Keith Bradsher


Những nhà đầu tư tìm giải pháp châu Á thay cho Trung Quốc mắc mỏ

 

Canon không xây dựng thêm nhà máy ở Trung Quốc và không mở rộng thêm những nhà máy hiện có ở quốc gia này. Thay vào đó công ty đã tăng gấp đôi nhân lực, lên 8000, tại xưởng chế tạo máy in printer ở ngoại thành Hà Nội.

Ở gần đó, Nissan đang mở rộng trung tâm thiết kế mẫu xe hơi. Thương hiệu nội y Hanesbrands của Hoa Kỳ có cơ sở ở Winston-Salem, N.C., đang xây dựng hai xưởng mới ở đây, cũng như Tổ hợp Vải sợi Texhong của Thượng Hải.

Trung Quốc vẫn là nơi quen thuộc nhất cho những nhà đầu tư kỹ nghệ nước ngoài, thu hút 83 tỉ đô la trong năm vừa qua. Nhưng con số những xí nghiệp đa quốc gia chuyển bước sang một chính sách mới mà các nhà phân tích gọi là ‘Trung Quốc cộng 1' đang gia tăng. Càng lúc càng có nhiều xí nghiệp quốc tế xây cất cơ sở hay mở rộng địa bàn hoạt động ở Á châu của họ ra bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở Việt Nam.

Một danh sách dài liệt kê những điều người ta lo ngại về Trung Quốc đã nói lên được xu hướng hiện nay: lạm phát, thiếu hụt nhân công và năng lượng, đồng tiền tăng giá trị, thay đổi đường lối của nhà nước, ngay cả một khả năng về sự lan truyền bất ổn trong dân chúng một ngày nào đó. Nhưng quan trọng hơn, với tiền lương qui ra đô la tăng mỗi năm xấp xỉ 25% ở nhiều hãng xưởng, Trung Quốc không còn là một quốc gia được người ta trông đợi nữa.

Ngay cả khi xí nghiệp chọn những nơi khác để sản xuất hàng của họ, họ cũng bị phiền nhiễu bởi một nền kinh tế quá nhiệt: như Việt Nam chẳng hạn, mức lạm phát trong tháng vừa qua (06/2008 – chú thích của người dịch) là 25,2%.

Có nhiều chuyện cần phải bàn đến hơn là lợi nhuận của xí nghiệp. Nếu chi phí sản xuất ở Á châu tăng, thì người tiêu thụ ở Hoa Kỳ sẽ không tránh khỏi bị đau bụng. Hôm thứ năm, Phòng Lao Động cho biết là giá hàng nhập đã tăng 4,6% so với tháng 5 năm ngoái cho hàng từ Trung Quốc, và 6,4% cho hàng từ Đông Nam Á.

Các công ty đang sử dụng đến sách lược ‘Trung Quốc cộng 1' để giảm thiểu sự lệ thuộc hoàn toàn vào những nhà máy trong một quốc gia.

Những tổ hợp đa quốc gia “đang nghĩ đến chuyện toàn cầu và tạo cán cân thăng bằng” giữa Trung Quốc và những quốc gia khác, ông Edward Kang, Giám đốc điều hành Ever-Glory International, một xưởng chế tạo y phục thể thao ở Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết. Ever-Glory, hiện bán hàng cho Wal-Mart và Kohl's, đang xây một nhà máy ở Việt Nam.

Những xí nghiệp còn ở lại Trung Quốc thì vẫn đang vô vọng tìm kiếm cách chế ngự giá.

Laurence Shu, Giám đốc Tài chánh của cơ sở Texhong có căn cứ đặt ở Thượng Hải, là một trong những nhà sản xuất hàng vải và spandex (một mặt hàng vải nhân tạo – chú thích của người dịch) cho biết: “Chúng tôi sẽ duy trì mức sản xuất của chúng tôi ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ tự động hóa hơn, và giảm thiểu số nhân viên.”

Để giảm chi phí nhân công, Hanesbrands đang xây dựng một nhà máy lớn hoàn toàn tự động ở Nam Kinh. Nhưng công ty cũng đang xây một nhà máy ở Việt Nam, để thêm vào cho một nhà máy ở đây, và hai nhà máy khác ở Thái Lan.

Khi so sánh với Trung Quốc, ông Gerald Evans, Tổng Giám đốc Sản xuất Toàn cầu của Hanesbrands, nói: “chúng tôi đã tìm ra nhiều điều khả thi hơn trên cả hai phương diện đất nước lẫn nhân công tại Việt Nam và Thái Lan.” Hanesbrands muốn điều một số công việc sản xuất từ Mễ Tây Cơ và Trung Á sang Á châu.

Ở Trung Quốc, nơi những làng quê không điều động nổi nhân công có đủ thể lực để phục vụ cho nhà máy, tiền lương đã tăng hơn 10% mỗi năm cho những nhân công đứng dây chuyền lắp ráp. Với những thợ có tay nghề, như thợ máy, lương còn tăng nhanh hơn.

Ở những tỉnh ven biển có sẵn hải cảng, ngay cả những thợ không chuyên môn hiện nay cũng đã lãnh lương 120 đô la mỗi tháng cho 40 giờ mỗi tuần, và thường còn hơn thế nữa. Tiền lương ở những tỉnh nội địa, nơi phí chuyên chở cao hơn, tuy ít hơn chút đỉnh nhưng cũng đang tăng nhanh. Trong khi tiền lương giờ ở Trung Quốc vẫn còn dưới 1 đô la, thì thợ ở Việt Nam chỉ lĩnh lương tháng khoảng 50 đô la cho công việc 48 giờ một tuần, thứ bảy cũng phải đi làm.

Texhong ước lượng chi phí nhân công cho công nhân ngành dệt may ở Trung Quốc tăng trung bình 16% trong năm nay, gộp luôn với sự gia tăng tiền thưởng – cao nhất trong năm vừa qua, với mức tăng 12%. Những sắc lệnh mới làm những xí nghiệp khó khăn hơn trong việc tránh né chi trả những món tiền phụ trội, như tiền hưu bổng, đã làm giá nhân công tăng thêm nữa.

Khi những sự gia tăng này cộng chung với sự gia tăng tỉ giá đồng bạc đối với tiền đô la tới mức 10% hàng năm, giá nhân công ở Trung Quốc hiện nay đang tăng 25% hay hơn thế nữa mỗi năm.

Lạm phát tại Trung Quốc – hơn 8% vào tháng hai, tháng ba và tháng tư, và 7,7% trong tháng năm – đã làm tăng vọt mức dự kiến cho giá nhân công. Điều đó đã nâng giá hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trên diện rộng.

Trung Quốc cũng đang từng bước hủy bỏ chế độ thuế khóa ưu đãi những xí nghiệp có chủ là người nước ngoài. Trái lại, Việt Nam cho những nhà đầu tư nước ngoài hưởng mức thuế xí nghiệp từ 0% trong 4 năm đầu và một nửa của mức thông thường là 10% cho 4 năm kế tiếp.

Những đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc đã gia tăng một phần ba trong ba năm vừa qua. Trong cùng thời gian đó, lượng đầu tư trực tiếp vào Phi Luật Tân tăng gấp đôi, vào Ấn Độ tăng gấp 5 và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng gấp hơn 8 lần.

Tốc độ gia tăng mạnh ở những quốc gia Á châu khác (ngoài Trung Quốc) một phần là do khởi điểm thấp. Nhưng đầu tư vẫn tiếp tục gia tăng mạnh, và như thế hiện nó đang tăng từ một bậc cao hơn. Thí dụ, đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã đạt tới con số gần 18 tỉ đô la năm vừa qua.

Một cách nói phổ biến trong giới đầu tư Tây phương là Việt Nam là một Trung Quốc kế tiếp. Cambodia, với mức lương hạ hơn, thu hút những nhà sản xuất quần áo, được gọi là một Việt Nam kế tiếp.

Nhưng Việt Nam chỉ có dân số bằng 1/16 dân số Trung Quốc, và Cambodia có dân số bằng 1/5 dân số Việt Nam. Khi mà những nhà đầu tư nước ngoài đến một quốc gia mới, họ làm giá nhân công và giá hàng hóa tăng, một động cơ khiến cho một sự chuyển đổi về cung cách đầu tư không hẳn là sẽ luôn giữ được sự bùng nổ số hàng nhập vào Hoa Kỳ.

Trong một cuộc khảo cứu mới đây của Grant Thorton, một hãng tư vấn về kế toán toàn cầu, đã kết luận là điều mà những xí nghiệp lo ngại, là việc tuyển nhân sự cho những chức vụ then chốt trong đội ngũ nhân viên và duy trì đội ngũ này, ở Việt Nam cao nhất so với bất kỳ nơi nào trên thế giới. (Trung Quốc đứng hàng thứ nhì về phương diện này).

“Chúng tôi huấn luyện họ, giáo dục họ, để rồi họ đi mất,” Aikira Akash, chủ tịch hội đồng quản trị của Nissan Techno, bộ phận vẽ kiểu xe hơi của Nissan cho biết như trên.

Công ty có kế hoạch bành trướng đến con số 1400 kỹ sư ở Việt Nam vào năm 2010. Kỹ sư mới ra trường ở đây vẫn chỉ lãnh khoảng 200 đô la mỗi tháng, thấp hơn một nửa lương ở Trung Quốc và ít hơn một phần mười lương ở Hoa Kỳ hay Nhật Bản.

Ngay cả những dân thợ cũng bắt đầu khó tìm. Ngoài khả năng cung cấp nhân lực, hạ tầng cơ sở cũng rất có thể là một cái phanh hãm đà phát triển của ‘Trung quốc cộng 1'. Phần lớn các quốc gia ở Á châu, kể cả Việt Nam, không có những tuyến đường vận chuyển nhanh chóng như ở Trung Quốc. Ách tắc giao thông dài dằng dặc làm chậm sự vận chuyển và tăng giá thành.

Điểm ăn tiền lớn nhất của Việt Nam trong mắt nhiều quốc gia là sự ổn định chính trị tại đây. Giống như Trung Quốc, Việt Nam với một hệ thống cộng sản độc đảng, nghiền nát mọi bất đồng chính kiến, kiểm soát chặt chẽ quân đội, sự thay đổi đường lối và cấp lãnh đạo xảy ra chậm chạp.

“Cộng sản có nghĩa là có nhiều bình ổn hơn,” đó là lời của ông Shu, Giám đốc Tài chính của Texhong, một trong những cơ sở may mặc lớn nhất ở Thượng Hải, khi ông đưa ra cái nhìn chung cho những nhân vật chủ chốt Á châu để họ lấy quyết định đầu tư. Có ít nhất là vài vị từ Hoa Kỳ đã đồng ý với nhận định này, cho dù họ không bao giờ nói như vậy trong những báo cáo.

Những quốc gia dân chủ như Thái Lan, và Phi Luật Tân đã được chứng minh là bấp bênh hơn qua những cuộc đảo chính quân sự và những bất ổn khác. Cuộc binh biến ở Thái Lan vào tháng 9/2006 đã được nối tiếp bằng cố gắng, nhưng không bao giờ hoàn tất, áp đặt một đạo luật mang tính cấm đoán những công ty nước ngoài.

“Điều đó đã là một chỉ dấu không hay, rằng chúng tôi có lẽ sẽ không hoan nghênh những nhà đầu tư nước ngoài – điều đó đã phá vỡ lòng tin cậy của những nhà đầu tư trong nước và quốc tế,” Bộ trưởng Tài chính Surapong Suebwonglee nói trong một cuộc phỏng vấn ở Bangkok.

Đương nhiên, cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam không cho người ta một sự bình ổn hoàn toàn. Công nhân trở nên lớn giọng hơn và đình công thường hơn, mặc dù công đoàn độc lập bị cấm.

Mùa xuân năm nay đã có gần 20 ngàn công nhân Việt Nam đình công ở một hãng sản xuất giày Nike, được điều hành do một nhà sản xuất hợp đồng người Đài Loan. Công nhân chỉ làm việc trở lại khi lương tháng của họ đã tăng 10% lên thành 55 đô la, và phụ cấp ăn được tăng.

Hình thái chống đối này cũng được nhận thấy ở Ấn Độ, nơi mà dân số trong hai thập niên nữa sẽ vượt qua Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều xí nghiệp đặt nghi ngờ về đường xá xấu và những cảng tắc nghẽn ở Ấn Độ, cũng như về thời gian dài khi các cơ phận phải vận chuyển bằng đường biển từ những nhà máy hiện có ở Trung Quốc.

Vả cũng như ở Ấn Độ, nhu cầu thợ thuyền có kinh nghiệm nhà máy và nói được tiếng Anh vượt quá khả năng cung cấp – và lương của họ đã tăng từ 10 tới 20% mỗi năm.

Điều đó gây nên mối lo ngại cho khả năng cạnh tranh đường dài của Ấn Độ, ngay cả đối với những đầu tư lớn lao ở đây, như Ford Motor, với dự tính chi ra 500 triệu đô la để phát triển nhà máy.

“Tôi vẫn nói với nhân viên của chúng tôi rằng: ‘Chuyện này còn kéo dài được bao lâu nữa cho tới khi chúng ta bị đào thải khỏi thị trường?'”, John Parker, Phó tổng giám đốc điều hành Á Châu, Thái Bình Dương và Phi châu cho biết. “Rúng động sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, khi bạn không còn làm ăn với giá rẻ được nữa.”

 

Lê Ngọc Vân
Nguyên bản: ‘Investors seek Asian option to costly China', Keith Bradsher
New York Times, 18/06/2008

 

 


Cái Đình - 2008 .