thương hại, xót thương hay một lý lẽ công bằng nào từ bên ngoài. Khi họ thành công trong việc tự vệ bằng cách lấy răng chống răng và lấy mắt chống mắt, có những biện pháp để đề phòng khủng bố và tấn công thì họ lại bị thế giới lên án! Muốn biết tại sao họ thành công, chúng ta lược nhìn những điểm sau đây:

– Trong số những người về nước lập quốc có rất nhiều người thành công lớn ở nước ngoài trên nhiều lãnh vực hoạt động khác nhau. Có người lái tắc xi là cựu giáo sư đại học ở Âu Châu. Có người nông dân từng là nhà kinh doanh nổi tiếng ở Âu Châu hay Mỹ Châu. Họ về nước để phục vụ chớ không phải để được ăn trên ngồi trước hay hưởng thụ tài sản đã làm ra được trên xứ người. Việc dùng người dựa vào tinh thần, khả năng và thành quả của sự cống hiến chớ không hoàn toàn dựa vào mảnh bằng dù là bằng đại học khét tiếng nhất thế giới cấp phát hay gia thế của người được xử dụng.

– Các nhà lãnh đạo Do Thái có sự giản dị hồn nhiên, chân thật chớ không phải sự giản dị mị dân. Họ không dùng sự thành công của họ trong công cuộc vệ quốc để làm giàu, bám lấy quyền hành và xem đất nước là của riêng. Ông Ben Gurion là người có công lớn trong việc lập quốc và vệ quốc. Ông được người Do Thái vinh danh nhưng đất nước Do Thái của toàn dân Do Thái chớ không phải của ông Ben Gurion. Sau khi đem hết công sức và trí tuệ của mình cống hiến cho quốc gia, ông Ben Gurion vào sa mạc trồng trọt và chăn nuôi trừu. Do Thái từng mời nhà bác học Einstein làm tổng thống năm 1952. Ông Einstein lịch sự khước từ lời mời nầy. Năm 2007 Elie Wiesel, một người Romania gốc Do Thái có quốc tịch Hoa Kỳ và được giải Nobel năm 1986 cũng được mời làm tổng thống nhưng ông cũng khước từ. Đó là tư cách đáng quí của nhà bác học và trí thức thực sự yêu công việc hơn là yêu danh vọng, chức quyền. Cả hai đều mang dòng máu Do Thái nhưng không có quốc tịch Do Thái. Năm 2007 tổng thống Moshe Katsav bị áp lực phải từ chức để cơ quan tư pháp điều tra ông về tội sách nhiễu tình dục. Ngày 22-03-2011 ông bị tòa xử bảy năm tù về tội danh nầy. Bàn án nầy cho thấy nền pháp trị Do Thái dân chủ, minh bạch và thẳng thắn. Simon Peres được bầu làm tổng thống thay Moshe Katsav vào năm 2007. Đương kim tổng thống Do Thái là người duy nhất của thời lập quốc và chiến tranh độc lập còn lại trong chánh quyền. Ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình vào năm 1994.

– Người ta ghi nhận rằng tỷ lệ sĩ quan Do Thái tử trận rất cao. Điều đó cho thấy quân sĩ của họ không có lý do để hèn nhát. Nếu sợ chết thì các thanh niên Do Thái ở Âu châu hay Mỹ Châu không về nước để thi hành nghĩa vụ quân sự để bảo vệ quê hương trong khi họ sống ấm no và an lành trên đất khách.

Người viết không muốn đề cập đến sức mạnh vật chất của Do Thái. Họ có nhiều nhà bác học từng giúp cho Anh, Hoa Kỳ khai triển các loại võ khí tối tân không lẽ lại không có người giúp cho quốc gia tân lập của họ khai triển những loại võ khí riêng để vệ quốc? Đó là chưa nói đến sức mạnh tài chánh của người Do Thái khắp năm châu. Sức mạnh quyết định sự thành công vẫn là sức mạnh tinh thần chớ không phải chỉ thuần là sức mạnh võ khí. Ngày nào sức mạnh tinh thần không còn nữa thì ngày ấy sự thành công sẽ vắng bóng. Vị thế của Do Thái đối với các quốc gia Hồi Giáo láng giềng rất rõ ràng:

Thắng thì được tồn tại
Thua thì bị xóa trên bản đồ.

Trước năm 1947 tiểu lục địa Ấn Độ bao gồm Ấn Độ, xứ Pakistan và Bangladesh bây giờ. Từ khi phân chia lục địa nầy ra làm hai quốc gia, Ấn Độ và Pakistan (1), hai nước nầy trở thành hai nước láng giềng không ngừng tranh chấp võ lực vì vấn đề Kashmir tuy rằng thế giới luôn luôn đề cao sự hiền hòa và bất bạo động (ahimsa) của người Ấn Độ. Dưới nhãn quan của Sri Lanka, Miến Điện, Bangladesh, Pakistan..., Ấn Độ cũng không phải là lân quốc mơ ước của họ.

Trung Hoa là quốc gia gây khủng khiếp cho các nước nhỏ láng giềng. Nước nầy có diện tích tương đương với diện tích Hoa Kỳ với dân số gấp 3,5 lần dân số Hoa Kỳ. Mộng bành trướng lãnh thổ và phô trương thanh thế Hán tộc được thể hiện từ lâu trong lịch sử mỗi khi nước nầy được ổn định chánh trị và kinh tế. Tân Cương (Sinkiang), Nội Mông (Inner Mongolia), Tây Tạng (Tibet) bị sát nhập vào lục địa Trung Hoa. Ngoại Mông (Outer Mongolia) là vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa Cộng Sản Nga và Trung Hoa Quốc Dân Đảng vào đầu thập niên 1920. Từ khi Cộng Sản Trung Hoa nắm quyền trên lục địa, Trung Hoa luôn luôn có chiến tranh biên giới với những quốc gia có biên giới chung với họ như:

- Liên Sô ở phía Bắc.
- Ấn Độ ở phía Nam.
- Việt Nam ở phía Nam.

Cộng Sản Trung Hoa xâm chiếm và đồng hóa Tân Cương và Tây Tạng. Họ vội vã giành lại ảnh hưởng đã mất trên bán đảo Triều Tiên và Việt Nam. Họ mất ảnh hưởng ở Triều Tiên sau khi ký hiệp ước Shimonoseki với Nhật năm 1895 và mất ảnh hưởng ở Việt Nam sau khi ký hiệp ước Tianjin (Thiên Tân) với Pháp năm 1884 rồi 1885. Bán đảo Triều Tiên bị chia đôi, lấy vĩ tuyến 38 làm đường ranh phân định Bắc Hàn và Nam Hàn. Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chia đôi khi hội nghị Postdam (1945) cho quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 và quân Anh giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 16. Trong đệ nhị thế chiến Kim Il Sung (Kim Nhật Thành - 1912-1992) kháng Nhật nhờ sự giúp đỡ của Liên Sô. Khi Mao Zedong chiếm được lục địa Trung Hoa, Bắc Hàn rơi vào quĩ đạo của Trung Hoa Cộng Sản. Stalin không quan tâm nhiều đến Cộng Sản Bắc Hàn và Cộng Sản Việt Nam mà chỉ để ý đến các nước kỹ nghệ Đông Âu.

Năm 1950 là năm rộn rịp trong việc tái lập ảnh hưởng chánh trị quốc tế của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ). Mao xua quân chiếm Tây Tạng, Tân Cương, đánh nhau với quân Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ chỉ huy trên chiến trường Triều Tiên, gởi cố vấn chánh trị và viện trợ quân sự cho chánh phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Hồ Chí Minh là cán bộ Cộng Sản Quốc Tế do Moscow đào luyện và trả lương. Mao Zedong trở thành Cộng Sản khi làm việc trong Thư Viện Đại Học Beijing. Mao sớm trở thành người lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa vào năm 1927. Ông không tin tưởng vào sự thành công của giai cấp công nhân đấu tranh ở thành phố trong một quốc gia có 90% dân số là nông dân như Trung Hoa. Ở điểm nầy Mao hoàn toàn làm trái ngược lại giáo điều của Stalin. Những đảng viên Cộng Sản Trung Hoa do Liên Sô đào luyện và gởi về chiến khu Yenan (Diên An) đều bị Mao xem thường không cho giữ chức vụ gì quan trọng cả. Chẳng những vậy những người này còn bị theo dõi chặt chẽ. Năm 1938 Hồ Quang (Hồ Chí Minh sau nầy) đến Yenan từ Moscow theo lịnh của Stalin. Dĩ nhiên Mao xem thường ông vì ông là người Việt Nam và do Liên Sô đào luyện. Nhiệm vụ của ông là nhờ Cộng Sản Trung Hoa giúp đỡ tạo chiến khu chống Nhật để dụ quân Nhật về phía nam thay vì tiến về phía tây tấn công Liên Sô.

Năm 1950 Mao đưa người và võ khí ồ ạt vào chiến khu Việt Minh để đánh Pháp với chủ đích giành lại ảnh hưởng của Trung Hoa ở Việt Nam sau khi Pháp bị đánh bại. Bề ngoài CHNDTQ được tiếng thơm đã giúp đỡ cho Hồ Chí Minh giải phóng đất nước. Mao khéo léo dùng chủ nghĩa đại đồng để đưa Việt Nam vào quĩ đạo của Trung Hoa Cộng Sản như biển hút nước sông, suối vậy. Họ thao túng đảng Lao Động Việt Nam, một đảng Cộng Sản Việt Nam hồi sinh vào năm 1951 trong chiến khu. Việc họ áp lực Hồ Chí Minh chia đôi đất nước Việt Nam năm 1954 sau khi chiến thắng Pháp ở Điện Biên Phủ như ngầm cho mọi người biết vai trò của họ trong chiến tranh Việt-Pháp. Hội nghị Geneva không đưa đến việc ký kết một hiệp ước nào giữa đại diện các nước tham dự hội nghị như Molotov (Liên sô), Eden (Anh), Zou En-lai(Châu Ân Lai), Mendès France (Pháp), Phạm Văn Đồng (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa), Trần Văn Đỗ (Quốc Gia Việt Nam) mà chỉ có hiệp định đình chiến do Tạ Quang Bửu và đại tá Delteil ký để các phe giao chiến ngưng bắn và tập trung quân mà thôi.

Mao Zedong dạy Cộng Sản Việt Nam lao vào chủ nghĩa anh hùng bằng cách đánh Mỹ dưới dạng chiến tranh nhân dân. Ông chỉ muốn Cộng Sản Việt Nam kéo dài chiến tranh nhằm gây rỉ máu Hoa Kỳ và tiêu hao nhân lực cùng vật lực Việt Nam cho cả hai miền Nam-Bắc. Được sự yên ổn, CHNDTQ gây chiến tranh biên giới với Ấn Độ (1962), sản xuất bom nguyên tử (1964), thử sức với Liên sô trên đảo Damansky mà họ gọi là Chen Pao (Chân Bảo) (1969), phóng vệ tinh nhân tạo Dong Fang Hong (Đông Phương Hồng - 1970). Cộng Sản Việt Nam hướng về Liên Sô để nhận võ khí nặng và mở những cuộc tấn công qui mô nhắm vào Quảng Trị, Kontum, Bình Long vào năm 1972. Năm 1975 Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Mao Zedong không vui vẻ đón nhận tin nầy cũng giống như Stalin không vui khi hay tin ông giải phóng lục địa năm 1949 vậy. Sau chiến thắng 1975 Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Hoa bắt đầu hục hặc nhau và dẫn đến chiến tranh năm 1979. Từ năm 1991 đến nay sự lệ thuộc và nhục nhã của Cộng Sản Việt Nam trước Cộng Sản Trung Hoa cũng đậm nét. Các nhà lãnh đạo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) như tổng bí thơ đảng, chủ tịch nhà nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng phải sang Trung Hoa lãnh chỉ thị, báo cáo tình hình và thi hành 16 chữ vàng mà Beijing đưa ra. Trên thế giới không có quốc gia nào bang giao với nước khác lại phải thi hành theo những khẩu hiệu được đóng khung sẵn như bang giao giữa CHXHCNVN với CHNDTQ.

Ông Hồ Chí Minh đã đem chủ nghĩa cộng Sản về Việt Nam để gây cảnh đổ máu cho người Việt Nam, chia rẽ và hận thù dân tộc, bóp chết tinh thần yêu nước của dân tộc đến nỗi sau gần 60 năm Cộng Sản cầm quyền, học sinh Việt Nam chỉ biết ông Lenin, Stalin, Mao Zedong mà không biết gì về lịch sử và các anh hùng dân tộc Việt Nam ngoài ông Hồ Chí Minh. Tượng cao lớn nhất ở thủ đô là tượng của Lenin. Hồ Chí Minh há không khóc òa lên khi hay tin Lenin mất năm 1924? Dựa vào bài ca dao:

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

ông đặt tên núi và dòng suối ở Pắc Bó là núi Karl Marx và suối Lenin cũng như dành thời giờ để dịch lịch sử đảng Cộng Sản Nga. Trong chiến khu thời kháng chiến chống Pháp lúc nào trong văn phòng của ông cũng có ảnh của Lenin và Stalin. Như vậy ông Hồ yêu nước nào?

Ông Nông Đức Mạnh, "cây đuốc soi đường ưu việt của dân tộc Việt Nam", đã nhận mình là người Choang, một sắc dân thiểu số ở Guangxi (Quảng Tây). Ở Việt Nam đó là người Tầy. Dưới thời lãnh đạo của ông, Lý Công Uẩn bị Hán hóa. Dân Việt Nam lấy ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Cộng Sản làm ngày kỷ niệm ngàn năm Thăng Long! Ở Hà Nội đảng và nhà nước mở tiệc ăn mừng ngày cấm cột mốc biên giới ăn sâu vào nội địa Việt Nam hàng trăm thước! Mất đất mà ăn mừng là yêu nước?

Với học lực chưa hết trung học đệ nhất cấp, ông Hồ Chí Minh chỉ học hai khóa huấn luyện của Cộng Sản ở Moscow mà đã gây bấy nhiêu tai họa cho xứ sở. Ông Nông Đức Mạnh là kỹ sư nên tai họa càng lớn hơn: mất đất, mất lãnh hải; cho người Trung Hoa ồ ạt vào sinh sống và khai thác quặng mỏ (bauxite trên cao nguyên Nam Trung Bộ), mướn đất trồng rừng trong 50 năm, thành lập phố Tàu v.v... Ông Nguyễn Phú Trọng có bằng tiến sĩ về chủ nghĩa Cộng Sản thì tai họa sẽ như thế nào đối với đất nước và dân tộc? Chuyện nầy nên hỏi ông Nguyễn Phú Trọng hay Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào)? Hỏi người Việt Nam? Hỏi Trời như Hướng Vấn Thiên?

***

Quốc gia nào cũng có nước láng giềng cũng như nhà nào cũng có hàng xóm. Láng giềng tốt thì ít. Láng giềng xấu thì nhiều. Chính chúng ta cũng là một láng giềng xấu dưới cái nhìn của người khác. Điều quan trọng là phải hiện hữu và phải làm gì để người láng giềng không khinh khi và bắt nạt. Không phải vì ít dân hay diện tích nhỏ mà tự xem mình nhỏ bé, khiếp nhược trước quốc gia to lớn và đông dân. Do Thái, Bỉ, Lục Xâm Bảo, Hòa Lan, Thụy Sĩ... đều là những xứ nhỏ, ít dân, vẫn sống danh dự và được nể trọng trên thế giới. Anh Quốc không phải là một quốc gia to lớn nhưng đã từng có một đế quốc rộng lớn nơi mặt trời không bao giờ lặn. Việt Nam có gần 90 triệu dân, đất nước rộng gấp 15 lần nước Do Thái, sao lại tỏ ra khiếp sợ trước Trung Hoa Cộng Sản? Sự khiếp sợ nầy cho thấy sự nghiệp của Hồ Chí Minh không vĩ đại như nhiều người lầm tưởng. Hồ Chí Minh phải nhờ Trung Hoa Cộng Sản giúp mới đánh thắng Pháp, một quốc gia cách xa Việt Nam gần 12.000 km, bị Đức chiếm đóng và hoàn toàn uể oải sau đệ nhị thế chiến. Hậu quả là ông Hồ phải nghe theo Mao qua phân đất nước để CHNDTQ tránh đụng chạm với Hoa Kỳ và Liên Sô được xả hơi sau cái chết của nhà độc tài Stalin. Lê Lợi và Quang Trung Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Minh và quân Thanh ra khỏi bờ cõi bằng phương tiện riêng của mình chớ không phải nhờ sự trợ giúp của nước nào cả. Đó là kẻ thù sát nách bên ta. Tốc độ đuổi giặc của Lê Lợi là chín năm vì quân Minh đã có guồng máy cai trị ở nước ta sau khi đánh bại Hồ Quí Ly năm 1407. Tốc độ đuổi giặc của Quang Trung Nguyễn Huệ là sáu ngày (Tết 1789).

Hồ Chí Minh là một Cominternchik, một chiến sĩ xả thân cho sự nghiệp của Đệ Tam Quốc Tế (Comintern). Mọi việc làm của ông đều nhắm vào việc gây uy thế cho Quốc Tế Cộng Sản và giữ gìn hòa bình cho Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản. Hai cuộc chiến tranh mà ông Hồ hô hào và phát động suốt 30 năm liền được xây dựng trên xương máu, mồ hôi, nước mắt, sự ly tán của toàn dân Việt Nam cũng như sự tàn phá nhân lực và vật lực của nước Việt Nam chỉ nhằm biến Việt Nam thành một nước Cộng Sản trung kiên gương mẫu đặt dưới sự chỉ đạo của Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản. Đó là cảnh đập phá một gông xiềng để mang hai gông. Thế mà bây giờ dân tộc Việt Nam phải nai lưng trả nợ chiến tranh cho hai nước to lớn ấy. Khi Liên Sô xụp đổ, CHXHCNVN có ý định quỵt nợ nhưng bị đại sứ Nga đe dọa nên không dám. Còn đối với Trung Hoa Cộng Sản thì nợ được trả bằng sự ký kết những hiệp ước 1999, 2000 hiến dâng lãnh thổ, biển cả và hải đảo cho Trung Hoa Cộng Sản theo lịnh của tổng bí thơ Lê Khả Phiêu. Đó là tính ưu việt và vĩ đại của sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam để đất nước có một kỳ quan là một nấm mộ đồ sộ giữa thủ đô?

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

_________________

Chú thích:

(1) Lúc ấy Pakistan gồm Tây Hồi (tức xứ Pakistan bây giờ) và Đông Hồi (kề từ năm 1971 là xứ Bangladesh).

 


Cái Đình - 2011