Phạm Đình Lân


Những cuộc bầu cử vào cuối năm 2012 ảnh hưởng đến tình hình thế giới như thế nào?

 

Trong một cuộc bầu cử mà người thua không cảm thấy đau đớn và người thắng không cảm thấy vinh quang thì sự thiệt thòi đó DÂN và NƯỚC phải gồng gánh lấy...

 

Kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ năm 2012 là một cơn ác mộng của đảng Cộng Hòa. Một lần nữa đảng Cộng Hòa bị thất cử trước một ứng cử viên trẻ Da Đen mặc dù vị tổng thống nầy không có thành tích gì vĩ đại sau bốn năm cầm quyền. Điều nầy cho thấy:

1- Đảng Cộng Hòa đang thiếu ứng cử viên được quần chúng ái mộ như Reagan vào thập niên 1980.

2- Đại bộ phận đường lối bảo thủ chánh trị, kinh tế, tôn giáo và chủng tộc của đảng Cộng Hòa không còn đắc thời như trong quá khứ trên một thế kỷ trước.

3- Đảng Cộng Hòa không là một khối chặt chẽ. Năm 1992 nhà tỷ phú Perot của đảng lập một đảng riêng và ra tranh cử phá phiếu của ứng cử viên Cộng Hòa bấy giờ là tổng thống Bush I. Trong kỳ bầu cử năm 2012 Tea Party không giúp ích gì cho Romney kiếm phiếu mà còn làm cho cử tri toàn quốc lo ngại. Đảng viên Cộng Hòa ủng hộ hay bỏ phiếu cho Romney không tích cực bằng những đảng viên Dân Chủ, người Da Đen, người Latino, người chủ trương hôn nhân đồng phái hay tự do lựa chọn giữa giữ hay phá thai và những cử tri tự nhận là thành phần 99% chống 1% bỏ phiếu cho Obama.

Trong đại hội đảng Cộng Hòa không thấy một cựu tổng thống hay phó tổng thống Cộng Hòa nào tham dự. Những nhân vật cao cấp của đảng ủng hộ ông Romney bằng lời hơn là bằng hành động tích cực trong khi Bill Clinton, Kerry, Joe Biden, Reid xả thân vận động cho Obama. Ông Reid, đồng đạo Mormon với Romney nhưng không đồng đảng, cho rằng ông Romney không đóng thuế mười năm. Nào là Romney không phải là gương mặt tiêu biểu cho đạo Mormon. Huntsman đồng đạo và đồng đảng với Romney nhưng thiên về Obama, người bổ nhiệm ông làm đại sứ ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, nơi cha ông kinh doanh thành công rực rỡ. Khi bảo Sandy tàn phá miền Đông Bắc Hoa Kỳ, nơi các tiểu bang đều là thành trì của đảng Dân Chủ thì ông thống đốc Christie của New Jersey, người đọc diễn văn khai mạc đại hội đảng Cộng Hòa ở Tampa lại lên tiếng khen ngợi tổng thống Obama. Ở Massachusetts nghị sĩ Cộng Hòa Brown khen nghị sĩ Kerry xứng đáng làm ngoại trưởng, đồng nghĩa với tiên đoán sự tái đắc cử của Obama mặc dù ông sắp thất cử trong cuộc bầu cử nghị sĩ trong tiểu bang này trước nữ ứng cử viên dân Chủ Warren. Nếu ông Kerry làm bộ trưởng Ngoại Giao thì ông Brown sẽ ra tranh cử lần thứ ba để giành lấy ghế nầy như đã làm sau khi Edward Kennedy (Dân Chủ) mất. Tướnhg Powell (Cộng Hòa) là người Da Đen gốc Jamaica được tổng thống Bush I lẫn Bush II của đảng Cộng Hòa nâng đỡ và trọng dụng. Trong hai cuộc bầu cử năm 2008 và 2012 ông ngã hẳn theo ông Obama của đảng Dân Chủ. Vì sắc tộc hay vì đường lối chánh trị?

4- Những người bỏ phiếu cho Romney theo tiêu chuẩn tôn giáo cũng không tích cực vì ông không thuộc tôn giáo của họ. Vả lại số cử tri bỏ phiếu theo tiêu chuẩn nầy càng ngày càng thu hẹp lại. Người 'ăn chay' luôn luôn ít hơn người 'ăn mặn'. Các tiểu bang quyết định kết quả bầu cử như Ohio, Florida, Virginia có thống đốc Cộng Hòa, nhưng Romney đều thất cử ở các tiểu bang đó kể cả Wisconsin, tiểu bang của ứng cử viên phó tổng thống Paul Ryan. Romney không thắng cử ở Massachusetts, nơi ông sống và từng là thống đốc. Ông cũng không thành công ở tiểu bang sinh quán là Michigan, nơi có tỷ lệ thất nghiệp trên 9%. Những lá phiếu bỏ cho ông Romney là phiếu của đảng Cộng Hòa, phiếu chống phá thai (trở thành phiếu của thiểu số trên thực tế), phiếu quân nhân, phiếu ước vọng phục hưng kinh tế.

Nhưng sự tin tưởng vẫn chưa trọn vẹn vì thông thường khi đảng Cộng Hòa cầm quyền thì giá xăng dầu lên cao; ngân sách quốc gia bị thâm hụt. Ông Obama thắng cử dễ dàng năm 2008 là nhờ nền kinh tế bệ rạc và hai cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq do tổng thống Bush II để lại. Đến năm 2012, mặc dù Obama chưa làm gì để Hoa Kỳ có một nền kinh tế phồn thịnh ngoài việc tăng thêm nợ, âm hưởng của nền kinh tế của chánh quyền Bush II vẫn còn kéo dài trong cuộc bầu cử năm 2012. Ông Romney không có cung Nô Bộc sáng sủa như ông Obama. Nhưng chỉ với lời hứa chấn hưng kinh tế mà ông được bấy nhiêu phiếu thì đó không phải là sự thất bại nặng nề lắm vì ông hầu như mất hoàn toàn phiếu của người Da Đen, người Latino, người Á Châu, Trung Đông, một tỷ lệ lớn người phụ nữ Trắng lẫn Đen và một tỷ lệ không nhỏ của thanh niên và người Da Trắng yêu chủ nghĩa tự do phóng túng và phản chiến. Trong một cuộc bầu cử mà người thua không cảm thấy đau đớn và người thắng không thấy vinh quang thì sự thiệt thòi do DÂN và NƯỚC phải gồng gánh lấy. Trong tương lai, với phá thai và hôn nhân đồng phái, một phần lớn dân số Hoa Kỳ không còn là dân sinh đẻ trong nước mà là dân nhập cư từ các nước Trung, Nam Mỹ, Phi Châu, Á Châu và vài nơi khác. Những từ ngữ mà đảng Cộng Hòa thường dùng để bài bác chánh sách của ông Obama là Lead from behind, đồng nghĩa với sự từ bỏ quyền lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ.

Vì suy yếu kinh tế hay đó là một sách lược nhằm hủy bỏ một số trách nhiệm 'dư thừa' trên thế giới?

Có phải bức tranh chánh trị tương lai của Hoa Kỳ là chủ nghĩa xã hội hay ít ra Hoa Kỳ cũng theo gương các nước Âu Châu với đảng Dân Chủ Xã Hội?

Roosevelt và Obama đều cùng đảng Dân Chủ. Roosevelt nhìn Hitler hung hăng bạo động bằng cái nhìn của người mạnh, khác với Obama nhìn sự vươn lên đầy khiêu khích của Trung Hoa Cộng Sản ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á như một sự càn quét ảnh hưởng Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương và vài nơi khác trên thế giới. Uy thế của Roosevelt trong các nghị hội Cairo, Tehran, Yalta hay của Truman trong hội nghị Postdam hoàn toàn khác hẳn với uy thế của Obama trong hội nghị ASEAN ở Phnom Penh do Hun Sen làm chủ tịch luân phiên sau khi tái đắc cử năm 2012. Khác hẳn với Obama, Roosevelt là người ơn của Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch), Mao Zedong (Mao Trạch Đông) và nước Trung Hoa, nghĩa là ông ở trong vị trí của một lãnh tụ siêu cường quốc thực sự. Roosevelt là biểu tượng cho hình ảnh của người:

Vai mang túi bạc kè kè

và người

Xuống Đông, Ðông tĩnh
Lên Đoài, Đoài tan.

Hình ảnh đó phai nhạt với thời gian. Dư luận Hoa Kỳ có vẻ sủng ái những nhà chánh trị Dân Chủ theo nghĩa tự do (liberalism) và có thành tích phản chiến hay tinh thần phản chiến như ông Bill Clinton, Kerry, Obama, v.v… Người ta không biết luận như thế nào khi thấy những bức ảnh chụp sự tàn phá của Hiroshima năm 1945 và vẻ đẹp huy hoàng rực rỡ của thành phố nầy thời hậu chiến bên cạnh bức ảnh của miền đông thành phố Detroit, Michigan, với những căn nhà loang lổ, thềm hoang rêu, cỏ mọc quanh những căn nhà bỏ hoang mặc dù không bị chiến tranh hay bom nguyên tử tàn phá. Nhưng sau trên 60 năm chiến thắng trong đệ nhị thế chiến lại có hai hình ảnh tương phản của một Hiroshima hiện đại sau khi bị bom nguyên tử và một Detroit, thủ đô kỹ nghệ sản xuất xe hơi Hoa Kỳ, với phong cảnh tiêu điều dù không bị oanh tạc. Vậy cái gì làm cho bộ mặt của thành phố ảm đạm như vậy? Đó là sự vận hành tự nhiên như thủy triều lên và thủy triều xuống của một đại cường quốc?

Hoa Kỳ có vai trò thụ động trước những biến chuyển quốc tế như tình hình Syria, việc chuẩn bị Hồi Giáo hóa Ai Cập, thái độ thách thức của Iran và Bắc Hàn trong việc sản xuất bom nguyên tử và thí nghiệm hỏa tiễn, tham vọng kiểm soát biển Đông của Trung Hoa Cộng Sản, v.v. để chú trọng đến chuyện nội bộ.

 

Cuộc trưng cầu dân ý ở Ai Cập

Sau khi tổng thống Mubarak bị lật đổ, nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo Ai Cập trở thành nhóm quá khích có thế lực quần chúng. Nhóm nầy thắng cử trong kỳ bầu cử Quốc Hội và bầu cử tổng thống. Morsi, một giáo sư đại học từng học và dạy ở Hoa Kỳ được Huynh Đệ Hồi Giáo ủng hộ thắng cử vào tháng 6 năm 2012. Morsi cũng có quyền hành bằng cách cho các tướng lãnh liên hệ với chế độ Mubarak về hưu, triệu tập Quốc Hội bị Hội Đồng Quân Đội giải tán. Ông phải theo con đường mà Huynh Đệ Hồi Giáo vạch ra: thi hành luật Sharia Hồi Giáo ở Ai Cập, chống Tây Phương, chống Do Thái, và từng bước biến Ai Cập thành một quốc gia Hồi Giáo Sunni như Iran là một quốc gia Hồi Giáo Shiite. Chắc chắn ông Morsi không thể có chánh sách thân Hoa Kỳ và hòa dịu với Do Thái như Sadat và Mubarak được. Sadat bị ám sát chết năm 1981 vì có đường lối hòa dịu với Do Thái.

Huynh Đệ Hồi Giáo do Hassan al-Banna thành lập năm 1928 thời bảo hộ Anh. Từ ngày thành lập nhóm nầy rất bạo động khiến cho chánh quyền chế độ quân chủ lẫn chánh quyền quân đội thời hậu Farouk đều lo ngại. Huynh Đệ Hồi Giáo ám sát thủ tướng Mahmoud an-Nukrashi Pasha năm 1948, hăng hái tham gia chiến tranh diệt Do Thái năm 1948, lật đổ chế độ quân chủ của Farouk năm 1952. Họ âm mưu ám sát đại tá Nasser nhiều lần và nhiều thành viên của nhóm nầy bị treo cổ năm 1966. Năm 1979 Sadat là vị tổng thống có đường lối hòa hoãn với Do Thái sau khi Ai Cập bị đánh bại năm 1973 để thu hồi bán đảo Sinai bị Do Thái chiếm giữ. Chánh sách hòa bình miễn cưỡng nhưng đầy thực tế của Sadat trở thành bản án tử hình của ông. Ông không ưa Do Thái và đã đánh Do Thái nhưng bị thua và mất đất. Bây giờ ông tỏ ra hòa hoãn với Do Thái không có nghĩa là ông ưa nước nầy và dân tộc nầy, mà vì làm như vậy thì ông hy vọng lấy lại Sinai đã mất! Khi Mubarak lên làm tổng thống, ông theo đường lối của Sadat và cấm Huynh Đệ Hồi Giáo hoạt động. Vì vậy khó lòng Morsi dám đi ngược lại với ý muốn của Huynh Đệ Hồi Giáo, tổ chức đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử vừa qua. Morsi an tâm vì sự bất động của Hoa Kỳ cũng như sự sẵn sàng viện trợ của nước nầy cho Ai Cập.

Sau khi đón tiếp ngoại trưởng Hilary Clinton để giải quyết cuộc xung đột giữa Hamas và Do Thái, Morsi ký sắc lịnh tự cho mình nhiều siêu quyền lực trên mọi phán quyết của quyền tư pháp. Những người đối lập với Morsi và Huynh Đệ Hồi Giáo cho rằng Morsi tự biến mình thành Pharaoh với uy quyền tuyệt đối nên xuống đường chống tổng thống Morsi, phản đối sơ thảo Hiến Pháp với những điều khoản đầy thuận lợi cho Huynh Đệ Hồi Giáo và bất lợi đối với những người theo đạo Thiên Chúa Coptic (lối 10% dân số trong nước), những người có khuynh hướng thế tục, nghĩa là không muốn bị ràng buộc bởi luật Sharia Hồi Giáo, những người có khuynh hướng tự do, những người ủng hộ chế độ quân nhân trước kia. Trước khí thế của nhóm thiểu số chống đối, Morsi tuyên bố hủy bỏ sắc lịnh tạo siêu quyền uy cho ông nhưng cương quyết ấn định ngày 15-12-2012 là ngày trưng cầu dân ý sơ thảo Hiến Pháp Huynh Đệ Hồi Giáo nhằm đưa Ai Cập vào con đường Hồi Giáo hóa nền Cộng Hòa nước nầy theo gương Iran. Chắc chắn kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ thuận lợi cho Morsi và Huynh Đệ Hồi Giáo mặc dù phe đối lập không ngừng lên tiếng phản đối vì cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vội vã và thiếu sự giám sát chặt chẽ. Lại càng thuận lợi hơn vì sự im lặng của Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của tổng thống Obama. Dù muốn dù không hiện nay phe đối lập cũng yếu hơn phe Huynh Đệ Hồi Giáo. Nhưng tương lai chánh trị Ai Cập khó ổn định với sự thắng lợi nầy của Morsi và Huynh Đệ Hồi Giáo. Kết quả trưng cầu dân ý thường là 90% đến 99%. Nhưng kết quả 50% đến 60% cho thấy ý kiến đối lập còn mạnh và đáng kiêng dè nên điều có thể xảy ra là:

1- Người đối lập cứ chống đối, chánh phủ cứ ra lịnh cho quân đội đàn áp. Morsi cho quân đội được quyền bắt dân sự.

2- Nếu sự chống đối nhì nhằng, quốc gia sẽ thiếu trật tự, kinh tế Ai Cập ngày càng suy kiệt. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến con số chóng mặt. Có thể quân đội sẽ lợi dụng cơ hội nầy để chấm dứt biểu tình và chấm dứt luôn cả chánh quyền Morsi. Quân đội có truyền thống nắm chánh quyền từ năm 1952 đến 2011, tức là gần 60 năm qua.

3- Nếu Ai Cập trở thành cộng Hòa Hồi Giáo Sunni thì Syria cũng có triển vọng đi theo con đường đó sau khi Assad bị lật đổ. Syria có 75% dân số theo Hồi Giáo Sunni. Dù Nga tận tình ủng hộ và Iran tận tình hậu thuẫn, sự sụp đổ của chế độ gia đình trị Assad được tính từng ngày và từng giờ. Những định chế chính trị tương lai thời hậu Assad ra sao chưa thể tiên liệu trước được. Chắc chắn Morsi đứng về phe đối lập của Assad. Ai Cập tái lập ảnh hưởng ở Syria như đã làm năm 1958? Sự va chạm ảnh hưởng giữa Ai Cập Sunni và Iran Shiite trên lãnh thổ Syria sẽ diễn ra? Các nước Á Rập theo chế độ quân chủ cũng không ưa thích gì các Cộng Hòa Hồi Giáo vì các nước nầy không ngừng đe dọa sự hiện hữu của chế độ quân chủ của họ. Các nước Hồi Giáo dù thuộc phái Sunni hay Shiite đều chống Do Thái, nhưng nếu giữa các nước Hồi Giáo cùng phái hay không cùng phái chống báng và tranh chấp nhau thì Do Thái trút bớt chút gánh nặng âu lo. Hiện nay sự lo âu của họ chồng chất vì Palestine được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia bằng đa số phiếu kể cả phiếu thuận của Pháp. Hoa Kỳ nằm trong 9 phiếu chống quyết định nầy. Anh và Đức vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu nầy. Đó là một thắng lợi ngoại giao của Palestine của Abbas thuộc nhóm Fatah ở West Bank.

Từ dải Gaza, Hamas pháo kích và gây khiếp sợ cho người Do Thái ở miền Nam. Khi quân Do Thái chuẩn bị tấn công vào Gaza thì Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Ai Cập và các nước Á Rập can thiệp để hai bên hưu chiến. Hamas xem đó là sự thắng lợi của họ vì tổ chức nầy trước kia bị Hoa Kỳ xem là tổ chức khủng bố, nay lại được Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Ai Cập, Thố Nhĩ Kỳ, Qatar, Tunisia... công khai nhìn nhận như một "thực thể chính trị". Hai phe Hamas và Fatah tìm cách thống nhất để đánh Do Thái ra khỏi Trung Đông. Lãnh tụ Hamas thăm viếng Gaza nhân ngày kỷ niệm 25 năm thành lập tổ chức nầy và được dân chúng Palestine ở Gaza tiếp đón trọng thể. Hamas luôn luôn giữ lập trường không công nhận sự hiện hữu của quốc gia Do Thái. Nước nầy như bị cô lập ngoại giao. Hoa Kỳ thất bại ngay tại Liên Hiệp Quốc, một tổ chức do Hoa Kỳ thành lập và tài trợ. Có thể đây là sự thất bại giả tạo của Hoa Kỳ vì Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu công nhận Palestine có khác gì yêu cầu của tổng thống Obama đòi thủ tướng Netanyahu phải trả cho Palestine Đông Jerusalem và các vùng đất đã chiếm năm 1967. Hoa Kỳ, Liên Âu và Liên Hiệp Quốc không ngớt kêu gọi Do Thái chấm dứt việc xây cất nhà cửa ở West Bank.

 

Tân lãnh tụ Trung Hoa Cộng Sản

Ngày 15-11-2012 Xi Jinping (Tập Cận Bình) được chọn làm tổng bí thơ đảng Cộng Sản Trung Hoa. Tháng 3 năm 2013 ông sẽ là chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) thay cho Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) đã nắm giữ chức vụ nầy trong 10 năm qua. Trước khi Xi Jinping lên nắm quyền lãnh đạo đảng và nhà nước, Bo Xilai (Bạch Hy Lai), một người khả dĩ cạnh tranh quyền lực với Xi Jinping, bị loại ra khỏi Bộ Chánh Trị. Vợ ông bị cầm tù vì bị kết án chủ mưu giết chết một nhà kinh doanh Anh. Trong phiên tòa bị cáo là một phụ nữ mập mờ trông không giống vợ của Bo Xilai nhận tội dễ dàng và tòa tuyên án tử hình nhưng việc hành quyết được treo lại.

Xi Jinping thừa hưởng sự phát triển kinh tế và quân sự nhanh chóng thời hậu Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình). Từ một quốc gia Cộng Sản theo nền kinh tế tư bản (thị trường, kinh tế tự do), Trung Hoa Cộng Sản sớm trở thành quốc gia tư bản dưới sự chỉ huy của đảng Cộng Sản. Kinh tế nào, chính trị nấy. CHNDTQ và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) chưa theo qui luật nầy khi theo kinh tế tự do bên một nền chánh trị độc tài. Kinh tế tự do đem lại sự giàu có và sự sống phú túc cho dân. Sự giàu có tạo ước vọng về tương lai chẳng những cho bản thân người giàu mà còn cho con cái họ. Xã hội phồn vinh nào cũng có tham nhũng, hối lộ, biển thủ, bất công và hố cách biệt giữa nghèo-giàu, nông thôn-thành thị, nông dân-công nhân. Hố ngăn cách ấy tương đối nông ở các quốc gia dân chủ có luật pháp công minh. Hố ấy sâu thẳm ở những quốc gia độc tài – dù là đảng độc tài –, nơi luật pháp chỉ phục vụ cho người cầm quyến hơn là bảo vệ sinh mạng, tài sản và công bằng xã hội cho công dân. Quốc gia mạnh về kinh tế sẽ là quốc gia có nền quốc phòng vững chắc để ôm ấp mộng xâm lăng nước khác hầu tìm kiếm thị trường, khai thác tài nguyên, giải quyết nạn nhân mãn và thỏa mãn tự hào dân tộc. Chánh quyền Beijing (Bắc Kinh) kích thích tự hào dân tộc Hán bằng hàng không mẫu hạm, hỏa tiển, bom nguyên tử, phi cơ chiến đấu, vệ tinh nhân tạo, đồng thời dùng những thứ ấy để dọa các nước láng giềng trong vùng bao gồm Nam Triều Tiên, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân. CHNDTQ tự cho mình là sở hữu của 80% diện tích Đông Hải và các hải đảo trong vùng lưỡi bò ấy cùng với các đảo không người ở thuộc chủ quyền của Nhật. CHNDTQ hành sử như một đại cường quốc sẵn sàng đụng chạm với bất cứ quốc gia nào. Tuy vậy họ vẫn có những tính toán khôn ngoan:

1- Đối với các nước như Nam Triều Tiên và Đông Nam Á, họ chỉ cần hù dọa là có kết quả cụ thể. Họ vẽ lưỡi bò trên hộ chiếu, lập đơn vị hành chánh trên các đảo mà họ đánh chiếm của Việt Nam bằng cách xây dựng cơ sở hành chánh, đưa dân ra cư trú như đặt một chuyện đã rồi. Họ bắt giữ và phạt tiền thuyền bè các nước lân cận đánh cá trong vùng lưỡi bò hay phản đối các công ty ngoại quốc đấu thầu khai thác dầu khí trong vùng họ tự cho là thuộc chủ quyền của họ. Chuyện đơn giản là nếu vùng lưỡi bò thuộc về họ, tại sao họ lại dùng võ lực để đánh chiếm như trường hợp Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988? Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Mãn Châu là những vùng đất riêng biệt, cư dân không thuộc Hán tộc. Họ có ngôn ngữ và văn hóa riêng sao lại là "vùng bất khả tranh cãi" của Trung Hoa? Tại sao không đưa ra Tòa Án Quốc Tế mà phải dùng võ lực để xâm chiếm? Cùng một đối tượng (tự nhận chủ quyền ở Lưỡi Bò và Senkaku) mà Beijing có hai phương cách giải quyết khác nhau cho thấy CHNDTQ không trọng lý lẽ hay luật pháp quốc tế mà chỉ dựa vào sức mạnh đối với kẻ yếu hơn mình và muốn giải quyết vấn đề bằng luật pháp đối với kẻ ngang sức hay hơn sức đối với họ.

2- Đối với Nhật, quốc gia mà Trung Hoa căm thù vì đã hai lần đánh bại họ (1894, 1937) và chiếm đảo Đài Loan (hiệp ước Shimonoseki năm 1895). Năm 1945 Nhật bị bại trận và không được có kỹ nghệ nặng và quân đội nên CHNDTQ thử đòi chủ quyền trên chòm đảo đã không người ở xem phản ứng của Nhật giống Việt Nam không. Nhật không ồn ào nhưng không tỏ ra quá "lịch sự" và "biết ơn" nhưViệt Nam khi họ nhổ hồng kỳ của CHNDTQ, bắt giữ những người Trung Hoa đổ bộ lên đảo, đưa 8 phản lực cơ chiến đấu ra đuổi chiếc phi cơ của Trung Hoa Cộng Sản bay trên không phận chòm đảo Senkaku v.v… Biết khó hù dọa Nhật và khó thắng nếu dùng biện pháp quân sự, Beijing đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền Senkaku ra Liên Hiệp Quốc (14-12-2012)!

3- Đối với Hoa Kỳ, Nga, thì CHNDTQ tìm cách tránh mọi đụng chạm (nhất là đối với Nga, quốc gia tàng trữ 13.000 trái bom nguyên tử). Ngay từ năm 1969 trên lục địa Trung Hoa đã có tin cho rằng Liên Sô dọa dùng bom nguyên tử trong cuộc tranh chấp biên giới Sô-Trung. Trung Hoa Cộng Sản im lặng dù trong quá khứ xa xưa họ đã mất trên 1 triệu km2 đất đai cho Nga. Họ lại ồn ào với Nhật và các nước Đông Nam Á về những đảo đá hay san hô không người ở. Người ngang ngược không sợ người trọng pháp hay người yếu nhưng họ rất sợ người ngang ngược và bạo tợn hơn họ!

Xi Jinping đang tiếp nối công việc của Hu Jintao để diễn tuồng Lưỡi BòSenkaku hay Diaoyu Dao (Điếu Ngư Đảo). Tuồng Lưỡi Bò có kết quả nhất thời. Khối ASEAN là một khối rời rạc có trên 50 triệu công dân gốc người Hán. Cambodia, Lào tách rời khỏi Việt Nam để nghiêng theo Beijing. Thái Lan rất thực tế khi phù thịnh. Miến Điện chịu ảnh hưởng sâu đậm của CHNDTQ và cảm thấy không có liên hệ gì với Biển Đông. Việt Nam bị một mặc cảm chánh trị gì khó nói, lại còn mạnh tay đánh đập, bắt bớ và giam cầm những người biểu tình đòi chủ quyền biển, đảo. Để đương đầu với sự thiết lập cơ sở hành chánh của Trung Hoa Cộng Sản trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam đưa sáu nhà sư Phật Giáo ra đảo mà Việt Nam còn chiếm và xây dựng cơ sở! Không biết các sư ấy có liên hệ gì với chánh quyền mà được tàu Hải Quân đưa ra đảo Trường Sa? Công Tác gì? Sự kiện nầy được xem là cuộc chiến đấu đầy tính biểu tượng và triết lý "nhẫn nhục ba la mật", một thông điệp mà CHXHCNVN gởi cho dân chúng trong nước và cộng đồng thế giới. Mã Lai và Brnei im lặng mặc dù tham dự vào cuộc tranh giành chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Singapore hoàn toàn đứng ngoài cuộc. Indonesia có lập trường thập thò đưôi lươn.

Vở tuồng Senkaku hay Diaoyu Dao (Điếu Ngư Đảo) khó diễn và nguy hiểm hơn.

 

Cuộc bầu cử ở Nhật năm 2012

Trong cuộc bầu cử ngày 16-12-2012 đảng Tự Do Dân Chủ của cựu thủ tướng Shinzo Abe chiếm gần 300 ghế trong Quốc Hội. Trước đó đảng nầy chỉ có 118 ghế. Đảng Dân chủ chỉ chiếm 57 ghế so với 230 ghế trước đó; đảng Komeito: 31 ghế (trước đó chỉ có 21 ghế) và đảng Phục Hưng Nhật: 54 ghế. Như vậy ông Shinzo Abe sẽ thay Yoshihiko Noda làm thủ tướng Nhật.

Shinzo Abe là người có đường lối bảo thủ. Năm 2006 ông được xem là vị thủ tướng trẻ tuổi của Nhật thời hậu đệ nhị thế chiến. Năm 2007 ông từ chức vì có đường lối cứng rắn với Trung Hoa Cộng Sản và Triều Tiên khi thăm viếng đền Yasukuni, nơi thờ anh hùng liệt sĩ Nhật, kể cả những tướng lãnh và quân sĩ chết trong đệ nhị thế chiến. Ông chủ trương sửa đổi lịch sử Nhật trong sách giáo khoa và chống lại đề xuất dự định sửa đổi truyền thống nối ngôi dành cho hoàng tử chớ không cho công chúa lên ngôi vì đông cung thái tử Nhật không có con trai. Trong cuộc tranh cử năm 2012 Abe hứa quyết tâm bảo vệ biển đảo của Nhật và phục hồi kinh tế nước nầy sau khi Trung Hoa Cộng Sản cương quyết đòi chủ quyền trên chòm đảo Senkaku không người ở. Trung Hoa Cộng Sản không ngớt cho tàu chạy quanh đảo, cắm cờ CHNDTQ và cho phi cơ bay trên không phận chòm đảo nầy như một hành động khiêu khích và trả thù Nhật sau hai lần bị Nhật đánh bại năm 1894 và 1937 nhân ngày kỷ niệm 75 năm ngày Thảm Sát Nanjing (Nam Kinh).

Sau khi đảng Tự Do Dân Chủ thắng cử vẻ vang, ông Abe thú nhận hai vấn đề mà ông hứa và được dân chúng Nhật tin cậy là hai con đường khó khăn.

Phục hồi kinh tế để tìm lại vị trí cũ vào lúc nầy không phải là việc làm dễ dàng giữa lúc CHNDTQ vươn lên vượt bực để trở thành chủ nợ lớn của Hoa Kỳ tuy rằng lợi tức đồng niên tính theo đầu người của người dân lục địa Trung Hoa còn thấp so với lợi tức của người Hoa Kỳ hay Nhật Bản.

Trung Hoa Cộng Sản cho rằng đảo Senkaku (Diaoyu) thuộc chủ quyền của họ. Taiwan (Đài Loan) cũng khiếu nại chủ quyền trên chòm đảo đã không người ở nầy.

Năm 1879 Nhật sát nhập quần đảo Ryu Kyu (Lưu Cầu) (1) vào quần đảo Nhật.  Đó là phủ Okinawa. Ryu Kyu là một vương quốc nhỏ từng triều cống cho cả Nhật lẩn Trung Hoa. Trong thời kỳ canh tân nước Nhật quần đảo nhỏ nầy trở thành lãnh thổ ở cực nam nước Nhật. Nhật cho rằng họ đã sát nhập đảo Senkaku vào lãnh thổ của họ (phủ Okinawa) ngày 14-01-1895, nghĩa là vài tháng trước khi Nhật-Trung hiệp ước được ký kết ở Shimonoseki sau khi Trung Hoa bị Nhật đánh bại năm 1894 trên bán đảo Triều Tiên. Theo hiệp ước nầy Trung Hoa phải nhường đảo Taiwan (Đài Loan) cho Nhật. Hiệp ước không đề cập đến chòm đảo Senkaku. Năm 1945 Nhật bại trận nên phải trao trả đảo Taiwan lại cho chánh phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Chiang Kaishek đứng đầu theo hiệp ước Potsdam và hiệp ước San Francisco 1951. Trung Hoa Quốc Dân Đảng lo ổn định tình hình trên đảo Đài Loan nên không tham dự hội nghị San Francisco năm 1951. Trung Hoa Cộng Sản không được mời dự hội nghị, nhưng cả Trung Hoa Dân Quốc của Taiwan lẩn CHNDTQ không hề lên tiếng về hiệp ước San Francisco, hoàn toàn không có đề cập chòm đảo Senkaku. Quân Hoa Kỳ chiếm đóng Okinawa, được xem như bao gồm luôn cả các đảo Senkaku mà người Trung Hoa gọi là Diaoyu (Điếu Ngư) và Taiwan gọi là Tiaoyutai (Điếu Ngư Đài). Năm 1972 Hoa Kỳ trả lại Okinawa cho Nhật bao gồm luôn cả đảo Senkaku.

Chòm đảo Senkaku có 8 đảo đá tổng cộng chỉ được 7km2. Đảo nhỏ nhất rộng 800 m2. Đảo lớn nhất rộng 4,32 km2. Cho đến hậu bán thế kỷ XIX Senkaku được xem là Terra nullius, từ nguyên tiếng La Tinh có nghĩa là đất không có người ở. Từ năm 1884 đến 1940 trên đảo có 200 người sinh sống nhờ có hãng Katsuobushi phơi khô và sấy cá ngừ. Koga Tatsushiro là người được phép khai thác cá ngừ trên chòm đảo nầy. Sau nầy con cháu Koga Tatsushiro bán các đảo đá cho gia đình Kurihara. Năm 1978 Nhật thiết lập một hải đăng trên đảo. Năm 2012 chánh phủ Nhật mua lại 3 đảo đá của gia đình Kurihara với giá 26 triệu Mỹ kim để biến 8 đảo Senkaku thành quốc thổ.

Năm 1953 Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc xem Senkaku thuộc Nhật Bản. Chánh phủ Nhật đưa bằng chứng về sự nhìn nhận Senkaku thuộc chủ quyền của Nhật qua bản đồ Trung Hoa năm 1920 (2) tại tòa Lãnh Sự của Trung Hoa ở Nagasaki. Tờ Washington Post cho biết trong bản đồ của CHNDTQ năm 1969 không có ghi chòm đảo Senkaku. Năm 2009, sau khi không còn làm tổng thống Taiwan (Đài Loan), ông Li Teng Hui (Lý Đăng Huy) tuyên bố trong chuyến viếng thăm Nhật Bản rằng đảo Senkaku thuộc Okinawa của Nhật.

Senkaku được quan tâm và trở thành đề tài tranh chấp hay thương thuyết vì đó là lãnh thổ của Nhật. Nhật phải có bổn phận bảo vệ nó.

Cả hai đều có vẻ cương quyết. Chỉ cần một bên có hành động khiêu khích và có một bên nổ súng trước thì chiến tranh có thể bùng nổ vì những đảo đá không người ở nầy. Người ta cho rằng vùng biển quanh đảo có nhiều cá và có khả năng có nhiều dầu khí như Liên Hiệp Quốc cho biết từ năm 1968! Hư thực ra sao chưa rõ, chỉ biết rằng chiếm được chòm đảo nhỏ nầy thì sự dòm ngó vào Taiwan và Okinawa đươc dễ dàng.

Trung Hoa Cộng Sản vừa mới phát khởi về kinh tế và quân sự đã vội vàng hành sự như ông chủ thế giới phát lịnh cho các chư hầu. Đất, biển, đảo của người ta dù xa hay gần cũng là của Beijing (Bắc Kinh)! Nơi nào có người Hán đi qua là của Trung Hoa. Nước nào triều cống Trung Hoa là quận, huyện của Trung Hoa. Ai tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma hay nói Taiwan là Trung Hoa Dân Quốc là kẻ thù của Beijing. Trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên chòm đảo Senkaku, dân Trung Hoa lục địa đánh phá tài sản người Nhật làm ăn trên xứ họ và hành hung kiều dân Nhật ngoài đường. Những hành động hung hãn và thô bạo đó được xem là thể hiện lòng yêu nước. Nhưng họ ra lịnh cho chánh quyền Cộng Sản Việt Nam phải dập tắt mọi cuộc biểu tình của thanh niên Việt Nam đòi giành lại chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị Trung Hoa Cộng Sản xâm chiếm bằng bạo lực. Lịnh ấy được công an CHXHCNVN thi hành nghiêm chỉnh.

Các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam không ngớt khoe mình làm xuất sắc trong việc thực thi Bốn Tốt và 16 Chữ Vàng đối với CHNDTQ. Công an Trung Hoa Cộng Sản ra sức đàn áp mạnh bạo nhắm vào các người Tây Tạng tự thiêu chống lại sự xâm lăng và chiếm đóng cũng như phá hủy văn hóa Tây Tạng của Cộng Sản Trung Hoa. Chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được hiệp ước San Francisco năm 1951 công nhận. Sự dương oai diệu võ của Trung Hoa Cộng Sản được xem là liều thuốc kích thích lòng tự hào của dân tộc Hán hầu khỏa lấp những bất công xã hội, tương phản Giàu-Nghèo do tham nhũng, hối lộ và lạm dụng quyền thế của nhà cầm quyền Cộng Sản gây ra trong nước. NẾU Trung Hoa Cộng Sản gây chiến ở Biển Đông hay ở Đông Bắc Á để độc chiếm biển, đảo ở Tây Thái Bình Dương, khả năng thắng trận của họ thật sự không cao như họ tưởng. Bại trận đồng nghĩa với sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam và Bắc Hàn. Tệ hại hơn, nước Trung Hoa có thể nhỏ hẹp lại giữa lúc dân số vẫn tiếp tục gia tăng. NẾU Việt Nam là đồng minh của họ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc hải phận Việt Nam có thể đặt dưới sự kiểm soát hay khai thác quốc tế trong một thời hạn nào đó.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

___________
Chú thích:

(1) Nhà cách mạng Phan Bội Châu (Sào Nam) có viết quyển Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư trong thời gian sống ở Nhật để vận động sự giúp đỡ của Nhật hầu chống Pháp. Do đâu dân Lưu Cầu (Ryu Kyu) chịu sự thống khổ như quyển sách trình bày? Không biết chánh quyền Nhật thời ấy có đọc quyển sách nầy hay không (viết bằng chữ Hán và có lẽ không có phương tiện xuất bản trên đất Nhật). Nếu có, chắc chắn họ không ủng hộ Phong Trào Đông Du của Phan Bội Châu. Trên thực tế họ không giúp gì cho Phong Trào vì thấy không có lợi, nhất là sau khi Nhật ký thương ước với Pháp năm 1907 để vay tiền vì ngân sách quốc gia thâm hụt do cuộc chiến tranh Nga-Nhật (1904, 1905) gây ra.

(2) Vào năm 1920 Chiang Kaishek chưa thống nhất Trung Hoa. Từ năm 1912 đến 1928 chánh phủ Cộng Hòa Trung Hoa gọi là chánh phủ Bắc Dương (Bei Yang) do Yuan Shikai (Viên Thế Khải) và các quân nhân nắm giữ. Các tướng lãnh nầy đều thân Nhật. Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) là linh hồn của cách mạng Tân Hợi (1911). Nhưng người hưởng kết quả của cách mạng là Yuan Shikai và các tướng lãnh dưới quyền ông ở miền Bắc.

 


Cái Đình - 2013