Phạm Đình Lân


Những dấu hiệu xấu

 

Năm 2011 đã qua  tám tháng. Trong tám tháng qua thế giới trải qua nhiều biến cố khủng khiếp.

Các nước Bắc Phi và Trung Đông Hồi Giáo có những cuộc nổi dậy khởi đầu từ Cách Mạng Hoa Lài ở Tunisia. Cách mạng có kết quả cụ thể ở hai nước Tunisia và Ai Cập. Hai nhà độc tài Ben Ali và Mubarak bị lật đổ. Tunisia tương đối êm dịu sau sự ra đi của Ben Ali. Ở Ai Cập những người biểu tình vẫn chưa thỏa mãn với chánh phủ thời hậu Mubarak. Họ muốn đưa Mubarak và những viên chức cao cấp trong chánh quyền cũ đã mạnh tay đàn áp những người biểu tình ra tòa. Ai Cập sẽ tổ chức bầu cử nhưng không muốn Liên Hiệp Quốc gởi đại diện đến giám sát sự trong sạch của cuộc bầu cử.

Ở Libya cuộc đối kháng chánh quyền do đại tá Qadafi đại diện đã trở thành cuộc nội chiến. Phe nổi dậy đã làm chủ tình hình hầu hết ở Lybia và thủ đô Tripoli với sự trợ giúp của phi cơ của NATO, chủ yếu là Anh và Pháp, oanh tạc vào các cơ sở quân sự của Qadafi để bảo vệ dân. Hiện nay Hội Đồng Quốc Gia của phe nổi dậy được một số các quốc gia trên thế giới công nhận, kể cả Hoa Kỳ, nhưng  Qadafi vẫn chưa bị phe nổi dậy bắt giữ và vẫn còn cương quyết không rời khỏi Libya. Lần này NATO hoàn toàn không nhất trí về vấn đề Libya, không trực tiếp và trắng trợn giúp cho phe nổi dậy cũng như không có sự tham dự tích cực của Hoa Kỳ nên kết quả việc lật đổ nhà độc tài Qadafi còn nhập nhằng, khác với vấn đề Kosovo năm 1999.

Các cuộc chống đối chống chánh quyền vẫn âm ỉ và kéo dài ở Yemen và Bahrain. Ở Yemen phe chống chánh quyền đã pháo kích vào dinh tổng thống làm cho vị nầy bị thương phải sang Saudi Arabia chữa trị. Yemen là quốc gia chống khủng bố Al Quaeda.

Ở Bahrain quân Saudi Arabia được phái đến đảo nầy để giúp cho nhà vua theo đạo Hồi phái Sunni trong khi đa số dân chúng trên đảo theo đạo Hồi phái Shiite. Người ta lo ngại Iran (Hồi Giáo phái Shiite) ngấm ngầm hậu thuẫn cho dân Bahrain phái Shiite chống lại chế độ quân chủ do vua Hamad Ibn Isa Al-Khalifa đại diện. Bahrain là đồng minh trung kiên của Hoa Kỳ trong Vịnh Ba Tư.

Cuộc nổi dậy ở Syria kéo dài năm tháng nay với những cuộc đàn áp mạnh bạo từ phía quân đội. Hàng trăm ngàn dân Syria xuống đường chống chế độ độc tài cha truyền con nối của gia đình Assad. Tổng thống Bashar Assad là một người trẻ, bác sĩ nhãn khoa, từng học ở Anh nhưng ông có lập trường cố chấp và bảo thủ không kém gì cha ông là cố tổng thống Hafez Assad chết năm 2000. Bashar Assad chống Hoa Kỳ, chống Do Thái, kết thân với Iran và ủng hộ những nhóm Hồi Giáo bạo động ở Lebanon nhằm gây rối cho Do Thái. Assad ra lịnh dùng xe tăng và đại pháo để giải tán những cuộc biểu tình chống đối ông. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi Giáo từng là đế quốc lan rộng từ Trung Đông, Trung Á đến đông nam Âu Châu và Bắc Phi, cũng phải lên tiếng phản đối những cuộc đàn áp đẫm máu của Assad nhắm vào những người biểu tình. Họ cũng lo ngại người tỵ nạn Syria vượt biên giới để vào xứ họ khiến cho an ninh quốc gia bị đe dọa và có thể sẽ có nổ súng giữa quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta ngạc nhiên về phản ứng chậm chạp của Hoa Kỳ trước những cuộc đàn áp đẫm máu của chánh quyền Assad.

Tháng 3 năm 2011 tương ứng với tháng 2 âm lịch, tức tháng Mão của năm Tân Mão (2011), đánh dấu bởi nhiều biến cố chánh trị ở Bắc Phi, Trung Đông và trận động đất lôi cuốn theo nạn sóng thần (Tsunami – raz de marée) khủng khiếp ở miền Đông Bắc nước Nhật, tàn phá 125.000 ngôi nhà và cao ốc cùng làm chết 15.676 người và mất tích 4.822 người. Sự thiệt hại vật chất có thể lên đến 300 tỷ Mỹ kim giữa lúc Nhật Bản mất địa vị cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới. So với cuộc động đất và sóng thần năm 1923 thì số nạn nhân trong cuộc động đất vừa qua ít hơn nhưng sự thiệt hại vật chất cao hơn sự thiệt hại vật chất do cuộc động đất năm 1923 gây ra đến 300 lần.

Somalia và vùng Sừng ở Đông Phi là vùng thường bị hạn hán đe dọa. Vào thập niên 1980 vùng Sừng (Somalia và Ethiopia có hình cái sừng trên bản đồ) bị nạn đói. Riêng Somalia rơi vào tình trạng bất ổn từ thập niên 1990. Nước nầy bị phiến loạn quấy phá. Từ nhiều năm qua Somalia gần như không có chánh phủ. Chánh phủ hiện nay cũng không vững, hay nói cách khác, chỉ có thủ đô có chánh quyền và thủ đô cũng bị phiến quân có quan hệ với khủng bố Al Qaeda thường xuyên đe dọa. Trong vòng ba tháng qua có 29.000 trẻ em ở Somalia bị chết vì thiếu thực phẩm. Liên Hiệp Quốc đang lo ngại nạn đói lan tràn khắp cả nước và đe dọa luôn cả nhiều nước láng giềng trên lục địa Phi Châu. Hoa Kỳ gởi lương thực đến cứu đói nhưng khó khăn trước mắt là làm sao lương thực đến tay người đang cần ăn thay vì rơi vào tay quân phiến loạn. Thế giới hiện đang gặp khó khăn về kinh tế và tài chánh nên việc cứu trợ không còn sốt sắng và kiến hiệu như trong quá khứ. Nhiều tàu ngoại quốc bị hải tặc Somalia cướp và đòi tiền chuộc khiến cho họ thờ ơ trước tình trạng khan hiếm lương thực ở quốc gia thường xuyên loạn lạc và hầu như vô chánh phủ nầy.

Một vài quốc gia Liên Âu bị thâm hụt ngân sách trầm trọng. Tình trạng nầy được tìm thấy ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh và Pháp. Nó trở nên bi đát ở Hy Lạp, nơi dân chúng biểu tình chống chánh phủ vì chánh sách khắc khổ và thắt lưng buộc bụng. Vào thượng tuần tháng 8 năm 2011 bạo động bùng nổ ở Tottenham nằm về phía bắc thủ đô London sau khi một thanh niên da đen bị cảnh sát bắn chết. Đó chỉ là cái cớ để bạo động. Cuộc bạo động xảy ra ở nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao và gần khu có nhiều người Hồi giáo Pakistan, Bangladesh, Afghanistan sinh sống. Hàng chục cảnh sát bị thương. Nhiều tòa nhà và xe cộ bị đốt. Nạn cướp giựt đồ ở các cửa hàng diễn ra khiến cảnh sát bắt buộc phải dùng biện pháp mạnh để chặn đứng bạo động và cướp giựt ngoài đường. Khoảng 16.000 cảnh sát được điều động để vãn hồi an ninh trật tự. Có 800 người bị bắt, trong số nầy có 200 người có hình án. Những cuộc bạo động ở London trong mấy ngày qua chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến Thế Vận Hội London vào năm tới (2012). Những cảnh đốt nhà, đốt xe và cướp giựt làm cho du khách mất niềm tin vào an ninh và an toàn của kinh thành London cổ kính và trang nghiêm.

Ở Nga ông Putin chuẩn bị ra tranh cử tổng thống trở lại vào năm 2012. Putin là cựu sĩ quan mật vụ KGB. Ông nội của ông là người nấu ăn cho Stalin. Putin luôn luôn tìm cách phục hồi uy danh của Stalin. Với Putin nước Nga là một nước còn mang nhiều âm hưởng của xã hội chủ nghĩa. Giữa Nga và Hoa Kỳ vẫn còn một khoảng cách an toàn cần thiết. Trong một cuộc tiếp xúc với sinh viên cắm trại vào đầu tháng 8 năm 2011, mở đường cho việc ra tranh cử năm tới, thủ tướng Putin cho rằng Hoa Kỳ là quốc gia ăn bám vào các nước trên thế giới. Nga rất khó chịu khi thấy ảnh hưởng của Hoa Kỳ và NATO càng ngày càng lớn mạnh sát nách Nga mặc dù hiện nay Nga không phải là đối tượng chính của Hoa Kỳ. Vấn đề Ukraine và Georgia tạo sự dị biệt giữa Nga và Hoa Kỳ vì đó là hai nước Cộng Hòa trong Liên Bang Sô Viết trước kia nằm cạnh bên Nga. Hai nước nầy đều hướng về Liên Âu và NATO.

Năm 2004 ứng cử viên tổng thống Ukraine thân Nga là Viktor Yanukovych thắng cử. Nhưng kết quả cuộc bầu cử bị bãi bỏ vì bị tố cáo gian lận trong cuộc Cách Mạng Màu Da Cam. Năm 2010 ông thắng nữ thủ tướng Yulia Tymoshenko, một trong những ngườì lãnh đạo có uy tín trong Cách Mạng Màu Da Cam năm 2004. Tháng 6 năm 2011 cựu nữ thủ tướng Yulia Tymoshenko bị tống giam và sắp bị đưa ra tòa về tội tham nhũng! Phe Ukraine thân Nga đang nắm ưu thế. Việc đối xử của chánh quyền thân Nga của Viktor Yanukovych đối với đối thủ chánh trị của ông là bà Yulia Tymoshenko gợi lại cho người quan sát chánh trị nhớ đến sự đối xử tệ bạc của tổng thống Ma Yin-jeou (Mã Anh Cửu, đắc cử năm 2008) đối với Chen Shui Bian (Trần Thủy Biển, tổng thống hai nhiệm kỳ từ 2000-2008) chỉ vì Taiwan (Đài Loan) muốn vừa lòng Beijing bằng cách hạ ngục và hạ nhục tổng thống gốc Taiwan không thuộc Guomingdang (Trung Hoa Quốc Dân Đảng), đòi Taiwan độc lập thay vì mang quốc hiệu Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China).

Kinh tế Hoa Kỳ chưa được phục hồi. Ngân sách quốc gia thâm thủng nặng. Hoa Kỳ mang nợ đến 14.500 tỷ Mỹ kim so với 10.000 tỷ vào năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức 9,2%. Tín dụng AAA của Hoa Kỳ chỉ còn AA+. Sự đánh giá nầy của Standard & Poor's làm tổn hại uy tín của Hoa Kỳ rất nhiều. Hoa Kỳ vẫn còn là một cường quốc kinh tế trên thế giới nhưng cũng là quốc gia mang nợ nhiều nhất. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) là cường quốc kinh tế số hai sau Hoa Kỳ nhưng là chủ nợ của cường quốc kinh tế số một. Tình hình hiện nay của Hoa Kỳ làm cho người ta liên tưởng đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929-1930, hay gần hơn là cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 thời tổng thống Bush II. Nó ảnh hưởng đến sự tái đắc cử của tổng thống Barack Obama vào năm 2012 rất nhiều mặc dù cho đến khi bài này được viết ra, đảng Cộng Hòa chưa chọn ứng cử viên tổng thống.

 

Romney hay Perry của Texas? – Chưa rõ.

Romney gặp khó khăn trước cử tri bảo thủ vì ông theo đạo Mormon và có lập trường cởi mở về việc bảo vệ y tế khi còn là thống đốc Massachusetts. Nhưng ông có một số kinh nghiệm quí giá về vấn đề kinh tế tài chánh.

Ông Perry là phó thống đốc Texas khi ông Bush II là thống đốc. Ông đắc cử thống đốc Texas ba lần. Tiểu bang Texas dưới thời ông có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhưng hầu hết các công việc đều là công việc với đồng lương tối thiểu. Kinh nghiệm về vấn đề kinh tế của Perry không nhiều ngoại trừ lập trường bảo thủ hoàn toàn thích hợp với đảng Cộng Hòa và Tea Party.

Ông Obama than rằng ông thừa hưởng các vấn đề kinh tế nan giải do tổng thống Bush II để lại. Những người khác cãi lại rằng nhân dân Hoa Kỳ bầu cho ông vì tin tưởng ông giải được bài toán khó kinh tế - tài chánh hơn là để cho ông đổ thừa người tiền nhiệm. Vì người tiền nhiệm của ông đi sai hướng và gây ra suy thoái kinh tế nên ông mới được bầu làm tổng thống để giải quyết vấn nạn nầy. Sự kích thích kinh tế không có kết quả rõ rệt nếu không nói là thất bại. Chánh phủ chi quá nhiều cho an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe, chi phí chiến tranh và các mục thường chi khác nhưng không thu được nhiều nên đành phải trông cậy vào nợ hơn là trông vào thuế dù là thuế của người giàu cũng không có. Nhiều người có thái độ bi quan trước tình trạng nợ nần chồng chất của Hoa Kỳ. Sự khó khăn tài chánh và kinh tế cùng với sự xuống cấp tín dụng AA+ của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trên thế giới.

Beijing (Bắc Kinh) hí hởn trước những khó khăn kinh tế và tài chánh của Hoa Kỳ vì tin rằng đó là cơ hội để CHNDTQ trở thành siêu cường kinh tế và quân sự lãnh đạo thế giới thay thế Hoa Kỳ. Nhưng họ quên rằng thị trường tiêu thụ hàng Trung Hoa lục địa là Hoa Kỳ và Liên Âu, nơi dân chúng có đời sống cao nên có mãi lực cao. Thị trường đó sụp đổ thì hàng hóa mà họ sản xuất sẽ ra sao? Kinh tế họ đứng vững không? Hay họ sẽ gây chiến để buộc các quốc gia bị chinh phục tiêu thụ hàng hóa của họ, đồng thời cung cấp nguyên liệu mà họ cần?

Trong lúc cả nước băn khoăn về những khó khăn trong cuộc sống trước mắt thì ở New York người ta vui mừng vì Luật Bình Đẳng Hôn Nhân ban hành ngày 24-07-2011 công nhận hôn nhân đồng phái. Hai tháng trước đó dân thành phố New York tập họp lại ăn mừng trùm khủng bố Osama Bin Laden bị giết chết ở Pakistan. Đến tháng 8 lại có tin buồn về việc một trực thăng Hoa Kỳ ở Afghanistan bị Taliban bắn rớt làm cho 30 người Hoa Kỳ chết cùng với 7 người Afghanistan. Liệu quân đội Afghanistan của chánh quyền Karzai đảm bảo an ninh quốc gia hữu hiệu trước sự đe dọa của Taliban sau khi quân NATO và Hoa Kỳ rút ra khỏi Afghanistan vào những năm sắp tới hay không? Liệu có điểm tương đồng nào giữa chánh quyền Kabul hiện nay với chánh quyền Sài Gòn khi Hoa Kỳ rút quân không? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời đúng.

Các chánh khách đối lập với Obama cho rằng ông có đường lối bất lợi cho Do Thái khi buộc nước nầy phải thương thuyết hòa bình với Palestine và rời khỏi West Bank trở về đường biên giới trước cuộc Chiến Tranh 6 ngày năm 1967. Do Thái cưỡng lại sự o ép nầy và còn cho phép xây dựng 1.600 căn nhà ở Đông Jerusalem. Người Do Thái biểu tình chống vật giá leo thang. Lý do sâu sắc của cuộc biểu tình của người Do Thái lại là nạn thiếu nhà ở. Đó là động lực thúc đẩy chánh phủ cho phép cất 1.600 căn nhà ở Đông Jerusalem mà người Palestine dự trù chọn làm thủ đô khi nước Palestine chào đời. Do Thái cương quyết xem Jerusalem là thủ đô mặc dù cho đến nay thủ đô vẫn còn ở Tel Aviv.

Trung Hoa Cộng Sản vẫn nuôi mộng bành trướng truyền thống. Với sức mạnh kinh tế và quân sự hiện nay họ tự xem là bá chủ trong vùng. Họ tự cho họ có chủ quyền trên các quần đảo được xem là có số trữ lượng dầu khí khổng lồ ở phía Tây Thái Bình Dương. Họ ngụy biện khi dùng lịch sử để xác nhận chủ quyền cho mình. Nếu đúng lý luận như vậy thì bản đồ thế giới phải vẽ lại thời nguyên thủy của địa cầu. Còn Mãn Châu, Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông thì sao? Lịch sử chứng minh họ không phải là người Hán. Họ có văn hóa và lãnh thổ riêng. Lãnh thổ đó không thuộc nước Trung Hoa. Nó bị Trung Hoa sát nhập và đồng hóa bằng võ lực. Trường hợp Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng vậy. Các quần đảo ấy bị Trung Hoa Cộng Sản xâm lăng và cưỡng chiếm bằng bạo lực võ trang. Lịch sử cho thấy như vậy. Trung Hoa Cộng Sản dùng chánh sách Real Politics dựa vào sức mạnh để mọi người chấp nhận sự kiện đã rồi bằng cách dựa vào sự kiện Anh quốc chiếm quần đảo Falklands mà Argentina gọi là quần đảo Malvinas cách xa đất nước Anh hàng chục ngàn cây số.

Sự phát triển kỹ nghệ và kinh tế của CHNDTQ dẫn đến sự phát triển quân sự và mộng đế quốc để tìm nguyên liệu, nhiên liệu, thị trường tiêu thụ hàng hóa và không gian sinh tồn cho một xứ bị nhân mãn trầm trọng. Trong những ngày qua Trung Hoa Cộng Sản tân trang một hàng không mẫu hạm mua của Ukraine và cho ra khơi như một sự đe dọa cho các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á về sức mạnh hải quân của mình. Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân và cả Ấn Độ, Úc Đại Lợi cũng đặc biệt quan tâm đến sự phát triển hải quân của Trung Hoa Cộng Sản. Beijing không ngần ngại phô trương sức mạnh quân sự của mình cho Hoa Kỳ thấy với hy vọng nước nầy ngã lòng và chấm dứt sự hiện diện của họ ở Tây Thái Bình Dương. Vì chỉ Hoa Kỳ mới đủ sức ngăn chận tham vọng bành trướng của Trung Hoa Cộng Sản, Họ đã ngăn cản hữu hiệu không cho Trung Hoa Cộng Sản cưỡng chiếm Taiwan (Đài Loan) từ năm 1949 đến nay.

Trong những năm gần đây Việt Nam, Phi Luật Tân và Trung Hoa Cộng Sản thường dùng những từ ngữ vu vơ có vẻ khó hiểu như "tàu lạ", "quốc gia thứ ba", nhưng rất rõ và ai cũng hiểu. Tàu lạ ám chỉ tàu Trung Hoa Cộng Sản tấn công bắt tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam để chuộc tiền. Còn quốc gia thứ ba là từ ngữ mà Beijing dùng đề ám chỉ Hoa Kỳ.

Trung Hoa Cộng Sản luôn luôn nói đến hòa bình nhưng lúc nào cũng có hành động gây hấn và phô trương sức mạnh quân sự với các nước láng giềng như Nhật, Nam Triều Tiên, Việt Nam, Phi Luật Tân. Họ tập trận ngoài biển và bắn đạn thật ở Hoàng Hải và Đông Hải (Biển Đông), ngăn cản các nước láng giềng như Việt Nam, Phi Luật Tân thăm dò đại dương và đánh cá trong vùng lưỡi bò mà họ cho là thuộc chủ quyền của họ. Họ cực lực phản đối ý kiến của Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á về việc giải quyết các cuộc tranh chấp về biển, đảo ở Tây Thái Bình Dương bằng một giải pháp quốc tế. Họ chỉ muốn thương thuyết riêng rẽ để dễ gây sức ép với đại diện quốc gia đối thoại. Họ thành công trong cách thương thuyết tay đôi nầy. Họ đã dùng phương thức ngoại giao nầy để chia rẽ Anh, Hoa Kỳ, các nước Liên Âu và các nước trong khối ASEAN. Vào hạ tuần tháng 6 năm 2011 thứ trưởng bộ ngoại giao Việt Nam là Hồ Xuân Sơn sang Trung Hoa thương thuyết. Nội dung và kết quả cuộc thương thuyết về vấn đề biển, đảo như thế nào đến nay không ai hay biết. Chỉ biết rằng sau khi ông thứ trưởng ngoại giao đi thương thuyết về, công an Việt Nam ra sức đánh đập và bắt bớ những người biểu tình chống Trung Hoa Cộng Sản và trương khẩu hiệu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Hoa Kỳ cũng nói đến hòa bình nhưng vẫn tập trận với Nhật, Nam Triều Tiên và vài quốc gia trong khối ASEAN, kể cả tập trận cứu vớt hải quân Việt Nam vào trung tuần tháng 7 vừa qua. Tàu chiến Hoa Kỳ vẫn hiện diện ở Tây Thái Bình Dương, từ Nhật Bản xuống tận Singapore. Hoa Kỳ vẫn muốn có hòa bình trong vùng với Trung Hoa Cộng Sản. Họ đứng ngoài những cuộc tranh chấp về hải đảo giữa CHNDTQ và Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan, Brunei, Mã Lai cũng như luôn luôn nhắc nhở với Beijing về quyền lợi của họ ở Tây Thái Bình Dương và sự tự do giao thông hàng hải.

Các nước trong khối ASEAN cũng nói đến hòa bình nhưng vẫn mua khí giới, tàu chiến và phi cơ để tự vệ trong trường hợp bị Trung Hoa Cộng Sản tấn công. Việt Nam mua tàu, phi cơ và võ khí của Nga. Trung Hoa Cộng Sản có sản xuất võ khí, tàu bè và phi cơ phỏng theo phi cơ chiến đấu của Liên Sô trước kia nhưng cũng có mua thêm tàu chiến và phi cơ của Nga. Những nước bán võ khí như Nga, Hoa Kỳ, Anh, Pháp có khách hàng ở Đông Nam Á và những khách hàng nầy đang nơm nớp lo sợ Trung Hoa Cộng Sản đe dọa và tấn công bất ngờ. Trong những ngày gần đây Việt Nam phải lo phòng thủ biên giới phía bắc vì Trung Hoa Cộng Sản tập trận gần biên giới Việt-Hoa trên lãnh thổ tỉnh Guangxi (Quảng Tây).

Thế giới đang rơi vào khủng hoảng: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chánh, khủng hoảng lãnh đạo, khủng hoảng niềm tin vào đời sống hiện tại và viễn ảnh tương lai v.v... Nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Việt Nam, thanh niên và đại bộ phận quần chúng khác rơi vào cảnh lạc quan bi đát (optimisme tragique) khi đắm mình vào nhậu nhẹt, hành lạc, cờ bạc, hút sách và đàn hát suốt đêm như để cố quên đi thực tại phũ phàng và đầy mỉa mai bị chánh quyền ru ngủ?

Động đất, sóng thần, hạn hán, ô nhiễm môi trường sống làm tăng thêm sự đau khổ và nỗi lo lắng của loài người. Địa vị lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ lung lay nhưng chưa mất. Các quốc gia Tây Phương dân chủ khó chấp nhận CHNDTQ là quốc gia lãnh đạo thế giới vì họ còn thiếu nhiều điều kiện như dân chủ, nhân quyền, tinh thần trọng pháp, lòng bác ái, tinh thần hợp tác quốc tế, sự yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự phát minh và tác quyền của các nước khác, phương thức làm kinh tế lương thiện và phù hợp với những qui luật quốc tế v.v... Khó có thể chấp nhận một cường quốc lãnh đạo thế giới chỉ vì đó là một nước to lớn và đông dân. Các nước Tây Phương thừa hiểu nguồn gốc của sự phát triển kinh tế của Trung Hoa Cộng Sản vì chính họ là những người đóng góp tích cực cho sự vươn lên vượt bực đó.

Việc Trung Hoa Cộng Sản tự cho mình là chủ của 2/3 diện tích Tây Thái Bình Dương cho thấy sự tham lam, ngang tàng và bất chấp luật pháp quốc tế của họ.

Việc xây nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn sông Cửu Long và sông Hồng cho thấy óc vô nhân đạo và ý đồ tiêu diệt nguồn sống của các dân tộc khác của họ.

Việc gây hấn của họ trên biển Đông cho thấy óc hiếu chiến, mạnh hiếp yếulấy thịt đè người của họ.

CHNDTQ luôn luôn là nước đỡ đầu cho các chế độ độc tài và diệt chủng trên thế giới như chế độ Pol Pot ở Cambodia, chế độ Bashir ở Sudan, chế độ Qadafi ở Libya, chế độ Cộng Sản Bắc Hàn và Cộng Sản Việt Nam... để họ dễ bề khai thác tài nguyên, trục lợi chánh trị và cuối cùng với hy vọng xa xôi là dùng bàn tay sắt của các chế độ đó giết sạch dân tộc họ để cho người Trung Hoa đến định cư, lập nghiệp và xây dựng nhiều nước Trung Hoa khắp năm châu. Việt Nam nằm trong nguy cơ nầy trong suốt 80 năm qua từ ngày đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Trí, phú, địa, hào bị giết hại hàng loạt. Hàng chục triệu người Việt Nam bị giết chết, ly tán gia đình, bỏ đất đai ruộng vườn trong suốt hai cuộc chiến tranh Việt Nam (1945-1954 và 1960-1975). Qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu, dù dưới danh nghĩa gì, máu người Việt Nam đã đổ, đất nước Việt Nam bị tàn phá, tình đoàn kết dân tộc tan biến. Sau năm 1975 có ít ra 3 triệu người Việt phải bỏ nước ra đi tìm tự do và lẽ sống. Như vậy chế độ Cộng Sản có gì gọi là ưu việt và hữu ích cho nước nhà và dân tộc Việt Nam? Nếu chế độ Cộng Sản ưu việt thì chắc chắn người Anh, Pháp, Hoa Kỳ... và nhiều dân tộc khác đã đổ xô chạy sang Liên Sô, Trung Hoa Cộng Sản, Bắc Việt, Bắc Hàn, Cuba hay các nước Đông Âu để mua Tự Do, Ấm No và Hạnh Phúc. Thực tế chỉ thấy người từ các nước Cộng Sản bỏ trốn sang các nước không Cộng Sản để được tự do và no ấm. Nếu chế độ Cộng Sản ưu việt, tại sao Liên Sô, thành trì của chủ nghĩa Cộng Sản, lại phải từ bỏ? Và các nước Đông Âu lại vất bỏ nó không thương tiếc? Nếu chủ nghĩa Cộng Sản ưu việt, tại sao người Cộng Sản lại phải tránh né mà phải gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa?

***

Thế giới hiện có nhiều dấu hiệu xấu báo hiệu một trận chiến lớn có thể nổ bùng. Người gây ra trận chiến đó sẽ là Trung Hoa Cộng Sản và nạn nhân đầu tiên của trận chiến đó sẽ là Việt Nam, giống như Ba Lan năm 1939. Mặc dù Việt Nam tò ra khiếp sợ, họ vẫn không tránh được cuộc chiến thị uy của Trung Hoa Cộng Sản. Chủ nghĩa bành trướng Hán tộc được che đậy bằng chủ nghĩa Maoisme sẽ được thực thi khắp Đông Nam Á và Nam Á, từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Trung Hoa Cộng Sản sẽ đi trên con đường mà Nhật đã trải qua trong đệ nhị thế chiến. Họ có nhiều thuận lợi hơn Nhật vì có vốn người khắp Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á quần đảo.

Trong đệ nhị thế chiến ba nước trong phe Trục gây hấn là Đức, Ý, Nhật đều là những quốc gia nhỏ không có nhiều tài nguyên mà đã làm cho các quốc gia Đồng Minh đảo điên. Vào thời bấy giờ Hoa Kỳ, Anh, Pháp đều là những nước có nền kinh tế phồn thịnh và có nhiều thuộc địa khắp thế giới.

Nếu đệ tam thế chiến bùng nổ do Trung Hoa Cộng Sản gây ra, cả thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn đáng kể vì Hoa Kỳ và Liên Âu đều đang trong cơn khủng hoảng vì thâm hụt ngân sách. Sự liên kết giữa các quốc gia nầy hiện không được chặt chẽ lắm. Phải mất nhiều thời gian mới liên kết lại đầy đủ.

Nhưng người to lớn có nhược điểm của người to lớn như tim to, nội tạng không lành mạnh, đi đứng chậm chạp, nặng nề. Trung Hoa Cộng Sản là người to lớn đó. Họ cũng có nhiều khó khăn trong và ngoài nước. Nhiều quốc gia trên thế giới không thiện cảm với CHNDTQ. Họ e dè và hoài nghi cái nôi của văn hóa Đông Phương với lời nói nhân nghĩa nhưng hành động luôn luôn hiểm độc. Trong nước, Tân Cương (Sinkiang), Tây Tạng (Tibet) lúc nào cũng sẵn sàng vùng lên. Chánh phủ Tây Tạng lưu vong vừa cử ông Lobsang Sangay làm thủ tướng. Đức Đạt Lai Lạt Ma hưu trí. Vị thủ tướng trẻ sinh năm 1968 ở ngoài Tây Tạng sẽ nặng về phương thức đấu tranh khác với đường lối đấu tranh đầy màu sắc từ bi Phật Giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông sẽ chống lại lại chủ nghĩa thực dân Trung Hoa. Ngoài ra trên 600 triệu dân Trung Hoa sống trong nghèo đói trên lục địa cũng không dễ dàng chấp nhận những bất công xã hội bất di bất dịch trong xã hội Trung Hoa kể từ cách mạng Tân Hợi (1911) đến thời kỳ đảng Cộng Sản Trung Hoa nắm chánh quyền từ năm 1949 đến nay.

Trung Hoa Cộng Sản đang đe dọa các nước láng giềng và cả thế giới. Nội biến; đấu tranh sinh tồn; đấu tranh cho nhân quyền, tự do và dân chủ; đấu tranh bảo vệ văn hóa, sắc tộc và quyền tự trị của Mãn (Mãn Châu), Mông (Mông Cổ), Tạng (Tibet), Hồi (Tân Cương) đe dọa lại họ. Sự thành công bằng sức mạnh quân sự không đảm bảo được sự vững bền. Đôi khi mộng bành trướng đế quốc chưa hoàn thành mà cơn ác mộng lại đến thình lình. Sự sụp đổ của chủ nghĩa độc tài và đế quốc dẫn đến sự hình thành nhiều quốc gia độc lập như trường hợp Liên Sô sau năm 1991 (có 15 quốc gia độc lập), Tiệp Khắc (chia ra làm hai nước: Czech và Slovaskia), Liên Hiệp Nam Tư chia ra làm 8 nước: Serbia, Macedonia, Bosnia, Herzegovina, Montenegro, Croatia, Slovania, Kosovo. Gần đây xứ Sudan chia ra làm đôi. CHNDTQ có giống như thế trong tương lai nào đó không?

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2011