Phạm Ðình Lân
Nhân vật số 2 Bắc Hàn, Dượng Rể và Nhiếp Chánh triều đại cộng sản họ Kim bị hành quyết
…Truyền thông Bắc Hàn lên án Jang Song Thaek phản quốc, bán rẻ tài nguyên Bắc Hàn cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc như là một lời tuyên chiến với CHNDTQ. Cái chết của Jang Song Thaek tựa như chiếc cầu nối liền Bắc Hàn với CHNDTQ bị gãy. Lời tố cáo Jang Song Thaek bán than đá và sắt cho CHNDTQ với giá rẻ mạt cũng giống như sự phản đối của một số nhà trí thức Việt Nam về việc chánh phủ Hà Nội cho CHNDTQ khai thác bauxite trên cao nguyên vậy…
***
Hình: Jang Song Thaek (trái) bắt tay Hồ Cẩm Ðào
trong chuyến công du Trung Quốc năm 2012. (Reuter)
Vương triều Cộng Sản Bắc Hàn do Kim Il Sung thành lập năm 1948 đến nay trải qua ba “quân vương”: Kim Il Sung (1912 - 1994), Kim Jong Il (1942 - 2011) và Kim Jong-Un (1983 - ). Năm 2011 Kim Jong Il chết, Kim Jong Un được chọn lên ngôi. Kim Jong Un học ở Thụy Sĩ, còn trẻ và không có kinh nghiệm chánh trị lẫn quân sự mặc dù là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương và mang cấp bậc đại tướng rồi thống chế. Trong lúc bị bịnh, Kim Jong Il chỉ định em rể là Jang Song- Thaek làm nhiếp chánh, hướng dẫn cho Kim Jong Un trong việc củng cố quyền hành và trị quốc bằng chánh sách độc tài dựa trên sắt thép và sự đẫm máu như Kim Il Sung và Kim Jong II đã thực hiện thành công.
Jang Song Thaek (có nơi ghi là Chang như là họ Trương ở Trung Hoa) sinh năm 1946 ở Kangwando trong một gia đình nghèo. Ông là người thông minh, có dáng bề ngoài dễ nhìn. Ông được nhận vào trường trung học mang tên lãnh tụ Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), trường trung học cao quí nhất của Bắc Hàn. Người con gái út của nhà độc tài Kim Il Sung yêu hàn sĩ Jang Song Thaek. Kim Il Sung không tán thành mối tình bất tương đồng giai cấp này. Jang Song Thaek bị đuổi khỏi trường Kim Il Sung để học trường khác. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Jang Song Thaek du học ở Moscow từ năm 1968 đến 1972. Về nước, ông cưới ái nữ của nhà độc tài Bắc Hàn, bà Kim Kyong Hui, cô út của nhà độc tài Kim Jong Un hiện nay. Hai người có một con gái là Jang Kum Sung. Cô này học ở Paris, có một người yêu nhưng bị gia đình phản đối và gọi cô về nước. Thất vọng, cô không về Bắc Hàn mà tự tử chết năm 2006 khi mới 29 tuổi.
Giữa Jang Song Thaek và gia đình họ Kim có duyên lẫn nợ. Cuộc tình giữa ông và Kim Kyong Hui trắc trở ngay từ buổi đầu. Người phản đối là người uy quyền nhất ở Bắc Hàn. Nhưng Jang không bị nhà độc tài bức tử mà còn sống, đi học ở Liên Sô và về nước cưới người đẹp trong gia đình đầy quyền uy nhất nước. Ông được đưa vào đảng Lao Ðộng Triều Tiên và được vào Ủy Ban Trung Ương đảng năm 1992. Ông được xem là một người có khả năng kinh tế, tài chánh. Ông tạo ra nhiều tiền nhờ những công trình kiến thiết. Năm 2001 không biết vì lý do gì người ta không thấy ông xuất hiện trước công chúng. Có tin cho rằng ông bị đưa vào trại lao động cải tạo. Có tin khác cho rằng ông bị quản thúc tại gia vì lý do gì cho đến giờ không ai rõ.
Năm 2006 Jang Song Thaek lại tái xuất hiện. Lần nầy ông được nhà độc tài Kim Jong Il tín nhiệm và trao nhiều quyền hành. Kim Jong Il cần ông ta vì ông là em rể và vì kinh tế của Bắc Hàn cạn kiệt nên cần đến khả năng làm kinh tế của Jang Song Thaek. Vả lại sức khỏe của Kim Jong Il (Kim Chánh Nhật) rất kém. Ông cần một người có liên hệ với gia đình họ Kim để phụ giúp cho con ông trong việc trị quốc một khi ông qua đời. Kim Jong Il có đủ thứ bịnh trong người. Ông không dám đi phi cơ. Năm 2008 ông bị vỡ mạch máu phải nằm bất động, sau một thời gian điều trị mới đi đứng được nhưng rất khó khăn. Tháng 12 năm 2011 Kim Jong Il mất. Jang Song Thaek trở thành nhân vật số 2 ở Bắc Hàn. Ông là phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương với quân hàm đại tướng mặc dù ông là một người dân sự. Ông đi sau Kim Jong Un bên cạnh quan tài của Kim Jong Il. Ông trở thành “nhiếp chánh” cho “tân vương” họ Kim được “phụ hoàng” Kim Jong Il phong đại tướng khi còn sống.
“Vương triều” họ Kim ở Bắc Hàn tôn thờ khẩu hiệu: Vô Ðộc Bất Trượng Phu. Vị lãnh tụ trẻ Tây học họ Kim nối chí cha, ông khi dùng sắt máu để củng cố ngôi vị và dùng sự đói khát của dân chúng để vĩnh cửu quyền uy. Năm 1994 Kim Jong Il lên cầm quyền ở Bắc Hàn. Năm 1995 có hàng trăm viên chức cao cấp ở Bắc Hàn bị loại ra khỏi chánh quyền. Vài chục người bị xử tử. Ðệ Lục Quân Ðoàn bị thanh trừng. Hai mươi sĩ quan cao cấp bị hành quyết vì bị buộc tội âm mưu đảo chánh!
Kim Jong Un theo gương cha dùng sắt máu để răn đe những người nuôi ý định lật đổ hay thay thế ông bằng cách này hay cách khác. Là một người trẻ từng học ở Thụy Sĩ nhưng ông lại có nhiều đặc tính của các nhà độc tài khét tiếng trên thế giới như Saddam Hussein, Stalin và Mao Zedong (Mao Trạch Ðông). Năm 2012 Kim ra lịnh xử tử thứ trưởng bộ Quốc Phòng, tướng Kim Choi vì đã uống rượu với các nữ quân nhân trong thời kỳ ba tháng chịu tang và thương nhớ lãnh tụ Kim Jong Il đã qua đời. Nhiều sĩ quan bị xử tử bằng cách cho nã đạn đại bác quanh nơi họ bị cột. Kim Jong Un cách chức tướng Ri Yong Ho, vị tướng chỉ huy quân đội Bắc Hàn, bằng một thông báo không cần nêu lý do. Bốn mươi lăm phần trăm các viên chức cao cấp trong nước gồm những quân nhân và đảng viên thâm niên đảng vụ bị cách chức. Trong số nầy có nhiều người bị hành quyết. Một ca sĩ nổi tiếng, Hyon Song Wol, tình nhân cũ của Kim Jong Un, và 11người khác, trong đó có một sĩ quan là chồng của Hyon Song Wol, bị xử tử vì diễn phim khiêu dâm theo lời buộc tội của chánh quyền Bắc Hàn. Thân nhân những người bị xử tử bị bắt buộc phải đến xem cảnh xử bắn. Dư luận cho rằng đây là một vụ ganh ghét giữa vợ của Kim Jong Un là Ri Sol Ju và ca sĩ Hyon Song Wol vì vợ của Kim cũng là một ca sĩ cùng ban nhạc với Hyon Song Wol. Vào tháng 9 năm 2013 Kim Jong Un ra lịnh giết trên 80 người Bắc Hàn chỉ vì xem phim của Nam Hàn!
Ðầu tháng 11 năm 2013 Kim Jong Un cho xử tử hai cộng sự viên đắc lực của Jang Song Thaek là Lee Yong Ha và Jang Soo Kee vì tội tham nhũng, theo tin của Pyong Yong (Bình Nhưỡng). Sau đó lại có tin hai người nầy bị xử tử vì lạm quyền và tổ chức phe phái trong đảng để phá vỡ hệ thống tổ chức đảng Lao Ðộng Triều Tiên. Ðến cuối tháng 11 Jang Song Thaek bị tước đoạt mọi danh tước mà ông có với tư cách chủ tịch Quân Ủy Trung Ương , đại tướng, Ủy Viên Bộ Chánh Trị đảng Lao Ðộng Triều Tiên, “nhiếp chánh” v.v… Một bức ảnh chụp ông bị hai người công an bắt rời khỏi ghế ngồi trong một phiên họp đảng. Bức ảnh được tung ra ngoài cho cả thế giới biết khiến cho các quan sát viên chánh trị quốc tế ngạc nhiên vì từ trước đến giờ mọi sự thanh trừng và thủ tiêu chánh trị ở Bắc Hàn đều được giữ bí mật. Sáng ngày 13-12-2013 Thông Tấn Xã Trung Ương Triều Tiên loan tin Jang Song Thaek bị tòa án quân sự tuyên án tử hình và ông đã bị hành quyết.
Tin một nhân vật số 2 trong một quốc gia Cộng Sản khép kín với thế giới bên ngoài bị xử bắn làm cho cả thế giới sửng sốt. Chánh phủ Seoul của Nam Hàn gọi Bắc Hàn là “đế quốc khủng bố”. Các quan sát viên Tây Phương cho rằng cảnh ông Jang Song Thaek bị công an kẹp tay dẫn ra khỏi phòng họp đảng làm cho người ta nhớ đến cảnh Saddam Hussein thanh trừng đảng viên Baath năm 1979 bằng cách dẫn từ người bị thanh trừng ra khỏi phòng họp và đưa sang phòng kế bên. Một tiếng súng nổ cho biết có một người vừa bị hành quyết và ngã gục. Có người liên tưởng đến cách xử tử các nhân vật chánh trị Cộng Sản trên lục địa Trung Hoa thời Cách Mạng Văn Hóa do Mao Zedong (Mao Trạch Ðông ) và người vợ thứ ba của ông là Jiangping (Giang Thanh) phát động từ năm 1966 đến 1976. Ðài truyền thanh và truyền hình Bắc Hàn gọi Jang Song Thaek “tệ hơn chó” giống như cách dùng chữ của Hồng Vệ Binh thời Mao Zedong và biệt danh “chó điên, phản động, phản đảng, phản cách mạng” mà Stalin gán cho những đối tượng bị ông thanh trừng vào thập niên 1930.
Khi mới có tin Jang Song Thaek bị mất chức, người ta được biết ông bị buộc tội tham nhũng, nhậu nhẹt, có nhiều quan hệ tình dục với phụ nữ, lấy 4,6 triệu Mỹ kim của công để đánh bạc. Nếu chỉ có vậy mà xử tử một người đóng vai trò chánh trị số 2 trong nước, người đóng vai “nhiếp chánh” cho lãnh tụ Kim Jong Un suốt hai năm qua đồng thời là chồng của người cô út của lãnh tụ thì có vẻ quá đáng. Cách đó một tháng hai cộng sự viên đắc lực của Jang Song Thaek đã bị xử tử vì tham nhũng (?). Một cáo buộc khác là ông Jang Song Thaek có hành vi phản đảng, phản cách mạng và phá hoại kinh tế quốc gia. Ông bán than đá, sắt và khoáng sản cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) với giá rẻ mạt. Năm 2012 ông đại diện Bắc Hàn sang gặp chủ tịch CHNDTQ là Hu Jintao (Hồ Cẩm Ðào) để CHNDTQ lập đặc khu kinh tế và thương mại trên cảng Rason (trên Nhật Hải) và đảo Hwanggumphyong và Wihwa. Hải sản của Bắc Hàn được bán cho CHNDTQ, quốc gia đồng minh thân thiết của Bắc Hàn và ông Jang Song Thaek cũng là người có nhiều thiện cảm với quốc gia nầy. Ông cũng muốn cải cách kinh tế Bắc Hàn theo gương CHNDTQ. Trong lời khai của Jang Song Thaek trong phiên tòa quân sự thì ông xác nhận có âm mưu móc nối với quân đội để đảo chánh. Không biết sự thật của lời khai nầy đúng đến tỷ lệ nào hay bị áp lực phải khai như vậy hay chánh quyền Pyong Yong đưa ra như vậy, nhưng thật ra chưa chắc đã có lời khai như vậy. Dù thế nào đi nữa Kim Jong Un cũng lo sợ bị lật đổ. Ông muốn củng cố địa vị và chứng tỏ uy quyền trong cũng như ngoài nước.
Việc các nhiếp chánh lấn áp vua hay thoán nghịch ngôi vua là chuyện thường xảy ra trong lịch sử loài người. Năm 945 Dương Tam Kha, con của Dương Diên Nghệ và em vợ của Ngô Quyền, thoán ngôi của cháu là Ngô Xương Ngập khi làm nhiếp chánh. Các nhiếp chánh Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lấn áp các vua Dục Ðức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc sau năm 1883 và chủ động trong cuộc binh biến năm 1885 thay cho vua Hàm Nghi.
Khi Kim Jong Il còn sống và chọn con thứ là Kim Jong Un làm phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, ông Jang Song Thaek có vẻ không vui. Ông đứng vậy một cách uể oải và vỗ tay một cách miễn cưỡng để chào đón quyết định nầy. Việc liên lạc thường xuyên với Beijing, việc nắm giữ guồng máy kinh tế trong nước làm cho thanh thế của ông lớn mạnh trong đảng Lao Ðộng Triều Tiên lẫn trong chánh quyền. Ông là đại tướng, người nắm quyền lợi kinh tế quốc gia và được cảm tình của Beijing, theo đường lối Beijing dưới danh nghĩa cải cách kinh tế rất hợp lý vì kinh tế Bắc Hàn bệ rạc, nạn đói đe dọa thường xuyên. Jang Song Thaek cũng theo đường lối chánh trị của Beijing chống lại việc Bắc Hàn thí nghiệm hỏa tiễn, bom nguyên tử. Kim Jong Un không tin ông có ý cứu dân khỏi đói bằng cách không sản xuất hỏa tiễn hay bom nguyên tử mà cho rằng ông chỉ ngả theo Beijing vì tham vọng quyền hành và lợi lộc kinh tế. Có tin cho rằng ông Jang muốn làm thủ tướng và lãnh đạo đảng để cải cách Bắc Hàn theo gương CHNDTQ. Dưới mắt các nước Tây Phương, Jang Song Thaek là người cải cách. Cái chết của ông cho thấy Bắc Hàn vẫn giữ đường lối bảo thủ. Hoa Kỳ, Nhật, Triều Tiên theo dõi những biến động ở Bắc Hàn để đề phòng những biến động quân sự bất ngờ dọc theo vĩ tuyến 38.
Jang Song Thaek mang quân hàm đại tướng nhưng không phải là một nguyên nhân. Sự biến mất của ông là sự thắng lợi của phe quân nhân bảo thủ. Ðại Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ (còn 28.500 quân ở phía nam vĩ tuyến 38) vẫn phải lo sợ Bắc Hàn tiếp tục chương trình sản xuất bom nguyên tử.
Nhưng quốc gia quan tâm nhiều đến việc hành quyết Jang Song Thaek là CHNDTQ. Jang Song Thaek là người liên lạc thường xuyên rất thân thiện với Beijing. Ông muốn theo đường lối của Beijing và đã cùng CHNDTQ lập Ðặc Khu Kinh Tế và Thương Mại Rason và trên đảo Hwangumphyong và Wihwado. Truyền thông Bắc Hàn lên án Jang Song Thaek phản quốc, bán rẻ tài nguyên Bắc Hàn cho CHNDTQ như là một lời tuyên chiến với CHNDTQ. Beijing giả vờ giữ sự bình tĩnh khi cho rằng không can dự vào chuyện nội bộ của Bắc Hàn. Cái chết của Jang Song Thaek tựa như chiếc cầu nối liền Bắc Hàn với CHNDTQ bị gãy. Lời tố cáo Jang Song Thaek bán than đá và sắt cho CHNDTQ với giá rẻ mạt cũng giống như sự phản đối của một số nhà trí thức Việt Nam về việc chánh phủ Hà Nội cho CHNDTQ khai thác bauxite trên cao nguyên vậy.
Năm 1994 Kim Jong Il nắm chánh quyền ở Bắc Hàn. Lúc ấy Liên Sô đã sụp đổ. Bắc Hàn không còn trông cậy vào viện trợ của Liên Sô nên phải đi lại Beijing thường xuyên để cầu viện. Kim Jong Un có vẻ ngông nghênh đối với Beijing. Vị lãnh tụ trẻ nầy không sang Beijing như ông nội và cha. Kim Jong Un không nghe lời Beijing, ngừng bắn thử hỏa tiễn và ngừng thí nghiệm bom nguyên tử. Tại Liên Hiệp Quốc, CHNDTQ bỏ phiếu trừng phạt Bắc Hàn! Bắc Hàn có hành động gây hấn với Ðại Hàn và Hoa Kỳ để Hoa Kỳ mang thêm võ khí và phi cơ bám sát vào Bắc Hàn và lục địa Trung Hoa. Từ ngày nhậm chức ở Bắc Hàn đến nay, Kim Jong Un chưa sang Beijing lần nào. Cuối năm 2012 Kim muốn sang Beijing nhưng bị làm nhục. Có phải chăng Beijing nghĩ đến con cờ Jang Song Thaek có giá trị hơn Kim? Sự hoài nghi của Kim Jong Un đối với Beijing càng lúc càng gia tăng. Một người anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un là Kim Jong Nam, người đáng lý kế nghiệp Kim Jong Il nhưng bị phế vì làm hộ chiếu giả để du lịch sang Nhật, hiện sống ở Macao. Ðó cũng là một sự đe dọa cho địa vị lãnh đạo của Kim Jong Un ở Bắc Hàn. Sau ngày xử tử Jang Song Thaek có hai phó thủ tướng Bắc Hàn xin tỵ nạn trên lục địa Trung Hoa. Dù vậy báo chí CHNDTQ kêu gọi Xi Jinping (Tập Cận Bình) mời Kim Jong Un viếng thăm Beijing để hàn gắn bang giao giữa hai nước đang có sứt mẻ.
Kinh tế Bắc Hàn suy lụn. Nội bộ rạn nứt. Kim Jong Il lên cầm quyền năm 1994 sau khi nắm các chức vụ lãnh đạo chánh trị, kinh tế và ngoại giao. Vì đảm nhận chức vụ đại sứ ở Ðông Âu, Kim Jong Il phải học tiếng Anh. Ông có vây cánh trong nước và kinh nghiệm lãnh đạo trong khi Kim Jong Un chỉ là một sinh viên được phong đại tướng, sau đó lãnh đạo đảng Lao Ðộng, lãnh đạo Bắc Hàn. Kim Jong Un gây khá nhiều kẻ nội thù và tạo sứt mẻ với CHNDTQ. Sự ổn định của Bắc Hàn rất khó tiên liệu giữa lúc kinh tế nước nầy có nguy cơ dẫn đến nạn đói như đã từng xảy ra ở Bắc Hàn năm 1995, 1996, 1997; nội bộ phân hóa; sự bất mãn, oán ghét và ghê tởm chế độ đạt đỉnh cao giữa lúc Bắc Hàn bị cô lập, lại có quan hệ không mấy tốt đẹp với CHNDTQ, quốc gia cung cấp thực phẩm cho Bắc Hàn.
Ba nước Á Châu chịu ảnh hưởng nặng nề của CHNDTQ là Việt Nam, Bắc Hàn và Miến Ðiện. Miến Ðiện tìm cách lánh xa CHNDTQ từ năm 2010. Kim Jong Un có đủ bản lĩnh theo gương Miến Ðiện không? - Rất khó. Bàn tay đầy máu của người lãnh tụ trẻ nầy đã cô lập ông ta với thế giới bên ngoài. Ông ta cần củng cố quyền hành chớ có cần cứu đói cho dân chúng Bắc Hàn đâu. Nhưng người thay thế ông ta có thể làm được chuyện đó nếu vị nầy không do Beijing đưa ra. Beijing sẵn sàng ủng hộ họ Kim bám giữ quyền hành dưới dạng chế độ “quân chủ Cộng Sản” với một số điều kiện như họ đã từng đưa ra để ủng hộ những nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam. Sự sụp đổ của vương triều Cộng Sản Á Châu nầy cũng không phải là chuyện viển vông không thể xảy ra. Người Việt Nam có câu:
Sống khôn, thác thiêng.
Khi sống, Bắc Hàn gây rối trong vùng. Khi chết, chắc chắn phần đất nầy cũng gây rối không ít cho các nước láng giềng vì cảnh “bò ngã nhiều gã cầm dao”.
Phạm Ðình Lân, F.A.B.I.